Phần 1
ANURUDDHA
ANURUDDHA (A Nậu Lâu Ðà): Một cái “Tên” tuy ít được “giới thiệu” trong các kinh sách Phật giáo, nhưng là một cái “Tên” rất đáng cho các hàng Phật tử, ở thời đại Khoa học không gian “tìm hiểu”! Lý do chỉ vì cái “Tên” ấy ám chỉ một nhà “Thiên văn huyền bí”, một Thiền giả chuyên phát triển “Thần lực”, để có thể nghe, thấy và biết được nhiều thế giới vô hình lẫn hữu hình khác nhau, trong cái vũ trụ vô biên, cực kỳ phức tạp này.
Hai danh từ “Thiên Nhãn Thông” (thấy xa vạn dặm) và “Thiên Nhĩ Thông” ( nghe xa vạn dặm) trong ngôn ngữ “siêu hình”, cho đến nay vẫn còn là một vấn đề “huyền bí”! Nhưng Thánh nhân A Nậu Lâu Ðà đã “rõ” được sự huyền bí đó, cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhờ thuần thục Cực Ðịnh trong Thiền pháp Phật giáo!
Muốn biết sử tích của vị Ðại Thinh Văn, đệ tử Phật, đã luyện thành “thần lực độc đáo” ấy ra sao, mời quí vị hãy đọc qua những trang sách này.
Dịch giả
THỜI NIÊN THIẾU VÀ DUYÊN LÀNH XUẤT GIA
Phụ thân của đức Phật, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) có một em trai là hoàng tử Amitodana. Vị ngự đệ này sinh năm con và nuôi dưỡng hai cháu là:
1/ Mahànàma, nối dòng thừa truyền vương tộc Thích Ca (Sakya).
2/ Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà), một Hoàng tử đẹp trai, mảnh khảnh, về sau tu đắc “Thiên Nhãn Thông” cao nhất.
3/ Ànanda (A Nan Ðà) cũng xuất gia, rồi làm thị giả đức Phật.
4/ Pandu, Hoàng tử nhút nhát, ít người biết tên.
5/ Rohini, Công chúa bất hạnh, bị “phong lở” nên thường ẩn mặt.
6/ Bhagu, Hoàng tử trầm lặng, làm việc gì cũng kiên nhẫn.
7/ Kimbila, Hoàng tử khoẻ mạnh và vui tính.
(Hai Hoàng tử sau cùng là cháu).
Nhưng đặc biệt trong “Tôn Túc Kệ Ngôn” câu số 911 (Theragàthà 11), tác giả là Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) đã tự mình diễn tả tóm tắt thời niên thiếu như sau:
“Tôi sinh ra trong hoàng cung ánh sáng,
Vương tộc Thích Ca, dòng họ của tôi.
Anuruddha là tên, cuộc sống vui cười,
Giữa nhung lụa và nhạc đời hầu hạ…”.
(N. Ð. thoát dịch ra văn vần).
Từ đó, chúng ta có thể mô tả rằng thuở thanh xuân, A Nậu Lâu Ðà đã hưởng trọn một cảnh sống cao sang quyền quí, vây quanh bởi các lạc thú hấp dẫn nhất trần gian, trong kinh đô Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) đầy phong cảnh hữu tình nằm gần chân Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), một ngọn núi hùng vĩ nhất thế giới.
Cuộc vui hằng ngày của Hoàng tử Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) đã làm cho ông quên mất khái niệm thời gian, không thấy rõ sự chóng tàn của các lạc thú nhục dục. Những bản nhạc du dương, và những niềm tin thần bí về sự vững chắc của giai cấp vua chúa (theo văn minh Bà la môn giáo) cũng làm cho ông chẳng bao giờ nghĩ đến ý nghĩa cùng mục đích của kiếp sống làm người. Hoàng tử Anuruddha chỉ biết say sưa với gái đẹp, nhạc hay, rượu ngon, ăn sung mặc sướng, rồi nhìn cuộc đời như một thiên đường!
Nhưng cũng chính vào lúc Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) đang say đắm trong Ngũ trần khoái cảm đó, thì một “biến cố” đã làm cho đời sống hạnh kiểm của ông hoàn toàn chuyển hướng.
Số là người anh Anuruddha, Hoàng tử Mahànàma một hôm nghĩ rằng: “Nhiều hoàng thân trong gia đình “Vương Bá” (ám chỉ vua Tịnh Phạn: Suddhodana) đã theo chân đức Phật xuất gia. Trong khi đó, chưa có một người nào thuộc gia đình ông (tức giòng ngự đệ Amitodana) góp mặt trong đời sống cao thượng Tăng Già. Nhất là ngoài ông ra, gia đình còn đến bốn Hoàng tử thông minh khỏe mạnh”.
