Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Trương Văn Chiến 47

PHẦN I

1. Pháp Hội Nhân Do

Tôi nghe như vầy, một thuở Phật ở nước Xá Vệ, nơi tịnh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ đến giờ ăn, Thế Tôn đắp mang y bát, vào đại thành Xá Vệ, theo thứ tự khất thực từng nhà trong thành xong, trở về chổ ở thọ trai, rồi cất y bát, đại chúng rửa chân, trải tọa cụ cùng ngồi.

2. Thiện Hiện Khởi Thỉnh
(Tu Bồ Đề là tiếng Phạn, nghĩa Hán là Thiện Hiện)

Khi ấy, trưởng lão Tu Bồ Đề ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, quỳ gối chân phải, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

– Hy hữu Thế Tôn! Như Lai khéo hộ niệm cho các Bồ Tát, khéo phó chúc cho các Bồ Tát. Bạch Thế Tôn! Những thiện nam tín nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên an trụ tâm như thế nào? Hàng phục tâm như thế nào?

Phật bảo:

Lành thay! Lành thay! Tu Bồ Đề! Theo như ngươi nói, Như Lai khéo hộ niệm cho các Bồ Tát, khéo phó chúc cho các Bồ Tát. Nay ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì ngươi nói rõ. Những thiện nam tín nữ phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nên an trụ tâm như vầy, hàng phục tâm như vầy.

– Bạch Thế Tôn, con rất mong được nghe.

3. Đại Thừa Chánh Tông

Phật bảo Tu Bồ Đề:- Các Bồ Tát Ma Ha Tát nên hàng phục tâm như vầy: Tất cả các loài chúng sanh, hoặc noãn sanh, hoặc thai sanh, hoặc thấp sanh, hoặc hóa sanh, hoặc hữu sắc, hoặc vô sắc, hoặc hữu tướng, hoặc vô tướng, hoặc phi hữu tướng, hoặc phi vô tướng, ta đều khiến vào Vô Dư Niết Bàn mà diệt độ. Diệt độ vô lượng vô số chúng sanh như thế , mà thật ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả. Tại sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ

Tát có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng ắt chẳng phải Bồ Tát.

Lược Giải

Tứ tướng có hai thứ:

1) Mê Thức Tứ Tướng của phàm phu: Chấp thật cái thân ngũ uẩn này là ta, gọi là ngã tướng. Bỏ ngã tướng chấp vào toàn nhân loại gọi là nhơn tướng. Bỏ nhân loại chấp vào toàn chúng sanh gọi là chúng sanh tướng. Bỏ chúng sanh tướng cho là chỉ có Chơn Như Phật tánh vĩnh viÂn tồn tại trong thời gian gọi là thọ giả tướng (thọ là thời gian).

2) Mê Trí Tứ Tướng của bậc thánh: Bậc thánh tâm biết có sở chứng, dù chứng đến thanh tịnh Niết Bàn đều thuộc về ngã tướng. Nay ngộ thêm một bậc, biết chẳng phải ta chứng, siêu việt tất cả chứng, nhưng còn cái tâm năng ngộ gọi là nhơn tướng. Nay tiến thêm một bậc nữa, liễu tri năng chứng năng ngộ là ngã tướng nhơn tướng, chỗ ngã tướng nhơn tướng chẳng thể đến (năng chứng năng ngộ chẳng thể đến), chỉ còn tâm liễu tri, gọi là chúng sanh tướng. Rồi tiến thêm một bậc nữa, chiếu soi tâm liệu tri cũng bất khả đắc, chỉ một giác thể thanh tịnh, gọi là cứu kính giác, tất cả tịch diệt, cũng gọi là Niết Bàn. Nếu còn trụ nơi Niết Bàn thì mạng căn chưa dứt, gọi là thọ giả tướng. (Lược giải hết)

4. Diệu Hạnh Vô Trụ

– Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ Tát ở nơi các pháp, ưng vô sở trụ mà hành việc bố thí, tức là chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ Tát bố thí nên chẳng trụ nơi tướng như thế. Tại sao? Nếu Bồ Tát chẳng trụ nơi tướng bố thí thì phước đức chẳng thể suy lường.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Hư không bên phương đông có thể suy lường chăng?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Tu Bồ Đề! Hư không bên các phương nam, tây, bắc và trên, dưới có thể suy lường được chăng?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Tu Bồ Đề! Bồ Tát bố thí chẳng trụ nơi tướng, phước đức cũng như vậy, chẳng thể suy lường. Tu Bồ Đề! Bồ Tát cần an trụ tâm như ta đã bảo.

5. Như Lý Thật Kiến

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể nhờ thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Chẳng thể nhờ thân tướng thấy được Như Lai. Tại sao? Như Lai nói thân tướng tức phi thân tướng. Phật bảo Tu Bồ Đề:

– Phàm tất cả tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng phi tướng, tức là thấy Như Lai.

Lược Giải

Ý Phật ở đây là phá chấp tướng. Nếu thấy các pháp có tướng là chấp vào tướng có. Nếu thấy các pháp không tướng là chấp vào tướng không. Nên ở đây Kinh nói “các tướng phi tướng”, mà nếu chấp vào phi tướng cho là chẳng phải tướng, cho là không tướng thì vẫn còn chấp tướng. (Lược giải hết)

6. Chánh Tín Hy Hữu

Tu Bồ Đề Thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh được nghe những lời nói, văn tự kể trên có thể sanh lòng tin chơn thật chăng?

