Lịch sử Ðức Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna)

Lịch sử Ðức Mục Kiền Liên (Mahà Moggalàna)

Đỗ Quang Huy 51
  1. Tiền kiếp của Mahà Moggallàna.

Về sự nhớ lại tiền kiếp, Ðại đức Mahà Moggallàna chỉ tự thuật có một lần. Ðó là kinh số 50 thuộc bộ Trung A Hàm (Majjhima Nikàya), soạn giả xin phép dùng bản kinh ấy làm căn cứ cho chương này.

Trong Jàtaka (Túc Sinh truyện), tức những truyện nói về tiên thần đức Phật Thích Ca và Mahà Moggallàna đã gặp nhau trong nhiều kiếp. Ít nhất là có ba mươi mốt lần đức Phật và Mahà Moggallànaphải gặp nhau là một điều tự nhiên. Ðối với thời gian vô lượng kiếp, con số ba mươi mốt lần gặp nhau ghi trong kinh quả thật quá ít, quá nhỏ, so với cái chuỗi luân hồi”Bất Tận” mà cả hai vị đã trải qua. Tuy nhiên , như thế cũng đủ để cho chúng ta có một cái nhìn tổng quát về tiền kiếp của vị Sa Môn này.

Dĩ nhiên ở đây soạn giả không thể kể hết ba mươi mốt kiếp một cách chi tiết, với đầy đủ những nét đẹp, những phẩm cách xứng đáng của một trong hai Ðại đệ tử. Nhưng những gì mà soạn giả cố gắng ghi lại trong cuốn sách nhỏ bé này chính là những nét quan trọng để cho các hàng Phật tử có thể tìm hiểu tiểu sử và nhân cách của Ðại đức Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên).

Ðiểm thứ nhất chúng ta tìm thấy trong Jàkata (Túc Sinh Truyện) “mối liên hệ mật thiết” giữa Bồ Tát (tiền thân đức Phật) với Mahà Moggallàna. Nhiều kiếp Sàrìputta (Xá Lợi Phất) và Mahà Moggallàna đã sinh làm anh em của đức Bồ Tát. (Như ghi trong các Kinh Jàtaka số 488, 509. 542, và 543). Rồi ở những kiếp khác, họ lại sinh làm bạn của Bồ Tát (Jàtakasố 326). Hay khi đức Bồ Tát làm vua thì họ trở thành hai trung thần (Jàtaka 401). Thỉnh thoảng, họ cũng sinh làm Ðạo sĩ, môn đồ của đức Bồ tát (Jàtaka số 423, và 522). Ngoài ra, họ còn sinh làm thầy của đức Bồ Tát nữa (Jàtaka 539).

Ðặt biệt, những Túc Sinh Truyện kể lại đức Bồ Tát làm vua, Sàrìputta làm Thái tử, còn Mahà Moggallàna thì làm quan chỉ huy Ngự lâm quân (Jàtaka 525). Hoặc đức Bồ Tát làm trời Ðế Thích (Sakka) thì Sàrìputta và Mahà Moggallàna làm “Tiên trưởng” cai quản hai cung Nhật Nguyệt (Jàtaka số 450).

Ðiểm thứ hai dáng cho ta chú ý là sự chênh lệch giữa Mahà Moggallàna với Sàrìputta trong một số tiền kiếp sinh làm cầm thú. Ðọc kỹ Túc Sinh truyện (Jàkata) chúng ta sẽ nhận thấy rằng mặc dù cả hai vị Ðại tông đồ này thường đồng hành trong cái vòng sinh tử. Những khi tái sinh từ cõi người trở lên thì họ có địa vị tương đương nhau. Còn khi luân hồi làm thú vật, thì họ lại ở tình trạng hoàn toàn chênh lệch. Ðặc biệt là Sàrìputta luôn luôn sinh làm những thú vật tiến hóa hơn:

Chẳng hạn như trong Jàkata số 73, Sàrìputta sinh ra làm rắn thì Mahà Moggallàna làm chuột. Trong Jàkata số 206, 486, Sàrìputta sinh làm chim thì Mahà Moggallàna sinh làm rùa. Trong Jàkata 272, 361và 438, Sàrìputta sinh làm sư tử thì Mahà moggallàna sinh làm cọp. Trong Jàkata số 37, Sàrìputta sinh làm khỉ thì Mahà moggallàna sinh làm voi. Trong Jàkata số 315 Sàrìputta sinh làm rắn thì mahà Moggallàna sinh làm chó sói. Trong Jàkata số 490, Sàrìputta sinh làm người thì Mahà Moggallàna sinh làm thú.

Duy nhất chỉ trong bốn Jàkata (Túc Sinh truyện ) số 160, 187, 215 và 476 là cả hai sinh làm chim thiên nga như nhau.

Rồi lúc sinh làm người, địa vị của Sàrìputta thường cũng cao hơn địa vị Mahà Moggallàna (Mục Kiền Liên). Hoặc vào nghề nghiệp, Sàrìputta vẫn tương đối đỡ cực hơn Mahà Moggallàna phần nào như trong Jàkata số 525, Sàrìputta sinh làm Hoàng tử thì Mahà Moggallàna sinh làm quan Ðại thần. Trong Jàkata số 544, Sàrìputta sinh làm quan Ðại thần thì Mahà Moggallàna sinh làm người hầu cận. Trong Jàkata số 151, Sàrìputta sinh làm người xa phu cho Hoàng gia Bodhisatta thì Mahà Moggallàna sinh làm xa phu cho hoàng thân Ananda.

Riêng lần nọ Mahà Moggallàna sinh làm Nguyệt thần thì Sàrìputta sinh làm Ðạo sĩ tên Nàradà. (Jàkata số 535), và một lần khác Sàrìputta sinh làm Nguyệt thần thì Mahà Moggallàna sinh làm một vị tiên cao hơn cai quản Nhật Cung (Jàkata số 450). Ðây là hai trường hợp Mahà Moggallàna tái sinh vào địa vị cao hơn Sàrìputta.

Nói tóm lại, khi sinh kể từ người trở lên thì hai nhân vật này có địa vị tương đương nhau.

Túc Sinh Truyện cũng có ghi một lần duy nhất Sàrìputta và Mahà Moggallàna bỗng tái sinh làm hai đối thủ. Ðó là Jàkata số 545 thuật lại rằng Sàrìputta sinh làm Long Vương (Nàga) thì Mahà Moggallàna sinh làm vua chim đại bàng (Ðại Bàng Ðiểu Vương) tên Supanna. Giống chim này rất to, chỉ ăn thịt rồng rắn.

Trường hợp Túc Sinh Truyện (Jàkata) chỉ nói đến một mình Mahà Moggallàna, mà không có sự góp mặt của Sàrìputta rất hiếm. Chỉ có hai lần:

  1. a) Lần thứ nhất Mahà Moggallàna sinh lên trời thay thế Thiên Vương đế Thích (Sakka). Kinh Majjhima Nikàya (Trung A Hàm) đoạn 37 thuật “Khi ấy vị chúa tể cõi trời (Tiền thân Mahà Moggallàna) đã khiển trách những Thiên Vương tiền nhiệm không giữ đúng phẩm hạnh, rồi với tư cách là vua trời Sakka (tiền thân Mahà Moggallàna) đã hiện xuống trần gian để cảnh tỉnh một “Người bạn” bầu tiện (?) quay về với đạo đức và tạo dịp cho người bạn ấy được tái sinh lên những cõi cao hơn (Jakàta số 78).

Nhưng trong một kiếp khác, Sàrìputta và Mahà Moggallàna cùng sinh lên làm người. Cả hai là những thương gia tham lam, đã đem tiền của chôn sâu dưới đất. Sau khi chết, một người sinh làm rắn, người kia sinh làm chuột, đào hang ở cạnh chỗ ngày xưa mình chôn giấu tiền bạc (theo Jàkata số 73).

  1. b) Câu chuyện thứ hai thuật Mahà Moggallàna sinh làm chó rừng. Khi tìm thấy một con voi xóc cây lủng bụng chết, chó rừng vì háu ăn nên chui vào lỗ hổng nơi bụng voi, nằm trong đó ăn cho bằng thích. Ðến khi ăn no mặt trời lên cao, xác voi sình bịt kín lỗ hổng, cho không chui ra được mới hối hận thì đã muộn. Câu chuyện có ngụ ý tiêu biểu và cảnh cáo những kẻ say mê hưởng thụ (Jàkata số 490).

Nhưng Túc Sinh Truyện nổi tiếng phải kể là câu chuyện Mahà Moggallàna sinh làm quan giữ kho lúa gạo của dân tộc Kuru, và Sàrì putta sinh làm người lái buôn. Cả hai, một bổn giữ đúng bổn phận của một công bộc, một bên mua bán hợp pháp nên đã không vi phạm giới trộm cắp và tội sang đoạt, dù họ đang có dịp thuận tiện làm điều bất chấp mà không ai biết.

  1. Những ngày cuối cùng của Mahà Moggallàna

Sáu tháng trước khi Phật nhập Niết Bàn, sự tịch diệt đã tách rời lần cuối cùng đôi bạn Thánh nhân Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Sàrìputta nhắm mắt vào ngày trăng tròn tháng Kattika (vào khoảng giữa hai tháng 10 và tháng 11 Dương lịch).

Sàrìputta viên tịch ngay nơi ông đã chào đời, và trong nhà của cha mẹ, rất xa người bạn cao thượng Mahà Moggallàna. Phải chăng hai vị Thánh Tăng ấy đã đắc quả A La hán tại hai nơi khác nhau, nên họ cũng viên tịch ở hai điạ điểm khác nhau, mặc dù họ đã từng trải qua bao nhiêu kiếp không thể tách rời nhau được?

Và chẳng bao lâu, sau khi Sàriputta viên tịch, Ma vương (Màrà), hiện thân của tội lỗi và thần chết, đã tìm cách hãm hại Mahà Moggallàna bằng cách xâm nhập vào bên trong thân thể của vị Thánh Tăng này.

Ma vương phá phách khắp ngũ tạng lục phủ nhưng không thể nào gia hại nội Ðại đức Mahà Moggallàna, vì thiền lực của Ngài vẫn an trụ trên đỉnh đầu, còn Ma vương thì không dám lên gần trên đó.

Tuy nhiên Mahà Moggallàna vẫn hiền từ bảo Ma vương rằng: “Này Màra! Ngươi mau ra khỏi thân ta. Tuy tâm hồn ta hoàn toàn thanh tịnh không bao giờ có tà niệm gia hại chúng sinh nhưng ác nghiệp mà ngươi đang làm sẽ khiến cho thần thông ta tự động phát tác thì hậu quả tất đưa ngươi vào địa ngục!”.

Ma vương nghe thế hãi vô cùng, liền biến thành một vật rất nhỏ, ẩn núp trong ruột già của Ðại đức Mahà Moggallàna. Y nghĩ rằng: “Ngay cả đức Phật cũng chưa chắc chắn tìm ra ta!”

Chợt ma vương nghe Mahà moggallàna nói: “Này Mahà! Luân Xa Thần (Chakra) trong thân ta không có chỗ nào là không thể chiếu tới, vậy ngươi mau ăn năn kẻo ác nghiệp thêm dày!”

Ma vương bây giờ rất đỗi kinh ngạc, nhưng còn hy vọng là Mahà Moggallàna nói mò, chứ không biết xác thực hiện y ẩn núp chỗ nào. Nhất thời ma vương yên lặng.

Ðoạn Ma vương nghe Thánh Tăng nói tiếp: “Này Màra, Ngươi đang khoảng giữa ruột già của ta. Chớ lầm lẫn cho là ta không biết!”

Bây giờ Ma vương không còn cách nào làm khác được. Y liền nương theo ngõ miệng của Mahà Moggallàna thoát ra ngoài, và hiện nguyên hình đứng đối diện với Thánh Tăng này.

Mahà Moggallàna liền báo cho Ma vương lần đầu trong ngày hôm nay, mà Ngài đã biết rõ gốc tích bao nhiêu ngàn đơì nghiệp quả trước của hắn. Ngay cả con cháu, ma binh, giòng dõi hắn còn bao nhiêu Ngài cũng biết nốt.

Rồi Mahà Moggallàna dùng ba pháp Thần trụ là Thiên nhãn thông. Tha tâm thông và Túc mạng thông để để khuất phục Ma vương bằng một cách hòa nhã! Sự sử dụng thần thông này về sau được ghi trong kinh Majjhima Nikàya số 50 với tựa đề là: “Mahà Moggallàna đã tự thuật về tiền kiếp”.

Sau đây là những điểm chính những gì vị Thánh Tăng này nói:

“Thuở Phật quá khứ tên là Kakusandha xuất hiện vào Ðại kiếp trái đất (Bhaddakappa), đem diễm phúc đến cho tam gới chúng sanh, với năm vị Phật khác. Ngài đã sống bằng tuổi thọ trung bình của con người là bốn trăm ngàn năm. Và khi sự tăm tối đầu tiên trong cái tuổi thọ vàng son ấy bắt đầu che áng bởi vua chúa thiếu đức tánh tu thân, nên bỏ mất thiện tâm. Rồi lòng tranh giành ích kỷ bắt đầu xuất hiện. Do sự suy đồi đó, sức sống và tuổi thọ của loài người bị giảm xuống còn một nửa”

Thuở ấy, Mahà Moggallàna chính là Màrà (Ma vương) hoành hành các cõi trời Dục giới và thế gian với cái tên là Dùsimàra. Ma vương ấy có một “Ma chị” tên là Kàli sinh được một đứa con trai, sau này trở thành Ma vương, đóng vai thần chết vào thời kỳ đức Phật Thích ca.

Như vậy Ma vương đang đứng trước mặt kia không ai khác hơn là hàng con cháu của tiền thân Mahà Moggallàna từ một đại kiếp quá khứ.

Vì khi làm Ma vương trong thuở xa xôi ấy tiền thân Mahà Moggallàna đã si mê tấn công một vị Ðại đệ tử Phật quá khứ bằng cách hiện thành một đứa bé, lấy những mảnh chén bể, liệng vào đầu của vị Ðại đệ tử Phật kia cho đến khi đổ máu.

Khi đức Phật Kakusandha thấy vậy bèn khuyên rằng : “Ma vương! Sao ngươi ác độc thế, nên biết hồi tâm! Ngay cả quỉ Sa tăng cũng có lúc hối lỗi”.

Phật nói dứt, và chỉ trong nháy mắt, toàn thân Dùsimàra liền tiêu tan ra khói và Màrà bị đọa vào trong địa ngục sâu nhất.

Trước đó chẳng bao lâu, Ma vương là “Vua” của các cảnh địa thì bây giờ chính Ma vương là “nạn nhân”của địa ngục. Lúc trước Ma vương là tay hành hạ tội phạm, bây giờ Ma vương phải chịu tất cả những gia hình tương tự. Ðó là pháp thanh đổi nhanh chóng trong cái Samsàra (Càn Khôn Sinh Tử đồ, cõi Ta bà).

Trải qua không biết bao nhiêu ngàn năm, tiền thân Mahà Moggallàna phải chịu nhiều đau khổ trong cảnh địa ngục để trả quả ngu muội, nông nỗi, xúc phạm đến một vị Thánh Tăng . Mười ngàn năm khác, tiền thân của Mahà Moggallàna còn chịu cầm cố trong một địa ngục mang mình người đầu cá, giống như họa sĩ Pieter Breughel đã vẽ những sinh vật trên một bức tường nói về địa ngục vậy.

Ở đó, cứ mỗi khi “Phạm Ma” bị hai ngọn giáo trừng phạt đâm xuyên qua trái tim thì sẽ biết rằng thời gian trên dương thế đã trải qua hai ngàn năm rồi (theo Majjhima Nikàya số 50 ).

Bây giờ thấy lại Ma vương (Màrà), Mahà Moggallàna chợt nhớ đến những hãi hùng trong vòng luân hồi quá khứ (Sàmsàra) mà hiện tại ông được hoàn toàn giải thoát, nên tâm hồn ông trở nên thanh tịnh, Phổ Lực Công tự động phát tác làm rung chuyển mặt đất, khiến Ma vương hoảng sợ chạy mất.

Sau khi Ma vương đi rồi, Mahà Moggallàna tự nhủ “Ðây là kiếp chót của ta! Sự sinh tử chắc chắn sẽ chấm dứt! Là một Thánh nhân ta không thấy có lý do nào để ham mê một kiếp sống giả tạo. Ta còn sống là bởi vì thân thể ta chưa đến lúc tiêu hoại. Tuy trong mình ta có thần thông, ta thừa sức sử dụng phép lạ để sống lâu bằng một kiếp trái đất, nhưng ta làm vậy ích lợi gì? Ta nên để cho “Quỷ vô thường” biểu dương bản chất tự nhiên của nó!”.

Như nhiều nhà hiền triết vĩ đại khác ở Ðông phương (Á Châu) và cũng như chư Thánh Tăng thời đức Phật, Mahà moggallàna đã lưu lại hậu thế một loại tự thuật dưới hình thức kệ ngôn gọi là Theragàthà (Tôn Túc Kệ Ngôn) trong đó ông đã tóm lược những pháp chính ông tu tập để được giải thoát, và xuyên qua bao nhiêu tiền kiếp cho chí đời sống sau cùng, ông vẫn giữ đúng hạnh nguyện không lo âu, không thối chuyển! Biết bao hạnh phúc kỳ diệu trong quả vị giải thoát và các thần thông thượng thừa đã làm cho những “Kẻ khác” tràn ngập phỉ lạc, mắc dính trong những “hạnh phúc thần tiên” nhưng đối với Mahà Moggallàna, ông vẫn thản nhiên như một ngọn núi phủ đầy hoa! ( Ý nói ngọn núi không bao giờ biết hãnh diện trước sự vững chắc và vẻ đẹp của mình).

Những kệ ngôn của ông trong Theragàthà có thể tóm tắt bằng một câu đại ý như sau:

“Không còn cái vòng sinh tử luân hồi nào (Samsàrà) trong tam giới mà bần Tăng chưa khám phá. Cũng không còn một quyền lực Vô minh nào có thể che áng được Thánh tuệ của bần Tăng. Khổ não từ nay sẽ không còn gia hại bần Tăng nữa, vì bần Tăng đang sống trong một phẩm cách thanh tịnh vượt khỏi tất cả sự đau đớn và bất an của kiếp luân hồi!”.

Khởi đầu Theragàthà, kệ ngôn nói: “Ở đâu và khi nào những kẻ khác tham lam, ích kỷ, thì Mahà Moggallàna giữ cuộc đời ẩn dật, hài lòng với lối sống thanh đạm và giảm thiểu thèm muốn. (Theragàthà, các câu từ 1446 đến 1449).

Thuở nọ có một cô gái làng chơi xinh đẹp tìm cách dụ dỗ, Mahà Moggallàna liền dứt khoát từ chối. Ông từ chối như đức Phật đã từ chối sự quyến rũ của những nàng con gái Ma vương (Theragàthà, các câu từ 1150 đến 1157).

