Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật

Trương Văn Chiến 54

QUYỂN THỨ MƯỜI MỘT
PHẨM TÙY HỈ
THỨ BA MƯƠI CHÍN
Ngài Di Lặc đại Bồ Tát nói với Ngài Tu Bồ Đề: “Hoặc Thanh văn, hoặc Bích Chi Phật, hoặc tất cả chúng sanh, hoặc bố thí, trì giới, hoặc tu thiền định tùy hỷ phước đức.

Có đại Bồ Tát tùy hỉ phước đức cùng với tất cả chúng sanh chung hưởng, hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Phước đức nầy bực nhứt trên hết, rất diệu Vô thượng, không gì bằng.

Tại sao vậy?

Vì cúng Thanh văn, Bích Chi Phật và tất chúng sanh bố thí, trì giới, tu thiền định tùy hỉ phước đức, là để tự điều phục, tự thanh tịnh, tự độ, mà tu hành những tứ niệm xứ đến bát thánh đạo và không, vô tướng, vô tác.

Bồ Tát tùy hỉ phước đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, đem công đức nầy để điều phục tất cả chúng sanh, để thanh tịnh tất cả chúng sanh, để độ tất cả chúng sanh, vì vô sở đắc vậy.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Chư đại Bồ Tát tưởng niệm vô lượng vô biên vô số chư Phật diệt độ trong vô lượng vô biên vô số quốc độ mười phương, từ sơ phát tâm đến được Vô thượng Bồ đề, nhập vô dư y Niết Bàn đến chánh pháp diệt tận có tất cả thiện căn đúng với sáu ba la mật. Cùng với thiện căn của hành Thanh văn, như phước đức bố thí, phước đức trì giới, phước đức tu tập thiền định. Cùng với thiện căn vô lậu của hành hữu học, vô học. Cùng với tụ, định tụ, huệ tu, giải thoát tụ, giải thoát tri kiến tụ, nhứt thiết trí, đại từ đại bi của chư Phật. Cùng với vô lượng vô số những Phật pháp khác và pháp của chư Phật diễn thuyết. Trong những pháp nầy học được quả Tu Đà Hoàn đến quả A La Hán và đạo Bích Chi Phật, nhập ngôi đại Bồ Tát. Cùng với những chúng sanh khác gieo trồng thiện căn.

Tất cả những thiện căn ấy hòa hợp phước đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, thời là phước đức đệ nhứt trên hết, rất diệu vô thượng, không gì bằng.

Tùy hỉ như vậy rồi, đem phước tùy hỉ nầy hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nếu có thiện nam, thiện nữ tu hành Bồ Tát thừa, nghĩ rằng lòng tôi hướng về Vô thượng Bồ đề.

Đây là sanh tâm duyên nơi sự.

Nếu thiện nam, thiện nữ nắm lấy tướng Vô thượng Bồ đề, có thể được như chỗ đã nghĩ tưởng chăng?”

Di Lặc Bồ Tát nói: “Nếu thiện nam, thiện nữ nắm lấy tướng, thời chẳng được như chỗ đã tưởng nghĩ”.

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu những duyên, những sự vô sở hữu, thiện nam, thiện nữ nầy thật hành Bồ Tát thừa, nắm lấy tướng, đối với thtiện căn từ sơ phát tâm đến chánh pháp diệt tận của chư Phật mười phương, cùng với thiện căn của hành hữu học vô học Thanh văn, đều hòa hiệp tất cả tùy hỉ công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, vì vô tướng vậy.

Như thế thời Bồ Tát nầy há chẳng phải vô thường cho là thường, khổ cho là lạc, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, mà thành tưởng điên đảo, kiến điên đảo.

Hoặc như duyên và như sự hồi hướng Vô thượng Bồ đề cũng như vậy.

Tâm hồi hướng cũng như vậy.

Đàn na ba la mật đến mười tám pháp bất cộng cũng như vậy.

Nếu như vậy, thời những gì là duyên, những gì là sự, những gì là Vô thượng Bồ đề, những gì là thiện căn, những gì là tâm tùy hỉ hồi hướng Vô thượng Bồ đề?”

