Người nội tâm an nhiên, bình thản họ luôn nhìn đời bằng con mắt “vô thường”, và bằng một trái tim chứa đựng tình thương chân thật, tình thương ấy nhà Phật gọi là lòng từ bi.
Truyện kể:
Bữa nọ, Sư bước lên đò với một số hành khách. Điều lạ là hôm nay người lái đò đưa Sư qua sông không phải là ông lái đò quen thuộc như mọi khi, mà lần này là một cô gái có nhan sắc rất xinh đẹp.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền từng người, sau cùng đến Sư.
Với nhà sư, cô lái đòi tiền “gấp đôi”.
Sư ngạc nhiên hỏi: Vì sao?
Cô gái mỉm cười:
-Vì Thầy nhìn con ….. nên ngoài tiền đò, con cộng thêm tiền nhìn nữa ạ.
Sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm khác Sư lại qua sông.
Lần này cũng gặp cô gái, và khi tới bến cô gái đòi tiền “gấp ba”.
Nhà Sư hỏi: Vì sao?
Cô gái cười bảo:
-Lần này Thầy không nhìn trực tiếp nhưng nhìn con dưới nước và tưởng con không biết, nên nhìn lâu hơn ạ.
Nhà Sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Lần khác Sư lại qua sông. Vừa bước lên đò, Sư nhắm nghiền mắt lại và tập trung như đang thiền định.
Đò cập bến cô gái thu tiền, nhưng lần này giá lại cao hơn những lần trước, thu “gấp năm” lần.
Sư hỏi: Vì sao?
Cô lái đáp:
-Sư không nhìn con bằng mắt, mà nhìn con bằng tâm, tâm Sư còn nghĩ đến con.
Nhà Sư trả tiền và lên bờ.
Sau lần này về, Sư nỗ lực dụng công tu hành miên mật, quán niệm về thân xác vô thường, tứ đại hư huyễn; Sư thấy được hoàn toàn sự bất tịnh và tiến trình sinh diệt ngay nơi thân thể …. Công phu của Sư sau đó tiến bộ rất nhanh, Sư đã nhàm chán với sắc đẹp của nữ giới.
Và lần này Sư lại qua sông.
Khi bước lên đò, Sư bình thản nìn cô gái…. Trong cái nhìn của Sư giờ đây tỏa lên sự bình yên tươi mới; vẫn nhìn như nhìn bao người khác, mà không hề có thiên lệch, hay bị đắm nhiễm, ….
Đò cập bến, nhà Sư mỉm cười trong ánh mắt từ bi và hỏi:
-Bao nhiêu?
Cô gái đáp:
-Sư nhìn con mà không nghĩ tới con…Tâm không có sự đắm nhiễm. Do vậy con xin đưa Sư qua sông mà thôi…
Ba nụ cười nhân sinh
Câu chuyện ngắn kết thúc với ba nụ cười. Một nụ cười của nhà Sư, một nụ cười của cô gái và một nụ cười của độc giả.
Có lẽ không ít người đã thở phào khi thấy một cái kết có hậu. Vì trước việc bị cô lái đò xinh đẹp sắc sảo dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan: thế này không được mà thế kia cũng không xong, thì cuối câu chuyện là hình ảnh nhà Sư hiền lành đã bản lĩnh vượt qua thử thách cam go của “ải mỹ nhân”.
Nhưng thiết nghĩ, để “qua” được đò là hành trình kinh nghiệm nhân sinh không hề đơn giản của vị thiền Sư…
Thân – tâm tạo nghiệp đều phải trả giá
Quả thật cái tâm luyến ái bên trong của con người mới là vấn đề cần phải giải quyết chứ không phải là dáng vẻ bên ngoài.
Phần lớn chúng ta chỉ chú ý dáng vẻ bên ngoài nhưng ít ai chú ý đến cái tâm sâu thẳm bên trong. Dù thân xa lánh thế tục nhưng tâm còn nhớ nghĩ thì cũng chưa phải là giải thoát. Mắt tuy nhắm nhưng tâm còn nghĩ về, thì sóng ngầm cuộn xoáy tâm can còn dữ dội hơn.
Câu chuyện giữa nhà Sư và cô lái đò đối đáp mỗi lần qua sông thể hiện cho một quá trình tu tập và chuyển hóa tư tưởng. Diễn biến đó cũng là quá trình tâm lý chuyển hóa thành tâm linh.
Sau cùng là sự đạt đạo cao nhất của nhà Sư: nhìn thẳng vào thực tại mà không hề có tư tưởng dính mắc, suy nghĩ, luyến ái. Còn các lần trước hết dính mắc bằng mắt thì đến dính mắc bằng tâm. Ở đời hễ còn dính mắc thì còn phải khổ lụy.
Nhà Sư trả tiền cho cô lái đò cũng cho thấy rằng hễ tâm ta còn tạo nghiệp dính mắc thì sẽ có cái giá phải trả cho chính nó…
Bình luận