Khi Sàrìputta, người bạn cao thượng nhất của ông viên tịch, ông không bị khích động hay bị đau buồn một cách thống thiết như Ananda (lúc ấy chưa đắc quả A La Hán). Ngược lại Mahà Moggallàna đã nhận tin bạn mình qua đời một cách nghiêm trang và thanh tịnh. (Theragàthà, các câu từ 1158 đến 1163).

Tiếp theo, Theragàthà (Tôn Túc kệ ngôn) chuyển sang những câu nói bản lĩnh siêu phàm của Mahà Moggallàna. Chẳng hạn như chuyện ông đã làm lung lay nhiều tòa nhà của một tu viện bằng ngón chân (câu 1164), chuyện ông nhập định một cách vô ngại trong khe núi giữa cơn mưa gió sấm sét (câu 1167).Rồi tư cách ẩn tu một cách bình thản ở những nơi xa xôi hẻo lánh, ông quả thật xứng đáng làm người thừa tự đức Phật và đáng cho các hàng Phạm Thiên Lễ bái (câu 1169).

Riêng những câu Theragàthà từ 1169 đến 1173 là những câu Mahà Moggallàna khuyên nhủ một người Bà La Môn dị đoan và tà kiến khi người ấy thấy Ðại đức Mahà Moggallàna ôn hoà cảnh cáo lão Bà La Môn về những ác ý và các hành động xấu xa như thế, khuyên ông nên kính trọng các bậc Thánh nhân! Những câu kệ ngôn số 1176 cũng là kệ ngôn Mahà Moggallàna tán dương Sarìputta.

Còn các kệ ngôn số 1177 đến 1181 dường như là những lời của chính Ðại đức Sàrìputta ca ngợi Ðại đức Mahà Moggallàna.

Tiếp theo là những câu từ 1182 đến 1186, Mahà Moggallàna dùng để tự kiểm soát lại phép tu chứng và đạt được quả vị giải thoát của mình như bổn phận trên hết mà ông đã hoàn tất.

Cuôí cùng, các kệ ngôn từ 1187 đến 1208 là những kệ ngôn thuật lại Mahà Moggallàna cảm thắng Ma vương như thế nào, tương tự như bản kinh có tựa “Ðối Diện Thần Chết” tìm thấy trong bộ Majjhima Nikàya(Trung A Hàm) số 50 đã nói trên đây vậy.

(Lời phụ giải của Dịch giả: – “Ma vương” trong “Ngôn ngữ Phật giáo thường được dùng với hai hàm ý: Hàm ý thứ nhứt ám chỉ Tử tính trong nhục thân con người, nghĩa là khi nào có một thân thể sinh hoạt là khi ấy có sự có mặt của”Tử tính”. Hành động dù bằng chân hay bằng ý không gì khác hơn là tạo một chu kỳ năng lực, trong đó sự “tiêu thụ” các tế bào phải diễn ra và Tử tính (tức các tế bào cũ phải diệt) đương nhiên phát hiện. Hàm ý thứ hai”Ma vương tức là một loại chúng sanh khác loài người nhưng thường lui tới trong cõi người, mà mắt phàm ít ai có thể trông thấy được).

  1. Kết thúc cuộc đời

Có ba sự viên tịch cần nhắc lại:

  1. Ðức Phật đã nhập diệt một cách siêu phàm với đông đủ Tỳ Khưu Tăng vây quanh. Ðức Thế Tôn đã nhập sâu vào Ðại Ðịnh và trút hơi thở cuối cùng.
  2. Ðại đức Sàrìputta (Xá Lợi Phất) biết trước ngày giờ viên tịch, vội trở lại quê hương cùng với một số đồ đệ thân cận. Sàrìputta chọn một khung cảnh vô cùng trang nghiêm để vừa tiếp độ mẹ già vừa viên tịch. Ấy là căn phòng ngày xưa Ngài đã chào đời.Tuy trước khi nhắm mắt Sàrìputta bị bệnh, nhưng vị Thánh Tăng này đã nhập Niết Bàn một cách rất siêu thoát, có cả chư Thiên đến thăm vào phút chót.
  3. Ðại đức A Nan (Ananda) hưởng thọ đến một trăm hai mươi tuổi mới từ giã cõi đời. Ông có lẽ là người sống lâu nhất trong các hàng Thinh Văn đệ tử Phật. Vì A Nan là vị Thánh Tăng rất thuần thục trong thiền định lấy lửa làm đề mục, nên trước khi viên tịch Ananda chợt có tâm niệm rằng “Ta sẽ không để cho bất cứ ai bận rộn trong việc hỏa táng xác thân phàm tục này!”. Sau đó Ananda nhập thiền vào đề mục lửa rồi viên tịch luôn. Xác thân Ngài tự nhiên bốc cháy và biến thành hỏa táng.

Trước ba cảnh nhập Niết Bàn đầy ý nghĩa đó, ai cũng tưởng rằng Thánh Tăng Mahà Moggallàna sẽ nhập diệt một cách kỳ diệu, nhất là vị Thánh Tăng này lại là bậc Thượng thừa của các loại thần thông.

Nhưng Mahà Moggallàna đã chấm dứt cuộc đời một cách rất đáng thương, rất cảm động (nếu không muốn nói là ghê rợn). Và chỉ có những bậc Thánh nhân từ tâm tròn đủ như Ngài mới có thể viên tịch bằng một cái chết thảm khốc như thế.

Mahà Moggallàna nhập diệt nửa tháng sau Ðại đức Sàrìputta. Nghĩa là vào ngày trăng non (Mồng 1) sau tháng Kattika (khoảng giữa hai tháng 10 và Dương lịch). Lúc ấy nhằm mùa thu, lá vàng rơi đầy tiễn đưa Ngài giã từ “biển khổ”.

Ðêm Phật nhập Niết Bàn là đêm trăng tròn tháng Vesakha (nhằm tháng 5 Dương lịch) tức là nữa năm sau hai vị Ðại đệ tử viên tịch. Phật hưởng thọ tám mươi tuổi, trong khi cả Sàrìputta lẫn Mahà Moggallàna đã từ trần năm thứ 84 của kiếp chót.

Sau đây là những biến cố đáng thương trong cái chết của Mahà Moggallàna:

Lúc ấy Nàthaputta (Ni kiền tử), Giáo chủ đạo Lõa Thể (Jains: Jinas) mà trong kinh điển Pàli gọi là Niganthasàsana (Ni kiền giáo) cũng vừa qua đời.

Có sự tranh luận, xét lại giáo lý của Ni Kiền Tử bỗng xuất hiện trong hàng ngũ những đạo sĩ tu theo môn phái này. Kết quả Ni kiền Giáo (hay còn gọi là đạo Lõa Thể) đã bị mất một số tín đồ và cảm tình viên khá đông, khiến cho các đạo sĩ cầm đầu đâm ra tức giận.

Nhiều sư trưởng đạo Lõa Thể còn nghe đồn rằng: Ðại đức Mahà Moggallàna, sau những chuyến Thiên du (lên trời thuyết pháp rồi trở về) đã tiết lộ rằng: Hầu hết tín đồ Phật giáo đều được sanh lên cõi trên, nhưng rất hiếm những kẻ tu theo đạo khác được hường hạnh phúc ấy. Trái lại, họ còn bị đoạ vào cảnh khổ và tái sinh thành nhiều sinh vật thấp hơn loài người. Ðây có lẽ là tin đồn thất thiệt, nhưng là một trong những lý do khiến cho các đạo khác, kể cả đạo Lõa Thể (Ni Kiền Giáo) bị sút giảm hậu thuẫn. Ðặc biệt, một chi giáo cuồng tín của đạo Lõa Thể ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) đã trở nên giận dữ trước sự mất danh tiếng càng lúc càng trầm trọng ấy, nên họ chủ tâm tiêu diệt Ðại đức Mahà Moggallàna.

Những đạo sĩ cuồng tín Ni Kiền Giáo ấy không chịu điều tra rõ nguyên nhân suy đồi của môn phái mình. Họ chỉ biết âm mưu phỉ báng và trút hết lên đầu Ðại đức Mahà Moggallàna. Nhiều lần họ mưu tâm ám sát vị Thánh Tăng ấy nữa nhưng đều thất bại. Về sau, họ phải mướn bọn cướp làm việc đó.

Thuở bấy giờ cũng có bọn chuyên đâm thuê chém mướn, sẵn sàng nhân, nếu được trả nhiều tiền như ngày nay. Họ là những kẻ vô cùng tham lam và hung bạo. Ðối với họ chỉ có tiền là “cao quí” nhất, nên họ bất chấp việc giết người nào, dù cho nạn nhân là một vị Thánh Tăng! Do đó, một số đạo sĩ cuồng tín Ni Kiền Giáo (Ðạo Lõa Thể) liền tìm mướn họ đi giết Ðại đức Mahà Moggallàna.

Khi ấy, Mahà Moggallàna đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kàlasikà, thuộc vương quốc Ma Kiệt Ðà. Sau khi đã cảm thắng Ma vương (đã thuật trong đoạn trước) Mahà Moggallàna biết rằng “đoạn chót của đời mình” sắp đến. Một vị Thánh Tăng khi đã được hưởng “hương vị” giải thoát hằng thấy rằng “xác thân phàm tục này chỉ là một chướng ngại hay một gánh nặng mà thôi!”

