Thường đề Bồ Tát

Thường đề Bồ Tát

Đỗ Quang Huy 57

Thiện tài đồng tử

    1. Học đạo từ Văn-thù và Phổ Hiền
   Thiện Tài Đồng Tử là một thanh niên nổi danh do hành Bồ-tát hạnh kiệt xuất. Thiện Tài được cảm hóa và trực tiếp lãnh thọ sự dẫn dắt của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, qua đó được gián tiếp lãnh thọ ảnh hưởng hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền. Khi mới phát tâm Bồ-đề hành Bồ-tát đạo, Thiện Tài rất ham học hỏi không biết mệt mỏi, một lòng một dạ thực hành chưa hề thối chuyển.
Văn-thù và Phổ Hiền là hai vị Bồ-tát nổi tiếng xưa nay trong Phật giáo, đều là bậc thượng thủ trong các Bồ-tát. Nơi pháp hội của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, hai vị đồng tâm hiệp lực phò trợ pháp Đại thừa “bi trí song vận” vô thượng thậm thâm vi diệu, thực hiện đạo Bồ-tát: Trừ cái khổ của chúng sinh và ban vui cho chúng sinh, đầy đủ bản hoài cứu nhân độ thế của Phật, từng bước cải tiến cõi nhân gian trở thành cảnh Tịnh độ.
Phật là bậc Thánh vô thượng đầy đủ đại bi đại trí, biểu hiện bi trí viên dung tùy cơ giáo hóa, dùng phương tiện dẫn dắt chúng sinh quy hướng Bồ-đề, cho nên nói Phật là Vô thượng, lòng từ bi và trí tuệ sâu rộng khôn lường. Văn-thù và Phổ Hiền chưa được đầy đủ bi trí như đức Phật, nhưng mỗi vị lại chuyên sâu một mặt, hai vị hợp lại có thể hiển thị đầy đủ công năng đại bi đại trí như đức Phật. Chẳng hạn như nếu phân biệt về việc tuyên dương thì mỗi vị đều tự nêu cao bi và trí (mặc dù hai mặt mà một thể) của đức Phật.
Do chỗ phân biệt tính chất đặc thù của từng vị cho nên trong hàng Bồ-tát, các Ngài được tôn xưng là Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, thành ra phân thân đại bi và đại trí của đức Phật. Mỗi vị tùy theo nhiệm vụ riêng mà hành hóa tại nhân gian.
Đạo Đại thừa Bồ-tát là sự kết hợp, cấu thành của bi trí rộng lớn vô biên, vốn chỉ là một thể mà không có hai. Dùng phương tiện mà nói thì mới có phân biệt bi trí tương đối, trước sau sâu cạn chẳng đồng. Như nương nơi đại bi mà lập đại nguyện thì việc độ sinh lấy đại bi làm đầu, như nương nơi đại trí mà thành đại hạnh thì việc giáo hóa lấy đại trí làm đầu. Không đại bi chẳng thể phát đại nguyện, không đại trí chẳng thành đại hạnh. Đại bi thâu nhiếp hết thảy hạnh nguyện cho nên thành hạnh Phổ Hiền. Người học đạo Bồ-tát phải lấy hạnh Phổ Hiền làm lý tưởng thực hiện. Hoàn thành hạnh Phổ Hiền cũng tức là hoàn thành bi đức của Phật. Đại trí thâu nhiếp hết thảy phương tiện, không có phương tiện thì chẳng thể độ sinh, không thành tựu được hạnh Bồ-tát. Cho nên, người học hạnh Bồ-tát lấy trí Văn-thù làm mục tiêu, trí Văn-thù viên thành cũng tức là viên thành trí đức của Phật. Nếu như tổng hợp hai thứ ấy lại tức là tròn đầy bi trí của Phật.
Việc thực hiện hạnh Bồ-tát tuy có phân ra bi trí, nhưng thực tế thì phải dựa vào nhau mà hành, nương vào nhau mà thành và cần phải có sự liên hệ nhất quán mới có thể hành trung đạo Đại thừa viên dung vô ngại. Như người mù và người què nương nhau mới có lợi. Nếu đem tính nhất quán của bi trí mà triển khai một cách máy móc thì cũng giống như đem người mù và người què tách riêng ra sẽ đi đến chỗ thất cách, hoặc là bất cập hoặc là thái quá, không thành tựu trung đạo và cả hai đều không có lợi. Thiện Tài Đồng Tử học theo hạnh Bồ-tát cho nên phát sinh quan hệ mật thiết với ngài Văn-thù và Phổ Hiền, đó cũng là lý và thế tất nhiên của sự phát triển mà thôi.
Việc thực hành hạnh Bồ-tát của Thiện Tài Đồng Tử biểu hiện ở chỗ nghiêng nặng về đại trí, vì vậy cậu mới chịu sự chỉ đạo của Bồ-tát Văn-thù mà thực hiện một sự tham vấn rộng rãi. Thật ra, sự tham vấn đó cũng là mục đích hoàn thành đầy đủ hạnh Phổ Hiền rộng lớn, vì tham vấn tức là thực hành hạnh Phổ Hiền, không lìa hạnh Phổ Hiền. Nhưng nếu xét về mặt đại trí thì đó là tạm ẩn tàng cái bi hạnh mà nêu cái nghĩa thù thắng của đại trí, đề cao tính vô thượng của hạnh Đại thừa Bồ-tát, tròn đầy ánh sáng nơi pháp giới.
Việc thực hành Bồ-tát đạo của Thiện Tài chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp với Văn-thù và Phổ Hiền. Vì sao lại phải triển khai? Điều này vốn xuất hiện trong sự tích tham vấn Thiện tri thức liên tục của Thiện Tài Đồng Tử, nhưng bài văn này chỉ đề cập đến phần mở đầu trước khi Thiện Tài đi tham vấn mà thôi.
2. Hội Phổ Chiếu Pháp Giới ở chùa Đại Tháp
   Trong sự nghiệp lớn cứu nhân độ thế mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni kiến thiết, Văn-thù và Phổ Hiền cùng phân chia trách nhiệm gánh vác tuyên truyền và phát triển rộng rãi. Phổ Hiền lãnh đạo phần lớn thanh niên thuộc hội Hành Chứng (tu hành chứng quả) nghiêng về việc tu học thực hành, cho nên thường an định một chỗ. Văn-thù dựa vào biện tài vô ngại, lãnh đạo phần lớn thanh niên thuộc đoàn Tín Giải (tin hiểu) xem trọng việc phát dương lý trí, cho nên thường lưu động tuyên truyền bốn phương. Hai Ngài phân công hợp tác, phát huy nội tu ngoại hoằng của Phật giáo, tợ như hai mà lại chẳng phải hai, chiếu diệu khắp cùng thế giới, trải dài vô tận.