Mahànàma tự xét mình thì cảm thấy chưa đủ tịnh duyên để trở thành một Sa-môn gương mẫu cho cả năm anh em, nên sau cùng ông đến bày tỏ ý nghĩ ấy với Anuruddha. Qua một hồi “tâm sự” Mahànàma đã kết luận với em rằng:
– Này Anuruddha, giữa thân huynh và hiền đệ, một trong hai người nên xuất gia để gây phúc lành cho gia đình.
Thoạt đầu Anuruddha có vẻ không bằng lòng. Cậu viện cớ thân mình mảnh khảnh, bản chất thư sinh, không chịu nổi cuộc sống vất vả của một “khổ hạnh khất sĩ”.
Tuy lý do về thể xác, được Anuruddha nêu ra khá hiển nhiên, nhưng Mahànàma vẫn kiên nhẫn phân tích để em thấy rằng: Làm người thừa tự cho vương tộc Sakya (Thích Ca) là một trách nhiệm còn nặng nề hơn nữa!
Mahànàma nói:
– Này Anuruddha! Thừa tự một đại tộc không phải là chuyện đơn giản. Gánh nặng này anh không muốn để cho em phải chịu! Làm một hoàng thân càng nhiều của cải ruộng đất thì đời sống càng vướng mắc, và càng bị bao vây! Quanh năm suốt tháng, hết trông coi việc đồng áng, ruộng nương, thì đến việc quản đốc đất đai, trồng tỉa cây trái, thúc hối gia nhân bón phân tưới nước cho các hoa màu. Rồi mùa gặt hái lại đến. Số thu hoạch nếu dồi dào sẽ làm cho những đại tộc khác ganh ghét, tìm cách phá hoại. Còn nếu lợi tức thất bát thì chi phí đè nặng trên vai! Một hoàng thân khó sống theo kiểu có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, như các hàng dân dã.
Nhưng Anuruddha còn say mê trong sự hưởng thụ vật chất, chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của những lời phân tích đó, liền nói:
– Quản trị tài sản tuy có khó khăn, nguy hiểm thật, song mình lại được đền bù, còn đi tu thì không còn làm chủ bất cứ một cái gì hết!
Mahànàma bình tĩnh giải rõ hơn:
– Này Anuruddha! Nhưng trong vai trò cai quản tài sản, trọn đời bị quay cuồng với những nghiệp trần, em sẽ không có thời giờ để mà hưởng thụ! Vả nếu em lo hưởng thụ, không làm tròn các phận sự duy trì gia sản, thì của cải kia chẳng mấy chốc phải tiêu tan! Các quí tộc khác nhân đó, sẽ gạt dòng họ Thích Ca ra ngoài giai cấp lãnh đạo.
– Này Anuruddha! Chính ông cha của chúng ta, từ nhiều đời, cũng bị cột chặt trong cái vòng danh dự truyền kiếp đó, mà từ khi khôn lớn cho đến phút nhắm mắt, họ đã không thoát khỏi những xiềng xích dây chuyền là gìn giữ gia sản để giao lại cho con cháu. Và họ đã không nghĩ đến bản thân thụ hưởng, vì biết rằng sự thụ hưởng vốn dẫn đến phá sản, rồi không còn gì lưu lại cho đời sau.
– Này Anuruddha! May mắn thay trong hoàng tộc Thích Ca (Sakya) đã có một người đại trí, tự bước ra khỏi cái vòng cương tỏa ấy để thực sự giải thoát là đức Phật Cồ Ðàm. Và hiền đệ ngày nay lại có anh gánh vác lấy phiền nghiệp thế gian, tại sao em còn chần chờ?
Anuruddha nghe mấy lời ấy, bèn kinh cảm nghĩ rằng: “Quả thật hiền huynh ta đã mô tả đúng đời sống của cha ông ta. Họ đã chỉ tỏ ra cho người ngoài tưởng là họ có uy quyền và hưởng thụ, nhưng thực tế bên trong, họ vốn nối tiếp nhau vướng chặt trong cái vòng danh vị thế gian, và chắc chắn sẽ bị luân hồi theo một chiều tư duy không thể tránh được”.
