“Phật trong tâm. Phật là vị cứu rỗi […] Phật là làm cho ta tan biến u minh Phật là hoa sen, là giọt sữa Phật là điểm tựa là niềm tin… Con chẳng cần kiếm tìm Phật trong tim con đó.”
Tác giả Huỳnh Tam Quang sinh năm 1972, tên thật Cái Quang Bình. Anh quê ở Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế, hiện công tác và sinh sống ở Hà Nội. “Viết cho con” là tập thơ thiếu nhi đầu tay của anh, gồm 72 bài thơ, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào quý I, năm 2021. Tập thơ, như tác giả nói, là những “lời yêu thương ngọt ngào” của một người cha dành cho các con của mình. Đặc biệt, những “lời yêu thương ngọt ngào” ấy còn lấp lánh tinh thần bác ái của Đạo Phật, điều mà độc giả dễ dàng nhận ra khi đến với thơ của Huỳnh Tam Giang.
Sinh ra và lớn lên tại một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, bố là Huynh trưởng từng tham gia phong trào chống đàn áp Phật giáo những năm sáu mươi thế kỷ trước, bản thân là một Phật tử (pháp danh: Nguyên Thịnh), Huỳnh Tam Giang từ nhỏ đã lớn lên trong không gian thấm đẫm văn hóa Phật giáo. “Đạo Phật đã mở lối cho tâm trí tôi, chỉ dẫn tôi hành động và mang đến sự an lành trong mỗi giờ khắc trong cuộc sống.
Nếu không có Đạo Phật, chắc chắn cuộc đời tôi sẽ khác, khổ đau hơn và chẳng có ý nghĩa gì”, anh chia sẻ. Đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sáng tác của nhà thơ. Do đó, không hề ngạc nhiên khi viết về thiếu nhi trong tác phẩm đầu tay của mình, tinh thần nhà Phật bàng bạc trong từng trang thơ, trở thành cội nguồn minh triết cho những suối nguồn yêu thương.
Tinh thần Phật Giáo trong “Viết cho con”
Không khó để nhận ra những dấu ấn sâu đậm của Phật giáo trong thơ Huỳnh Tam Giang. Trong nhiều trường hợp, sự ảnh hưởng này hiển lộ rõ ràng. Chẳng hạn, ở bài Cùng con lên chùa ngày Phật Đản sanh, trả lời câu hỏi của con trẻ, tác giả nêu lên những diễn giải đơn sơ mà sâu sắc về Đức Phật và Đạo Phật:
“Phật trong tâm. Phật là vị cứu rỗi […]
Phật là làm cho ta tan biến u minh
Phật là hoa sen, là giọt sữa
Phật là điểm tựa
Là niềm tin…
Con chẳng cần kiếm tìm
Phật trong tim con đó.”
Triết lý nhà Phật về căn nguyên của khổ đau khiến chúng sinh lầm than trong vòng luân hồi cũng được tác giả nêu ra trực tiếp:
“Con người có thân
Đã có thân thì có khổ
Khổ vì tham lam, danh vọng, quyền hành.”
(Nghĩ vụn cùng con)
Bên cạnh giọng tâm tình, ngọt ngào, tập thơ Viết cho con còn mang giọng điệu triết lý rõ nét. Yếu tố quan trọng làm nên điều này chính là những triết lý Đạo Phật được chuyển tải bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức phát biểu trực tiếp.
Trong “Viết cho con”, dù về chủ đề nào, ta vẫn có thể nhận ra sự hiện diện thường xuyên của tinh thần Phật giáo. Nhìn con trai lớn lên khỏe mạnh, giỏi giang, nhà thơ bày tỏ lòng biết ơn Trời, Phật hộ trì: “Vậy mà hắn cứ lớn/ Bởi nhờ ơn Phật, Trời!” (Mười tám). Trả lời cho con về ông nội đã mất, tác giả mượn hình ảnh Niết bàn:
“Ông chỉ là đi xa
Cõi Niết bàn mây trắng.”
(Ông đi đâu hả bố?)
Trò chuyện, tâm tình cùng con, nhà thơ thường nói đến Đức Phật là tấm gương sáng ngời để các con noi theo:
“Trái tim Phật sáng suốt
Thu nhận mọi khổ đau.”
Tác giả khuyên các con thường xuyên sửa mình theo lời Phật pháp:
“Hãy nói lời Phật pháp
Hãy lắng nghe bằng Sen
Hãy thường xuyên luyện rèn
Bên kia bờ Chánh giác.”
(Trái tim rộng bao nhiêu?)
Giải thích cho con hiểu về hạnh phúc, tác giả cũng mượn lời của nhà Phật:
“Hạnh phúc là một con đường
Của hành trình tu và tập.”
(Cùng con lên chùa ngày
Phật Đản sanh)
Dạy con về hạnh hỷ xả, tha thứ cho người, nhà thơ cũng dẫn lời của Phật:
“Là Đại Bi để bình tâm dịu dàng
Dang vòng tay đón những người lầm lỗi.”
(Tổ quốc)
Tinh thần Phật Giáo trong thơ cho thiếu nhi
Trên bề mặt ngôn từ, tác giả thường sử dụng nhiều từ ngữ nhà Phật như cõi Ta-bà, vô thường, nghiệp, tham sân si, từ bi, đại hùng, đại lực, Phật pháp, Niết bàn, chánh giác, vô ngã, ngộ, huệ tri, sám hối, u minh, tu tập, tích đức, an trú, luân hồi, nhân quả, chúng sinh,… Tuy nhiên, Viết cho con không hướng đến những suy nghiệm về Phật pháp cho riêng bản thân Huỳnh Tam Giang.
Đây là tập thơ mà anh hướng đến đối tượng độc giả là các con của mình, rộng hơn là các cháu thiếu nhi, lứa tuổi hồn nhiên với những trải nghiệm chưa đủ để hiểu hết sự sâu xa, mầu nhiệm của Đạo Phật. Bởi đó, nhà thơ thường mượn những hình ảnh ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc để diễn giải một cách đầy hình ảnh về triết lý nhà Phật. Chẳng hạn:
“Hãy học hạnh của nước
Bao dung và thiết tha […]
Hãy học hạnh của gió
Rong ruổi khắp nơi nơi
Nhà của gió chẳng có
Nhà là bốn phương trời […]
Hãy học hạnh của lửa
Đốt hết tham sân si.”
(Nói với con bài học từ
đất, nước, gió và lửa)
Trong tập thơ “Viết cho con”, bên cạnh những dấu ấn hiển ngôn, tinh thần Phật giáo còn ẩn sâu với những mạch nguồn triết lý được hình tượng hóa qua những hình ảnh thật giản dị, gần gũi. Từ hình ảnh của loài cỏ nhỏ bé, đơn sơ, nhà thơ gửi vào thông điệp về tình yêu thương quên mình:
“Ngọn cỏ mọc lên trên đất gầy
Lay lay lá non đón chào ngày mới
Cỏ thương người nên làm điều diệu vợi
Mang mỡ màu cho cằn khô.”
(Nói với con về cỏ)
Mượn hình ảnh của đất, nhà thơ nói với con về đức bao dung, vị tha:
“Bao rác rưởi vào đất
Đất vẫn đất lành này.”
(Nói với con bài học từ
đất, nước, gió và lửa)
Từ câu chuyện của cỏ cây, mây gió, chim muông, nhà thơ mượn lời con gái để nói lên triết lý sống hòa điệu, hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên trong tình thần chúng sinh bình đẳng:
“Ba ơi, con đã hiểu
Thiên nhiên thật tuyệt vời
Cỏ cây, mây diệu vợi
Chim ơi, hãy chuyền cành.”
(Cùng con gái đi chơi
công viên)
Tinh thần chúng sinh bình đẳng của tư tưởng nhà Phật chính là sợi dây xuyên suốt trong thơ Huỳnh Tam Giang:
“Thế giới muôn loài chim
Cùng trăm ngàn loài thú
Cùng con người trú ngụ
Trên Trái Đất thân yêu.”
(Bé đi chơi vườn thú)
Đặc biệt, Viết cho con chan chứa bao yêu thương đậm sâu, tha thiết. Nổi bật trong tác phẩm là tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, tập thơ còn hướng đến những tình yêu thương rộng lớn hơn mà ở đó, tinh thần từ bi của Đạo Phật để lại dấu ấn đậm nét. Nhà thơ hướng con mình đến tình yêu thương, sự tôn trọng thiên nhiên và muôn loài. Bởi đó, thiên nhiên, loài vật trong thơ Huỳnh Tam Giang bao giờ cũng hiện lên thật đáng yêu và đầy yêu thương:
“Chú chim non nhí nhảnh, hát rằng
Đừng ngại mùa Đông mà quên khổ luyện.”
(Viết trong ngày sinh nhật con)
“Có một làn gió nhẹ
Đưa hương chiều yêu thương.” (Với con gái dưới tán cây)
“Lòng con sẽ gợi mở
Những tin yêu cỏ cây.”
(Tặng con)
Nhiều loài vật với những đức tính tốt đẹp trở thành người thầy của những bài học nhân sinh mà tác giả mong các con mình học hỏi, trân trọng:
“Khi con gặp gian khó
Nhớ nghĩ về chú kiến nhỏ
[…]
Khi con biếng lười
Hãy nghĩ về những chị ong cần cù chăm chỉ
[…]
Khi con cần một bài học về đức hy sinh
Hãy nhớ về ông bố cá trê tội nghiệp
Một tuần bỏ ăn không hề nuối tiếc
Cho đàn trê con được sống an lành.”
(Cùng con học môn Sinh vật)
Trong tập thơ, Huỳnh Tam Giang còn hướng các con của mình đến tình yêu thương chúng sinh, đồng loại. Anh thường kể về những bạn nhỏ có tuổi thơ thiệt thòi, bất hạnh để khơi dậy lòng trắc ẩn, vị tha trong các con, để các con biết “chìa những bàn tay/ Trước phận đời trắc trở” (Trái tim rộng bao nhiêu?). Thương “những em thơ đang mơ ‘một giấc mơ Trung thu xa lạ’, nhà thơ mong được gửi cho em giấc mơ giấy vở/ Giấc mơ vải thơm trong ngày mới tựu trường (Có giấc mơ Trung thu xa lạ). Gặp những em bé người dân tộc thiểu số lầm lũi trên đèo Mã Pí Lèng, nghĩ về tương lai mờ xa của các em, nhà thơ thương xót:
“Những non ngô tựa vào đá mà sinh sôi
Em tựa vào đâu? Chiều tắt nắng rồi
Những vì sao trên trời có nghe lời em ước.”
(Những đứa trẻ trên đỉnh
Mã Pí Lèng tôi gặp)
Ước mơ nhỏ bé của những em bé ăn xin, lang thang, cơ nhỡ cũng làm ta chạnh lòng: “Con hỏi chú bé ăn xin/ – Ước mơ của bạn là gì? – Ngày hai bữa, cơm và nhiều thịt mỡ/ Hỏi em nhỏ lang thang cơ nhỡ/ – Một mái hiên bớt lạnh đêm về” (Ngày của cha viết cho con gái)… Từ những câu chuyện lấp lánh tinh thần từ bi ấy, tác giả muốn gửi đến các con mình một thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương:
“Hãy gieo yêu thương thay vì phải dốc sức cho căm hờn
Nghĩa từ bi đẹp hơn vạn lần cay độc!”
(Phía trước có một con đường)
Có lẽ, từ bi chính là suối nguồn yêu thương tươi mát không bao giờ vơi cạn trong thơ viết cho thiếu nhi của Huỳnh Tam Giang.
Đây là tập thơ mà anh hướng đến đối tượng độc giả là các con của mình, rộng hơn là các cháu thiếu nhi, lứa tuổi hồn nhiên với những trải nghiệm chưa đủ để hiểu hết sự sâu xa, mầu nhiệm của Đạo Phật. Bởi đó, nhà thơ thường mượn những hình ảnh ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc để diễn giải một cách đầy hình ảnh về triết lý nhà Phật.
Thay lời kết
Là tập thơ đầu tay của một người “yêu thích thơ ca […] song tuyệt đối không kiếm tìm danh lợi từ thơ ca” và xem thơ là “một kênh giao tiếp thú vị, có thể truyền đạt được một số vấn đề về giáo dục gia đình, kết nối tình cha con thêm phần sâu đậm” (Lê Nhật Ký), Viết cho con của Huỳnh Tam Giang không tránh khỏi những chỗ dàn trải, những câu thơ chưa thật trau chuốt. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng nhất ở tác phẩm này chính là những tình cảm chân thành, sâu lắng xuất phát từ trái tim của người cha hết lòng yêu thương con cái, gia đình; của người Phật tử thấm nhuần tinh thần vị tha và từ bi của nhà Phật. Những giá trị của tập thơ cũng khởi đi từ đó.
Bình luận