Lịch sử Ðức Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna)

Lịch sử Ðức Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna)

Đỗ Quang Huy 48
  1. Thời niên thiếu

Trong một ngôi làng nhỏ, gần thủ đô vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha, nay thuộc tiểu bang Bihar Ấn Ðộ), thuở xưa có một đứa bé chào đời, đặt tên là Kolita Moggallàna. Ðứa bé ấy sau này là Ðại đức Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna).

Kolita Moggallàna thuộc giòng giõi Mudgala, tức là “Thiên văn gia”. Theo ngữ căn thì danh từ Moggalàna phát nguồn từ chữ Mudgala (một giòng giõi chuyên nghiên cứu Thiên Văn học rất cổ).

Ngôi làng của Kolita không đông dân nghèo ở, mà hầu như chỉ dành cho những đại tộc Bà La Môn cư ngụ. Thân sinh Kolita vốn là con một họ giòng danh giá, và đa số các chức sắc cao cấp trong làng thuộc giòng họ này.

Là công tử xuất thân từ một giai cấp “Cao quý” và thuộc giòng giõi mỗi người tôn kính, phụ thân của Kolita thuở ấy chẳng khác nào Tiểu vương.

Bởi thế Kolita lớn lên trong một khung cảnh sang trọng không thiếu thốn bất cứ món gì. Cậu bé ấy Kolita đã giáo dục hoàn toàn theo truyền thống Bà La Môn giáo, một truyền thống căn cứ vào luật Nhân Quả, dựa trên tất cả những hành động. Dĩ nhiên là truyền thống giáo dục ấy đề cao sự tin tưởng có một đời sống này phải tùy thuộc vào những nghi lễ cúng bái hằng ngày.

Gia đình Kolita có một mối thâm giao đặc biệt với một gia đình Bà La Môn khác ở ngôi làng bên cạnh. Vào ngày Kolita chào đời, gia đình Bà La Môn kia cũng đón mừng sự đản sanh một đứa bé trai khác đặt tên là Upatissa (sau này là Ngài Xá Lợi Phất).

Cả hai cậu bé lúc khôn lớn đã trở thành đôi bạn rất thân, không ai có thể tách rời chúng được. Làm bất cứ việc gì, cả hai cũng đồng tình với nhau, khi chơi đùa cũng như khi buồn chán. Người ta thấy cậu bé Kolita ở đâu là cũng thấy cậu bé Upatissa ở đó. Tình bạn của đôi thiếu niên kia không những chỉ bền chắc thuở thiếu thời, mà còn kéo dài đến trọn đời, khi cả hai ngoài tám mươi tuổi.

Ðặc điểm là đôi bạn ấy chẳng bao giờ bất dồng ý kiến, cũng chẳng bao giờ có một sự hiềm khích dù là nhỏ nhất, ngay cả trong trường hợp gặp chuyện khó xử hay bất bình.

Tuy nhiên, tính tình hai cậu bé khác hẳn nhau. Trong khi Upatissa là một người xông xáo, mạnh dạn và tháo vát, thì Kolita lại là một thanh niên rất bảo thủ, và chỉ biết gìn giữ, phát triển những gì đã có. Vả lại, vị trí của đôi bạn trẻ trong gia đình cũng hoàn toàn chêch lệch. Kolita là con cả và cũng là con một, thì Upatissa lại có ba người anh và ba người chị. Nhưng tình bạn đôi thanh niên này rất sâu đậm đến độ mà cả hai dường như không nghĩ đến nữ giới, mặc dù với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống và không thiếu hụt một món gì.

Mỗi thanh niên có một số thuộc hạ để tùy tùng vui chơi, học hỏi và rèn luyện thể xác cũng như tinh thần. Khi thưởng ngoạn và thể thao trên những dòng sông thì nhóm Kolita cỡi ngựa, và nhóm Upatissa dùng kiệu. Nghĩa là hai thanh niên ấy, cũng không tránh khỏi cái thời thanh niên đắm chìm trong sang giàu và nhựa sống.

Tại Vương Xá thành (Rajgaha), thủ đô xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha) hằng năm có một kỳ hội rất linh đình, gọi là “Hội Sơn Thần” (trước tế lễ thần núi, sau để dân chúng có một dịp liên hoan vui thú). Dĩ nhiên đôi thanh niên công tử này cũng được mời tham dự.

Ban tổ chức đã dành cho họ ghế ngồi danh dự, từ đó Kolita và Upatissa có thể mục kích dễ dàng toàn bộ khung cảnh trình diễn. Ðôi thanh niên đã cười vang trước các màn thích thú và cũng khích động trước những hồi gay cấn. Khả năng diễn xuất của các tài tử quả đã làm cho cả hai say mê, say mê đến độ mà họ nhận lời đến thưởng thức tiếp ngày hội chợ thứ ba. Nhưng trong ngày sau này, khi văn nghệ bỗng chuyển sang những bi kịch Tử Biệt Sinh Ly giữa cuộc đời và huyền thoại cứu rỗi, đôi bạn bất thần không tìm thấy cao điểm lý thú nữa. Mặc dù đã nghe xướng ngôn viên hùng hồn tuyên bố chương trình hấp dẫn của ngày thứ ba, họ vẫn không cảm thấy thú vị.

Và trong đêm thứ hai ấy, đôi bạn Kolita và Upatissa đã trằn trọc không an giấc. Những hình ảnh trong hai ngày qua cứ ám ảnh đôi thanh niên. Trong khi thao thức, Kolita đã suy nghĩ: “Các cảnh tưởng mà ta đã nhìn thấy ở hội chợ sẽ cho ta bài học gì? Có gì xứng đáng hơn để cho ta ngồi xem không? Cứ tiêu khiển như thế, ta sẽ thu thập lợi ích nào hay chỉ trong một thời gian nữa, chính những tài tử đầy quyến rũ kia sẽ già yếu. Họ sẽ trở thành chính những nhân vật trong bi kịch mà họ đã đóng. Rồi cái chết sẽ bắt họ từ giã cõi đời,và tiếp tục cuộc hành trình sanh diệt bất tận do lòng khát vọng của họ chủ động? Rồi chúng ta cũng thế! Những tài tử này không giúp nổi chính họ giải quyết vấn đề sinh tử thì hòng gì họ có thể thức tỉnh được ai tìm ra con đường giải thoát? Xem thế, chúng ta phí uổng thời gian mà thôi, thay vì phải tìm ra con đường giải thoát!”.

Upatissa cũng thế, sau ngày hội chợ thứ hai về, đêm ấy chàng không tài nào nhắm mắt được. Những ý tưởng tương tự như Kolita cũng đến với chàng. Upatissa suy tư rất nhiều về những bí ẩn và huyền thoại được mô tả trong bi kịch có liên quan đến cái thực tế tái sanh (Luân hồi) và những thú vui giả tạo luôn luôn che kín bản chất khổ đau bằng cách ngụy trang cho cuộc đời hiện tại một cái gì kích thích người ta hưởng thụ hơn là quan tâm đến tương lai, đến một kiếp sống khác. Upatissa tự đặt câu hỏi: “Phải chăng sự vui thú giả tạo này là nguyên nhân làm cho mọi người không nhận ra ảo ảnh và tăm tối trước sự thật?”.

Vào sáng ngày thứ ba, khi cả hai đến dự cuộc lễ Kolita liền hỏi Upatissa :

– Bạn chắc có điều gì bận tâm? Sao bạn không vui vẻ như trước?

Upatissa thành thật trả lời:

– Tôi tự hỏi các khoái lạc trong âm thanh và cảnh sắc này có ích lợi gì? Những thứ ấy quả thật vô nghĩa và không giá trị. Ðiều đáng để tôi phải làm là cần tìm kiếm một con đường giải thoát, giải thoát khỏi sự tàn phá khắc nghiệt của luật Vô thường, tìm kiếm một cách thoát ly khỏi những tin tưởng không thật về sự sống, một thứ thử nghiệm đầy một giả tạo, mà ai trở thành nạn nhân sẽ rơi vào trong hố sâu thăm thẳm, hay đi mãi trên một vòng tròn vô nghĩa? Ấy chính là điều đã lởn vởn trong đầu óc tôi và bắt tô phải suy nghĩ! Nhưng còn bạn, này Kolita! Bạn rõ ràng cũng đang tư duy môt cái gì khác chứ không còn vui vẻ?

Kolita trả lời:

– Những điều bạn vừa bày tỏ cũng chính là tâm sự của tôi! Tại sao chúng ta phải ngồi đây để chứng kiến những cảnh tượng bất lành giả tạo?. Chúng ta phải tìm kiếm một con đường dẫn đến sự thanh khiết, bình an!

Khi Upatissa nghe rõ sự thố lộ mối băn khoăn của người bạn thân, chàng rất vui mừng liền tán thành:

– Ðây là một ý nghĩ rất tốt đẹp đã phát sanh đến chúng ta một cách tự nhiên, không có thành kiến nào chi phối cả! Vậy thay vì chúng ta uổng phí một đời để ràng buộc với những hưởng thụ vô ích, chúng ta thử dốc lòng tìm kiếm một giáo lý giúp chúng ta tìm ra con đường giải thoát. Và để thực hiện, chúng ta phải từ bỏ nhà cửa và của cải trở thành kẻ vô gia đình, đi hành hương khắp bốn phương trời, không để những khoái lạc vật chất ràng buộc, tự do thảnh thơi tìm Ðạo, như con chim ngàn cất cánh!

Kể từ đó đôi thanh niên quyết định sống một cuộc sống đời làm đạo sĩ (Giống như ngày nay chúng ta thấy một số tu sĩ du phương trên khắp các nẻo đường nước Ấn Ðộ để tìm kiếm một Tôn sư, một Guru — tiếng Ấn Ðộ có nghĩa là Thầy để dắt dẫn mình tu theo môt sở nguyện nào đó…).

Khi Kolita và Upatisa bày tỏ quyết định của mình đến những thuộc hạ tùy tùng, những thanh niên xu hướng đều chấp thuận, và hầu hết tham gia vào chuyến trường chinh tầm đạo ấy. Những thanh niên thuộc hạ của Kolita và Upatissa cũng thoát ly gia đình, thoát bỏ sợi dây giai cấp của Bà La Môn (*) mà họ hằng đeo trên người, cắt tóc, cạo râu, rồi mặc vải sô màu đất, một thứ thường phục của những khất sĩ du phương. Tất cả cùng dẹp qua một bên những biểu hiện phân biệt giai cấp và những đặc quyền gia tộc Bà La Môn giáo, để bước vào cuộc đời vô giai cấp của những đạo sĩ.

(*) Khi một đứa bé trong gia đình Bà La Môn ra đời, một giáo sĩ của người này đến làm lễ thọ kỳ giác linh giai cấp Bà La Môn và giao cho đứa bé một sợi dây Thánh để đeo quanh người trọn đời.

  1. Du phương tầm đạo

Một trường hợp trùng lạ là khi ấy Thái tử Sĩ Ðạt Ta (Siddhattha) vâng lời vua cha cưới vợ, tức Ngài bước sang giai đoạn thứ hai của kiếp chót làm người.

Kolita và Upatissa bỏ lại sau lưng sự hưởng thụ thế gian để bắt đầu cuộc đời du sĩ thanh tịnh nội tâm và tìm đạo giải thoát. Cùng với nhóm tùy tùng, họ đã mở ra một giai đoạn đem mình tu luyện dưới sự chỉ dạy của một số Tôn sư. Tương tư như đức Bồ Tát đã làm sau đó với năm vị Kiều Trần Như (Pànca Kondanna), trước khi Ngài đắc đạo thành Phật.

Thuở ấy ở cổ Ấn Ðộ, có nhiều Giáo chủ nêu lên nhiều triết học khác nhau. Một số chủ trương hẳn thuyết Vô Ðạo Ðức (đạo đức là sự vô ích) một số khác đề cao thuyết Ðịnh Mệnh, và một số khác truyền bá tư tưởng Duy Vật.

Ðôi bạn Kolita và Upatissa nhận thấy sự sai lầm của những giáo thuyết như thế, nên chẳng bao lâu đã không màng để tâm nghiên cứu nữa.

Tuy nhiên, tại Vương Xá thành (Ràjagaha), có một Giáo chủ tương đối đáng học giỏi. Ông tên là Sànjaya. Theo lịch sử Ấn Ðộ thì ông chính là Sànjaya Belatthaputta được ghi trong kinh điển Phật giáo, tức là một trong sáu vị Giáo chủ lớn nhất đương thời (còn gọi là Lục Sư) ngoại trừ đức Phật.

Ðôi bạn Kolita và Upatissa đã dẫn hai nhóm tùy tùng đến thụ giáo với ông ta và làm cho danh tiếng của Sànjaya trở thành vang dội.

Triết học của Sànjaya là gì, sử sách và kinh điển không ghi rõ. Khi khảo cứu chúng tôi chỉ thấy một số tư tưởng căn bản của Sànjaya được nhắc lại, mà đối với trí thức Ấn Ðộ thuở bấy giờ, có thể gọi là đầy đủ để giúp họ hiểu thấu trọng tâm thuyết lý Sànjaya.

Không như các Giáo chủ khác, những người đã nêu lên một số lý thuyết và tín điều nhất định về một số vấ đề làm tiêu chuẩn, Sànjaya giảng dạy cái mà ông gọi là “Những biện chứng sâu xa nhất” bằng một phương pháp dễ hiểu hơn.

Ông dựa vào bốn câu hỏi:

1/ Có một thế giới khác ngoài cái thế gian phàm tình hay không?

2/ Sau khi tan rã xác thân, một người có thể tự động sinh ra ở một kiếp mới nhờ tâm hồn trong sạch không?

3/ Bất cứ hành động nào, xấu hay tốt mà con người đã làm trong kiếp sống này có mang lại hậu quả gì trong kiếp sau không? Nếu có thì sự thưởng phạt sẽ như thế nào và số phận của những người ấy sẽ tiếp tục ra sao?

4/ Một bậc đã hoàn toàn trong sạch, sau khi lớn sẽ trở thành cái gì? Làm sao có thể chứng minh được trạng thái vĩnh viễn của một bậc hoàn toàn trong sạch?

Hễ khi một trong những câu hỏi như thế được các tư tưởng gia cổ Ấn Ðộ đặt ra là Sànjaya liền đáp lại bằng một trong bốn cách trả lời sau đây:

– Xác nhận
– Phủ nhận
– Một phần xác nhận một phần phủ nhận
– Không xác nhận cũng không phủ nhận

Tuy nhiên, Giáo chủ Sànjaya còn bổ túc thêm rằng: “Ðối với những câu hỏi như thế một trong bốn cách trả lời của ông, không có cách nào được xem là giải pháp xứng đáng, vì những câu hỏi như vậy là những câu hỏi hàm chứa mâu thuẫn hai chiều không thể giải quyết được (Nhị nguyên mâu thuẫn). Do đó, tốt hơn một học giả chớ nên phán xét về những vấn đề như thế”.Ở đây chúng ta có thể để ý rằng bốn luận cứ ngụy biện “Tương ứng nghịch lý” (hay Nhị nguyên mâu thuẫn) tìm thấy trong Kinh Ðiển Pàlì (Majjhima Nikàya: Trung A Hàm, đoạn số 63), chỉ có luận cứ số bốn là có chỗ tương đồng với lý thuyết Sànjaya, nghĩa là luận cứ có liên quan đến

“Những gì sẽ xảy ra cho một đấng Toàn Thiện sau khi chết”.Trong khi những Giáo chủ, đạo sĩ khác bênh vực một trong bốn cách ngụy biện duy lý trên như là một giải pháp của trường phái họ (như đúng, không đúng, đúng và không đúng, vừa đúng vừa không đúng) thì Sànjaya không để mình vướng vào bất cứ cái nào trong bốn luận cứ đó!

Ðặc biệt là ông thể mình bị mắc kẹt giữa sự chứng nhận không thể xác minh được và lý thuyết có tính cách tín điều. Chẳng hạn như có một số Giáo chủ dùng khoa học thực nghiệm xác nhận rằng ngoài thế giới vật chất, không có thế giới vô hình, không có Thiên chúng, không có định luật Nhân Quả, không có sự tái sanh sau khi chết. Nhờ thái độ đó mà ông trở thành khác hẳn những Giáo chủ đương thời.

Nói cách khác là ông chủ trương rằng: Ðối với những vấn đề không thể thông giải, một Giáo chủ nên giữ thái độ “Tránh né một cách vô tư” và đừng bao giờ vô ý để cho thành kiến thiên về xác nhận hay bác bỏ dù trên lý thuyết. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Sànjaya có vẻ vững vàng trên phương ngụy biện, và dường như ông muốn “hoá chuyển” cái thuyết “Tư Duy Nghiệm Chứng” ra thành thuyết “Bất Khả Tri Luận”.

Nghĩa là ông giống như những nhà Cụ thể học ngày nay vì những điều ông thuyết ra biểu lộ tư tuởng “Hiện Sinh Biện Chứng” hơn là “Duy Lý Biện Chứng”.Vua Bình Sa (Bimbisàra) của Vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) thuở ấy có lần đã thuật lại với đức Phật cuộc đàm thoại giữa nhà vua với đạo sĩ Sànjaya như sau:

“Một hôm khi trẫm đến thăm Giáo chủ Sànjaya thuộc giòng họ Belattha và hỏi: Thưa Giáo chủ Ngài có thể kể cho trẫm nghe một quả phúc nhãn tiền của đời sống đạo hạnh ở kiếp này không?Sànjaya liền trả lời vòng vo rằng:- Tâu Ðại Vương, như Ðại Vương đã biết, đối với câu hỏi phải chăng có một thế giới khác ngoài thế gian này, tôi đã trả lời nếu tôi nghĩ là có thì tôi nói có! Nhưng tôi đã không nói như thế nghĩa là tôi nghĩ không thể phủ nhận và ấy là sự thật. Tôi lại không phủ nhận nó nữa.

Tóm lại là tôi vẫn không nói có hay không có một thế giới khác ngoài thế giới này thì bây giờ câu hỏi Ðại Vương về quả phúc nhãn tiền của một Ðạo sĩ, hay kết quả của những hành động xấu và tốt trong kiếp này, hoặc đấng Toàn Thiện sẽ trở thành cái gì sau khi chết trong bất cứ phần nào của câu hỏi, tôi cũng sẽ trả lời như trước!- Tức là, Bạch đức Thế Tôn, Ðạo sĩ Sànjaya thuộc giòng Belattha trước câu hỏi về quả phúc nhãn tiền, và lợi ích của sự tu hành của trẫm, đã tìm mọi cách nói quanh co, không trả lời rõ ràng vậy (theo Diigha Nikàya: Trường A Hàm, Văn truyện số 2 do T. W. Rhys Davids dịch). Nhưng Kolita và Upatissa, thuở ấy chưa tìm ra một Tôn sư nào giỏi hơn, nên phải để ý đến Sànjaya, vì nghĩ rằng ít lắm quan điểm Triết học của ông cũng có một sắc thái đáng nghe hơn những gì của các Giáo chủ khác, nên họ đến nhận ông làm thầy.

Nhưng sau một thời gian ngắn, cả hai nhận thấy. Sànjaya sẽ chẳng đáng được ý nguyện của họ: Một phương pháp chữa trị đau khổ và phiền não.

Ngoài ra đôi bạn còn linh cảm chắc chắn phải có một sự sống khác ngoài kiếp sống trần gian này, phải có những chúng sinh chỉ có hồn mà không có thể xác (như Chư Thiên chẳng hạn). Càng đi sâu vào thế giới vô hình, sự hiểu biết của họ dường như vượt khỏi tầm học thức của vị Giáo chủ thuộc trường phái hoài nghi.

Rồi một hôm nọ, Sànjaya bỗng tuyên bố những đệ tử ưu tú nhất của ông đã tái sinh lên cõi trời này cõi trời nọ (Samyutta Nikàya 44,9: Tạp A hàm, đoạn 44,9). Ðiều này hoàn toàn mâu thuẫn với tiêu chuẩn hoài nghi của ông.