Mahànàma nhận thấy em mình có vẻ lĩnh hội chân ý, liền ôn tồn từ giã, lui về tư thất.
Ðêm hôm đó, Anuruddha suy nghĩ rất nhiều. Những thắc mắc về sự chết, và mục đích của kiếp người hiện tại, đã làm cho Hoàng tử cảm thấy đời sống thật vô nghĩa nếu không muốn nói là giả tạo.
Nghĩ đoạn Anuruddha quyết định noi gương đức Phật, tìm cách bẻ gãy cái vòng thế nghiệp lẩn quẩn triền miên.
Hoàng tử Anuruddha vội đến ra mắt thân mẫu để xin phép xuất gia thì bị bà từ chối, viện cớ rằng: “Bà không muốn sống xa bất cứ một đứa con nào hết!”
Nhưng Anuruddha cứ năn nỉ hoài khiến thân mẫu đâm ra lúng túng. Sau cùng bà nêu điều kiện, nếu Anuruddha thuyết phục được Hoàng tử Bhaddiya, một người bạn thân vừa là viên phụ chính chờ nối ngôi Vương tộc Sakya, cùng đi tu với Anuruddha thì bà sẽ ưng thuận. Sở dĩ bà làm vậy bởi tin tưởng rằng: “Hoàng tử Bhaddiya khó dám bỏ rơi ngôi báu”. Nhờ đó bà sẽ cản được Anuraddha xuất gia theo Phật!
Nhưng bà đã lầm vì đánh giá sai tình bạn giữa hai Hoàng tử trẻ tuổi: Bhaddiya có thể rất thích ngôi vua, song tình bạn cậu dành cho Anurudha cũng không phải nhỏ, nhất là Bhaddiya chẳng muốn làm Anuruddha buồn lòng.
Bởi thế khi Anuruddha đến gặp Bhaddiya và thố lộ rằng: “Sự giải thoát của tôi tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của bạn! Nếu bạn cùng tôi noi gương Phật, thì tôi sẽ được hân hạnh thân mẫu cho xuất gia. Còn ngược lại, tôi phải chịu tiếp tục sống trong cuộc đời đầy sơn phết, giả tạo này!
Nghe mấy lời tâm sự tha thiết đó, Bhaddiya lập tức thốt, không suy nghĩ:
– Này Anuruddha! Tình bạn giữa hai chúng ta xưa nay không bao giờ bất đồng ý kiến, hay ai phải tùy thuộc ai cả! Hễ cái gì làm cho bạn sung sướng là tôi sẽ chấp thuận. Ngay cả việc xuất gia cũng…
Hoàng tử Bhaddiya bỗng dừng lại, không nói hết câu, vì cậu chợt cảm thấy có cái gì không ổn, nhất là câu chuyện vốn liên quan đến địa vị kế nghiệp của mình làm vua sau này.
Nhưng trước ánh mắt cầu khẩn và trước những lời lẽ chân thành, được lập đi lập lại của Anuruddha, nên thay vì Bhaddiya đủ can đảm bộc bạch thật lòng, chẳng hạn như: “Bạn có thể xuất gia một mình đi, tôi vô cùng hoan nghênh, không dám cản. Chứ tôi, tôi cần tính lại v.v…” thì cậu phải bỏ lửng nói ở đó, rồi ngồi im.
Hơn nữa, nét buồn trên khuôn mặt của Anuruddha mỗi lúc một rõ rệt, càng làm mềm lòng người bạn thân hơn. Cuối cùng Hoàng tử Bhaddiya liền an ủi:
– Này Anuruddha! Vâng, tôi sẽ cùng xuất gia tu Phật với bạn. Nhưng để cho mọi việc chuẩn bị vẹn toàn, bạn có thể chờ tôi khoảng bảy năm được không?
Anuruddha lập tức tỏ vẻ thất vọng, than rằng:
– Bảy năm nữa thì thật.. lâu quá! Này Bhaddiya! Nếu trong vòng bảy năm ấy, mà tuổi thọ của chúng ta hết, thì chúng ta sẽ mất duyên lành giải thoát và phải bị luân hồi.
Rồi chàng tiếp tục năn nỉ Bhaddiya.
Cứ như thế mà Anuruddha đã làm xiêu lòng người bạn, giảm dần sự chờ đợi xuống còn bảy ngày, cái thời gian tối thiểu để Bhaddiya có thể sắp đặt việc nhà, tìm người kế nghiệp.
