Trên Giác Ngộ số 891 ra ngày 7-4 có bài “Lá thư của một thiền sinh” ký tên Tánh Tự Nhiên (tên đầy đủ Châu Văn Long). Tác giả bài viết là một đầu bếp nổi tiếng dù chỉ mới 30 tuổi, từng xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình như Quán quen món ruột, Người nội trợ hoàn hảo, Vui sống mỗi ngày, Ẩm thực Sài Gòn…, là bếp trưởng 8020Fit VN Body Transformation – chương trình ăn để giảm cân và tốt cho sức khỏe đến từ Mỹ, đồng thời là admin của fanpage Fitness Nutrition Chef Long Chau được đông đảo cộng đồng mạng theo dõi.
Đầu bếp Châu Văn Long – Ảnh: NVCC
Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với anh:
* Trong bài viết, anh đề cập đến quyết định bỏ việc và đi tu thiền, trở thành một tu sĩ gieo duyên tại Myanmar. Tại sao anh lại có quyết định như vậy?
– Anh CHÂU VĂN LONG: Tôi có duyên biết đến thiền từ Sư ông Thích Nhất Hạnh và thầy Minh Niệm từ lâu. Khi thầy Minh Niệm về lại VN và tổ chức các khóa thiền thì tôi có tham gia. Lúc ấy cũng muốn thực tập thiền và áp dụng vào đời sống một cách sâu sắc hơn, nhất là cách đây hơn 1 năm, trước tình hình vấn nạn thực phẩm bẩn đến ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển từ Nhà máy Formosa… nên tôi có một mong muốn là làm sao sống tối giản, bảo vệ môi trường, không mua sắm, thay xe máy bằng xe đạp… và ăn chay, giảm ăn thịt… và làm điều gì đấy tốt cho cộng đồng, đất nước… Theo đó, con đường trở thành một thiền sinh là lựa chọn.
Cùng lúc ấy, thông qua thầy Minh Niệm, tôi có duyên sang rừng thiền Pa-auk để tu tập chuyên sâu. Thời gian ở rừng thiền ấy là một tháng.
* Anh có thể nói một chút về công việc anh đã làm trước khi có quyết định táo bạo ấy – quyết định mà anh “nhận diện” là để chứng tỏ với chính bản thân mình?
– Lúc ấy tôi đang là bếp trưởng và người đồng sáng lập chương trình ăn giảm cân tốt cho sức khỏe 8020Fit VN Body Transformation, đồng thời là đầu bếp sáng tạo cho Nhà hàng Ru (TP.HCM). Tôi có lời mời – đề nghị về làm bếp phó cho khách sạn 5 sao nhưng đã từ chối. Việc ngừng lại tất cả để tiếp bước trên con đường tu học là một sự tự nhiên mà tôi ấp ủ từ lâu. Có lẽ đến lúc mong muốn ấy đủ mạnh mẽ, mình đã sẵn sàng và hội đủ mọi duyên lành nên cứ thế mình bước qua hành trình mới. Một trải nghiệm mới. Như là nó sẽ đến…
* Quyết định thay đổi hay làm một việc gì đó (dù tốt) nhưng để chứng tỏ với người khác, với bản thân thì cũng là biểu hiện của cái tôi?
– Làm một việc gì đấy, dù rất tốt, rất ý nghĩa nhưng để chứng tỏ với người khác, với bản thân mình theo tôi đó là việc biểu hiện của cái tôi. Hiện tại tôi luôn hướng tới những việc mình làm mỗi ngày, dù lớn nhỏ, đừng mang danh vì cái gì cả hay chứng tỏ gì cả, dù với ai. Mà mình làm vì một sự tự nhiên mình làm, mang đến niềm vui nhẹ nhàng, hạnh phúc, dù nhỏ nhoi, giản dị… và những việc làm có ý nghĩa cho đời, cho người lại càng tốt. Đồng thời, tôi luôn tự nhắc mình đừng làm vì một mục đích to lớn nào cả. Cứ lặng lẽ làm. Làm thật tử tế vào…, vậy là đủ!