Ngài Di Lặc Bồ Tát nói: “Nếu chư đại Bồ Tát đã từ lâu thật hành sáu ba la mật, nhiều cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn, luôn gần thiện trí thức, khéo tu học pháp tự tướng không. Chư đại Bồ Tát nầy dùng duyên như vậy và sự như vậy, nơi thiện căn của chư Phật, tùy hỉ phước đức, chẳng nắm lấy tướng Vô thượng Bồ đề. Bởi chẳng hai pháp chẳng phải chẳng hai pháp, chẳng phải tướng chẳng phải không tướng, chẳng phải pháp có thể được chẳng phải pháp chẳng thể được, chẳng phải pháp cấu chẳng phải pháp tịnh, chẳng phải phải pháp sanh chẳng phải pháp diệt, nên đây gọi là hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nếu chư Bồ Tát tu hành sáu ba la mật chẳng được lâu, cúng dường chư Phật chẳng được nhiều, chẳng gieo trồng căn lành, chẳng gần thiện tri thức, chẳng khéo tu học pháp tự tướng không. Bồ Tát nầy dùng duyên như vậy sự như vậy mà tùy hỉ phước đức của chư Phật, tâm lấy tướng hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Đây thời chẳng gọi là chơn thiệt hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nầy Ngài Tu Bồ Đề! Nghĩa Bát nhã ba la mật như vậy, nhẫn đến nghĩa nhứt thiết chủng trí, như là nội không đến vô pháp hữu pháp không, chẳng nên giải nói với hành tân học Bồ Tát. Vì sẽ làm mất lòng kính tin thanh tịnh mà Bồ Tát nầy đã được chút ít.

Nên đem nói với bực đại Bồ Tát bất thối chuyển.

Hoặc với người được sự hộ trì của thiện tri thức, hoặc với người từ lâu cúng dường chư Phật, gieo trồng thiện căn. Cũng nên giải thuyết Bát nhã ba la mật nầy nhẫn đến nghĩa nhứt thiết chủng trí, như là nội không đến vô pháp hữu pháp không.

Những người nầy nghe pháp như vậy không mất, không kinh, không sợ.

Nầy Ngài Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát tùy hỉ phước đức phải hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy.

Nghĩa là Bồ Tát dùng tâm tùy hỉ phước đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề, tâm nầy tận diệt biến ly. Duyên ấy, sự ấy, những thiện căn ấy cũng tận diệt biến ly.

Trong đây, những gì là tâm tùy hỉ, những gì là duyên, những gì là sự, những gì là thiện căn tùy hỉ hồi hướng Vô thượng Bồ đề?

Nếu đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật, biết rõ Bát nhã ba la mật nầy không có pháp như vậy, nhẫn đến Đàn na ba la mật không có pháp, sắc, thọ, tưởng hành thức đến Vô thượng Bồ đề không có pháp như vậy.

Đại Bồ Tát phải tùy hỉ công đức như vậy mà hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nếu có thể hồi hướng như vậy, thời gọi là tùy hỉ công hồi hướng Vô thượng Bồ đề”.

Thiên Đế hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Bồ Tát mới phát tâm nghe việc nầy há không kinh sợ ư?

Thế nào là Bồ Tát mới phát tâm tu các thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề?

Lại thế nào là tùy hỉ phước đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề?”

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu Bồ Tát mới phát tâm thật hành Bát nhã ba la mật, chẳng thọ Bát nhã ba la mật nầy, vì vô sở đắc vậy, vì vô tướng vậy. Nhẫn đến Đàn na ba la mật cũng như vậy. Lại nhiều tin hiểu nội không đến vô pháp hữu pháp không. Nhiều tin hiểu tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng, thường theo thiện tri thức.

Thiện tri thức nầy giảng nói nghĩa sáu ba la mật và khai thị, phân biệt cho. Dạy dỗ như vậy làm cho thường chẳng rời Bát nhã ba la mật, nhẫn đến được vào bực Bồ Tát chẳng rời Bát nhã ba la mật, nhẫn đến chẳng rời Đàn na ba la mật. Chẳng rời tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng. Cũng dạy nói về ma sự. Nghe những ma sự rồi vẫn chẳng tăng, chẳng giảm.

Tại sao vậy? Vì Bồ Tát nầy chẳng thọ tất cả pháp vậy.

Bồ Tát nầy cũng thường chẳng rời chư Phật. Nhẫn đến lúc nào bực Bồ Tát luôn gieo trồng thiện căn. Do thiện căn nầy mà vào nhà Bồ Tát. Nhẫn đến lúc thành Vô thượng Bồ đề trọn chẳng rời thiện căn nầy.