Vì vậy, một hôm đôi bạn Kolita và Upatissa đến gần Sànjaya và hỏi ông rằng: “Phải chăng ông còn những giáo thuyết bí mật chưa dạy, khác với những gì mà cả hai đã học?”. Sànjaya trả lời: “Chỉ có thế và hai đệ tử đã học hết giáo thuyết của ta rồi!”Nghe thế đôi bạn tầm đạo không thể làm gì khác hơn là quyết định từ giã Sànjaya, tiếp tục tìm con đường chân lý. Ðôi thanh niên nghĩ rằng vì muốn cầu sự giải thoát mà họ mới thoát ly gia đình, chứ mục đích của họ không phải là để học hỏi nghệ thuật né tránh những vấn đề “Bất khả tri luận” một cách vô ích.

Thế là lần thứ hai, đôi bạn lại phải tái diễn cuộc đời du phương tìm đạo. Lần này họ bất kể thời gian, lặn lội xuyên qua cả nước Ấn Ðộ, từ Bắc tới Nam, từ Ðông sang Tây. Họ sẵn sàng chịu đựng cái ngột ngạt của bụi đường nắng chói và cái nóng như thiêu đốt của một quê hương nhiệt đới. Họ dầm mưa dãi gió và nhiều khi đã công khai tuyên bố với những bộ hành lú do tìm đạo của họ:

“Chúng ta là nạn nhân của sinh, già, bệnh, chết, nạn nhân của buồn rầu, than tiếc đau khổ, phiền não và tuyệt vọng. Chúng ta là nạn nhân của trầm luân. Chúng ta kiên trì đi tìm Ðạo Giải Thoát thì chắc chắn cuối cùng chúng cũng sẽ khám phá ra được nguyên nhân của đau khổ ấy!” (Majjhima Nikàya No 28: Trung A Hàm 28). Dĩ nhiên là trong khi du phương tầm đạo như vậy Kolita và Upatissa đã gặp nhiều đạo sĩ Bà La Môn là những nhà “thông thái” tăm tiếng, đôi thanh niên tầm đạo đã không tránh được nhiều thảo luận sôi nổi về Tôn giáo, về Tiên giáo, về thiên đường, về địa ngục, về ý nghĩa sự sống, về con đường cứu rỗi.

Nhưng nhờ trí thông minh hiếm có cộng với nghệ thuật biện luận “Bất khả tri nghiệm” học được của Sànjaya, đôi bạn Kolita và Upatissa đã mau chóng nhận ra sự vô lý trong cái học mơ hồ của những nhà “thông thái” này. Trong khi không có một Giáo chủ nào đủ khả năng giải thông những câu hỏi sâu xa của họ thì đôi thanh niên này lại có thể ứng đối một cách dễ dàng khi bị chất vấn.

Không sử sách nào nói rõ là Kolita và Upatissa, sau Sànjaya đã đi thụ giaó với ai, nhưng chắc chắn đôi thanh niên ấy làm sao tránh khỏi gặp những nhà thần bí học như Tiên tri Bàvàri, một người đã đắc được thần lực rất cao, hoặc gặp hai vị Thiên sư thuộc trường phái “Siêu Thể Vô Biên Luận”. Chính đức Bồ Tát cũng đã một thời gian làm môn đệ trường phái này.Theo những sử liệu liên quan đến đời sống của họ thì đôi bạn Kolita và Upatissa đã không gặt hái được gì nhiều với các danh sư này trong việc tu thiền hướng đến chứng ngộ giải thoát, giống như đức Bồ Tát đã từng đạt được khi làm môn đệ thiền phái này.

Chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân vấn đề ấy; có hai khuynh hướng cho kẻ tầm đạo hay tu tập. Một là đạt được an ổn nội tâm và thanh tịnh tinh thần bằng cách tiến sâu vào Thiền định (Samàdhi), hai là tìm kiếm một giáo thuyết rõ ràng, thông giải được mọi khía cạnh của sự sống, bao gồm cả giá trị hay ý nghĩa của Thiền định.

Hầu hết những kẻ đạt được an trụ tâm hồn bằng Thiền định thường bị dừng lại ở đó không thể tiến mạnh đến cứu cánh. Bởi họ một khi đã lọt vào trong sự vi diệu của quả thiền, họ hằng nhầm tưởng mình đã đến đích giải thoát. Và dù quả thiền có cao siêu cỡ nào đi nữa, “Cực lạc Hữu biên” ấy cũng chỉ kéo dài tới một số Thiên niên kiếp mà thôi (đối với loài người thì gọi là đại kiếp), sau đó “Ðịnh phúc” cũng phải tận lựu, trả thiền tâm của kẻ đắc định trở lại trong cái vòng sinh tử như trước.

Trong tiền kiếp, điều này hẳn đã xảy ra nhiêu lần đến Bồ Tát (tiền thân Phật Thích Ca) cũng như đến Kolita và Upatissa. Mặc dù trọn kiếp này, đôi bạn ấy không nhớ lại những hưởng thụ thiền lạc như thế, nhưng dường như trực giác vẫn khiến họ hiểu rằng thiền định và quả thiền không phải là cái đích cuối cùng, mà chỉ là một sự giải thoát tạm thời trong cái vòng đau khổ triền miên mà thôi.

