Tịnh Độ Luận

Tịnh Độ Luận

Đỗ Quang Huy 52

PHẦN BỐN

KẾT LUẬN

Kính thưa quý vị.

Trong các bộ kinh nòng cốt của pháp môn Tịnh độ thì kinh A Di Đà là một bộ kinh có tính cách tôn giáo hơn là triết học, thông tục hơn là chuyên môn, thực hành hơn là lý luận, hoà hợp giữa Đại thừa và Tiểu thừa bằng cách đưa tất cả tín đồ Phật giáo tới Nhất Phật thừa, để cuối cùng dẫn tới Phật quả. Đức Phật Thích Ca đã không dùng lý thuýêt trừu tượng để lập luận như các bộ kinh thuộc các tông phái khác, trái lại, Phật chỉ dùng lời nói đơn giản, dễ hiểu để khuyến khích người tu nên thực hành ba điều cần yếu là Tín, Nguyện và Hành. Như thế chẳng phải là pháp môn Tịnh độ chẳng có triết lý cao siêu, chẳng qua chỉ vì nghĩa lý của bộ Kinh A Di Đà quá thâm sâu ẩn áo mà ngôn ngữ của loài người khó diễn tả nổi mà thôi. Đó là lý do mà Phật đã không lý luận dài dòng, chỉ khuyên người ta cứ việc tin và thực hành đúng lời Phật dạy cũng đủ để được giác ngộ, giải thoát.

* Cổ đức đã dạy: Pháp môn Tịnh độ mầu nhiệm cao siêu, duy Phật với Phật mới thấu rõ tường tận mọi ý nghĩa mà thôi. Pháp môn này khế hợp mọi căn cơ và đáp ứng hoài bảo của chư Phật mong độ tận chúng sinh trong thời mạt pháp.

Xét về đường học vấn và giáo lý thì người tu Tịnh độ không cần phải biết đọc, biết viết, không cần phải tụng thiên kinh vạn quyển và am hiểu ý nghĩa lý cùng tột của các bộ kinh Phật.

Xét về mặt tu hành thì pháp môn Tịnh độ không đòi hỏi phải năng sám hối mà vẫn cứ đới nghiệp vãng sinh Cực lạc quốc, bởi lẽ khi đã phát tâm dũng mãnh niệm danh hiệu Phật A Di Đà và định tâm trong chính niệm thì một niệm danh hiệu Phật phát khởi tức khắc tiêu trừ vạn tội nặng nhẹ từ muôn kiếp, ngàn đời về quá khứ. Lại nữa, pháp môn Tịnh độ chẳng cần đoạn trừ phiền não, chấm dứt vô minh, cạn dòng sinh tử, mà trong lúc nhất tâm niệm Phật thì tức khắc vô minh, phiền não tiêu trừ, và dòng sinh tử luân hồi cũng đương nhiên tát cạn. Pháp môn Tịnh độ chỉ cần lấy cái Tâm, Tín, Nguyện của mình mà chuyên trì danh hiệu Phật, hễ trì cho đến “Nhất tâm bất loạn” thì Tịnh nghiệp tất được thành tựu và khi mạng chung quyết được vãng sinh Cực lạc và vĩnh viễn không còn bị thoái chuyển nữa.

Chúng ta thử nghĩ xem, nếu pháp trì danh hiệu Phật A Di Đà mà không đạt được hiệu quả như ý muốn thì cớ sao Phật lại khuyên Phụ vương Ngài là vua Tịnh Phạn nên chuyên cần niệm Phật A Di Đà sẽ được về cõi Tây phương Cực lạc chứng quả Vô thượng Bồ đề.

Trong “Như Lai Ứng hoá lục” ông A Nan có hỏi Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Cớ sao lại chẳng niệm danh hiệu Đức Thế Tôn là Phật hiện tại mà lại niệm danh hiệu Phật A Di Đà là Phật quá khứ?”.

Như Lai đã trả lời: “Bởi vì Phật A Di Đà đã có lời nguyện độ tận chúng sinh, ai muốn xin về quốc độ của Ngài là thế giới Cực lạc Tây phương, tránh khỏi khổ cực ở chốn Ta bà này thì phải hết lòng niệm danh hiệu Ngài”.

* Còn gì phải nghi ngờ nữa khi ta đã biết Phật Thích Ca đã tự giới thiệu mối liên hệ huyết thống của Ngài với Phật A Di Đà  cho hàng đệ tử biết như sau: Tiền thân của Ngài là môt vị hoàng tử, con một đức vua sau trở thành “Đại Thông Trí Thắng Phật”. Đức vua ấy có 16 vị hoàng tử, mà Ngài là con út, còn vương tử thứ 9  tên là Bất Tư Nghị Thắng Công Đức, sau nhiều kiếp tu hành đã trở thành Phật A Di Đà. Ngài thì phát nguyện thành Phật ở nơi uế độ để điều phục chúng sinh tính nết cương cường, nên mới tới cõi Ta bà này, còn anh ruột Ngài là Phật A Di Đà lại phát nguyện thành Phật ở cõi Tịnh độ nhiếp phục chúng sinh thanh tịnh ở khắp mười phương thế giới nên quốc độ của Ngài là cõi Tịnh độ Tây phương (theo Phẩm Hoá thành dụ thứ 7 Kinh Pháp Hoa).

Và còn gì phải thắc mắc về cõi Cực lạc Tây phương nữa vì trong Phật thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, Đức Phật Thích Ca đã khai thị cho Hoàng hậu Vi Đề Hy được chiêm ngưỡng cảnh Tây phương Cực lạc trong lúc bà này đang bị con ruột là A Xà Thế giam cầm trong lãnh cung, ở vào cảnh ngộ cực kỳ bi đát, chỉ muốn quyên sinh để thoát nợ đời. Lúc đó bà Vi Đề Hy đã được nhìn thấy rõ hai cảnh uế và thanh, khổ và sướng khác nhau ra sao, bà Vi Đề Hy vui mừng khôn xiết, bèn nhất tâm xin đựơc sinh về cõi Tịnh độ Tây phương không còn mong ước điều gì khác nữa.

* Lại nữa, nếu pháp môn Tịnh độ chẳng phải là một pháp môn thù thắng thì cớ sao khi nghe thấy Phật Thích Ca thuyết kinh A Di Đà ở cõi trần, mà chư Phật mười phương lại hết lòng hộ niệm và tán thán công đức vô lượng của Phật Thích Ca, cùng công đức không thể nghĩ bàn của pháp trì danh hiệu Phật A Di Đà. Kinh A Di Đà không ai hỏi mà Phật tự nói ra vì lợi ích của chúng sinh, rõ ràng là mắt Phật đã nhìn thấy thế giới Cực lạc và miệng Phật đã nói ra, ai là người còn dám nghi ngờ nữa? Pháp môn Tịnh độ cầu vãng sinh thật là Vô lượng nghĩa, có năng lực phá tan mọi lý luận, tà kiến khiến càng suy nghĩ lại càng thấy pháp môn này có ý nghĩa cao thâm tột bậc. Thật đúng như câu: “Dĩ tư duy tâm trắc địa Như Lai viên giác cảnh giới, như dĩ huỳnh hoả nhiên Tu Di Sơn, chung bất khả đắc” trong kinh Viên Giác (Đem tâm suy nghĩa của người đời mà đo lường cảnh giới giác ngộ viên mãn của Như lai chẳng khác nào lấy lửa của đom đóm mà mong đốt cháy quả núi Tu Di, rốt cuộc chẳng bao giờ thành công được). Trong Kinh A Di Đà có câu: “Không thể do một chút thiện căn phúc đức nhân duyên mà được sinh về cõi Tây phương Cực lạc nhưng nếu lúc lâm chung mà trì danh hiệu Phật A Di Đà từ 1 đến 7 ngày liên tiếp, nhất là có từ 1 đến 10 niệm thanh tịnh với tâm bất loạn, ý không điên đảo, lòng không tham luyến thì nhất định sẽ được vãng sinh”. Như vậy là ta phải hiểu rằng: sự chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà quả có công năng hoán cải tâm của hành giả và phát sinh thiện căn phúc đức nhân duyên chẳng phải nhỏ vậy. Người chất phác thật thà âm thầm chuyên tâm niệm Phật đêm ngày không suy nghĩ viễn vông, lại càng mau đạt tới chính niệm, cảm thông với tri kiến Phật và ám hợp với đạo mầu hơn người thế trí biện thông uổng phí thời giờ suy tưởng, làm cho Tín Tâm dễ bị lung lay.

* Nếu bảo rằng Thiền tông được Phật Tổ trực tiếp trao truyền cái tâm Phật bằng lối im lặng Tâm truyền Tâm thì cũng phải hiểu rằng các pháp môn khác cũng đều được hưởng gián tiếp cái tâm Phật ấy qua trung gian của danh từ ngôn ngữ.

Sự khác biệt trong các pháp môn Phật dạy ở chỗ hữu ngôn và vô ngôn, dùng hay không dùng ngôn ngữ, văn tự để truyền đạo mà thôi, nhưng đến khi đã ngộ đạo rồi thì kết quả ngang nhau. Sự khác biệt do đó ở tiếng nói của loài người, chỉ có giá trị Tương đối mà đạo lại vốn Tuyệt đối không thể đem cái Tương đối của danh từ ngôn ngữ để diễn đạt cái Tuyệt đối của đạo, vì làm như vậy khác nào đặt Tương đối ngang hàng Tuyệt đối? Cho nên dù Tam tạng kinh điển đều do Phật nói ra, nhưng Phật không muốn chúng sinh vướng mắc vào chữ nghĩa, lời nói, nên Phật mới tuyên bố: “Ngô tòng bản lai bất thuyết nhất tự”.

Mỗi lần Phật thuyết pháp, Ngài chỉ dạy một khía cạnh của đạo, chỉ giảng về một diệu dụng của tâm, trong khi còn vô số diệu dụng khác của tâm đều phải xếp lại, không nói tới. Đó là trường hợp của Phật ngữ tông trong các pháp môn phải phương tiện dùng ngôn ngữ để truyền đạo.

Mỗi pháp môn chỉ nhận được một tia ánh sáng của đạo mầu mà thôi, nếu Thiền im lặng trực giác, vô ngôn, trong một niệm mà nắm trọn được Thực tại Tuyệt đối, ngộ đựơc cái tròn đầy linh giác của tâm Phật, thì pháp môn trì danh hiệu Phật với lối “Niệm – Vô niệm, Vô niệm – Niệm” cũng đạt tới chỗ im lặng, vô ngôn của cái tâm tròn đầy sáng suốt ấy, nào có khác chi? Mỗi tông phái thích hợp cho mỗi căn cơ, điều quan trọng là dù theo bất cứ pháp môn nào, người học đạo mầu, mặc cho thế đạo biến đổi xoay chiều. Đầu mối là nguồn tâm thanh tịnh vô vi, còn thế đạo là nhân duyên trùng trùng diễn biến, cho nên chỉ cần lãnh hội một câu kinh, hay hiểu được mật nghĩa của một câu niệm Phật A Di Đà cũng đủ. Một quyển kinh chứa đựng vô số quyển kinh. Vô số quyển kinh thâu tóm ý nghĩa vào trong một quyển kinh, và quyển kinh duy nhất đó là “Quyển Kinh Vô Tự” của tâm hành giả. Cũng ví như xâu chuỗi đủ 108 hạt tượng trưng cho 84.000 pháp môn mà chỉ kết lại bằng một sợi dây duy nhất, hình dung cho một mối tâm của người hành đạo thì một câu niệm Phật A Di Đà cũng là kết tinh của Tam tạng kinh điển Phật giáo, do đó ta đủ thấy chỉ một câu niệm Phật A Di Đà với tâm thanh tịnh và tin tưởng tuyệt đối bao gồm công đức biết bao! Để nêu rõ giá trị siêu việt của pháp môn Tịnh độ, Triệt Ngộ Đại sư có để lại bài kệ sau đây:

Nhất cú Di Đà

Đệ nhất nghĩa đế

Thượng siêu bách phi

Khởi lạc tứ cú.

(Một câu A Di Đà

Là Đệ nhất nghĩa đế

Vượt khỏi bách phi

Há rơi vào Tứ Cú).

Bách phi là Chân lý Trung Đạo siêu việt nhị biên: phi hữu phi vô, phi thường phi đoạn, phi nhất phi dị, phi khứ phi lai… hàng trăm thứ phi kể không sao xiết. Còn Tứ Cú là: Có, Không, cũng Có cũng Không, chẳng phải Có chẳng phải Không, chẳng phải Không có, chẳng phải Không không có. Nếu thấu hiểu tường tận một câu niệm Phật A  Di Đà mà biết vận dụng đúng mức thì hành giả xa lìa được ngôn ngữ suy tư, thể nhập vào hiện tiền, tâm không vọng tưởng, đi thẳng vào Đệ nhất nghĩa đế, phá được cái ta, hoà đồng Chủ lẫn Khách vào Chân thể của sự vật.

* Cái thể của Chân tánh hay cái thâm sâu của đạo mầu chứa trong các bộ kinh của pháp môn Tịnh độ không thể dùng ngôn ngữ để thuyết minh, cũng không thể suy tư biện luận mà trình bày hết được. Dù nói nhiều tới đâu cũng khó làm tròn được công việc. “Nhiếp sự quy lý”, “Hội tướng nhập tánh”, để nói lên những điểm then chốt mà các bộ kinh Vô lượng nghĩa là Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà hàm chứa. Dù Phật chẳng nói ra, nhưng thực sự thì Ngài đã nói đủ cả. Bao nhiêu những tư tưởng được coi là tinh hoa của các bộ kinh liễu nghĩa của Phật giáo Đại thừa đều cô đúc trong bộ kinh A Di Đà để kết tinh bằng sáu chữ hồng danh, nào là:

1. Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính (Kinh Đại Bát Niết Bàn).

2. “Tam thừa quy nhất” của Kinh Pháp Hoa nêu rõ lý: Hết thảy chúng sinh xuất gia cũng như tại gia. Không phân biệt sang hèn, giai cấp, kẻ trí người ngu… văn hoá, tôn giáo, chủng tộc khác nhau, đều có thể phát tâm Bồ đề và thực hiện được nguyện vọng của mình nếu tinh tiến đi theo con đường Tịnh nghiệp.

3. “Nhất thiết duy tâm tạo” của Kinh Hoa Nghiêm nêu rõ lý: “Ai muốn cầu gì đều được như ý”, vì tâm con người có khả năng tạo được tất cả. Cứ thiết tha mong muốn được sống hạnh phúc trong cảnh Cực lạc sẽ được toại nguyện, miễn là Tin sâu, Nguyện thiết và siêng năng niệm Phật.

4. “Lý Chân Không Diệu Hữu” của Kinh Bát Nhã được Kinh Hoa Nghiêm dùng thế giới quan “Vô tận trùng trùng duyên khởi” khai triển phối hợp với tư tưởng “Tương tức, Tương nhập”, “Lý sự viên dung”, “Sự sự vô ngại” của bộ kinh này, và những lý “Bất Nhị”, “Bình đẳng vô sai biệt và vô phân biệt” của Kinh Duy Ma Cật, được điều hợp với những thuyết “Biệt ngiệp và Cộng nghiệp” của pháp môn Duy Thức… tất cả những hạt châu quý giá đó trong kho tàng tư tưởng của nhân loại đều đã dung nhiếp với nhau một cách hài hoà để phát huy chân lý của Đức Phật muốn độ tận chúng sinh bằng cách thiết lập một cõi Tịnh độ cho toàn thể chúng sinh cộng hưởng trên cõi thế gian này.

Tư tưởng của Kinh Vô Lượng Thọ trong pháp môn Tịnh độ, chẳng khác tư tưởng của Kinh Pháp Hoa nói lên điểm then chốt là Phật thường ở cõi thế gian này, và tha lực của Ngài thường hoạt động và ứng hiện bất cứ đâu và bất cứ lúc nào để sẵn sàng tiếp độ chúng sinh. Tất cả những bông hoa thắm tươi trong vườn tư tưởng của loài người như: “Phật tại Tâm, ngoài Tâm không có Phật”, “Phật tức Tâm, Tâm tức Phật”, “Cực lạc tức Ta bà”, “Niết bàn tức sinh tử”, “Tâm, Phật cập chúng sinh, thị tam vô sai biệt”, “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, “Vật chất tức Tinh thần, Tinh thần tức Vật chất”… đều cùng làm sáng tỏ cái lý tối cao “Tâm cảnh nhất như”, và tâm con người gồm đủ cả ba đức tính: “Vô lượng Quang, Vô lượng Thọ và Vô lượng Công đức”. Chúng sinh là Phật sẽ thành, muốn thành Phật thì phải Kiến tính, thấy rõ Chân Tâm, Phật tính của mình: đó là mật nghĩa và diệu dụng của bộ “Phật thuyết A Di Đà Kinh” và cũng là mật nghĩa và diệu dụng của sáu chữ hồng danh “Nam mô  A Di Đà Phật”.

* Pháp môn Tịnh độ dễ tu, dễ chứng, nhưng lại khó nói, khó nghe, bởi lý Tịnh độ cực kỳ viên đốn thu nhiếp đủ mọi căn cơ, người nghiệp lành, kẻ tạo ác mà quyết tâm hướng vê miền Cực lạc Tây phương đều được đới nghiệp vãng sinh. Chỉ nhờ vào sức niệm Phật của mình mà thoát cảnh Ta bà, được về nơi Cực lạc, chung sống với các bậc Thành Hiền để tu cho tới Phật quả, là một điều khó khăn vì quá dễ dàng, giản dị. Đến việc tạo dựng một cõi Tịnh độ ở nơi trần gian ác thế này, lại là một điều càng khó tin và khó thực hiện hơn, nhưng cái khó ấy lại hoàn toàn do ở chúng ta, người người khuyên nhau hướng thượng, làm điều lành, bỏ điều ác, và thiết tha mong được sống hạnh phúc bên nhau. Liệu chúng ta có chịu tin ở khả năng bên nhau. Liệu chúng ta có chịu tin ở khả năng hoán cải của tâm mình hay không? Và điều cần thiết là chúng ta có muốn trở về với Chân Tâm, bản tính chí thiện của mình hay không?

Chỉ cần chúng ta Tin sâu, Nguyện thiết và Tinh tiến hành trì theo đúng lời Phật dạy là có thể thấy được tự tính Di Đà thanh tịnh và sống trong cảnh Tịnh độ của tự tâm hay thiết lập đựơc cõi Địa đường ở ngay nơi trần thế này theo đường lối “giai cộng thành Phật đạo”.