Có một lần, Văn-thù và Phổ Hiền cùng tham gia đại pháp hội Hoa Nghiêm với đức Phật Thích-ca tại tinh xá Kỳ Hoàn, vườn Cấp Cô Độc nước Xá-vệ. Sau đó, Văn-thù-sư-lợi lãnh đạo đoàn Tín Giải tạm thời từ biệt đức Phật, chia tay với Bồ-tát Phổ Hiền, du hành về phương Nam, triển khai công tác hoằng truyền Phật pháp. Đoàn Tín Giải một khi đã ra đi thì không từ khổ nhọc, không sợ gian nan. Trải qua biết bao núi non, ruộng đồng, tiến về vịnh phía Nam của Ấn Độ, gặp một thị trấn tên gọi Phước Thành, họ dừng lại tại chùa Đại Tháp, nơi cánh đồng phía Đông của ngoại thành.
Chùa Đại Tháp là Thánh địa Phật giáo nổi tiếng, không những phạm vũ rộng lớn trang nghiêm, cảnh trí u tịch đẹp đẽ, phong cảnh thích hợp với người tu hành, mà nơi đây còn có các bậc Thánh thường đến giảng pháp. Vì thế, khách du lịch từ các nơi đến thăm chùa hằng ngày. Trên các nẻo đường dẫn đến chùa, người người đến tham quan, lễ bái không ngừng.
Khi Bồ-tát Văn-thù dẫn đầu đoàn Tín Giải đến Phước Thành, dừng chân nơi chùa Đại Tháp. Chẳng mấy chốc, người trong ngoài Phước Thành đều nghe tin. Đã từ lâu, người người vốn khát ngưỡng tinh thần truyền giáo và biện tài vô ngại của Bồ-tát Văn-thù, cho nên Phật tử và những người hâm mộ Phật pháp tấp nập rủ nhau đến chùa. Người thì lễ bái, kẻ thì thỉnh giảng pháp, hoặc phỏng vấn, hoặc chiêm ngưỡng, khiến cho không khí sinh động hẳn lên. Tinh thần của đại chúng rất phấn khởi khiến Bồ-tát Văn-thù và đoàn viên cũng phải bận rộn nhiều. Bồ-tát Văn-thù dự định kế hoạch, tuyên bố sẽ cử hành đại hội Phổ Chiếu Pháp Giới tại chùa Đại Tháp và tuyên giảng kinh Phổ Chiếu Pháp Giới trong bảy ngày. Điều này, khiến người người vui mừng quá đỗi. Thế rồi một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, truyền vạn làm náo động cả Phước Thành.
Pháp hội bắt đầu khai mạc, quang cảnh chùa Đại Tháp nhìn chỗ nào cũng thấy mới mẻ. Phật tử, đặc biệt là thanh niên nam nữ đến nghe giảng pháp rất đông không thể kể xiết. Giảng đường Phổ Chiếu Pháp Giới phải nới rộng thêm ra. Những người đến sau chỉ có thể đứng ở phía ngoài giảng đường.
Bồ-tát Văn-thù bắt đầu giảng pháp.
Ngài thong thả bước lên pháp tòa, pháp tướng trang nghiêm, thái độ từ hòa, cặp mắt bình thản phóng ra ánh sáng trí tuệ vô lượng, khiến cho thính chúng đang nhốn nháo liền im lặng và an định. Lúc ấy, muôn người lặng yên nhất tâm mong đợi, một hơi thở mạnh cũng không nghe. Diệu nghĩa Phổ Chiếu Pháp Giới chưa tuyên mà không khí trong ngoài hội trường đã hiển thị ra cảnh tượng Phổ Chiếu Pháp Giới.
Bồ-tát Văn-thù bắt đầu khai giảng. Khi đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới vang lên đã điểm trúng ngay lòng người đang ngưỡng đợi. Ngài khởi đầu bằng một giọng Phạm âm thanh tịnh có tác dụng ảnh hưởng triệt để tới trong ngoài giảng đường, khiến cho nước tâm của thính chúng vô cùng lắng trong. Ngay lúc ấy, giáo pháp hiển hiện bên trong mỗi người mà vẫn dung thông vô ngại, hỗ tương nhiếp nhập trong ánh sáng thanh tịnh huyền diệu mà không bị phân cách. Cũng giống như hàng ngàn ngọn đèn trong một ngôi nhà, ánh sáng ngọn đèn của mỗi người chiếu rọi lẫn nhau không ngại, đây thực là cảnh giới bất khả tư nghị. Sự tuyên thuyết đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới của Đại Trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát đã phát xuất tác dụng bất khả tư nghị, khiến cho tinh thần của chúng hội cùng hòa nhập với nhau. Nhưng đây chỉ mới là sức gia bị của Đại Trí Văn-thù mà thôi, không phải là cảnh giới do thính chúng đạt được. Cho nên, vì muốn cho thính chúng có thể đạt được trí Phổ Chiếu Pháp Giới, Bồ-tát Văn-thù phải dùng đến phương tiện ngôn ngữ giải thích sâu cạn danh nghĩa đề kinh Phổ Chiếu Pháp Giới và tuyên giảng nội dung của kinh. Văn kinh không dài lắm, tương tợ như Tâm Kinh, nhưng nghĩa lý thì vô cùng tận, khắp hư không, đầy pháp giới cũng khó dung nạp được hết. Bồ-tát Văn-thù phát huy trí tuệ cao siêu và xảo diệu, khiến cho thính chúng tự mình lãnh ngộ được hỷ lạc của pháp vị. Diệu nghĩa Phổ Chiếu Pháp Giới trùng trùng vô tận, đưa thính chúng vào cảnh giới siêu việt, quên cả thân tâm lẫn thế giới bên ngoài. Chẳng biết thời gian là bao lâu, chợt nghe tuyên bố phần tiếp theo sẽ giảng vào ngày hôm sau, đại chúng như người trong mộng mới tỉnh, mọi người trở về với hiện thực. Sau khi Bồ-tát Văn-thù rời pháp tòa, họ mới sôi nổi bàn tán về pháp lạc chưa từng có và quyến luyến ra về.
