Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

Trương Văn Chiến 35

III. SAU CUỘC VẤN ĐÁP

Khi dứt các câu hỏi và đáp giữa đức vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên, ngay lúc ấy, phát sanh hiện tượng phi thường là quả địa cầu dày bốn mươi do tuần rung động, rung chuyển dữ dội, sấm chớp ở lưng trời xẹt chiếu khắp các hướng. Trên hư không, chư thiên rải hoa cúng dường. Trời đại phạm thiên phát tâm hoan hỷ, không hết lời ca ngợi, tán dương. Sóng giữa biển khơi dâng lên cao, ì ầm không ngớt.

Đức vua Mi-lan-đà, bá quan, cung phi mỹ nữ, quân lính theo hầu đồng quỳ xuống chắp tay đảnh lễ rất thành kính.

Thật là một sự kiện trọng đại đối với đức vua, vì qua cuộc vấn đáp, ngài đã lãnh hội được biết bao nhiêu điều cương yếu của giáo pháp, đã làm cho yên lặng tất cả mối hoài nghi. Đức vua vô cùng hoan hỷ, đức tin thanh khiết đối với Tam Bảo được củng cố, tăng trưởng, ngài rất ngưỡng mộ oai đức của bậc xuất gia phạm hạnh.

Hiện giờ, bao nhiêu ngã chấp của đức vua đều tiêu tan. Bản chất ngạo mạn, cứng đầu, khoe khoang, coi trời đất không ra gì của ngài cũng đã chấm dứt.

Như rồng chúa có rất nhiều thần lực, khi đã nhổ răng và bẻ vuốt đi rồi thì không còn chất độc để tác hại ai được nữa, đức vua chắp tay cung kính:

– Kính bạch đại đức Na-tiên! Tất cả những câu hỏi của trẫm đưa ra, có một số câu rất khó, thuộc trình độ của Phật, thế mà ngài đã giải đáp rất minh bạch, rành rẽ, khúc chiết. Trong giáo hội của Đức Tôn Sư, từ xưa đến nay, ngoại trừ đức Pháp chủ Xá-lợi-phất ra, có lẽ không ai giải đáp nỗi. Ngài đúng là bậc có trí tuệ vô song vậy.

Trong thời gian vừa qua, khi đặt những câu hỏi, khi đưa ra vấn đề hoặc những khi hỏi ngược lại; dù vô tình hay cố ý, nếu có chỗ nào trẫm thất lễ, khiếm khuyết, xin ngài rộng lòng bi mẫn hỷ xả; và trẫm cũng xin cung kính được sám hối.

Kính bạch đại đức! Xin ngài hãy chứng minh và nhận biết cho trẫm là người quy y Tam Bảo, kể từ ngày nay trở đi, xin ngài là nơi nương nhờ cho đến trọn đời.

Đại đức Na-tiên im lặng nhận lời, trao truyền quy giới cho đức vua Mi-lan-đà; ngài nói ít lời sách tấn, khuyến hóa, dạy nhà vua hãy sống thuần thành là một người con Phật, kính tín Tam Bảo và chăm lo hạnh phúc đến cho bá tánh.

Thời gian sau, đức vua Mi-lan-đà cho kiến tạo một ngôi chùa lấy tên là Mi-lan-đà dâng cúng đến đại đức Na-tiên. Kể từ đó, Chư Tăng mười phương vân tập về chùa này rất đông. Và đức vua là người hết lòng phục vụ, hộ độ đến Tăng-già rất đầy đủ.

Càng ngày dường như giáo pháp cao thượng càng thấm sâu vào đời sống, đức vua cảm thấy không còn thích thú đến vương vị, phú quý hay quyền lực nữa. Ngài bèn truyền ngôi cho hoàng tử để có thể có đủ thì giờ chiêm nghiệm giáo pháp nhiệm mầu. Ngài thấy thật rõ rằng, thế gian quả là thấp thỏi, hạ liệt, người ta hằng tìm cho mình những thú vui ngũ dục tầm thường. Quả thật, thế gian này bị chi phối bởi ba định luật vô thường, khổ và vô ngã; chẳng có gì tồn tại chắc bền, chẳng có gì là thực, đáng gọi là nên đam mê, thích thú. Ở đâu cũng thấy khổ, thấy mê lầm, thấy tội, thấy dục, thấy lửa cháy… Ngài để tâm tư quán xét mười một tầng của cõi dục giới, gồm bốn ác đạo, người và sáu tầng trời dục giới. Rồi ngài lại quán xét, tư duy mười sáu tầng trời phạm thiên hữu sắc, luôn cả bốn tầng trời vô sắc; ngài cảm thấy rất rõ ở trong tâm rằng, chẳng có nơi nào xứng đáng để cho kẻ trí nương trú. Nơi này làdục thô thiển, phiền não thô thiển. Nơi kia là dục vi tế, phiền não vi tế. Ở đâu cũng vô thường, khổ não, vô ngã. Ở đâu cũng quanh quẩn lui tới trong luân hồi sinh tử.

