Cuộc Đời Thánh Tăng Ananda

Cuộc Đời Thánh Tăng Ananda

Đỗ Quang Huy 42

Chương III

Xứng đáng với vai trò hầu Phật

Một trong những đức tính của A Nan Ða là nết hạnh hết lòng hầu cận Phật. Chính đức Bổn Sư cũng đã xác nhận như thế nhiều lần, và Ngài còn thêm rằng: “A Nan Ða là đệ tử xứng đáng nhất trong những ngừơi đã phục vụ Như Lai. Bất cứ lúc nào Như Lai cần điều gì, thì ông là người có mặt trước tiên, không để Như Lai chờ đợi” (Theo Anguttara Nikàya 1.19 = Tăng Nhất A Hàm số 1.19).

Thực ra ba chữ “hầu cận Phật” không rõ nghĩa cho lắm. Vì từ ngữ thế gian khó diễn tả chính xác cái vị trí của A Nan Ða trong cộng đồng phạm hạnh, dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Nếu chúng ta gọi A Nan Ða là vị bí thư hay viên phụ tá của đức Phật thì đúng hơn, nhưng lúc bấy giờ, cái khía cạnh tự ái, tôn thờ, phủ phục, sẵn sàng hy sinh của A Nan Ða đối với đức Phật không được diễn đạt. Còn nếu chúng ta gọi ông là một đệ tử hầu hạ Phật, thì cái vai trò tổ chức, và nhiều lần đại diện đức Phật lãnh đạo giáo hội, một cách khéo léo của ông, lại bị bỏ quên.

Rồi khi vượt ra ngoài phạm vi Phật giáo, chúng ta cũng không thể tìm ra, trong các kho tàng văn chương triết học nào khác, một nhân vật tương tự, nghĩa là một nhân vật có thể vừa là đệ tử hầu hạ vừa là viên phụ tá của vị giáo chủ, đồng thời nhân vật đó cũng có khả năng trở thành một giáo chủ, như A Nan Ða.

Sự hầu hạ chuyên cần của ông dành cho đức Phật trong hai mươi lăm năm trường thì nhiều lắm. Chúng ta chỉ mô tả tượng trưng cho một số những công tác hàng ngày mà thôi. Chẳng hạn như mỗi sáng và mỗi tối, A Nan Ða phải mang nước rửa mặt và dụng cụ đánh răng cho đức Phật. Rồi ông phải chuẩn bị tọa cụ trước khi dâng điểm tâm đến đức Phật. Buổi trưa, A Nan Ða đi khất thực phải về trước, để rước bát đức Phật. Nước trong, ông phải chuẩn bị sẵn, để rửa chân cho Phật. Khi ngọ thực, ông luôn luôn ăn sau đức Phật, và khi Phật dùng bữa xong, ông có bổn phận xin vật thực còn lại trong bình bát của đức Phật để chia sớt cho các Tỳ Khưu kém phúc hay bố thí đến dân nghèo. Y phục, tịnh thất và bình bát của đức Phật, A Nan Ða luôn luôn dọn quét, giặt giũ và rửa lau sạch sẽ. khi đức Thế Tôn mệt mỏi thì ông xức dầu, xoa bóp hay tìm thuốc cho đức Phật. Thậm chí đến giấc ngủ, A Nan Ða cũng nằm gần Phật, nhất là lúc Phật đau ốm, để khi Phật cần điều chi, không phải chờ lâu.

Theo Mahàvagga, 3, 16 (Kinh Ðại Phẩm, chương 3, đọan 16) thì ngoài những công tác dành riêng cho đức Phật kể trên, A Nan Ða hằng ngày còn đích thân trông nom tất cả các sinh hoạt của chư tăng, đặc biệt là những Tỳ Khưu mới xuất gia. Thậm chí đến khi mọi người ai nấy đã lui vào tịnh thất (buổi trưa cũng như buổi tối) ông còn quán xuyến khắp nơi trong chùa, xem có Tỳ khưu, Sa di nào bỏ quên vật gì hay không, để đem cất vào một chỗ, sau trao lại cho họ.

Mỗi khi đức Bổn Sư cần truyền đạt lời dạy gì đến Tăng chúng thì ông chính là viên thông tin đem lời dạy đến tận tai mọi người (Theo Cùlavagga V.20: Tiểu phẩm số V.20).

Nhiều lúc ngay nửa đêm các đức Phật muốn gặp tất cả Tăng chúng, A Nan Ða cũng vui vẻ triệu tập đầy đủ (Theo Jataka 148).

Một lần nọ Tăng chúng đã thờ ơ trước một Sa môn ngã bệnh trầm trọng. Ðức Phật và A Nan Ða để ông chăm sóc ( theo Mahà va gga 8.26).

Cứ như thế, A Nan Ða đã chu toàn rất nhiều công việc hằng ngày, hầu mang lại sự an vui thân thể cho đức Phật (và cũng là người anh thúc bá đã giác ngộ của ông, đồng thời mang lại niềm vui cho cộng đồng Tăng chúng, như một người mẹ hiền chăm sóc, kính yêu đứa con trưởng đức hạnh hoàn toàn (ám chỉ đức Phật) cùng đàn con mới khôn lớn, không phân biệt tánh nết, tài năng (ám chỉ cộng đồng Tăng chúng).

Nhưng công tác nổi bật hơn hết, là A Nan Ða đã đóng vai một viên bí thư xuất sắc của đức Phật. Ông có khả năng chuyển đạt mọi giáo huấn, mọi mệnh lệnh của đức Bổn Sư đến hàng ngàn tăng chúng một cách rất nhã nhặn, nhanh chóng và hợp thời, khiến cho mọi việc chấp hành của giáo hội, lúc nào cũng thống nhất, trật tự, ít khi bị sơ sót.

Về phương diện đối ngoại, A Nan Ða đã khéo léo hợp tác với Xá Lợi Phất (Sàrìputta)và Mục Kiền Liên (Moggallàna) để giải quyết những vấn đề, nhiều khi rất phức tạp và tế nhị trong mối liên hệ giữa con người với con người, cũng như giữa Tăng già Phật giáo và xã hội.

Theo Anguttara Nikàya 4,249 (Tăng Nhất A Hàm số 4, 249) thì khi cuộc tranh luận của cộng đồng Tỳ khưu ở Kosambi xảy ra, cũng như khi Ðề Bà Ðạt Ða mưu toan chia rẽ Tăng Già Phật giáo (Theo Udàya V, 8 và theo Cùlavagga 8), A Nan Ða đã đóng vai trò điều động hai cuộc giải độc rất hữu hiệu. Nhờ đó, về sau toàn thể Tăng chúng đã hòa thuận trở lại.

Mặt khác, A Nan Ða cũng là một trong những đệ nhất Như Lai sứ giả của đức Thế Tôn để liên lạc với các tôn giáo khác. Mỗi khi đức Phật bảo ông đi liên lạc với ai, dù khó khăn đến đâu, ông cũng không bao giờ từ chối. Và khi thi hành những nhiệm vụ như vậy, A Nan Ða không cảm tưởng là mình chỉ đơn giản là người thông minh, mà ông ta còn tỏ ra đầy đủ tư cách của một người ngoại giao.

Quay về sinh hoạt nội bộ, nhiều lần Tăng chúng không tránh được làm ồn trong tu viện. Ðức Phật hỏi A Nan Ða tại sao, thì ông đã mạnh dạn cắt nghĩa rành mạch lý do cho đức Phật rõ (Theo Mahàvagga 67, Pàcittia 65 và Udàya 3.3). Nhờ vậy, đức Thế Tôn mới biết chắc duyên cớ mà ban bố những lời giáo huấn thích hợp.

Một trường hợp làm ồn đáng kể lại như sau:

Có một nhóm Tỳ khưu đã quên mình nói chuyện lớn tiếng, gây ồn ào trong tu viện. Ðức Phật hay tin, bèn bảo A Nan Ða khiển trách.

Nhóm Tỳ khưu đó, sau khi được A Nan Ða nhắc nhở, khiển trách bằng những lời lẽ xây dựng, ai về chỗ nấy chăm chỉ hành thiền. Họ tinh tấn tu luyện đến độ trong mùa nhập hạ năm ấy, tất cả đều đạt được ba Tuệ giác, gồm: Tuệ giác biết được các kiếp quá khứ, Tuệ giác biết được tuổi thọ của mọi chúng sanh và Tuệ giác biết được mình còn ít hay nhiều tham, sân, si.