Thời gian trôi qua như điện chớp, đại hội Phổ Chiếu Pháp Giới đã đến ngày cuối cùng. Người đến chùa Đại Tháp nghe kinh ngày càng đông đảo, họ ngồi đầy cả trong lẫn ngoài chùa thành cả một biển người. Có người đến vì để nghe kinh, cũng có người vì tôn sùng ngưỡng mộ đạo đức của Bồ-tát Văn-thù mà hấp dẫn đến.
Sau khi Bồ-tát Văn-thù giảng kinh Phổ Chiếu Pháp Giới hoàn tất, thính chúng hết lòng cảm tạ và chí thành đảnh lễ. Những vị chưa học Phật thì phát tâm quy y Tam Bảo, những người học Phật rồi thì phát tâm Bồ-đề, cầu học đạo Bồ-tát, số nhiều không thể kể xiết. Lại còn số thanh niên đồng nam đồng nữ thuần khiết muốn gia nhập đoàn Tín Giải của ngài Văn-thù, đem nhiệt tâm dũng cảm vì pháp, vì người mà phục vụ, sinh lòng kính ngưỡng không bờ mé, sôi nổi phát tâm học Phật, tu tập Đại thừa Phật pháp. Trong số các đồng nam ấy, có một thanh niên tên gọi là Thiện Tài Đồng Tử, không biết dũng khí thế nào, đột nhiên tách chúng tiến đến gần trước mặt ngài Văn-thù trang nghiêm thỉnh cầu:
– Lạy đấng Diệu trí thanh tịnh như mặt trăng, lòng từ rộng lớn không bờ mé trùm khắp hết thảy! Xin Ngài dũ lòng thương chiếu cố đến con, lạy bậc vua trong hết thảy pháp giới, Pháp Bảo là hàng đầu qua lại không trở ngại, xin dũ lòng dạy dỗ cho con!
Bồ-tát Văn-thù quan sát Thiện Tài Đồng Tử, thấy cậu tuổi còn trẻ, thân thể khang kiện, phong độ phi phàm, cử chỉ trang nghiêm, lời nói thành khẩn, biết là người đã sâu trồng căn lành. Lại thấy trong những ngày vừa qua, Thiện Tài rất chăm chỉ và say sưa nghe giảng pháp, nên Ngài đáp ứng yêu cầu khai thị yếu nghĩa pháp Đại thừa, xong rồi lại còn khích lệ và an ủi nữa. Thiện Tài Đồng Tử được Bồ-tát Văn-thù khai đạo và khích lệ, thật là một sự vui mừng chưa từng có! Sau đó, cậu mới cùng đại chúng rời khỏi chùa Đại Tháp.
Được tin Bồ-tát Văn-thù và chúng đoàn Tín Giải sắp rời đi hoằng đạo nơi khác, giới nhân sĩ Phật giáo ở Phước Thành chuẩn bị buổi tiễn đưa thật long trọng và nhiệt tình. Thiện Tài Đồng Tử cũng chuẩn bị tham gia buổi tiễn đưa tại chùa Đại Tháp.
   3. Điều khổ tâm và mất ngủ của Thiện Tài Đồng Tử
   Trên đường từ chùa Đại Tháp trở về nhà, Thiện Tài Đồng Tử chợt khởi lên suy tư về những vấn đề liên quan đến việc làm người và việc học Phật của mình từ nay về sau như thế nào. Vấn đề tưởng chừng như thật đơn giản, nhưng càng nghĩ càng thêm rối rắm, đầu óc quay cuồng không thể an định được. Về đến nhà, Thiện Tài tìm một góc vườn hoa, ngồi yên lặng trên phiến đá trầm tư. Trời đã tối mà vẫn chưa thấy bóng dáng con, cha mẹ Thiện Tài vội vã đi tìm. Sau một hồi tìm kiếm, thấy con có vẻ mặt khác thường, ông bà vồn vã hỏi han con có tâm sự gì uẩn khúc không. Thiện Tài Đồng Tử biết cha mẹ mình không ưa muốn nghe những chuyện này, nên cậu không dám thố lộ, bèn tìm cách trả lời cho qua chuyện và xin phép trở về phòng nghỉ ngơi.
Thiện Tài Đồng Tử vốn là con của trưởng giả Phước Đức, là người giàu có vào bậc nhất ở Phước Thành. Cha mẹ già mới sinh được một mình cậu cho nên thương con như tính mạng mình. Vợ chồng trưởng giả Phước Đức từ trẻ đã nổi tiếng về việc kinh doanh buôn bán xuất khẩu. Trải biết bao nhiêu cay đắng khổ cực, do chí thú cần cù làm ăn, công việc kinh doanh ngày càng phát đạt, chẳng mấy chốc ông bà đã trở thành cự phú. Thế nhưng, có một điều khổ não lớn lao, dù cho có bao nhiêu tiền của cũng không thể giải quyết được, đó là ông bà chưa có được người con nào cả. Vợ chồng trưởng giả vô cùng buồn rầu, lo lắng, tự nghĩ đến cái sản nghiệp đồ sộ của mình sau này sẽ ra sao? Hai ông bà vốn là người hiền lương, không thích làm giàu phi nghĩa, tu nhân tích đức, thường hay ưa bố thí, vui sướng làm việc thiện, được mọi người yêu mến và khen ngợi. Nhưng những điều này cũng không thể nào dứt trừ được tâm lo rầu của ông bà. Cho đến khi tuổi đã xế chiều, sự mong mỏi tưởng chừng như đã tuyệt vọng, thì “nhà tích thiện ắt có vui thừa”, ông bà đã sinh được một người con trai, khiến cho tâm ưu sầu như lửa đốt đã bao năm nay của vợ chồng trưởng giả Phước Đức mới được mát mẻ.
Tin ông bà trưởng giả Phước Đức sinh con trai lan truyền nhanh chóng, thân thuộc bạn bè đến thăm hỏi chúc mừng không ngớt. Đứa bé có nước da sáng, tinh thần quang minh khác thường, trông không giống những đứa trẻ khác. Thấy mọi người trầm trồ khen ngợi con mình, hai ông bà vô cùng sung sướng và cho biết rằng: “Khi cháu vừa mới sinh ra đời, trong nhà bỗng có thêm nhiều kho của mới, các thứ báu vật tự nhiên được đầy nhà”. Mọi người nghe nói về điềm lành này lại càng hân hoan chúc mừng vang rân. Do điềm lành mà cha mẹ, thân thuộc, cùng thầy tướng giỏi đều gọi cậu bé là Thiện Tài Đồng Tử.