Cái đô thành pháp bảo, cái vương quốc của giống dòng thượng đẳng, tức là nơi hạnh phúc chân thật, mới xứng đáng cho kẻ trí kiếm tìm. Thực hiệncon đườngấy đòi hỏi sự gian nan, kiên trì; và nhất là phải từ bỏ thế gian, phải khoác phẩm mạo sa môn theo chân đại đức Na-tiên!

Nghĩ là làm. Thế rồi, một đêm kia, không cho ai hay biết, đức vua Mi-lan-đà lặng lẽ rời bỏ hoàng cung, đổi hoàng bào lấy chiếc áo khoác của người khất sĩ, tìm đường xuất gia, sau đó sống đời không nhà cửa của một sa môn chân chính.

Vốn đã trang bị cho mình một pháp học uyên thâm, vị sa môn này không mấy khó khăn khi chuyển qua pháp hành. Nhờ sự tinh cần, kiên trì tiến tu chỉ tịnh, quán minh; không bao lâu sau, ngài đắc giải thóat bảo cái trắng làm cho tỏ ngộ Niết-bàn, thành bậc A-la-hán vô sanh.

Nói tóm lại, nhờ trí tuệ, đức vua Mi-lan-đa không ngớt tầm cầu học hỏi, tra vấn, thao thức mà duyên may gặp được đại đức Na-tiên. Nhờ gặp đại đức Na-tiên, một bậc đại trí tuệ, mà trí tuệ của đức vua Mi-lan-đà đã được phát huy, tăng trưởng. Và sau rốt, cũng nhờ trí tuệ ấy mà đức vua Mi-lan-đà đã thành tựu được phần thưởng tôn vinh, cao quý nhất của kiếp người – giải thóat khỏi phiền não sinh tử – khó tìm, khó kiếm, nan hành, nan đắc.

Vì lãnh hội được giá trị cao cả, ưu thắng của trí tuệ ấy, các bậc A-xà-lê đã trước tác một kệ ngôn, tán dương đức tính ưu việt của trí tuệ như sau:

Thế gian hằng tán dương, ca ngợi trí tuệ. Nhờ trí tuệ mới thấu triệt được chánh pháp và trú vững trong chánh pháp. Trí tuệ chấm dứt tất thảy mọi hoài nghi để nếm thưởng được hương vị của pháp.Chánh niệm có mặt ở đâu thì trí tuệ phát sanh ở đấy. Chánh niệm trú ở pháp nào thì trí tuệ cũng trú ở pháp ấy. Người có trí tuệ xứng đáng thọ nhận sự cung kính, cúng dường.Người có trí tuệ là người phi thường, quý báu – trên thế gian không ai quý báu hơn. Cúng dường trí tuệ, cung kính trí tuệ giống như cúng dường và cung kính bảo tháp thờ các vị A-la-hán vậy.”

Bộ kinh Mi-lan-đà sở vấn, tức là bộ kinh ghi lại những câu hỏi của đức vua Mi-lan-đà và những câu đáp của đại đức Na-tiên được chấm dứt ngang đây.

-HẾT

Kính Cáo

Thượng tọa Chánh Niệm – trụ trì chùa Phật Bảo, số 57 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh – tìm trong di cảo của cố Hòa thượng Giới Nghiêm, thấy Ngài đang làm lại trọn bộ kinh Mi-tiên Vấn đáp. Nghĩ đến giá trị của bộ kinh và cũng muốn đáp đền ân đức của Thầy Tổ, Thượng tọa Chánh Niệm đã không quản công lao và thời gian, quyết tâm hoàn thành di chí của Ân sư.

Là đệ tử của Ngài, tôi thật sự cảm kích trước việc làm của Thượng tọa Chánh Niệm; nên không nệ tài hèn sức kém, không ngại Phật sự đa đoan bộn bề, đã góp sức cùng Thượng tọa hầu để hòan thành tác phẩm này.

Sau hai năm làm việc, quyển kinh có nội dung như hiện nay, tương đối dễ đọc, dễ hiểu đối với đại chúng, nhưng chúng tôi thấy mình đã vấp phải những lỗi lầm sau đây:

– Đã không còn theo sát nguyên văn bản dịch của Thầy Tổ.
– Đã đi xa bổn kinh Pàli văn và cả bản tiếng Anh.

Vì vậy, tất cả những lệch lạc, khiếm khuyết ở đâu đó trong quyển kinh này, trách nhiệm thuộc về phần chúng tôi. Chỉ có một điều được an ủi, mà chúng tôi biết, là nội dung quyển kinh không sai lạc với giáo pháp uyên nguyên.

Chúng Đệ tử chân thành sám hối với Ân sư. Kính cáo lỗi cùng các bậc thức giả, trí giả và mong chư vị niệm tình hỷ xả.Trân trọng,

 

Trụ trì chùa Phật Bảo, Tp HCM
Tỳ kheo Chánh Niệm Sammasati
(Nguyễn Đình Pháp)

 

      Phong Trúc Am, Huế
Mùa Phật Đản 2544
Tỳ kheo Giới Đức Silaguno

Thi Điếu

Ân Sư Cố Hòa Thượng Giới Nghiêm
Thế danh Nguyễn Đình Trấn
(1921 – 1984)
Viên tịch lúc 10g10 ngày 13 tháng 7 năm Giáp Tý
(9-8-1984 – P.L. 2528)

Tác bạch Giác linh Ân sư!
Hỡi ôi!
Khứ lai giả mộng!
Sinh tử thị thường!
Đau đớn vậy mà xót xa đành vậy!
Khôn cầm lệ, giọt phàm tình rưng chảy!
Nghĩa Sư đồ đại hải ba xuân,
Giòng nước xao, bóng núi vẫn còn,
Hài mây dẫu, non cao ngời bóng trượng!
Ôi!
Đói chút cơm thừa, y vụn,
Từ Linh sơn nghĩa trọng,
Truyền lưu áo bát mấy nghìn sau!

Ôi!
Khát dòng sữa ngọt thanh lương,
Từ kim khẩu Pháp vương,
Diệu hóa ba thời vô lượng nghĩa!

Với chí nguyện chơn truyền Tây Thổ,
Ngài du phương liệt quốc tầm nguyên!
Tứ cố vô thân,
Cõi Pháp, con thuyền!
Lìa thân thế, lìa gia hương,
Hoài bão trái tim trang nguyệt rạng!
Đơn thân độc bộ,
Trần chân vạn lý!
Nào hư vinh, nào huyễn mị,
Ngước cao vầng trán đuốc tinh vân!
Thế mà hỡi ôi!
Lạc quốc cao đăng,
Báo thân xả đoạn!
Dẫu chốc thoáng, ba đời ân nặng,
Chưa trăm năm, một cỗi tùng già!
Chốn Thiền môn,
Tăng lữ nguyệt sương pha,
Cõi trần thế, môn đồ hoa cỏ dại!

Đã từng khuyết chỗ ngồi cao đức!
Chừ đành sao đáy nước trầm châu?
Tín nữ, thiện nam lặng lẽ kinh cầu,
Bửu quyến, môn sinh
bùi ngùi tưởng niệm!
Nhớ Giác linh xưa,
Yêu quê hương như ruột thịt,
Xót sinh chúng tợ xương da!
Tổ quốc Bắc, Nam, bốn biển một nhà,
Phật giáo dị, đồng,
hai phương nhất thống!
Vì bi tâm mà dõng mãnh,
Bởi tuệ lực nên kiên cường!
Chí xuất phàm nào phải óc tư lương,
Hạnh đại sĩ làm sao người suy xét?
Bởi thế cho nên,
Thân hành, ngôn giáo,
Quyền biến, cơ tùy!
Đạo và Đời đâu nở mối phân ly?
Bỉ và thử phải vẹn tình giai kết!
Tiểu sử đã nên trang kiệt hiệt,
Thanh danh vốn thành đức Chân Nhân!
Ngửa mặt lên, nguyệt tỏ giang san,
Ngoảnh đầu lại, trí soi tình lý!
Miền giác ngạn, đâu hay hưng phế,
Cõi mê đồ, càng rõ thịnh suy!

Ôi! Giác linh ôi!
Sinh phần là đâu? nhục thể là đâu?
Tứ đại giai không; thể phách, tinh anh,
Sống, thác: bạch vân nhất phiến!
Quán quê vậy đó! thế thân vậy đó!
Ba đời hư huyễn; nhân thần, linh tánh,
Ngộ, mê: diệu tuệ sát na!
Sinh tử hề! phi vân!
Khứ lai hề! lưu thủy!
Áo nhập thế, trăng vàng tịnh thổ,
Chân ly trần, hoa trắng thanh sơn!

Hôm nay,
Cử niệm bi ai;
Đồng văn khấp điếu!
Hồn sông núi trọn tình kính mộ,
Lòng trăng sao một dạ cảm thương!
Môn đồ, đại chúng sầu vương,
Tăng Ni, Tôn đức trầm hương chí thành!
Nhìn di tượng, long lanh đáy mắt,
Trông kim quan, ruột thắt đòi cơn!
Sinh như hà, tử như thị,
Hồn phách phiêu diêu chứng giám!
Ân thùy tri, công thùy tri,
Thiên địa mang mang lạc khoản!

Đê đầu khấp điếu
Đại chúng môn đồ!
Thành kính dâng lên
Giác linh Cố Hòa thượng
Ân Sư Giới Nghiêm.
Ngưỡng nguyện Giác linh Ngài
cao đăng Phật quốc.

Đệ tử,
Bhikkhu Silaguno
(Tỳ Kheo Giới Đức)