Lại đại Bồ Tát mới phát tâm nầy đối với quá khứ chư Phật vô lượng vô biên vô số quốc độ mười phương, dứt đường sanh tử, dứt đường hí luận, bỏ hẳn gánh nặng, diệt gai tụ lạc, dứt những hữu lậu, được chánh trí giải thoát, cùng hàng đệ tử tu hành công đức. Hoặc hàng đại trưởng giả cư sĩ, chư Thiên từ Trời Tứ Thiên Vương đến Sắc Cứu Cánh gieo trồng thiện căn, tất cả công đức đều hòa hiệp. Dùng tâm tùy hỉ đệ nhứt trên hết, hơn hết, không gì bằng mà tùy hỉ. Tùy hỉ rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề”.

Ngài Di Lặc Bồ Tát nói với Ngài Tu Bồ Đề: “Nếu Bồ Tát mới phát tâm tưởng niệm thiện căn của chư Phật và hành đệ tử, dùng tâm tùy hỉ đệ nhất vi diệu hơn hết không gì bằng mà tùy hỉ công đức. Tùy hỉ rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Bồ Tát nầy thế nào chẳng sa nơi tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến đảo?”

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Nếu đại Bồ Tát niệm Phật và Tăng. Trong đây, chẳng móng khởi tưởng là Phật, tưởng là Tăng, cũng chẳng móng khởi tưởng là thiện căn. Dùng tâm nầy hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Trong tâm nầy cũng chẳng móng khởi tưởng là tâm. Bồ Tát hồi hướng như vậy thời tưởng chẳng điên đảo, tâm chẳng điên đảo, kiến chẳng điên đảo.

Nếu đại Bồ Tát niệm thiện căn của Phật và Tăng, năm lấy tướng rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Bồ Tát hồi hướng như vậy, thời gọi là tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo.

Nếu đại Bồ Tát dùng tâm nầy niệm thiện căn của chư Phật và chúng Tăng. Lúc tâm niệm như vậy liền biết diệt tận. Nếu diệt tận thời pháp ấy bất khả đắc. Tâm dùng để hồi hướng cũng là tướng tận diệt. Chỗ hồi hướng và pháp cũng là tướng tận diệt.

Nếu hồi hướng như đây thời gọi là chánh hồi hướng mà chẳng phải tà hồi hướng.

Đại Bồ Tát phải hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy.

Và lại nếu đối với thiện căn của chư Phật quá khứ và hàng đệ tử, thiện căn của phàm phu nghe pháp, thiện căn Thiên, Long, Bát bộ nhẫn đến của trời Sắc Cứu Cánh nghe pháp phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Tất cả phước đức nầy đều hòa hiệp. Bồ Tát dùng tâm đệ nhứt vi diệu hơn hết, không gì bằng mà tùy hỉ công đức rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Bấy giờ nếu đại Bồ Tát biết những pháp ấy tận diệt, chỗ hồi hướng và pháp cũng tự tánh không. Có htể hồi hướng như vậy thời gọi là chơn thiệt hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Lại đại Bồ Tát biết không có pháp nào hồi hướng được pháp nào. Vì tất cả pháp tự tướng không. Hồi hướng như đây thời gọi là chánh hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật đến Đàn na ba la mật như vậy, thời chẳng sa vào tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Bởi Bồ Tát nầy chẳng nắm lấy hồi hướng ấy, cũng chẳng đem những thiện căn hồi hướng đến chỗ tam Bồ đề. Đây gọi là đại Bồ Tát Vô thượng hồi hướng.

Lại nếu đại Bồ Tát biết phước đức đã gieo trồng, rời hẳn ngũ ấm, thập nhị xứ, thập bát giới. Cũng biết Bát nhã ba la mật là ly tướng, biết nội không đến vô pháp hữu pháp không là ly tướng, biết tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng là ly tướng. Đại Bồ Tát khởi tâm tùy hỉ phước đức như vậy, thời gọi là hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Nếu đại Bồ Tát tùy hỉ phước đức, biết tùy hỉ phước đức tự tánh ly, cũng biết chư Phật ly, Phật tánh các thiện căn cũng ly, thiện căn tánh cũng ly, hồi hướng và hồi hướng tánh cũng ly, Bồ Tát và Bồ Tát tánh cũng ly, Bát nhã ba la mật đến Đàn na ba la mật cũng ly, nội không đến vô pháp hữu pháp không cũng ly, nội không tánh đến vô pháp hữu pháp không tánh cũng ly, tứ niệm xứ đến pháp bất cộng cũng ly, tứ niệm xứ tánh đến bất cộng pháp tánh cũng ly.

Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật ly tướng như vậy.

Đây gọi là đại Bồ Tát trong Bát nhã ba la mật phát sanh tùy hỉ phước đức.

Lại đại Bồ Tát đối với thiện căn của chư Phật quá khứ diệt độ, nếu muốn hồi hướng thời phải hồi hướng như vầy:

Phải quan niệm rằng như tướng chư Phật diệt độ, tướng các thiện căn cũng vậy, tướng pháp diệt độ cũng như vậy. Tôi dùng tâm hồi hướng, tướng của tâm nầy cũng như vậy.

Nếu hồi hướng được như vậy thời gọi là hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Hồi hướng như vậy thời chẳng sa vào tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.

Nếu đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật nắm lấy tướng thiện căn của chư để hồi hướng Vô thượng Bồ đề, thời chẳng gọi là hồi hướng.

Tại sao vậy?

Vì chư Phật quá khứ và thiện căn chẳng phải tướng duyên, chẳng phải không tướng duyên.

Nếu đại Bồ Tát nắm lấy tướng như vậy thời chẳng gọi là thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát nầy sa vào tưởng điên đảo, tâm diên đảo, kiến điên đảo.

Nếu Bồ Tát chẳng nắm lấy tướng chư Phật, các thiện căn, cũng chẳng lấy tướng hồi hướng, thời gọi là đem các thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát nầy chẳng sa vào tưởng điên đảo, tâm diên đảo, kiến điên đảo”.

Ngài Di Lặc hỏi Ngài Tu Bồ Đề: “Đại Bồ Tát thế nào đối với các thiện căn chẳng nắm lấy tướng mà có thể hồi hướng Vô thượng Bồ đề?”

Ngài Tu Bồ Đề nói: “Do sự nầy nên phải biết trong đại Bồ Tát Bát nhã ba la mật cần có phương tiện lực Bát nhã ba la mật.

Nếu là phước đức rời Bát nhã ba la mật, thời chẳng được hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Tại sao vậy?

Vì trong Bát nhã ba la mật, chư Phật bất khả đắc, các thiện căn bất khả đắc, tâm hồi hướng Vô thượng Bồ đề cũng bất khả đắc.

Ở trong đây, lúc đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, nên quan niệm rằng thân của chư Phật quá khứ và đệ tử đều tận diệt, các thiện cũng tận diệt. Nay nếu ta nắm lấy tướng phân biệt chư Phật, thiện căn và tâm hồi hướng Vô thượng Bồ đề, thời chư Phật chẳng hứa khả.

Tại sao vậy?

Vì nắm lấy tướng thời là hữu sở đắc vậy.

Nghĩa là ở nơi chư Phật quá khứ nắm lấy tướng phân biệt vậy.

Thế nên đại Bồ Tát muốn dùng các thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề, thời chẳng nên lấy để hồi hướng.

Nếu có được và nắm lấy để hồi hướng, thời chư Phật chẳng nói có lợi ích lớn.

Tại sao vậy? Vì hồi hướng như vậy là tạp độc.

Ví như đồ ăn ngon lộn tạp độc, dầu có màu đẹp hương thơm được người ham mà trong đó có chất độc. Kẻ ngu dại thích ăn vì tham màu đẹp hương thơm vị ngon vừa miệng. Lúc ăn nầy tiêu hóa, kẻ ngu ấy bèn thọ những khổ đau đớn chết chóc.

Nếu thiện nam, thiện nữ chẳng thọ trì, đọc tụng rành rẽ, chẳng hiểu nghĩa trong đây mà giảng dạy người khác rằng:

Quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật mười phương, từ sơ phát tâm đến Vô thượng Bồ đề, nhập vô dư y Niết Bàn đến chánh pháp tận diệt. Trong thời gian đó, lúc thật hành sáu ba la mật gieo trồng căn lành, lúc tu tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng, gieo trồng căn lành, lúc thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, gieo trồng căn lành, cùng với những giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nhứt thiết chủng trí, pháp không sai lầm thường xả hành của chư Phật và hàng đệ tử gieo trồng căn lành, cùng những người được chư Phật thọ ký sẽ thành Bích Chi Phật, hàng Thiên, Long, Bát bộ gieo trồng căn lành, tất cả phước đức hòa hiệp tùy hỉ hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Sự hồi hướng nầy vì nắm lấy tướng và có pháp được nên như là món ăn lộn chất độc.