Thiện Tài Đồng Tử sinh ra trong cảnh giàu sang sung sướng, được cha mẹ hết lòng thương yêu quý mến. Đồng Tử lớn rất nhanh, thân hình khang kiện, tài giỏi xuất sắc, linh hoạt và ngay thẳng thật thà, có tư tưởng, tình cảm rất phong phú, ý chí hoài bão cao thượng. Nhờ tiếp nhận sự giáo dục thực tế liên tục nên Đồng Tử có được một tính cách phi phàm, đó cũng là động lực và nhân tố cơ bản để cậu học Phật và tu Bồ-tát đạo.
Thiện Tài Đồng Tử tuy mang tên Thiện Tài nhưng cậu lại hoàn toàn không thích tiền tài danh vọng. Cậu nhận thấy cha mẹ mình suốt đời cứ phải bận rộn, lo toan việc buôn bán làm giàu, phải chịu biết bao cay đắng cực khổ để có được sản nghiệp to lớn, nay tuổi đã già mà vẫn còn cố gắng làm giàu, mong cho con cái sau này được sung sướng. Nhưng tiếc thay, khi vô thường đến có ai đem theo được một chút gì đâu, chỉ có bi thương khổ não mà thôi. Thiện Tài lại nhận thấy mọi người ở Phước Thành cũng đều giống như cha mẹ mình không khác, cho dù giàu hay nghèo, ai ai cũng đều bận rộn lo toan về của cải tiền bạc. Không những thế, họ còn vì tiền của mà tranh giành lẫn nhau, khéo léo để chiếm đoạt, trộm đêm cướp ngày, gây bao tội ác về sát, đạo, dâm, vọng mà không nghĩ đến tình người và pháp luật. Tuy có khác biệt về thân phận giàu nghèo, sang hèn, nhưng hành vi tâm tánh thì phần nhiều đều giống nhau. Có điều kỳ quặc là người chưa giàu thì cầu cho được tiền của thật nhiều, nhưng người đã giàu có rồi thì lại mong cầu tiền của càng thêm nhiều nữa.
Thiện Tài Đồng Tử lại nhận thấy một điều nữa là người ở Phước Thành, không luận là nam nữ, già trẻ, phú quý, bần tiện, ai ai cũng đều chán ghét và buồn bã sợ hãi đối với hiện tượng sinh, lão, bệnh, tử, một ngày nào đó bất chợt nó đến, không một ai tránh khỏi hoang mang rối loạn, mặc cho khổ não đẩy tới chỗ tử vong. Suốt cả cuộc đời đều chỉ vì bản thân, vì gia đình, vì tiền của, rồi rốt cuộc cũng trở về con số không, đây là chân tướng của người đời ở Phước Thành, nhưng có lẽ nhân loại trên thế giới cũng chẳng khác gì hơn!
Thiện Tài nghĩ đến mình, nghĩ đến cha mẹ, nghĩ đến tài sản của cha mẹ, nghĩ đến người ở Phước Thành, nghĩ đến con người trên thế giới, thật là thăm thẳm mờ mịt. Tư tưởng và tình cảm phát sinh về mình, về mọi người và tất cả nhân loại của Thiện Tài thật là phong phú biết bao. Không những trong giới thanh niên khó gặp được một người như cậu mà ngay cả đến hàng lão niên cũng chẳng có mấy người được như vậy.
Thiện Tài lại nghĩ: “Vì sao người đời lại không biết phân biệt về định luật hữu vô mà cứ đeo đuổi, truy cầu danh lợi, phú quý không có lúc nào nghỉ ngơi, vĩnh viễn chẳng có lúc nào cho là đã đầy đủ. Lẽ nào đây lại là chân ý nghĩa của người đời?”.
“Nếu đây là lý tưởng tối cao của họ, thì tại sao khi khổ não và tử vong đến họ lại hoang mang và bi thương khôn xiết?”.
Thiện Tài tìm cầu giải đáp nơi học vấn, nghiên cứu tư tưởng của các tôn giáo nhưng cũng chỉ lãnh hội được đôi chút mà thôi. Tuy nhiên, tư tưởng của Thiện Tài có phần tiến triển hơn, ý niệm tìm cầu cũng thâm thiết hơn, phạm vi nghiên cứu cũng rộng lớn hơn. Nhờ vậy, khi Thiện Tài tiếp xúc với Phật giáo liền phát sinh sự hứng thú rất lớn, phàm chỗ nào có pháp hội diễn giảng, Thiện Tài đều bỏ tất cả mọi việc để đến tham dự. Chùa Đại Tháp cũng là nơi cậu thường đến.
Thiện Tài quan niệm rằng: “Phật pháp khó nghe nên việc cầu pháp là đệ nhất”. Do đấy, đối với Phật pháp, Thiện Tài rất siêng năng chăm chú lắng nghe và tiếp nhận được nhiều điều hay. Như đối với người đời vì sao cầu tiền của không chán, vì sao bị sinh, lão, bệnh, tử, Phật pháp có rất nhiều lý giải hợp lý. Càng suy nghiệm sự việc con người đời hiện tại, cậu càng tăng thêm sự tín tâm, đối với Phật pháp càng sinh khởi lòng ngưỡng mộ không chán, đối với nhân sinh cũng có những hy vọng mới, không còn là sự bao la mờ mịt nữa.
Thiện Tài nhận rõ dục vọng của con người không bao giờ đủ, sinh, lão, bệnh, tử thường xâm chiếm bức bách, không ngoài sự tạo thành của “ngu si che đậy và lửa tham sân lẫy lừng”. Nhân loại bị che phủ bởi ngu si hắc ám, không rõ được hết thảy người vật tồn tại là do các duyên giả có hư vọng không thật, nên đã sinh khởi tâm ái trước tham cầu không chán, nếu chẳng được như ý thì sinh ra sân hận. Trong tâm loài người có hai thứ lửa là tham lam và sân hận không ngừng bừng cháy, càng ngày càng cháy mạnh, có muốn dập tắt cũng không phải dễ. Chẳng hạn như chỗ mong muốn của con người là “tiền của không bao giờ chán”. Ngu si là nhân, tham sân là duyên, tạo nên các thứ nghiệp, thọ quả khổ sinh, lão, bệnh, tử. Đấy là lý do mà người đời phải chịu khổ.
Thiện Tài biết chắc Phật pháp có những phương pháp triệt để nhằm giải trừ sinh, lão, bệnh, tử, hơn hẳn các học thuyết và tôn giáo khác tự cho là cứu cánh, là thù thắng. Thiện Tài thường thân cận nhiều bậc Thánh của Phật giáo, cậu rất khâm phục các Ngài thông đạt chân đế về thế gian vô thường, khổ, không, vô ngã. Trong việc chuyên tu giới, định, huệ, các Ngài đã trừ sạch tận gốc rễ độc hại ngu si tham ái và sân hận, đạt được niềm vui tịch diệt giải thoát sinh tử. Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến cho Thiện Tài sinh tâm ngưỡng mộ Phật pháp.
Thế nhưng, Thiện Tài lại nghĩ rằng, tự mình được giải thoát sinh tử, còn cái khổ não sinh tử của người khác chưa tiêu diệt được thì sao? Chẳng lẽ lại không quan tâm đến ư? Cho nên, đối với Phật pháp, nhất là pháp Tiểu thừa, chỉ cầu giải thoát sinh tử cho bản thân mình, Thiện Tài vẫn cảm thấy có chỗ chưa được thỏa mãn cho lắm.
Nhưng từ khi được nghe Bồ-tát Văn-thù tuyên giảng kinh Phổ Chiếu Pháp Giới tại chùa Đại Tháp, Thiện Tài cảm nhận được sự an vui rộng lớn không thể nào diễn tả hoặc thí dụ cho được. Do vì kinh Phổ Chiếu Pháp Giới tuyên dương diệu pháp Đại thừa vô thượng, là nêu tánh vô tận bảo tạng. Pháp giới là khắp tất cả, không một pháp nào không ở trong pháp giới. Phật pháp cùng pháp giới tương thông, khổ vui tương cộng. Nhưng phải có trí lớn rộng khắp mới có thể thấu suốt điều này, mới có thể khế chứng và hiển xuất được diệu dụng vô biên, thành tựu hết thảy chúng sinh, trang nghiêm quả Phật vô thượng. Ngài Văn-thù Bồ-tát đã tóm lược rằng: “Muốn cầu viên thành quả Phật phải phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Phổ Hiền, rộng cứu pháp giới chúng sinh. Muốn hoàn thành việc thoát ly khổ hải của chúng sinh trong pháp giới cần phải tu cho được trí Phổ Chiếu Pháp Giới”.
Điều này, quả rất hợp với lý tưởng của Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài vô cùng xúc động và muốn cầu thêm Phật pháp quý báu, nên khi pháp hội kết thúc, cậu liền đến trước Bồ-tát Văn-thù tha thiết thỉnh cầu, được Ngài khai thị bằng một câu ngắn, nhờ vậy Thiện Tài gặt hái được những pháp lạc vô lượng. Nhưng nay mai Bồ-tát Văn-thù lại phải hướng dẫn đoàn đi nơi khác, biết đến ngày nào mới trở lại đây? Từ nay về sau, biết chỗ nào mà nghe pháp? Thiện Tài vô cùng rầu rĩ, vì cậu còn nhiều điều băn khoăn, mong muốn được hiểu thấu đáo. Như đã phát tâm Bồ-đề rồi, lại phải học đạo Bồ-tát và tu hạnh Phổ Hiền như thế nào? Con đường học đạo Bồ-tát rất rộng rất dài, mà ngài Văn-thù mai này sẽ ra đi rồi biết học ai đây?
Lại nữa, Thiện Tài mong muốn được gia nhập đoàn Tín Giải của Bồ-tát Văn-thù để có thể tùy lúc mà thỉnh cầu giáo pháp, nhưng không biết là có đủ điều kiện để gia nhập không? Có đủ tiêu chuẩn hay không? Bồ-tát Văn-thù có đặc biệt linh hoạt cho không? Ngày mai họ đi rồi, thời gian thật là cấp bách, không còn cơ hội để tham khảo nữa, tâm của Thiện Tài rối loạn như kiến bò trên nồi lửa.
Thiện Tài lại nghĩ: “Người phát tâm Bồ-đề chẳng phải phát rồi là xong. Nếu như muốn hành đạo Bồ-tát, phải thực hiện các công tác, quyết không thể ở nhà mà làm Bồ-tát được. Ly gia để cầu pháp vì người, đây là việc phải làm. Thế nhưng, cha mẹ không đồng ý, không cho phép thì biết phải làm sao đây? Nếu lén lút ra đi thì cha mẹ đau lòng lại mang thêm tội bất hiếu. Vậy thì làm thế nào để tốt đẹp cả đôi bên đây?”. Rồi… càng nghĩ càng thêm rối rắm.
Đêm đã khuya mà Thiện Tài vẫn còn trằn trọc, thao thức, chưa tìm ra được cách giải quyết vấn đề, khiến Thiện Tài vô cùng khổ tâm. Đây cũng là một điểm rất đặc biệt mà Thiện Tài Đồng Tử không giống với người thường, vì điều khổ tâm và mất ngủ của cậu tuyệt đối không có chút liên quan gì đến việc thăng quan hay phát tài như người đời thường để tâm đến.
   4. Niềm vui và nỗi buồn của buổi tiễn đưa
   Suốt một đêm thao thức suy tư, quá mệt mỏi, Thiện Tài thiếp đi lúc nào không hay, đến khi chợt tỉnh thì mặt trời đã lên khá cao. Sợ bị chậm trễ trong buổi tiễn đưa, Thiện Tài bỏ cả bữa điểm tâm, liền từ biệt cha mẹ, vội vã lao ra lộ, dốc sức chạy về hướng chùa Đại Tháp. Thiện Tài tuy bị mất ngủ suốt đêm, nhưng vì là thanh niên tràn đầy sinh lực và nhiệt tâm cho nên gương mặt cậu không có một chút gì biểu hiện sự mệt mỏi vì mất ngủ. Điều này, chứng tỏ Thiện Tài có một sức lực mạnh mẽ vô hạn, cho dù bất kỳ khổ nạn nào cậu cũng đều có thể đảm đương được.
