Sức Mạnh Của Lòng Từ

Sức Mạnh Của Lòng Từ

Vương Thị Xuân 66

Vanya Kewley ghi chép

Tôi thức dậy đúng bốn giờ, tôi bắt đầu một thời công phu khuya thọ trì thần chú Ngagjhinlab. Tôi nguyện hiến dâng những gì tôi làm được trong suốt một ngày qua hành động, lời nói, ý nghĩ của tôi, tất cả như một sự cống hiến, một phương cách sống tích cực để giúp đỡ người khác.Giống như những tăng sĩ khác, tôi nghiêm trì một lời phát nguyện an bần thủ đạo, không sở hữu bất cứ thứ gì thuộc về cá nhân.

Phòng ngủ của tôi chỉ có một cái giường, và hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy sau khi thức dậy là khuôn mặt của Đức Phật từ pho tượng có từ thời Kyirong thế kỷ thứ 17, bức tượng này là một trong số rất ít mà tôi mang theo được khi đào thoát khỏi sự báng bổ của Trung Quốc. Khí trời lạnh khi tôi thức dậy, vì chúng tôi đang ở trên độ cao 7000 bộ, nên tôi tập thể dục một chút cho ấm, tiếp đó rửa mặt và khoác thật nhanh chiếc y vào người.

Cũng như tất cả tăng sĩ khác, tôi mặc y màu nâu đỏ thẫm. Loại vải này không làm từ chất liệu tốt, và chiếc y được chắp vá lại từ nhiều mảnh. Nếu vải được làm từ vật liệu tốt và liền một mảnh thì có thể bán để kiếm lợi, sự kiện này không thể xảy ra cho các tăng sĩ. Điều đó củng cố thêm triết học của chúng tôi trong việc loại bỏ sự đắm nhiễm vật chất của thế gian trong đời sống tu tập của mình.

Tôi hành thiền cho đến năm giờ rưỡi và lễ Phật sau đó. Chúng tôi có một pháp tu tập đặc biệt để nhắc nhở, quán xét về những lỗi lầm của chính mình trong đời sống và phát lồ sám hối những gì đã vi phạm và cũng như nguyện cầu cho chúng sinh được an lạc.

Trời hừng đông, nếu thời tiết tốt, tôi ra thăm khu vườn. Đây là thời gian rất đặc biệt trong ngày đối với tôi. Tôi nhìn lên bầu trời và thấy những ngôi sao ở xa xa, tôi có một cảm giác thật kỳ lạ, nhận ra tính không của vũ trụ vạn hữu. Sự nhận thức này được người đệ tử Phật gọi là vô thường. Tôi cảm thấy dễ chịu và rất thư giãn. Đôi lúc tôi không suy nghĩ gì cả, chỉ thích thọ hưởng cái không khí trong lành của buổi ban mai và lắng nghe những ngôn ngữ của các loài chim.

Tiếp đó, Thầy Penjor hay Thầy Loga, xuất thân từ Tu Viện Namgyal, những vị đã sống bên cạnh tôi từ 28 năm qua, mang thức ăn điểm tâm cho tôi. Thực đơn bữa sáng của tôi thường pha trộn một nửa Tây Tạng và nửa kia là Tây Phương, Tsampa, bánh mì làm từ lúa mạch và cháo. Tôi vừa ăn sáng và vừa bận rộn lắng nghe tin tức thế giới qua chương trình radio của đài BBC.

Sau đó khoảng sáu giờ tôi vào một phòng khác và hành thiền đến chín giờ. Xuyên suốt giờ hành thiền, tất cả đệ tử Phật đều nỗ lực và phát triển lòng từ bi, bao dung và tha thứ. Tôi hành thiền khoảng sáu hoặc bảy lần trong một ngày.

Từ chín giờ cho đến trưa, tôi đọc và học kinh Phật. Đạo Phật là tôn giáo rất uyên thâm, mặc dù tôi đã nghiên cứu Phật điển suốt cả cuộc đời mình, nhưng vẫn còn có nhiều thứ để học. Đau đớn thay cho dân tộc của chúng tôi, những bản kinh cổ và những bản kinh chép tay đã bị người Trung Quốc hủy diệt hết sạch. Trước khi có sự xâm chiếm của người Trung Quốc, chúng tôi đã có trên 6000 tự viện và Phật học viện. Bây giờ chỉ còn 37 tự viện mà thôi.

Mot ngay sinh hoat cua Duc Dat Lai Lat Ma 3

Tôi cũng cố gắng đọc những tài liệu về các bậc Thầy người Tây Phương. Tôi muốn học thêm về triết học và khoa học Tây Phương. Đặc biệt là môn vật lý hạt nhân, thiên văn học và sinh vật thần kinh học. Các nhà khoa học Tây Phương thường viếng thăm và thảo luận cùng với tôi về mối liên hệ giữa triết học Phật giáo và các ngành chuyên môn của họ, hoặc so sánh công việc của họ trên chức năng trí óc và kinh nghiệm tu tập của người Phật tử ở những trình độ khác nhau.

Tôi thường thức dậy và sau giờ hành thiền, tôi giải lao bằng cách đi làm những việc lặt vặt như nạp điện cho máy thu thanh, sửa chữa một cái gì đó. Từ tuổi ấu thơ tôi bị quyến rũ mãnh liệt với những thứ thuộc về cơ khí, những đồ chơi có gắn động cơ, những chiếc xe hơi nhỏ, những chiếc máy bay, những đồ vật này thường được khảo sát rất tỉ mỉ qua bàn tay của tôi. Chúng tôi có một máy chiếu phim tại thủ đô Lhasa, nó thuộc về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Chiếc máy này được một lạt ma gốc người Trung Quốc coi ngó, nhưng khi vị này viên tịch không ai biết sửa chữa.