Người có pháp được thời trọn không có chánh hồi hướng.

Tại sao vậy? Vì có pháp được đây thời gọi là lộn độc, có tướng, có động, có hí luận.

Nếu hồi hướng như vậy thời là hủy báng Phật, là chẳng theo lời Phật dạy, là chẳng theo chánh pháp đã nói.

Thiện nam, thiện nữ nầy cầu Phật đạo phải học như thế nầy:

Thiện căn của tam thế chư Phật từ sơ phát tâm đến thành Phật nhập vô dư y Niết Bàn chánh pháp tận diệt cùng hành đệ tử lúc tu hành Bát nhã ba la mật đã gieo trồng, nhẫn đến lúc nhứt thiết chủng trí, tất cả phước đức hồi hướng như vầy: Như trí huệ vô thượng mà chư Phật đã biết, những thiện căn tướng ấy, những thiện căn tánh ấy, tôi cũng tùy hỉ như vậy. Như chư Phật đã biết, tôi cũng hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy.

Nếu thiện nam, thiện nữ hồi hướng như vậy, thời là chẳng hủy báng Phật, đúng như lời Phật dạy, đúng với Phật pháp đã nói. Hồi hướng như vậy là không xen lộn chất độc.

Lại thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, lúc thật hành Bát nhã ba la mật phải hồi hướng thiện căn như vầy:

Như sắc chẳng thuộc Dục giới, chẳng thuộc Sắc giới, chẳng thuộc Vô sắc giới, chẳng thuộc pháp, chẳng gọi quá khứ, vị lai, hiện tại. Nội không đến vô pháp hữu pháp không cũng như vậy.

Như pháp tánh, pháp tướng, pháp trụ, thiệt tế, bất tư nghì tánh, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, nhứt thiết chủng trí chẳng thuộc Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng thuộc pháp, chẳng thuộc quá khứ, vị lai và hiện tại.

Hồi hướng nầy, chỗ hồi hướng nầy và hành giả chẳng hệ thuộccũng như vậy. Chư Phật và những thiện căn đây cũng chẳng hệ thuộc. Thiện căn của Thanh văn, Bích Chi Phật đây cũng chẳng hệ thuộc, chẳng thuộc pháp, chẳng thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại.

Nếu đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật biết sắc v,v,,, đều chẳng hệ thuộc, chẳng thể đem pháp năm lấy tướng hữu sở đắc để hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Tại sao vậy?

Sắc v.v… đây là vô sanh. Nếu pháp đã vô sanh thời là vô pháp, trong vô pháp không thể hồi hướng.

Hồi hướng như trên đây thời không xen lộn chất độc.

Nếu thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo nắm lấy tướng hữu sở đắc đem thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề, thời gọi là tà hồi hướng.

Nếu là tà hồi hướng thời chư Phật chẳng khen ngợi.

Dùng tà hồi hướng nầy thời chẳng đầy đủ Đàn na ba la mật nhẫn đến Bát nhã ba la mật. Chẳng đầy đủ tứ niệm xứ đến thập lực. Chẳng thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh.

Nếu chẳng thể thanh tịnh Phật độ, thành tựu chúng sanh, thời chẳng thể Vô thượng Bồ đề.

Tại sao vậy? Vì hồi hướng nầy xen lộn chất độc.

Lại lúc Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, phải quan niệm rằng như những thiện căn hồi hướng mà chư Phật đã biết, đó là chơn thiệt hồi hướng, tôi cũng dùng pháp tướng hồi hướng ấy. Đây gọi là chánh hồi hướng”.

Đức Phật khen Ngài Tu Bồ Đề: “Lành thay, lành thay! Vì làm Phật sự, vì đại Bồ Tát mà ông nói pháp hồi hướng chân chánh phải thật hành. Bởi không tướng, không được, không xuất, không cấu, không tịnh, không pháp tánh, tự tướng rỗn không, thường tự tánh rỗng không, như pháp tánh, như thiệt tế vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong Đại Thiên quốc độ đểu thật hành thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông, ông nghĩ sao, chúng sanh ấy được nhiều phước chăng?”

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều”.

Đức Phật nói: “Chẳng bằng thiện nam, thiện nữ đối với những thiện căn, tâm chẳng nắm lấy mà hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Phước đức nầy đệ nhứt hơn hết, rất vi diệu vô thượng, không gì bằng.