Sau khi pháp hội Phổ Chiếu kết thúc viên mãn, chúng đoàn Tín Giải của Bồ-tát Văn-thù nghỉ ngơi an vui thoải mái tại chùa Đại Tháp. Sáng sớm, họ thức dậy sửa soạn hành lý rất đơn giản và chuẩn bị khởi hành. Họ đến và đi đều không báo trước, chỉ cốt hoàn thành công tác hoằng pháp, còn việc đưa đón không đáng quan tâm đến. Đối với họ, đến và đi cũng đều giống nhau, bởi vì pháp giới không có đến đi. Nói cái gì đến cái gì đi, chẳng qua là “không đến mà đến, không đi mà đi”, hà tất phải đón chào nghênh tiếp hoặc đưa tiễn. Nếu chấp trước vào nó sẽ không hợp với nghĩa thật tướng của pháp giới, và cũng không phải là chỗ mong muốn của Bồ-tát Văn-thù. Nhưng có lẽ các đoàn viên sợ phạm lỗi vọng ngữ, nên khi có người hỏi đến họ phải nói rõ việc ra đi, vì thế mới xuất hiện câu tiễn đưa vui vẻ là: “Chân bất ly tục”.
Hội Phổ Chiếu Pháp Giới lần đầu tiên được cử hành tại Phước Thành quả là một điều rất khó gặp, nên người nghe lãnh hội được pháp vị vô thượng rồi thì không thể không cảm niệm ân đức giáo hóa. Không biết thì thôi, một khi đã biết đoàn ra đi mà không đến tiễn đưa thì hóa ra mình xem nhẹ tình người lắm sao? Vậy làm sao có thể phát ra cái tâm lớn là: “Báo chúng sinh ân, hành Bồ-tát đạo?”. Cho nên, chúng đoàn của Bồ-tát Văn-thù tuy không muốn được tiễn đưa, nhưng những người nghe kinh lại thành tâm và nhiệt tình đến tiễn đưa. Do vậy, buổi tiễn đưa này không thể xem như một cuộc náo nhiệt tầm thường, lại càng không thể đem tâm tưởng của thế tục, dùng thước đo trang sức bên ngoài mà sánh với tâm thành của những người nghe kinh đến tiễn đưa.
Chúng đoàn Tín Giải thấy người đến tiễn đưa càng lúc càng đông, không nén được tâm tình biểu hiện ở chỗ “chân bất ngoại tục” tùy hỷ tiếp đãi, lộ vẻ vui tươi mà “hằng thuận chúng sinh”. Đoàn viên đều là những thanh niên hoạt bát chân chánh, cùng với đồng nam đồng nữ tại Phước Thành hợp lại như một gia đình đạo. Họ lưu luyến chúc tụng nhau, biểu hiện lòng mong muốn vô hạn: “Tứ sinh cửu hữu, đồng đăng hoa tạng huyền môn. Bát nạn Tam đồ, cộng nhập Tỳ-lô tánh hải”. Các vị lão niên thì ân cần thăm hỏi Bồ-tát Văn-thù bao giờ mới trở lại chỉ dạy cho họ biết cách tu hành để thoát khỏi biển khổ sinh tử. Có người chưa kịp đợi Bồ-tát Văn-thù trả lời đã rơi lệ ròng ròng. Những người già biết rằng ngày tháng qua mau, mạng sống chẳng còn được bao lâu nữa, trong khi tâm linh thì trống rỗng, đầy lo lắng, làm sao có được một vị đại Bồ-tát thường xuyên khuyến khích chỉ dạy đây? Thanh niên tuổi còn trẻ, sức còn mạnh thì tràn đầy hy vọng, nhưng điều khiến họ tiếc nuối là đoàn Tín Giải chuẩn bị đi một số nơi mà họ không được tham gia vào các công tác Phật sự ấy. Họ mong đợi đoàn Tín Giải sẽ trở lại, lãnh đạo họ phát dương tinh thần Phật giáo tại Phước Thành. Họ rất tự tin ở niềm hy vọng này không phải là hụt hẫng. Cũng có một số thanh niên không ngăn được nỗi buồn ly biệt đã than thở rằng: “Không đến thì thôi! Mới đến đã lại đi rồi, như vậy làm sao người ta chịu được!”, khiến cho một trận cười chân thành vang lên. Những thanh niên thẳng thắn, nói năng bộc trực không thể so sánh với lời nói thận trọng của các bậc lão niên được.
Thiện Tài Đồng Tử cũng sớm đến chùa Đại Tháp, mong muốn được thỉnh vấn những điều còn vướng mắc trong tâm, nhưng vì Bồ-tát Văn-thù đang bận rộn tiếp đãi những người đến đưa tiễn, lễ kính, từ biệt, khiến cậu không làm sao có cơ hội để thưa hỏi. Thiện Tài chỉ có thể chen lấn trong đám người, đến trước mặt Bồ-tát Văn-thù, thành kính lễ lạy tiễn đưa để biểu thị tâm thành của mình. Thiện Tài lắng nghe những tiếng than thở bi ai, sầu than, vui cười đan quyện vào nhau cũng giống như cảnh vô ngại pháp giới hiện tiền vậy.
Mọi người đến tiễn đưa đều hy vọng sẽ có được một trận mưa pháp lợi lạc cuối cùng, cho nên đã giảm bớt phần từ biệt và thỉnh cầu Bồ-tát Văn-thù, trưởng đoàn Tín Giải tặng lời tiễn biệt. Bồ-tát vì muốn làm thỏa mãn điều mong cầu và tâm nguyện của tứ chúng, liền nói lời tặng rằng:
– Phật pháp không đến đi, phương tiện có hợp có tan, nhưng nếu thường nghĩ Tam Bảo thì Tam Bảo liền ở trong mọi người, mỗi niệm nhớ Tam Bảo, Tam Bảo liền theo niệm mà đến, có lúc nào xa lìa chúng ta đâu. Giả sử tâm không nghĩ Tam Bảo, Tam Bảo dù ở tại trước mặt cũng như tận chân trời xa thẳm. Người đời có câu rằng: “Gần mặt mà xa cách lòng” là vậy. Mong tất cả quý vị đừng nên bận tâm đến việc đến hay đi của chúng tôi. Tất cả quý vị tinh tấn học Phật thì tinh thần của chúng ta vĩnh viễn khế hợp nhau, cũng là vĩnh viễn ở cùng một chỗ. Học Phật như vậy, Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo luôn luôn gia hộ cho chúng ta, phiền não đoạn diệt, thân tâm mát mẻ, tự tại và an vui, há không phải là hạnh phúc lắm sao?
Lời khai thị tinh yếu và ngắn gọn này khiến cho ngọn đèn tâm của hội chúng như được đổ thêm dầu liền phóng ánh sáng lớn, những tăm tối u ám trước đây đều tan biến không còn dấu tích. Tiếng vỗ tay vui mừng vang lên như sấm, thể hiện sự thỏa mãn cao độ của niềm vui nghe pháp.
