Kinh

Trương Văn Chiến 51

Tôi nghe thế nầy: Một thời Phật ở trong thành Vương Xá, vườn Cấp-Cô-Độc, cây của Kỳ-Đà, cùng các tăng già, có trên hai vạn, linh tám nghìn người, cùng chư Bồ-Tát.

Bấy giờ Thế-Tôn, cùng với Đại-chúng, nhân buổi nhàn du, đi về phía nam, thấy đống xương khô, chất cao như núi, Đức Phật Thế-Tôn, liền xụp lạy ngay, đống xương khô ấy.

Tôi bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế-Tôn, ngài ở trên ngôi, chí Tôn, chí Quý, Thầy cả ba cõi, Cha lành bốn loài, thiên thượng nhân gian, thẩy đều tôn kính, sao ngài lại lễ, đống xương khô kia

Nầy A-Nan ơi! Ngươi tuy xuất-gia, theo ta tu học, trong bấy nhiêu lâu, những sự thấy nghe, đã rộng rãi đâu, đống xương khô ấy, hoặc là ông bà, hay là cha mẹ, thân trước của ta, ngàn muôn ức kiếp, đời đã cách xa, bởi thế ta nay, chí thành kính lễ. Ngươi đem xương này, chia làm hai phần, một là đàn ông, hai là đàn bà, phân biệt cho ta.

Bạch Đức Thế-Tôn, con xem ở đời, phàm là con trai, mang đai hia mũ, ai cũng nhận ra, đấy là Nam giới, những người con gái, hương hoa phấn sáp, kiềng xuyến nhẫn hoa, ai cũng nhận ra đó là con gái. Nay người đã chết, xương trắng một mầu, chúng con biết đâu mà phân biệt được.

2
Đây là lời Phật: Này A-Nan con, về bên Nam giới, trong lúc bình sinh, thường thường lui tới, những chốn chùa chiền, nhờ có nhân duyên, nghe Kinh lễ Phật, kính mến Tăng già, nợ trần đã qua, hồn về cõi Phật, bao nhiêu xương trắng, nhắc thấy nặng hơn, là xương nam giới, còn như con gái, trong lúc bình sinh, nhiều lần sinh nở, nuôi nấng con thơ, tổn bao khí huyết, mỗi một kỳ sinh, máu đặc trong mình, chảy ra sáu đấu, mỗi người con bú, tám thùng bốn đấu, sữa ở trong mình, giảm mất tinh-anh, cho nên xương nhẹ và có sắc đen.

Tôi nghe Phật nói, thương xót vô cùng, như dao cắt ruột; nước mắt chứa chan, hai hàng châu lệ, mà bạch Phật rằng:

Lạy đức Thế-Tôn, công ơn cha mẹ, như Non như Bể, thăm thẳm nghìn trùng, lấy gì báo đáp, cúi xin Đức Phật, rủ lòng thương sót, dạy bảo cho hay.

Nầy A-Nan ngươi, về ân đức mẹ, trong vòng mười tháng, đi lại nặng-nề, cưu mang nhọc mệt, khổ không kể xiết.!

– Khi vừa một tháng, ở trong thai mẹ, khác gì hạt sương, dính trên ngọn cỏ, sớm còn tụ đọng, trưa đã tiêu tan, khó lòng giữ được.

– Khi được hai tháng, ở trong thai mẹ, hình như sữa đặc, đã chắc gì đâu.

– Khi được ba tháng, ở trong thai mẹ, ví như cục máu, đông đặc đỏ ngầu, vô tri vô giác.

– Khi được bốn tháng, ở trong thai mẹ, mới dạng hình người.

– Khi được năm tháng, ở trong thai mẹ, mới đủ năm hình, chân tay đầu óc.

– Khi được sáu tháng, ở trong thai mẹ. Sáu căn mới đủ, mắt tai mũi lưỡi, thân hình và ý.

– Khi được bảy tháng, ở trong thai mẹ, mới sinh đầy đủ, ba trăm sáu mươi, những cái đốt xương, cùng là tám vạn, bốn ngàn chân lông.

– Khi được tám tháng, ở trong thai mẹ; phủ tạng mới sinh, ý chí mới đủ, chín khiếu mới thông.

– Khi được chín tháng, ở trong thai mẹ, mới đủ hình người, ngồi trong bụng mẹ, khát uống nguyên khí, không ăn hoa quả, cùng là ngũ cốc, sinh tạng rủ xuống, thục tạng hướng lên, có một giãy núi gồm có ba quả; một là Tu Di, hai là núi nghiệp, ba là núi máu, núi nầy đồng thời, hóa ra dòng máu, rót vào trong miệng.

— Trong thai mẹ, trong vòng mười tháng, trăm phần toàn vẹn, mới đến ngày sinh, nếu là con hiếu, chắp tay thu hình thuận lối mà ra, không đau lòng mẹ, nếu là con bạc, giẫy dụa bãi bơi, khiến đau lòng mẹ; buốt chói từng hồi, như đâm như xỉa, như cấu như cào, như nghìn mũi dao, đâm vào gan ruột, đau đớn vô cùng, nói sao cho xiết, sinh được thân nầy, mừng thay vui thay, yêu thay dấu thay!

Phật bảo A-Nan: Công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con, phải lo báo hiếu. Những gì là mười?

Nhớ ơn Mẹ ta, chín tháng mười ngày, cưu mang nặng nhọc.

Nhớ ơn khi Mẹ sinh nở, đau đớn vô cùng.

Nhớ ơn khi Mẹ sinh nở, quên cả lo âu.

Nhớ ơn Mẹ ăn miếng đắng, Mẹ nhả miếng ngọt, dành dụm cho con.

Nhớ ơn chỗ ướt Mẹ nằm, chỗ ráo sê con.

Nhớ ơn ba năm bú mớm, nuôi nấng thuốc thang, trong khi sài đẹn.

Nhớ ơn giặt dũ hong phơi, áo quần dơ-dáy, ô uế tanh hôi, Mẹ đành cam chịu.

Nhớ ơn khi Mẹ đi đâu, vì thương nhớ con, trong lòng cầy cậy , một chút chẳng ngơi.

Nhớ công ơn Mẹ, vì sinh nuôi con, mà Mẹ cam lòng, tạo bao ác nghiệp.

Nhớ ơn lòng Mẹ thương con, trọn đời yêu dấu không chút nào ngơi.

Đệ Nhất Ân

Chín Tháng Mười Ngày
Cưu Mang Nặng Nhọc
Bao kiếp, duyên cùng nợ;
Ngày nay mới vào thai,
Đầy tháng sinh phủ tạng;
Bảy bảy sáu tinh khai,
Thân trọng như, non Thái,
Động tĩnh, sợ phong-tai,
Áo the, đành sốc sếch,
Gương sáng biếng, trang đài.

Đệ Nhị Ân – Khi Gần Sanh Nở

Khi gần ngày sinh nở
Nặng nhọc, khổ vô cùng,
Cưu mang trong mười tháng
Sinh nở, sắp đến ngày,
Đứng ngồi, coi nặng nhọc;
Dáng vẻ, tựa ngô ngây,
Sợ hãi, lo, cùng lắng;
Tử sinh, giờ phút này!

Đệ Tam Ân – Sinh Nở

Mẹ ta, khi sinh nở,
Thân thể, đều mở toang!
Tâm hồn, như mê mẩn,
Máu me, chan hòa đầy,
Chờ nghe, thấy con khóc;
Lòng Mẹ, mừng rỡ thay!
Đương mừng, lo lại đến!
Rầu rĩ, ruột gan này.

Đệ Tứ Ân – Ăn Đắng Nhả Ngọt

Mẹ ta, lòng thành thực,
Thương con, chẳng chút ngơi,
Nhả ngọt, nào có tiếc!
Ăn đắng nói cùng ai?
Yêu dấu như vàng ngọc.
Nâng niu, tay chẳng rời
Những mong, con no ấm;
Mẹ đói, rách cũng vui,

Đệ Ngũ Ân – Chịu Ướt Nhường Khô

Tự mình nằm chỗ ướt,
Chỗ ráo để sê con,
Hai vú, phòng đói khát;
Hai tay, ủ gió sương.
Thâu đêm, nằm chẳng ngủ;
Nâng niu, tựa ngọc vàng!
Những mong, con vui vẻ:
Lòng Mẹ mới được yên.