Vào một buổi tối, nhân được Phật gọi, nhóm Tỳ khưu này liền đến hầu Phật. Nhưng trong lúc họ tới nơi thì đức Thế Tôn đang nhập định. Theo chú giải khi ấy tâm Phật đang an trú tại một cõi thiền Hữu sắc, tên là Ananja Samàdhi (có nghĩa là an trụ trên thiền sắc vô tướng) Những nhà sư này tức khắc nhận ra thiền Tịnh sắc của đức Phật, bèn tất cả ngồi xuống rồi nhập định…

Thời gian yên lặng trôi qua, trong Phật thất, hai canh đầu của đêm trường, khung cảnh chợt im lìm phăng phắc.

A Nan Ða hiểu lầm là các Tỳ khưu ấy thấy Phật nhập định, nên kiên nhẫn ngồi chờ. Và muốn giúp họ sớm được Phật tiếp, ông vội lên tiếng: “Bạch đức Thế Tôn! Có chư đệ tử đến yết kiến!”. Nhưng tất cả vẫn yên lặng…

Rồi canh hai giữa đêm cũng trôi qua, A Nan Ða lại nhắc Phật: “Bạch đức bổn sư! Chư đệ tử đã đến!”. Nhưng sau lời trình thứ hai của A Nan Ða, bầu không khí tại Phật thất, càng chìm sâu trong tịch tịnh. Mọi vật đều bất dộng…

Lúc A Nan Ða lên tiếng trình Phật lần thứ ba thì bên ngoài, trời đang hừng sáng, Ðức Thế Tôn đã xả thiền, và phán với A Nan Ða rằng:

– Này A Nan Ða! Vì ông chưa chứng được thiền Sắc vô tướng, nên suốt cả đêm ông đã khi ông hề biết rằng Như Lai và các Tỳ khưu đáng khen này đã nhập định. Và không có một âm thanh nào có thể khuất động nhĩ thức của Như Lai hay của họ được!

Thuật sự này chứng tỏ rằng A Nan Ða lúc đó chưa đạt tới bậc thiền cao. Nhưng tính kiên nhẫn của ông rất đáng quý, vì túc trực, trọn đêm để hầu Phật, khi có chúng Tăng đến yết kiến như thế, ông quả thật là người duy nhất đã làm được một cách vui vẻ và dễ dàng.

Rồi Phật lại khen ngợi A Nan Ða:

– Này A Nan Ða! Những Tỳ khưu này trước đây ham thích tranh luận, chểnh mảng việc tu hành, thì ngày nay, sau lần khuyến cáo của ông, họ đã trở thành những Sa môn tinh tấn hành thiền, đắc được ba Tuệ giác.

A Nan Ða nghe đức Phật tiết lộ kết quả của sự biết sửa mình và tinh tấn tu hành của nhóm Tỳ khưu do ông khuyến cáo, bèn lấy làm thỏa thích. Từ đó, A Nan Ða chăm chỉ hành thiền, mặc dù trên vai còn nhiều nhiệm vụ khác.

Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy thường nhắc đến hai lần A Nan Ða hỏi đức Phật về các đề mục thiền định đòi hỏi hành giả phải thực hành trong rừng vắng.

Ðức Bổn Sư đã dạy cho A Nan Ða lần thứ nhất rằng:

– Hãy quán trưởng về ngũ uẩn, tức là quán trưởng về Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và thức (Theo Sam gutta Nikàya 22.158 = Tạp A Hàm số 22. 158)

Và lần thứ hai, Ngài dạy rằng:

– Hãy quán tưởng về lục căn, gồm; Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn (Theo Samiutta Nikàya 35, 86).

Còn nói về công lao phụng sự chư huynh đệ, thì tên tuổi A Nan Ða được ghi rõ trong kinh Anguttara Nikàya n. 60; 6.58 (Tăng nhất A Hàm số 60; 6.58) như sau:

“Khi Sa môn Girimananda và Sa môn Phagguna bị bệnh trầm trọng, A Nan Ða là người tới lui chăm sóc thường xuyên nhất. Ông còn theo dõi tâm bệnh của hai nạn nhân, để thỉnh cầu đức Phật ban diệu pháp hầu cứu độ họ trải qua những giây phút nguy kịch”.