Tiếp đến, đại chúng xếp thành hai hàng, tuần tự tiến ra trước cổng chùa. Văn-thù Bồ-tát hướng dẫn đoàn cùng chắp tay, dàn thành một đội hình giống như chim nhạn rồi từ từ hướng về phía Nam mà tiến bước. Đại chúng hoan hô vang dậy, chờ cho đến khi hình ảnh của đoàn Tín Giải mờ dần và mất hút hẳn, đại chúng mới chịu ra về.
Tiếng chuông trống công phu chiều đã ngân vang. Ánh dương khuất dạng sau rặng núi phía Tây, hắt những tia sáng cuối cùng lên đỉnh điện của chùa Đại Tháp, giống như một lớp vàng lá lấp lánh mới được phủ lên đấy. Hiện tượng này cũng chẳng khác gì việc Thánh giả Văn-thù tuy ra đi nhưng vẫn còn lưu lại ánh sáng trí tuệ Phổ Chiếu Pháp Giới để cho mọi người đều ngưỡng vọng suy tư.
   5. Trong rừng vắng dưới ánh trăng, bày tỏ tấm lòng và tình cảm của mình
   Vầng trăng lung linh trên nền trời phía Đông, gió hiu hiu thổi. Cái không khí náo nhiệt ban ngày nơi chùa Đại Tháp đã được ánh sáng thanh tịnh phủ khắp, thanh khí tràn đầy, toàn thể cảnh vật núi rừng trở nên u tịch. Các thanh niên nam nữ đến tiễn biệt đoàn của Thánh giả Văn-thù đã trở về nhà. Lúc này, không biết họ có ghi nhớ được chút pháp hỷ nào không? Hay là tâm của họ lại rong ruổi theo sắc đẹp, tiền của, ta người, phải trái rồi bị nó chiếm hữu? Điều này, chỉ tự mỗi người biết lấy mà thôi. Thế nhưng, dưới ánh trăng nơi phía trước chùa Đại Tháp, lại còn một bóng người đang quanh quẩn nơi ấy, đó chính là Thiện Tài Đồng Tử.
Vì sao Thiện Tài Đồng Tử không trở về nhà? Lại còn không cho mọi người biết là mình lưu lại ở đây? Nhưng ở lại để làm gì? Thật là một người kỳ lạ hết sức! Bởi vì thâm tâm của Thiện Tài không bám víu theo người ở Phước Thành mà lại hướng theo đoàn người của Bồ-tát Văn-thù. Do cậu đã nhận thức được rằng: “Tự mình đã lãnh thọ sự chỉ giáo của Văn-thù Bồ-tát, âm thầm phát tâm Bồ-đề, nhưng phát tâm rồi không phải là xong. Không thể ở nhà tại Phước Thành để chờ đợi thành Bồ-tát mà phải thực hành hạnh Bồ-tát. Điều này không thể tự cho mình là thông minh, vọng nghĩ việc mặc áo ăn cơm, ngủ nghỉ, làm việc chỗ nào cũng là đạo Bồ-tát. Đem so sánh việc mình làm với hành vi của các vị đại Bồ-tát thì thực ra mình chỉ là một kẻ phàm phu. Bồ-tát Văn-thù đã đi rồi, chẳng thể nói đạo Bồ-tát của mình đã hoàn thành, không có đạo Bồ-tát nào thành tựu một cách dễ dàng như vậy đâu! Nhưng nếu trở về nhà lại phải giúp đỡ cha mẹ trong việc buôn bán, điều này không thích hợp với tâm Bồ-đề của mình cho lắm. Cha mẹ không hiểu, mình không thể oán trách được, nhưng mình cần phải chuyển đổi ước mong của cha mẹ, không để đánh mất tâm Bồ-đề, trái ngược với đạo Bồ-tát. Làm thế nào có thể lợi ích cho chúng sinh, hoàn thành tâm nguyện cứu thế của mình đây?”.
Thiện Tài không tha thiết gì đến cái gia tài khổng lồ của cha mẹ, chỉ một lòng nguyện đem thân tâm, tánh mạng, vì người, vì pháp mà phát tâm đại Bồ-đề. Với dũng khí và hoài bão lớn lao này, há không xứng đáng để nhân loại xưa nay hướng về khâm phục và ngưỡng vọng hay sao! Cũng có người cho Thiện Tài là đồ ngốc, nhưng điều này cũng chẳng tổn hại gì cả. Bởi vì sự ngây thơ, thuần khiết, nhiệt tình, dũng cảm và trí thông minh của cậu thanh niên này đã phát ra ánh sáng huy hoàng chiếu khắp mọi nơi. Thiện Tài lập nguyện kiên quyết không trở về nhà. Nhưng không trở về nhà mà ở lại trước chùa Đại Tháp để làm gì? Quanh quẩn trước chùa Đại Tháp mà chùa Đại Tháp không giúp đỡ gì cho Thiện Tài ngoài sự vắng lặng. Đi đi lại lại dưới ánh trăng, ánh trăng cũng không đồng tình cho Thiện Tài mà chỉ có thể chiếu ánh sáng thanh tịnh bao phủ toàn thân.
Con mắt tâm của Thiện Tài chợt sáng lên, cậu nghĩ đến đoàn của Bồ-tát Văn-thù chắc chưa đi xa lắm, họ cũng phải dừng nghỉ lúc về đêm, cứ lần theo dấu vết có thể sẽ tìm đến. Nghĩ như thế, tinh thần của Thiện Tài càng thêm phấn khởi. Cậu liền rời khỏi chùa Đại Tháp, lần theo đường mà đi. Nhờ niềm tin vững chắc và sự hưng phấn, lại có sự trợ giúp của làn gió mát và ánh trăng thanh, Thiện Tài thẳng tiến về phía trước.
Quả đúng như ý nghĩ của Thiện Tài Đồng Tử, đoàn Tín Giải của Bồ-tát Văn-thù đã đi được khoảng ba mươi dặm và ngừng lại nơi rừng cây bên đường, nghỉ ngơi trên một thảm cỏ xanh. Trăng sáng vì họ xua đi những tối tăm, gió mát vì họ đuổi đi những muỗi mòng. Lúc họ tọa thiền hay kinh hành đều không bao giờ quên chánh niệm. Riêng ngài Bồ-tát Văn-thù, ngồi tọa thiền dưới gốc cây một cách khinh an tự tại.