Lúc bấy giờ Anuruddha mới yên tâm ra về, bởi chàng biết rõ bạn mình là người luôn luôn tôn trọng lời hứa.
Quyết định này đã làm đảo lộn truyền thống thừa tự của hoàng tộc Thích Ca (Sakya) rất nhiều. Vì số vương tử sau đó noi gương đức Phật sẽ không chỉ là Anuruddha và Bhaddiya, mà còn những người khác nữa.
Kết quả đã có sáu Hoàng tử Thích Ca (Sakya) cùng nhau rời kinh đô Ca Tỳ La Vệ tìm đến đức Phật, mang theo một vương bộc (Sách khác gọi là người thợ hớt tóc trong cung vua) tên Upàli.
Sáu hoàng tử đó là: Bhaddiya, Anuruddha, Ànanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta (theo Tôn Túc Kệ Ngôn các số 271-274 và 118, 155-156: The-ragàthà numbers 118, 155-156, 271-274).
Và để tránh sự chú ý của các giới quí tộc cùng dân dã, có thể gây trở ngại cho công cuộc “lên đường” lịch sử, sáu vị Hoàng tử ấy đã tổ chức một đoàn tùy tùng có binh mã hộ tống, giống như thường lệ họ đi ngoạn cảnh hay đi săn bắn vậy.
Khi đã cách kinh đô một khoảng thật xa, sáu vị Hoàng tử bèn ra lệnh cho quân lính quay về, rồi họ tiến thẳng vào một địa phận lân cận, để cởi hết y phục sang trọng và đồ trang sức, giao cho vương bộc Upàli, bảo rằng giá trị của tất cả những thứ này, có thể giúp cho ông sống mãn đời, mà không cần đến chủ cũ nữa.
Nhưng Upàli, trên đường về nhà chợt suy nghĩ: “Những hoàng thân trong vương tộc Thích Ca, ai xu hướng theo đạo Phật thì thôi, còn ai chưa tin tưởng Phật giáo, lại rất đa nghi. Nếu họ hiểu lầm ta đã sát hại sáu vị Hoàng tử kia, để đoạt hết những tư trang này, họ chắc chắn sẽ giết ta. Tốt hơn ta hãy chạy theo sáu Hoàng tử ấy để chủ tớ chung đường, tu hành có nhau, và mạng sống của ta cũng được bảo đảm”.
Nghĩ đoạn, Upàli liền cột tất cả y phục và tư trang của sáu Hoàng tử thành một bó, treo lên cành cây, rồi nỗ lực đuổi theo sáu viên thiếu chủ.
Khi Upàli bắt kịp họ, vội nói:
– Này các Hoàng tử! Upàli nầy không thể trở về kinh đô một mình với những tư trang vương giả mà không có mặt quí vị! Các quan quân trong thành sẽ nghi lầm và gia tội hạ thần rất nặng nề! Chi bằng các Ngài hãy cho Upàli này đi theo, để noi gương đức Phật, sống đời Sa-môn phạm hạnh!
Những Hoàng tử dòng họ Thích Ca (Sakya) khi nghe mấy lời ấy, cũng nghĩ: “Upàli quyết định nối gót chúng ta là một điều hợp lý. Vì con đường dẫn đến đức Phật chắc chắn sẽ bình an, còn y trở về hoàng cung không chừng gặp phải nguy hiểm!”. Nghĩ đoạn họ bèn cho phép Upàli vầy đoàn, rồi nhắm hướng đức Phật cư ngụ thẳng tiến.
Khi tất cả đã ra mắt đức Phật, và được Phật chấp thuận cho gia nhập Tăng chúng, thì các Hoàng tử chợt tư duy rằng: “Hoàng tộc Thích Ca xưa nay vốn rất tự phụ. Nếu các vương tử được thụ giới trước thường dân Upàli, thì tánh xấu ngã mạn kia sẽ khó tẩy trừ. Vậy yêu cầu đức Phật ban phép xuất gia đến vương bộc Upàli trước, rồi sau đó mới thế phát cho sáu Hoàng tử Thích Ca! Như thế Tỳ kheo Upàli sẽ là vị Tăng sĩ niên trưởng để chúng ta phải kính trọng và làm bổn phận của những sư đệ”.
Tâm tưởng cao thượng ấy thúc đẩy sáu vị Hoàng tử thể hiện bằng hành động. Họ lần lượt yêu cầu đức Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Lâu nay Upàli đã phục vụ hết lòng cho vương tộc Thích Ca, và để trả ơn cũng như để cho sự tu hành của chúng tôi được tiến triển tốt đẹp, ngưỡng mong đức Thế Tôn cho phép Upàli xuất gia trước.