Đệ Lục Ân – Bú Mớm Nuôi Nấng

Đức Mẹ dầy như đất:
Công cha thẳm tựa trời,
Chở che coi bình đẳng;
Trời Đất cũng thế thôi!
Chẳng quản câm mù điếc!
Chẳng hiềm quắp, chân tay!
Bởi vì con ruột đẻ;
Trọn đời dạ chẳng khây.

Đệ Thất Ân – Tắm Gội Giặt Giũ

Vốn người có nhan sắc;
Lại thêm phấn sáp xông,
Mày xanh như liễu lục;
Má đỏ tựa sen hồng,
Giặt giũ khăn cùng tã;
Dơ giáy chẳng quản công,
Cốt sao quần áo sạch;
Búi tóc gọn là xong.

Đệ Bát Ân – Đi Xa Lòng Mẹ Thương Nhớ

Từ biệt lòng khôn nhẫn;
Sinh-ly dạ đáng thương,
Con đi đường xa cách;
Mẹ ở chốn tha hương,
Ngày đêm thường tưởng nhớ;
Sớm tối vẫn vấn vương,
Như vượn thương con đỏ,
Khúc khúc đoạn can tràng! ….

Đệ Cửu Ân – Vì Sinh Con Mà Mẹ Cam Lòng Tạo Bao Ác Nghiệp

Mẹ trải bao gian khổ,
Công lao tựa vực trời,
Bồng bế cùng nuôi nấng;
Mong sao con ăn chơi,
Nhường cơm cùng sẻ áo;
Mẹ đói rách cũng vui!
Khôn lớn tìm đôi lứa;
Gây dựng cho nên người.

Đệ Thập Ân – Mẹ Trọn Đời Thương Yêu Con

Công Cha cùng đức Mẹ;
Cao sâu tực vực trời!
Mẹ già hơn trăm tuổi,
Vẫn thương con tám mươi!
Bao giờ ân oán hết?
Tắt nghỉ cũng chẳng thôi!
Nằm ngồi đi và đứng
Săn sóc lòng không ngơi.

Phật bảo A-Nan: Ta xem chúng sinh dẫu được làm người, lòng còn ngu muội, chẳng nghĩ Mẹ Cha công đức kể ra như non như bể, chẳng cung chẳng kính, chẳng hiếu chẳng từ, mẹ mang thai con trong vòng mười tháng, ngồi đứng không yên như mang gánh nặng, ăn uống chẳng ngon như người mang bệnh, ngày tháng thoi đưa, đến khi sinh nở chịu khổ mọi đường, phút giây hay dở kinh sợ vô thường, như giết trâu dê máu me lai láng, còn nhiều khổ nữa mới được thân này, ăn dắng nuốt cay nhả bùi nhả ngọt, nâng niu dưỡng dục, giặt dũ dáy dơ không hề gian khổ, bức bối nồng nàn, rét mướt cơ hàn lầm than tân khổ, mẹ nằm chỗ ướt chỗ ráo sê con, ba năm bú mớm, bồng bế nâng niu, dạy bảo đủ điều lễ nghi phép tắc, cho ăn đi học tìm đủ mọi nghề, đưa đón đi về cần lao chăm chút chẳng kể gì công.

Trái nắng dở trời, tuần trăng cuối gió, bệnh nọ chứng kia, bông hoa sài đẹn, thang thuốc đâu đâu, một mình lo lắng, chạy ngược chạy xuôi năm canh vò võ, bệnh con có khỏi lòng mẹ mới yên, mong con lớn lên, con thảo con hiền để mà trông cậy.

Không ngờ ngày nay hóa con bất hiếu, mẹ già cha yếu con chẳng đỡ đần, cãi trả song thân nói năng cắn cẩu, dương đôi mắt chẫu khinh rẻ mẹ cha, chú bác ông bà, cô gì chẳng nể, anh em cũng kệ đánh lộn xẩy ra ô nhục, nước nhà, bất trung bất nghĩa, bất hiếu bất lương, phép nước coi thường mẹ cha cũng kệ, xóm giềng chẳng nể chửi bới nhau luôn, sớm tối ra vào chẳng thưa chẳng gửi, nói năng càn dở, tự ý làm bừa, cha mẹ cũng thừa thầy trên cũng mặc!