Ngay cả ngôi chính diện lộng lẫy Kỳ Viên tự, (khi ông bá hộ Cấp Cô Ðộc tỏ ý muốn xây lên trong vườn Kỳ Ðà, để dâng lên Phật giáo) cũng do A Nan Ða yêu cầu đức Phật nhận lời. Ngôi chùa này về sau trở thành Tổ đình đầu tiên của Phật giáo (theo Jàtaka số 479).

Nghĩa là bằng cách này hay bằng cách khác, A Nan Ða đã tỏ ra là một Sa môn sốt sắng xây đựng giáo hội. Ông luôn luôn phục vụ cộng đồng với đầy đủ các đức tánh của một người mẹ hiền, hay một người cha lành tròn hạnh kiểm, hằng chu toàn cho con cái.

Biệt tài tổ chức, thuyết phục và hướng dẫn nhiều người của A Nan Ða cũng đã biểu lộ trong một kiếp trước. Khi ông xin làm vị Phạm Thiên phụ tá của vua trời Ðế Thích (Sakka).

Theo những kinh điển nói về tiền kiếp của A Nan Ða trên các thiên cảnh, thì có một kiếp nọ, ông là vị tiên phụ tá duy nhất có hào quang sáng bằng hào quang của vua trời. Ông đã được đức vua trời Ðế Thích giao cho cai quản toàn bộ Thiên Xa (Theo các Jàtaka số 31, 469, 535 và 541).

Riêng trong Jàtaka (Túc Sinh truyện) số 489 thì tiền thân A Nan Ða là vị tiên kiến trúc sư tên Vissakamma. Hoặc trong hai Túc Sinh truyện (Jàtaka) khác số 75 và số 450 thì một trường hợp, tiền thân ông là vị thần mưa tên là Pjjuma, còn trường hợp kia: tiền thân là vị thần Ngũ Nhạc tên Pãncasikha.

Nhưng tấm lòng hy sinh và bảo vệ đức Phật của A Nan Ða có lẽ phải cần đề cao hơn hết. Khi Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) thả một con voi hung dữ để hãm hại đức Phật, A Nan Ða đã cam đảm xông tới đứng chắn ngang trước mặt Phật, sẵn hy sinh thân mạng để che đỡ cho đấng Toàn Giác. Thà ông chịu để voi điên và Ðề Bà Ðạt Ða Phạm tội giết ông , chứ ông không muốn họ trọng tội sát hại, hay làm tổn thương một vị Phật.

Ba lần đức Thế Tôn bảo ông lùi lại, nhưng ông đã không làm theo, cho đến khi ông bị đức Phật dùng thần thông nhấc bổng ông lên, nhẹ nhàng đặt ông nơi khác, thì chừng ấy ông mới yên trí là hy sinh cứu Phật của ông không cần thiết. Và tinh thần hy sinh ấy đã làm cho danh thơm của A Nan Ða lớn rộng về sau (theo Jàtaka số 4533).

Nhân đó, đức Phật đã nhắc lại, trước các hàng Tăng chúng rằng: “Trong những tiền kiếp A Nan Ða đã từng hy sinh tánh mạng để cứu vị Bồ Tát là tiền thân Như Lai đến bốn lần”.

Còn trong hai kiếp khác rất xa xưa, giữa vòng luân hồi thăm thẳm: khi cả tiền thân đức Phật và tiền thân A Nan Ða sinh làm hai con chim thiên nga, rồi hết tuổi thọ sinh làm hai con nai (Theo các Túc Sinh truyện số 502, 533, 534 và 501). Từ thiên nga đến nai tiền thân A Nan Ða đã không chịu bỏ rơi bạn mình là tiên thân Phật sinh làm thú tương tự bị sập bẫy. Kết quả cả hai đã chịu chết với nhau dưới bàn tay tàn ác của một người thợ săn.

Nhưng theo Túc Sinh truyện số 222 thì tiền thân đức Phật là một con khỉ hiếu thảo, đã hy sinh tính mạng để cứu mẹ là tiền thân A Nan Ða. Mặt khác trong những lần luân hồi cộng nghiệp như thế, tiền thân của đức Phật và tiền thân của A Nan Ða thường đã nhờ tính thông minh đặt biệt và thận trọng tự nhiên đã cứu mạng lẫn nhau một cách dễ dàng.

Trên đây là những mẫu truyện liên quan đến các đức hy sinh và duyên nghiệp luân hồi song song của tiền thân A Nan Ða và tiền thân đức Phật vậy.