Thắng Pháp Tập Yếu Luận

Thắng Pháp Tập Yếu Luận

Đỗ Quang Huy 44

CHƯƠNG I

CITTA (TÂM VƯƠNG)

KỆ NHẬP ÐỀ

  1. PÀLI VĂN.

– 1a) Sammàsambuddhamatulam Sasaddhammaganuttamam Abhivàdiya bhàsissam Abhidhammatthasanghan.

  1. THÍCH VĂN.

– Sammàsambuddha: Chánh đẳng giác: Atula: Vô tỷ, không thể so sánh. Sasaddhamma: Với diệu pháp. Gana: Chúng. Uttamam: Vô thượng. Abhivàdiya: Sau khi đảnh lễ. Bhàsissam: Tôi sẽ nói. Abhidhammathasangaha: Tên quyển sách.

III. VIỆT VĂN.

– 1a) Sau khi đảnh lễ đấng Chánh đẳng giác vô tỷ, Diệu pháp và vô thượng Tăng chúng, tôi sẽ nói đến tập Abhidhammatthasangaha.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp. Attha nghĩa là vật. Sangaha nghĩa là tập yếu. Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý. Theo tập Atthasàlinì Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng. Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình… Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.

BỐN THẮNG PHÁP

  1. PÀLI VĂN.

-1b) Tattha vuttàbhidhammatthà catudhà paramatthato, Cittam cetasikam rùpam nibbànamiti sabbathà.

  1. THÍCH VĂN.

– Tattha: Ở đây. Vutta: Ðược nói đến. Abhidhammattha. Các vật, các pháp thuộc Abhidhamma. Catudhà: Có 4 loại. Paramatthato: Theo Ðệ nhứt nghĩa đế. Sabbathà: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

– 1b) Theo Ðệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Có hai sự thật (đế): Tục đế và Ðệ nhứt nghĩa đế, Tục đế (Sammuti-sacca) là sự thật ngoài mặt, sự thật của thế tình. Còn Ðệ nhứt nghĩa đế (Paramattha-sacca) là sự thật tuyệt đối. Ví dụ cái bàn chúng ta thấy là tục đế. Theo đệ nhứt nghĩa đế, cái gọi là cái bàn, sự thật gồm nhiều cơ năng và đặc tánh.

Cũng vậy, trong kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ thông thường như người đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã… nhưng trong Abhidhamma, đức Phật dùng những danh từ rất đặc biệt, như Khandha (uẩn), Dhàtu (giới), Àyatana (xứ)…

Chữ Paramattha có nhiều ý nghĩa trong Abhidhamma. Parama nghĩa là không thay đổi (aviparìta), trừu tượng (Nibbattita) Attha nghĩa là vật, pháp Paramattha nghĩa là những vật không thay đổi, hay trừu tượng. Tuy dùng chữ không thay đổi, nhưng đừng hiểu lầm là những vật này trường cữu, thường còn. Một chậu bằng đồng không phải là một Paramattha, vì nó luôn luôn thay đổi và có thể nấu chảy và biến thành cái bình. Cái chậu và cái bình có thể phân tích và chia chẻ thành những sức mạnh vật lý căn bản và những đặc tánh. Sức mạnh và những đặc tánh ấy được gọi là Rùpaparamattha trong Abhidhamma. Chúng cũng bị thay đổi, nhưng đặc tánh của những sắc pháp này là giống nhau và được tìm thấy trong cái chậu cũng như trong cái bình. Chúng gìn giữ đặc tánh của chúng trong mọi sự kết hợp của chúng và vì vậy trong sớ giải, Parama có nghĩa là không thay đổi hay thực có. Attha ở đây có nghĩa là vật chớ không phải là ý nghĩa.

Có 4 Paramattha hay thực thể trừu tượng, bao trùm mọi vật nhập thế và siêu thế. Như cái gọi là hữu tình thuộc về nhập thế. Còn Nibbàna thuộc siêu thế. Loài hữu tình gồm có Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc). Theo Abhidhamma, Rùpa gồm cả những đơn vị căn bản của vật chất và những thay đổi vật chất. Abhidhamma kể đến 25 sắc pháp. Nàma gồm cả Tâm và Tâm sở.

Theo Abhidhamma, cái gọi là hữu tình gồm có năm uẩn (khandha): Rùpa (sắc), Vedanà (thọ), Sannà (tưởng), Sankhàrà (hành) và Vinnàna (thức).

Tâm, Tâm sở (trừ 8 Siêu thế tâm và những Tâm sở câu hữu) và Sắc thuộc nhập thế (Lokiya), và Nibbàna thuộc Siêu thế (Lokuttara). Niết bàn là thực thế cứu cánh, độc nhất. Ba pháp còn lại được gọi là thực thể vì chúng là những vật hiện hữu (Vijjamàna dhammà). Ngoài ra, chúng không thể chia nhỏ, không thay đổi và trừu tượng.

Paramattha thứ nhất là Citta, từ ngữ căn Cit là suy nghĩ. Theo sớ giải, Citta có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Ðây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.

Citta, Ceta, Cittuppàda, Nàma, Mana Vinnàna đều là những chữ đồng nghĩa theo Abhidhamma, không có sự phân biệt giữa Citta và Vinnàna (tâm và Thức). Khi cái gọi là vật hữu tình được chia thành hai phần, thời dùng chữ Nàma (Danh). Khi chia thành năm uẩn, thời chữ Vinnàna (Thức) được dùng.

BỐN LOẠI TÂM

  1. – PÀLI VĂN.

– 2) Tattha cittam tàva catubbidham kàmàvacaram, rùpàvacaram, arùpàvacaram, lokuttaranceti.

  1. THÍCH VĂN.

– Tattha: Ở đây. Catubbidham hoti: Có bốn loại. Kàmàvacaram: Dục giới. Rùpàvacaram: Sắc giới. Arùpàvacaram: Vô sắc giới. Lokuttaram: Siêu thế giới.

III. VIỆT VĂN.

– 2) Ở đây, có 4 loại tâm: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế giới.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Kàmà: Dục, hoặc là ái dục hay là những đối tượng của ái dục như sắc, thanh, hương, vị, xúc. Avacara: nghĩa là lãnh vực địa giới hoạt động. Những tâm vương khởi lên hệ thuộc với các văn và đối tượng của chúng nên gọi là Dục giới tâm. Sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ ngũ thiền ở cõi Sắc giới. Sở dĩ gọi là Sắc giới tâm vì tâm này khởi lên do dùng các sắc pháp để tu thiền định. Vô sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ tứ thiền ở cõi Vô sắc giới. Sở dĩ gọi là Vô sắc giới vì tâm này khởi lên do dùng Vô sắc pháp để tu thiền định. Loka uttara: Lokuttara, nghĩa là Siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do quán tưởng ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã, chứng được các thánh vị, không còn là phàm phu nữa nên gọi là siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.

Theo Pàli Abhidhamma, có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm và 8 Siêu thế tâm.

BẤT THIỆN TÂM

  1. PÀLA VĂN.

– 3) Tattha katamam kàmàvacaram? Somanassasahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàtikamekam. Somanassasahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti. Imàni attha pi lobhasahagatàni cittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Katamam: Có bao nhiêu. Somanassasahagatam: Câu hữu với hỷ. Ditthigatasampayuttam: Tương ưng với tà kiến. Sasankhàrikamekam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Cần được nhắc bảo. Ditthigatavippayuttam: Không tương ưng với tà kiến. Upekkhàsahagatam: Câu hữu với xả. Imàni: Những tâm này Attha: Tám Lobhasahagatàni cittàni nàma: Gọi là những tâm câu hữu với tham.

III. VIỆT VĂN.

– 3) Ở đây có bao nhiêu Dục giới tâm? Một tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ không tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là tâm câu hữu với tham.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Trong 89 Dục giới tâm, có 12 bất thiện tâm chia thành 8 tâm câu hữu với tham, hai tâm câu hữu với sân, hai tâm câu hữu với si. Trước hết là 8 tâm câu hữu với tham.

Tâm đầu là tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo. Khi một người làm một việc bất thiện một cách thích thú, thì tâm người ấy câu hữu với hỷ (somanassasahagatam), nếu làm một cách thản nhiên thời câu hữu với xả (Upekkhàsahagatam). Có người nghĩ rằng giết sanh vật để cúng tế, cướp bóc giết hại những người không đồng với tín ngưỡng của mình là những việc phải, việc thiện, thời tâm của người ấy tương ưng với tà kiến (ditthigatasampayattam). Trái lại, không có những tà kiến ấy gọi là Ditthigatavippayuttam. Có người làm việc ác một cách tự nhiên, mau lẹ không cần người khuyến khích xui giục, thời tâm ấy gọi là Asankhàrikam (không cần nhắc bảo). Nếu cần người xui giục khuyên bảo mới làm thì gọi là sasankhàrikam.