Bé thì ai chấp; người những nâng niu, dần dần khôn lớn, gai ngạnh mọi điều chẳng hòa chẳng thuận, thường hay sân hận bỏ cả bạn lành, giao du bạn ác tập thói sa hoa, chơi khắp gần xa thất thường điên dở, bị kẻ dỗ dành mất cả thanh danh, bỏ làng trốn mất trái ý mẹ cha, ly biệt quê nhà, chẳng nhìn quê quán, hoặc vì buôn bán hoặc bởi tòng quân, tiêm nhiễm dần dần trở nên lưu luyến, vợ nọ con kia chẳng thiết đi về quê hương bản quán, ở đất nước người lại hay dong chơi bị người lừa gạt tai vạ liên miên, Pháp luật gia đình tù lao cấm cố, cực khổ mọi điều, chẳng may yếu đau chứng kia tật nọ, ở chốn tha hương, ai kẻ thích thân, ai người thang thuốc, mẹ cha cách biệt, thân thích biết đâu, cam chịu u-sầu quê người dất khách; khốn khổ gầy còm không người trông nom, bị người khinh rẻ lang thang đường ngõ, vì thế chết đi, không người mai táng, trương phềnh thối nát giãi nắng dầu mưa, hài cốt bãi bừa chó cầy nhai sé !

Mẹ cha thân thuộc khi được tin buồn, luống những đau thương ruột đau như dao cắt, hai hành nước mắt lã chã chứa chan, hoặc vì quá thương kết thành bệnh khí, hoặc là đến chết làm quỷ ôm thây, chẳng để cho ai, khư khư giữ mãi.

Hoặc là vì con chẳng chăm học tập, chỉ mãi rong chơi nay đây mai đó, cùng bạn vô loài làm điều vô ích, giao du trộm cắp chẳng sợ lệ làng, chè rượu nghênh ngang đánh cờ đánh bạc, gian tham tội ác lụy đến tôn thân, nay Sở mai Tần, lên đồn xuống Phủ, mẹ cha ủ rũ khốn khổ vì con.

Nào con có biết cha mẹ khổ đau, trăm não nghìn sầu mùa Thu mùa Đông rét run bức bối, chẳng nhìn sớm tối ấp lạnh quạt nồng, chẳng viếng chẳng thăm, chẳng hầu chẳng hạ, mẹ cha già cả hình vóc gầy còm, hổ mặt người nom, dầy vò mắng nhiếc, mẹ cha hoặc góa trơ trọi một mình, luống nhũng buồn tênh như người ngủ trọ, chiếc gối một phòng năm canh vò võ, mùa đông sương gió rét mướt cơ hàn, trai gái các con nào ai hỏi đến, đêm ngày thương khóc tự thán tự thương !

Khi đem thức ăn dâng lên cha mẹ, thì lại giữ kẽ rằng ngượng rằng e, sợ kẻ cười chê; ví đem quà bánh cho vợ cho con, mặt dạn mày dầy không hề xấu hổ, vợ con dặn bảo phải đúng như lời, cha mẹ hết hơi không hề hối cải.

Đây là con gái khi chưa gả chồng, hãy còn ở chung tỏ ra hiếu thảo; khi đã gả bán về ở nhà người, một ngày một lười thiết gì cha mẹ, những ngày dỗ tết có đảo về qua, ví dù mẹ cha có gì sơ ý, liền sinh giận dữ tỏ vẻ oán hờn, chồng chửi nhơn nhơn đành cam lòng chịu, khác họ khác hàng tình nghĩa keo sơn hóa ra thâm trọng, mẹ cha máu mủ thì lại sơ tình.

Hoặc đi theo chồng quê người đất khách, quận nọ tỉnh kia cha mẹ xa lìa làng không tưởng nhớ, chẳng viếng chẳng thăm, thư tín cũng không, tuyệt không tin tức, cha mẹ thương nhớ rầu rĩ ruột gan luống những bàng hoàng, sớm chiều mong mỏi, công đức cha mẹ vô lượng vô biên, con chẳng hiếu hiền ở đời cũng lắm.

