Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Trương Văn Chiến 45

10. PHẨM HƯƠNG TÍCH PHẬT
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghĩ rằng:

– Sắp đến giờ ăn. Các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? Duy Ma Cật biết ý, nên nói rằng:

– Phật thuyết bát giải thoát. Nhơn giả đã thọ hành. Há có xen cái tâm muốn ăn mà nghe pháp ư! Nếu muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ông được bữa ăn chưa từng có. Duy Ma Cật liền nhập chánh định. Dùng sức thần thông thị hiện cho đại chúng thấy cõi phương trên, cách bốn mươi hai hằng sa quốc độ, có Phật Hương Tích hiện ở cõi Chúng Hương. Mùi hương cõi ấy bậc nhất, siêu việt mùi hương trời người của các cõi Phật mười phương. Cõi ấy chẳng có tên gọi nhị thừa. Chỉ có chúng đại Bồ Tát trong sạch, đang nghe Phật thuyết pháp. Sự vật trong đó, tất cả đều dùng hương làm thành. Lầu các, vườn tược cho đến đất kinh hành đều có mùi hương. Mùi hương của cơm lan tràn khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật cùng các Bồ Tát đang ngồi ăn. Có các thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, cúng dường Phật và các Bồ Tát. Ðại chúng nơi cõi này đều thấy rõ cả.

Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát rằng:

– Các nhơn giả! Vị nào có thể đến thỉnh cơm của Ðức Phật ấy? Do sức oai thần của Văn Thù, nên cả chúng đều im lặng.

Duy Ma Cật nói:

– Này các nhơn giả! Chẳng tự hổ thẹn sao?

Văn Thù nói:

– Như lời Phật dạy, chớ khinh sơ học.

Khi đó, Duy Ma Cật chẳng rời chỗ ngồi. Trước mặt đại chúng hóa ra vị Bồ Tát tướng tốt rực rỡ, oai đức thù thắng hơn cả chúng trong hội, mà bảo rằng:

– Ông hãy đến cõi Phật Chúng Hương, bạch như lời tôi đây:

“Duy Ma Cật đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, và vô cùng cung kính tỏ lời hỏi thăm sự ăn ở hằng ngày, ít bệnh, ít phiền não, khỏe mạnh chăng? Mong được cơm thừa của Phật, đem về cõi Ta Bà thí làm Phật sự. Khiến kẻ ưa pháp tiểu thừa được vào đại thừa. Cũng khiến cho tiếng tăm của Như Lai ai cũng được nghe.”

Khi ấy, đại chúng trong hội đều thấy hóa thân Bồ Tát bay lên phương trên, đến cõi Chúng Hương đảnh lễ chân Phật và lập lại lời Duy Ma Cật như trên. Các đại sĩ cõi ấy thấy hóa thân Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, liền hỏi Phật:

– Thượng nhơn này từ đâu đến? Cõi Ta Bà ở chỗ nào? Thế nào gọi là kẻ ưa pháp tiểu thừa?

Phật bảo:

– Nơi phương dưới cách bốn mươi hai hằng sa cõi Phật, có thế giới Ta Bà là ngũ trược ác thế. Hiện có Phật Thích Ca, đang vì những chúng sanh ưa pháp tiểu thừa, diễn giảng Phật pháp. Ở đó, có vị Bồ Tát tên là Duy Ma Cật, trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì. Vì thuyết pháp cho các Bồ Tát, nên sai hóa thân đến khen ngợi danh hiệu ta, và tán thán quốc độ này, khiến các Bồ Tát ấy tăng thêm công đức.

Các Bồ Tát hỏi:

– Vị đó như thế nào, sao có sức công đức vô úy hóa ra Bồ Tát thần túc như thế?

Phật bảo:

– Thần lực của Duy Ma Cật rất lớn. Thường sai hóa thân đến khắp cõi mười phương thí làm Phật sự để lợi ích chúng sanh.

Tức thì Hương Tích Như Lai dùng bát Chúng Hương đựng đầy cơm hương trao cho hóa thân Bồ Tát.

Khi ấy, chín triệu Bồ Tát kia đều nói:

– Chúng con muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca và muốn gặp Duy Ma Cật với các Bồ Tát cõi ấy.

