Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương

Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương

Trương Văn Chiến 43

Chương XI

XA MA THA TAM MA BÁT ĐỀ VÀ THIỀN NA TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TU TẬP

Bấy giờ, Viên Giác Bồ Tát trước đại chúng đảnh lễ Phật và chấp tay thưa:

Bạch Thế Tôn! Đại chúng trong hải hội đã được Phật chỉ dạy rõ con đường trở về nhà Viên Giác. Những người sơ cơ hậu thế, đã tỏ ngộ Như Lai Viên Giác Diệu Tâm rồi, đối với ba pháp Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Đề và Thiền Na phải tu pháp nào trước? Cúi mong Như Lai vì chúng sanh hậu thế dạy rõ khiến cho họ được gội nhuần mưa pháp!

1. Phật dạy: Nầy Viên Giác! Phật còn trụ thế hay đã nhập Niết bàn, những chúng sanh có chủng tánh Đại thừa, tin NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM là kho tàng bí mật của chư Phật thì có thể ở chốn tòng lâm trụ nơi am tự hoặc ở tại gia y theo ba pháp, trước sau thay đổi thành 25 cách như Thế Tôn đã dạy thì kết quả không có gì sai khác. Nếu có duyên cớ thì có thể kiến lập chỗ tu riêng, định kỳ hạn 120 ngày, 100 ngày hoặc 80 ngày tùy ý. Tư duy chơn chánh, quán niệm chơn chánh là nền tảng trong vô lượng pháp môn tu dù Phật tại thế hay đã Niết bàn, người quán niệm tư duy đúng pháp thì sẽ có kết quả khinh an giải thoát. Khởi ý tiến tu, phải y cứ Đại thừa, hành tịch diệt hạnh, lấy Đại Viên Giác làm đối tượng sở quy và quán chiếu thật tướng trên lộ trình cầu tiến. Thân tâm hướng vào bình đẳng tánh trí, phải xác định tự tánh Niết bàn không lúc nào tách rời cuộc sống thực tại.
Người phát khởi ý hướng Đại thừa tu tập Viên Giác, an trụ chỗ nào thì chỗ đó được xem như cảnh già lam.

2. Nầy Viên Giác! Nếu tùy theo tâm tánh của đa số thì có thể tu pháp Xa Ma Tha trước, Xa Ma Tha có công dụng chặn đứng vọng tưởng đem lại cho hành giả một trạng thái “tịch tĩnh” khinh an. Từ trạng thái tịch tĩnh khinh an có thể phát sanh tuệ giác để nhận thức chân lý trên đường tu tập tiếp theo.

Nếu người tâm nhiều vọng động cần tu Tam Ma Bát Đề trước, vì có đối tượng sở quán, họ mới dễ được tĩnh tâm.

Hai pháp môn “Chỉ” “Quán” trên nếu chưa thích hợp, thì hành giả có thể tu tập “Thiền”. Thiền là pháp tu tư duy, tùy thuộc căn tánh sở thích. Nếu pháp đối tượng tư duy không thích hợp thì lâu có kết quả hoặc không đem lại kết quả thậm chí phản tác động, có hại, người tu cần thận trọng lưu tâm! Tư duy “đếm hơi thở” là pháp phổ thông cho mọi người ham mộ pháp môn Thiền trên bước đường sơ cơ tu tập.

Chọn một trong ba pháp, pháp nào cũng có thể đem lại sự khinh an giải thoát, vấn đề trước sau không có gì trở ngại. Riêng hạng người ba pháp tu cùng một lúc thành tựu viên mãn, thì đó là hình ảnh của Như Lai xuất hiện trên cõi đời.

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ:

Viên Giác ông nên biết.
Tất cả các chúng sanh.
Muốn cầu vô thượng đạo.
Có thể lập định kỳ.
Tu tập chánh tư duy.
Xa Ma Tha “Chỉ tức”.
Tam Ma Đề “Quán niệm”.
Thiền Na “Sổ tức môn”.
“Tam tịnh quán” đồng thời.
Chuyên cần tu viên mãn.
Là Phật hiện ra đời.
Người độn căn tiểu trí.
Sám hối nghiệp lậu xưa.
Các chướng diệt hết rồi.
Cảnh Phật bèn hiển hiện.

TRỰC CHỈ

1. Pháp CHỈ, QUÁN và THIỀN NA có thể thay đổi trước sau thành 25 cách như lời Phật dạy ở chương tám trước kia. Tùy người, tuỳ hoàn cảnh có thể thay đổi, nhưng nếu sự tu hành thanh tịnh như nhau thì kết quả ngang nhau không hơn kém. Vấn đề quyết định trước hết phải là người chủng tánh Đại thừa, tin sâu và xác định NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM là tâm tánh vốn có của mình.

Về chỗ ở để tu không quan trọng, mà quan trọng ở chủng tánh, ở trí tuệ sáng suốt quyết định lòng tin hiểu đối với chân lý với NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM. Ở chùa tu cũng được, ở tại gia tu cũng được, lập riêng một chỗ nào đó ở tu cũng được. Sức tinh tấn và thanh tịnh ngang nhau thì quả giải thoát giác ngộ bằng nhau. Ấn định kỳ hạn 80 ngày cũng được 120 ngày cũng được, điều đó do hoàn cảnh vả khả năng phát nguyện của mỗi người. Vấn đề then chốt vẫn là: Phát ý Đại thừa. Lấy Như Lai Viên Giác làm đối tượng quay về.2. Theo tâm lý thông thường thì nhiều người thích hợp với pháp tu “Chỉ” trước, rồi kế đó tu “Quán”. Tuy vậy, cũng có người nhờ vận dụng “Quán” trước thì “Chỉ” mới tĩnh được. Như trên đã nói, việc đó tùy người. Chỉ, quán mà chưa điều phục được vọng tâm thì tu Thiền Na áp dụng phương pháp phổ thông cơ bản là “sổ tức quán”, theo dõi hơi thở và đếm hơi thở ra vào. Pháp môn nầy là một phương tiện cột tâm rất hữu hiệu.

Những bậc cao tăng uyên thâm đạo vị, các Ngài thường sử dụng cả ba pháp trong cuộc sống hằng ngày mà không có khởi ý dụng công. Nếu người an trú trong CHỈ, QUÁN và THIỀN NA không xen tạp tưởng, Phật nói đó là hình ảnh Như Lai xuất hiện ở cõi đời.