* Anh cũng nói, bây giờ anh trở lại công việc của đầu bếp dinh dưỡng, vậy có sự khác nhau giữa trước và sau khi tu thiền khi làm việc không?
– Có rất nhiều thay đổi khi tôi quay trở lại công việc như trước đây. Sau khi tu thiền trở về, tôi không còn trực tiếp làm việc cho công ty cũ nữa và quyết định về quê (Đắk Lắk), trước tiên là để sống với gia đình, dành nhiều thời gian hơn cho người thân, anh chị và các cháu, nhất là dành thời gian cùng mẹ, chia sẻ với mẹ những vấn đề tu tập, đi chùa và sức khỏe của mẹ. Đồng thời, tôi học về làm nông thuận tự nhiên, làm vườn để kết nối trở lại với thiên nhiên, có cái nhìn sâu sắc hơn về vũ trụ, về con người, về thực phẩm và ăn uống bảo vệ sức khỏe.
Từ đó, tôi có một cái nhìn bao quát hơn về mọi thứ. Cảm nhận được sự kết nối của nhiều sự việc, nhiều vấn đề cũng như nhiều phần nhỏ trong một bức tranh toàn cảnh. Nhiều mảnh ghép của đời sống trong bức tranh vũ trụ…
Bên cạnh đó, tôi chia sẻ thông tin ăn uống, dinh dưỡng, trải nghiệm cho mọi người trên fanpage. Cách chia sẻ cũng khác hơn, khiêm nhường hơn, kỹ càng hơn và tương tác với mọi người một cách bao dung hơn.
Anh Châu Văn Long lúc là đầu bếp. Ảnh: NVCC
* Qua đó, anh có thể chia sẻ trải nghiệm về tu tập mà anh có được từ việc thực tập Phật pháp của mình?
– Thực tế là mình thực hành thiền định trong thời gian rất ngắn. Vì trước đây cuộc sống ở Sài Gòn khá bận rộn nên tôi chọn sống tỉnh thức là chính: quan sát hơi thở, quan sát thái độ hay là lúc mình làm việc, trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Việc này giúp tôi rất nhiều – nhất là kiểm soát cơn giận của một đầu bếp với môi trường đầy áp lực…
Thực hành thiền định chỉ được tầm 2 tuần trước khi đi sang Myanmar và một tháng nghiêm ngặt ở Myanmar, dù thời gian rất ngắn nhưng là khoảng thời gian cực kỳ có ý nghĩa để mình nhìn lại chính mình, nhìn lại đời sống, suy nghĩ về những giá trị cốt lõi và những giá trị phù phiếm bề nổi, hiểu về sự vô thường, ngẫm về những sai lầm của mình, và từ đó tha thứ cho chính mình, tha thứ cho những ai đã làm mình buồn và mở lòng bao dung với tất cả mọi người, mọi loài, và cảm thấy yêu thương cuộc sống vô cùng.
Anh Châu Văn Long khi đã xuất gia gieo duyên ở rừng thiền Pa-auk – Ảnh: NVCC
* Việc tu tập là để khỏe bên trong, còn việc ăn là để nhẹ thân, anh có chia sẻ gì về việc ăn để khỏe, đặc biệt để giảm cân và… đẹp?
– Thực ra việc ăn để khỏe, hay giảm cân, kể cả tăng cân và khỏe đẹp đều rất đơn giản, mình chỉ cần ăn đúng theo lẽ tự nhiên. Một chế độ ăn cân bằng giữa các nhóm thực phẩm đạm, tinh bột và rau củ quả. Sử dụng thực phẩm tự nhiên, theo mùa, đa dạng. Chế biến đơn giản, ăn uống nhai kỹ và điều độ. Ăn vừa phải. Chỉ đơn giản vậy là tốt.
* Trong chuyên môn của mình, anh có thể cho biết ăn chay có lợi gì cho sức khỏe và làm sao để có bữa ăn chay đủ chất?