Ðức Phật thấu rõ điều suy nghĩ đáng khen của sáu hoàng thân, liền nhận lời. Kết quả, cộng đồng Tăng Già (Saígha) dưới sự hướng dẫn của đức Phật sau đó đã tăng thêm bảy vị. Trong số ấy, vị niên trưởng chính là Tỳ kheo Upàli vậy! (theo Tiểu Phẩm, chương VII, trong Tạng Luật: Vinaya, Cullavagga, Chương VII).
Và chỉ trong vòng một năm sau, hầu hết bảy Sa-môn ấy đã đạt được những thành tích tâm linh vượt bậc. Chẳng hạn như Ðại Ðức Bhaddiya, vị thứ nhất đắc quả A-la-hán với Tam thông (Tevijjà) có trí tuệ đặc biệt, loại trừ mọi phiền não một cách dễ dàng (Panna Vimutta). Tam thông là Túc Mạng Thông (biết hết tiền kiếp của mình), Thiên Nhãn Thông (thấy rõ mọi loài, vô hình lẫn hữu hình), và Lậu Tận Thông (tẩy sạch phiền não). Còn Anuruddha (A Nậu Lâu Ðà) thì đắc Thiên Nhãn Thông. A Nan Ðà (Ànanda) đạt thánh quả Nhập Lưu ( Sotapanno). Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) luyện thành nhiều quyền thuật siêu nhiên. Riêng Bhagu, Kimbila và Upàli thì về sau mới đắc quả A-la-hán. (Giống như A Nan Ðà và A Nậu Lâu Ðà). Chỉ có một điều đáng tiếc là Ðề Bà Ðạt Ða, vì luyện thành nhiều quyền lực siêu phàm, mà trở nên ỷ lại, rồi ngã mạn và tham lam lại phát sinh, đến nỗi ông trở nên tăm tối, đi vào con đường chống Phật, phải bị sa đọa vào địa ngục Vô gián.
ÐẮC THIÊN NHÃN THÔNG
Trong số những người đắc các thần thông hiếm có, thì A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) là một cao thủ. Chính đức Phật cũng đã xác nhận dữ kiện ấy trước các hàng Tăng chúng. Phật nói:
– Này chư Tỳ-khưu! A Nậu Lâu Ðà là một đại Sa-môn đạt Thiên Nhãn Thông cao nhất (theo Tăng Chi A Hàm 1, chương 19: Anguttara Nikàya 1, chương 19).
Một lần nọ, khi một nhóm đệ tử ưu tú của đức Phật an cư kiết hạ, tụ tập với nhau trong rừng Gosinga ( xiêm gai), một vấn đề đã được nêu lên là: “Ai sẽ là bậc xứng đáng lấy khả năng độc đáo của mình, để làm cho ngôi rừng Gosinga này trở nên rạng rỡ, trang nghiêm và thanh thoát, khiến cho Phật tử mười phương mỗi khi nghe đến là hân hoan ngưỡng mộ?”
A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) liền trả lời:
– Sa-môn nào là người có Thiên Nhãn Thông tuyệt diệu nhất, là bậc quan sát và nhìn thấy thật dễ dàng muôn ức triệu thế giới và vũ trụ, phân biệt từng tinh tú hệ riêng rẽ…, như một người đứng trên tháp cao nhìn xuống những ranh giới nhà nông. (theo Trung A Hàm số 32: Majjhima Nikàya No. 32).
Rồi một dịp khác, A Nậu Lâu Ðà lại bày tỏ rằng:
– Ông nhờ tinh tấn phát triển thiền pháp định tâm (Samàdhi kammatthàna) mà đạt được Thiên Nhãn Thông cao nhất. (theo Tạp A Hàm 52/23: Samyutta Nikàya 52/23).
Và ông cũng đã hướng dẫn cho nhiều đệ tử của mình thực hành thiền pháp ấy, để khai mở “Tịnh nhãn”, tích tụ công lực, làm nền tảng cho một sự thụ đắc Thiên Nhãn Thông sau này.
Và để cho người đời dễ nhớ hơn, Thiền sư A Nậu Lâu Ðà còn lưu lại những câu kệ ngôn rằng:
“Tu Ðịnh chắc vào năm căn [1] minh sát
Ý và tâm thanh tịnh với Ngũ trần
Thần trí an rồi, nhãn lực không phân
Công phu ấy là thần thông trong mắt.
Nhãn căn có thì nhãn linh phải ắt
Qua Ngũ thiền [2] tự khắc hiển hiện ra
Như vầng Thái dương quang lực chói lòa
Soi rõ hết muôn vạn chiều sinh diệt.
Vượt quá khứ, phi tương lai biền biệt
Hội về tâm, hiện tại Một Pháp Thiền
Diệu đế thấy rồi nhãn lực vô biên
Trong nhãn thức, một thần thông giải thoát”.
(NÐ. thoát dịch ra văn vần, theo Tôn Túc Kệ ngôn, các câu số 916, 917: Theragàthà 916-917).
[1] Năm căn là: Nhãn căn, nhĩ căn, tỵ căn, thiệt căn, và thân căn.
[2] Ngũ thiền: Là bậc cao nhất trong thành quả tu thiền, gồm nhất thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và ngũ thiền.
Thiên Nhãn Thông hay Thần Nhãn (Dibba Cakkhu) là một trình độ kiến nhận vượt khỏi khả năng của đôi mắt phàm tình, dù cho đôi mắt ấy nhìn xuyên qua một dụng cụ khoa học tối tân.
Nhưng “Thần Nhãn” của Anuruddha, theo kinh Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga sutta) còn kỳ diệu hơn nữa, có thể tỏa rộng tới ngàn vạn chiều tinh thể, tức là tương đương với sự thấy rõ hàng ngàn “dãy Ngân Hà” (Galaxie) trong Thiên Văn Học ngày nay!
(Lời thêm của dịch giả: “Dãy Ngân Hà” là một tập hợp của vô số tinh tú. Mỗi tinh tú vận chuyển tạo ra một hệ thống riêng biệt. Chẳng hạn như mặt trời là một tinh tú, có những hành tinh quay xung quanh nó, gọi là Thái Dương hệ, mà đôi “mắt thánh” của Thiền sư Anuruddha có thể nhìn thấy hàng ngàn dãy Ngân Hà như thế, tức là Ngài đã thông thấu tới ngàn vạn chiều thiên thể vậy).
Cũng theo kinh Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga) thì thần thông (Thiên Nhãn) này chỉ đạt được khi hành giả đã thành công vững chắc từ Tứ Thiền trở lên (Catuttha Jhàna) và đang phát triển mạnh các “Thiền Tâm Vô Sắc”, như “Không Vô Biên” hay “Thức Vô Biên” chẳng hạn! (Kinh Visuddhimagga: Thanh Tịnh Ðạo, đã được học giả Nànamolika dịch Pàli sang Anh Ngữ, do Buddhist Publication, Kandy xuất bản năm 1979, chương XIII, các đoạn 95-101, xem những trang từ 469 đến 471. Chúng tôi xin ghi vào đây để quí vị độc giả rộng đường nghiên cứu).
Ngoài ra, điều cần lưu ý thêm là “Thiên Nhãn” này là một thần thông nằm trong Tam Thế Pháp (Tilokiyadhamma). Do đó có thể có một số rất ít phàm nhân (Puthujjana) đạt được (tuy rất hiếm) chỉ cần họ đắc định từ đệ Tứ thiền trở lên, hay các Thánh Tăng có Tĩnh lực lưu lại từ tiền kiếp. Và Thiền sư A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha) đã đắc thần thông này trước khi chứng quả A-la-hán (Arahatta).
Chính đức Phật lúc còn tại tiền cũng đã hằng ngày dùng thần thông ấy mỗi buổi sáng (vào rạng đông) để quan sát khắp ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, xem có ai hữu duyên với chánh pháp, rồi Ngài tùy nghi tiếp độ! Lắm khi nhờ Thiên Nhãn Thông mà đức Phật đã thấy được nhiều đệ tử đang ở rất xa Bổn Sư, bị những “ma chướng pháp” quấy nhiễu trong khi hành thiền, để Ngài hiện đến dạy cho pháp giải trừ.
Nói chung, đặc điểm của Thiên Nhãn Thông là “thấy” được một chúng sanh hết tuổi thọ (chết) ở một cảnh giới này, rồi luân hồi (tái sinh) vào một cảnh giới khác, có thể là cõi cao hơn, hay cũng có thể là cảnh thấp kém, đày đọa hơn. Ðặc điểm ấy chữ Pàli trong kinh gọi là Cutùpapàta Nàna (Tạm dịch là Nhãn Thông Sinh Tử Ðồ).