Đạo Vô Ngại Giải Paṭisambhidāmagga

Đạo Vô Ngại Giải Paṭisambhidāmagga

Đỗ Quang Huy 26
dao vo ngai giai paṭisambhidamagga
Mục lục

[XXIX – LUẬN VỀ QUÁN THỰC TÁNH] «Vipassanākathā»

1. ‘Như vầy tôi nghe. Có một thời Thế Tôn trú tại Sāvatthi, trong vườn Jeta, công viên của Anāthapiṇḍika. Ở đấy, Ngài nói với các tỳ kheo như thế này: ‘Này các tỳ kheo’. Các tỳ kheo trả lời: ‘Kính thưa Ngài’. Thế Tôn nói thế này:

2. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hành vi tạo quả nào là trường tồn thì vị ấy không thể chọn lựa [1] tương thuận [với sự thực], và nếu không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực] thì vị ấy sẽ không thể nào thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh,và nếu không thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh thì vị ấy sẽ không thể thực chứng quả vị nhập giòng, quả vị trở lại một lần, quả vị không trở lại, quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy tất cả hành vi tạo quả là vô thường thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và nhờ có chọn lựa tương thuận [với sự thực] thì vị ấy sẽ có thể thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh, và nhờ thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh thì vị ấy sẽ có thể thực chứng quả vị nhập giòng, quả vị trở lại một lần, quả vị không trở lại và quả vị arahant.

* ‘sammattaniyāma (certainty of rightness): chắc chắn chân chánh’ chính là tám chánh đạo: được gọi là chân chánh kể từ chánh kiến, là sự chắc chắn tất nhiên của đường hướng không thể đảo ngược (Pm. 784). Bhikkhu Bodhi dịch là the fixed course of rightness: đạo lộ bất biến của chân chánh. Nó tượng trưng cho đạo lộ siêu thế (ariyamagga). Chú giải Bộ Kinh Liên Kết nói một khi đạo lộ này đã khởi lên thì việc chứng quả không bị trở ngại. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha Vol. I: chú thích 530, trang 468 về bài kệ ở (S i 196); chú thích 268 trang 1099 về đoạn kinh ở (S iii 227f).

3. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hành vi tạo quả nào là khả ái dễ chịu thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]… quả vị [237] arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo tất cả hành vi tạo quả đều là khổ não thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến] … quả vị arahant.

4. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hiện tượng nào là ngã thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]… quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy tất cả các hiện tượng [2] đều không phải là ngã thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]… quả vị arahant.

5. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy nibbana là khổ não thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]… quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy nibbana là an lạc thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và… [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]… quả vị arahant.

6. Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bao nhiêu khía cạnh?

Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bốn mươi khía cạnh. Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bốn mươi khía cạnh.

7. Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bốn mươi khía cạnh nào?

Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bốn mươi khía cạnh nào?

[Vị ấy] thấy rõ năm tập hợp là vô thường, khổ não, bệnh hoạn, mụn nhọt, mũi tên, hoạn họa, ưu sầu, xa lạ, phân rã, dịch, tai ương, khủng khiếp, đe dọa, suy vong, không bền, không được bảo vệ, không nơi trú ẩn, không nơi nương dựa, trống rỗng, rỗng tuếch,trống không, không phải là ngã, nguy hiểm, phải chịu biến đổi, không cốt lõi, nguồn cội của tai ương, sát nhân, phải chịu đoạn diệt, chịu phiền não, được tạo thành, là miếng mồi của Māra, chịu sanh, già, bệnh, chết, khổ não, ta thán, đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng và nhiễm lậu.

* tuccha: rỗng tuếch hay không quan trọng vì chả có giá trị gì cả. Vism. XX 19.

8. Thấy rõ năm tập hợp là vô thường, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn trường cửu, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.

Thấy rõ năm tập hợp là khổ, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn an lạc, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.

Thấy rõ … là bệnh hoạn… vốn lành mạnh…

… mụn nhọt… vốn không là mụn nhọt…

… mũi tên… vốn không là mũi tên…

… hoạn họa… vốn không là hoạn họa…

… ưu sầu… vốn không là ưu sầu…

… xa lạ… vốn độc lập với các hiện tượng khác…

… phân rã… vốn không phân rã…

… dịch… vốn không là dịch…

… tai ương… vốn không là tai ương…

… khủng khiếp… vốn không là khủng khiếp…

… đe dọa… vốn không là đe dọa…

… mong manh… vốn không mong manh…

… suy vong… vốn không suy vong…

… không bền… vốn bền…

… không được bảo vệ… vốn được bảo vệ…

… không nơi trú ẩn… vốn là nơi trú ẩn…

… không nơi nương dựa… vốn là nơi nương dựa…

… trống rỗng… [240] vốn không trống rỗng…

… rỗng tuếch… vốn không rỗng tuếch…

… trống không… vốn là tánh trống không tối hậu…

… không phải là ngã… vốn là ý nghĩa (cứu cánh) tối hậu…

… nguy hiểm… vốn không nguy hiểm…

… phải chịu biến đổi… vốn không chịu biến đổi…

… không cốt lõi… vốn là cốt lõi…

… nguồn cội của tai ương… vốn không là nguồn cội của tai ương…

… sát nhân… vốn không là sát nhân…

… phải chịu đoạn diệt… vốn không chịu đoạn diệt…

… chịu phiền não… vốn tự tại khỏi phiền não…

… được tạo thành… vốn không được tạo thành… [241]

… là miếng mồi của Māra… vốn không là miếng mồi…

… chịu sanh, vốn không sanh…

… già… vốn không già…

… bệnh… vốn không bệnh…

… chết… vốn không chết…

… khổ não… vốn không khổ não…

… ta thán… vốn không có ta thán…

… tuyệt vọng… vốn không tuyệt vọng…

Thấy rõ năm tập hợp là nhiễm lậu, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn không có nhiễm lậu, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.

9. Được coi là vô thường, thì đó là quán vô thường.

Được coi là khổ đau, thì đó là quán khổ.

Được coi là bệnh hoạn, thì đó là quán khổ.

Được coi là mụn nhọt, thì đó là quán khổ.

Được coi là mũi tên, thì đó là quán khổ.

Được coi là hoạn họa, thì đó là quán khổ.

Được coi là ưu sầu, thì đó là quán khổ.

Được coi là xa lạ, thì đó là quán không phải là ngã.

Được coi là phân rã, thì đó là quán vô thường.

Được coi là dịch, thì đó là quán khổ.

Được coi là tai ương, thì đó là quán khổ.

Được coi là khủng khiếp [242] , thì đó là quán khổ.

Được coi là đe dọa, thì đó là quán khổ.

Được coi là mong manh, thì đó là quán vô thường.

Được coi là suy vong, thì đó là quán vô thường.

Được coi là không bền, thì đó là quán vô thường.

Được coi là không được bảo vệ, thì đó là quán khổ.

Được coi là không nơi trú ẩn, thì đó là quán khổ.

Được coi là không nơi nương dựa, thì đó là quán khổ.

Được coi là trống rỗng, thì đó là quán không phải là ngã.

Được coi là rỗng tuếch, thì đó là quán không phải là ngã.

Được coi là trống không, thì đó là quán không phải là ngã.

Được coi là không phải là ngã, thì đó là quán không phải là ngã.

Được coi là nguy hiểm, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu biến đổi, thì đó là quán vô thường.

Được coi là không cốt lõi, thì đó là quán vô thường.

Được coi là nguồn cội của tai ương, thì đó là quán khổ.

Được coi là sát nhân, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu đoạn diệt, thì đó là quán vô thường.

Được coi là chịu phiền não, thì đó là quán khổ.

Được coi là được tạo thành, thì đó là quán vô thường.

Được coi là miếng mồi của Māra, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu sanh, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu già, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu bệnh, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu chết, thì đó là quán vô thường.

Được coi là phải chịu khổ não, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu ta thán, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu tuyệt vọng, thì đó là quán khổ.

Được coi là phải chịu nhiễm lậu, thì đó là quán khổ.

Qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy chọn tương thuận [với sự thực]. Qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.

10. Khi vị ấy chọn tương thuận [với sự thực] qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy có bao nhiêu loại quán vô thường, có bao nhiêu loại quán khổ não, có bao nhiêu loại quán không phải là ngã?

Hai mươi lăm loại quán không phải là ngã,

Và năm mươi loại quán vô thường,

Một trăm hai mươi lăm loại quán tưởng còn lại

Được coi là quán khổ đau.*

* tổng cộng là hai trăm loại: quán mỗi tập hợp theo 40 loại. Có năm tập hợp, như vậy thành 200.

CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ QUÁN THỰC TÁNH.


[1] Đọc Luận XIX chú thích 1 về khanti  là chọn lựa.

[2] Ở đây Ñāṇamoli dịch từ sabbadhammaṁ trong Bộ Tăng Chi, ấn bản của PTS (A iii 442).