Kinh Hiền Ngu

Kinh Hiền Ngu

Trương Văn Chiến 32

Phẩm XXVI. BỐ THÍ ĐẦU

Chính tôi được nghe: Một thời Ðức Phật ở một nước Tỳ Xá Ly, trong vườn cây A La.

Khi đó Ðức Thế Tôn hỏi tôi (A Nan) rằng:

– Những người được phép tứ thần túc thì thọ được một kiếp, như ta được tứ thần túc còn phải tu tập. Vậy có biết Như Lai thọ được bao nhiêu không? Ngài hỏi luôn ba lần như thế.

Lúc đó tôi bị ma yếm chăng? Nên cứ lặng yên không trả lời. Phật lại bảo:

– A Nan! Ông hãy đi đến chỗ tĩnh mịch mà suy xét.

Tôi vâng lời đứng dậy đi vào trong rừng.

Vừa đi khỏi, thì ma Ba Tuần đến bạch Phật rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Ngài ở đời giáo hóa đã lâu, tế độ nhân gian được thoát sinh tử, nhiều như số cát sông Hằng, nay tuổi đã già yếu, Ngài nên vào Niết Bàn đi!

Phật lấy chút đất để trên móng tay hỏi Ba Tuần rằng:

– Đất trên móng tay ta nhiều hay đất quả địa cầu nhiều?

– Kính lạy Ngài, đất quả địa cầu nhiều.

Ta độ chúng sinh cũng ít như đất trên móng tay vậy, còn những chúng sinh chưa được độ cũng nhiều như đất quả địa cầu, cách ba tháng nữa, ta sẽ vào Niết Bàn.

Ba Tuần nghe Phật nói xong vui mừng bái tạ lui ra!

Tôi ngồi trong rừng, chợt ngủ mê thấy một cây to lớn che khắp cả hư không, cành lá um tùm hoa quả tốt tươi, cống đức của cây này vi diệu vô cùng, không thể tả xiết. Bỗng nhiên có một trận cuồng phong làm cho cành lá tan nát tơi bời! Tôi lo sợ quá! Giật mình tỉnh dậy lồng ngực hãy còn đập liền hồi, tôi thầm nghĩ như vầy: Ta mộng thấy cây này là một cây mà tất cả thiên hạ đuợc nhờ, tự nhiên lại bị trận gió làm tan nát như thế, Ðức Thế Tôn của ta tế độ cho khắp nhân Thiên, Phàm Thánh, muôn loài hàm sinh đều lợi ích. Cũng như cây này che chở cho khắp thiên hạ, mộng này có lẽ Ðức Thế Tôn vào Niết Bàn, tôi đứng lên vào Tinh Xá cúi đầu làm lễ bạch Phật rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Vừa đây con mộng thấy, một cây to lớn che chở cho muôn loài bỗng gặp cơn gió lớn, đập gẩy tan tành, con dự đoán hay Thế Tôn sắp vào Niết Bàn, lạy Ngày có phải, cúi xin chỉ giáo?

Phật dạy rằng: – Thực thế đấy! Sau ba tháng nữa ta vào Niết Bàn, cũng như lời ta vừa nói đây, những người được phép tứ thần túc thì thọ một kiếp, như ta được tứ thần túc còn phải tu tập. Vậy Như Lai thọ được bao nhiêu ư? Ta hỏi luôn ba lần như thế mà ngươi không đáp, ngươi đi khỏi ma Ba Tuần lại mời ta vào Niết Bàn và ta đã hứa.

Tôi nghe xong như sét đánh bên tai, lo sợ quá! Buồn khổ quá! Giờ đây Ngài vào Niết Bàn, chúng sinh biết nương tựa vào đâu?

Sau đó các đệ tử ai ai cũng âu sầu buồn bã, xúm xít thăm hỏi Ngài.

Phật dạy rằng: – Tất cả thế gian đều bị luật vô thường chuyển biến luôn luôn, nay còn mai mất, không có nhất định, từ loài người, loài vật cho đến núi sông vũ trụ bao la, không có một vật gì được tồn tại mãi mãi đâu. Ta vì chúng sinh trong pháp giới, việc nên làm ta đã làm xong, những việc phải nói, ta đã nói hết, các ông nên chăm chỉ tu hành, lo buồn làm chi vô ích.

Ngài Xá Lợi Phất than rằng:

– Than ôi! Con mắt sáng của thế gian đến ngày diệt, đức Như Lai vào Niết Bàn, chúng sinh hết chỗ trông nhờ!

Ông nói xong quỳ bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn, con không nỡ nào nhìn thấy Ngài nhập Niết Bàn, con xin nhập Niết Bàn trước, cúi xin Ngài hoan hỷ cho con được thỏa nguyện.

Ông thưa luôn ba lần như vậy.

– Phật nói: Nếu tới thời ông nên biết các Hiền Thánh cũng nên tịch diệt.

Nghe Phật nói xong, ông quỳ thẳng đi bằng hai gối, nhiễu Phật một trăm vòng, rồi đỡ lấy chân Phật để lên đầu ba lần, bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Hôm nay là lần cuối cùng con từ biệt Ngài! Nói rồi cúi đầu khoanh tay nghiêm kính đi ra, Ngài trở về nước La Duyệt Kỳ là nơi sinh quán, ông Sa Di Quân Đề đưa tin cho vua quan và các nhà thân tín hay, để họ đến thăm viếng.

Vua A Xà Thế biết tin Ngài vào Niết Bàn, tự nói rằng:

– Tôn giả Xá Lợi Phất là một vị đại tướng trong Phật Pháp, than ôi! Ngài nhập Niết Bàn chi sớm thế? Biết lấy ai để trấn tĩnh lũ tà gian.

Khi vua quan dân chúng đến đông đủ, họ thưa rằng:

– Kính lạy đức Tôn Giả! Được tin Ngài sắp vào Niết Bàn, chúng tôi đây như con mất cha, như gà mất mẹ, không chốn nương thân, không bề trông cậy.

Ngài đáp rằng: Các Phật tử chớ buồn chi! Tất cả muôn vật trên thế gian này đều thuộc hai chữ “Vô Thường”, đã có sinh tất nhiên phải có tử, ba cõi đều khổ, ai là người được an vui, các vị đời trước trồng nhân lành sinh gặp Phật tại thế, kinh pháp khó được nghe, thân người khó được, phải chăm tu phúc nghiệp, để cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi là cốt yếu.

Cứ như thế, Ngài tùy theo tâm chúng sinh mà giảng giải rất khéo léo, cũng như thầy thuốc tùy theo bệnh mà cắt thuốc, để khiến cho họ được phần lợi ích.

Khi giảng xong, cũng có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng, ai nấy tâm ý an hòa tạ lễ lui ra.

Khi giảng xong, cũng có người đắc sơ quả cho đến tứ quả, cũng có người phát tâm cầu đạo vô thượng, ai nấy tâm ý an hòa tạ lễ lui ra.

Giờ này đã quá nửa đêm, Ngài nghiêm tĩnh tâm ý để tại trước mặt, vào cõi sơ thiền, từ sơ thiền vào cõi nhị thiền, từ cõi nhị thiền vào cõi tam thiền, từ cõi tam thiền vào cõi tứ thiền, từ cõi tứ thiền vào cõi không xứ, từ cõi không xứ vào cõi thức xứ, từ cõi thức xứ vào cõi bất dụng xứ, từ cõi bất dụng xứ vào cõi phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ, lại từ cõi phi hữu tưởng phi vô tưởng vào định diệt tận, từ định diệt tận nhập Niết Bàn.

Ông Thiên Đế Thích biết thế, đem họ hàng một trăm ngàn người mang hương hoa xuống cúng dàng rồi than rằng:

– Tôn giả trí tuệ rộng sâu, như trời cao, như biển lớn, biện luận ứng cơ, mau hư chớp loáng, âm thanh như nước chảy, giới, định, tuệ hoàn toàn, là một đại tướng trong Phật Pháp, thay đức Như Lai chuyển Pháp luân. Ôi! Ngài nhập Niết Bàn, mất con mắt sáng cõi nhân thiên.

Từ thành thị cho đến thôn quê, người đông như kiến cỏ, mang hương hoa đến cúng dàng, ai nấy đều sa nước mắt.