Vì thế tôi phải tự học cách làm thế nào để chiếc máy có thể làm việc trở lại. Nhưng cái học của tôi là tự mày mò, vì đơn giản tôi không đọc được bản hướng dẫn. Tôi chỉ nói được tiếng Tây Tạng. Vì thế, như một thói quen tôi hay làm việc vặt như sửa những thứ linh tinh như đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn hoặc trồng cây trong nhà kính. Tôi yêu cỏ cây hoa lá nói chung, đặc biệt các loại hoa phi yến, hoa uất kim hương và theo dõi chúng lớn lên mỗi ngày.

Đúng mười hai giờ rưỡi trưa, tôi dùng ngọ trai. Tôi không phải là người ăn chay mặc dù tôi thích ăn lắm. Tôi ăn những thứ mà tôi được cho. Đôi khi có món thupka, súp với bánh mì, thỉnh thoảng có món momo, bánh bao với thịt hấp, và skabaklep, bánh mì chiên với nhân thịt bên trong.

Buổi chiều tôi có cuộc họp chính thức với các thành viên nội các của chính phủ Tây Tạng lưu vong (Bka’zhag) hoặc các đại diện từ các cơ quan khác của chính phủ. Nhưng thường thì có những người đến từ Tây Tạng, có hoặc không có giấy phép của chính quyền Trung Quốc. Hầu hết họ đều trốn chạy khỏi Tây Tạng, họ đã dũng cảm băng qua những đường đèo cao vút của dãy Hy Mã Lạp Sơn ở độ cao mười bảy ngàn bộ.

Đó là điều đau đớn cho tôi. Tất cả những câu chuyện của họ là đau buồn và đầy nước mắt. Ai cũng kể cho tôi nghe chuyện người thân của họ bị người Trung Quốc sát hại hoặc chết trong lao tù hoặc chết ở những trại cải tạo lao động. Tôi cố gắng khuyến khích họ và giúp đỡ một cách rất thực tế để họ ổn định đời sống ban đầu, phần lớn họ đến đây đều thiếu thốn mọi thứ và sức khỏe suy sụp.

Họ thường đem con cháu của họ đến đây. Họ cho tôi biết đó là con đường duy nhất họ có thể học được tiếng mẹ đẻ Tây Tạng, truyền thống văn hóa và tín ngưỡng ở nơi đây mà thôi. Chúng tôi gởi những trẻ em vào làng thiếu nhi Tây Tạng. Những thanh niên lớn hơn muốn trở thành tăng sĩ thì được gởi vào tu viện của chúng tôi ở miền nam Ấn Độ.

Mặc dù nhân dân Tây Tạng muốn tôi trở về cố hương, nhưng tôi nhận được tin tức từ trong nước là tôi không nên trở về quê nhà trong hoàn cảnh hiện tại. Họ không muốn tôi làm một kẻ bù nhìn của người Trung Quốc như Lama Panchen. Ở đây trong thế giới tự do, tôi có thể làm ích lợi hơn cho dân tộc tôi như là một phát ngôn nhân, nói lên tiếng nói tự do cho dân tộc tôi. Tôi có thể phục vụ tốt hơn cho xứ sở tôi từ nước ngoài.

Mot ngay sinh hoat cua Duc Dat Lai Lat Ma 2

Đôi khi Jetsun Pema, em gái tôi, người hoạt động trong làng thiếu nhi Tây Tạng, đến để thảo luận về công việc của làng. Như tất cả các tăng sĩ khác, tôi không gặp nhiều thành viên trong gia đình, cha mẹ tôi qua đời, người anh lớn hơn tôi, Thubten Norbu, là một giáo sư Tạng Ngữ Đại Học Bloomington, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ và Gyalo Thondup, một thương gia đang làm việc ở Hồng Kông.

Buồn thay, người anh kế tôi, Lobsang Samden (xem hình bên dưới) đã mất cách đây hai năm. Chúng tôi rất thân với nhau. Anh ấy từng sống, học và chia sẻ những vui buồn của cuộc sống cùng với tôi ở cung điện Potala. Trước khi qua đời, anh từng làm việc ở trung tâm y tế. Tôi nhớ anh ấy lắm.

Sáu giờ chiều tôi dùng trà. Như một tăng sĩ, tôi không ăn tối. Bảy giờ tối tôi xem tivi, có bữa không may họ phát chương trình nghị luận. Như một người từ Amritsar và một người khác từ Pakistan, không nghe gì được, tôi không biết tiếng Punjab hoặc tiếng Urdu. Nhưng thỉnh thoảng có một phim tiếng Anh. Tôi thích loạt phim tài liệu về văn minh Tây Phương của BBC và các chương trình về thế giới tự nhiên khác.

Sau đó tôi hành thiền lần cuối trong ngày và đi ngủ lúc tám giờ rưỡi hoặc chín giờ tối. Nhưng nếu có mặt trăng ở đâu đó, tôi nghĩ rằng nó đang nhìn xuống dân tộc của tôi đang bị giam cầm bên trong xứ Tây Tạng.

Tôi cảm ơn, dù rằng tôi là một người tị nạn, tôi tự do ở đây, tự do nói tiếng nói để giúp đỡ cho người dân của tôi. Tôi nguyện cầu Đức Hộ Pháp của xứ sở Tây Tạng, Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) từ bi gia hộ cho Tây Tạng sớm thoát cảnh khốn cùng này. Không có giờ thức giấc nào mà tôi không nghĩ đến hoàn cảnh của người dân nước tôi đang bị giam hãm trong tình trạng bế tắc ngay bên trong thành lũy của họ.

Source: Sidney Piburn (1993), The Dalai Lama, A Policy of Kindness, Snow Lion Publications, Ithaca, New York, USA