Do đó, Mahà Moggallàna đã không một chút mảy may nghĩ đến việc dùng thần thông để được sống trường thọ. Ngược lại, khi Mahà Moggallàna thấy bọn cướp giết mướn lại gần, Ngài chỉ nghĩ “Ta không nỡ để cho các kẻ ấy phạm trọng tội!”. Thế là toàn thân Ngài tự nhiên biến mất (do thần thông của một cao thủ A La Hán đầy lòng từ bi phát tác, chứ không phải do sự sợ sệt hay lòng tham sống mà ra).

Bọn sát nhân (có sách gọi là bọn cướp) xông vào tịnh cốc, không tìm thấy một ai, chúng lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn vô hiệu, bèn thất vọng ra về. Ngày hôm sau, chúng trở lại, và cũng rơi vào tình trạng như cũ. Nghĩa là từ xa chúng thấy Ðại đức Mahà Moggallàna thấp thoáng, nhưng khi đến gần, chẳng tìm ra Ðại đức đâu cả, mặc dù càng lúc chúng càng kéo đồng bọn đông hơn và lục soát kỹ hơn. Chúng cũng khôn ngoan cho bộ hạ mai phục, rình rập xung quanh tịnh cốc để phát giác sự xuất hiện của Ðại đức Mahà Moggallàna, rồi vẫn không có kết quả. Sau ngày liên tiếp như thế, sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Mahà Moggallàna, và sáu lần Mahà Moggallàna vì lòng từ bi, chỉ một niệm “không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội” thân thể Ngài đã biến mất một cách như nhau.

Ðộng lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy của một vị Ðại Tôn túc A La Hán đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi, nên qua ngày thứ bảy, Ðại đức Mahà Moggallàna đã quán xét bằng Tha tâm thông, thấy rằng “bọn cướp vì tham tiền quá độ sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy”.

Trong khi Ðại đức Mahà Moggallàna sử dụng Tha tâm thông như thế, thì “Di Thần” Thần Công của Ngài tự nhiên biến mất, xác thịt Ngài bất thần hiện lại như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc.

Thì ra ác quả một hành động tội lỗi xa xưa (khi tiền kiếp nọ, Mahà Moggallàna vì sợ vợ, đã nhu nhược đem cha mẹ bỏ vào rừng hoang, đói khát cho đến chết) nay ác quả đang đuổi kịp. Ðại đức Mahà Moggallàna phải trả xong ác quả ấy thì công hạnh mới hoàn toàn! Giống như đức Phật và Sàrìputta, trước khi nhập Niết Bàn đã trải qua một cơn bệnh vậy!

Bọn sát nhân tiến vào tịnh cốc thấy vị Thánh Tăng hiền hoà ngồi đó, liền đâm chết rồi muốn chắc ăn chúng bầm nát tay chân, biến người thành một khối thịt vụn bất động.

Khi biết chắc nạn nhân chỉ còn là một thây ma, không cách nào sống lại, và phe mình sắp được lãnh tiền trả công, bọn sát nhân ung dung bỏ đi không thèm quay lại.

Nhưng Ðại đức Mahà Moggallàna là một Thánh Tăng đại cao thủ thần thông, người không thể nhập Niết Bàn trong tình trạng như thế. Mahà Moggallàna trong khi bị đâm chém đã hoàn toàn nhập định, nên mọi đau đớn không chi phối được Ngài. Bây giờ, Ngài chỉ vận dụng thiền lực tập trung sức mạnh tinh thần điều hợp với thể chất, rồi tái hiện thành một Sa Môn như cũ. Mahà Moggallàna cố gắng đem tấm xương thịt đầy thương tích đến yết kiến đức Phật lần chót. khi hiện diện trước mặt Thiên Nhơn sư, rồi ngồi yên, nhắm mắt lìa đời, biến địa điểm gặp gỡ lần cuối của Ngài và đức Phật thành một khung cảnh vô cùng ảm đạm và thánh thiện (theo Jàtaka 522E).

Tư cách từ bi đối với những kẻ ác tìm kiếm hạ sát mình, và phẩm hạnh giải thoát mà vị Thánh Tăng này đã đạt được từ khi Ngài chứng bậc A La Hán quả thật đã không rời Ngài cho đến phút chót. Phẩm hạnh ấy đã gói trọn bảy ngày sống sau cùng của Mahà Moggallàna. Bảy ngày quá khắc nghiệt của định luật nhân quả và tràn trề lòng Từ bi của một bậc Thánh. Một khoảng thời gian tàn khốc của kiếp sống đầy đe dọa, chỉ có những bậc đã dứt trừ phiền não và không còn dục vọng mới có thể trải qua một cách dễ dàng! Nghiệp tạo tác trong quá khứ phải trổ quả trong hiện tại là một điều tự nhiên. Người phàm hay Thánh nhân chỉ khác nhau ở cách đón nhận cái quả ấy. Nếu phàm tục đón nhận hậu quả một cách si mê thì Thánh nhân nhìn thấy hậu quả một cách sáng suốt thanh tịnh.