Khi ấy Đại chúng nghe Phật nói ra công đức mẹ cha cao tầy non thái, đều cùng đứng dậy hoặc tự gieo mình đập đầu lăn khóc, máu me trào rạt lai láng cả nhà, chết ngất cả ra hồi lâu mới tỉnh, mà nói lời này khổ thay khổ thay! Đau lòng đứt ruột, lũ con ngày nay tội ác ngập đầu, xưa có biết đâu, mờ như đêm tối, ngày nay biết hốii thì sự đã rồi, đau đớn lòng tôi chót là bội bạc, cúi xin chư Phật soi xét kẻ phàm, phóng ngọc hào quang ra tay cứu vớt, làm sao báo được ân đức mẹ cha.

Phật liền nói ra đủ đầy tám giọng bảo đại chúng rằng:

Một – Ví có kẻ nào, hai vai kiệu cõng, cha mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới bể, hai vai nặng trễ, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được công đức mẹ cha, kể trong muôn một.

Hai – Ví lại có người, gặp khi đói kém, cắt hết thịt mình, cung nuôi cha mẹ, khỏi lúc nguy nàn, riêng mình cam chịu, thịt nát xương tan, trăm nghìn muôn kiếp, để báo thâm ân, chẳng được một phần kể trong muôn một.

Ba – Ví lại có người, trải trăm nghìn kiếp, tự tay cầm dao, khoét đôi mắt mình, luyện làm thang thuốc, chữa bệnh mẹ cha, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Bốn – Ví lại có người, trải trăm nghìn kiếp, đều tự tay mình cầm dao cắt ruột, móc lấy tim gan, luyện làm thang thuốc, chữa bệnh mẹ cha, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Năm – Ví lại có người, trải trăm nghìn kiếp, vì tội mẹ cha, trăm nghìn vòng dao, băm vằm thân thể, thịt nát xương tan, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Sáu – Ví lại có người, trải trăm nghìn kiếp, vì báo ơn mẹ, lấy mình đốt lên, làm cây đèn thịt, cúng dường chư Phật, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Bảy – Ví lại có người, trải trăm nghìn kiếp, vì bệnh mẹ cha, đập xương lấy tủy để làm thang thuốc, chữa bệnh mẹ cha, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Tám – Ví lại có người, vì cứu mẹ cha trải trăm nghìn kiếp, nuốt viên sắt nóng, cháy xém cả mình, như thế cũng là chưa trả được ân, kể trong muôn một.

Bảy giờ trong Đại húng nghe Phật nói rồi, trong dạ bồi hôà ruột đau như cắt, hai hàng nước mắt tầm tã như mưa mà bạch Phật rằng: Con muốn đền ơn công đức mẹ cha, cúi xin Phật đà, rủ lòng chỉ bảo.

Đức Phật liền bảo cặn kẽ mọi lời:

Này chúng sinh ơi, muốn đền ơn mẹ,

Nhất là một nhẽ nên chép kinh này, kính biếu gần xa cho nhiều người tụng.

Hai vì mẹ cha đọc tụng kinh này chuyên cần chớ đoạn.

Ba vì mẹ cha sám hối làm chay.

Bốn vì mẹ cha cúng dàng Tam-Bảo tùy ý sở dùng.

Năm vì mẹ cha trong sáu ngày trai phải nên nhớ giữ.

Sáu vì mẹ cha thường hay bố thí làm mọi việc lành.

Làm được như thế thực là con hiếu, cứu được mẹ cha siêu thăng Cực-Lạc phúc đẳng Hà-sa.

Phật bảo A-Nan: — trên thế gian, những người bất hiếu sau hết duyên trần, nguyên cái xác thân chôn vùi dưới đất; còn phần Linh-giác là cái chân thân, phải vào Địa-ngục, chính ngục A-Tỳ vuông rộng tứ vi tám ngàn cây số, bốn mặt lại có tường sắt tường đồng, lửa cháy tứ tung toàn dây thép điện, thường có lửa bén cháy đỏ hồng hồng, bốc cháy tứ tung thấy mà kinh sợ; hơn như thế nữa sấm chớp đùng đùng, chó sắt rắn đồng phun ra khói lửa, đốt cháy tội nhân, lại còn nước đồng, đun sôi sùng-sục, rót ngay vào miệng những kẻ tội nhân, vì tội bất hiếu, cãi trả mẹ cha, cam chịu cực hình, ở trong ngục ấy, gươm dao sào gậy đâm chém suốt ngày, như hạt mưa bay trên không rơi xuống, trải trăm nghìn kiếp không phút nào nguôi, hết hạn ấy rồi lại vào ngục khác.