Nầy Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong Đại Thiên quốc độ đều được Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật.

Có thiện nam, thiện nữ đem tứ sự cúng dường trọn đời và cung kính, tôn trọng, tán thán, cung cấp đủ đồ cần dùng. Nhơn duyên nầy được phước nhiều chăng?”

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Người nầy được phước rất nhiều”.

Đức Phật nói: “Vẫn chẳng bằng thiện nam, thiện nữ đối với những thiện căn, tâm chẳng nắm lấy mà hồi hướng Vô thượng Bồ đề. Phước đức nầy đệ nhứt hơn hết, rất là vi diệu vô thượng, không gì bằng.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Nếu chúng sanh trong Đại Thiên trong quốc độ đều phát tâm Bồ đề. Mỗi mỗi chúng sanh trang hằng sa thế giới, đều cung kính, cúng dường Bồ Tát nầy trong hằng sa kiếp. Nhơn duyên nầy được rất nhiều chăng?”

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Được phước rất nhiều vô lượng vô biên không gì thí dụ được. Nếu phước đức nầy có hình dạng thời hằng sa quốc độ cũng không dung thọ được”.

Đức Phật nói: “Lành thay, lành thay! Đúng như lời ông nói. Dầu vậy, nhưng chẳng bằng thiện nam, thiện nữ đối với những thiện căn, tâm chẳng nắm lấy mà hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Công đức hồi hướng không nắm lấy nầy, sánh với công đức trên thời hơn cả trăm ngàn muôn ức lần, nhẫn đến toán số thí dụ cũng không sánh được.

Tại sao vậy?

Vì người trên kia nắm lấy tướng có pháp được mà thật hành thập thiện đạo, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc định, ngũ thần thông, và nắm lấy tướng có pháp được mà cúng dường, cung kính Tu Đà Hoàn đến cung kính, cúng dường Bồ Tát vậy.

Tứ Thiên Vương và hai vạn Thiên Tử chấp tay lễ Phật mà thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát hồi hướng rất là rộng lớn. Vì là phương tiện lực vậy. Vì là vô sở đắc vậy. Vì là vô tướng vậy. Vì là vô giác vậy. Đem những thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy, thời chẳng sa vào hai pháp”.

Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn cũng cùng vô số chư Thiên cõi đao Lợi và chư Thiên Tử khác đồng đem thiên hoa, thiên hương, anh lạc, thiên tràng phan, thiên cổ, thiên nhạc cúng dường lên Đức Phật, thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! đại Bồ Tát hồi hướng rất là rộng lớn. Vì là phương tiện lực vậy. Vì là vô sở đắc vậy. Vì là vô giác vậy. đem những thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề như vậy, thời chẳng sa vào hai pháp”.

Chư Phạm Thiên cùng vô số chư Thiên đến lễ chân Phật thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Vị tằng hữu Bồ Tát được sự hộ trợ của Bát nhã ba la mật, do phương tiện lực nên hơn người nắm lấy tướng có pháp được trên kia”.

Quang Âm Thiên đến Sắc Cứu Cánh Thiên cũng lễ Phật, thưa như vậy.

Đức Phật bảo Tứ Thiên Vương nhẫn đến chư Thiên Sắc Cứu Cánh: “Chư Thiên Tử! Nếu tất cả chúng sanh trong Đại thiên thế giới đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Tất cả Bồ Tát nầy niệm thiện căn của quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật và của chư Thanh văn, Bích Chi Phật, từ lúc mới phát tâm đến trụ, cùng với thiện căn của tất cả chúng sanh như là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, giới, định, huệ, giải thoát, tri kiến giải thoát và vô lượng Phật pháp khác đều hòa hiệp tùy hỉ tất cả. Tùy hỉ xong, đều hồi hướng Vô thượng Bồ đề, vì là nắm lấy tướng hữu sở đắc vậy.

Lại có thiện nam, thiện nữ phát tâm Vô thượng Bồ đề cũng là niệm thiện căn của tam thế chư Phật và chư Thanh văn, Bích Chi Phật, cùng thiện căn của tất cả chúng sanh và những Phật pháp khác đều hòa hiệp tùy hỉ, nhưng vì vô sở đắc, vì không hai pháp, vì không có tướng, vì chẳng nắm lấy pháp, vì không thấy có, đây là sự tùy hỉ đệ nhứt hơn hết, vi diệu vô thượng, không gì bằng. Tùy hỉ xong, hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Côn đức của thiện nam, thiện nữ nầy hơn công đức trên cả trăm ngàn muôn ức lần, nhẫn đến không thể ví dụ được”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đức Phật nói thiện nam, thiện nữ hòa hiệp tùy hỉ đệ nhứt hơn hết, vi diệu vô thượng, không gì bằng.

Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là tùy hỉ đệ nhứt đến không gì bằng?”

Đức Phật nói: “Nầy Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, thiện nữ đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại mà chẳng thủ, chẳng xả, chẳng nhớ chẳng phải chẳng nhớ, chẳng được chẳng phải chẳng được. Trong các pháp đó cũng chẳng có pháp sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm, lai khứ, hiệp tán, nhập xuất.

Như các pháp tướng, như như tướng, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, quá khứ, vị lai, hiện tại, tôi cũng tùy hỉ như vậy. Tùy hỉ xong, hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Đây là hồi hướng đệ nhứt hơn hết, vi diệu vô thượng, không gì bằng.

Nầy Tu Bồ Đề! Pháp tùy hỉ nầy sánh với những pháp tùy hỉ khác trăm ngàn muôn ức lần hơn, nhẫn đến thí dụ cũng không kịp được.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, đối với tam thế thiện căn từ sơ phát tâm đến pháp trụ của chư Phật và chư Thanh văn, Bích Chi Phật, nhẫn đến vô lượng Phật pháp khác, cùng thiện căn của những chúng sanh khác, nếu muốn tùy hỉ thời phải tùy hỉ như thế nầy:

Phải quan niệm rằng bố đồng đẳng với giải thoát, năm độ kia cũng đồng đẳng với giài thoát, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đồng đẳng với giải thoát, nội không đến vô pháp hữu pháp không đồng đẳng với giải thoát, tứ niệm xứ đến bát thánh đạo phần đồng đẳng với giải thoát, thập lực đến nhứt thiết chủng trí đồng đẳng với giải thoát, giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến đồng đẳng với giải thoát, tùy hỉ đồng đẳng với giải thoát, các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại đồng đẳng với giải thoát, chư Phật mười phương cùng giải thoát đồng đẳng, chư Phật hồi hướng cùng giải thoát đồng đẳng, chư Phật cùng giải thoát đồng đẳng, chư Phật diệt độ cùng giải thoát đồng đẳng, Thanh văn, Bích Chi Phật cùng giải thoát đồng đẳng, Thanh văn, Bích Chi Phật diệt độ cùng giải thoát đồng đẳng, pháp tướng của chư Phật cùng giải thoát đồng đẳng, pháp tướng của Thanh văn, Bích Chi Phật cùng giải thoát đồng đẳng. Tất cả các pháp tướng cũng cùng giải thoát đồng đẳng, tôi đem tướng những thiện căn nầy tùy hỉ công đức hồi hướng Vô thượng Bồ đề cũng đồng đẳng với giải thoát, vì bất sanh bất diệt vậy.

Nầy Tu Bồ Đề! Đây gọi là đại Bồ Tát tùy hỉ công đức đệ nhứt hơn hết, vi diệu vô thượng, không gì bằng.

Nầy Tu Bồ Đề! Bồ Tát thành tựu công đức nầy thời mau được Vô thượng Bồ đề.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Hiện tại nếu có thiện nam, thiện nữ vì cầu Phật đạo nên trọn đời cúng dường hiện tại hằng sa chư Phật và Thanh văn, Bích Chi Phật mười phương, cung phụng tất cả đồ cần dùng và cung kính, tôn trọng, tán thán, vì nắm lấy tướng hữu sở đắc vậy. Thật hành trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, vì nắm lấy tướng hữu sở đắc.

Lại có thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu vô thượng, thật hành lục ba la mật, đem những thiện căn chẳng nắm lấy tướng vô sở đắc, phương tiện lực hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Phước đức nầy đệ nhứt hơn hết, vi diệu vô thượng, không gì bằng, hơn phước đức trên trăm ngàn muôn ức lần, nhẫn đến ví dụ cũng không kịp được.

Nầy Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát lúc thật hành lục ba la mật như vậy, vì phương tiện nên phải đem thiện căn hồi hướng Vô thượng Bồ đề, vì chẳng nắm lấy tướng vô sở đắc vậy”.