Trong chương trước, tâm chia thành bốn tùy theo cảnh giới, như Dục giới tâm, Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm và Siêu thế tâm. Tâm cũng có thể chia làm 4 loại tùy theo tánh cách của chúng, như Akusala (bất thiện), Kusala (thiện), Vipàka (dị thục) và Kiriyà (duy tác). Sở dĩ gọi là Bất thiện vì chúng phát sanh từ Lobha (tham) Dosa (sân) và Moha (si). Trái với bất thiện tâm là Thiên tâm (Kusala) vì chúng phát sanh từ Alobha (vô tham), Adosa (vô sân) và Amoha (vô si). Nhưng Bất thiện tâm và thiện tâm thuộc về Kamma (nghiệp) và kết quả Dị thục của những tâm này gọi là Vipàka (Dị thục tâm). Cả Kamma và Vipàka thuộc về ý. Còn tâm Kiriyà (Duy tác) là tâm của vị A la hán, tuy có hành động nhưng không có kết quả dị thục vì đã diệt trừ sanh tử.

HAI SÂN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 4) Domanassasahagatam patighasampayuttam asankhàrikamekam, sasànkhàrikamekamekam ti imàni dvepi patighacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Domanassasahagatam: Câu hữu với ưu Patighasampayuttam: Tương ưng với hận. Asankhàrikam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Một tâm cần được nhắc bảo. Dve: Hai. Patighacittàni: Những hận tâm.

III. VIỆT VĂN.

– 4) Một tâm câu hữu với ưu, tương ưng với hận, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Hai tâm này gọi là tâm cân hữu với hận.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Khi một vật khiến ta không ưa thích hoặc trở ngại sự thực hiện ý muốn của mình, chúng ta bắt đầu ghét vật ấy. Dần dần sự ghét ấy tăng lên một mức độ đến nỗi chỉ nghĩ đến vật ấy cũng khiến ta tức tối, chán ghét. Tâm trạng như vậy gọi là Domanassa. Domanassa thúc dục kích thích chúng ta muốn tiêu diệt, công phá vật ta chán bỏ, sự kích thích ấy gọi là Patigha hay hận. Tâm ấy là asankhàrika, nếu trong khi giận dữ, một người làm một tội ác không gì ngần ngại, không cần người xui giục khuyên bảo. Tâm ấy là sasankhàrika nếu có ngần ngại, cần có người xui giục sai bảo mới làm. Trong 2 tâm này, lẽ dĩ nhiên không có somanassa (hỷ), hay upekkhà (xả), cũng không tương ưng với tà kiến vì khi quá tức giận, không còn thì giờ mà suy nghĩ phải với trái nữa.

Lobha, dosa, và moha là ba bất thiện căn. Lobha từ ngữ căn Lubh nghĩa là nắm giữ, ôm ấp. Dosa từ ngữ căn Dus nghĩa là không bằng lòng. Patigha, Pati: nghĩa là đối, Gha (han) có nghĩa là đánh chạm nhau. Moha từ ngữ căn Muh nghĩa là mê lầm. Theo Abhidhamma, Moha có mặt trong tất cả bất thiện tâm. Lobha và Dosa không khởi ra một mình mà phải có Moha. Moha có thể khởi một mình và được gọi là Momùha.

Somanassa: Su là tốt, thiện. Mana: ý, nghĩa là thiện ý, hoan hỷ. Upekkhà: Upa là ngang, không thiên lệch; Ikkh: là thấy không thiên về hỷ và ưu, đứng ở giữa nên có nghĩa là xả. Ditthi từ ngữ căn dis nghĩa là thấy, nhận thức. Sankhàrika từ chữ san nghĩa là tốt và kar nghĩa là làm. Trong Abhidhamma, chữ Sankhàra có nhiều nghĩa, phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng. Dùng với 5 uẩn, Sankhàra là hành uẩn, nghĩa là các tâm sở trừ thọ và tưởng. Dùng với mười hai nhân duyên, Sankhàra có nghĩa là mọi hành động cố ý, thiện hay ác. Sankhàra cũng có nghĩa là thay đổi, biến dịch và dùng chỉ cho các pháp hữu vi. Ở đây, Sankhàra có nghĩa là khuyến khích, sai bảo.

HAI SI TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 5) Upekkhàsahagatam vicikicchàsampayuttamekam, upekkhàsahagatam uddhaccasampayuttamekam ti dve pi momùhacittàni nàma. Iccevam sabbathà pi dvàdasàkusalacittàni samattàni.

  1. THÍCH VĂN.

– Vicikicchàsampayuttam: Tương ưng với nghi. Ekam: Một. Uddhaccasampayuttam: Tương ưng với trạo cử. Momùhacittàni: Những si tâm. Iccevam: Iti + Evam: Là như vậy. Dvàdasa: 12. Sabbathà:Toàn mọi phương diện. Akusalacittàni: Những tâm bất thiện. Samattàni: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

– 5) Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với nghi. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với trạo cử. Như vậy hai tâm này được gọi là si tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Moha: Si, là một điều kiện tất yếu đối với các bất thiện pháp. Lobha và Dosa (tham, sân) không thể khởi lên nếu không có Moha (si). Nhưng nếu chỉ có Moha thôi, thời khiến cho tâm trí bị mê mờ. Nên tâm ấy được gọi là “Momùhacitta. Một tâm trí như vậy khó mà hiểu sự vật rất rõ ràng, có nhiều nghi ngờ, nên gọi là vicikacchàsampayuttam. Một si tâm cũng không thể chuyên nhất trên một đối tượng nào. Tâm ấy xao động, nếu xao động mạnh thì gọi là Uddhaccasampayuttam: tương ưng với trạo cử. Hai tâm này không thể có Somanassa (hỷ) hay Domanassa (Ưu). Chúng tương ưng với Upekkhà (xả). Nghi và trạo cử khởi lên do mê mờ, không thể tự dụng ý tạo lên được, vì mê mờ và hiểu biết tương phản. Lại không thể có ai xui giục để nghi ngờ và trạo cử nên không có asankhàrika và sasankhàrika.

Vickicchà: theo luận sớ có 2 nghĩa: 1) Vici: Vicinanto là tìm hiểu, điều tra + Kiccchati nghĩa là mệt mỏi, phật ý. Phật ý do suy tư, phân vân. 2) Vi: Không có + Cikicchà: phương thuốc của trí tuệ. Vicikicchà nghĩa là không có phương thuốc của trí tuệ. Uddhacca: U nghĩa cùng khắp + Dhu nghĩa là rung động. Tâm trạng của con người bị xúc động quá mạnh.

Kusala có những nghĩa như sau:

  1. Ku: bất thiện + Sa: làm cho rung động. Kusala là diệt trừ điều bất thiện.
  2. Kusa: Ku: bất thiện + Sa: nói láo + La: cắt, chặt. Nghĩa là cắt diệt những gì nói láo một cách đê hèn.
  3. Ku: bất thiện + Su: làm cho tiêu tan. Cái làm diệt trừ bất thiện là Kusa hay trí tuệ. La: cắt. Cái gì cắt đứt bất thiện với trí tuệ, được gọi là Kusala.
  4. Kusa là một loại cỏ. Loại cỏ này cắt bàn tay với hai khía lá sắc bén. Cũng vậy Kusala cắt các phiền não.

TỔNG KẾT 12 BẤT THIỆN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 6) Atthadhà lobhamùlàni, dosamùlàni ca dvidhà mohamùlàni ca dvéti, dvàdasàkusalà siyum.

  1. THÍCH VĂN.

– Atthadhà: Có 8 loại. Lobhamùlàni: Tham căn. Dosamùlàni: Sân căn. Ca: Và. Dvidhà: Có hai loại. Akusalà: Bất thiện. Siyum: (từ động từ Asa): Chúng có thể có.

III. VIỆT VĂN.

– 6) Tham căn có tám, sân căn có hai và si căn cũng có hai. Như vậy Bất thiện tâm có 12.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Ðây là bài kệ tóm tắt đoạn trên, kê rõ có tất cả là tám tham tâm, hai sân tâm và hai si tâm, tổng cộng có 12 Bất thiện tâm.