Bởi vậy, nguyện vọng trước tiên của họ là phải tìm đấng Giải thoát chỉ rõ cái “Nguyên nhân nối tiếp sinh diệt”, chỉ rõ tại sao Tâm và Vật bị cột chặt với nhau trong cái vòng sinh tử phức tạp này! Nưng sự làm sáng tỏ ấy không thể thực hiện được nếu không gặp một vị Phật. Một đấng Giác Ngộ! Cho nên họ phải tiếp tục hành trình, tiếp tục cho đến khi bước chân tìm đạo dẫn dắt họ đến một đấng Phật Tổ.

Vào những thời xa xưa, không có đức Phật xuất hiện, công phu tầm đạo giải thoát của họ thường bất thành, vì họ chỉ tối đa tìm ra một pháp môn thiền định nào đó, tụ tập, đắc thiền, hưởng lạc, rồi sau cùng không còn nhớ thiền định. Những động cơ tầm của họ trong kiếp này vốn là “Tiếng gọi tâm linh” chính họ không cắt nghĩa nổi, đã khiến họ không thể ngồi yên trước khi gặp đức Phật.

Ðồng thời khi ấy đức Phật lại bắt đầu lăn bánh xe Pháp (Dhammacakka) để cứu độ chúng sanh. Và công trình tầm đạo của Kolita và Upatissa phải chuyển vào giai đoạn chót.

Ðiểm cần nhấn mạnh ở đây là giả sử tron khi ấy đức Bồ Tát chưa thành Phật, đang tinh tấn thực hành đại nguyện, dùng thiền định đã từng thuần thục thuở thiếu thời, để tiến về cánh cửa giác ngộ, thì đôi bạn Kolita và Upatissa cũng không thể nhờ thiền định tìm ra nấc thang giải thoát cao hơn. Bởi họ chưa bao giờ trải qua cao điểm tu thiền như đức Phật đã từng bước qua, và họ cũng không có tiềm lựu tự mình giải thoát như đức Phật.

Ðây là chướng ngại vi tế nhất đối với các hàng Thinh Văn giác! Chúng ta có thể gọi chướng ngại này là “Ranh giới giữa Cực lạc và Ðau khổ”, là “Hào quang của các bức tường an trụ che khuất cánh cửa giải thoát”.

Ngoại trừ bậc Toàn Giác, ai đến gần hào quang đầy phỉ lạc ấy cũng dừng lại. Như người bao năm tháng trôi giạt đã tìm lại được ngôi nhà cũ, nhưng chỉ ngồi trước cửa, cảm thấy sung sướng một thời gian rồi quay lưng bỏ đi. Ðáng lẽ họ phải “vẹt hào quang” bước vào trong ngôi nhà giải thoát ấy thì hành giả lại làm cái việc “Nghỉ chân” của những kẻ qua đường.

Sau đó họ lại “khởi hành” vào một hướng luân hồi khác.Nhưng trường hợp của Kolita và Upatissa thì khác. Ðôi Thinh Văn giác tương lai này lúc đó như hai tấm gương phản chiếu. Họ chợt thấy họ phải nhờ đến đức Phật. Vì chỉ có bậc Giác Ngộ mới có thể chỉ cho họ cách bước qua khỏi cái màn hào quang, bước ra khỏi cái vòng lẩn quẩn cái vòng chúa cả khổ đau lẫn cực lạc mà trong quá khứ họ đã nhiều lẫn đến điểm chót, rồi lại bỏ đi.

  1. Tìm ra chân lý

Lúc ấy Kolita và Upatissa hoàn toàn không biết rằng có đức Phật. Họ tự nhiên từ bỏ đời sống của hai đạo sĩ du phương và quay về quê hương Ma Kiệt Ðà (Magadha) của họ, sau khoảng hai mươi năm ròng rã lang thang tìm đạo.

Ðiều này xảy ra không lâu, sau khi đức Phật bắt đầu Chuyển pháp luân (Thuyết pháp lần thứ nhất) tại vườn Lộc Giã (Isipatana Migadàya), Ba la nại (Benares).

Tuy nhiên, đôi bạn Kolita và Upatissa vẫn chưa từ bỏ hy vọng tìm ra đấng giải thoát. Sau khi trở lại quê nhà, họ quyết định chia tay nhau, mỗi người đi một hướng hy vọng gấp đôi tầm đạo như thế, may ra sớm có kết quả. Cả hai cùng ước hẹn với nhau rằng ai tìm ra con đường bất tử trước sẽ lập tức thông báo cho người kia.

Khi ấy cả Kolita và Upatissa đã khoảng bốn mươi tuổi, và nhằm lúc đức Phật vừa cho phép đoàn đệ tử đầu tiên đi truyền bá chân lý. Ðoàn Như Lai sứ giả ấy, gồm sáu mươi vị, tất cả là những Thánh nhân. Mục đích đoàn Thánh Tăng này là đi ban bố giáo lý an lành và tiến hóa trong nhân loại.Còn đức phật, Ngài đích thân đến thành Vương Xá (Ràjagaha) để tiếp độ vị vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) tên là Bimbisàra (Bình Sa Vương) và nhận lãnh ngôi chùa Trúc lâm (Veluvana Vihàra) do vua dâng cúng.

Phật đang có mặt tại ngôi chùa này thì Kolita và Upatissa vừa quay về thành Vương Xá, tạm thời ngụ trong viện của Sànjaya.Một hôm Upatissa đã ra đường phố, còn Kolita ở nhà. Chợt chàng thấy người bạn thân trở về với vẻ mặt vô cùng hớn hở mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ nhìn thấy. Phong độ của Upatiss lúc ấy hoàn toàn khác hẳn : trang nghiêm và rạng rỡ!Kolita lập tức hỏi:- Này bạn! Vẻ mặt bạn thật thỏa mãn, dung nghi bạn rất trong sáng, phải chăng bạn đã tìm ra con đường Giải thoát?

Upatissa trả lời:

– Ðúng như thế, thưa bạn! Pháp giải thoát khỏi sự chết đã được khám phá.

Rồi Upatissa thuật lại rằng: Trên con đường phố chàng gặp một vị Sa Môn phong cách rất tự tại. Vị Sa Môn này đã làm cho chàng phát sinh lòng kinh cảm, rồi chàng không ngần ngại hỏi vị Sa Môn xem Tôn sư Ngài là ai. Sa môn ấy chính là Trưởng lão Assaji một trong những vị đệ tử đầu tiên của đức Phật và cũng là một trong sáu mươi vị Thánh A La Hán.Trưởng lão Assaji còn xác nhận rằng Ngài chỉ là một đệ tử của vị Ðại sĩ thuộc giòng họ Thích Ca.

Khi Upatissa yêu cầu Sa Môn Assaji ban bố giáo lý thì Ngài nói rằng không thể thuyết pháp được nhiều, vì Ngài mới thọ Cụ Túc giới mấy tháng. Và Ngài chỉ tiết lộ Ngài vừa học được bốn sự thật sâu sa (Tứ Diệu Ðế) mà ngoài bậc Giác Ngộ ra, phàm nhân không thể nào quán triệt.

Nhưng Upatissa liền cầu khẩn Ngài chỉ dạy cho, dù một phần tinh yếu cũng đủ cho mình phăng ra mối đạo.

Trưởng lão Assaji nghiêm trang nhắc lại một kệ ngôn của đức Phật rằng:

“Ye Dhammà Hetupabhàvà,
Tesam Hetum Tathàgatàha,
Tesam Yo Nirodho
Evam Vàdi Mahàsamano-ti”

Dịch :

“Pháp nào có nhân ấy,
Bậc Giác Ngộ đã thấy rõ nhân,
Ngài cũng tìm ra con đường diệt quả.
Ðây là giáo lý của các bậc đại Sa môn”

Kệ môn này sau khi được đức Phật thốt ra đã trở thành câu nói gói trọn giáo lý giải thoát, và trở thành Triết Học căn bản của đạo Phật xuyên qua bao nhiêu thế kỷ.

Upatissa nghe được kệ ngôn ấy liền đắc Pháp nhãn (Dhamma Cakkhu) trong tâm thức chứng quả Nhập Lưu, Tu Ðà Hườn (Sotàpatti). Rồi khi chàng thuật lại cho Kolita nghe, người ấy cũng chứng quả tương tự. Nghĩa là cả hai cũng giác ngộ rằng “Bất cứ cái gì sinh ra đều phải tan biến”.Sự thấy rõ chân lý do bài kệ này soi sáng, quả thật là một biến cố kỳ diệu. Ðối với chúng ta ngày nay, bốn câu kệ ngôn trên đây không thể đả thông hết tâm thức si mê, nên chúng ta nghe mà cũng chưa trực nhận được ý nghĩa nào.

Chiều sâu và chiều rộng của câu Phật Ngôn ấy, chỉ có thể biểu hiện đối với những ai đã từng nhiều kiếp tu tập hạnh từ bỏ những dục lạc tạm bợ ở đời, và hằng rèn luyện trí tuệ để thấy rõ lý vô thường (luôn luôn chi phối bởi nhân duyên điều kiện) và chứng thực đạo bất sinh từ.

Hơn nữa, câu kệ ngôn này vốn có tác dụng kỳ diệu đối với những ai trí tuệ đã chí muồi, và từng thuần thục trong pháp quán xét các pháp hành thuộc nhân duyên điều kiện. Cộng thêm đôi bạn Upatissa và Kolita đã sẵn sàng tâm thức đón nhận Pháp bảo, nên kệ ngôn do trưởng lão Assaji thốt ra “Như một giọt nước rót vào chén nước đã đầy”.Sự chứng quả Nhập Lưu Tu Ðà Hườn (Sotàpatti) tự động phát hiện, khiến cho người nghe thấy rõ Giải Thoát Niết bàn, vượt khỏi những sinh nhiệm thường tình mà thần chết lúc nào cũng chi phối.

Chỉ trong ánh loé, Pháp nhãn bừng sáng, trí thức giác ngộ phát sanh, họ đã thấy rõ lý bất sinh bất diệt!

Ðến đây cũng cần nhắc lại rằng ba vị Ðại đệ tử thân cận nhất của đức Phật là A Nan Ða (Ananda), Xá Lợi Phất (Upatissa Sariputta) và Mục Kiều Liên (Mahà Moggallàna) đã đắc quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hườn) không phải nhờ nghe Pháp bảo từ cửa miệng đức Phật, mà từ các Sa Môn thừa truyền Phật giáo: Ananda thì do thầy Tế độ, một Thánh A La Hán tên là Punna Mantàniputta, Upatissa Sariputta (Xá Lợi Phất) thì do trưởng lão Assaji, còn Kolita Moggallàna (Mục Kiều Liên) thì do người bạn vừa đắc quả Tu Ðà Hườn, chưa đạt tới Thánh Quả A La Hán (ám chỉ Upatissa – Xá Lợi Phất).

Ðể có thể đạt tới một sự giác ngộ kỳ diệu như thế, Kolita Moggallàna phải có một niềm tin nơi trí tuệ của bạn thân lẫn niền tin trong chân lý vô cùn vững chắc. Và lẽ dĩ nhiên điều đó là một sự thật, không còn nghi ngờ nửa!Nghe xong kệ ngôn đầy nhiệm mầu ấy Kolita Moggallàna liền hỏi nơi cư ngụ của đức Bổn sư, đấng Toàn Giác. Khi nghe Upatissa thuật lại Phật ở tại Trúc Lâm Tịnh xá (Jetavana Vihàra) cách đó không xa, Kolita Moggallàna liền tỏ ý muốn đến yết kiến đức Thượng Sư lập tức.

Nhưng Upatissa trầm tĩnh đề nghị: “Này bạn! Trước tiên ta nên đến gặp thầy Sànjaya và thông báo cho ông biết chúng ta tìm ra đạo bất tử. Nếu thầy thấy hữu duyên, thầy cũng sẽ bước vào ánh sáng chân lý như chúng ta. Ðó là một cách chúng ta tỏ lòng biết ơn thầy đã một thời cho chúng ta học đạo. Còn nếu thầy chưa hiện cơ duyên thì thầy sẽ suy nghĩ lại, biết đâu sau này thầy sẽ nhờ chúng ta đưa đến ra mắt đức Phật. Chừng đó khi nghe pháp bảo nơi kim khẩu đấng Toàn Giác, thầy sẽ chắc chắn chứng được đạo quả”.

Sau đó đôi bạn đến gặp Giáo chủ Sànjaya và nói rằng:

“Thưa thầy, thầy đã hay chăng có một bậc Toàn Giác xuất hiện trên đời, đang ban bố chính pháp làm cho những môn đồ của Ngài sống một đời sống trong sạch, giải thoát? Mời thầy hãy cùng chung tôi đến yết kiến đấng Toàn Giác!”

Nhưng Giáo chủ Sànjaya đã không quan tâm đến những lời yêu cầu chân thành của hai người đệ tử. Ngược lại ông còn khuyến dụ Kolita Moggallàna và Upatissa lãnh đạo những tùy tùng cũ của mình lập ra một trường phái mới, ngang hàng với ông. Nếu đối bạn này chấp thuận, họ sẽ trở thành những bậc Tôn sư, thụ hưởng oai danh của các hành Giáo chủ.

Nhưng Kolita Moggallàna và Upatissa đã bày tỏ lòng dứt khoát, không còn muốn dính mắc với bất cứ danh vị gì trong cõi đời, dù cho cao cả đến đâu nữa. Ðôi bạn trí thức đã nhiều lần lập lại quyết tâm cuối cùng không lay chuyển của họ, để vị thầy cũ ấy thấy rằng chẳng còn cách nào lung lạc được họ nữa.

Rốt cuộc Giáo chủ Sànjaya đành chịu thất vọng. Ông rất khổ tâm trước sự ra đi của hai đệ tử xuất sắc này. Ông buồn bực la lên rằng:

– Ta không thể làm được! Ta không thể làm được! Ta đã là một bậc Tôn Sư từ bao nhiêu năm qua. Ta có đông đảo tín đồ. Ta không thể trở thành hàng đệ tử! Như thế chẳng khác nào ta đem cái hồ rộng lớn đổi lấy mộ vũng nước chật hẹp tầm thường!

Nhất thời tâm hồn ông bị xung đột giữa hai ước vọng: Ước vọng đạt được Thánh quả và ước vọng muốn hưởng thụ địa vị cao sang. Và ước vọng thứ hai (thuận với lòng ham muốn) đã thắng thế, khiến ông hoàn toàn bất chấp những lời khuyên của đôi đệ tử thông thái.

Thuở ấy Sànjaya có khoảng năm trăm môn đồ. Khi những môn đồ này hay tin Kolita Moggallàna và Upatissa đã quyết định đến quy y Phật, tất cả đồng loạt muốn đi theo. Một nữa số ấy muốn suy nghĩ “Rồi đây Sànjaya sẽ còn lại một mình” nên không nỡ, chỉ đi một đoạn đường, rồi quay trở lại.

Nhưng đã muộn, Giáo chủ Sànjaya trước cảnh mất hết môn đồ, lại bị phiền não, thất vọng lẫn hoang mang công phạt, nên đã uất ức hộc máu tươi mà chết.