* Căn bệnh nan y của loài người là mang tâm phân biệt nhị nguyên. Không biết rằng mọi pháp trên thế gian này đều bình đẳng, bất nhị, bởi thế mà cõi Ta bà này chỉ trở thành cõi Tịnh độ nhân gian khi nào những đoá hoa tình thương đều nở rộ trên mảnh tâm điền của mọi người và được săn sóc bằng lòng khoan dung, độ lượng, hỷ xả của người người khắp nơi trên hoàn vũ biết sống theo lý Bất Nhị Sự Sự vô ngại, Sai biệt trong Vô sai biệt, và Phân biệt trong Vô phân biệt của thế giới Hoa Nghiêm.

Để cảnh giác những ai còn mê mờ về ngôn ngữ, danh từ mà chưa đạt được lý Không Hai của nhà Phật. Thiền sư Phật Quốc, sau khi ngộ đạo đã để lại cho hậu thế mấy vần thơ sau đây:

Tâm, Tâm tức Phật, Phật Tâm, Tâm,

Phật, Phật, Tâm, Tâm, tức Phật Tâm.

Tâm, Phật ngộ lai vô nhất vật,

Tướng quan chỉ khát vọng mai lâm

(Tâm, Tâm tức Phật, Phật tức Tâm,

Phật, Phật tức Tâm, Tâm tức Phật.

Tâm, Phật ngộ rồi, không gì cả

Nói mơ đỡ khát vạn quân binh).

Ngụ ý: Kẻ mê chấp Tâm và Phật riêng khác. Người Trí lại nói: Phật tức Tâm, Tâm tức Phật không hai. Người đã ngộ lý Bất Nhị và Sự Lý viên dung, Sự Sự vô ngại không còn thấy Phật và Tâm khác nhau nữa. Vì muốn độ chúng sinh mê muội, Phật đã phải dùng ngôn ngữ để thuyết pháp ròng rã 49 năm trường, nhưng cuối cùng Phật lại phủ nhận tất cả và tuyên bố: “Ta có nói gì đâu!”. Cũng ví như vị chỉ huy một đạo quân phải vượt qua vùng nắng thiêu cát bỏng, thiếu nước, muốn cho quân mình khỏi bị khổ cổ chết khát, phải đặt ra chuyện sắp đi qua một rừng mai đương độ chín, và khuyên ba quân nên dồn bước để tới ngay khu rừng đầy mơ chín mọng tha hồ nếm vị mơ chua. Quân lính nghĩ tới mơ chín đều thèm nhỏ dãi. Người chỉ huy ba quân bày ra chuyện rừng mơ để cứu đạo binh khỏi chết khát cũng như Phật đã phải dùng ngôn ngữ và 48.000 pháp môn làm phương tiện để giải mê khai ngộ cho quần sinh đa bệnh. Khi chúng sinh đã tiến tới bờ giác, hết bệnh rồi, cũng như quân lính đã khỏi khát, thì rừng mơ không cần thiết nữa, cũng như những phương tiện dùng để qua sông mê đều phải vứt bỏ hết.

Ngôn ngữ, danh từ cùng những ý niệm của loài người đều là những sản phẩm của ý thức nhằm đạt tới Chân lý. Chúng không phải là cứu cánh, kể cả các kinh điển Phật. Dù nói nhiều lời tới đâu cũng không đủ để tới được Chân lý tối cao, cho nên Thiền tông mới chủ trương ngậm miệng làm thinh, không thốt nên lời:

Sư đệ tứ mục tuệ nhãn tương giao

Ấn chứng Như Lai, Thiền y tự Tổ,

Dịch:

(Bốn mắt nhìn nhau chẳng nói năng,

Truyền nhau Tuệ nhãn, gửi nhau lòng.

Như Lai siêu xuất trên từ ngữ,

Tâm ấn tương truyền Không ấn Không).

* Đạo Lão cũng chủ trương: “Hành bất ngôn chi giáo”, “Trí giả bất ngôn, ngôn bất giả tri”, “Đạo bản vô ngôn, ngôn sinh lý tán”.

* Tổ Đạt Ma cũng khuyên người đời chớ để ngôn ngữ, văn tự của thế giới Nhị nguyên tương đối, giết chết tinh thần nhất nguyên tuyệt đối chứa trong mối đạo. Có thoát ra ngoài vòng trói buộc của ngôn ngữ, văn tự và hình danh sắc tướng của thế giới nhị nguyên mới thấy được ý nghĩa thâm sâu về Thể tính của muôn pháp nơi trần thế. Vì thế mà Trang Tử đã nói: “Dùng nơm để bắt cá, được cá phải quên nơm. Dùng bẫy để bắt thỏ, được thỏ phải quên bẫy. Dùng lời để đạt ý, được ý phải quên lời. Ta biết tìm đâu được người quên lời để cùng nhau đàm đạo?”. Ta chớ nên để lời giết ý nhưng ta cũng không thể dứt khoát từ bỏ ngôn ngữ, văn tự để cầu đạo giải thoát, bởi đó là phương tiện cần thiết để đạt đạo đối với người sơ cơ, cũng như cần phải có cây cầu hay chiếc bè để qua sông khi chưa biết bơi. Phải dùng lời lẽ chân thật mới bác bỏ được những luận điệu xuyên tạc sai trái. Phải nuôi dưỡng những tư tưởng cao siêu mới vượt được lên trên những tư tưởng thấp hèn. Phải dùng óc suy luận và lý trí sáng suốt mới soi tỏ được chỗ tối tăm trong vô minh đen tối. Trong Thiền càng ít lời càng gần đạo, nhưng trong Luận và Giáo, muốn bày tỏ chân lý phải dùng văn tự, ngôn ngữ để biện minh. Thiền dùng Vô ngôn để đi thẳng trức tiếp vào thể Không tịch. Giáo và Luận lại phải trông cậy vào ngôn ngữ văn tự để vận tải đạo, nhiếp Tướng nhập Tánh. Những phương pháp Hữu ngôn hay Vô ngôn đều là Dụng hay phương tiện của đạo dùng đến khi cần, bởi vì:

Giác nguyên tính vô nhị

Phương tiện hữu đa môn

(Kinh Lăng Nghiêm)

Ngả về Hữu hoặc nghiêng về Vô đều là bệnh chấp. Người ngộ đạo, khi cần đến ngôn ngữ vẫn phải dùng, nhưng dùng xong lại bỏ, có thế mới đúng lý Trung đạo. Đứng trước một phong cảnh tuyệt mỹ, gây cảm xúc dạt dào, người hoạ sĩ không thể đừng cầm bút vẽ phác hoạ đôi nét đan thanh, người nhạc công không thể ngăn cản mình dùng cây đàn hoặc ống sáo để tấu lên một khúc thần diệu, hay thi nhân cũng không thể làm thinh chẳng lên tiếng ngâm nga hay dùng giấy mực lưu lại mấy vần thơ tuyệt tác.

Ở đây trước những ý thâm diệu xúc tích của pháp môn Tịnh độ, tôi chỉ xin nhắc lại quý vị nhớ tới 16 chữ khẩu quyết dùng làm tôn chỉ cho pháp môn Tịnh độ:

Vì sự sinh tử,

Phát lòng Bồ đề,

Dùng Tín, Nguyện sâu

Trì danh hiệu Phật.

Hoặc nhớ tới bài kệ của Triệt Ngộ Đại sư:

Nhất cú Di Đà

Quy nguyên tiệp kính,

Khẩn yếu tư lương,

Duy Tín, Nguyện, Hạnh.

(Dịch: Một câu Di Đà, lối về nguồn tắt, Tư lương cần thiết, chỉ Tín, Nguyện, Hạnh) và ước mong tha thiết toàn thể quý Tín hữu cùng tôi phát nguyện vãng sinh, tinh tiến tu hành, thành kính cầu Tha lực của Phật A Di Đà được về cảnh giới an lạc. Mục tiêu trước mắt của chúng ta là phải được về cảnh giới an lành của bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. An vui tự tai ngay trong giây phút này và ngay tại nơi đây tiếp tục tu, sống với lý “Đệ nhất nghĩa Không”, sau đó lại nguyện trở về cõi Ta bà, trở về đời sống hiện tại, tích cực hành đạo Bồ tát để đạt tới ngôi chính đẳng chính giác. Luận Vãng Sinh Tịnh độ của Mã Minh Bồ tát dạy rằng: “Muốn vào sâu cõi địa ngục, muốn tế độ hết chúng sinh, phải được về nơi Cực lạc để dễ tu tập thêm, đợi đến khi chứng quả Vô sinh, lúc đó lại tự nguyện trở về đường sinh tử để độ đời cho có hiệu năng”. Bởi vì phàm còn làm chúng sinh, còn bị trói buộc trong vô minh, thì mong gì độ tha, giải thoát cho người? Đạo Phật ưa thực hành, và là môn Triết học phù hợp với tinh thần khoa học. Người theo đạo Phật nên sưu tầm nghiên cứu để tìm hiểu sâu môn triết học đó. Khi đã hiểu thật rõ, lại phải ra công thực hành cho chu đáo để Lý hướng dẫn Sự, Sự làm sáng tỏ Lý, hầu đạt tới Sự Lý viên dung, Sự sự vô ngại. Nếu thực hành được Sự Lý chu đáo thì sẽ đạt được cảnh Cực lạc cao thâm huyền diệu, hay trở về được với những đức tính chí thiện, chí mỹ của mình.

Phật học khác triết học và khoa học ở chỗ: ai muốn theo Sự hay Lý tuỳ tâm, miễn sao thực thi đúng đắn những lời Phật dạy, quyết chí tu tập tới điểm “Nhất tâm bất loạn” hay “Nhất điểm tam muội”, vì “Sự cũng như Lý”, “Sắc tức thị Không”. Rất mong quý đạo hữu cùng tôi phát nguyện tu theo pháp môn Tịnh độ (Tịnh độ thuần tuý hoặc Thìên Tịnh song tu, hay Mật Tịnh, Giáo Tịnh tuỳ ý), cùng nhau chúng ta niệm Phật cho chuyên, cho thuần, để một ngày kia chúng ta được cùng nhau họp mặt nơi Ao Sen bảy báu của Đức Di Đà Thế Tôn. Nhân đây tôi có bài kệ niệm Phật để khuyên các bạn đồng tu:

Lẽ sống chết trọng đại.

Vô thường đuổi sau gáy.

Kiếp người duy có hạn.

Sao chẳng lo tu thân?

Bớt nói chuyện sâu gà,

Vơi đi bao gánh ác

Niệm thêm câu Di Đà.

Tạo nhiều nhân Thường Lạc.

Hẹn gặp nơi Liên trì

Bạn cùng hang Thiện trí

Cảnh Niết bàn Tịnh ngã.

Là quê hương chúng ta.

Đứng trước chuyển biến cuồn cuộn của không gian và thời gian, phần đông chúng ta đều có tâm trạng lo âu khắc khoải. Bóng thiều quang vùn vụt trôi mau. Ta chớ nên bỏ phí thời giờ quý báu mà chẳng nghĩ tới việc bồi dưỡng tâm tư. Chúng ta thường quen đặt cuộc sống của mình trên hai cái phao nổi bình bồng là quá khứ và vị lai, còn hiện tại thì lại thoát khỏi tầm tay ta vì ta cố tình lẩn tránh nó. Nhưng chỉ có hiện tại là Thực, đó là châu ngọc mà ta để mất đi cho trôi vào quá khứ. Thật là đáng tiếc! Hiện tại mong manh như sợi tơ mành. Nó là khoảnh khắc sát na chớp nhoáng, cắt đứt hai con đường mà không gian và thời gian vô hạn, hay nói đúng hơn là giao điểm giữa quá khứ và vị lai. Nếu đạt được cái ấy tức là xoá nhoà được quá khứ và vị lai. Không còn không gian và thời gian nữa, tức là giác ngộ, giải thoát, là ở trong cảnh thái hoà, an lạc vô biên của đương xứ vĩnh cửu. Chúng ta đừng nên luyến tiếc quá khứ phù vân, hãy cho nó rơi theo cánh hoa tàn, tạnh với cơn mưa đêm, tan theo làn gió thoảng… Kìa, một tiếng hạc kêu sương báo hiệu Đông tàn, Xuân tới, sao ta chẳng biết lo liệu tu tâm?

Thân này chẳng tính đời nay độ,

Còn đợi bao giờ mới độ thân?

* Ta thử nghĩ xem. Ta từ đâu đến? Rồi đi về đâu? Bao giờ ta ra đi? Nào ta có biết? Nhưng điều chắc chắn là một ngày nào đó ta phải ra đi! Tài sản, sự nghiệp mà ta trìu mến, thân bằng quyến thuộc mà ta quý yêu, chẳng có gì theo ta cả, ngoại trừ cái Nghiệp của mình!

Ta tới cõi đời này với hai bàn tay trắng, cũng chỉ với hai bàn tay trắng ấy ta ra đi. Tấm thân này từ cát bụi nó đến, nó lại trở về với cát bụi. Danh vọng hão huyền, vinh quang phù phiếm, tất cả đều tiêu tan như bóng mây chiều.

Một thân một mình ta phiêu bạt trong cơn gió lốc luân hồi, giữa dòng nghiệp nổi trôi, hết làm kiếp người lại làm kiếp thú, hết làm Bồ tát lại làm Tiên, Thần. Chúng ta gặp nhau đây để rồi lại chia tay nhau, mỗi người đi một ngả. Có thể chúng ta còn gặp nhau nhiều lần nữa, nhưng đến lúc đó mặt tuy đối mặt mà nào có hay? Rồi cũng có khi ta tự đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta sống ở đời chỉ cốt để góp mặt với không gian và thời gian cho qua chuỗi ngày dài trống rỗng, thi nhau dốc cạn chén rượu nồng của cuộc đời vô vị hay say sưa trong giấc mộng hão huyền của sắc tài, danh lợi, để rồi mục nát với cỏ cây?”.

* Đời người ví tựa tuần trăng. Lúc mới lọt lòng, tâm hồn còn trong trắng, tròn và sáng như trăng rằm. Càng lớn lên, tâm hồn càng lem luốc, và khi đạt tới đỉnh cao của danh vọng, tiền tài thì cũng là lúc tinh thần đạo đức xuống thấp và đen tối nhất, như những đêm trăng khuyết, không một ánh sao mờ. Chợt đến khi thức tỉnh là lúc đã chán chường, tóc đã điểm sương, nếm đủ mùi cay đắng, tự nhiên ta phải nhìn về nẻo đạo.

Những gì mà ta đã bài bác, phủ nhận trong thời niên thiếu tới lúc đó ta mới chợt nhận thấy rõ chân giá trị của nó, và ước mong cuối cùng của người có tâm đạo là cố gắng sao cho đến lúc trở về già, tâm hồn lại được quang minh rạng rỡ như vầng trăng vằng vặc đêm Rằm. Đời người là một con đường đi. Con đường đó chẳng phải để cho ta nằm ngủ ngon giấc, hay ngồi duỗi dài chân nghỉ ngơi dưỡng sức, mà để cho ta phải dấn bước tiến lên tới đích lý tưởng xa vời! Cuối con đường này là mặt trời Đạo lý, toả Tuệ giác linh quang. Ta phải cố tiến bước về phía có ánh sáng rực rỡ. Vầng trán nào hướng về phía mặt trời đều toả hào quang sáng ngời và để lại phía sau lưng bóng tối vô minh. Đã tới lúc ta phải tìm về với chúng ta, đối diện với Thần Lương Tâm hay Phật A Di Đà của mình, nhìn lại bộ mặt xưa nay của ta, bởi vì:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng.

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương.

Lênh đênh làm khách phong trần mãi.

Ngày hết quê xa, vạn dặm đường…

(Trần Thái Tông)

Nếu chúng ta cứ mải mê làm khách phong trần, tha phương cầu thực, rong ruổi chạy theo bóng chập chờn của trần cảnh, cùng những hệ luỵ của tình đời, thì ta cứ mãi mãi làm kiếp cùng tử trong Kinh Pháp Hoa. Không nhận ra mình chính là con ruột của một vị Trưởng giả tột đỉnh giàu sang, tự khinh mình chẳng có Chân Tâm, Phật tính, quen làm những công việc hèn hạ, lạy lục mãi người khác để cầu được cái mà chẳng dè mình đã có, sống lang thang trên đường vô định, quên cả cố hương là Tự Tính của mình.

“Thiên địa tuần hoàn, chung nhi phục thuỷ”. Thuỷ hay chung vẫn chỉ là điểm “Nhất Tâm Chân Như”  khi ẩn khi hiển, chỗ sinh xuất của vạn hữu mà cũng là đích cuối cùng mà muôn loài phải đạt tới, ẩn lúc khởi đầu, hiển khi chung cuộc. Giữa thuỷ và chung, ẩn và hiển, là một quá trình tu dưỡng tiến hoá hay thoái bộ của muôn loài chúng sinh. Trước cảnh Suy, Già, Bệnh, Chết tôi đã xúc cảm làm mấy vần thơ sau đây:

Tóc bạc, da mồi, mắt hấp háy.

Lưng còng, gối mỏi, răng lung lay.

Vinh hoa phú quý, say mồi lợi,

Tật bệnh già nua, khổ vẫn đây!

Ví hưởng tràn trề mùi khoái lạc.

Sao đã thoát khỏi mối bi ai?

Duy còn một lối ly Sinh, Tử.

Nhất niệm Nam Mô, trọn tháng ngày.

Để nói lên phần nào quan niệm của tôi về vấn đề Tịnh nghiệp, tôi có mấy vần thơ sau đây để bày tỏ tấc lòng:

Đường về Xứ Phật

Vầng hồng rắc hạt châu sương.

Tỉnh cơn trường mộng, tìm đường hồi sinh.

Giã từ vọng thức vô minh.

Đường về xứ Phật dặm trình bao xa?

Xứ kia trụ giữa Ta bà,

Niết bàn cõi ấy sát na đời đời

Hạc vàng nhẹ gánh mộng vơi

Lâng lâng vỗ cánh lưng trời rẽ mây.

Và để kết thúc câu chuyện hôm nay, tôi thành tâm cầu chúc quý đạo hữu trong buổi đầu Xuân, thân tâm thường an lạc, ai nấy đều luôn có nụ cười Di Lặc trên môi ; trong hiện tại được trở về với Chân Tâm của mình, luôn luôn sống trong Đương Xứ, cõi Tịnh độ của Tự Tâm, và trong tương lai chúng ta cùng nhau vui cảnh đoàn viên trong bầu không khí ấm áp Hạnh phúc Tự do, Bình đẳng tuyệt đối, cùng toàn thể nhân loại hoan ca trong cảnh Địa Đàng.

Giáp Tý 1984

PL 2528