18 VÔ NHÂN TÂM: 7 BẤT THIỆN DỊ THỤC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 7) Upekkhàsahagatam cakkhuvinnànam, tathà sotavinnànam, ghànavinnànam, jivhàvinnànam, dukkhasahagatam kàyavinnànam, upekkhàsahagatam sampaticchanacittam, upekkhàsahagatam santìranacittanceti. Imàni satta pi akusalavipàkàhetukacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Cakkhuvinnànam: Nhãn thức. Tathà: Cũng như vậy. Sotavinnànam: Nhĩ thức. Ghànavinnànam: Tỷ thức. Jivhàvinnànam: Thiệt thức. Dukkhasahagatam: Câu hữu với khổ. Kàyàvinnànam: Thân thức. Sampaticchanacittam: Tiếp thọ tâm. Santìranacitam: Suy đạc tâm. Imàni satta: Bảy (tâm) này. Akusalavipàka: Bất thiện dị thục. Ahetuka: Vô nhân.

III. VIỆT VĂN.

– 7) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với khổ, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với xả. Bảy tâm này gọi là Bất thiện dị thục vô nhân tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Một tâm yếu ớt không thể có một trong 6 nhân sau đây: Tham, Sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Nên những tâm ấy gọi là Ahetukacitta (vô nhân tâm). Có tất cả là 18 vô nhân tâm: 15 dị thục tâm và 3 duy tác tâm. 15 dị thục tâm lại chia làm hai: 7 Bất thiện dị thục tâm và 8 Thiện dị thục tâm.

Nay nói đến 7 Bất thiện dị thục tâm. Khi chúng ta thọ lãnh một sự kích thích, một cảm giác sẽ khởi ra trong nội tâm. Nếu thuộc về sự thấy, thời giảm giác ấy là nhãn thức (cakkhuvinnàna). Nếu thuộc về sự nghe thì cảm giác ấy gọi là nhĩ thức (Sotavinnàna). Nếu thuộc về ngửi thì gọi là tỷ thức (Ghànavinnàna). Nếu thuộc về nếm thì gọi là thiệt thức (Jivhàvinnàna). Nếu thuộc về cảm xúc thì gọi là thân thức (Kàyavinnàna). Sau khi cảm giác khởi lên, tâm thọ lãnh vật kích thích ở ngoài như là một đối tượng. Tâm ấy gọi là Tiếp thọ tâm (Sampaticchana); sau khi lãnh thọ, tâm ấy bắt đầu tìm hiểu, điều tra đối tượng nên gọi là Suy đạc tâm (Santìrana). Những hành động thiện ác trong đời trước đem đến kết quả lạc khổ trong hiện tại, lạc khổ thuộc vô ký tánh nên biến dị mà thục gọi là dị thục (Vipàka). Lại nhơn và quả cách một đời, ở nơi dị thời mà thục nên gọi là dị thục. Do những nghiệp thiện ác đời trước, tùy theo sức mạnh và tánh chất của các nghiệp nên đời nay sinh ra đã có những tánh tình như thế nào. Bảy tâm kể trên không câu hữu với Somanassa (Hỷ) hay Domanassa (Ưu) vì chúng quá yếu ớt và muội lược, nên chỉ có thể câu hữu với Upekkhà (Xả). Tuy vậy, Kàyavinnàna (Thân thức) lại câu hữu với Dukkha (Khổ) vì thân thức cảm xúc mạnh hơn. Do tạo các ác nghiệp đời trước, nên thọ quả hiện tại là khổ.

5 Bất thiện dị thục thức với 5 Thiện dị thục thức này thường được dùng danh từ Dvipancavinnàna. Hai Sampaticchana và Pancadvàràvajjana được gọi là Manodhàtu (ý giới). Các tâm khác được gọi là Manovinnànadhàtu (y thức giới).

TÁM THIỆN DỊ THỤC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 8) Upekkhà-sahagatam cakkhuvinnànam, tathà sotavinnànam, ghànavinnànam, jivhàvinnànam, sukhasahagatam kàyavinnànam, upekkhàsahagatam sampaticchanacittam, somanassasahagatam santìranacittam, upekkhàsahagatam santìranacittam citi imàni attha pi kusalavipàkàhetukacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Sukhasahagatam: Câu hữu với lạc. Attha: Tám. Kusalavipàkàhetukacittàni: Những thiện dị thục vô nhân tâm.

III. VIỆT VĂN.

– 8) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với lạc, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với hỷ, suy đạc tâm câu hữu với xả. Tám tâm này gọi là Thiện dị thục vô nhân tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Ðoạn này giống với đoạn trên, số 7, chỉ khác là về thân thức, câu hữu với lạc, và có thêm một tâm là suy đạc tâm câu hữu với hỷ.

BA VÔ NHÂN DUY TÁC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 9) Upekkhàsahagatam pancadvàràvajjanacittam,tathà manodvàràvajjanacittam, somanassasahagatam hasituppàdacittam ceti imàni tìni pi ahetukakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi atthàrasàhetukacittàni samattàni.

  1. THÍCH VĂN.

– Pancadvàràvajjanacittam: Ngũ môn hướng tâm. Manodvàràvajjanacittam: Ý môn hướng tâm. Hasituppàdacittam: Tiếu sanh tâm. Imàni: Những tâm này. Tìni: Ba. Ahetukakriyàcittàni: Vô nhân duy tác tâm. Nàma: Gọi là. Iccevam: Iti + evam: như vậy. Sabbathà pi: Tổng cộng tất cả. Attharasàhetukacittàni: 18 Vô nhân tâm. Samattàni: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

– 9) Câu hữu với xả, ngũ môn hướng tâm; cũng vậy, ý môn hướng tâm; câu hữu với hỷ, tiếu sanh tâm. Ba tâm này gọi là Vô nhân duy tác tâm. Như vậy, tổng cộng có tất cả là 18 Vô nhân tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Kriyà nghĩa là duy tác, chỉ có hành động chớ không có quả dị thục. Hai tâm pancadvàràvajjanacitta và Manodvàràvajjanacitta chỉ là những khuynh hướng máy móc của tâm, khi một kích thích được nhận lãnh ở ngoài hay một tư tưởng được thâu nhận từ bên trong. Chúng vừa là Ahetuka (vô nhân) vừa là Kriyà (duy tác), vì không thể gieo quả. Hasituppàda, nụ cười của vị A la hán cũng Ahetuka và Kriyà (vô nhân và Duy Tác).

Muốn hiểu các vô nhân tâm, cần phải hiểu lộ trình của tâm. Khi năm căn xúc chạm với 5 trần, thời lộ trình của tâm ngang qua 5 căn khởi lên. Khi ý căn xúc phạm với pháp trần thời lộ trình của tâm ngang qua ý căn khởi lên.

Lộ trình của tâm ngang qua năm căn có thể dùng ví dụ sau đây để diễn tả. Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài. Một trái xoài rơi xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giựt mình ngồi dậy và tìm biết cái gì để làm mình giựt mình thức giấc. Người này thấy trái xoài, lượm lên, ngửi và xem xét trái xoài, khi được biết trái xoài đã chín, người ấy ăn trái xoài.

  1. “Người ấy đang ngủ” chỉ cho trạng thái thụ động của tâm thức, trôi chảy không có gì làm xao động. Trạng thái này gọi là Bhavanga, hữu phần hay tiềm thức.
  2. “Ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình thức giấc” chỉ cho trạng thái muội lược của tâm thức khi tâm thức đang tìm xem ngoại trần kích thích mình thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân. Tâm này gọi là Pancadvàràvajjana hay ngũ môn hướng tâm.
  3. “Thấy trái xoài” chỉ cho sự sanh khởi của thức, hoặc thuộc con mắt, hoặc 4 căn khác. Thức này hoàn toàn thuần túy, không có một suy tư gì. Nếu thuộc con mắt thì gọi là Cakkhuvinnàna (nhãn thức), nếu thuộc tai thì gọi là Sotavinnàna (nhĩ thức), nếu thuộc mũi thì gọi là Ghànavinnàna (tỷ thức), nếu thuộc lưỡi thì gọi là Jivhàvinnàna (thiệt thức), nếu thuộc thân thì gọi là Kàyavinnàna (thân thức).
  4. “Lượm trái xoài” chỉ cho trạng thái của tâm thức, lãnh thọ sự kích thích của một ngoại vật. Tâm này gọi là Sampaticchana (tiếp thọ tâm).

“Ngửi và tìm xem trái xoài” chỉ cho trạng thái của tâm thức suy nghĩ đối tượng và tìm hiểu đối tượng với những kinh nghiệm quá khứ của mình. Tâm này gọi là Santìrana hay Suy đạc tâm.

  1. “Xác định trái xoài đã chín và tốt” chỉ cho tâm thức xác định vị trí của đối tượng theo sự hiểu biết của mình. Tâm này gọi là Votthapana hay Xác định tâm.
  2. “Ăn trái xoài” chỉ cho tâm thức xử sự với đối tượng. Ðây là trạng thái tâm thức quan trọng nhứt và được gọi là Javana hay tốc hành tâm.

Nếu là lộ trình của tâm ngang qua ý thức (Manodvàravìthi), thời đối tượng không phải từ ngoài mà chính tự nội tâm. Lộ trình này bắt đầu từ Manodvàràvajjana (ý môn hướng tâm) tương đương với Votthapana (xác định tâm).

Với ví dụ này, chúng ta thấy rõ ý nghĩa và vị trí các tâm như nhãn thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm.

TOÁT YẾU

  1. PÀLI VĂN.

– 10) Sattàkusalapàkàni punnàpàkàni atthadhà, kriyàcittàni tìnìti attharasa ahetukà.

  1. THÍCH VĂN.

– Satta: Bảy. Akusala: Bất thiện. Pàkàni: Dị thục. Punna: Thiện. Atthadhà: Có tám. Tìni: Ba. Attharasa: 18.

III. VIỆT VĂN.

– 10) Bất thiện dị thục có bảy; thiện dị thục có tám; duy tác tâm có ba; như vậy có 18 vô nhân tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Câu kệ này tóm tắt 18 loại vô nhân tâm. Bảy bất thiện dị thục tâm, 8 thiện dị thục tâm, 3 duy tác tâm, tổng cộng là 18 vô nhân tâm.

CÁC TỊNH QUAN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 11) Pàpàhetukamuttàni sobhanànì ti vuccare. Ekùnasatthi cittàni athekanavuti pi và.

  1. THÍCH VĂN.

– Pàpa: Bất thiện tâm. Ahetuka: Vô nhân tâm. Muttàni: Trừ. Sobhanàni: Tịnh quang. Vuccare: Gọi là. Ekùnasatthi: 9. Ekanavuti: 91. Và: Hay là. Atha: Chữ đệm.

III. VIỆT VĂN.

– 11) Trừ bất thiện tâm và vô nhân tâm, các tâm còn lại gọi là tịnh quang tâm. Có tất cả là 59 tịnh quang tâm hay 91 tịnh quang tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– 12) Bất thiện tâm là thối hóa. 18 vô nhân tâm là lưng chừng. Chỉ có tác Tịnh quang tâm (Sobhana) là tấn hóa, nên gọi tâm này là Sobhana. Có hai cách tính. 24 Tịnh quang tâm thuộc Dục giới, 15 tâm thuộc Sắc giới, 12 tâm thuộc Vô sắc giới và 8 tâm thuộc Siêu thế giới, cộng là 59 Tịnh Quang tâm. Nếu lấy 8 tâm thuộc Siêu thế giới nhân với 5 cõi thiền thành 40 tâm thuộc Siêu thế giới (lokuttara). 24 tâm thuộc Dục giới cộng với 15 tâm thuộc Sắc giới, 12 tâm thuộc Vô sắc giới với 40 tâm thuộc Siêu thế giới thành có tất cả là 91 Tịnh Quang tâm (Sobhana).

TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG THIỆN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 12) Somanassasahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Somanassasahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahgagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam ti imàni attha pi kàmàvacarakusalacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Nànasampayuttam: Tương ứng với trí. Nànavippayuttam: Không tương ứng với trí.

III. VIỆT VĂN.

– 12) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Dục giới thiện tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Các Sobhanacitta về Dục giới có tất cả là 24: 8 Kusalacittàni (Thiện tâm), 8 Vipàkacittàni (Dị thục tâm), 8 Kriyàcittàni (Duy tác tâm). Các Sobhanacitta này gọi là sahetuka, có nhân, trái với các ahetuka (Vô nhân) trong chương trước. Trong 24 kàmàvàcara sobhanacittas, 12 tâm tương ứng với vô tham, vô sân, và vô si, 12 tâm tương ứng với vô tham và vô sân. Những hành động thiện thông thường là do 8 tâm kusalacitta này tạo ra. Nếu làm điều thiện với tâm hoan hỷ thời câu hữu với hỷ. Nếu làm không hoan hỷ thời câu hữu với xả. Nếu làm với sự hiểu biết là điều phải thời tương ứng với trí. Nếu làm điều thiện mà không biết việc thiện ấy là phải thời không tương ứng với trí.

Nếu làm điều thiện không cần ai nhắc bảo là asankhàrikam, nếu cần nhắc bảo là sasankhàrikam.

Tâm đầu là tâm của một người bố thí cho một người nghèo một cách hiểu biết, không cần ai nhắc bảo. Nếu cần có ai khuyến khích hay sau một thời gian suy nghĩ, đó là tâm thứ hai. Một đứa con nít thấy một vị sư và vái chào liền, không hiểu biết gì, đó là tâm thứ ba. Nếu làm theo lời khuyên của bà mẹ là tâm thứ tư. 4 tâm còn lại cũng tương tự nhưng không có hoan hỷ nên câu hữu với xả.

TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG DỊ THỤC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 13) Somanassasahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Somanassasahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti imàni attha pi kàmàvacaravipàkacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Sahekuta: Hữu nhân.

III. VIỆT VĂN.

– 13) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Hữu nhân dục giới dị thục tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– 8 tâm này là kết quả dị thục của 8 tâm ở trên. 8 vô nhân thiện dị thục tâm (ahetuka kusalavipàkacitta) cũng là kết quả dị thục của 8 tâm ở trên. Như vậy 8 thiện tâm (kusalacitta) làm nhơn tạo ra 16 Dị thục tâm (vipàkacittas), còn 12 bất thiện tâm (akusalacittas) chỉ có 7 Vô nhân bất thiện dị thục tâm (Ahetukavipàka) mà thôi.

TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG DUY TÁC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 14) Somanassasahagatam nanasampayuttam asankhàrikamekam, asankhàrikamekam. Somanassasahagatam nanavippayuttam asankhàrikamekam, asankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nanavippayuttamasankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti imàni attha pi sahetukakàmàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi catuvìsati sahetukakàmàvacara-kusalavipàkakriyàcittàni samattàni.

  1. THÍCH VĂN.

– Kriyàcittàni: Duy tác tâm Catuvìsati: 24, Samattàni: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

– 14) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Hữu nhân dục giới duy tác tâm. Như vậy có tất cả là 24 Hữu nhân Dục giới Thiện, Dị thục, Duy tác tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Các đức Phật, các vị A la hán có thâu nhận tất cả 23 dị thục tâm, vì các vị này vẫn phải gặt kết quả thiện và ác của những hành động trong thời quá khứ cho đến khi mệnh chung. Nhưng các vị này không có 8 Thiện tâm (Kusalacitta) vì không có chất chứa những mầm giống cho một đời sau, vì đã diệt trừ mọi phiền trược đưa đến một đời sống khác. Khi các vị này làm một việc thiện, thì chỉ là Duy tác mà thôi.

TÓM TẮT 24 DỤC GIỚI TỊNH QUANG TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 15) Vedanànànasankhàrabhedena catuvìsati, sahetukàkàmàvacara-punnapàkakriyà matà.

  1. THÍCH VĂN.

– Vedanà: Thọ, chỉ cho Somanassa Upekkhà (Hỷ và Xã). Nàna: Trí. Sankhàra: Nhắc bảo. Bhedena: Chia chẻ, phân loại. Sahetu: Có nhân. Kàmàvacara: Dục giới. Punna: Thiện. Pàka: Vipàka: Dị thục. Kriyà: Duy tác. Matà: Ðược biết là.

III. VIỆT VĂN.

– 15) 24 loại Dục giới thiện, dị thục, duy tác có nhân để chia chẻ theo thọ (hỷ hay xả), trí (có hay không có trí) và được nhắc bảo (hay không nhắc bảo).

  1. THÍCH NGHĨA.

– Câu kệ này tóm tắt 24 loại Sobhanacitta (Tịnh Quang tâm) được biết là có nhân, Dục giới, Thiện, Dị thục hay Duy tác.

TỔNG QUÁT 54 DỤC GIỚI TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 16) Kàme tevìsa pàkàni, punnàpunnàni vìsati; Ekàdasa Kriyà ceti, catupannàsa Sabbathà.

  1. THÍCH VĂN.

– Kàme: Ở Dục giới. Tevìsa: 23 Pàkàni: Vipàkàni: Dị thục. Punna: Thiện Apunnàni: Bất thiện. Vìsa: 20. Ekàdasa: 11. Kriyà: Duy tác. Catupannàsa: 54. Sabbathà: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

– 16) Ở Dục giới có 23 dị thục tâm, 20 thiện và bất thiện tâm, 11 duy tác tâm. Như vậy có tất cả là 54 tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– 23 Dị thục tâm: 15 Vô nhân + 8 Tịnh Quang. 20 Thiện và bất thiện: 12 Bất thiện + 8 thiện. II Duy tác tâm: 3 Vô nhân +8 Dị thục (Tịnh Quang). Tổng cộng là 54 Tâm.

SẮC GIỚI TÂM: 5 SẮC GIỚI THIỆN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 17) Vitakka-vicàra – pìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànakusalacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhàna-kusalacittam. Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànakusalacittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànakusalacittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànakusalacittam ceti imàni pancapi rùpàvacarakusalacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Vitakha: Tầm. Vicàra: Tứ. Pìti: Hỷ. Sukha: Lạc. Ekaggatà: Nhứt tâm. Sahitom: Câu hữu. Pathama: Ðệ nhất Jhàna: Thiền. Kusalacittam: Thiện tâm. Dutiya: Ðệ nhị. Tatiya: Ðệ tam. Catuttha: Ðệ tứ. Upekkhà: Xả. Pancama: Ðệ ngũ. Panca: Năm. Rùpàvacara: Sắc giới.

III. VIỆT VĂN.

– 17) Ðệ nhứt thiền thiện tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền thiện tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền thiện tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền thiện tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm Ðệ ngũ thiền thiện tâm câu hữu với xả và nhất tâm. Như vậy năm tâm này được gọi là Sắc giới thiện tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Tâm ở Dục giới luôn luôn dao động, bị chi phối bởi dục lạc nên không thể định tỉnh. Vì vậy có người tu hành muốn chứng được định tâm. Vị ấy lấy một hình tròn độ hơn một gang tay và dùng đất màu hồng trét bằng. Vật ấy gọi là Parikamma Nimitta, hay Sơ tướng. Người tu hành ngồi và nhìn đối tượng ấy hết sức chăm chú cho đến khi nhắm mắt mà vẫn có thể thấy một hình tròn sáng hiện ra. Ðó tức là Uggaha Nimitta (thô tướng). Uggaha Nimitta này còn thô sơ và còn những dấu vết dọc ngang của đối tượng trét đất trước. Với đối tượng này, người tu hành lại chuyên chú định tâm quán sát cho đến khi trở thành Pàtibhàga Nimitta (quang tướng). Quang tướng này thành một vòng trong sáng không một tì vết nào cả, mà chỉ do tưởng tượng hình thành mà thôi. Người tu hành vẫn tiếp tục định tâm trên Pàtibhàga Nimitta này cho đến khi chứng được đệ nhất thiền (Pathamajjhàna).

Khi chứng được Ðệ nhứt thiền, thời 5 Nìvarana (Triền cái): Kàmacchando: Dục cái, Vyàpàda: Sân, Thìnamiddha: Hôn trầm, Uddhacca-kukkucca: Trạo cử và Vicikicchà: Nghi) được diệt trừ và 5 Thiền chi sau đây được hiện ra: Vitakka (tầm), Vicàra (tứ), Pìti (hỷ), Sukka (lạc) và Ekaggatà (nhứt tâm). Khi người ấy tu đến định thứ hai, thì không có Vitakka; khi chứng đến thiền thứ ba thời không có Vicàra. Khi đến thiền thứ tư thời Pìti không còn. Khi đến thiền thứ năm thì Sukha không còn và được thế vào bởi Upekkhà (Xả). Như vậy dần dần tâm của người tu thiền định chỉ còn Upekkhà và Ekaggatà mà thôi.

Vitakka xuất xứ từ vi + takk nghĩa là suy nghĩ. Ở đây có nghĩa là đưa đến và quy tụ trên đối tượng. Do vitakka sanh ra mà thìna-middha (hôn trầm) được diệt trừ.

Vicàra xuất từ vi + car nghĩa là di chuyển, đây có nghĩa là tìm tòi, tức là để tâm trên đối tượng. Khi có vicàra thời diệt trừ được vicikichà (nghi). Vitakka ví như con ong bay đến bông hoa. Vicàra ví như con ong bay xung quanh cái bông ấy.

Pìti nghĩa là hỷ, từ chữ Pì nghĩa là hoan hỷ, sung sướng. Khi có Pìti thời diệt trừ được Vyàpàda (sân).

Sukha nghĩa là lạc. Khi có Sukha thời không có Uddhacca và Kukkucca (trạo cử). Pìti khiến ta thích ý đối với một đối tượng còn Sukha giúp ta hưởng thọ đối tượng ấy.

Upekkhà có nghĩa là thấy (Jkkhati) một cách vô tư (upa: yuttito) nghĩa là thấy một đối tượng với một tâm trí bình tĩnh. Nghĩa này chỉ dùng với Sobhana citta mà thôi.

Ekaggatà (eka + aggatà) nghĩa là nhứt tâm. Khi đã có định thì phải có Ekaggatà. Khi có Ekaggatà thời trừ diệt được Kàmacchanda (tham dục).

Thiền định Bhàvanà có hai loại: Samatha (chỉ) và Vipassanà (quán). Samatha, chỉ, nghĩa là tịch tỉnh nhờ tu 5 thiền mà chứng được. Chính nhờ tu Samatha mà chứng được Abhìnnà (thắng trí thần thông). Còn Vipassanà là thấy sự vật đúng với sự thật. Chính nhờ Vipassanà mà chứng được thánh quả.

Do 3 nghĩa nên gọi là Sắc giới. Vì dùng sắc pháp làm đối tượng tu hành mà chứng được thiền tâm. Vì ở sắc giới, vẫn còn có tế sắc. Và vì do chứng các thiền tâm này nên sau khi chết, có thể được sanh ở cõi Sắc giới thiên.

Jhàna từ ngữ căn Jhe (suy tư). Ngài Buddhaghosa định nghĩa: Àramman’upanijjhànato paccanìkajhàpanato và jhànam. Jhàna được gọi vậy là vì suy tư chín chắn trên đối tượng hay vì đốt cháy những vật chướng ngại (Nìvarana: Triền cái).

Lộ trình của thiền tâm được diễn tiến như sau:

– Khi Bhavanga (Hữu phần) được dừng lại, thời ý môn hướng tâm khởi lên với đối tượng là quang tướng (Patibhàganimitta). Tiếp đến là Tốc hành tâm (Javana), Tốc hành này bắt đầu với Parikamma (chuẩn bị) hay Upacàra (Cận định) tùy theo trường hợp. Tiếp đến là Anuloma (thuận thứ). Chính ở giai đoạn này mà tâm mới chắc chắn chứng được Appanà (An chỉ). Tiếp đến là Gotrabhù (chuyển tánh) Gotra chỉ cho Dục giới tánh; Bhù là chinh phục. Mọi tâm sát na đến đây thuộc về Dục giới. Sau Gotrabhù sẽ đến Appanà (An chỉ) và thuộc về Sắc giới. Ở đây, Appanà (An chỉ), cả 5 thiền chi đều có mặt ở Sơ thiền. Như vậy sự diễn tiến lộ trình của thiền tâm như sau: Bhavanga, manodvàràvajjana, Parikamma, Upacàra, Anuloma, Gotrabhù, Appanà (Hữu phần, ý môn hướng tâm, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh, an chỉ).

SẮC GIỚI DỊ THỤC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 18) Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànavipàkacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànavipàkacittam. Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànavipàkacittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànavipàkacittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànavipàkacitam ceti imàni panca pi rùpàvacaravipàkacittàni nàma.

  1. VIỆT VĂN.

– 18) Ðệ nhứt thiền dị thục tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền dị thục tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền dị thục tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền dị thục tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền dị thục tâm câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy năm tâm này gọi là Sắc giới dị thục tâm.

III. THÍCH VĂN.

– 3 thiện nhân (kusalahetu) alobha, adosa, amoha (vô tham, vô sân, vô si) rất mạnh trong các tâm rùpàvacarakusalacitta cho nên đem lại các kết quả dị thục giống như các tâm này đến đời sau.

SẮC GIỚI DUY TÁC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 19) Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànakriyàcittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànakriyàcittam. Pìtisukhekaggatasahitam tatiyajjhànakriyàcittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànakriyàcittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànakriyàcittam ceti imàni panca pi rùpàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi pannarasa rùpàvacarakusalavipàkakriyàcittàni samattàni.

  1. THÍCH VĂN.

– Pannarasa: 15. Samattàni: Có tất cả là.

III. VIỆT VĂN.

– 19) Ðệ nhứt thiền duy tác tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền duy tác tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền duy tác tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền duy tác tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền duy tác tâm câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy 5 tâm này gọi là Sắc giới duy tác tâm.

Như vậy có tất cả là 15 Sắc giới Thiện, Dị thục và Duy tác tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Các vị La hán cũng tu 5 thiền này. Nhưng không có kết quả Dị thục, chỉ có duy tác mà thôi nên gọi là kriyàcitta.

TÓM TẮT 15 SẮC GIỚI TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 20) Pancadhà jhànabhedena rùpàvacaramànasam Punnapàkakriyàbhedà tam pancadasadhà bhave.

  1. THÍCH VĂN.

– Pancadhà: Có 5 loại. Jhànabhedena: Phân loại thiền. Rùpàvacaramànasam: Sắc giới về ý. Punna: Thiện. Pàka: Dị thục. Kriyà: Duy tác. Bhedà: Phân loại chia chẻ. Tam: Tâm ấy. Pancadasadhà: Có 15 loại. Bhave: Có.

III. VIỆT VĂN.

– 20) Sắc giới tâm có 5 loại phân theo các thiền. Theo thiện, dị thục và duy tác, có tất cả là 15 thiền tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Câu kệ này tóm tắt các tâm ở Sắc giới. Theo thiền thời Sắc giới tâm có 5 loại. Theo thiện, dị thục và duy tác thời có đến 15 thiền tâm.

VÔ SẮC GIỚI TÂM: 5 VÔ SẮC GIỚI THIỆN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 21) Àkàsànancàyatanakusalacittam. Vinnànancàyatanakusalacittam. Àkincannàyatanakusalacittam. Nevasannànàsannàyatanakusalacittam ceti imàni cattàri pi arùpàvacarakusalacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Àkàsànancàyatana: Không vô biên xứ. Vinnànancàyatana: Thức vô biên xứ. Àkincannàyatana: Vô sở hữu xứ. Nevasannànàsannàyatana: Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

III. VIỆT VĂN.

– 21) Không vô biên xứ thiện tâm. Thức vô biên xứ thiện tâm. Vô sở hữu xứ thiện tâm. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm. Bốn tâm này gọi là vô sắc giới thiện tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Người tu hành sau khi chứng các tâm thiền ở cõi sắc giới muốn tu lên các cõi thiền ở vô sắc giới. Vị này định tâm trên Patibhàganimitta (Quang tướng) như đã nói trong chương trước. Khi vị này chú tâm, thời một ánh sáng yếu ớt, như con đom đóm, phát xuất từ đối tượng ấy. Vị tu hành muốn cho ánh sáng ấy tràn lan khắp cả hư không, và nay chỉ thấy ánh sáng ấy chiếu khắp tất cả mọi chỗ. Cái hư không vô biên ấy không phải là một hiện thực mà chỉ là một tưởng tượng gọi là Kasinagghatimàkàsa (hư không phát sanh từ Kasina). Trên đối tượng ấy, người tu hành chú tâm và nghĩ “Àkàsa ananto” (Hư không là vô biên) cho đến khi chứng được đệ nhứt thiền. Rồi vị này chú tâm trên đệ nhứt Arùpajhàna và suy tưởng: “Vinnànam anantam” (Thức là vô biên) cho đến khi chứng được đệ nhị thiền (Vinnànancàyatanam). Muốn chứng đệ tam thiền, người tu hành lấy đệ nhứt thiền làm đối tượng tu hành và suy nghĩ “Natthi kinci” (không có vật gì tất cả). Muốn chứng đệ tứ thiền, người tu hành lấy đệ tam thiền làm đối tượng tu hành, và vì đệ tứ thiền quá tế nhị nên không thể nói là có tưởng hay không có tưởng.

Năm thiền tâm ở sắc giới khác ở các thiền chi, còn bốn thiền ở vô sắc giới sai khác nhau ở đối tượng tu hành. Ðệ nhứt thiền và đệ tam thiền có hai Pannatti (khái niệm) làm đối tượng tu hành, tức là khái niệm về hư không vô biên và khái niệm về vô sở hữu. Ðệ nhị và đệ tứ thiền lấy đệ nhứt thiền và đệ tam thiền làm đối tượng tu hành. Trong 12 vô sắc thiền tâm, chỉ có hai thiền chi là xả và nhứt tâm.

Lộ trình của vô sắc giới thiền tâm được tiến diễn như sau: Manodvàràvajjàna, Parikamma, Upacàra, Anuloma, Gotrabhù, Àkàsànancàyatana (ý môn hướng tâm, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh, hư không vô biên xứ). Parikamma có thể có hay không, tùy theo trường hợp.

VÔ SẮC GIỚI DỊ THỤC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 22) Àkàsànancàyatanavipàkacittam. Vinnànancàyatanavipàkacittam. Àkincannàyatanavipàkacittam. Nevasannanàsannàyatanavipàkacittam ceti imàni cattàri pi arùpàvacaravipàkacittàni nàma.

  1. VIỆT VĂN.

– 22) Không vô biên xứ dị thục tâm. Thức vô biên xứ dị thục tâm. Vô sở hữu xứ dị thục tâm, Phi tưởng phi phi tưởng xứ dị thục tâm. Bốn tâm này gọi là vô sắc giới dị thục tâm.

III. THÍCH NGHĨA.

– 4 Tâm này là quả dị thục của bốn thiện tâm vừa kể trên.

VÔ SẮC GIỚI DUY TÁC TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 23) Àkàsànancàyatanakriyàcittam, Vinnànancàyatanakroyàcittam, Àkincannàyatanakriyàcittam, Nevasannànàsannàyatanakriyàcittam ceti imàni pi arùpàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi dvàdasa arùpàvacarakusalavipàkakriyàcittàni.

  1. VIỆT VĂN.

– 23) Không vô biên xứ duy tác tâm. Thức vô biên xứ duy tác tâm. Vô sở hữu xứ duy tác tâm. Phi tưởng phi phi tưởng xứ duy tác tâm. Bốn tâm này gọi là Vô sắc giới duy tác tâm. Như vậy, có tất cả 12 Vô sắc giới thiện, dị thục và duy tác tâm.

III. THÍCH NGHĨA.

– Bốn tâm này do các vị A La Hán tu 4 thiền định vô sắc giới mà có, nhưng không có kết quả dị thục chỉ có duy tác mà thôi. Cả 12 thiền tâm này chỉ có hai thiền chi, tức là Upekkhà (Xả) và Ekaggatà (Nhứt tâm).

TÓM TẮT 12 VÔ SẮC GIỚI TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 24) Àlambanappabhedena catudhàruppamànasam, Punnapàkakriyàbhedà puna dvàdasadhà thitam.

  1. THÍCH VĂN.

– 24 Àlambana: Ðối tượng tu hành. Bhedena: Chia chẻ, phân loại. Catudhà: Bốn loại. Aruppà: Vô sắc. Mànasam: Ý. Puna: Lại nữa. Dvàdasadhà: 12 loại. Thitam: Ðứng như vậy.

III. VIỆT VĂN.

– 24) Theo đối tượng tu hành, thời có bốn loại tâm thuộc về sắc giới. Lại nữa, nếu phân loại theo thiện, dị thục và duy tác thì có 12 tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Ðây là bài kệ tóm tắt 12 vô sắc giới tâm. Nếu chia theo thiện, dị thục và duy tác thời có đến 12 tâm.

SIÊU THẾ TÂM, SIÊU THẾ ÐẠO TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 25) Sotàpattimaggacittam, Sakadàgàmimaggacittam, Anàgàmimaggacittam, Arahattamaggacittam ceti imàni cattàri pi lokuttarakusalacittàni nàma.

  1. THÍCH VĂN.

– Sotàpattimaggacittam: Dự lưu đạo tâm. Sakadàgàmimaggacitam: Nhứt lai đạo tâm. Anàgàmimaggacittam: Bất lai đạo tâm. Arahattamaggacittam: A-la-hán đạo tâm. Cattàri: Bốn. Lokuttara kusalacittàni: Siêu thế thiện tâm.

III. VIỆT VĂN.

– 25) Dự lưu đạo tâm, Nhứt lai đạo tâm, Bất lai đạo tâm, A-la-hán đạo tâm, bốn tâm này gọi là siêu thế thiện tâm.

  1. THÍCH NGHĨA:

– Một loài hữu tình ở cõi sắc giới hay vô sắc giới có thể do vô minh lầm tưởng đời sống ở hai cõi ấy là vĩnh viễn và hoàn toàn hạnh phúc. Do vậy lòng tham ái được sống phát sanh và do vậy phải tái sanh sau khi chết. Vị này có thể bị chi phối bởi 10 phiền não sau này:

  1. Sakàyaditthi (thân kiến),
    2) Vicikicchà (nghi),
    3) Sìlabbataparàmàsa (giới cấm thủ),
    4) Kàmàràga (Dục ái),
    5) Patigha (Sân),
    6) Rùparàga (sắc ái),
    7) Arùparàga (Vô sắc ái),
    8) Màna (mạn)
    9) Uddhacca (trạo cử),
    10) Avijjà (Vô minh).

Người tu hành, muốn diệt trừ các phiền não trên, quán tưởng về Anicca (vô thường), Dukkha (khổ) và Anata (vô ngã) và chứng được cõi thiền về Niết Bàn.

Khi người ấy diệt trừ được 3 phiền não thứ nhứt, vị ấy chứng được quả vị thứ nhứt được gọi là Sotàpanna tức là Tu đà-hoàn hay Dự Lưu. Vị này đã dự nhập vào dòng đưa đến Niết bàn. Vị này nhất định sẽ thành A-la-hán sau bảy đời.

Khi vị này làm cho yếu ớt, muội lược hai phiền não kế tiếp, tức là kàmaràga (dục ái) và Patigha (sân), vị này chứng được quả vị thứ hai và được gọi là Sakadàgàmi, tức là Tư-đà-hàm hay nhứt-lai. Vị này phải tái sanh một lần nữa, trước khi chứng quả A-la-hán.

Khi vị này diệt trừ được hai món phiền não dục ái và sân, vị này chứng được quả vị thứ ba và được gọi là Anàgàmi, tức là A-na-hàm hay Bất-Lai. Vị này sẽ, hoặc chứng được quả A-la-hán ngay trong đời này, hay sẽ tái sinh đến một cõi cao hơn và từ nơi đó chứng quả Niết bàn.

Khi vị này diệt trừ cà 5 phiền não còn lại, vị này chứng được quả vị thứ tư và được gọi là Arahan tức là A-la-hán.

Khi vị này chứng được các quả vị trên thời gọi là maggacittam hay đạo tâm. Khi vị này nhận thức rằng mình đã chứng được các quả vị trên, thời được gọi là Phalacitta hay quả tâm.

Sự chứng ngộ Niết bàn:

Hành giả muốn chứng Niết bàn phải cố gắng tìm hiểu sự vật đúng với thực tướng. Với nhất tâm, vị ấy quan sát tự ngã và tìm thấy cái gọi là tự ngã chỉ gồm có danh và sắc. Khi đã hiểu tự ngã chỉ gồm có danh và sắc, vị ấy lại tìm hiểu những nguyên nhân tạo ra tự ngã, và nhận thấy là đời sống hiện tại là do 5 nguyên nhân vô minh ở quá khứ, ái thủ, kamma (nghiệp) và đoàn thực của đời hiện tại. Vì 5 nguyên nhân này, tự ngã sanh khởi, và vì hành vi quá khứ chỉ định hiện tại, hiện tại sẽ chi phối tương lai. Suy tư như vậy, vị này vượt khỏi các nghi ngờ về quá khứ, hiện tại và tương lai (Kankhàvitaranavisuddhi – Ðoạn nghi tịnh). Rồi vị này quán mọi pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã. Chỗ nào đưa mắt đến, vị này cũng chỉ thấy ba tánh này chi phối tất cả. Vị này nhận rằng cuộc đời là một dòng sông trôi chảy mãi mãi, không có hạnh phúc nào là chân thật, vì mọi hạnh phúc đưa đến khổ đau, vì vô thường là đau khổ, và chỗ nào có vô thường và đau khổ, dĩ nhiên không thể có tự ngã.

Trong khi vị này chú tâm tu thiền tưởng, một ngày kia thình lình tự thân phát ra hào quang. Vị này cảm thấy hoan lạc vô biên, thân tâm an lạc nhẹ nhàng, lòng tin nhiệt thành tinh tấn. Tưởng lầm là đã chứng được thánh quả vì sự hiện hữu của hào quang, vị này tha thiết với trạng thái tâm tư ấy. Nhưng rồi vị này nhận chân được những sự cám dỗ ấy chỉ là những phiền não và cố gắng phân biệt giữa tà đạo và chánh đạo (Maggàmagganànadassana visuddhi – Ðạo phi đạo tri kiến tịnh).

Nhận định được chánh đạo, vị này quán tưởng sự sanh khởi (Udayanàna – Sanh trí) và sự diệt trừ (Vayanàna Diệt trí) của các pháp hữu vi. Ðối với lý sinh diệt, sự diệt trừ để lại một ấn tượng sâu đậm hơn và vị này hướng tâm quán tưởng đến sự tiêu diệt các pháp (Bhanganàna – Ðoạn trí). Vị này nhận chân rằng cả tâm pháp và sắc pháp của mình đều luôn luôn chuyển biến, không một phút dừng nghỉ. Vị ấy hiểu biết rằng mọi vật chuyển biến đều đáng ghê sợ (Bhayanàna – Kinh hãi trí). Cả thế giới hiện ra như một hầm lửa, đầy nguy hiểm. Tiếp theo, vị ấy suy nghĩ đến sự đau khổ và nguy hiểm (Àdìnavanàna – Hiểm nguy trí) của thế giới hiện tại và tự cảm thấy chán ghét (Nibbidànàna) và muốn thoát ly khỏi thế giới này (Muncitukamyatànàna – Dục giải thoát trí).

Với mục đích trên, vị này lại quán tưởng đến ba pháp ấn (Patisankhà nàna – Suy tư trí) và tự cảm thấy thản nhiên đối với mọi pháp hữu vi, không tham ái, không chán ghét đời và mọi pháp ở thế gian (Upekkhà nàna – Xả trí). Khi đến trình độ này, vị này lấy một trong ba pháp ấn, pháp ấn nào đối với mình rất thích hợp, rồi quán tưởng suy tư cho đến một ngày kia vị này chứng được Niết bàn.

Lộ trình Javana như sau:

1 2 3 4 5 6+7
Parikamma Upacàra Anuloma Gotrabhù Magga Phala
Chuẩn bị Cận hành Thuận thứ Chuyển tánh Ðạo Quả

Khi không có Parikamma đối với một vị rất thông minh và sáng suốt, thời quả tâm có đến ba sát-na.

Tám trí này: Udaya, Vaya, Bhanga, Bhaya, Àdìnava, Nibbidà, Patisankhà và Upekkhà được gọi chung là Patipadà Nànadassana Visuddhi. (Ðạo tri kiến tịnh). Khi vị này chứng ngộ Niết bàn lần đầu tiên, vị ấy được gọi là Sotàpanna (Dự Lưu). Rồi vị này tiếp tục diệt trừ các phiền não khác cho đến khi chứng được quả A-la-hán. Cần để ý là các phiền não được tuần – tự diệt trừ trong bốn giai đoạn. Ðạo tâm chỉ khởi lên có một sát na rồi tiếp là quả tâm. Ở Siêu thế giới, thiện quả tâm đến ngay lập tức nên được gọi là Akàliko.

Ở Dục giới, kamma hay nghiệp chi phối, còn sở Siêu thế giới, thời Pannà (Trí tuệ) chi phối.

SIÊU THẾ TÂM: 4 QUẢ TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 26) Sotàpattiphalacittam. Sakadàgàmiphalacittam, Anàgàmiphalacittam, Arahattaphalacittam, ceti imàni cattàri pi lokuttaravipàkacittàni nàma.
Iccevam sabbathà pi attha lokuttarakusalavipàkacittàni samattàni.

  1. VIỆT VĂN.

– 26) Dự lưu quả tâm, nhứt lai quả tâm, bất lai quả tâm, A-la-hán quả tâm. Bốn tâm này gọi là siêu thế dị thục tâm.

Như vậy có tất cả là tám siêu thế thiện dị thục tâm.

III. THÍCH NGHĨA.

– Ðây cộng thêm bốn dị thục tâm nữa, thành có tất cả là tám siêu thế tâm: Bốn tâm gọi là siêu thế thiện tâm và bốn tâm gọi là siêu thế dị thục tâm.

TÓM TẮT CÁC SIÊU THẾ TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 27) Catummaggappabhedena, catudhà kusalam tathà,
Pàkam tassa phalattà ti atthadhànuttarammatam.

  1. THÍCH VĂN.

– Catu: Bốn. Magga: Con đường. Pabhedena: Do sự phân biệt. Catudhà: Có bốn. Tathà: Như vậy. Pàkam: Dị thục. Phalattà: Quả tánh. Atthadhà: Có tám. Anuttaram: Vô thượng. Matam: Ðược biết là.

III. VIỆT VĂN.

– 27) Phân biệt về bốn đạo thì có bốn thiện tâm. Cũng vậy, các tâm dị thục là quả của các tâm trên. Như vậy được biết là có tám siêu thế tâm tất cả.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Ðây là bài kệ tóm tắt các siêu thế tâm. Có bốn thiện tâm là bốn con đường và bốn dị thục tâm là kết quả của bốn con đường trên.

TỔNG PHÂN LOẠI 89 DỤC GIỚI TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 28) Dvàdasàkusalànevam Kusalànekavìsati, Chattimseva vipàkàni kriyàcittàni vìsati.