Đầu đội chậu máu, xe sắt nghiền thây, mình mẩy chân tay, đập dừ tan nát, một ngày phải chết, tới nghìn vạn lần, khổ sở gian truân, vì chứng bất hiếu.

Phật lại dạy rằng: Ví có Thiện-nam hay là Tín-nữ, thực là hiếu tử trả nghĩa mẹ cha, in kinh này ra biếu cho người tụng, in được một quyển được một Đức Phật, in được mười quyển được mười Đức Phật, in được trăm quyển được trăm Đức Phật, in được ngàn quyển được ngàn Đức Phật, in được muôn quyển được muôn Đức Phật, phù hộ độ trì, lại tiếp hồn đi về phương Cực-Lạc, đấy là lời Phật chớ có coi thường, Địa-ngục vấn vương khó lòng thoát khỏi!

Bấy giờ A-Nan cùng chư Đại-chúng, Trời, Rồng, Quỷ, Dạ-Xoa La-Sát, người cùng phi-nhân, được nghe Phật nói đều phát nguyện rằng:Chúng con tận tâm chí thành chí kính dù trăm nghìn kiếp, thịt ná

t xương tan nhỏ như vi trần, cũng chẳng dám quên lời chư Phật dạy. Thà rằng lấy kìm cặp lưỡi rút ra dài trăm do tuần cho trâu sắt cày, máu chẩy chan hòa thành sông thành suối, con thề chẳng trái lời chư Phật dạy răn.

Chúng con thề rằng: Thà lấy trăm nghìn vòng dao giáo mác, đâm chém thân này nhỏ như vi trần, cũng chẳng dám quên lời chư Phật dạy.

Chúng con thề rằng: Thà lấy lưới sắt quấn chặt vào thân trăm nghìn muôn kiếp, chẳng tháo được ra, cực khổ vô cùng, cũng chẳng dám quên lời chư Phật dạy.

Chúng con thề rằng: Thà đâm thà chém, thà mổ thà sả, thà say thà giã nhỏ như vi trần, đem cái xác thân làm nghìn muôn thứ, nào da nào thịt, nào gân nào xương, rơi rác ngoài đường, trong nhà ngoài ngõ, trải trăm nghìn kiếp chịu khổ như thế cũng chẳng dám quên lời chư Phật dạy.

Khi ấy A-Nan liền bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế-Tôn, đây là Kinh gì lũ chúng con đây đều muốn tụng trì có được hay chăng?

Đức Phật dạy rằng: chúng con nên biết Kinh này là Kinh Đại-Báo Phụ-Mẫu Trọng-Ân, tất cả chúng sinh thẩy đều nên tụng. Khi ấy Đại chúng nghe Phật nói rồi tin Kính phụng-hành, lễ tạ mà lui ….

Sách liên quan

Gioi thieu Kinh Duy Ma Cat

Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật

Vaisâli (Tỳ-da-li), thủ phủ của Vajji (Bạt-kỳ), một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji,...
Kinh Bat Nha Luoc Giang

Kinh Bát Nhã Lược Giảng

Giới thiệu & Giảng giải kinh điển Kinh Bát Nhã Lược Giảng HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA LƯỢC GIẢNG Tỳ Kheo...
Kinh Duy Ma Cat Giang Luan

Kinh Duy Ma Cật Giảng Luận

Kính thưa quý vị độc giả, Bộ Kinh Duy Ma Cật đã được nhiều người dịch ra Việt Văn, nhưng...
Kinh Thu Lang Nghiem Truc Chi De Cuong

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

LỜI NÓI ĐẦU Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa. Từ xưa...
Tong quan kinh Dai Bat Niet ban

Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn

I.ĐÔI DÒNG DẪN NHẬP Toàn bộ kinh Đại Bát Niết-bàn dày hơn 4500 trang, riêng phần Việt dịch chiếm gần...