Phật bảo:

– Tu Bồ Đề, đừng nói vậy! Sau khi Như Lai diệt độ năm trăm năm về sau, từ tượng pháp cho đến mạt pháp, nếu có người tu phước trì giới đối với lời nói, văn tự kể trên được sanh lòng tin, cho đó là thật. Phải biết người ấy đã nghe lời nói văn tự này, cho đến được một niệm sanh khởi lòng tin trong sạch, là vì đã từng gieo trồng thiện căn nơi muôn ngàn vô lượng Phật, chứ chẳng phải gieo trồng thiện căn nơi một Phật, hoặc ba, bốn, năm Phật. Tu Bồ Đề! Như Lai biết rõ, thấy rõ những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế. Tại sao? Vì những chúng sanh ấy chẳng còn có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, chẳng chấp pháp tướng, cũng chẳng chấp phi pháp tướng. Tại sao? Vì những chúng sanh ấy nếu khởi tâm chấp tướng (tiền trần) tức là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp pháp tướng (pháp trần) cũng là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp phi pháp tướng (là bóng phân biệt của pháp trần), cũng là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Vì thế chẳng nên chấp pháp, chẳng nên chấp phi pháp. Do nghĩa này Như Lai thường nói: Các Tỳ Kheo phải biết lời thuyết pháp của ta ví như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè; vậy pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!

7. Vô Đắc Vô Thuyết

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chăng? Như Lai có thuyết pháp chăng?

Tu Bồ Đề đáp:

– Như con hiểu nghĩa của Phật nói thì chẳng có pháp nhất định gọi là pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cũng chẳng có pháp nhất định cho Như Lai thuyết. Tại sao? Vì pháp của Như Lai thuyết đều chẳng thể chấp thật, chẳng thể nói là pháp, là phi pháp hay phi phi pháp. Tại sao? Vì tất cả hiền thánh đều dựa theo pháp vô vi mà nói có sai biệt.

Lược Giải

Tất cả hiền thánh đều dựa theo pháp vô vi mà nói có sai biệt: Pháp vô vi tức là pháp vô sanh, chẳng thể tu chứng, chẳng thể suy lường, chẳng thể diễn tả. Nay dựa theo đường đi vô vi, vì chưa đến chỗ vô vi nên mới có đủ thứ sai biệt như thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, cho đến thập địa, đẳng giác, nếu đã đến diệu giác tức là chỗ vô vi thì chẳng còn sai biệt. (Lược giải hết)

8. Y Pháp Xuất Sanh

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như có người đem thất bửu đầy khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, người ấy được phước đức nhiều chăng?

Tu Bồ Đề đáp:

– Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Tại sao? Phước đức ấy tức phi phước đức tánh, nên Như Lai nói là phước đức nhiều.

Phật bảo:

– Nếu có người thọ trì (tín thọ mà thực hành) Kinh này, cho đến chỉ thực hành theo tứ cú kệ rồi giảng cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn người kia. Tại sao? Tu Bồ Đề! Tất cả chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều từ Kinh này ra. Tu Bồ Đề, gọi là Phật pháp, tức phi Phật pháp.

Ghi Chú:

Tứ Cú Kệ:

Có là cú thứ nhất,
Không là cú thứ nhì,
Cũng có cũng không là cú thứ ba,
Chẳng có chẳng không là cú thứ tư.
Chẳng lọt vào tứ cú là thực hành theo tứ cú kệ.

(Ghi chú hết)

9. Nhất Tướng Vô Tướng

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Tu Đà Hoàn có thể nghĩ rằng “Ta đắc quả Tu Đà Hoàn” chăng?

Tu Bồ Đề đáp:

– Bạch Thế Tôn, không ạ. Tại sao? Tu Đà Hoàn gọi là Nhập Lưu mà vô sở nhập; chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu Đà Hoàn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Tư Đà Hàm có thể nghĩ rằng “Ta đắc quả Tư Đà Hàm” chăng?

– Bạch Thế Tôn, không ạ. Tại sao? Tư Đà Hàm gọi là Nhất Vãng Lai mà thật chẳng vãng lai, ấy gọi là Tư Đà Hàm.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? A Na Hàm có thể nghĩ rằng “Ta đắc quả A Na Hàm” chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Tại sao? A Na Hàm gọi là Bất Lai mà thật chẳng phải bất lai, ấy gọi là A Na Hàm.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? A La Hán có thể nghĩ rằng “Ta đắc đạo A La Hán” chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Tại sao? Thật chẳng có pháp gọi là A La Hán. Thế Tôn! Nếu A La Hán nghĩ rằng “Ta đắc đạo A La Hán”, tức là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Thế Tôn! Phật nói con đắc Vô Tranh Tam Muội, là hạng nhất trong loài người, là hạng nhất trong bậc ly dục A La Hán. Thế Tôn! Nhưng con nghĩ rằng con là ly dục A La Hán. Thế Tôn, nếu con nghĩ rằng con đắc đạo A La Hán, thì Thế Tôn chẳng nói Tu Bồ Đề là một hành giả thanh tịnh hạnh. Vì Tu Bồ Đề vốn là vô sở hành, nên mới gọi Tu Bồ Đề là hành giả thanh tịnh hạnh.