Thánh Tăng A La Hán Mahà Moggallàna không còn là một chúng sanh vướng chặt trong thế giới vô thường thì “quỷ vô thường” dù có hoành hành trong kiếp chót, cũng không thể nào ngăn cản Ngài bước vào con đường giải thoát.

Ðoạn chót của quyển sách nhỏ bé này nói về cuộc đời của Ðại đức Mahà Moggallàna còn cho chúng ta một ý nghĩa khác: Ðó là sức mạnh của Nghiệp Quả, một sức mạnh tự nhiên, không ai làm chủ cũng không có một thần thông nào thay đổi nó được.

Ðối với một đấng Toàn Giác, sức mạnh của “Nghiệp Oan Trái” tuy không có hiệu lực trong kiếp chót, nhưng vẫn trổ quả đầy đủ trong một đời sống trước kiếp chót. Trường hợp đặc biệt củ một vị “Bồ tát tu hành tinh tấn” nếu đắc được Chánh Ðẳng Chánh Giác trước kiếp chót, rồi viên tịch luôn thì sức mạnh của Nghiệp Oan Trái may chăng không bao giờ theo kịp và trở nên vô hiệu chứ không phải là không có!

Sau khi Mahà Moggallàna và Sàrìputta tịch diệt rồi, đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở đến hai vị Ðại đệ tử này trước cộng đồng Tăng chúng như hai “bảo vật” đã mất.

Câu mà đức Phật thường tán dương hai vị Ðại đệ tử là “một đôi Thánh nhân kỳ diệu, lỗi lạc và duyên phúc vẹn toàn!”

Nhưng điều kỳ diệu hơn hết phải nói là đức Phật đã nhìn đôi đệ tử “quí báu nhất thế gian” ra đi bằng một thái độ giải thoát. Thái độ chỉ có đấng Thiên Nhân Sư mới có thể đạt đến!

Vì vậy, chúng ta là những Phật tử đọc lịch sử và sự viên tịch của hai vị Thánh Tăng này chúng ta học được gì? Phải chăng chúng ta cần nương nhờ nơi chúng ta? Chúng ta chính là “Hòn đảo duy nhất” của chúng ta. Chớ tìm kiếm một “Tha lực” nào khác!

Chân lý mà chúng ta học được ở Phật là ngọn đèn bất diệt trên cái “hòn đảo” ấy. Nếu đèn thế gian thường soi sáng nhiều hướng, thì đèn chân lý cũng soi rõ bốn căn gốc phiền não: ấy là phiền não trong thân (Sắc), phiền não trong cảm giác (Thọ), phiền não trong tâm (Tưởng, Thức) và phiền não trong pháp (Hành). Người nào nhận diện được phiền não trong bốn nền tảng Thân, Thọ, Tâm, Pháp như thế, gọi là người đã hiểu đúng lời Phật dạy, đã biết rõ mình là “ai”, và chỉ bị luân hồi bằng cái gì (bằng ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), người ấy chắc chắn sẽ bước chân vào con đường giải thoát!

Nói cách khác là người tu Phật, ngoài việc cố gắng gìn giữ giới hạnh cho được trong sạch, cần phải liên tục thực hành phép tu tâm trong chánh thiền (An trụ và Quán xét) để lúc nào người Phật tử cũng sống trong “sự biết mình”(Satipathàna) và với một tâm hồn tự tại.

Nếu Bát Chánh Ðạo (Atthangika Magga) là con đường chúng ta phải đi, Giới Ðức (Sìla) là “sinh hoạt” chúng ta phải thực hiện, Thiền Ðịnh (Samàdhi) là “thực phẩm” chúng ta phải ăn, thì Tứ Niệm Xứ (Catu Satipatthàna) là “ngọn đèn” chúng ta phải thắp để vượt qua khỏi cái biển khổ tử sanh luân hồi vậy./.

Dịch xong tại Paris,
Ngày 3 tháng 3, 1988
Nguyễn Ðiều

-ooOoo-

Phật ngôn

“Selo yathà ekaghano, vàtena na samĩrati! evam nindàpasamsàsu, na saminjianti pandità!” (Dhammapàda)

Dịch:

“Như tảng đá vững vàng không lay chuyển, hàng Thánh nhân thanh tịnh giữa cuộc đời. Chê chẳng buồn, khen cũng thản nhiên thôi!”

Ca dao

Sen

Trong đầm gì đẹp bằng Sen?
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
(Văn chương bình dân Việt Nam)

Thơ

Ðạo chứng thân tâm vốn lặng trong
Thần thông biến hóa diệu vô cùng!
Vô biên thế giới hà sa số
Một thoáng 
định tâm, đếm cả xong
Sáu cõi, ba đời, hoàn lại một
Tiền Nhân, hậu quả vẫn chung vòng
Kiền Liên bậc Thánh không mà có
Sử chép ngàn sau ấy Mật Tông!
— Nguyễn Ðiều, 1988