Ông Thiên Đế Thích và ông Tỳ Thủ Yết Ma đem xe cõi trời xuống rước: Ngài đi trước, đi sau có bộ Thiên, bộ Long, quỷ thần, vua quan, dân dung, đến một nơi bình thản cao sạch. Vua Đế Thích sai các quỷ Dạ Xoa ra bờ biển lấy gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu về chất thành một đống, đổ dầu Tô phóng hỏa thiêu thi hài Tôn Giả.

Đốt xong mọi người bái tạ ra về. Chờ cho lửa tắt, ông Sa Di Quân Đề thu Xá Lợi của thầy và tấm áo Cà Sa đem về chốn Phật, bạch Phật rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Thầy con là Xá Lợi Phất đã nhập Niết Bàn, đây là Xá Lợi và áo bát, xin Thế Tôn chứng minh.

Thấy ông Quân Đề bạch xong cảm động quá! Tôi quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Ông Xá Lợi Phất với Phật Pháp là một đại tướng, vào Niết Bàn sớm quá, sau khi Ngài nhập diệt chúng con biết nương cậy vào đâu?

Phật dạy rằng: Tuy ông Xá Lợi Phất nhập Niết Bàn, song pháp thân và giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của ông đâu có nhập Niết Bàn, vì ông không nỡ nhìn thấy ta nhập Niết Bàn, nên ông nhập trước ta đấy thôi. Chẳng những đời nay như thế, đời quá khứ, ông cũng không đành lòng nhìn ta chết, ông còn tự chết trước ta.

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Đời quá khứ Tôn giả Xá Lợ Phất chết trước Ngài, việc đó thế nào, cúi xin nói cho chúng con và chúng sinh đời sau được rõ.

– A Nan ông nên biết! Đời quá khứ đã lâu lắm, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Chiên Đà Bà La Tỳ (Tàu dịch là Nguyệt Quang) thống lãnh tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám muôn ức tụ lạc, ông có hai muôn phu nhân và thể nữ, bà thứ nhứt tên là Tu Ma Đàn (Tàu dịch là Hoa Thị), một vạn quan đại thần, ông quan lớn nhất tên là Ma Chiên Đà (Tàu dịch là Đại Nguyệt), năm trăm Thái tử, người thứ nhất tên là Thi La Bạt Đà (Tàu dịch là Hiền Thọ).

Thành ấy ngang dọc bốn trăm do tuần, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê, bốn mặt có bốn trăm hai mươi cửa, đường sá thành phố trang nghiêm. Trong nước ấy có bốn hàng cây bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, cành vàng lá bạc, hoặc pha lê lá lưu ly. Những hồ ao bằng bốn thứ trân bảo, cát dưới lòng ao bằng bốn thứ bảo nói trên. Trong cung nhà vua chu vi bốn mươi dặm, làm thuần bằng vàng bạc, lưu ly, pha lê. Thời đó nước giàu dân mạnh, an vui sung sướng!

Một hôm vua ngồi trên bảo điện thốt nhiên nghĩ như vầy: Người ta ở trên đời tôn vinh hay phú quý, thiên hạ kính nể muốn gì được nấy cũng do quả báo tích đức tu thiện đời trước đem lại. Cũng ví như kẻ nôn phu, mùa Xuân mất công cày bừa gieo mạ cấy lúa, tới mùa Hạ, mùa Thu gặt hái được thóc gạo đem về ăn uống. Nếu mùa Xuân họ không mất công cày cấy, dĩ nhiên mùa Hạ, mùa Thu không gặt hái thu hoạch được.

Ta cũng thế, đời trước tu phúc lành, đời nay hưởng quả tốt, nếu bây giờ ta không tiếp tục tu theo, đời sau lấy gì an hưởng?

Nghĩ rồi bảo các quan đem tiền của ở trong kho ra bố thí, và sắc lệnh cho tám vạn bốn ngàn ông vua, cũng phải mở kho bố thí cho dân.

Khi đó các ông vua phải tuân theo mệnh lệnh, thông cáo cho toàn cõi biết.

Ngày phát chẩn nhân dân kéo nhau đến Kinh thành đông như kiến cỏ, kẻ mạnh cõng người yếu, kẻ sáng dắt người mù, ai nấy đều được nhà vua phân cấp tiền gạo, áo quần đầy đủ, từ đó muôn dân được an vui sung sướng. Danh đức lừng lẫy, tiếng khen đồn khắp bốn phương.

Thuở đó có một ông vua nước nhỏ ở bên cạnh, tên là Tỳ Ma Tư Na, thấy nhân dân ca tụng và cảm phục vua Nguyệt Quang, đem lòng ghen ghét, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ông thầm nghĩ như vầy:

– Nếu ta không dùng mưu tiêu diệt được Nguyệt Quang, có lẽ danh tiếng của ta không bao giờ hiển đạt! Nghĩ xong ông triệu tập các thầy Bà La Môn trong nước đến, cúng dàng ba tháng rất trịnh trọng, xong ba tháng ông nói với các vị rằng:

– Thưa quý giáo sĩ! Tôi có một việc đáng lo! Đến nỗi ngày quên ăn, đêm mất ngủ, quý Ngài có phương tiện gì giải quyết hộ?

Thầy Bà La Môn hỏi:

– Tâu Bệ Hạ! Có việc chi xin nói cho chúng tôi rõ, nếu giúp được chúng tôi xin hết sức.

– Thưa quý Ngài! Hiện nay vua Nguyệt Quang muôn phương mến phục, phúc đức lớn lao! Dĩ nhiên có sự lo lớn cho tôi sau này! Quý Ngài có thần phép gì tiêu diệt ông đó hộ?

– Tâu Bệ Hạ! Vua Nguyệt Quang là người có đức lớn, thương dân như con, dân coi vua như cha mẹ, chúng tôi nỡ đem tâm gì để mưu hại, thà chịu chết chứ không nỡ hại người hiền.

Nói xong mấy ông đều xin cáo thoái.

Vua Tỳ Ma Tư Na rất bực mình, liền hạ chiếu cho toàn quốc biết:

– Nếu ai lấy được đầu vua Nguyệt Quang tôi sẽ gả con gái, và phân nước cho một nửa để cai trị!

Khi đó có một người dòng Bà La Môn tên là Lao Độ Sai, ở núi Hiếp, đến xin đi lấy đầu vua Nguyệt Quang, nhà vua vui vẻ nói:

– Nếu khanh làm được việc này, ta sẽ giữ lời hứa và định đến hôm nào đi, xin cho biết.

Lao Độ Sai nói: – Xin khất Bệ Hạ bảy ngày nữa.

Nói xong từ tạ ra về, về nhà nhập thất bảy ngày, trì chú hộ thân.

Qua bảy ngày, đến cung vua, nhà vua cung cấp lương thực tiền lộ phí, khi bước ra đi cương quyết nói:

– Xin Bệ Hạ chớ lo! Tôi thề rằng: Nếu không lấy được đầu vua Nguyệt Quang, quyết không về, cam đoan thế nào cũng lấy cho bằng được!

Khi đó trong nước vua Nguyệt Quang có những điềm bất tường xuất hiện:

– Động đất.

– Chớp giật, tinh rơi, sấm động.

– Ban ngày sương khói kéo mờ mịt.

– Sao chổi mọc.

– Mưa đá, sét đánh tứ tung.

– Các loài chim kêu rất thảm thiết ở hư không, và nó tự nhổ lông cánh rơi đầy mặt đất.

– Hổ, Báo, Sài, Lang, tự đâm mình xuống hố, hoặc kêu gào thảm khốc.

– Tám vạn bốn ngàn ông vua nước nhỏ đều mộng thấy cành phướn vàng của nhà vua, bị gẫy, trống vàng vị thủng.

– Ông vua Đại Nguyệt mơ thấy quỷ lại cướp mũ vàng của vua mang đi.

Thấy điềm bất tường biến hiện, bá quan văn võ đều lo.

Khi đó ông thần coi thành biết Lao Độ Sai đến xin đầu vua. Ông hóa phép làm cho mơ màng không biết lối vào, cứ đi lẩn quẩn bên ngoài thành.

Ông trời Tịnh Cư thấy thế báo động cho nhà vua hay rằng:

– Bệ Hạ làm hạnh bố thí, hiện có người đến xin, đương ở bên ngoài thành mà không được vào.

Nhà vua thức dậy ngạc nhiên rồi gọi ông Đại Nguyệt vào:

– Ông ra ngoài cổng thành, cấm không được ai ngăn giữ người nào vào xin.

Đại Nguyệt ra cổng thành, nhìn ngơ ngác không thấy ai là người ngăn cấm cả. Khi đó ông thần coi thành hiện lên nói rằng:

– Thưa Đại Thần! Hiện có một người dòng Bà La Môn, ở nước khác đến xin đầu vua, vì thế nên tôi không cho vào.

– Nếu quả như vậy, là một tai hại lớn, xong vua đã ra lệnh chúng ta không được trái ý.

Theo lời ông Đại Nguyệt nói, nên ông thần tha cho Lao Độ Sai.

Đại Nguyệt thầm nghĩ rằng:

– Nếu kẻ này xin đầu vua, thì ta dự lấy năm trăm đầu bằng thất bảo, về đặt thợ làm.

Lao Độ Sai như người tỉnh giấc mơ, bước vào cung vua lớn tiếng nói:

– Tôi ở nơi xa nghe biết nhà vua làm hạnh bốt thí, ai muốn xin gì cũng cho, tôi tới đây xin một việc rất khó.

Nhà vua thấy người có vẻ ngỗ nghịch, ăn nói thô lỗ biết rằng kẻ này thử thách ta mừng thầm! Tự đứng dậy ra đón chào, và hỏi thăm từ đâu tới, và đi đường có đỡ mỏi mệt không, rồi hỏi:

– Ngài muốn dùng gì xin cứ nói, dầu khó khăn đến đâu, nếu có thể tôi xin biếu Ngài!

Lao Độ Sai nói: Ngài bố thí tiền, của, thức ăn, cho đến mọi vật, tuy có phúc báu nhưng chưa lớn bằng phúc bố thí vật trong thân mình. Vậy tôi chỉ xin cái đầu của nhà vua, có thể được xin cho biết?

Nhà vua nói: – Dạ! Xin vui lòng biếu Ngài một cách thành thực.

– Ngài cho tôi bây giờ, hay ngày nào?

– Dạ! Xin khất Đại Đức bảy ngày nữa.

Vừa lúc đó ông Đại Nguyệt đem năm trăm cái đầu thất bảo đến, đấm tay vào ngực nói với Lao Độ Sai rằng:

– Đầu vua bằng xương thịt, huyết máu hợp thành, hôi thối và là vật bất tịnh nhơ bẩn, bác xin làm chi? Bác lấy đầu thất bảo này mang về có thể sung sướng suốt đời.

– Thưa Ngài đầu thất bảo tôi cũng không thiếu, chỉ thiếu đầu vua mới đến đây.

Thấy Lao Độ Sai ương ngạnh quá, nói không vào, ông dịu giọng năn nỉ thì dỗ rất ngọt ngào. Song Lao Độ Sai quyết định không nghe.

Ông phẫn uất quá, quả tim nổ thành bảy miếng, chết liền trước mặt nhà vua.

Khi đó nhà vua và triều thần văn võ thương ông quá! Mọi người đều sa nước mắt! Và thu xếp làm lễ an táng cho ông.

Xong việc an táng cho ông Đại Nguyệt, nhà vua sai các quan cỡi voi đi tám ngàn dặm báo cáo cho trong nước biết rằng:

– Quốc dân nên biết, vua Nguyệt Quang thực hành bố thí, trước đây phân cấp cho nhân dân các món ăn dùng, bây giờ có tên Lao Độ Sai ở nước khác đến xin đầu, Ngài quyết định bố thí cho thành đại nguyện, vậy để quốc dân được rõ.

Được tin như vậy, ai cũng buồn, tám vạn bốn ngàn vua nước nhỏ, khi tới đủ đều tâu với vua rằng:

– Tâu Bệ Hạ! Tất cả Châu Diêm Phù Đề nhờ đức độ của Ngài được mưa hòa gió thuận, thái bình thịnh trị, cây cỏ xinh tươi, mùa màng lúa tốt, no nê sung sướng, thóc gạo ngon thơm, muôn dân an lạc. Tại sao Ngài vì một người mà không thường tất cả muôn phương?

Một vạn quan Đại thần đồng thanh nói:

– Xin Bệ Hạ miễn bỏ việc bố thí đầu, chưa từng thấy có sự quái lạ như vậy! Bây giờ Ngài nghe một kẻ khốn nạn, dở hơi để lũ chúng tôi buồn bực!

Hai muôn bà phu nhân và năm trăm Thái Tử, gieo mình xuống đất khóc lóc! Xin vua miễn bỏ việc bố thí đầu, nhưng nhà vua vẫn khoan hòa nét mặt an ủi nói:

– Xin các vương hầu khanh tướng, hãy bình tĩnh nghe tôi nói, con người vì kết buộc tình ân ái từ kiếp vô thủy, nên chịu ách sinh tử lâu dài, chưa thấy ai đã thực hành bỏ được, nhất là yêu tiếc bản thân. Xét rằng từ vô biên kiếp đến nay, sống chết đã bao đời không tả xiết, lúc ở trong địa ngục, một ngày bỏ thân vô số, chết trong nước sông phân, nằm sắt, ôm cột đồng, ngâm mình trong nước phân sôi, khi ngồi trên xe lửa, khi nằm dưới hố than. Còn nhiều địa ngục không kể, bị đau khổ vô cùng không nói hết, thì những thân ấy đã bỏ đi nhiều vô hạn lượng lại không có phúc báu gì.

Khi làm loài súc sinh bị loại người chém giết, thịt nát xương tan, thì những thân ấy toàn là vô phúc đọa lạc.

Khi làm loài quỷ đói, lửa trong mình phát ra, hoặc vòng dao lửa bay tới chém thân chặt đầu, chết đi sống lại vô số, những thân ấy đều không có phúc báu, nên bị đọa đày.

Khi ở nhân gian vì lòng tham giận tàn sát lẫn nhau, cũng do tài sắc kết buộc, những thân ấy bị chết rất nhiều, hoàn toàn không làm được một chút chi cho bản giác.

Hiện tại thân tôi đây toàn thị nhơ bẩn, rồi một ngày kia cũng bị tiêu không, tôi bỏ cái đầu nhơ uế xấu xa này, để đổi lấy pháp thân thường, lạc, ngã, tịnh, an vui vô cùng kiếp! Hơn nữa tôi còn có thể đem lợi ích cho toàn thể đời vị lại, phải nhìn xa, phải trông rộng, không cục hạn mặt cái thân hèn mọn bé nhỏ này, có lợi ích lớn như thế, can tôi làm chi. Tôi bố thí cái đầu này để cầu thành Phật, sau khi thành tôi sẽ độ thoát cho lũ các ông qua khỏi nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết, được an vui giải thoát đời đời, ngăn cản đạo tâm vô thượng của tôi làm chi?

Tất cả mọi người nghe nhà vua giảng thuyết vừa xong ai nấy đều phải nín thinh, không dám trả lời sao hết.

Nhà vua thấy quần chúng đã an tâm, ngoảnh bảo Lao Độ Sai rằng:

– Bây giờ ta cho nhà ngươi được tự do lấy đầu.

Lao Độ Sai đáp: – Tâu Bệ Hạ, hiện tôi có một mình, lực yếu thế cô, chung quanh vua quan dân chúng nhiều, nếu nhà vua có cho, xin ra hậu viên, nơi vắng, chỉ riêng một mình tôi với nhà vua mà thôi, thì mới dám chặt đầu.

Nhà vua tuyên bốt với đại chúng rằng:

– Tất cả các ông có yêu tôi! Kính tôi, xin chớ làm hại Lao Độ Sai.

Nói xong cùng Lao Độ Sai ra hậu viên.

Lao Độ Sai nói:

– Sức vua hùng tráng khỏa mạnh, cắt đầu đau đớn, lúc đó lại hối tiếc thì sao? Vậy nhà vua hãy lấy dây buộc cổ treo lên cành cây để tôi cắt cho dễ.

Nhà vua ngồi dưới gốc cây to lớn, lấy tóc buộc và thân cây nói rằng:

– Ông cắt đầu xong để lên trên bàn tay tôi, tôi dâng biếu ông.

Chắp tay kính cẩn nguyện rằng:

– Kính lạy thập phương tam thế Hùng Sư, nguyện công đức này không cầu làm Phạm Vương, Ma Vương, Đế Thích, Chuyển Luân Thánh Vương để vui sướng ở ba cõi, con xin cầu thành Phật, độ chúng sinh, đưa dắt muôn loài đến cõi Niết Bàn an lạc.

Lao Độ Sai vừa giơ dao lên chém, trên cây có ông Thụ Thần, chỉ ngón tay vào đầu làm cho Lao Độ Sai rời rụng chân tay vất dao xuống đất, mê mệt ngã quay lơ.

Nhà vua ngửa mặt bảo Thụ Thần rằng:

– Thụ Thần ông nên biết, từ đời quá khứ tới nay, dưới gốc cây này, tôi đã bố thí chín trăm chín mươi chín cái đầu, hôm nay bố thí cái nữa, là đủ ngàn. Đối với nguyện bố thí của tôi đã sắp được hoàn toàn, ông đừng làm rắc rối nữa, cản trở đạo tâm bố thí của tôi làm chi!

Ông Thụ Thần nghe vua nói xong, liền buông thả Lao Độ Sai được bình phục như cũ.

Thoát ách ông Thụ Thần làm ám ảnh, Lao Độ Sai đứng dậy múa dao chém ngang cổ vua một nhát rất mạnh, đầu rơi vào tay, nhà vua kính cẩn dâng lên biếu Lao Độ Sai.

Ngay giờ phút này, trời đất đều chấn động, các cung điện trên thiên cung nghiêng ngã, các ông thiên tử không biết điềm tướng gì, ngó cõi nhân gian, thấy một vị Bồ Tát vì chúng sinh bố thí đầu, đều bay xuống xem, cảm động quá! Rơi lệ như mưa, lại khen rằng:

– Bồ Tát, Ngài làm hạnh xuất tục siêu phàm, chưa từng ai dám cả gan làm hạnh bố thí được như Ngài, vô cùng tận chúng sinh đều phải thán phục, sự thực hành vô ngã tướng này.

Vua Tỳ Ma Tư Na sau khi hay tin Lao Độ Sai đã lấy được đầu trở về nước vui mừng quá! Vì sức vui lên cực độ nổ tim chết.

Lao Độ Sai xách đầu ra về, vua quan dân chúng, phu nhân Thái tử nhìn thấy đều lăn đùng ra đất, gảo khóc! Có người cảm thương quá thổ quyết chết! Có người đứng ngay đơ không biết gì, các bà dứt tóc ra từng mảnh, người xé quần xé áo, người cào mặt be bét, máu chảy đầm địa, lăn lộn trên mặt đất!

Lao Độ Sai đem đầu đi được mấy hôm, thấy hôi thối ghê tởm, vất xuống đạp lên trên mà đi, nhân dân thấy, họ la mắng dữ dội. Anh là kẻ bất lương, ác độc, không dùng xin làm chi, đi tới đâu họ cũng nguyền rủa chửi mắng, họ lại ngăn cấm không được ai cho ăn, nên anh chịu nhịn đói, nửa đường gặp người quen, anh hỏi thăm vua Tỳ Ma Tư Na họ đáp rằng: “Nhà vua mừng quá nổ tim chết”.

Lao Độ Sai buồn quá, vỡ tim chết liền. Hai người đều phải vào địa ngục A Tỳ Nê Lộ, còn những người vì thương vua mà chết, nên được sinh thiên.

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông nên biết vua Nguyệt Quang thuở đó chính là tiền thân của ta, vua Tỳ Ma Tư Na nay là Ma Ba Tuần, Lao Độ Sai nay là ông Điều Đạt, ông Thụ Thần nay là ông Mục Kiền Liên, ông quan Đại Nguyệt nay là ông Xá Lợi Phất. Thời bấy giờ ông không nỡ thấy ta chết, mà ông tự chết trước, cho đến ngày nay ông cũng không nỡ nhìn thấy ta vào Niết Bàn mà ông nhập trước đấy thôi.

Tôi cùng tất cả đại chúng nghe Ngài nói xong, vừa thương Phật vừa cảm tấm lòng nhiệt thành của ông Xá Lợi Phất, có thủy chung với Phật, đồng thanh tán thán công đức rất nhiều, ai nấy đều phát tâm hiếu kính, nên có người đắc sơ quả, đến tứ quả, có người phát tâm vô thượng, tạ lễ mà lui.