– Nếu ai đó đủ duyên ăn chay được là điều rất mừng và rất tốt. Một chế độ ăn chay khoa học, đầy đủ chất giúp cơ thể mình nhẹ nhàng, ít phải làm việc hơn, các tế bào và cả cơ thể trẻ hóa đầy năng lượng tốt. Để có một bữa ăn chay đủ chất, chúng ta cần để ý đến nhóm tinh bột tốt đến từ gạo lứt, khoai lang, bí đỏ, bắp…các loại ngũ cốc nguyên cám. Đạm tốt từ các loại đỗ như đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng… và các loại rau xanh…; ăn đa dạng rau củ quả và trái cây…; sử dụng dầu ăn tốt như dầu phộng, dầu mè nguyên chất…; bổ sung chất béo tốt từ hạt khô như đậu phộng, mè, hạt điều, hạnh nhân…; và sử dụng nước tương nguyên chất tamari, tương miso và rong biển…Tránh xa các loại thực phẩm chay chế biến công nghiệp cầu kỳ.
* Trở lại việc thực tập thiền, sau thời gian ở rừng thiền Pa-auk trở về thì anh đã được quý thầy soi sáng những gì? Trở về cuộc sống đời thường thì việc tu tập đâu phải dễ?
– Việc soi sáng quan trọng nhất là cuộc chiến nội tâm, chuyển hóa các phiền não – không ai có thể thực sự giúp mình ngoài chính mình, mình phải thực tập và thực tập. Người thầy sẽ hỗ trợ chỉ dẫn mình thực hành đúng pháp môn và hỗ trợ tinh thần tu tập. Trở về cuộc sống đời thường thì mình vẫn luôn nhắc mình tu tập, tự sửa mình mỗi ngày. Quan trọng nhất là quan sát thái độ của mình phản ứng với mọi việc hàng ngày. Dù phản ứng tích cực hay tiêu cực, mình đều ghi nhận.
* Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập hoặc từ bỏ một điều gì đó, nhất là những phiền não với người trẻ, đặc biệt là người trẻ hiện đại khá bận rộn?
– Các bạn trẻ hãy thử một lần dừng lại, lắng mình lại và hạ quyết tâm tham gia một khóa thiền, dù chỉ một ngày hay 3 ngày và 10 ngày và được hơn nữa là thử xuất gia gieo duyên. Để rồi các bạn có cơ hội tách mình ra khỏi guồng sống mình đã bị cuốn vào mỗi ngày, quan sát rõ hơn. Quay về với chính mình. Nhận diện những vấn đề của mình và từ đấy có cách để tiếp tục thực hành, chuyển hóa…
* Trên Facebook cá nhân và fanpage của mình, anh vẫn thường lên tiếng kêu gọi bảo vệ đất mẹ, sống hài hòa với môi trường. Anh đã thực hiện việc đó như thế nào trong công việc, cuộc sống hàng ngày?
– Tôi hạn chế mua sắm quần áo, tận dụng quần áo cũ. Đóng góp nhận quần áo cũ để chia sẻ cho đồng bào nghèo. Hạn chế sử dụng thực phẩm công nghiệp đóng gói bao bì. Tiết kiệm điện ở mức có thể. Tiết kiệm nước và ăn uống tiết chế. Trồng càng nhiều cây xanh càng tốt. Giảm ăn thịt. Giảm sử dụng bao bì nylon hay mua nước lọc đóng chai. Tái sử dụng bao bì.
Sống xanh tại quê nhà – Ảnh: NVCC
* Câu hỏi cuối, hẳn cũng là điều được nhiều người quan tâm: để giảm cân (đương nhiên là đúng cách) có khó không?
– Để giảm cân rất dễ, chỉ cần nhớ vài quy tắc sau:
+ Tránh các loại thực phẩm chế biến công nghiệp và thức ăn có nhiều đường.
+ Ăn thực phẩm tốt, tự nhiên, thực phẩm địa phương và theo mùa.
+ Bữa ăn cân bằng 25% tinh bột tốt: 25% đạm và chất béo tốt: 50% rau củ quả.
+ Ăn đầy đủ bữa sáng, trưa và ăn tiết chế buổi tối.
+ Luôn nhai kỹ, bữa ăn không ăn no quá 80%.
+ Nhớ uống nước đầy đủ.
+ Kết hợp tập thể dục 20-30 phút mỗi ngày.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Bình luận