Thiện Tài Đồng Tử đã tìm được đến nơi, lòng vui mừng không thể tả. Đợi một lúc cho hơi thở điều hòa, Thiện Tài định thần xong, tiến đến trước Thánh giả Văn-thù cung kính đảnh lễ và bày tỏ ý nguyện của mình. Bồ-tát Văn-thù liền ca ngợi và an ủi rằng: “Lành thay công đức tạng! Có thể đến chỗ ta phát khởi tâm đại bi, cần cầu Vô Thượng Giác”. Thiện Tài nghe xong, thân tâm có cảm giác rất mát mẻ thanh tịnh, mọi nhọc mệt, nóng nực đều tiêu mất. Thiện Tài bèn bộc bạch những vấn đề mà mình đang băn khoăn:
– Kính bạch Bồ-tát! Làm thế nào để học hạnh Bồ-tát? Làm thế nào để tu hạnh Bồ-tát? Làm thế nào để có chí thú về hạnh Bồ-tát?… Và làm thế nào khiến cho hạnh Phổ Hiền mau được thành tựu viên mãn?
Thiện Tài giải bày một loạt các vấn đề một cách chân thành, mạch lạc. Thánh giả Văn-thù cảm động nói rằng:
– Nếu có chúng sinh năng phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề, là một điều rất khó, đã phát tâm rồi còn cầu Bồ-tát hạnh lại càng khó gấp bội lần.
Thiện Tài Đồng Tử nghe lời khen ngợi và khuyến khích này, cảm thấy an ổn và vui sướng vì mình không có chút sai phạm nào trong lời dạy của Thánh giả. Thiện Tài không những đã phát tâm Bồ-đề rồi mà lại còn cầu Bồ-tát hạnh nữa. Nếu không như vậy mà chỉ ngu ngốc sống qua ngày với gia đình tại Phước Thành, không bị bậc Thánh mắng nhiếc, e rằng chẳng có thể được như vậy.
Tiếp đến, Bồ-tát Văn-thù khai thị những điểm chính cho Thiện Tài:
– Này thiện nam tử! Nếu muốn thành tựu Nhất thiết trí, phải quyết định cầu chân thiện tri thức. Cầu chân thiện tri thức là cầu mong cho được yếu hạnh Nhất thiết trí của đức Phật. Chân thiện tri thức mới có thể cho ta chân trí, chân kiến, cũng mới có thể đạt đến chỗ chân trí huệ, không đến nỗi đi vào nẻo tà, rơi vào chỗ tương phản với Phật trí. Cầu chân thiện tri thức là khai đường dẫn lối cho việc tu đạo Bồ-tát, rất trọng yếu không thể thiếu được. Học Bồ-tát hạnh mà không thân cận thiện tri thức, sẽ rơi vào chỗ sai lầm “đóng cửa làm xe” (làm theo chủ quan, bất chấp thực tế khách quan).
Ngoài ra, còn phải có tâm “cầu thiện tri thức không sinh lười biếng”. Đối với thiện tri thức nên mong cầu càng nhiều càng tốt, mới có thể tăng trưởng trí tuệ liên tục. Cho nên, phải “tiếp xúc với thiện tri thức chớ sinh lòng thỏa mãn”. Nếu như sinh lòng thỏa mãn thì trí tuệ sẽ không tăng trưởng, mãi mãi bị đình trệ nơi chỗ chướng ngại đạo. Lại khi thiện tri thức dạy bảo phải nên tùy thuận. Đây là tín điều tất yếu để cầu thiện tri thức. Trái lại, dạy mà không nghe, không tùy thuận làm theo, không những không có lợi ích cho mình mà cũng trái với ý chí thân cận thiện tri thức.
Lại còn điều trọng yếu nữa là: đối với thiện tri thức có phương tiện rất khéo léo, chớ nên thấy chỗ sai lầm. Bởi vì thân cận thiện tri thức là do mình chưa được đầy đủ, chưa biết hết mới phải cầu những điều lợi ích nơi thiện tri thức. Thân cận thiện tri thức, không phải là tìm kiếm những sai sót của thiện tri thức. Cho nên, phải chú ý đến chỗ “phương tiện khéo léo”, nắm lấy những chỗ lợi ích cho mình, không nên soi mói những điều sai sót của thiện tri thức. Có như vậy mới hoàn thành việc học Bồ-tát hạnh, mong cầu đức hạnh nơi thiện tri thức.
Từng chữ, từng chữ của lời khai thị và chỉ đạo này đều khắc sâu vào tâm khảm của Thiện Tài mãi mãi. Sau cùng, Bồ-tát Văn-thù giới thiệu với Thiện Tài là ở phương Nam, nơi núi Diệu Phong, nước Thắng Lạc có Tỷ-kheo Đức Vân, là vị đại thiện tri thức nổi tiếng, nên đến đó học hỏi và thân cận. Đối với những câu hỏi “làm thế nào để hạnh Phổ Hiền mau đạt được viên mãn?”, Thiện Tài đã lãnh hội được lời giải đáp như ý nguyện. Những lời chỉ giáo của Thánh giả, Thiện Tài đều nhất nhất tin nhận không nghi.
Thiện Tài hiểu rõ việc học đạo Bồ-tát, tu hạnh Phổ Hiền, yêu cầu đầu tiên là được trí tuệ quảng đại, điều này phải do thân cận thiện tri thức rất nhiều mới có thể đạt được. Thiện Tài rất cảm kích lòng từ bi của Bồ-tát Văn-thù đã khai đạo một cách thiết yếu và rõ ràng. Thiện Tài không còn phải bận tâm về vấn đề làm thế nào để tu Bồ-tát đạo. Thiện Tài hiểu rằng, thân cận thiện tri thức là học tập việc bắt đầu của hạnh Bồ-tát. Có tin sâu vào việc này mới có thể giúp cho việc đi đến đạo Bồ-tát một cách tuyệt đối không sai sót, đem đến cho ta thiện xảo ứng tri, ứng hạnh vô biên, thành tựu hạnh nguyện vô thượng, trọn vẹn mục tiêu tối cao. Thiện Tài dường như đã thấy được con đường sáng phía trước, trong lòng sung sướng vô cùng, liền bái biệt Bồ-tát Văn-thù, trung thành với lời dạy thực tiễn của Thánh giả, không ngại khuya sớm, không ngại gian nan, tiến thẳng về dòng sông phía Nam bắt đầu kiếp sống tham phỏng học hỏi, triển khai bản lý lịch vinh quang trong việc tham cầu thiện tri thức của mình.