Vi Diệu Pháp – Giảng Giải

Vi Diệu Pháp – Giảng Giải

Đỗ Quang Huy 48

BÀI 1

PHÁP
(Dhamma)

Pháp là những gì có chơn tướng riêng biệt.

Chữ Dhamma là một danh từ có một ý nghĩa hết sức bao quát được dùng theo nhiều nghĩa tùy theo trường hợp. Các nhà chú giải đã định nghĩa rằng: “Attano Lakkhanaṃ Dhāreti: Dhammo”= Tự giữ chơn tướng gọi là Pháp (nhậm trì tự tánh).

Chữ Lakkhanaṃ có nghĩa là thể trạng, trạng thái, bản chất, chơn tướng. Như vậy, những gì có thể trạng đều gọi là pháp, dù thể trạng ấy là gì đi nửa cũng vậy. Thí dụ như vuông, tròn, dài, ngắn, tốt, xấu…

Tóm lại, Pháp là danh từ chỉ vật gì có trạng thái riêng mà tri giác có thể nhận biết được, dù vật đó thuộc về vô vi hay hữu vi, giả danh hay bản thể, hiệp thế hay siêu thế.

Ðại Ðức Santakicco đã định nghĩa về Pháp bằng hai câu sau:

Pháp là chi ? – Chi cũng là Pháp.
Pháp có trạng thái ra sao ? – Ra sao cũng là trạng thái của Pháp.

Pháp tuy có rất nhiều nhưng Ðức Phật đã gom lại và chia thành hai loại:

– Pháp Tục Ðế (Sammuttisacca): Sự thật thế tình thông thường.

– Pháp Chơn Ðế (Paramatthasacca): Sự thật bản thể, chơn tướng của các pháp.

Hai pháp Tục Ðế và Chơn Ðế bao hàm trọn vẹn tất cả các pháp trong thế gian.