Phật bảo:

– Ðược thôi! Nhưng phải thu nhiếp mùi hương của các ngươi. Chớ khiến chúng sanh cõi kia khởi lòng mê đắm. Lại nữa, hãy bỏ hình dạng của các ngươi. Chớ khiến những người cầu Bồ Tát thừa cõi kia sanh lòng hổ thẹn. Và các ngươi đối với cõi ấy chớ khởi tâm khinh chê mà tự chướng ngại. Tại sao? Mười phương quốc độ đều như hư không. Chư Phật vì muốn hóa độ những kẻ ưa pháp tiểu thừa, nên chẳng hiện cõi thanh tịnh ấy thôi.

Khi hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát thừa oai thần Phật và thần lực của Duy Ma Cật, ở nơi cõi ấy bỗng nhiên biến mất, chốc lát đến nhà Duy Ma Cật. Lúc đó, Duy Ma Cật liền hóa ra chín triệu tòa sư tử tốt đẹp như trước, các Bồ Tát đều an tọa.

Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương cho Duy Ma Cật. Mùi hương của cơm tỏa khắp thành Tỳ Da Ly và đại thiên thế giới. Các Bà La Môn và cư sĩ trong thành Tỳ Da Ly ngửi được mùi hương, thân tâm khoan khoái, tán thán việc chưa từng có.

Trưởng giả Nguyệt Cái cùng với tám mươi bốn ngàn người đến nhà Duy Ma Cật, thấy trong phòng đông đảo các Bồ Tát và những tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đều rất vui mừng, đảnh lễ các Bồ Tát và đại đệ tử rồi đứng qua một bên.

Các địa thần, hư không thần và chư thiên cõi dục giới, sắc giới ngửi được mùi hương cũng đều đến nhà Duy Ma Cật.

Bấy giờ, Duy Ma Cật bảo Xá Lợi Phất và các vị đại Thanh Văn rằng:

– Các nhơn giả cứ tùy ý dùng cơm cam lồ của Như Lai, vì cơm nầy do đại bi sở huân, nếu có ý hạn lượng mà ăn thì chẳng thể tiêu.

Có hàng Thanh Văn lại nghĩ rằng:

– Cơm này ít thế làm sao đủ cho đại chúng ăn?

Hóa thân Bồ Tát rằng:

– Chớ dùng tiểu đức, tiểu trí của Thanh Văn mà đo lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Nước bốn biển có thể hết, chứ cơm này thì vô tận. Dẫu cho tất cả mọi người đều ăn từng nắm cơm to bằng núi Tu Di, ăn mãi cho đến một kiếp cũng chẳng thể hết. Tại sao? Vì cơm dư của Người đầy đủ các công đức như vô tận giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến v.v… thì ăn mãi cũng không thể hết được.

Vì thế, một bát cơm cho tất cả chúng trong hội ăn đều no đủ, mà cơm vẫn còn dư. Các Bồ Tát, Thanh Văn, Trời người ăn cơm này rồi, thân thể an vui giống như các Bồ Tát ở cõi Nhất Thiết Lạc Trang Nghiêm, và từ lỗ chân lông phát ra mùi hương cũng như cây hương của cõi Phật Chúng Hương vậy.

Bấy giờ, Duy Ma Cật hỏi các Bồ Tát cõi Chúng Hương rằng:

– Hương Tích Như Lai lấy gì để thuyết pháp?

Các Bồ Tát đáp:

– Ðức Như Lai cõi chúng tôi chẳng dùng lời nói, văn tự. Chỉ dùng Chúng Hương khiến các Trời người được vào luật hạnh. Bồ Tát mỗi mỗi ngồi dưới gốc cây hương, ngửi được mùi diệu hương ấy liền đắc Nhất Thiết Ðức Tạng Tam Muội. Kẻ đắc Tam muội này đều đầy đủ tất cả công đức của Bồ Tát.

Các Bồ Tát ấy hỏi Duy Ma Cật rằng:

– Phật Thích Ca ở đây lấy gì để thuyết pháp?