  1. THÍCH VĂN.

– Dvàdasa: 12. Akusalàni: Bất thiện. Ẹvam: Như vậy. Kusalàni: Thiện. Ekavìsati: 21. Chattimsa: 36. Vipàkàni: Dị thục. Kriyàcittàni: Duy tác tâm. Vìsati: 20.

III. VIỆT VĂN.

– 28) Có 12 Bất thiện tâm, có 21 Thiện tâm, có 36 Dị thục tâm và có 20 Duy tác tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Bài kệ này tóm tắt các tâm đã nói đến từ trước. Có 12 Bất thiện tâm, có 21 Thiện tâm (8 Tịnh Quang tâm ở Dục giới, 5 ở Sắc giới, 4 ở Vô sắc giới và 4 Siêu thế đạo tâm). Có 36 Dị thục tâm (15 Vô nhân tâm + 8 Tịnh Quang tâm + 5 Sắc giới tâm + 4 Vô sắc giới tâm + 4 Siêu thế tâm) và 20 Duy tác tâm (3 Vô nhân tâm + 8 Tịnh Quang tâm + 5 Sắc giới tâm + 4 Vô sắc giới tâm).

TỔNG PHÂN LOẠI 89 TÂM VÀ 121 TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 29) Catupannàsadhà kàme rùpe pannarasìraye. Cittàni dvàdasàruppe attha-dhànuttara tathà.

Itthamekùnanavutippabhedam pana mànasam,
Ekavìsasatam vàtha vibhajanti vicakkhanà.

  1. THÍCH VĂN.

– Catupannàsadhà: 54 loại. Kàme: Ở dục giới. Rùpe: Ở sắc giới. Pannarasa: 15. Iraye: Ireti, nói đến. Dvàdasa: 12. Àruppe: Ở Vô sắc giới. Atthadhà: Có 8 loại. Anuttare: Ở cõi Siêu thế giới. Tathà: Như vậy. Ittham: Như vậy. Ekùnanavuti: 89. Pabhedam: Chia chẻ. Mànasam: Ý. Ekavìsasatam: 121. Và: Hay là. Atha: Ở đây. Vibhajanti: Phân loại, chia chẻ. Vicakkhanà: Người trí huệ.

III. VIỆT VĂN.

– 29) Ở Dục giới có 54 tâm, ở Sắc giới có 15 tâm, ở Vô sắc giới có 12 tâm, ở Siêu thế giới có 8 tâm. Như vậy 89 tâm này, các nhà có trí lại chia có 121 tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Bài kệ này tóm tắt tất cả tâm ở Dục giới (54), ở Sắc giới (15), ở Vô sắc giới (12) và ở Siêu thế giới (8). 89 tâm này lại được các nhà có trí chia thành 121 tâm.

PHÂN LOẠI 121 TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 30) Katham ekùnanavutividham cittam ekavìsasatam hoti? Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànasotàpattimaggacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànasotàpattimaggacittam.
Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànasotàpattimaggacittam.
Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànasotàpattimaggacittam.
Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànasotàpattimaggacittam ceti imàni panca pi sotàpattimaggacittàni nàma.
Tathà sakadàgàmimagga-anàgàmimagga-arahattamaggacittam ceti samavìsati maggacittàni.
Tathà phalacitàni ceti samacattàlìsa lokuttaracittàni bhavantìti.

  1. THÍCH VĂN.

– Katham: Sao. Ekùnanavutividham: 89 loại. Ekavìsasatam: 121. Samavìsati: Có vừa 20. Samacattàlìsa: Có vừa 40. Bhavanti: Có.

III. VIỆT VĂN.

– 30) Vì sao 89 tâm lại thành ra 121 tâm? Ðệ nhứt thiền dự lưu đạo tâm, câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Ðệ nhị thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy 5 tâm này gọi là Dự lưu đạo tâm. Cũng như vậy Nhứt lai đạo tâm, Bất lai đạo tâm, A la hán đạo tâm, có tất cả là 20 đạo tâm. Cũng như vậy, các quả tâm. Cộng tất cả là 40 Siêu thế tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Ðoạn này giải thích vì sao 89 tâm trở thành 121 tâm. Dự lưu đạo tâm (Sotàpatti-magga) có thể chia thành 5 loại, tương ứng với đệ nhứt thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, đệ ngũ thiền. Các tâm Nhứt lai, Bất lai, A la hán cũng tương ưng như vậy nên có tất cả là 20 đạo tâm. Các quả tâm cũng tương ưng tương tự và có 20 quả tâm. Như vậy là có tất cả 40 Siêu thế tâm. Theo sự phân loại sau, có thặng hơn sự phân loại trước là 32 Siêu thế tâm, chớ không phải 89 tâm như trước đã nói.

PHÂN LOẠI CÁC SIÊU THẾ TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 31a) Jhànangayogabhedena katvekekam tu pancadhà,
Vuccatànuttaram cittam cattàlisa vidham ti ca.

  1. THÍCH VĂN.

– Jhànanga: Các phần tử của thiền. Katvà: Khi đã làm. Ekekam: Mỗi một. Pancadhà: 5 loại Vuccati: Gọi là. Anuttaram cittam: Siêu thế tâm. Cattàlisavidham: Có 40. Ca: Và.

III. VIỆT VĂN.

– 31a) Tương ưng với các phần tử của Thiền, mỗi tâm Siêu thế nhân với 5 cõi thiền thành có 40 Siêu thế tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Bài kệ này giải thích vì sao 8 Siêu thế tâm trở thành 40 Siêu thế tâm, tức là lấy tám tâm ấy nhơn với 5 cõi thiền ở Sắc giới.

PHÂN LOẠI CÁC THIỀN TÂM

  1. PÀLI VĂN.

– 31b) Yathà ca rùpàvacaram gayhànuttaram tathà, Pathamàdijjhànabhede àruppam càpi pancame,
Ekàdasacidham tasmà pathamàdikamìritam,
Jhànamekekamante tu tevìsatividham bhave.
Sattatimsavidham punnam dvipannàsavidham tathà.
Pàkamiccàhu cittàni ekavìsasatam budhà.

  1. THÍCH VĂN.

– Yathà tathà: Giống như, cũng như. Rùpàvacaram: Sắc giới. Gayha: Quá khứ phân từ của Ganhàti, được lấy. Anuttaram: Vô thượng, đây chỉ cho Siêu thế tâm Pathamàdijjhànabhede: Theo sự chia chẻ của các thiền từ đệ nhứt thiền trở đi. Àruppam: Vô sắc giới tâm. Pancame: Thứ năm Ekàdasavidham: 11 loại. Tasmà: Do vậy. Pathamàdikam: Ðệ nhứt thiền v.v… Iritam: Quá khứ phân từ của Ireti: nói, thuyết. Jhànamekekam: Mỗi thiền. Antam: Thiền cuối cùng. Tevìsatividham: 23 loại. Bhave: Có. Sattatimsavidham: 37. Dvipannàsavidham: 52 Pàkam: Dị thục. Àhu: Ðã nói: Ekàvìsasatam: 121. Budhà: Vị sáng suốt.

III. VIỆT VĂN.

– 31b) Cũng như các tâm ở sắc giới, tâm ở siêu thế giới cũng chia chẻ như vậy (nghĩa là chia thành 5 cõi thiền). Về thứ tự các cõi thiền, từ đệ nhứt thiền v.v… Vô sắc giới tâm được xem là thiền thứ năm. Do vậy, từ thiền thứ nhất đến thiền thứ tư, mỗi thiền có 11 tâm. Còn thiền cuối cùng tức là thiền thứ năm, có đến 23 tâm.

Có 37 thiện tâm, 52 dị thục tâm. Như vậy vị sáng suốt nói rằng có 121 tâm.

  1. THÍCH NGHĨA.

– Kể thiền tâm, cả sắc giới, vô sắc giới và siêu thế giới, xem vô sắc giới thiền tâm như Thiền thứ năm, xem Ðạo tâm và Quả tâm là 40 tâm, thời sự phân chia theo 5 Thiền kể như sau:

– Thiền thứ nhất: 11 tâm
– Thiền thứ hai: 11 tâm
– Thiền thứ ba: 11 tâm
– Thiền thứ tư: 11 tâm
– Thiền thứ năm: 23 tâm

Bản đồ sau đây sẽ nêu rõ:

Các cõi Thiền Sắc giới Vô sắc giới Siêu thế giới Tổng cộng
Thiện Dị thục Duy thức Thiện Dị thục Duy thức Ðạo Quả
Sơ thiền 1 1 1 4 4 11
Nhị thiền 1 1 1 4 4 11
Tam thiền 1 1 1 4 4 11
Tứ thiền 1 1 1 4 4 11
Ngũ thiền 1 1 1 4 4 4 4 4 23

Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:

1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa Thượng Narada.