Duy Ma Cật nói:

– Chúng sanh cõi này cang cường khó dạy, nên Phật thuyết pháp những lời cang cường để điều phục họ. Nào là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, là chỗ tai nạn, là nơi sanh của kẻ ngu. Hễ thân khẩu ý hành việc tà, thì bị quả báo hành việc tà của thân khẩu ý. Tạo mười ác nghiệp thì bị quả báo của mười thứ ác nghiệp. Hành sáu pháp bất thiện như bỏn xẻn, phá giới, sân hận, giãi đãi, loạn ý, ngu si thì bị quả báo của sáu pháp bất thiện (Bồ Tát có sáu Ba La Mật để đối trị). Cho đến các việc kiết giới, trì giới, phạm giới, nên làm hay chẳng nên làm, chướng ngại hay chẳng chướng ngại, đắc tội hay lìa tội, tịnh hay cấu, hữu lậu hay vô lậu, chánh đạo hay tà đạo, hữu vi hay vô vi, thế gian hay Niết Bàn v.v… Vì những người khó dạy tâm như khỉ vượn, nên dùng đủ thứ pháp kềm chế tâm họ mới có thể điều phục. Ví như voi ngựa chứng điều phục không được, phải đánh đập dữ tợn cho đến thấu xương rồi mới điều phục được. Cũng thế, chúng sanh cang cường khó dạy, phải dùng những lời đau khổ thiết tha mới khiến được họ đi vào luật hạnh.

Các Bồ Tát cõi kia nghe rồi đều nói:

– Thật chưa từng có! Như Phật Thích Ca ẩn náu sức vô lượng tự tại của mình, mà tùy theo sở thích của kẻ nghèo nàn, độ thoát chúng sanh. Các Bồ Tát cũng chịu khổ nhọc, nhún nhường dùng vô lượng đại bi sanh vào cõi Phật này.

Duy Ma Cật nói:

– Bồ Tát cõi này đối với chúng sanh, lòng đại bi kiên cố như lời các ông nói. Hạnh lợi ích chúng sanh trong một đời, nhiều hơn cõi khác trăm nghìn kiếp. Tại sao? Vì cõi Ta Bà này có mười pháp lành mà các cõi Tịnh độ khác không có. Thế nào là mười pháp lành? Ấy là:

1) Dùng Bố Thí để nhiếp độ nghèo nàn.
2) Dùng Tịnh Giới nhiếp độ phá giới.

3) Dùng Nhẫn Nhục nhiếp sân hận.

4) Dùng Tinh Tấn nhiếp giãi đãi.

5) Dùng Thiền Ðịnh nhiếp loạn ý.

6) Dùng Trí Huệ nhiếp ngu si.

7) Dùng Thuyết Pháp trừ nạn để độ bát nạn.

8) Dùng pháp Ðại Thừa để độ kẻ ưa pháp tiểu thừa.

9) Dùng Thiện Căn để cứu giúp kẻ vô đức.

10) Thường dùng Tứ Nhiếp Pháp để thành tựu cho chúng sanh. Gọi là mười pháp lành.

Các Bồ Tát cõi kia hỏi:

– Bồ Tát nơi thế giới này thành tựu mấy pháp, thì được sanh vào nơi Tịnh độ mà hạnh chẳng tỳ vết?

Duy Ma Cật đáp:

– Bồ Tát thành tựu tám pháp thì được sanh nơi Tịnh độ mà hạnh chẳng tỳ vết. Tám pháp ấy là:

1) Lợi ích chúng sanh mà chẳng mong phước báo.

2) Thay cho chúng sanh chịu mọi khổ não. Ðược tất cả công đức, rồi bố thí lại hết.

3) Dùng tâm khiêm nhường. Ðối với chúng sanh bình đẳng vô ngại, xem các Bồ Tát cũng như Phật.

4) Những Kinh chưa từng nghe, nghe rồi chẳng nghi.

5) Cùng với hàng Thanh Văn mà chẳng trái nhau.

6) Chẳng đố kỵ sự cúng dường của người. Chẳng khoe khoang lợi lộc của mình. Do đó mà tự điều phục tâm.

7) Thường xét lỗi mình, chẳng nói lỗi người.

8) Thường nhất tâm cầu các công đức.

Khi Duy Ma Cật cùng Văn Thù thuyết pháp này rồi, trong chúng có trăm ngàn trời người đều phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, mười ngàn Bồ Tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn