Trương Văn Chiến 45

KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA )

Thiện Nhựt
lược-dịch và tìm hiểu

[01]

I.- Phẩm Song-yếu
1) Tích chuyện vị Tăng mù – Kệ số 001
2) Tích chuyện chàng thanh-niên được sanh lên cõi Trời – Kệ số 002
3) Tích chuyện Trưởng-lão Thi-sa – Kệ số 003 và 004
4) Tích chuyện về nữ-quái Kha-ly – Kệ số 005
5) Tích chuyện chư Tăng ở Cô-sâm-bi – Kệ số 006
6) Tích chuyện Trưởng-lão Khả-la – Kệ số 007 và 008
7) Tích chuyện về Đề-bà-đạt-đa – Kệ số 009 và 010
8) Tích chuyện hai Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên – Kệ số 011 và 012
9) Tích chuyện về Tôn-giả Nan-đà – Kệ số 013 và 014
10) Tích chuyện người đồ-tể Thuần-đà – Kệ số 015
11) Tích chuyện ông Đàm-mi – Kệ số 016
12) Tích chuyện về tội-ác của Đề-bà-đạt-đa – Kệ số 017
13) Tích chuyện cô Sử-ma-na – Kệ số 018
14) Tích chuyện hai vị Tỳ-kheo – Kệ số 019 và 020

II.- Phẩm Không Phóng-dật

15) Tích chuyện Hoàng-hậu Sa-mã-hoa – Kệ số 021, 022 và 023
16) Tích chuyện người chủ ngân-hàng -Kệ số 024
17) Tích chuiyện Tôn-giả Tiểu Phan-tha-ca – Kệ số 025
18) Tích chuyện “Hội-hè tuổi trẻ vui-nhộn” – Kệ số 026 và 027
19) Tích chuyện Tôn-giả Đại Ca-diếp – Kệ số 028
20) Tích chuyện hai vị Tỳ-kheo bạn đồng-tu – Kệ số 029
21) Tích chuyện Mã-Hà – Kệ số 030
22) Tích chuyện một vị Tỳ-kheo – Kệ số 031
23) Tích chuyện Trưởng-lão Ni-ga-ma 86 – Kệ số 032

III.- Phẩm Tâm

24) Tích chuyện Trưởng-lão Mễ-ghi-dạ – Kệ số 033 và 034
25) Tích chuyện bà Mã-thị-Kha – Kệ số 035
26) Tích chuyện về một Tỳ-kheo bất-mãn – Kệ số 036
27) Tích chuyện Sa-di Tha-di-nê – Kệ số 037
28) Tích chuyện Trưởng-lão Chí-ta-hạt – Kệ số 038 và 039
29) Tích chuyện Năm trăm vị Tỳ-kheo tu Thiền – Kệ số 040
30) Tích chuyện vị Tỳ-kheo Phù-ti-cát – Kệ số 041
31) Tích chuyện người chăn bò Nan-đà – Kệ số 042
32) Tích chuyện về Sở-rị-gia – Kệ số 043

IV.- Phẩm Hoa

33) Tích chuyện các vị Tỳ-kheo bàn về thế đất – Kệ số 044 và 045
34) Tích chuyện vị Tỳ-kheo quán thân như ảo-ảnh – Kệ số 046
35) Tích chuyện vua Tỳ-lưu-ly – Kệ số 047
36) Tích chuyện bà Khưu-ma-ly – Kệ số 048
37) Tích chuyện ông Cơ-sĩ-gia, kẻ giàu-có mà rít-róng – Kệ số 049
38) Tích chuyện ẩn-sĩ Phả-vị-gia – Kệ số 050
39) Tích chuyện cư-sĩ Chúc-pha-nhi – Kệ số 051 và 052
40) Tích chuyện bà tín-nữ Vi-sa-kha – Kệ số 053
41) Tích chuyện về câu hỏi của Tôn-giả A-nan – Kệ số 054 và 055
42) Tích chuyện Tôn-giả Đại Ca-diếp – Kệ số 056
43) Tích chuyện Trưởng-lão Cơ-thi-ca – Kệ số 057
44) Tích chuyện hai người bạn khác đạo – Kệ số 058 và 059

V.- Phẩm Ngu

45) Tích chuyện một mgười đi tìm hái hoa sen trắng – Kệ số 060
46) Tích chuyện người Sa-di của Tôn-giả Đại Ca-diếp – Kệ số 061
47) Tích chuyện người keo-kiết tên A-nan-đà – Kệ số 062
48) Tích chuyện hai người móc túi – Kệ số 063
49) Tích chuyện Trưởng-lão Ưu-đà-di – Kệ số 064
50) Tích chuyện ba mươi chàng thanh-niên – Kệ số 065
51) Tích chuyện người cùi Sở-phù-bút – Kệ số 066
52) Tích chuyện một người nông-phu – Kệ số 067
53) Tích chuyện người bán hoa Sử-mã-na – Kệ số 068
54) Tích chuyện Nữ-trưởng-lão Bích-Liên – Kệ số 069
55) Tích chuyện Trưởng-lão Giang-bửu-kha – Kệ số 070
56) Tích chuyện về ngạ-quỉ A-hi – Kệ số 071
57) Tích chuyện về ngạ-quỉ Sa-thi-cừu – Kệ số 072
58) Tích chuyện về người gia-chủ tên Tâm – Kệ số 073 và 074
59) Tích chuyện Sa-di Thi-sa – Kệ số 075

-ooOoo-

I.- Phẩm Song-yếu

(1).- Tích chuyện vị Tăng mù.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến chuyện một vị tăng mù tên là Cát-Khư.

Nguyên, lúc bấy giờ, vị Tăng mù Cát-Khư đến đảnh-lễ Đức Phật. Chiều hôm ấy, ông đi kinh-hành bên ngoài, vô-ý đạp chết nhiều côn-trùng. Sáng hôm sau, nhiều vị tăng trẻ tuổi thấy xác côn-trùng, sanh ra hiểu lầm, cho rằng vị Tăng Cát-Khư phạm giới sát-sanh. Họ liền vào thưa trình với Đức Phật. Phật hỏi: “Các ông có chính mắt trông thấy Cát-Khư giết hại côn-trùng không?” Các vị tăng đáp, không. Phật bảo: “Các ông chẳng thấy ông ta giết, cũng như ông ta đã chẳng thấy các côn-trùng dưới chơn, khi đi kinh-hành. Hơn nữa, Cát-Khư đã chứng được quả-vị A-la-hán rồi, chẳng hề có ý-định sát-sanh, nên chẳng có phạm tội.” Các vị tăng lại hỏi, vì sao vị Tăng đã chứng được quả-vị A-la-hán mà hai mắt lại bị mù, Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau:

Trong một đời về tiền-kiếp, Cát-Khư là một vị y-sĩ có danh-tiếng. Một người đàn-bà bị đau mắt, đến thưa cùng ông: “Nếu ông chữa lành đôi mắt tôi, tôi nguyện tôi và các con cái của tôi sẽ làm nô-lệ cho ông.” Khi người đàn-bà ấy đã lành mắt, lại muốn nuốt lời, bảo rằng đôi mắt còn tệ hơn trước. Cát-Khư biết rõ người ấy nói dối mình, nên căm-thù và đưa cho một thứ thuốc xoa vào mắt. Người đàn-bà bất-hạnh đó bị mù luôn. Vì tội-ác nầy, Cát-Khư phải sanh ra mù-loà trong nhiều đời sống kế-tiếp, cho đến hiện nay.

Sau khi kể xong, Đức Phật liền đọc lên bài kệ:

Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo;
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý chẳng trong
Nói năng, hành-động, khổ đồng theo sau;
Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.
(Kệ số 001)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Phẩm Song-yếu: Bộ Kinh Pháp-Cú có 26 chương, mỗi chương gọi là một Phẩm. Phẩm đầu-tiên nầy tên là Song-yếu (Song = hai; yếu = quan-trọng), gồm có nhiều bài kệ sắp thành từng cặp hai bài. Bài số 1 nầy được học chung với bài kệ số 2, ở phiá sau; cả hai bài cùng có liên-quan đến một ý-nghĩa chung.

– Tăng: đàn-ông, con trai, vào chùa tu theo đạo Phật. Nếu là giới phụ-nữ thì gọi là Ni.

– Cát-Khư: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho vị tăng nầy, để dễ đọc; trọn tên vị A-la-hán nầy bằng tiếng Pali là Cakkhupàla.

– Kỳ-viên-tự: chùa Kỳ-viên, tên tiếng Pali là Jetavana. Nguyên Thái-tử Kỳ-đà có khu vườn đẹp; ông Cấp-cô-độc muốn mua để cất tịnh-xá cho Đức Phật và Tăng-đoàn ở tu. Thái-tử bảo, lót vàng lên khắp mặt đất, ông sẽ bán cho. Ông Cấp-cô-độc làm theo, còn các hàng cây cao chẳng thể lót vàng lên được. Thái-tử cười, tặng cả khu vườn để xây tịnh-xá. Vì thế, tịnh-xá có tên là Kỳ-viên-tự (Kỳ = tên của Thái-tử Kỳ-đà; viên = vườn; tự = chùa). Trong các kinh, thường gọi nơi nầy là Kỳ-thọ Cấp-cô-độc-viên, nghĩa là ngôi chùa của Ông Cấp-cô-độc xây trong vườn có hàng cây của Thái-tử Kỳ-đà.

– Xá-vệ: một nước ở miền Bắc Ấn-độ ngày xưa, quê-hương của Đức Phật Thích-ca. Tên Pali là Sàvathi.

– kinh-hành: kinh = kinh; hành = đi. Đi kinh-hành là bước đi chầm-chậm từng bước, trong tâm im-lặng, hoặc vừa đi vừa niệm Phật. Còn gọi là thiền-hành.

– giới sát-sanh: giới = điều răn cấm của người tu-hành; sát = giết; sanh = sanh-vật có mạng sống. Sát-sanh là giết hại mạng sống, là điều răn cấm thứ nhứt trong giới-luật của đạo Phật.

– quả-vị A-la-hán: quả = kết-quả, khi tu thành-công; vị = ngôi-vị; A-la-hán = tiếng Phạn là Arhat, tiếng Pali là Arahant, người đã chứng được quả-vị thứ tư, cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Thanh-văn là những vị đệ-tử sống gần bên Đức Phật, nghe giảng Pháp mà tu-tập, để lần-lượt chứng các quả vị: (1) Tu-đà-huờn, (2) Tư-đà-hàm, (3) A-na-hàm, và (4) A-la-hán. Ba quả-vị trước thuộc bực Hiền; quả-vị A-la-hán là bực Thánh, chẳng còn phiền-não và hết phải sanh trở lại trong vòng Luân-hồi.

– tiền-kiếp: tiền = trước; kiếp = các đời sống: trước, sau và hiện-tại, kể chung lại. Tiền-kiếp là kiếp trước, đời sống trước khi sanh thành người vào đời thời nầy.

– nô-lệ = đày-tớ ở trọn đời với chủ, chẳng có tự-do cá-nhơn riêng.

– muôn pháp: muôn = mười ngàn, ở đây, chỉ số nhiều; pháp = tất cả sự sự, vật vật, có thể đặt tên để gọi. Ví-dụ: cái xe, con trâu, người ta, ý-nghĩ, lời nói, v.v. đều là pháp cả.

– tiền-đạo: tiền = trước; đạo = đường; Ý muốn nói, trong mọi việc, ý khởi lên trước nhứt, dẫn đầu mọi việc khác.

– kinh, kệ: kinh = lời giảng về pháp-tu của Phật hay Bồ-tát, được ghi chép lại; kệ = bài thơ ngắn tóm tắt lại lời kinh đã giảng.

– Pháp-Cú: dịch chữ Pali là Dhammapada. Dhamma = Pháp = ở đây, có nghĩa là pháp-tu, đường lối tu-hành đi tìm Chơn-Lý. Cú = câu văn. Kinh Pháp-Cú nằm trong Tiểu-Bộ-Kinh, thuộc Kinh-Tạng, trong Tam Tạng Kinh-Điển. Kinh nầy ghi chép lại các bài kệ của Phật nói, nhơn một tích chuyện có thật xãy ra. Việc ghi chép nầy được thực-hiện sau khi Đức Phật đã lià đời.

B.- Nghĩa Ý:

1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

– một, kể lại việc, vì mù chẳng thấy côn-trùng ở dưới chơn, nên vị tăng chẳng phạm tội sát-sanh khi đạp chết chúng, lúc đi kinh-hành. Đức Phật bảo, vì chẳng có ý-định sát-sanh, nên chẳng phạm tội đó. Vậy, điều quan-trọng trong tội-lỗi, chính là ý ác khởi lên trước trong tâm.

– hai, kể lại việc báo thù của vị y-sĩ. Tại sao ông bị mù nhiều kiếp? Theo câu chuyện, chính ông có ác-ý, muốn hại người đàn-bà phải mù, để báo thù việc bà đã nói dối với ông. Ác-ý đó là nguyên-nhơn khiến cho ông phải chịu khổ-sở vì mù-loà, qua nhiều đời kế-tiếp.

2.- Ý-nghĩa của bài Kệ:

– Ý-nghĩa quan-trọng nhứt của bài Kệ là: trước khi nói-năng hay hành-động, từ trong tâm, ý đã khởi lên trước, khiến cho ta phải nói hay làm theo. Nếu có ý xấu, thì lời nói cùng việc làm, vì đó mà xấu theo. Rồi vì có ác-ý, có lời xấu, có việc làm dữ, nên phải chịu hậu-quả cũng xấu theo, là phải khổ-sở. Hễ có ý chẳng trong-sạch, rồi hành-động, hay nói, sai-lầm, thì sẽ phải khổ, theo sau liền, đâu tránh được. Diễn lại nghĩa nầy, giáo-lý nhà Phật gọi đó là luật Nhơn-quả: gây nhơn ác, chịu quả xấu.

– Hình-ảnh quan-trọng do bài Kệ gợi lên: Câu chót của bài Kệ gợi lên hình-ảnh cái bánh xe lăn theo chơn con trâu kéo phiá trước. Bánh xe chẳng thể ngừng, nếu con trâu phiá trước đang bước tới. Đó cũng như, đã có ý ác sẵn rồi, thì lời nói, việc làm chẳng thể tốt đẹp được. Lại nữa, lời nói, việc làm đã xấu thì người nói hay làm sẽ phải chịu sự khổ sở về sau, chẳng có cách nào thoát khỏi. Hình-ảnh bánh xe đang quay tượng-trưng cho vòng Luân-hồi (Luân = bánh xe; hồi = trở lại; quay hết một vòng rồi trở lại quay tiếp, chẳng ngừng.) Còn ở trong vòng Luân-hồi, là còn phải chịu cảnh sanh, già, bịnh, chết để rồi lại sanh trở lại, nối-tiếp khổ mãi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ: đặc-biệt ghi nhớ: ý làm chủ, ý gây nên mọi việc khiến ta phải trôi lăn trong cảnh khổ của Luân-hồi.

2.- Trong ba nghiệp: nghiệp thân, nghiệp miệng và nghiệp ý thì ý-nghiệp là quan-trọng nhứt. Vì có nghiệp, nên con người phải chịu khổ trong cảnh Luân-hồi. Vậy, phải làm sao cho nghiệp được trong-sạch, mới dứt hết khổ. Dứt nghiệp bằng cách thanh lọc ý-nghiệp trước.

3.- Tập thanh-lọc tâm-ý: thanh-lọc tâm-ý là làm cho lòng mình được trong-sạch. Bằng cách nào? Bằng cách dẹp bỏ những ý-nghĩ xấu; hễ khi biết mình đang nghĩ quấy, phải liền dứt bỏ. Thí-dụ như đang nhớ đến việc xấu của người, đó là tâm mình đang bị “dơ”, dơ vì mình để chỗ xấu của người len lọt vào tâm mình. Ai làm xấu mặc ai, mình chỉ nghĩ tốt.

(2).- Tích chuyện thanh-niên được sanh lên cõi Trời.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Mã-Thà, một chàng thanh-niên dòng Bà-la-môn, được sanh lên cõi Trời.

Vào thời ấy, có một người Bà-la-môn giàu-có, nhưng rất rít-róng, chẳng ưa bố-thí cho ai cả. Ông tên là A-Đinh, chỉ có một đứa con trai, tên là Mã-Thà. Ông hà-tiện đến nổi chẳng chịu mua sắm vật trang-sức cho con mà chính tay ông lại làm lấy, để khỏi phải tốn tiền công thợ. Khi Mã-Thà đau nặng, ông chẳng chịu rước thầy thuốc để trị. Mãi cho đến khi bịnh-tình quá trầm-trọng, hết phương cứu chửa, ông liền đem giường con nằm ra để ngoài hàng ba, hướng về bàn thờ thần mưa ngoài sân, vì bụng ông sợ các người đến thăm-viếng, nhìn thấy đến của-cải trong nhà.

Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định thâm-sâu, Đức Phật quán thấy cảnh thương-tâm của thanh-niên Mã-Thà đang nằm trước hàng ba ở nhà. Khi cùng với các đệ-tử vào thành Xá-vệ để khất-thực, Đức Phật liền đi đến trước cửa nhà ông A-Đinh và đứng dừng lại đó. Ngài phóng hào-quang chiếu vào nhà, khiến cho Mã-Thà phải chú-ý, quay đầu ra ngoài và nhìn thấy Phật. Vì bịnh quá nặng, Mã-Thà chỉ có thể dùng tâm-tư của mình, hướng về Phật mà đảnh-lễ. Thế cũng đủ! Ngay khi thở hơi cuối cùng, với tấm lòng kính-mộ Đức Phật sẵn trong tâm, Mã-Thà liền được sanh lên cõi Trời Đao-Lợi.

Từ trên cung Trời nhìn xuống, Mã-Thà thấy cha mình đang đau buồn ở nghĩa-điạ, chàng liền hiện thân xuống bên cha, như hồi còn sống. Mã-Thà thưa với cha, kể lại vì sao mình đã được sanh lên cõi Trời sung-sướng và thúc-dục cha nên thỉnh Đức Phật về nhà để dâng cơm cúng-dường. Bấy giờ, trong nhà ông A-Đinh mọi người đang bàn-tán về việc, có thật hay chẳng có thật, chỉ cần dùng tâm-ý kính-mộ Đức Phật là đủ để sanh lên Trời. Đoán biết được tâm-trạng còn nghi-ngờ của mọi người, tâm Đức Phật liền triệu-thỉnh Mã-Thà từ cung Trời Đao-Lợi. Mã-Thà liền vâng lịnh, trong y-phục đẹp-đẽ của chư Thiên, hiện xuống nhà cũ, đứng giữa mọi người, kể lại nhờ tâm biết kính-lễ Đức Phật mà được sanh Thiên.

Bấy giờ, Đức Phật liền đọc lên bài Kệ:

Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo,
Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.
Ai đem tâm-ý sáng trong
Nói năng, hành-động, vui đồng theo sau;
Khác nào bóng chẳng lià hình.
(Kệ số 002)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Mã-Thà: Thiện Nhựt mạn phép đặt tên Việt cho chàng thanh-niên nầy, tên thật bằng tiếng Pali là Matthakundali.

– A-Đinh: cha của Mã-Thà; tên thiệt của ông là Adinnapubbaka.

– Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ trong xã-hội xưa ở Ấn-độ. Có bốn giai-cấp, từ trên xuống dưới: (1) Bà-la-môn, tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi, vua, quan; (3) Phệ-xá, buôn bán, (4) Thủ-đà-la, công-nhơn.

– Bàn thờ thần mưa: theo tục-lệ bên Ấn-độ, thờ thần mưa gió, đặt bàn thờ ngoài sân, cũng tựa như bình-dân Việt có bàn thờ ông Thiên.

– Thiền-định: ngồi Thiền và nhập định, nghĩa là lắng yên tâm-tư trong cảnh vắng-lặng, chẳng theo cảnh bên ngoài, chẳng bị ý bên trong trì-níu.

Quán: suy-nghĩ sâu-xa, nhìn thấy bằng tâm-tư.

Khất-thực: khất = đi xin; thực = ăn. Đây là giới-hạnh Đức Phật đặt ra, buộc mọi vị tỳ-kheo phải mang bình bát đi ăn xin từng nhà, chớ chẳng được làm nghề khác để sanh-sống. Hạnh khất-thực khiến cho người tu-hành dẹp bỏ được sự kiêu-căng, cúi mình đi ăn xin, và có dịp gặp người thế-tục để giảng-dạy về pháp Phật.

Hào-quang: ánh-sáng phát ra từ người tu-hành đã chứng Đạo.

Đảnh-lễ: cúi đầu làm lễ, kính lạy. Mã-Thà chỉ đảnh-lễ Phật bằng ý-nghĩ thôi, vì lúc ấy anh đang đau nặng.

Cõi Trời Đao-Lợi: cõi Trời nầy, tiếng Pali là Tavatimsa. Còn gọi là Cõi Tam-thập-tam thiên, nghĩa là cõi Trời có 33 cảnh: mỗi phương có 8 cảnh, do một vị Thiên-đế cầm đầu, và ở trung-ương có Vua Đế-Thích ngự-trị.

Cúng-dường: dưng phẩm-vật lên để tỏ lòng kính-trọng. Vốn do đọc trại ra chữ Hán-Việt Cung-dưỡng ( = cung-cấp và nuôi dưỡng).

Kính-mộ: kính = cung-kính; mộ = ái-mộ; kính-mến.

Triệu-thỉnh: triệu = gọi đến; thỉnh = mời đến; cho gọi tới.

Sanh Thiên: sanh lên cõi Trời.

B.- Nghĩa Ý:

1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

– một, vì tỏ lòng kính-lễ Đức Phật, vào lúc sắp lià đời, nên chàng thanh-niên Bà-la-môn được sanh lên cõi Trời hưởng sự sung-sướng. Theo kinh sách, được thác-sanh vào cõi Trời, cuộc đời sẽ kéo dài lâu hơn ở trần-gian, mọi nhu-cầu đều được thoả-mãn đầy-đủ, chẳng phải lo việc ăn-uống, sống trong cung-điện huy-hoàng và muốn đi đâu liền được đến đấy. Nhưng khi hưởng hết phước lành, chư Thiên bị suy-thoái và còn phải chịu cảnh Luân-hồi, trở lại cõi trần hay đoạ vào các nẻo dữ. Người Phật-tử biết chọn mục-tiêu giải-thoát hoàn-toàn, chẳng lấy việc sanh lên Trời làm mục-đích, mà chọn con đường đi đến Niết-Bàn, chấm dứt cuộc tử-sanh, sống tịch-tĩnh trong niềm thường-vui.

– hai, thái-độ đáng trách của ông A-Đinh quá keo-kiệt: con đau chẳng rước thầy thuốc; đến lúc con lâm-nguy, lại đem ra bỏ ở hàng ba. Đó chính là vì bụng dạ quá rít-róng hà-tiện. Theo kinh-sách, những người như thế, sẽ thác-sanh vào hàng ngạ-quỉ ( = quỉ đói), luôn luôn bị đói khát. Để trị bịnh xan-tham nầy, kinh-sách dạy phải năng bố-thí. Trong các hình-thức bố-thí, sự dâng cúng lễ-vật đến các bực chơn-tu là hình-thức cao quí, chỉ thua việc pháp-thí ( = giảng-dạy Chánh-pháp cho kẻ khác biết được đường tu giải-thoát) mà thôi. Thanh-niên Mã-Thà, vì thế, đã khuyên cha nên thỉnh Phật đến nhà mà cúng-dường. Đó là việc tạo phước-đức thật to-lớn, khiến cho thí-giả ( = người đem của ra bố-thí) được sanh lên cõi Trời vào đời sau.

2.- Ý-nghĩa của bài Kệ:

– Ý-nghĩa quan-trọng nhứt của bài Kệ là: cũng như bài Kệ số 001, ý làm chủ, ý gây ra mọi việc, từ lời nói đến việc làm. Nếu đem tâm-ý thanh-tịnh mà nói lên, hoặc hành-động, thì sẽ được vui hưởng điều lành.

– Hình-ảnh do bài Kệ gợi lên: Câu chót của bài Kệ:

“Khác nào bóng chẳng lià hình” đã diễn-tả LUÂT NHƠN-QUẢ rất rõ-ràng bằng hình-ảnh: NHƠN là hình, còn QUẢ là bóng, là ảnh. Khi có ánh-sáng, ta chẳng thấy hình của vật nào mà chẳng có bóng của nó cả. Ở đời cũng vậy, chẳng có một sự-việc nào làm nguyên-nhơn gây ra mà chẳng có hậu-quả của nó đi kèm theo. Chẳng có cách nào để tách rời bóng với hình ra, cũng chẳng có cách nào để khiến cho một nguyên-nhơn chẳng gây ra hậu-quả được.

Trong bài Kệ số 001, tâm-ý chẳng trong-sạch làm nguyên-nhơn gây ra hậu-quả xấu, còn gọi là ác-báo.

Trong bài Kệ số 002, tâm-ý sáng trong làm nguyên-nhơn tạo nên thành-quả tốt, còn gọi là phước-báo.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ: bài Kệ số 002 dễ nhớ, nhờ đã thuộc sẵn bài Kệ số 001; chỉ cần đổi: “tâm-ý chẳng trong” ra “tâm-ý sáng trong”, và trước thì: “khổ đồng theo sau”, còn sau thì đổi ra “vui đồng theo sau”.

Và học thêm câu chót: “Khác nào bóng chẳng lià hình”, vốn là một câu thường nghe nói ở đời.

2.- Một cách thanh-lọc tâm-ý: Mô Phật! Ta thường thấy các cụ già mô Phật, mỗi khi nghe một câu nói chẳng vừa ý mình: đó là cách làm cho mình chẳng nổi lên tức-giận. Tiếng Mô Phật nầy chẳng nên thốt lên ngoài đầu môi chót lưỡi, mà khi nói, phải quay vào bên trong tâm mình, xem coi cơn giận nổi lên có còn đó hay không, hay đã bớt tức chút nào chưa. Người nào biết Mô Phật như thế là biết làm cho lòng mình trở nên trong-sáng hơn.

Thường người ta cũng mô Phật khi nghe một câu nói thiện-lành. Đó là làm cho tâm mình đang trong-sáng, lại càng trong-sáng hơn.

(3) Tích chuyện Trưởng-lão Thi-Sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, ở nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến vị Tăng ngoan-cố là Tôn-giả Thi-Sa.

Tôn-giả Thi-Sa vốn là con nguời dì của Đức Phật, từng sống chung với Đức Phật khi Ngài còn là Thái-tử. Đến khi trộng tuổi, tôn-giả mới xuất-gia, thường tự coi mình là một vị Tăng Trưởng-lão. Thế nhưng đối với những nghĩa-vụ của một tăng-nhơn mới nhập-đạo, Tôn-giả thường hay xao-lãng; lại luôn cãi-vã náo-loạn lên với các vị tăng trẻ tuổi. Nếu có ai khiển-trách, thì Tôn-giả khóc lên, chạy đi mét với Đức Phật.

Một ngày kia, Thế-tôn hỏi ông: “Nầy Thi-Sa, cớ làm sao mà ông ưu-phiền đến nổi nước mắt chảy quanh mi như thế?” Thi-Sa vừa cãi-vã với một nhóm tăng-nhơn xong, liền thưa với Phật rằng: “Nếu họ đến đây để gặp Thế-tôn, thì chắc con chẳng phải ưu-phiền như vầy!” Vừa lúc ấy, các tăng-nhơn ấy đến lễ-bái Phật. Thi-Sa liền thưa: “Bạch đức Đạo-sư, các vị tăng nầy mới vừa khiển-trách con đây.”

Thế-tôn hỏi:

– Hiện-tại, ông đang ở chỗ nào?

– Con đang ở tại Đại-sảnh-đường, Thế-tôn.

– Ông có thấy chúng tăng đi đến đây không?

– Con có thấy, Thế-tôn.

– Ông có đứng dậy nghinh-tiếp họ không?

– Chẳng có, Thế-tôn.

– Ông có đưa tay ra mời, dắt họ vào trong hay không?

– Chẳng có, Thế-tôn.

– Nầy Thi-Sa, ông chẳng nên có thái-độ như thế, đối với những người đã vào Đạo trước ông. Ông nên hướng về họ mà ngỏ lời xin lỗi đi.

– Thế-tôn, con chẳng chịu xin lỗi họ đâu!

Chúng tăng liền thưa với Đức Phật:

– Thế-tôn, vị tăng nầy rất là ngoan-cố.

Thế-tôn đáp:

– Nầy chư tăng, ông ta ngoan-cố như thế chẳng phải là lần thứ nhứt. Tại tiền-kiếp, ông ta cũng đã tỏ ra rất ngoan-cố rồi.

Chư tăng thỉnh-cầu Phật cho biết về tiền-kiếp, tôn-giả Thi-Sa đã ngoan-cố như thế nào. Do đó, Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa như sau đây:

Thuở xưa, có một vị tăng tu khổ-hạnh tên là Đề-va-la ngụ trên dãy núi Hi-mã-lạp-sơn. Vào đầu mùa mưa, ông quay về thành Ba-la-nại để mua muối, dấm và định lưu lại đây hết bốn tháng mưa dầm. Tại cửa thành, ông gặp hai vị tăng-nhơn trẻ tuổi, liền hỏi: “Các du-tăng đến thành nầy, thường trú-ngụ tại đâu?” Họ đáp, tại lò gốm. Đề-va-la liền đi đến lò gốm, xin ngủ qua đêm tại đó, và được chủ lò gốm chấp-thuận. Độ một lúc sau, lại có một vị du-tăng khác, tên là Na-ra-đa, cũng đến xin tá-túc. Hai người thi lễ với nhau rồi cùng tạm trú trong lò gốm bỏ trống về đêm.

Đến giờ đi ngủ, Na-ra-đa cẩn-thận xem Đề-va-la nằm ở đâu và cửa ra vào ở phía nào, rồi mới đi nghỉ. Thế nhưng một chập sau, Đề-va-la lại đổi chỗ, đến nằm gần bên cửa cái. Về khuya, Na-ra-đa cần đi ra ngoài, chẳng để-ý, đạp nhằm đầu của Đề-va-la. Đề-va-la hét lên:

– Ai đạp lên đầu ta vậy?

– Chính con là Na-ra-đa, con xin Sư-phụ tha lỗi.

– Mi là một tên ác-tăng, sống ở rừng-rú, cứ nhè đầu ta mà đạp lên.

– Con chẳng biết Sư-phụ đã đổi chỗ nằm, xin Sư-phụ tha tội.

Na-ra-đa liền đi ra ngoài. Trong lúc đó, Đề-va-la sợ bị đạp lần nữa, quay sang nằm chỗ khác. Lúc vào, Na-ra-đa cẩn-thận tránh chỗ cũ, đi chầm-chậm từng bước sờ-soạng, nhưng lại rủi thay lần nầy lại đạp trúng ngay cổ của Đề-va-la.

– Ai vậy?

– Chính con! Thật con chẳng biết Sư-phụ lại dời qua bên nầy, xin Sư-phụ từ-bi tha tội cho con.

– Mi quả thật là tên ác-tăng. Lúc đi ra, đạp đầu ta, lúc trở vào lại đạp cổ ta. Ta phải niệm chú nguyền-rủa mi mới được.

– Muôn vàn xin Sư-phụ từ-bi hỉ-xả mà tha tội cho con, xin đừng niệm chú.

Nhưng Đề-va-la chẳng tha, cứ niệm chú:

– Nguyện đầu mi sẽ bể thành bảy mảnh vụn vào lúc mặt trời mọc.

Na-ra-đa trong cơn thiền-định, nhận thấy chú-ngữ lại có phãn-ứng quay ngược lại hại người đang trù-rủa. Na-ra-đa liền vận thần-thông khiến cho mặt trời chẳng mọc lên được. Lúc bấy giờ, Quốc-vương thành Ba-la-nại biết được chuyện tại sao mặt trời chẳng mọc, lền giận-dữ và buộc Đề-va-la phải xin lỗi, để cho mặt trời mọc. Nhưng Đề-va-la nhứt-định chẳng tuân lịnh, cứ tiếp-tục niệm chú. Bấy giờ, Na-ra-đa mới thưa:

– Bạch Sư-phụ, con sắp làm phép cho mặt trời mọc trở lại; nhưng đầu của Sư-phụ sẽ bị bể. Sư-phụ mau mau lấy đất sét trét lên đầu, rồi lặn xuống sông ngay, đến chỗ cạn mới trồi lên.

Đề-va-la biết cơn nguy-khốn sẽ xãy ra cho mình, liền vội lấy đất sét trét lên đầu và lặn xuống sông. Đến khi trồi lên, mặt trời chiếu rọi, lớp đất sét trên đầu liền bể tan thành bảy mảnh vụn, nhờ đó mà thoát chết.

Đức Phật kết-thúc câu chuyện: “Đề-va-la chính là Thi-Sa ngày nay, vị Quốc-vương là A-nan-đà, còn Na-ra-đa chính là Ta đây.” Rồi Đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ như sau:

“Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,
“Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi.”
Ai ôm-ấp mãi tâm-niệm ấy,
Oán-hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng.
(Kệ số 003)

“Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,
“Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi.”
Ai sớm vứt đi tâm-niệm ấy,
Oán-hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng.
(Kệ số 004)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Trưởng-lão: trưởng = lớn; lão = già. Trưởng-Lão =vị Tăng có nhiều tuổi Đạo ( = dự một kỳ an-cư kiết-hạ vào mùa hè là thêm một tuổi Đạo)

– Tôn-giả: tôn = tôn-trọng; giả = người; bực đáng tôn-kính.

– Thi-Sa: tên thật bằng tiếng Pali là Tissa.

– Đề-va-la: tên thật bằng tiếng Pali là Devala.

– Na-ra-đa: tên thật bằng tiếng Pali là Narada.

– A-nan-đà: tên thật bằng tiếng Pali là Ananda.

– Thái-tử: thái = lớn; tử = con; người con trai lớn của Vua, sau sẽ nối ngôi.

– Trộng tuổi: đã lớn tuổi; vào khoảng trên bốn, năm mươi trở lên.

– Xuất-gia: xuất = đi ra; gia = nhà; rời nhà đi tu; trái nghĩa với chữ tại-gia là còn ở nhà, tu tại-gia.

– Ưu-phiền: ưu = lo-lắng; phiền = buồn lòng; buồn rầu.

– Khiển-trách: quở trách, trách móc.

– Đại-sảnh-đường: đại = lớn; sảnh =phòng; đường = nhà; căn phòng lớn trong nhà, tức là phòng khách.

– Chúng tăng: chúng = số đông; tăng = tu-sĩ theo đạo Phật.

– Nghinh-tiếp: nghinh = chào đón; tiếp = tiếp đón.

– Thế-tôn: thế = thế-gian; tôn = tôn trọng; bực được cả thế-gian tôn-trọng, tức là Đức Phật. Các tỳ-kheo gọi Phật là Thế-tôn; Phật tự xưng là Như-Lai.

– Ngoan-cố: cứng đầu, chẳng chịu vâng lời.

– Thỉnh-cầu: cầu xin; tiếng để thưa với các vị đáng tôn-trọng.

– Khổ-hạnh: khổ = cực khổ; hạnh = hành-động, hạnh-kiễm; đây là lối tu-hành ép-xác chịu cực-khổ nhiều.

– Ba-la-nại: thành-thị lớn ở Ấn-độ, còn có tên gọi là Vanarasi, hay là Bénarès. Chính ở một ngôi vườn gần thành nầy (vườn Lộc-uyển) Đức Phật đã giảng bài pháp đầu-tiên (Kinh Chuyển Pháp-Luân) cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe.

– Du-tăng: du = đi đó đi đây; tăng = tu-sĩ Phật-giáo; các vị du-tăng đi khắp nơi để tìm thầy học đạo, chẳng ở một nơi nhứt-định nào. Còn gọi là vị tăng hành-cước.

– Tá-túc: tá = nhờ vào, ở nhờ; túc = đêm; ở nhờ qua đêm.

– Thi lễ: thi = thi-hành, làm; lễ = chào; làm lễ chào hỏi nhau.

-Sư-phụ: thầy; thầy dạy Đạo (sư = thầy; phụ = cha).

– Ác-tăng: ác = dữ; tăng = tu-sĩ; tiếng để mạt-sát nhà tu-hành.

– Từ-bi hỉ-xả: theo nghĩa thông-thường là hãy mở lòng thương mà tha tội cho. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, Từ là đem sự vui đến cho kẻ khác; Bi là cứu giúp kẻ khác khỏi khổ-đau; Hỉ là vui mừng khi thấy kẻ khác thành-công; Xả là buông-bỏ chẳng cố-chấp. Trong Phật-học, từ, bi, hỉ, xả, được gọi là Tứ vô-lượng Tâm, nghĩa là bốn tấm lòng rộng-rãi thương người (từ), cứu giúp người (bi), vui mừng khi thấy người sung-sướng (hỉ ), chẳng cố-chấp lỗi của người (xả ). Đây là đường-lối tu-hành của bực Bồ-tát.

– Niệm chú: niệm = đọc ra tiếng hay đọc thầm; chú = còn gọi là chơn-ngôn, chú-ngữ, lời nói bí-mật được tin-tưởng là có hiệu-lực thần-bí.

– Nguyền-rủa: trù ẻo; mong cho kẻ khác bị hại.

– Thần-thông: phép-lực siêu-nhiên, trhí dụ như bay trên không.

– Quốc-vương: quốc = nước; vương = vua.

– Tâm-niệm: tâm = lòng; niệm = ở đây, là ý-nghĩ, tư-tưởng.

– Oán-hận: oán = oán-thù; hận = hờn-giận.

B.- Nghĩa Ý:

1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có các ý-nghĩa sau đây:

(1).- Bổn-phận của người mới vào tu đối với người đã tu lâu: Để tỏ lòng kính-trọng đối với người đã đi trước mình, người mới vào đạo phải kính-nhường, đón chào, kính-lễ và vâng lời. Vị Tăng Thi-Sa đã thiếu sót trong bổn-phận nầy, mặc dầu đã được Phật nhắc nhở.

(2).- Sự ngoan-cố chỉ đem hại lại cho người ngoan-cố:

– Thi-Sa chẳng chịu xin lỗi với chúng tăng và chẳng đứng dậy chào đón, mời họ vào Đại-sảnh-đường, nên mới bị Phật quở-trách.

– Đề-va-la cứ niệm chú để nguyền rủa Na-ra-đa, mặc dầu đã được xin lỗi, phải chịu hậu-quả tai-hại của lời chú quay ngược lại hại mình

– Người ngoan-cố phải chịu đau buồn vì trong lòng bị ý-tưởng xấu trì-níu, khuấy rối, xúi-dục làm điều quấy.

(3).- Thái-độ từ bi của vị Tăng Na-ra-đa: Nhờ thiền-định quán thấy ảnh-hưởng tai-hại của chú-ngữ sẽ xảy đến cho Đề-va-la, Na-ra-đa đã vận-dụng thần-thông cho mặt trời chẳng mọc. Lại chỉ cách cho Đề-va-la trét đất sét lên đầu, lặn xuống sông, để khỏi bị bể đầu. Đây là Na-ra-đa đã biết đem ơn mà trả oán.

2.- Ý-nghĩa của hai bài Kệ:

Ý-nghĩa quan-trọng của cả hai bài Kệ nầy là chỉ cách cho ta dẹp được niềm oán-hận đang nung-nấu trong tâm.

(1).- Tại sao sanh ra oán-giận? Hai câu đầu của cả hai bài Kệ nêu rõ nguyên-nhơn sanh ra oán-giận:

– “Nó mắng tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì lời nói của nó làm chạm tự-ái của tôi.

-’‘Nó đánh-đập tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì hành-động của nó xâm-phạm đến thân của tôi.

– “Nó thắng tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì nó hơn tôi.

– “Nó cướp đoạt tôi”: tôi sanh ra oán-giận nó, vì nó đã giựt lấy tài-sản của tôi.

Tóm lại, chỉ vì nó đã xâm-phạm đến tôi và những gì của tôi, mà tôi sanh ra oán-giận. Tôi giận vì tôi thấy những gì tôi quí đang bị xâm-phạm.

(2).- Khi mình sanh ra giận-hờn, thì lòng mình như thế nào?

So-sánh hai câu thứ ba và thứ tư ở cả hai bài Kệ, ta thấy:

(a).- Thái-độ khác nhau giữa người giận và người chẳng giận:

– “Ai ôm-ấp mãi tâm-niệm ấy”: người giận cứ ghim chặt trong bụng mình lời nói và hành-động của người đã xâm-phạm mình;

-’‘Ai sớm vứt đi tâm-niệm ấy”: người chẳng giận biết gạt khỏi bụng mình lời nói và hành-động của người đã xâm-phạm mình.

(b).- Kết-quả về phía người bị chọc giận:

– “Oán-hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng”: cơn giận khởi lên, chẳng những làm cho người giận tức-tối lên, nó còn đè nặng cõi lòng nữa, nghĩa là, nó nung-nấu, sôi sùng-sục, kéo dài sự khó chịu cho đến chừng nào quên giận đi thì mới thôi.

– “Oán-hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng”: cơn giận chẳng kịp nổi lên, lòng người bị chọc giận cảm thấy nhẹ-nhàng và vui hơn, vì đã “thắng” được mình, khi biết người gây oán-hận dầu có nói hay làm gì cũng chẳng “thấm” vào trong mình mình được.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ nầy. Học xong bài Kệ số 003, là thuộc luôn cả bài Kệ số 004. Tại sao? – Vì chỉ cần đổi có mấy chữ rất quan-trong nầy: đổi chữ ôm-ấp ra thành chữ vứt đi; đổi chữ chẳng nguôi ra thành chữ liền nguôi; đổi chữ nặng cõi lòng ra thành chữ nhẹ cõi lòng.

2.- Làm sao mà “Vứt Đi” được để cho “Nhẹ Cõi Lòng”?

Học thuộc lòng hai bài Kệ thì chẳng quá khó; đổi mấy chữ ở bài Kệ số 003 ra mấy chữ ở bài Kệ số 004 cũng chẳng phải quá khó, nhưng từ “Nặng cõi lòng” mà trở nên “Nhẹ cõi lòng” thì chẳng phải dễ. Phải tu cả đời mới khiến cho lòng mình được thanh-tịnh, nhẹ-nhàng.

Tôi xin đề-nghị vài cách “Vứt Đi cái Giận-Hờn” như sau:

– Cách thứ nhứt: hãy tìm ngay một ly nước lạnh, chẫm rãi uống từng ngụm và tự nói với mình: “Đừng có giận làm gì cho mệt!”

– Cách thứ hai: nếu chẳng có sẵn ly với nước, thì xin ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại và chẫm-rãi hít vào một hơi dài, nghe luồng không-khí đi sâu vào, rồi thở từ từ ra, cũng nghe hơi xuyên qua lỗ mũi; thở như thế đến năm, mười hơi thì có lẽ người đang nói nặng kia cũng phải … nín.

– Cách thứ ba: đừng nhìn vào người đang nói nặng, hãy nhìn vào bên trong lòng mình và thành-tâm niệm nho-nhỏ: Mô Phật! Chớ nên niệm ở đầu môi chót lưỡi, mà phải niệm chơn-thành, nếu tưởng thấy được tượng Phật đang ngồi trên toà sen thì rất quí. Tôi chắc niệm chừng năm sáu tiếng như thế, người nói nặng kia cũng … bực mà nói: “Tao nói mầy có nghe không?” Ấy, đó là hiệu-lực của câu niệm đấy! Cứ niệm tiếp-tục, đừng trả lời, rồi thì chỉ còn tiếng Mô Phật, mà tiếng chửi bới im!

Trong ba cách nầy, tôi thấy cách thứ ba hiệu-nghiệm nhứt. Không tin, xin mời bạn gặp dịp làm thử xem!

Nhưng mà, khi bạn đang giận, bạn đâu biết bạn giận để đi tìm nước uống, để thở dài hơi, để Mô Phật. Vậy chỗ khó là chính mình phải biết mình đang giận, để tìm cách khắc-phục cơn giận. Làm sao biết?

3.- Câu hỏi: “Mình đang giận, làm sao biết mình đang giận?”, nghe có vẻ lẩm-cẩm, nhưng câu hỏi đó chứa một sự-thật rất quan-trọng, và câu trả lời chẳng phải dễ tìm thấy. Sự-thật quan-trọng đó là, khi giận người ta như điên lên, chỉ biết hướng về đối-tượng mà trả thù cho hả cơn giận, chớ đâu có thời-giờ quay vào bên trong lòng mình mà nhìn xem tâm mình đang sôi sùng-sục như nồi cơm đang nấu trên bếp. Câu trả lời cho xác-đáng chẳng dễ tìm là vì rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô-tư.

4.- Tại sao rất khó cho mình nhìn biết tâm mình một cách vô-tư? –

– Vì mình hay hướng ra bên ngoài, ít khi chịu quay vào bên trong để tự quán-sát và tự phán-xét mình. Nếu biết quay vào bên trong tâm mình, kinh sách gọi đó là phản quang tự-kỷ, nghĩa là dùng ánh-sáng của tâm-trí mình quay về chiếu rọi lấy tâm-trí của chính mình.

– Vì mình hay binh-vực mình, ít khi chịu thẳng-thắn nhìn lấy lỗi của mình, lại hay tìm cớ để bào-chửa cho cái Ta của mình. Nếu biết quên được cái Ta đó, hay cao hơn nữa biết vứt bỏ luôn cái Ta đó, kinh-sách gọi là thông-đạt được lẽ Vô-ngã của nhà Phật (vô = chẳng có; ngã = cái Ta). Và nếu chẳng những tâm-trí biết được lẽ Vô-ngã mà cả ý-tưởng, lời nói và việc làm đều theo đúng lẽ Vô-ngã, thì đang chứng-đắc được điều quan-trọng nhứt trong công việc tu-hành: tu là tu tâm mình.

5.- Thế nào là “Tu là tu tâm mình”? – Tu chẳng phải là chỉ ăn chay, đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, niệm Phật mà đủ. Các việc vừa kể rất cần-thiết, nhưng chỉ là những hình-thức giúp cho mình biết hướng về bên trong mình, tập sao cho tâm-trí mình trở nên nhẹ-nhàng, trong-sáng hơn. Đến được mức tâm thamh-tịnh là được GIÁC-NGÔ và GIẢI-THOÁT.

6.- Bốn bài Kệ đầu-tiên trong Kinh Pháp-Cú vạch ra rõ con đường TU TÂM cho ta. Hai bài Kệ số 1 và số 2 chỉ rõ Tâm-Ý là nơi ta phải làm sao cho trong-sáng lên. Hai bài số 3 và số 4 dạy cách vứt đi sự Sân-Hận, để cho Tâm được nhẹ-nhàng hơn. Có ba món độc làm cho Tâm nặng-nề chẳng giải-thoát được: Tham, Sân và Si. Con đường tu tâm là dẹp sạch ba món độc-hại đó để được GIÁC-NGÔ và GIẢI-THOÁT. Chỉ có thế!

(4).- Tích chuyện về nữ-quái Kha-Ly.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ. Trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc hai người phụ-nữ có mối thù truyền-kiếp.

Vào thời xa xưa, một gia-chủ kia có một người vợ hiếm-hoi, chẳng sanh con cái. Bà sợ bị chồng phụ-bạc, nên dàn-xếp để cưới thêm một người vợ thứ cho chồng. Khi người vợ thứ có thai, người vợ lớn lén để thức-ăn kỵ-thai cho người vợ thứ ăn, thành ra bị hư-thai. Đến khi thụ-thai lần sau, người vợ lớn cũng ghen-tức và dùng mưu-kế cũ, khiến cho người vợ thứ phải chết. Trước khi lâm-chung, người đàn-bà bất-hạnh đó phát lời thề là sẽ báo thù người vợ chánh và con cái của bà ta. Do đó, mối oan-cừu nhiều đời khởi lên từ đấy.

Trong hai kiếp sống Luân-hồi tiếp theo, cả hai người tái-sanh, một đời, làm gà mẹ và mèo cái; một đời, làm nai cái với beo gấm. Đến đời sau nữa, một người được sanh vào một nhà quí-tộc ở nước Xá-vệ; còn một người hiện thân làm nữ-quái tên là Kha-Ly.

Một ngày kia, nữ-quái Kha-Ly rượt đuổi theo người phụ-nữ quí-tộc đang bồng con trên tay. Bà mẹ sợ con bị hại, nghe nói có Đức Phật đang giảng pháp tại Kỳ-viên-tự, mới ôm con chạy vào, đặt đứa con dưới chơn Phật để xin bảo-hộ. Nữ-quái Kha-Ly đuổi theo đến cổng chuà, bị vị giữ cửa ngăn lại, chẳng cho vào. Đức Phật quán thấy thế, liền bảo người canh cổng cứ cho vào, để Ngài chỉ-dạy cho cả hai người phụ-nữ.

Sau khi hỏi đầu-đuôi câu chuyện, Đức Phật liền kể lại ngọn ngành mối thù truyền-kiếp từ các đời trước của họ: hai người vợ, cùng có chung một chồng, ghen-tức nhau; mèo cái giết hại gà con của mẹ gà; beo gấm ăn thịt nai tơ của nai cái, và cho đến nay, một người có con còn một người chạy theo bắt. Đức Phật liền giải-thích cho họ biết, tâm sân-hận làm cho oán-thù càng ngày càng tăng-gia; chỉ có thiện-ý hoà-giải và tình hữu-nghị mới có thể chấm dứt hận-thù. Cả hai cảm-động nghe lời Phật dạy và nhờ đó mà vui-vẻ với nhau, quên mối thù xưa.

Đức Phật liền bảo người mẹ bồng đứa con trao cho nữ-quái. Bà mẹ ngần-ngại một lát, rồi vâng lời. Nữ-quái ôm lấy đứa con, hôn-hít nó như con mình đẻ, rồi trả nó lại cho mẹ nó. Đến đây, mới thật chấm dứt hẳn mối thù giữa hai người.

Bấy giờ, Đức Phật mới đọc lên bài Kệ:

Chuyện thù-oán ở thế-gian
Nào ai đem oán dẹp tan được thù?
Cứ theo định-luật thiên-thu,
Bỏ lòng oán-giận, oan-cừu liền nguôi.
(Kệ số 005).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Nữ-quái: nữ = đàn-bà, cô gái; quái = kỳ-dị . Theo trong kinh, đó là một hạng chúng-sanh, gọi là ngạ-quỉ, nghĩa là quỉ đói.

– Gia-chủ: gia = nhà; chủ = chủ; chủ nhà.

– Hiếm-hoi: nói về người đàn-bà chẳng sanh con được.

– Phụ-bạc: phụ = làm trái ngược; bạc = lạt-lẽo; phụ-ơn và bạc-tình, nghĩa là chẳng thương mến, ghét bỏ.

-Vợ chánh, vợ thứ: theo chế-độ đa-thê ( = có nhiều vợ), người chồng, ngoài người vợ chánh-thức, còn có thể cưới thêm nhiều người vợ thứ khác nữa. Vợ chánh có quyền làm bà chủ nhà; trong khi đó, vợ thứ đóng vai phụ-thuộc như người ở trong nhà.

– Thụ-thai: mang thai trong bụng.

– Kỵ-thai: chất gây nguy-hiểm đến tánh-mạng của cái thai.

– Hư-thai: cái thai chết trước khi được sanh ra khỏi bụng mẹ.

– Lâm chung: lâm = vào lúc; chung = hết; vào lúc sắp chết.

– Bất-hạnh: bất = chẳng có; hạnh = hạnh-phước; xấu số, vô-phước.; gặp chuyển rủi-ro, nguy-hiểm.

– oan-cừu = thù-oán.

– Tái-sanh: tái = một lần nữa; sanh = sanh đẻ; sanh lại lần nữa.

– Quí-tộc: quí = cao-sang; tộc = dòng họ; nhà giàu-sang.

– Kha-Ly: tên thật bằng tiếng Pali là Kàlayakkhini.

– Bảo-hộ: che chở cho.

– Truyền-kiếp: truyền = chuyển tới; kiếp = đời sống; nhiều đời.

– Thiện-ý: thiện = lành; ý = tư-tưởng; ý-tưởng lành, tốt.

– Hoà-giải: hoà = yên lành; giải = mở ra; vui hoà với nhau, chẳng tranh-chống nhau nữa.

– Hữu-nghị: hữu = bằng-hữu, bè-bạn thân; nghị = tình giao-kết; tình bạn thân-thiết với nhau.

– Thiên-thu: thiên = một ngàn; thu = mùa thu; ngàn thu, ngàn xưa

B.- Nghĩa Ý:

1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại mối thù nhiều đời giữa hai người đàn-bà ghen-tức nhau: một đời làm vợ chung một chồng, một đời làm mẹ gà và mèo cái, một đời làm nai cái và beo gấm, đến thời Đức Phật, trở lại làm người. Nguyên-nhơn chỉ vì một người có con, một người chẳng có, nên ganh-tức hại mẹ con người kia. Nhờ Đức Phật hoà-giải, chỉ cho họ thấy, chẳng thể lấy oán mà báo oán, phải đem lòng thân-hữu mà đối xữ với nhau thì thù-hận mới tiêu-tan.

2.- Ý-nghĩa của bài Kệ:

Lấy oán mà báo oán, oán oán kéo dài mãi mãi. Bỏ lòng oán-giận thì mọi mối thù-hận sẽ tiêu-tan. Đó là định-luật từ ngàn xưa và vẫn còn đúng đến ngàn sau.

HỌC TẬP:

1.- Hãy cắt đứt dây oan-trái: người hại mình, mình hại lại, người lại trả thù, như thế, cả hai bị ràng buộc trong mối dây oan-trái ( = nợ oán). Muốn thoát khỏi sự ràng-buộc nầy, chỉ có cách là chẳng nên thù-oán ai, nên nhẫn-nhục chịu đựng và có lòng tha-thứ rộng-rãi.

2.- Vài đề-nghị:

– bị người lấn, chớ xô lại; hãy tránh ra xa, cả hai đều vui cả.

– bị người nói xấu, chớ tìm cách vạch lỗi người để bêu-riếu vì người cũng sẽ làm như thế đối với mình. Kết-quả cả hai đều xấu và lại chẳng chịu nhìn mặt nhau trong niềm vui, hoá ra cả hai cùng khổ cả.

– đem lòng thù ai khiến mình nặng lòng như mang một hòn đá.

(5).- Tích chuyện chư Tăng ở Cô-sâm-bi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có nhắc việc chư Tăng ở Cô-sâm-bi tranh-cãi nhau.

Lúc bấy giờ, chư Tăng ở Cô-sâm-bi chia rẽ nhau ra thành hai nhóm: một nhóm theo vị Giáo-thọ chuyên-giảng về Luật-Tạng và một nhóm theo vị Giáo-thọ chuyên-giảng về Kinh-Tạng. Họ tranh-cãi với nhau luôn. Ngay cả Đức Phật cũng chẳng thể khiến cho họ thôi cãi-vã, do đó Đức Phật mới rời bỏ họ, đi đến rừng Pali-lai, ngụ trong khu vườn Ra-khi-ta, sống qua mùa An-cư kiết-hạ một mình, được voi Pali-lai theo hầu-cận.

Các thiện-nam, tín-nữ ở Cô-sâm-bi, nghe tin Đức Phật đã rời Kỳ-viên-tự và khi biết được lý-do tại sao Ngài lại ra đi, họ liền từ-chối chẳng tiếp-tục cúng dường, dưng thực-phẩm cho các vị tỳ-kheo còn ở lại nữa. Điều nầy khiến cho chư Tăng phải lâm vào cảnh khổ-sở, vì lúc bấy giờ là mùa An-cư kiết-hạ, chư Tăng chẳng được phép đi ra ngoài khất-thực. Bấy giờ, họ mới tỉnh-ngộ và ý-thức được lỗi-lầm đã tranh-cãi nhau. Họ bắt đầu hoà-giải với nhau và chấm dứt sự chia-rẽ. Nhưng các thiện-nam, tín-nữ vẫn chưa chịu kính-nễ, cúng-dường họ như xưa, cho đến khi nào họ đến sám-hối tội-lỗi trước Đức Phật. Nhưng vì Đức Phật ở xa và đang mùa an-cư, nên chư Tăng phải sống qua ba tháng hè trong sự thiếu-thốn.

Khi mùa an-cư chấm dứt, Đại-đức A-nan-đà mới hướng-dẫn chư Tăng đến lễ Phật và trình lời thỉnh-cầu của ông Cấp-cô-độc và tín-chúng, khẩn-khoản mời Phật quay về tịnh-xá Kỳ-viên. Bấy giờ, Đức Phật mới trở về, theo sau có cả các vị tỳ-kheo. Khi về đến chùa Kỳ-viên, chúng Tăng đồng quì dưới chơn Phật, sám-hối tội-lỗi. Đức Phật mới quở-trách họ đã cãi lời Ngài và dạy rằng, mọi người ai cũng sẽ chết, tranh-cãi nhau ích-lợi gì đâu. Rồi Đức Phật liền nói lên bài Kệ sau đây:

Đời lắm kẻ chẳng ngờ sự chết
Rình mọi người chẳng sót một ai.
Kẻ nào sớm biết điều nầy,
Hơn thua, tranh-cãi, thôi ngay tức thì.
(Kệ số 006)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Cô-sâm-bi: tên điạ-danh nầy theo tiếng Pali là Kosambi.

– Rừng Pali-lai: tên khu rừng nầy bằng tiếng Pali là Pàlileyyaka. Con voi theo hầu Phật ở rừng nầy có tên là Pàlileyya.

– Vườn Ra-khi-ta: tên khu vườn nầy bằng tiếng Pali là Rakkhita.

– Giáo-thọ: vị Tỳ-kheo thông-thạo Kinh-điển, chuyên giảng dạy giáo-lý cho các tỳ-kheo khác.

– Luật-Tạng: Luật = giới-luật của Phật đặt ra cho các tín-đồ tuân theo trong khi tu-hành; Tạng = cái giỏ hay cái đảy đựng các quyển kinh-sách. Luật-Tạng là Tạng thứ nhứt của Tam Tạng Kinh-điển trong Giáo-pháp của Đức Phật. Hai Tạng kia là: Kinh-Tạng, gồm các quyển Kinh và Luận-Tạng, gồm các bài luận giải-thích rõ thêm về Kinh-điển.

– An-cư kiết-hạ: An-cư = ở yên; kiết hạ = qua mùa hạ. Vào ba tháng mùa hè ở Ấn-độ mưa nhiều, côn-trùng sinh-sản, nên Đức Phật đặt ra khoá An-cư Kiết-hạ, để chư Tăng quay về chùa, ở yên trong ba tháng, chẳng đi ra ngoài, sợ đạp chết côn-trùng. Trong thời-kỳ nầy, chư Tăng lo tu-tập, trao đổi kinh-nghiệm. Cứ mỗi năm có dự một khoá an-cư như thế, tỳ-kheo được tăng thêm một tuổi-đạo.

– Thiện-nam, tín-nữ: thiện = lành, nam = đàn ông; tín = tin-tưởng; nữ = đàn-bà; chỉ đến những người tin theo đạo Phật, tu tại nhà và đến chùa giúp đỡ chư Tăng cùng cúng-dường thực-phẩm, thuốc, men, lễ-vật.

– Tỉnh-ngộ: tỉnh = thức-tỉnh, biết ra; ngộ = hiểu ra được.

– Ý-thức: ý = ý-nghĩ, tư-tưởng; thức = biết; bắt đầu thấy và hiểu rõ trong lòng. Biết mà chẳng để-ý, thì chẳng gọi là ý-thức được.

– hoà-giải: hoà = hoà-thuận với nhau; giải = cởi mở ra, bỏ đìều chống-đối; làm lành lại với nhau, hết thù-oán.

– Cấp-cô-độc: tên một vị trưởng-giả giàu lòng từ-thiện, thường cứu-giúp những người cô-đơn. Tên thật là Anàthapindika. Chính ông nầy đã mua đất và cất tịnh-xá Kỳ-viên để Phật và chư Tăng trú-ngụ.

– Khẩn-khoản: thành-tâm nài-nỉ.

– Sám-hối: nhìn nhận lỗi đã làm và hứa chẳng tái-phạm nữa.

B.-Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa sau đây:

1.- Vì cố-chấp, các vị Tỳ-kheo ở Cô-sam-bi đã phạm lỗi tranh-cãi nhau và chia rẽ: Vì cho rằng nhóm của mình theo Luật-Tạng, hay theo Kinh-Tạng, giỏi hơn nhóm kia, nên các vị Tỳ-kheo mới sanh ra cãi-vã để rồi khiến cho Tăng-đoàn bị chia rẽ. Theo giới-luật nhà Phật, kẻ gây sự chia rẽ trong Tăng-đoàn, sẽ bị trục-xuất; và khi mất đi, sẽ sa vào điạ-ngục.

2.- Phản-ứng của thiện-nam, tín-nữ đã thức-tỉnh các vị Tỳ-kheo ở Cô-sâm-bi: Khi các vị Tỳ-kheo chia rẽ và tranh-cãi nhau ồn-ào, Đức Phật đã khuyên-can, nhưng họ vẫn cố-chấp nên chẳng biết nghe theo. Đến khi các thiện-nam, tín-nữ thấy lỗi của họ, chẳng chịu tiếp-tục cung-dưỡng họ nữa, họ mới sáng mắt ra. Tỳ-kheo là gương-mẫu tu-hành để cho dân-chúng noi theo, nay lại bị dân-chúng “dạy cho bài học về nhẫn-nhục”, nên các vị Tăng đành phải chịu khổ-cực, thiếu-thốn, trong suốt ba tháng mùa hè.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ:

Bài Kệ rất rõ-ràng, chẳng có chữ nào khó, chứa đựng một sự-thật vô-cùng quan-trọng: Cái chết đang rình sẵn, chờ đợi mọi người, chẳng sót một ai. Ai cũng biết là mình thế nào rồi cũng phải chết, thế mà lúc còn sống, cứ mãi lo tranh hơn thua nhau. Hơn nhau nơi lời nói nào có ích-lợi chi lớn. Có biết đâu, đùng một cái Thần Chết đến, mọi việc đều buông xuôi! Lúc bấy giờ, nghiệp còn chưa dứt, phải chịu tái-sanh trong vòng Luân-hồi mãi mãi khổ-sở triền-miên. Thế nên, phải ngưng tranh-cãi nhau ngay và lo đến việc tu-hành cho thân-tâm dứt nghiệp mà được giác-ngộ và giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ nầy, và ôn lại bài Kệ số 005.

2.- Mỗi khi sắp cãi nhau với ai, nên nhớ lại: đừng tranh hơn thua nhau từ lời nói, mà phải biết Thần Chết đang chực sẵn kia, mình và người đang cãi với mình, chưa biết ai bị mời đi trước, thế thì còn mất thời giờ cãi-vã nhau làm chi! Có ai cãi được với Thần Chết?

(6).- Tích chuyện Trưởng-Lão Khả-La.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại thành-phố Sê-ta, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện hai anh em người buôn-bán tên là Đại-Khả-La và Tiểu-Khả-La.

Hai anh em Khả-La có dịp được nghe Đức Phật giảng-pháp ở thành-phố Sê-ta, nơi họ trú-ngụ. Đại-Khả-La hiểu được lời-lẽ thâm-sâu của Đức Phật, nên mới thỉnh-cầu Đức Phật cho gia-nhập Tăng-đoàn. Người em là Tiểu-Khả-La cũng bắt-chước anh, nhưng trong bụng lại nghĩ, hãy tạm tu trong một thời-gian, rồi sẽ rủ anh trở về nhà mà hoàn-tục.

Đại-Khả-La tu-hành rất tinh-tấn, thường đến nghĩa-trang để quán-tưởng về lẽ vô-thường. Không bao lâu, Đại-Khả-La chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Bấy giờ, Đức Phật và chư Tăng đang trú-ngụ trong rừng Sim-sa-ba, gần thành-phố Sê-ta. Các người vợ của Tiểu-Khả-La hay tin, mới chuẩn-bị rước Phật và chư Tăng về nhà để dưng cơm cúng-dường. Tiểu-Khả-La xin phép được về nhà trước để giúp lo sắp đặt chỗ ngồi cho Đức Phật và chúng Tăng. Khi thấy chồng trở về, các bà vợ liền xin chồng cổi áo cà-sa và mặc thường-phục vào. Sau buổi lễ cúng-dường, Tiểu-Khả-La ở lại nhà luôn.

Qua ngày hôm sau, các bà vợ cũ của Đại-Khả-La cũng muốn bắt chước mưu-kế của các cô em bạn dâu là vợ của Tiểu-Khả-La, đến thỉnh Đức Phật và chư Tăng về nhà cúng-dường. Đại-Khả-La cũng theo chơn Đức Phật về nhà cũ. Sau buổi lễ, Đại-Khả-La cũng lưu lại nhà, khi Đức Phật và chư Tăng trở về tịnh-xá. Bấy giờ, có một số tăng-nhơn thắc-mắc, tại sao Đại-Khả-La lại được phép ở lại nhà, và họ lo-lắng rồi đây Đại-Khả-La cũng hoàn-tục như người em. Lúc ấy, Đức Phật mới bảo họ, hai anh em Khả-La chẳng giống tánh nhau. Người em thì lười-biếng, ham-mê dục-lạc, thường mong-muốn có cơ-hội để trở lại đời sống gia-đình, còn người anh tu-hành rất tinh-tấn, dứt khoát với mọi ràng-buộc ở thế-gian.

Khi ấy ở nhà các bà vợ cũ muốn thay thường-phục cho Đại-Khả-La, nhưng chẳng được, vì Đại-Khả-La, đã chứng-đắc đạo-quả, vận-dụng thần-thông, bay lên trên không và đáp xuống bên cạnh Phật khi Ngài vừa nói chuyện xong với các tăng-nhơn còn thắc-mắc về Đại-Khả-La.

Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ, như sau đây:

Ai chạy theo thú-vui vật-chất,
Chẳng giữ-gìn, kiểm-soát giác-quan,
Chẳng điều-độ việc uống ăn,
Lại thêm lười-biếng, chẳng năng-lực gì,
Bị Ma-quân tức thì quật ngã,
Như gió to nhổ cả cây mềm.
(Kệ số 007)

Ai khéo quán tấm thân bất-tịnh,
Khéo giữ-gìn, chấn-chỉnh các căn,
Biết điều-độ việc uống ăn,
Vững tin Tam-Bảo, siêng-năng tinh-cần,
Ma nào khuấy, nếm phần thất-bại,
Như núi đá sao ngại gió to?
(Kệ số 008)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Tiếng Việt: Tiếng Pali:

Đại-Khả-La = Mahakàla

Tiểu-Khả-La = Cùlakàla

Sê-ta = Setabya

Sim-sa-ba = Simsapa.

– Hoàn-tục: hoàn = trở lại; tục = thế-tục; đã đi tu rồi mà nay trở lại đời sống gia-đình như trước.

– Vô-thường: vô = chẳng có; thường = thường-hằng, luôn luôn như vậy hoài, chẳng bị hư-hoại. Theo Lẽ Vô-thường, thì chẳng có một sự-vật nào trên thế-gian nầy mà chẳng bị biến-đổi, rồi suy-hoại đi.

– Đạo-quả: Đạo = con đường tu-tập, đường lối tu-hành; quả = quả-vị, ngôi-vị, khi tu-hành đã thành-công. Hai chữ đạo-quả dịch từ chữ Pali là Magga (Đạo, con đường) và Phala (Quả, trái cây).

– Thường-phục: thường = thường ngày; phục = y-phục, quần-áo; thường-phục ở đây là quần-áo mặc lúc chưa đi tu.

– Chị em bạn dâu: các người đàn-bà làm vợ cho hai anh em ruột.

– Dục-lạc: dục = ham muốn; lạc = vui; thú vui. Dục-lạc ở đây chỉ vào thú vui vật-chất, do các giác-quan mang lại, như ăn ngon, nghe hát…

– Giác-quan: giác = biết; quan = cơ-quan, bộ-phận. Ta có năm giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và da trên thân.

– Điều-độ: giữ đúng chừng mực, không đi quá mức.

– Ma-quân: Ma = loài Ma; quân = quân lính, quyến-thuộc. Ở đây, chữ Ma-quân có nghĩa là sự cám-dỗ.

– Quán tấm thân bất-tịnh: quán = suy-tưởng sâu-xa về một vấn-đề gì; thân bất-tịnh = thân là tấm thân thể-xác nầy; bất = chẳng; tịnh = trong-sạch. Quán thân bất-tịnh là suy-tưởng về tấm thân vật-chất nầy bên ngoài xem đẹp-đẽ mà bên trong chứa nhiều chất dơ, như mủ, máu, đờm, dãi, nước tiểu, phẩn, v.v. Biết quán thân bất-tịnh sẽ sanh ra nhàm-chán, chẳng chạy theo thú-vui vật-chất của các giác-quan trên thân nữa.

– các căn: căn = nơi phát-sanh ra các cảm-thọ và tư-tưởng. Ta có năm giác-quan, nhưng trong Phật-học phân-biệt đến sáu căn: nhãn-căn (mắt), nhĩ-căn (tai), tị-căn (mũi), thiệt-căn (lưỡi), thân-căn (da trên thân) và ý-căn (bên trong tâm).

– Tam-Bảo: tam = ba; bảo = vật quí-báu. Tam-Bảo là ba ngôi quí-báu mà ta tìm về nương-tựa: (1) Phật-bảo tức là Đức Phật; (2) Pháp-bảo tức là Giáo-pháp của Đức Phật đã giảng-dạy và (3) Tăng-bảo tức là Tăng-đoàn gồm các vị tu-hành noi theo con đường của Đức Phật.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện liên quan đến người đã xuất-gia, nghĩa là những bực tu-hành đã dứt bỏ mọi liên-hệ với gia-đình và ngoài xã-hội. Tuy nhiên, đứng về phương-diện của người Phật-tử tại-gia, chúng ta có thể tìm thấy các ý-nghĩa sau đây:

1.- Đi tu là việc khó, phải có đủ phước-duyên mới xuất-gia được.: Hai anh em ông Khả-La, một người đi tu luôn được, còn một người thì không, đó là vì quyết-tâm của mỗi người khác nhau, một người đã dứt-khoát cắt đứt sợi dây thân-ái gia-đình, một người còn ham-mê các thú-vui vật-chất trong nhà. Người Phật-tử trước khi quyết-định xuất-gia, phải xét cho cẩn-thận xem lòng mình và hoàn-cảnh mình có thuận-tiện chưa.

2.- Thắng được sự quyến-rũ là do quyết-tâm: Trưởng Lão Khả-La đã thắng được sự quyến-rũ của các bà vợ cũ là do quyết-tâm của Ngài chọn con đường giác-ngộ và giải-thoát. Còn ông Tiểu-Khả-La hoàn-tục là vì ngã theo sự quyến-rũ của các bà vợ; vả lại, khi đi tu, ông ta chỉ tính tu tạm một thời-gian mà thôi, chưa dứt khoát hẳn với đời sống thế-tục. Vào chùa tu trong một thời-gian, rồi trở lại đời sống gia-đình, với mục-đích đền ơn cha-mẹ và tạo cơ-duyên tu-hành cho kiếp sau, là việc đáng tán-thưởng; ở các nước theo Phật-Giáo nguyên-thuỷ đều có tập-tục nầy.

3.- Đức Phật biết chắc là Trưởng-Lão Khả-La sẽ trở lại chùa tu: Ngài biết chắc như thế, vì Ngài đã thấy rõ tánh-tình và đạo-hạnh của Trưởng-Lão Khả-La, người đã chứng-đắc đạo-quả A-la-hán, mọi ham-muốn đều đã dứt sạch.

(2).- Ý-nghĩa của hai bài Kệ:

Bài Kệ số 007 ứng-dụng cho Tiểu-Khả-La, bài sau chiếu vào Trưởng-Lão Đại-Khả-La.

1.- Những tật xấu khiến cho ta bị Ma quật ngã: (1) ham thú-vui vật-chất ( = ham mê dục-lạc), (2)chẳng kềm-chế các giác-quan, nhứt là mắt và tai (ham sắc đẹp, ham nghe lời khen, dụ-dỗ), (3) chẳng ăn-uống điều-độ (ham ăn ngon), (4) lười-biếng (thiếu sự cố-gắng), (5)chẳng năng-lực gì ( = sống buông-lung, chẳng tinh-tấn tu-hành). Bị Ma cám-dỗ, có nghĩa là mình hèn-yếu, chẳng chống-cự nổi với sự ham-muốn.

2.- Những tánh tốt khiến cho ta khuất-phục được Ma: (1) quán thân bất-tịnh (rồi nhàm-chán thân dơ-dáy, hết ham thú vui xác-thịt), (2) khéo diều-phục các căn (chẳng chạy theo cảnh-vật bên ngoài để bị quyến-rũ), (3) ăn-uống điều-độ (giữ gìn sức khoẻ, đủ sức chống lại mọi cám-dỗ), (4) vững tin ngôi Tam-Bảo (tạo thêm sức mạnh tinh-thần) và (5) siêng-năng tinh-cần (khiến cho sự lười-biếng, ham vui bị khuất-phục). Ma-quân đến phá, bị thất-bại, có nghĩa là chiến-thắng được sự cám-dỗ bên trong lòng mình.

3.- Hình-ảnh do hai bài Kệ gợi lên:

– người ham dục-lạc như cây mềm, bị ngọn gió to (sự cám-dỗ như Ma đến phá) nhổ đứt cả gốc ngọn.

– người biết dứt bỏ dục-lạc như vách đá kiên-cố, gió to (của Ma-quân đến khuấy) cũng chẳng làm gì nổi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ số 007 và số 008.

2.- Tập dứt bỏ từ-từ năm tật xấu nói trong bài Kệ số 007: bắt đầu bằng việc ăn uống có điều-độ, như sau bữa cơm chiều, trước khi đi ngủ, chẳng ăn quà bánh, nếu có đói thì uống ly sữa nóng cũng đủ. Kế đó, đến việc kiểm-soát các giác-quan, bắt đầu bằng hai con mắt, như nghe nói có cái gì lạ, đẹp, đừng cố chạy đi tìm xem. Còn các tật khác, xin hãy tự tìm thấy và tự mình bỏ lấy từ-từ.

3.- Tập-luyện thêm những đức tánh tốt nói trong bài Kệ số 008: nếu tập dứt bỏ được các thói xấu kể trong bài Kệ số 007, thì đương-nhiên được các tánh tốt nói trong bài Kệ số 008. Riêng về vững tin ở Ngôi Tam-Bảo, thì phải siêng đi chùa, đọc kinh và niệm Phật. Thông thường, người ta chờ xem lời cầu xin, khi lạy Phật, có linh-nghiệm không rồi mới tin ở Phật, ở Pháp và ở Tăng. Đó là niềm tin chưa trọn-vẹn, tin mà còn đòi cho có được phần thưởng! Một niềm tin trong-sạch chẳng trông đợi ơn-huệ nào của ai.Tin ở Phật, vì Phật là bực Đại-giác-ngộ. Tin ở Pháp, vì Pháp dạy ta đường hay nẻo phải. Tin ở Tăng, vì Tăng đang đi theo con đường chơn-chánh của Phật. Thế thôi! Đừng chờ mong được gì rồi mới tin!

4.- Có Ma hay chẳng có Ma? Theo kinh sách thì có Ma: (1)tử-ma, là thần-thức người chết vất-vưởng, lang-thang, (2) ngũ-ấm-ma là những khổ-não do năm ấm trong thân tạo nên; (3) phiền-não-ma là những phiền-não do tham, sân, si gây ra và (4) thiên-ma tức là Ma Ba-tuần ở trên cung Trời Tha-hoá Tự-tại thường hiện xuống cám-dỗ.

Nhưng nếu ta tin rằng mình đủ sức chống lại sự cám-dỗ của lòng mình, thì việc có Ma hay không, có hề gì đâu?

(7).- Tích chuyện về Đề-bà-đạt-đa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện Đề-bà-đạt-đa mặc áo cà-sa.

Vào độ ấy, hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật là các Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên, từ Xá-vệ đến thành Vương-xá, để giảng đạo. Dân-chúng ở thành Vương-xá tổ-chức một lễ cúng-dường, dưng thực-phẩm lên hai vị Tôn-giả và chư Tăng tháp-tùng. Có một người tín-chủ, nhơn dịp nầy, đem một khúc vải quí, giá đáng ngàn vàng, trao cho ban tổ-chức, với lời dặn: đem bán đi để lấy tiền sung vào quỹ, nếu quỹ còn thiếu, bằng không thì đem vải dưng cho vị tỳ-kheo nào mà ban tổ-chức nhận thấy xứng đáng mặc vải ấy. Vì quỹ còn dư tiền, nên ban tổ-chức đem dưng cho một vị tỳ-kheo. Hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên sau đó rời Vương-xá trở về Xá-vệ, nên ban tổ-chức mới đem trao cho Tôn-giả Đề-ba-đạt-đa là người thường-trú ở thành Vương-xá. Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa liền đem cắt may thành áo cà-sa, và khoác lên đi đó đây với niềm hãnh-diện.

Có một vị Tăng ở Vương-xá nhìn thấy Tôn-giả Đề-bà-đạt-đa có vẻ khoe-khoang về chiếc áo quí, khi đến đảnh-lễ Phật, mới bạch cùng Đức Phật. Đức Phật bảo, đấy chẳng phải là lần thứ nhứt Đề-bà-đạt-đa mặc chiếc áo cà-sa mà mình chẳng xứng đáng mặc. Rồi Đức Phật mới kể lại câu chuyện xưa về Đề-bà-đạt-đa như sau:

Vào một thời xa xưa, Đề-bà-đạt-đa là một người thợ săn voi trong rừng. Trong khu rừng ấy có một đàn voi đông-đảo, mỗi khi thấy một vị Bích-chi Phật đi ngang qua, chúng liền qùi xuống đảnh-lễ. Đề-bà-đạt-đa núp trong lùm cây, thấy thế, liền nghĩ ra một mưu-kế để săn voi. Nhơn lúc vị Bích-chi-Phật cổi áo ra tắm bên bờ suối, Đề-bà-đạt-đa liền lấy trộm chiếc áo cà-sa. Hôm sau, y lấy áo cà-sa khoác lên mình, dấu mũi chiã nhọn bên trong, đi vào rừng. Đàn voi ngỡ là vị Bích-chi-Phật đi đến, liền qùi xuống. Đề-bà-đạt-đa dễ-dàng phóng chĩa ra giết thú. Ngày qua ngày, đàn voi càng thưa lần vì số voi bị giết, khiến cho con voi đầu-đàn ngạc-nhiên, và theo trông chừng mỗi khi có người vào rừng. Khi thấy voi cùng đàn bị phóng chĩa, voi đầu-đàn vượt lên trước, dùng vòi quật ngã… người thợ săn gian-trá. Nhìn thấy chiếc áo cà-sa trên mình người thợ săn, voi đầu-đàn ngừng lại, tha chết cho y.

Kể đến đây, Đức Phật cho biết, vào thời ấy, con voi đầu-đàn đó chính là tiền-thân của Đức Phật, và ngày nay Đề-bà-đạt-đa khoe-khoang chiếc áo cà-sa, đó chẳng phải là lần thứ nhứt mà một người chưa xứng đáng lại lạm-dụng y-phục của nhà tu-hành chơn-chánh.

Rồi Đức Phật mới đọc lên hai bài Kệ sau đây:

Kẻ nào tâm vướng điều phiền-não,
Khoác lên thân chiếc áo cà-sa,
Thiếu kềm-chế, chẳng thật-thà,
Còn chưa đáng mặc cà-sa áo vàng.
(Kệ số 009).

Kẻ nào tâm sạch điều phiền-não,
Thân vững-vàng, đạo-hạnh cao-xa,
Biết kềm-chế, lại thật-thà,
Là người xứng đáng cà-sa mặc vào.
(Kệ số 010).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Tiếng Việt Tiếng Pali

– Vương-xá Ràjagaha

– Xá-lợi-phất Sariputta

– Đại Mục-kiền-liên Maha Moggallàna

– Đề-bà-đạt-đa Devadatta

– Đại-đệ-tử: đại = lớn; đệ = em; tử = con; ngưòi học-trò lớn, người đệ-tử lớn và giỏi. Đức Phật Thích Ca có mười người đại-đệ-tử, tôn-giả Xá-lợi-phất là người trí-huệ bực nhứt, tôn-giả Mục-kiền-liên, thần-thông đệ nhứt.

– Tôn-giả: tôn = tôn-trọng; giả = người; người đáng tôn-kính.

– Tháp-tùng: tháp = đi theo, gắn vào; tùng = theo; đi theo ai.

– Tín-chủ: tín = tin-tưởng; chủ = chủ; người tin Đạo, thường dưng cúng lễ vật vào chùa.

– Quỹ: tiền trong hội, để chi-phí chung cho hội.

– Thường-trú: thường = luôn luôn ở đấy; trú = ở, ngụ. Vị Tăng thường-trú tại môt chùa là vị Tăng ở luôn tại đó, chẳng đi chỗ khác.

– Bích-chi-Phật = tiếng Pali là Paccekabuddha, bực tu-hành đã giác-ngộ và giải-thoát như Phật, nhờ tu Tứ-Diệu-Đế, vào thời chẳng có Phật ra đời. Bích-chi-Phật chỉ tự mình giác-ngộ mà chẳng đi giác-tha, nghĩa là chẳng thuyết-pháp, giảng-dạy cho kẻ khác để họ cùng tu theo.

– Tiền-thân: tiền = trước kia; thân = thân-hình; thân trước kia vào một đời xa-xưa, trong cảnh Luân-hồi.

– Lạm-dụng: lạm = dùng quá mức, chẳng phải của mình mà lại lấy dùng; dụng = dùng; lấy dùng quá mức, chẳng xứng đáng.

– Chơn-chánh: chơn = đúng như sự-thật; chánh = ngay thẳng. Nhà tu-hành chơn-chánh là người tu-hành đàng-hoàng, giữ đúng giới-luật

– Phiền-não: phiền = buồn-phiền; não = áo-não, đau buồn. Trong bài Kệ, chữ phiền-não nói đến ba món độc tham, sân, si làm cho tâm chẳng trong-sạch mà sanh ra phiền-não.

– Cà-sa: tiếng Pali là Kàsàya, áo màu vàng của các tu-sĩ Phật-giáo

– Thật-thà: tánh ngay-thẳng, chẳng có gian-trá.

– Đạo-hạnh: Đạo = đường-lối tu-hành; hạnh = tánh-hạnh.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1.- Khi được biếu, chẳng nên nhận ngay nếu thấy mình còn chưa xứng-đáng: Khúc vải được đem dâng-cúng nhơn dịp hai vị đại-đệ-tử của Phật đến Vương-xá thuyết-pháp. Nếu tôn-giả Đề-bà-đạt-đa là người biết tự-trọng thì phải hỏi rõ lý-do và khước-từ tặng-phẩm. Đằng nầy, tôn-giả đã nhận lấy, lại đem may áo cà-sa quí để khoe-khoang với mọi người, đó là điều đáng trách. Vì thế, Đức Phật mới bảo là chẳng xứng đáng mặc.

2.- Khoác áo cà-sa, đội lốt nhà tu để gạt đàn voi, mắc hai tội: (1) lạm-dụng y-trang của nhà tu; (2)lập mưu gian để hại kẻ khác.

Xét theo giới-luật của người tu tại-gia, hai tội-trạng ấy tương-đương với tội trộm: mình chẳng phải nhà tu mà lạm-dụng mặc áo nhà tu; dùng áo nhà tu để gạt-gẫm kẻ khác nhẹ dạ tin mình là nhà tu. Người thợ săn Đề-bà-đạt-đa đã vướng hai tội ác đó.

Trong lịch-sử Phật-học, Đề-ba-đạt-đa còn phạm nhiều tội khác nữa. Vào lúc Đức Phật còn tại thế, Đề-bà-đạt-đa tái-sanh vào dòng quí-tộc, vốn là anh ruột của Tôn-giả A-nan, và là em chú-bác với Thái-tử Tất-đạt-ta. Khi đi tu, Đề-bà-đạt-đa gây chia rẽ trong Tăng-đoàn, đòi Đức Phật nhường quyền cho y cai-quản Tăng-đoàn và đã ba lần mưu-sát Đức Phật. Theo Kinh-sách, vì phạm các tội-ác đó, Đề-bà-đạt-đa phải sa vào điạ-ngục.

3.- Lòng nhơn-từ của con voi đầu-đàn: Khi sắp quật chết người thợ săn, để cho bầy voi khỏi bị sát-hại nữa, con voi đầu-đàn nhìn thấy chiếc áo cà-sa, nên tha mạng cho Đề-bà-đạt-đa. Điều nầy cho thấy tấm lòng từ-bi của Đức Phật đã có từ trước khi sanh ra làm người.

(2).- Ý-nghĩa của hai bài Kệ:

1.- Ba điều xấu chẳng xứng đáng mặc áo cà-sa: (1) tâm còn các phiền-não tham, sân, si; (2) thiếu kềm-chế, tức là chẳng tuân-hành giới-luật; (3) chẳng thật-thà, tức là gian-dối, thiếu sự ngay-thẳng.

2.- Năm điều tốt khiến cho xứng-đáng mặc áo cà-sa: (1) tâm sạch phiền-não, chẳng còn khoe-khoang; (2)thân vững-vàng đặt mình trong giới-luật; (3) đạo-hạnh cao-xa, tức là chơn-chánh tu-hành; (4) biết kềm-chế thân-tâm; (5) thật-thà, ngay thẳng chẳng hề gian-dối.

HỌC TẬP:

1.- Hai bài Kệ liên-quan đến người xuất-gia, Phật-tử tại-gia học thuộc lòng cũng tốt.

2.- Mỗi khi mặc áo tràng đi chùa, phải biết giữ-gìn tư-cách và lời nói, cho xứng-đáng với chiếc áo mình mặc. Điều cần nhứt là trong tâm lúc ấy phải dẹp bỏ những tư-tưởng khoe-khoang và ganh-ghét.

(8).- Tích chuyện hai Tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-Lâm ở gần thành Vương-Xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị thầy ngoại-đạo của hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Khi xưa, tôn-giả Xá-lợi-phất quê ở làng Ưu-ba-thích và tôn-giả Mục-kiền-liên ngụ tại làng Cô-ly-ta. Cả hai lúc bấy giờ còn là thanh niên, đi xem diễn trò ảo-thuật; họ nhận thấy được sự huyễn-hoá của mọi sự-vật, nên quyết-tâm đi tìm thầy để học đạo, hầu được giải-thoát. Họ tìm đến vị du-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo tên là San-dà-da ở Vương-xá, để thọ-giáo. Nhưng cả hai chẳng thoả-mãn về giáo-lý của vị tu-sĩ nầy, nên mới lên đường đi khắp nước để tầm sư học Đạo. Khi họ trở về quê cũ, vẫn chưa tìm được thầy, nên họ chia tay nhau, hẹn với nhau rằng, hễ ai gặp đúng được Thầy thì sẽ mách cho người kia cùng theo học.

Một hôm, tôn-giả Xá-lợi-phất gặp được Trưởng-lão Át-bệ và được Ngài đọc cho nghe bài Kệ, như sau:

(Bằng Hán-văn, dịch từ chữ Phạn)
Chư pháp nhơn-duyên sanh,
Diệc tùng nhơn-duyên diệt.
Ngã Phật Đại-Sa-môn
Thường tác như thị thuyết.

(Tạm dịch ra Việt-văn)
Muôn pháp do nhơn-duyên sanh
Cũng do nhơn-duyên mà diệt.
Thầy ta, Phật Đại-sa-môn
Thường nói rõ đúng như thế.

Nghe xong bài Kệ, tôn-giả Xá-lợi-phất thấu rõ nghĩa thâm-sâu, nên chứng-đắc ngay đạo-quả Tu-đà-huờn. Rồi đúng như lời ước-hẹn trước kia, tôn-giả Xá-lợi-phất đến gặp bạn mình là tôn-giả Mục-kiền-liên, báo cho bạn biết mình đã chứng đạo-quả Tu-đà-huờn và đọc lại bài Kệ trên cho bạn nghe, Nghe xong, tôn-giả Mục-lkiền-liên cũng chứng-đắc đạo-quả Tu-đà-huờn. Bấy giờ, cả hai nhớ đến vị thầy cũ là San-dà-da, mới tìm đến mời thầy cùng đi đến gặp Đức Phật. Nhưng San-dà-da từ-khước.

Hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên liền cùng với năm trăm đồ-đệ lên đường đến gặp Đức Phật và xin xuất-gia để gia-nhập Tăng-đoàn. Bảy ngày sau khi được làm lễ xuất-gia, tôn-giả Mục-kiền-liên chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán, còn tôn-giả Xá-lợi-phất cũng chứng-đắc được đạo-quả ấy vào nửa tháng sau. Đức Phật liền chọn hai vị tôn-giả làm vị tỳ-kheo cầm đầu chúng Tăng.

Hai vị đại-đệ-tử liền bạch lại với Đức Phật việc thầy cũ của họ là San-dà-da, đã nói với họ, khi khước-từ lời mời của họ để đến qui-y với Đức Phật. Ông ta nói: “Ta đã từ lâu làm thầy dạy Đạo cho rất nhiều đệ-tử. Nay trở lại làm học-trò, thì cũng như cái lu to trở thành cái ly nhỏ vậy. Thế-gian rất hiếm người hiền-trí, mà số người còn khờ-dại lại rất đông-đảo. Hãy để những người hiền-trí đi đến với Đại-Sa-môn Gotama, và hãy để những kẻ khờ tiếp-tục đến với ta. Thôi, hai trò cứ đi theo con đường đã chọn!”

Nghe xong, Đức Phật liền vạch rõ sự tự-phụ rỡm của San-dà-da đã khiến cho ông ta chẳng nhìn thấy được Sự-thật, ông ta lấy chỗ sai làm chỗ đúng, nên chẳng bao giờ đi đến Sự-thật được.

Rồi đó Đức Phật đọc lên hai bài Kệ, như sau:

Họ lầm chỗ sai, làm chỗ đúng;
Điều đúng đây, bảo cũng là sai.
Họ xa Chơn-lý dài dài,
Bởi đem tà-kiến mà cài vào tâm.
(Kệ số 011).

Họ xem đúng, đấy là chỗ đúng,
Điều nầy sai, bảo cũng là sai.
Họ gần Chơn-Lý tuyệt-vời,
Bởi theo chánh-kiến sáng ngờì trong tâm.
(Kệ số 012).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Tiếng Việt Tiếng Pali

– Vương-xá : Ràjagaha

– Trúc-Lâm : Veluvana

– Ưu-bà-thích : Upatissa

– Cô-ly-ta : Kolita

– San-dà-da : Sanjaya

– Át-bệ : Assaji

– Ảo-thuật: ảo = xem như thật mà chẳng phải thật; thuật = sự khéo-léo . Ảo-thuật là diễn trò lạ thường xem như thật mà là giả, như biến cái khăn thành con chim bồ-câu, v.v.

– Huyễn-hoá: Huyễn = ảo, xem như thật mà chẳng có thật, ví dụ như bóng trong tấm kiếng, hình trên mặt nước, v.v.; hoá = biến-hoá, thay đổi, vô-thường. Sự-vật đều huyễn-hoá có nghĩa là mọi sự-vật trên thế-gian nầy, tuy có đó, nhưng chẳng thường còn mãi, chẳng bền-chắc, có đó rồi mất đó.

– Du-sĩ: ở đây, có nghĩa là tu-sĩ chẳng có nơi trú-ngụ, nay đây mai đó, đi lang-thang, sống đời khổ-hạnh, cầu giải-thoát.

– Ngoại-đạo: ngoại = ngoài; đạo = đạo; ở đây nói ngoài Đạo Phật. Phật-học dùng chữ ngoại-đạo để chỉ đến các đạo khác hơn là đạo Phật.

– Át-bệ: vị Trưởng-Lão nầy là một trong năm người đầu-tiên được nghe Phật giảng Kinh Chuyển Pháp-Luân tại vườn Lộc-Uyển, gần thành Ba-la-nại, khi Ngài vừa mới thành đạo. Vốn cùng với ông Kiều-trần-như, là bạn đạo cũ của thái-tử Tất-đạt-ta.

– Nhơn-duyên: lý-do, nguyên-nhơn tạo nên; nhơn là chánh, còn duyên là phụ, cùng gây nên hậu-quả.

– Diệt: tiêu mất đi.

– Đại-Sa-môn: Đại = lớn; Sa-môn = phiên-âm chữ Phạn Samona, có nghĩa là tu-sĩ Phật-giáo. Theo nghĩa chuyên-môn, Sa-môn có ba nghĩa: (1) cần-giả ( = siêng làm điều thiện); (2) tức-giả ( =chăm dứt bỏ điều ác) và (3) bần-giả ( = cam chịu sự nghèo thiếu).

– Tu-đà-huờn: tiếng Pali là Sotàpatti, nghĩa là người đã bước vào dòng nước Thánh (chữ Hán-Việt là Nhập Lưu), chỉ còn phải tái-sanh bảy lần nữa mà thôi; nên còn gọi là Thất-Lai ( thất = bảy; lai = đến). Đây là quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh, tu theo Tứ-Diệu-đế mà được giác-ngộ và giải-thoát.)

– A-la-hán: tiếng Pali là Arahant, quả-vị thứ tư, cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Theo nghĩa chuyên-môn, A-la-hán có nghĩa là (1) sát tặc ( = giết giặc, đây là giặc phiền-não, dứt phiền-não), (2) ứng-cúng ( = xứng đáng nhận sự cúng-dường của người và Trời), (3) vô-sanh (chẳng còn tái-sanh nữa, chứng-đắc Niết-bàn).

– Bạch: thưa với người trên. Các đệ-tử khi thưa với Phật, gọi là Bạch Thế-tôn.

– Qui-y: qui = quay về; y = nương-tựa. Qui-y là tìm về nương-tựa tinh-thần, dựa theo đó để tìm đường giải-thoát khỏi cảnh khổ của Luân-hồi sanh-tử. Tam Qui-Y là nương tựa vào Tam Bảo ( = ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng).

– Gotama: chữ Hán-Việt dịch là Cồ-đàm, họ của Đức Phật Thích-Ca

– Tự-phụ rỡm: Tự = chính mình; phụ = xem hơn; rỡm = giả-dối. Tự-phụ rỡm có nghĩa là tự-cao, kiêu-căng, làm phách.

– Chơn-Lý: Sự-thật, còn gọi là Chơn-Như.

– Tà-kiến: tà = xiêng-xéo, chẳng đúng; kiến = ý-kiến; ý-kiến sai

– Chánh-kiến: chánh = chơn-chánh, đúng-đán. Chánh-kiến trái ngược với Tà-kiến.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1.- Hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, mặc dầu còn trẻ, đã sớm hiểu được lẽ huyễn-hoá của mọi sự-vật trên thế-gian: Khi đi xem trò ảo-thuật, thấy sự biến-đổi giả-dối và nghĩ đến sự-vật ở đời cũng thế, có đó rồi mất đó, nên họ mới đi tìm Sự-thật để giải-thoát ra khỏi cảnh đau khổ của thế-gian. Sự huyễn-hoá của sự-vật ở thế-gian, trong Phật-học gọi là Lẽ Vô-thường; sâu hơn nữa là Lý Vô-ngã của muôn pháp. Nói cách dễ hiểu, Vô-thường là chẳng bền-vững; Vô-ngã là tánh rỗng-rang.

2.- Bài Kệ do Trưởng-Lão Át-bệ đọc, chứa một Sự-Thật vô cùng quan-trọng: Muôn pháp đều do NHƠN-DUYÊN mà SANH và DIÊT. Nói cho dễ hiểu, Sự-Thật đó là LÝ DUYÊN-SANH, nghĩa là bất cứ sự-vật gì trên trời đất cũng do nhiều sự-vật khác kết-hợp lại với nhau mà thành: đó là do nhơn-duyên mà sanh ra; rồi khi các sự-vật khác hết kết-hợp vớí nhau nữa, thì sự-vật đó phải mất đi: đó là do nhơn-duyên mà diệt mất. Chớ chẳng phải do một đấng thần-linh nào, hay Thượng-đế nào, tạo ra và diệt đi cả.

Xin phân-tách từng câu Bài Kệ Nhơn-Duyên do Ngài Át-bệ đọc:

a) Muôn pháp do nhơn-duyên sanh: tất cả mọi sự-vật trên thế-gian đều do nhơn-duyên kết-hợp với các sự-vật khác mà thành. Phải hiểu ngầm là chẳng phải do một vị nào đứng tạo ra cả.

Thí-dụ: Mưa xuống là do sức nóng của mặt trời làm nước bốc hơi, bay lên cao, gặp khí lạnh, đông lại rớt xuống thành mưa. Chớ chẳng phải do Ông Trời hay Long-Vương nào phun nước. Vậy, nhơn-duyên tạo nên mưa là sức nóng của mặt trời và khí lạnh ở trên cao.

b) Cũng do nhơn-duyên mà diệt: chẳng có một vật nào trên thế-gian mà tự có một mình được, phải do nhiều vật khác kết-hợp lại mà thành; nay nếu các yếu-tố bên trong thôi kết lại với nhau thì vật ở bên ngoài phải tan-rã. Đó là do nhơn-duyên mà diệt. Phải hiểu ngầm là chẳng có một vị nào đứng ra làm cho tiêu-diệt cả.

Thí-dụ: Nấu-nướng bất-cẩn để lửa bắt cháy vào vách, gặp gió thổi, cháy thiêu căn nhà, chỉ còn gạch ngói, than củi ngổn-ngang. Đó là do nguyên-nhơn bất-cẩn, để lửa bén vào vách, khiến cháy mất ngôi nhà. Chớ chẳng phải có Bà Hoả nào đến đốt cháy nhà cả.

c) Thầy ta, Phật Đại Sa-môn: Đức Phật Thích-ca là thầy, giảng dạy Kinh Chuyển Pháp-Luân cho năm anh em ông Kiều-trần-như, trong đó có Ngài Át-bệ. Câu kệ nầy có nghĩa là lời nói ở hai câu Kệ trước là lời nói của Đức Phật, vị tu-hành đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát.

d) Thường nói rõ đúng như thế: ý muốn nói, Sự-thật nói trong bài Kệ, là một Sự-thật đúng-đắn, được nói rõ-ràng, cần phải tin theo.

Hiệu-quả của bài Kệ là hai tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, khi nghe hiểu xong, liền chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn. Nói cách khác, ai nghe hiểu được bài Kệ là đã bước đúng vào con đường của đạo Phật.

3.- Thái-độ tự-phụ của San-dà-da đáng trách: đã làm thầy nhiều người rồi, nay chẳng lẽ trở lại làm học trò. Chẳng biết rằng sự hiểu-biết minh-mông, cần phải học-hỏi thêm, sao lại để cái danh làm thầy giữ mình ở mãi trong sự ngu-tối? Thái-độ ngoan-cố nầy đáng trách, vì như lời của Đức Phật, ông ta lấy chỗ sai làm chỗ đúng, nên chẳng bao giờ đi đến Sư-thật được.

Nhưng lời-lẽ của Sàn-dà-da có vẻ thật-tình đôi chút:”Hãy để người hiền-trí đến với Đại Sa-môn Gotama, và hãy để những kẻ khờ tiếp-tục đến với ta,” cũng còn “khá” hơn các vị thầy tu ở đây, khi đệ-tử bỏ đi chùa khác thì trách là “đi tu dạo”, hoặc nguyền-rủa học-trò cũ bỏ đi là “sẽ bị đoạ vào điạ-ngục”.

(2).- Ý-nghĩa hai bài Kệ số 011 và 012:

1.- Bài Kệ số 011 nói về “tà-kiến” .- Tà-kiến là: (1) lấy chỗ sai làm chỗ đúng; (2) điều đúng đây, bảo cũng là sai.

Tà-kiến có rất nhiều, nhưng quan-trọng nhứt về phương-diện giải-thoát, có hai tà-kiến khiến con người phải trôi lăn mãi trong Luân-hồi:

a.- Thường-kiến: cho rằng con người có một linh-hồn bất-diệt, khi chết đi, linh-hồn ấy sẽ tái-sanh lại làm một người khác. Ai theo tà-kiến nầy thì chẳng lo tu-tập, cứ thọ-hưởng các thú-vui vật-chất, vì nào có tội-phước gì đâu, rồi sẽ được sanh lại làm người kia mà.

b.-Đoạn-kiến: cho rằng con người hễ chết đi là hết, chẳng còn gì cả; vậy ngay khi còn sống, hãy mau mau thọ-hưởng, tu-tập làm chi cho khổ tấm thân.

2.- Bài Kệ số 012 nói về “chánh-kiến”: Chánh-kiến còn gọi là chánh tri-kiến (tri = biết; kiến = thấy; ý-kiến ), trái ngược với tà-kiến. Sự thấy biết đúng-đắn nầy vốn có sẵn trong tâm thanh-tịnh của mọi người, nhưng vì con người thường ôm-ấp những ý-kiến sai-lầm, những tin-tưởng dị-đoan, những thành-kiến cố-chấp, cho nên chánh-kiến bị che-mờ.

Hai bài Kệ nói: “Bởi đem tà-kiến mà CÀI vào tâm”, và “Bởi theo chánh-kiến SÁNG-NGžI trong tâm”, ý muốn nói là tà-kiến ở bên ngoài, tại mình dại-dột đem nó mà “cài” dính vào tâm mình, khiến cho nó che-mờ Sự-thật mình chẳng thấy được. Còn chánh-kiến, vốn có sẵn trong tâm thanh-tịnh, luôn luôn rạng-chiếu “sáng ngời” trong tâm nhưng tại mình chẳng lưu-ý tới nó và nhứt là tại mình để cho tà-kiến che-mờ nó đi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ: nếu khi học, để-ý đến chỗ nào nói đến tà-kiến, chỗ nào nói đến chánh-kiến, thì mau thuộc hơn. Đặc-biệt lưu-ý đến chữ “cài vào tâm” và “sáng ngời trong tâm”, để biết chận-đứng tà-kiến và làm cho chánh-kiến rạng-chiếu lên. Con đường giải-thoát bằng Trí-Huệ của Đạo Phật bắt đầu bằng hai bài Kệ nầy: nên học cho kỹ.

2.- Làm sao biết chắc đó là điều đúng, đấy là điều sai? Thông-thường, ai cũng có sẵn lý-trí để phân-biệt được đúng với sai. Nhưng khi gặp những điều mà mình chẳng đủ sức phán-đoán, phải thưa hỏi các vị tu-hành chơn-chánh, các thiện-tri-thức, tra-cứu các Kinh-sách

3.- Làm sao biết phán-đoán cho chắc? Tiêu-chuẩn để xét xem đâu là điều tà, đâu là điều chánh: điều tà có hại cho mình, cũng có hại cho người; còn điều chánh phải vừa có lợi cho mình vừa có lợi cả cho người nữa. Về phương-diện giải-thoát, điều nào theo đúng Chánh-pháp của Đức Phật là chánh tri-kiến, còn điều nào trái ngược với Chánh-pháp, đó là tà tri-kiến. Vì thế, khi tụng-đọc Kinh-kệ, phải hiểu cho rõ nghĩa thâm-sâu cùng cách ứng-dụng lời Kinh vào đời sống hằng ngày.

4.- Chánh-kiến đứng đầu trong Bát-Chánh-Đạo. Bát Chánh-Đạo là con đường giải-thoát, đưa đến ngôi-vị Thánh, nên còn được gọi là Thánh-đạo: (1) Chánh-kiến, (2) Chánh tư-duy, (3)Chánh-ngữ, (4)Chánh-mạng, (5) Chánh-nghiệp, (6) Chánh tinh-tấn, (7)Chánh-niệm, (8) Chánh-định. Nếu nói theo Tam-học Giới, Định, Huệ, thì Chánh-kiến và Chánh Tư-Duy thuộc về Huệ-học, cái học giúp ta mở rộng TRÍ-HUÊ sáng-ngời. Và nhờ THÂN giữ Giới, mà TÂM được an-Định, nên TRÍ-Huệ mới sáng-ngời lên.

(9).- Tích chuyện về Tôn-giả Nan-đà.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện Tôn-giả Nan-đà, em họ của Đức Phật, người xuất-gia ngay trước khi làm lễ thành-hôn.

Lúc bấy giờ, Đức Phật đến ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá. Vua cha là quốc-vương Tînh-phạn sai nhiều sứ-giả đến mời Đức Phật trở về thành Ca-tỳ-la-vệ là nơi Ngài đã sống qua trước khi thành Đạo. Đức Phật mới cùng các vị tỳ-kheo, phần đông đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán, rời Trúc-lâm trở về thăm quê-hương. Khi đến ngoài thành Ca-tỳ-la-vệ, ngày đầu-tiên, Đức Phật giảng-pháp cho những thân-nhơn của Ngài tụ-tập nơi đây để chào đón Ngài. Qua ngày thứ hai, Đức Phật khi đi vào thành Ca-tỳ-la-vệ, nói lên hai câu đầu của bài Kệ (bài số 168):

“Hãy hăng-hái và đừng phóng-dật
Mà lãng-xao hạnh khất-sĩ nầy …”

khiến cho Vua Tînh-phạn nghe xong, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Khi vừa đến hoàng-cung, Đức Phật nói tiếp hai câu đầu của bài Kệ (bài số 169):

“Đừng theo tà-hạnh mà phóng-dật
Hãy nghiêm-trì hạnh khất-sĩ nầy …”

khiến cho Vua Cha nghe xong, liền chứng được quả-vị Tư-đà-hàm.

Sau bữa cơm trưa, Đức Phật kể lại một Tiền-kiếp của các Đức Phật, và có lời khen-ngợi đến các đức-tánh của công-chúa Da-du-đà-la là mẹ của Tôn-giả La-hầu-la.

Đến ngày thứ ba là lễ thành-hôn của hoàng-tử Nan-đà. Đức Phật đến trước cửa dinh để khất-thực, hoàng-tử Nan-đà ra tiếp-đón, Đức Phật lẵng-lặng trao bình bát ấy cho hoàng-tử, và quay đi. Hoàng-tử Nan-đà tay cầm bát, chẳng biết phải làm sao, mới bước đi theo chơn Đức Phật. Cô dâu là công-chúa Dà-na vội chạy theo chú rể, khóc gọi hoàng-tử Nan-đà trở lại. Nhưng khi đến Tịnh-xá, hoàng-tử Nan-đà lại được Phật thâu-nhận vào làm tỳ-kheo.

Khi Đức Phật và đoàn tùy-tùng trở về Kỳ-viên-tự, bấy giờ tỳ-kheo Nan-đà cảm thấy đời sống tu-hành thật là lạt-lẽo, nhớ đến các thú-vui ở Hoàng-cung khi trước, trong tai còn văng-vẳng tiếng kêu khóc, van-lơn của cô dâu là công-chúa Dà-na mong “chàng” sớm trở lại.

Biết rõ tâm-trạng của Nan-đà, Đức Phật liền dùng thấn-thông khiến cho tôn-giả Nan-đà thấy được cảnh Trời Đao-lợi, với các nàng Thiên-nữ còn đẹp hơn công-chúa Dà-na bội phần. Đức Phật lại còn hứa, nếu Nan-đà gắng công tu-tập theo Chánh-pháp, sẽ giúp Tôn-giả được kết bạn với các nàng tiên đó. Bấy giờ, các vị tỳ-kheo khác theo chế-nhạo Tôn-giả Nan-đà, là đi tu như người đi làm mướn mong được trả tiền công vậy. Tôn-giả Nan-Đà cảm thấy hổ-thẹn, nên mới tìm nơi thanh-vắng, nỗ lực tu-tập theo Chánh-pháp, gắng sức hành Thiền. Chẳng bao lâu, tôn-giả chứng-đắc quả-vị A-la-hán. Bao nhiêu các sự thèm-khát về thú-vui vật-chất đều được tiêu-tan, và cùng theo đó mà giải-kết lời hứa của Phật sẽ giúp Tôn-giả kết-duyên với các nàng Thiên-nữ.

Các vị tỳ-kheo khác vẫn tưởng tôn-giả Nan-đà còn chưa tìm thấy thích-thú trong đời sống tu-hành, nên lại hỏi Tôn-giả, độ rầy như thế nào. Tôn-giả bảo, bây giờ chẳng còn ham các thú-vui nhục-dục, chẳng còn thiết gì đến đời sống gia-đình nữa. Các vị Tỳ-kheo ngờ rằng Tôn-gia chưa nói lên sự-thật, nên vào trình với Đức Phật. Đức Phật liền bỏ họ rằng, Tôn-giả Nan-đà tánh-tình trước kia cũng tựa như một ngôi nhà vụng lợp khiến cho bị mưa dột, nhưng nay trở thành một căn nhà khéo lợp, các khát-vọng chẳng còn có cách nào mà len-lỏi vào được.

Rồi, Đức Phật liền nói lên hai bài Kệ, như sau:

Nhà vụng lợp, mưa xuyên qua mái;
Tâm vụng tu, tham-ái len vào.
(Kệ số 013).

Nhà khéo lợp, mưa rào chẳng dột;
Tâm khéo tu, chận được ái-tham.
(Kệ số 014).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Tiếng Việt: Tiếng Pali:

– Nan-đà: Nanda

– Tịnh-phạn: Suddhodana

– Ca-tỳ-la-vệ: Kapilavatthu

– Da-du-đà-la: Yasodharà

– La-hầu-la: Ràhula

– Dà-na: Janapadakalyàni

-Sứ-giả: sứ = sứ-mạng, nhiệm-vụ giao cho ai; giả = người; kẻ mang tin của một người đến cho ai.

– Phóng-dật: phóng = buông-lung, chẳng kềm-chế; dật = nghỉ-ngơi. Kẻ phóng-dật là kẻ lười-biếng, sống buông-lung, chẳng biết tự kềm-chế, chẳng hăng-hái; cứ vật-vờ, vất-vưởng.

– Lãng-xao: xao-lãng, bỏ-bê, quên mất chẳng nghĩ gì đến.

– Hoàng-cung: hoàng = hoàng-đế, vua; cung = cung-điện, đền-đài. Lầu-đài của vua chúa.

– Tà-hạnh: tà =xiêng-xéo, xấu-ác; hạnh = tánh-hạnh. Việc làm xấu.

– Nghiêm-trì: nghiêm = nghiêm-trang, đúng-đắn; trì = giữ-gìn. Nghiêm-trì là giữ đúng theo gìới, chẳng thiếu-sót, chẳng vi-phạm.

– Thành-hôn: lễ cưới vợ.

– Tuỳ-tùng: tuỳ = theo, tùy-thuộc vào; tùng = đi theo. Đoàn tùy-tùng, ở đây, là những vị tỳ-kheo đi theo Phật.

– Giải-kết: giải = cởi ra, mở ra; kết = ràng-buộc, giao-kết. Giải-kết là được bãi bỏ lời hứa trước.

– Nhục-dục: nhục = thịt; thể-xác; dục = ham muốn. Các thú-vui về thể-xác.

– Khát-vọng: khát = ao-ước, mong mỏi nhiều; vọng = trông ngóng. Khát-vọng cùng một nghĩa với chữ tham-ái.

– Tham,-ái, ái-tham: tham = tham-lam; ái = thương, thích. Tham-ái là một tình-cảm rất sâu-đậm, ăn rễ trong tâm, nó thúc-đẩy con người nghiêng về các thú-vui vật-chất, bám víu vào đời sống, khiến các chúng-sanh phải trôi lăn mãi trong cảnh khổ của Luân-hồi. Công-việc tu-hành để giải-thoát, chính là chấm-dứt sự tham-ái nơi tâm.

B.- Nghĩa Ý:

1.- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1.- Hạnh Khất-sĩ là hạnh cao-quí từng được các Đức Phật từ các đời trước đã thi-hành: Khi Đức Phật Thích-ca thành Đạo, Ngài chẳng trở về ngay nơi thành Ca-tỳ-la-vệ để thăm Vua Cha, nên vua Tịnh-phạn buồn lòng, mới sai sứ-giả đi gọi. Khi Đức Phật về đến Ca-tỳ-la-vệ, Ngài vẫn ôm bình-bát đi khất-thực. Vua Tịnh-phạn cho rằng Phật làm như vậy là làm nhục đến danh-dự hoàng-cung, vì trước đây Thái-tử Tất-đạt-ta sống trên cung vàng điện ngọc, nay lại đi ăn xin như người nghèo-khổ. Vì lẽ ấy, Đức Phật mới nói đến hai bài Kệ, nhắc lại hạnh khất-sĩ của các bực tu-hành chơn-chánh. Hạnh khất-sĩ được đặt ra là để cho tỳ-kheo dẹp bỏ lòng kiêu-mạn, phải cúi mình xuống đi ăn xin và có dịp gặp được dân-chúng để giảng-dạy giáo-pháp cho họ.

Hiệu-lực rất lớn của hai bài Kệ Đức Phật đọc lên cho Vua Cha nghe, đã khiến Vua Tinh-phạn lần lượt chứng-đắc được hai quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn là quả-vị Tu-đà-huờn và Tư-đà-hàm.

2.- Món quà Đức Phật tặng cho hoàng-tử Nan-đà, nhơn ngày lễ thành-hôn rất là quí-báu: chiếc bình-bát để đi ăn-xin! Nếu xét theo ý-nghĩa thông-thường của thế-tục, việc Đức Phật đến gặp hoàng-tử Nan-đà vào ngày thành-hôn mới xem ra có vẻ là … “ác” quá: Ai đời đám cưới người ta, lại đem tặng cái bát để đi ăn xin. Nhưng đứng về phương-diện tu-hành giải-thoát, đó là món quà thật quí-giá vô-cùng! Chiếc bình-bát của Phật, theo kinh-sách, là do Đức Đế-Thích trên Trời đem dưng cho Phật; mang bình-bát nầy đi khất-thực là đi theo con đường giải-thoát của Đức Phật, tìm đến hạnh-phước chơn-thật và bền-vững, thoát khỏi mọi ràng-buộc, hơn rất xa các thú vui vật-chất của đời sống gia-đình.

3.- Đi tu mà đòi trả công thưởng như người đi làm mướn: Đức Phật khi hứa sẽ giúp cho Tôn-giả Nan-đà kết bạn với các nàng thiên-nữ, nếu Tôn-giả chịu gắng sức tu-hánh theo Chánh-pháp, Ngài cũng biết trước rằng, khi chứng-đắc được quả-vị, Tôn-giả chẳng còn ham-mê thú vui thể-xác để đòi được kết-hôn với các Thiên-nữ. Nhưng các tỳ-kheo lại theo trêu-chọc Tôn-giả là đi tu như đi làm mướn đòi đền công bằng mấy cô tiên-nữ. Điều nầy tuy có làm cho Tôn-giả hổ-thẹn, nhưng lại có hiệu-quả tốt là khiến Tôn-giả biết nỗ-lực tu-tập: xem như một nghịch-duyên, mà thật ra là một trợ-duyên, giúp cho Tôn-giả nỗ-lực, chuyên-cần.

2.- Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 013 và 014:

1.- Bài Kệ số 013 gợi lên hình-ảnh một căn nhà vụng lợp sánh với tâm người vụng tu: Nhà vụng lợp thì mưa xuyên qua mái, làm ướt chỗ ta trú-ẩn ngày đêm. Tâm vụng tu, chẳng biết tự kềm-chế, để cho sự thèm-khát tức là tham-ái len vào tâm, xúi-dục ta chạy theo các thú-vui vật-chất tạm-thời, mà quên đi mất mục-tiêu tu-hành giải-thoát khỏi cảnh khổ.

2.- Bài Kệ số 014 gợi lên hình-ảnh căn nhà khéo lợp, tránh được mưa gió, sánh với tâm người khéo tu, biết phòng-vệ lấy mình: Chỗ khéo của người biết tu-hành là chẳng quên mục-tiêu giải-thoát, luôn luôn canh-phòng tâm, chẳng để cho sự tham-ái len vào, chận được nó khi nó mới nổi lên. Vậy, vụng hay khéo, chính là chỗ biết kềm-chế tâm, chẳng cho chạy theo dục-vọng.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bốn câu ở hai bài Kệ: để ý đến nghĩa của các chữ “vụng lợp”, “khéo lợp” và “vụng tu”, ‘ ‘khéo tu”.

2.- Tuy tích chuyện và hai bài Kệ nói nhiều đến bực xuất-gia, nhưng người tu tại nhà vẫn có thể ứng-dụng để tu-hành:

– biết tự kềm-chế thân mình: bắt đầu giữ-gìn cẩn-thận các giác-quan, nhứt là mắt và tai; đừng chạy theo sắc đẹp, đừng giận khi nghe điều trái tai;

– biết tự kềm-chế tâm mình: mỗi khi bị cám-dỗ làm điều sái-quấy, hãy tự nhắc lấy mình, đó là nhà mình đang bị dột đấy!

(10).- Tích chuyện người đồ-tể Thuần-đà.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có nhắc đến việc người đồ-tể, giết thịt heo, tên là Thuần-đà.

Trong một ngôi làng chẳng xa thành Vương-xá có ông Thuần-đà chuyên nghề giết heo làm thịt bán. Tánh tình ông ta rất thô-bạo, lại rất ghét việc bố-thí làm phước. Suốt đời, ông ta chẳng làm được một việc gì có phước-đức cả. Đến khi gần chết, ông ấy đau-đớn, khổ-sở rất nhiều trong cơn hấp-hối. Ông rên la, tru-tréo, tay chơn co quắp lại, lưng cong lên, trông như con heo bị người ta đâm vào cổ vậy. Trong suốt bảy ngày trời trước khi thở hơi cuối cùng, ông Thuần-đà phải chịu đau-khổ như là đang ở trong cảnh điạ-ngục. Đến ngày thứ bảy, ông chết đi và bị tái-sanh vào cảnh điạ-ngục Vô-gián, chịu hình-phạt chẳng ngừng.

Khi kể lại tích chuyện về ông Thuần-đà, Đức Phật có nói lên bài Kệ sau đây:

Nay than-thở, mai còn than-thở,
Kẻ ác-tâm khổ-sở hai đời.
Hắn còn đau khổ lâu dài,
Mỗi khi nhớ lại điều sai mình làm.
(Kệ số 015)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Đồ-tể: đồ = giết chết; tể = làm thịt súc-vật. Ngưòi giết thịt thú-vật để đem bán.

– Thuần-đà: tên thật bằng tiếng Pali là Cundasùkarika.

– Thô-bạo: hung-ác, dữ-tợn.

– Hấp-hối: lúc sắp chết.

– Điạ-ngục: điạ = đất; ngục = nhà tù. Nơi mà các người đã có tội lúc còn sống, phải chịu hình-phạt, trong cảnh tối âm-u.

– Vô-gián: Vô = chẳng; gián = ngưng-nghỉ, gián-đoạn. Nơi cảnh điạ-ngục nầy, tội nhơn phải chịu hình-phạt không ngừng, bị chết đi sống lại, chịu khổ, chết nữa, rồi sống lại để chịu khổ tiếp, qua nhiều năm, cho đến khi mãn nghiệp ác.

– Ác-tâm: ác = dữ, xấu; tâm = lòng. Người có bụng dạ xấu, dữ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể chuyện người làm nghề giết heo, bán thịt, chẳng làm phước, khi gần chết phải chịu khổ-sở; khi chết đi phải sa vào điạ-ngục Vô-gián.

Bình-dân nước ta thường cho cảnh khổ của người đồ-tể phải chịu lúc gần chết là quả-báo nhãn-tiền ( = kết-quả của việc ác đã làm vì giết heo, nay xãy ra trước mắt; nhãn-tiền = trước mắt). Trong tích chuyện, ông Thuần-đà chẳng những chịu khổ ngay khi còn sống, mà chết đi phải chịu hình-phạt trong điạ-ngục nữa. Đấy chẳng phải là muốn doạ cho ta sợ mà đừng có làm ác, nhưng theo Luật Nhơn-Quả, hễ đã làm ác, sớm muốn gì cũng phải gánh lấy hậu-quả xấu; ngay trong hiện-tại, cũng đã khổ-tâm, mỗi khi nhớ lại điều ác mình đã làm.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 015:

Bài Kệ rất rõ nghĩa: đã làm ác thì ngay đời nầy cũng đã chịu khổ; khổ vì nhớ lại điều mình làm quấy; và đến đời sau, còn phải chịu khổ dài dài. Vậy, phải cố giữ-gìn tâm-ý sao cho điều ác đừng len vào.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ: để-ý đến nghĩa của câu thứ hai:

“Kẻ ác-tâm khổ-sở hai đời”.

2.- Phải biết chọn nghề cho đúng với CHÁNH-MANG: Trong Bát-Chánh-Đạo, Chánh-mạng là lối mưu-sanh chơn-chánh, đứng-đắn để nuôi mạng sống mình và gia-đình mình. Vì thế, cần tránh các nghề nầy: săn bắn, đồ-tể, chài-lưới, làm và bán võ-khí, buôn người, bán rượu.

(11).- Tích chuyện ông Đàm-mi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện ông Đàm-mi, một người thiện-nam được sanh lên cõi trời Đâu-suất.

Thuở xưa, ở nước Xá-vệ có một người thiện-nam rất có đức-hạnh và rất chăm làm việc bố-thí. Thường thường, ông dưng thực-phẩm cho các vị tỳ-kheo đi khất-thực và cúng-dường các vật-dụng cần-thiết cho chư Tăng, như thuốc men, quần-áo, giường chiếu, v.v. Ông lại lãnh-đạo một nhóm cư-sĩ đông-đảo thường đến đảnh-lễ và nghe Đức Phật thuyết-giảng giáo-lý. Ông được bảy người con trai và bảy người con gái, tất cả đều giống tánh Cha, biết giữ-gìn giới-đức và chăm làm bố-thí.

Đến khi về già, gần chết, ông Đàm-mi cho cung-thỉnh chư Tăng đến tụng kinh bên giường bịnh. Trong khi chư Tăng đang tụng Kinh TỨ-NIÊM-XỨ, thì có sáu chiếc thiên-xa từ trên các cõi Trời hiện xuống và mời ông tùy-ý bước lên một chiếc để được đưa lên một trong sáu cõi Trời. Ông Đàm-mi bảo chư Thiên hãy chờ một chút, sợ làm gián-đoạn việc tụng kinh.

Khi dứt thời kinh, ông Đàm-mi gọi các con lại, nói rằng các thiên-xa đang chờ ông, và yêu-cầu các con rắc hoa lên chiếc thiên-xa đi về cung Trời Đâu-suất mà ông chọn để tái-sanh. Rồi đó, ông thở hơi cuối cùng và được sanh lên cung trời Đâu-suất như ước-nguyện. Như thế, người làm lành được hưởng phước ngay trong đời nầy và còn tiếp-tục hưởng nữa về đời sau.

Khi Đức Phật kể tích chuyên nầy xong, Ngài đọc lên bài Kệ như sau

Nay vui-sướng, mai còn vui-sướng,
Kẻ làm lành vui hưởng hai đời.
Anh còn sung-sướng lâu dài,
Mỗi khi nhớ lại điều ngay mình làm.
(Kệ số 016).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Đàm-mi: tên thật, đầy-đủ bằng tiếng Pali là Dhammika Upàsaka

– Cõi Trời Đâu-suất: tiếng Pali là Tusita; ở cõi Trời nầy, có Đức Di-lặc đang giảng Kinh. Trong tương-lai, Đức Di-Lặc sẽ xuống cõi Ta-bà làm vị Phật kế-tiếp Đức Phật Thích-ca.

– Cư-sĩ: cư = ở, cư-trú; sĩ = người học-trò, người có danh. Cư-sĩ, theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, là những người tu tại-gia, có đức-hạnh cao.

– Kinh Tứ-Niệm-Xứ: đây là bản Kinh quan-trọng trong Trung-Bộ-Kinh. Kinh dạy ta phép quán: (1) quán thân bất-tịnh (tức là bên trong thân chức chất dơ-bẩn), (2)quán thọ là khổ (tức là tất cả các cảm-thọ đều mang tính-chất đau-khổ cả), (3) quán tâm là vô-thường (tức là tâm thay đổi luôn, chẳng thường-hằng), (4) quán pháp là vô-ngã (tức là mọi sự-vật trên thế-gian đều mang bản-tánh rỗng-rang, chẳng có tự-ngã).

– Thiên-xa: thiên = Trời; xa = xe; chiếc xe trên Trời.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ kể chuyện người làm lành, khi gần chết, được chư Thiên đem thiên-xa đến rước sanh về cõi Trời. Ý-nghĩa là: làm lành thì được hưởng phước trong đời hiện-tại, chết đi sẽ sanh lên Trời

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 016:

Bài Kệ cũng rất giản-dị, ý nói ai làm lành thì đời nầy sung-sướng; chết đi sẽ tái-sanh vào cõi lành, tiếp-tục hưởng phước vào đời sau. Đó chẳng phải là dụ-dỗ ta phải làm lành, mà đó chính là Luật Nhơn-Quả.

HỌC-TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ: lưu-ý đến nghĩa của câu thứ nhì.

2.- Đường lên cõi Trời, chẳng phải đi bằng máy-bay, mà do làm lành và biết chăm làm bố-thí, tích chứa đức lành cho đời sau!

(12).- Tích chuyện về tội-ác của Đề-bà-đạt-đa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ-giảng-pháp có đề-cập đến tội-ác của Đề-bà-đạt-đa.

Thuở ấy, Đề-bà-đạt-đa ngụ tại xứ Cô-sâm-bi với Đức Phật. Trông thấy Đức Phật được sự kính-trọng cao-quí của mọi người và nhận được sự cúng-dường rất hậu-hĩ, Đề-bà-đạt-đa sanh tâm ganh-tị, và muốn được thay thế Đức Phật để cầm đầu Giáo-hội Tăng-già. Một hôm, trong khi Đức Phật đang giảng pháp, Đề-bà-đạt-đa liền đến bên Đức Phật, viện cớ Đức Phật nay đã già-cả rồi, nên giao quyền lại cho y cầm đầu Giáo-hội. Đức Phật bác-bỏ đề-nghị đó và khiển-trách Đề-ba-đạt-đa là đang nuốt phải đờm-dãi của kẻ khác. Rồi đó, Đức Phật bảo Giáo-hội Tăng-già ra giáo-chỉ cáo-tố Đề-bà-đạt-đa.

Đề-bà-đạt-đa phẫn-uất lên và nguyện sẽ báo-thù lại Đức Phật. Cả thảy ba lần, Đề-bà-đạt-đa mưu-sát Đức Phật. Lần thứ nhứt, Đề-bà-đạt-đa mướn các xạ-thủ bắn chết Phật. Nhưng bọn người giết mướn nầy được Đức Phật cải-hoá và cho thọ-giáo, họ chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Lần thứ hai, Đề-bà-đạt-đa trèo lên ngọn núi Linh-thứu, lăn một hòn đá to để đè chết Đức Phật, nhưng đá chỉ làm ngón chơn cái của Đức Phật bị thương mà thôi. Đến lần thứ ba, Đề-bà-đạt-đa thả con voi Nà-là-gi-ri để húc chết Đức Phật, nhưng khi thấy Đức Phật, con voi liền qùi xuống.

Sau ba lần mưu-sát thất-bại, Đề-bà-đạt-đa liền đổi chiến-thuật, phá sự hoà-hợp của Tăng-đoàn, bằng cách khuyến-dụ các tăng-nhơn vừa nhập Đạo, theo y đến núi Tượng-đầu lập thành một Giáo-hội mới. Nhưng hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật là các Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên đến thuyết-phục các tăng-nhơn kia trở về.

Về sau, Đề-bà-đạt-đa ngoạ-bịnh nặng trong chín tháng. Y liền bảo các đệ-tử của y khiêng y đến Kỳ-viên-tự là nơi Đức Phật ngụ lúc ấy. Nghe tin Đề-bà-đạt-đa sắp đến, Đức Phật bảo các đệ-tử rằng, Đề-bà-đạt-đa chẳng có cơ-duyên để gặp được Phật đâu. Khi bọn người khiêng Đề-bà-đạt-đa tới hồ nước trong khuôn-viên chùa Kỳ-viên, thì họ đặt cáng xuống và cổi áo ra tắm. Lúc bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa nhổm dậy, đặt chơn xuống đất, định đi vào trong. Nhưng đất dưới chơn lún xuống, từ từ nuốt chửng Đề-bà-đạt-đa vào lòng đất. Quả thật, Đề-bà-đạt-đa chẳng gặp đuợc Đức Phật trước khi sa xuống điạ-ngục Vô-gián, vì các tội-ác đã làm trước kia, nay phải đền tội.

Khi Đức Phật kể xong câu chuyện về tội-ác của Đề-bà-đạt-đa, Ngài liền nói lên bài Kệ như sau:

Kẻ làm ác đời nầy khổ-sở,
Đến đời sau lại khổ tiếp theo.
Thường than: “Tội-ác đã gieo!”
Sau sa cõi dữ nặng đeo ưu-phiền.
(Kệ số 017)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Hậu-hĩ: rất nhiều và quí-giá.

– Ganh-tị: ghen-ghét, cà-nanh, đòi cho mình cũng được như thế, hay hơn thế mới ưng bụng.

– Giáo-hội Tăng-già: Hội-đồng các Trưởng-lão cầm đầu Giáo-hội.

– Giáo-chỉ: giáo = giáo-hội; chỉ = bản văn có tánh-cách như một sắc-lệnh, ra lịnh cho các cấp dưới phải tuân-hành.

– Cáo-tố: tố-cáo, nêu rõ tội-phạm ra. Trong Giáo-chỉ cáo-tố nầy, Giáo-hội tuyên bố rằng, những gì Đề-bà-đạt-đa làm hay nói chỉ có liên-hệ dến riêng y mà thôi, chẳng có liên-quan chi đến Đức Phật, Chánh-Pháp và Tăng-già. Danh-từ chuyên-môn nầy, tiếng Pali gọi là Pakàsanìya Kamma.

– Phẫn-uất: tức-giận dữ-dội.

– Mưu-sát: mưu = dự-tính làm lén; sát = giết . Mưu-sát là sắp đặt mưu-kế để giết, nhưng chẳng giết được.

– Xạ-thủ: xạ = bắn; thủ = tay. Người bắn cung hay bắn súng giỏi.

– Cải-hoá: cải = sửa đổi lại; hoá = trở nên. Cải-hoá là làm cho tốt trở lại.

– Thọ-giáo: thọ = nhận; giáo = dạy. Học-hỏi với ai.

– Linh-Thứu: chim kên-kên; tên một đỉnh núi gần thành Vương-xá, giống hình con ó, nơi Đức Phật giảng kinh Pháp-Hoa. Còn gọi là núi Kỳ-xà-quật. Tên bằng tiếng Pali là Gijjhakùta.

– Chiến-thuật: chiến = chiến-đấu, đánh nhau; thuật = cách, phương-pháp. Đổi chiến-thuật là đổi lối đánh, đánh cách khác hơn trước.

– Hoà-hợp: hoà = an-hoà, hoà-thuận với nhau; hợp = hiệp nhau, đồng ý với nhau, chẳng trái ngược. Phá sự hoà-hợp của Tăng-đoàn là tội nặng, thường bị trục-xuất.

– Khuyến-dụ: khuyến = khuyên; dụ = dụ-dỗ; gạt-gẫm mời.

– Núi Tượng-đầu: tên bằng tiếng Pali là Gayàsìsa.

– Thuyết-phục: thuyết = nói; phục = nghe theo.

– Ngoạ-bịnh: ngoạ = nằm . Ngoạ-bịnh là lâm bịnh nặng.

– Cơ-duyên: cơ-hội may-mắn.

– Khuôn-viên: trong vòng rào.

– Cáng: tấm ván mỏng để khiêng người yếu; cái băng-ca.

– Cõi dữ: cõi xấu ác, phải chịu khổ sở. Theo kinh sách Đại-Thừa, chúng-sanh sanh vào một trong 6 cõi: ba cõi lành là cõi người, A-tu-la (thần) và Trời; và ba cõi dữ là điạ-ngục, ngạ-quỉ (quỉ đói) và súc-sanh. Phật-giáo Nguyên-thủy phân-biệt bốn cõi dữ (sắp A-tu-la vào cõi dữ).

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1.- Tội-ác của Đề-bà-đạt-đa bắt nguồn từ lòng ganh-tị: Đề-bà-đạt-đa, vốn là em họ của Phật, đã ba lần mưu-sát Phật, phá-hoại Tăng-đoàn, chỉ vì ganh-ghét Phật, muốn thay-thế Phật để cầm đầu Tăng-chúng. Nguyên-do sâu xa là lòng ganh-tị. Lòng ganh-tị lại bắt nguồn từ sự tham-lam: thấy người hơn mình, muốn được hơn người. Đây là món độc-hại to-lớn nhứt mà người tu-hành phải sớm hôm lo dẹp cho sạch trong tâm mình.

2.- Đề-bà-đạt-đa sa vào điạ-ngục ngay khi bị đất nứt hút xuống, đó là quả-báo của các tội-ác do y đã gây ra: đây cho thấy Luật Nhơn-Quả báo-ứng nhãn-tiền ( = ngay trước mắt). Làm ác chẳng thể nào tránh khỏi được các hậu-quả ác đến cho mình, trong đời nầy, hay đời sau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 017:

Bài Kệ số 017 nêu lên hậu-quả kéo dài của tội-ác:

Kẻ làm ác phải chịu khổ-sở cả hai đời: đời hiện-tại và đời tương-lai: Tại sao? Theo luật Nhơn-Quả, gây nhơn ác, sẽ hứng chịu quả xấu. Quả xấu có thể xãy ra ngay trong đời hiện-tại, hoặc trong các đời sau. Nhưng ngay trong hiện-tại, kẻ làm ác cũng cảm thấy khổ-sở, mỗi khi nhớ lại hành-vi xấu-ác mình đã làm: đó là ý-nghĩa của câu Kệ:

Thường than: “Tội-ác đã gieo”.

Khi than như thế, thì tâm buồn-rầu, lo-sợ, chẳng biết rồi đây mình sẽ chịu hậu-quả khổ đến bực nào. Chỉ nội sự lo-buồn đó cũng đã làm khổ-sở cho kẻ làm ác ngay trong hiện-tại.

Còn câu Kệ:

Sau sanh cõi dữ nặng đeo ưu-phiền

thì người chẳng tin có đời sau, chẳng tin có điạ-ngục thì xem thường, chẳng sợ. Họ cứ bảo, chết là hết! Chưa chắc đâu! Hãy nói với họ, nếu có đời sau, có điạ-ngục, thì sao? Ta cứ làm lành, tránh điều ác, thì mới chắc, dầu có điạ-ngục hay chẳng có, ta có lo gì. Đó là điều lợi trước mắt, chẳng phải lo ngay bây giờ, mà cũng chẳng phải sợ về sau.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Rút lấy bài học ở Tích chuyện: tội-ác của Đề-bà-đạt-đa do lòng ganh-tị mà sanh ra, và lòng ganh-tị nầy lại bắt nguồn ở lòng tham. Vậy, ta cần phải chận đứng sự tham-lam nơi tâm ta. Chận đứng cách nào?

– Thấy người hàng xóm mua xe mới, đừng ganh-tị, cố mua một chiếc đẹp hơn. Đừng tranh giàu, tranh sang với láng-diềng, với đồng-nghiệp, với bạn-bè, với bà-con.

– Tham có nhiều thứ lắm, xin đề-nghị bớt tham vài việc dễ làm: đừng ham xem Ti-vi, tuồng cải-lương, đến quá nửa đêm, hãy tự hạn-chế thời-giờ nầy để đọc Kinh-sách.

– Khi thấy con người ta thi đậu, con mình rớt, thì ganh-ghét; hãy mừng giùm cho người ta. Đó là tâm hỉ, một trong bốn tâm vô-lượng rất quí, là từ, bi, hỉ, xả.

(13).- Tích chuyện cô Sử-ma-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có nhắc đến chuyện cô Sử-ma-na là con gái út của Trưởng-giả Cấp-cô-độc.

Vào thời ấy, ở nước Xá-vệ, có hai nhà: một là nhà bà Vi-sa-kha và một là nhà ông Cấp-cô-độc luân-phiên nhau hằng ngày dưng cúng thực-phẩm lên hàng ngàn chư Tăng. Ở nhà bà Vi-sa-kha, người cháu gái của bà lo thu-xếp mọi việc cúng-dường; còn nơi nhà ông Cấp-cô-độc thì việc đó giao cho ba cô con gái lo-liệu. Hai người con gái lớn của ông Cáp-cô-độc trong khi dưng-cúng thực-phẩm, nghe chư Tăng thuyết-pháp và chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Còn người con gái út là cô Sử-ma-na lại hơn thế nữa, cô chứng được quả-vị Tư-đà-hàm.

Đến khi cô Sử-ma-na bị bịnh nặng, nằm trên giường, cô liền cho mời cha là ông Cấp-cô-độc đến gần bên. Khi cha cô đến nơi, cô lại gọi cha cô bằng em. Rồi sau đó, cô từ-trần. Ông Cấp-cô-độc nghe gọi như thế, cứ tưởng con mình mê-sảng vào lúc hấp-hối, nên rất lo-buồn. Sau khi tang-lễ đã xong, ông liền đến đảnh-lễ Đức Phật và trình lại sự-việc.

Đức Phật bảo, cô Sử-ma-na chẳng có mê-sảng khi gần chết. Sở dĩ, cô gọi cha cô bằng em, là vì chính cô đã chứng được quả vị thứ hai trong hàng Thanh-văn, trong khi đó cha cô và hai chị cô mới chứng được quả-vị thứ nhứt mà thôi. Đức Phật còn cho biết, nay cô Sử-ma-na được tái-sanh lên cõi Trời Đâu-suất.

Sau đó, Đức Phật mới đọc bài kệ, như sau:

Người hành thiện đời nầy vui sướng
Đến đời sau còn hưởng phước nhàn.
Lòng vui nhớ: “Ta làm lành!”
Sau sanh cõi quí tăng phần phước duyên.
(Kệ số 018)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Vi-sa-kha: tên thật bằng tiếng Pali là Visakha.

– Sử-ma-na: tên thật bằng tiếng Pali làSumanadevi

– Luân-phiên: luân = bánh xe; thay nhau; phiên = kỳ, bận, lượt. Luân-phiên là thay phiên nhau, ngưòi nầy hôm nay, người kia hôm sau.

– Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt trong hàng Thanh-văn; Sotàpatti.

– Tư-đà-hàm: quả-vị thứ hai trong hàng Thanh-văn; Sakadàgàmi.

– Mê-sảng: chẳng còn hiểu-biết nữa, nói nhảm.

– Tang-lễ: tang = đám ma. Tang-lễ là lễ đám ma.

– Hành thiện: hành = làm; thiện = lành. Làm lành.

– Phước nhàn: nhàn = an-vui, thong-dong, chẳng bị ràng-buộc.

– Cõi quí: cõi lành. Đó là ba đường lành: cõi Người, cõi Thần và cõi Trời.

– Phước-duyên: duyên = duyên may. Được thêm phần sung-sướng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

1) Khi kể Tích chuyện nầy, Đức Phật muốn chứng minh một lần nữa về Luật Nhơn-Quả: hễ đã làm lành, tất sẽ được hưởng phước, chẳng những ngay trong đời hiện-tại, mà cả về đời sau nữa.

2) Tại sao cô Sử-ma-na lại gọi Cha bằng em, Đức Phật đã giải-thích rõ trong Tích chuyện. Cô Sử chỉ gọi Cha như thế vào lúc sắp tái-sanh vào cõi Trời, nhờ chứng-đắc quả-vị cao hơn Cha và hai chị.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 018:

Cũng như bài Kệ số 017, bài Kệ số 018 nêu lên hậu-quả dài lâu của việc làm thiện. Công-đức của cô Sử-ma-na là cúng-dường chư Tăng. Cúng-dường các bực chơn-tu là một hình-thức của sự bố-thí, một đức-tánh cao-quí để dẹp lòng bỏn-xẻn, tham-lam nơi tâm mình.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Thực-hành việc bố-thí để dẹp bỏ sự rít-róng và bụng tham. Khi đem cho, chớ phân-biệt ba việc: người cho, người nhận và vật hiến-tặng.

(14).- Tích chuyện hai vị Tỳ-kheo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có nhắc đến việc hai vị tỳ-kheo mà đường-lối tu-tập rất khác nhau.

Thuở ấy có hai vị tỳ-kheo dòng-dõi quí-phái, kết làm bạn thân với nhau. Một vị rất thông-thạo về Tam-tạng Kinh-điển, đọc tụng và giảng-dạy giáo-lý rất lưu-loát. Vị nầy được làm giáo-thọ dạy cho năm trăm vị tăng-nhơn. Còn vị kia tuy hiểu rất ít về Kinh-điển, nhưng rất tinh-cần theo lời dạy trong Chánh-pháp mà tu-tập và hành-trì; nhờ đó mà chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

Trong một dịp đến đảnh-lễ Đức Phật ở Kỳ-viên-tự, họ gặp lại nhau. Vị giáo-thọ chẳng ngờ là bạn mình đã chứng-đắc A-la-hán, nên xem thường người bạn, nghĩ rằng ông ấy còn chưa thông-thạo rành rẽ như mình về Kinh-điển, còn chưa biết được một Bộ nào trong năm Bộ-Kinh, cũng chẳng biết đến một Tạng nào trong Tam-Tạng. Vị giáo-thọ nghĩ như thế, nên định nêu ra những câu hỏi về Kinh-Tạng để làm cho bạn mình phải bối-rối và xấu-hổ.

Lúc bấy giờ, Đức Phật đọc được tư-tưởng của vị giáo-thọ, biết nếu ý-định xấu kia mà thực-hiện thì vị giáo-thọ thông-thái nầy sẽ bị tái-sanh vào cõi dữ. Với tấm lòng từ-bi, Đức Phật ngăn chẳng cho vị giáo-thọ hỏi khó vị kia, bằng cách chính Ngài đặt ra các câu hỏi về Thiền-định, về Đạo và về Quả. Vị giáo-thọ chẳng trả lời nổi vì ông chỉ biết về lý-thuyết mà thôi, còn chưa có kinh-nghiệm tu-tập. Còn vị tỳ-kheo kia, nhờ thực-hành thuần-thục, tuân theo Chánh-pháp mà hành-trì, đã chứng-đắc quả-vị A-la-hán, nên giải-đáp rất rành-rẽ. Đức Phật tán-thán vị nầy, và chẳng có một lời khen ngợi nào cả đối với vị giáo-thọ.

Chúng Tăng lúc ấy rất lấy làm lạ khi thấy vị thầy dạy Pháp của họ chẳng được Đức Phật khen ngợi, mới thưa hỏi Đức Phật tại sao vậy. Đức Phật giải-thích: vị giáo-thọ tuy hiểu biết rất nhiều về giáo-lý, mà chẳng đem ra thực-hành trên thân-tâm mình, thì cũng tựa như người chăn bò, lo săn-sóc bò cho chủ, để lãnh lương, còn những chất ngon của các con bò, gọi là ngũ chủng ngưu-vị, thì chỉ có chủ đàn bò mới biết mà hưởng được.

Vị giáo-thọ chỉ hưởng được sự cung-kính, cúng-dường của các người học-trò của ông. Còn bạn ông, vị A-la-hán, thì mới thọ-hưởng được những phước-lạc đo Đạo và Quả mang đến, giống như chủ đàn bò hưởng năm món ngưu-vị. Đó là nhờ ra công-sức chuyên-cần hành-trì, diệt hết ba món độc tham, sân, si, cùng các lậu-hoặc, nên tâm cùng tuệ đều được giải-thoát. Vị nầy mới thật-sự hưởng được lợi-ích do Chánh-pháp mang đến.

Bấy giờ, Đức Phật liền nói lên hai bài Kệ sau đây:

Kẻ dầu đọc tụng nhiều Kinh tạng,
Tánh buông-lung, chẳng ráng hành-trì.
Thằng chăn bò có khác chi,
Đếm bò cho chủ, ích gì cho thân?
Đạo-quả Sa-môn chẳng dự phần.
(Kệ số 019)

Người dầu tụng chẳng nhiều Kinh tạng,
Y theo Chánh-pháp ráng hành-trì,
Diệt ba độc tham, sân, si,
Tuệ, tâm giải-thoát, chẳng chi buộc ràng.
Đời nầy, đời khác, màng chi nữa,
Đạo-quả Sa-môn tự có phần.
(Kệ số 020).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Kinh-điển: Kinh = lời Đức Phật giảng-dạy, được ghi chép lại; điển = phép-tắc. Kinh-điển là kinh-sách về giáo-pháp của Đức Phật.

– Lưu-loát: trôi chảy; dễ-dàng, dễ hiểu và chẳng ngập-ngừng.

– Giáo-thọ: vị tăng rành-rẽ về giáo-lý, giảng-dạy cho các tăng-ni.

– Hành-trì: hành = làm, thực-hành; trì = giữ. Hành-trì là tuân theo lời dạy trong Chánh-pháp áp-dụng vào đời sống tu-hành, chẳng quên.

– Năm Bộ-Kinh: đó là: (1) Trường-Bộ-Kinh, (2) Trung-Bộ-Kinh, (3) Tương-ưng-Bộ-Kinh, (4) Tăng-chi Bộ-Kinh và (5)Tiểu-Bộ-Kinh; mỗi Bộ-Kinh có trên dưới gần ngàn bài Kinh.

– Tam Tạng: tam = ba; tạng = giỏ, đãy đựng kinh. Tam Tạng là tiếng chung để gọi tất cả kinh-điển nhà Phật. Gồm có Tạng Luật, Tạng Kinh và Tạng Luận.

– Thông-thái: hiểu biết rõ nhiều việc, có kiến-thức thật rộng.

– Thuần-thục: rành-rẽ, giỏi-dắn, chín-chắn.

– Tán-thán: khen ngợi.

– Giải-thích: cắt nghĩa rõ ra.

– Ngũ chủng ngưu-vị: ngũ = năm; chủng = loại, thứ; ngưu = trâu, bò; vị = vị ngon. Năm món ngon từ sữa con bò là: sữa, kem, bơ sống, bơ chín và phô-mai (fromage).

– Lậu-hoặc: lậu = rỉ chảy dơ ra; hoặc = điều sai-lầm. Chữ lậu-hoặc được dùng để chỉ những thói xấu trong tâm, thường lộ ra ngoài, khiến cho ta phải phiền-não, như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v..

– Tâm, Tuệ: tâm = lòng; tuệ = huệ, trí-huệ. Tâm bị phiền-não ràng buộc; trí-huệ bị vô-minh ( =si-mê) che lấp. Diệt bỏ được phiền-não và vô-minh thì cả tâm lẫn tuệ đều được giải-thoát mà chứng-đắc Niết-bàn.

– Buông-lung: chẳng biết tự kềm-chế, sống bừa-bãi. Đồng nghĩa với chữ phóng-dật.

– Chẳng dự phần: chẳng hưởng được phần lợi-ích.

– Tự có phần: Đã có phần lợi-ích dành sẵn cho mình.

– Màng chi nữa: chẳng còn ham chi nữa; hết thèm rồi.

B. – Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang một ý-nghĩa quan-trọng về đường-lối tu-tập. Đọc-tụng nhiều Kinh-điển mà chẳng biết cách ứng-dụng tu-hành cho thân-tâm được thanh-tịnh, chỉ như người chăn bò lo đếm số bò cho chủ, chẳng ích-lợi gì cho bản-thân. Người biết cách đọc-tụng Kinh-điển, chẳng cố lấy nhiều, mà chỉ cầu tìm cách ứng-dụng để sửa đổi tâm-tánh mình cho trong-sạch hơn lên, để tiến đến mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát.

Do đó, ta nên biết:

Thà biết ít mà biết chắc
Khỏi tu mù, mà chẳng mắc tu lầm.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ sối 019 và 020:

Ý-nghĩa của hai bài Kệ nhắc lại ý-nghĩa của Tích-chuyện: Khi đọc-tụng Kinh-điển, ta phải biết ứng-dụng vào đời sống tu-hành. Vấn-đề là ứng-dụng như thế nào? Bài Kệ số 020 chỉ rõ cách hành-trì:

– diệt ba mối độc: tham, sân, si;

– giải-thoát tâm và huệ. Tâm giải-thoát khi diệt hết các phiền-não-chướng (chướng = gây trở ngại), nhứt là tham, sân, si. Huệ giải-thoát khi diệt được sở-tri-chướng (sở-tri = điều hiểu biết; sở tri-chướng là các điều hiểu biết sai-lầm, lỗi-thời, cùng các cố-chấp, các thành-kiến).

– “Đời nầy, đời khác, màng chi nữa”: câu nầy có nghĩa là chẳng còn bám-níu vào cuộc sống Luân-hồi nữa; như thế, sẽ chứng được cảnh-giới vô-sanh, nghĩa là chẳng bị sanh-tử ( = sự chết sống) ràng-buộc nữa. Nói cách khác, đó là chứng-đắc được cảnh Niết-bàn.

Học- tập:

1. Học thuộc lòng hai bài Kệ: Đây là dịp để nhớ đến ý-nghĩa việc tụng-đọc Kinh-Kệ: đọc Kinh chẳng phải để được phước như một số người mê-tín bảo Kinh nầy linh-thiêng hơn Kinh kia. Kinh nào cũng dạy ta một cách tu-hành, khi đọc tụng phải tìm cách ứng-dụng; và có ứng-dụng tu thì mới được hưởng lợi-ích, đó là Kinh linh-thiêng đấy.

2. Thà biết ít mà biết chắc. Nếu chẳng biết đến Kinh-kệ mà tu, đó là tu mù, chẳng hiểu rõ đâu là mục-tiêu, đâu là nỗ-lực. Nhưng biết mà biết quá nhiều, thì cũng chẳng hay, vì khi biết quá nhiều, lại đâm ra ít chịu thực-hành theo. Thế nên thà biết ít. Nhưng phải biết chắc; vì có biết chắc mới đi đúng đường, khỏi phải phân-vân, nghi-ngại.

3. Khỏi tu mù và chẳng mắc tu lầm. Khi mình hiểu biết về Kinh-Kệ, đó là căn-bản vững chắc cho mình đi tới dưới ánh-sáng của ngọn đuốc Kinh-kệ. Dọc đường có hầm-hố, chông-gai, mình nhờ Kinh-Kệ nhắc-nhở mà tránh được. Người tu mà chẳng hiểu biết Kinh-Kệ, thì dễ lầm-lẫn, lại thường mê-tín nghe theo lời khuyến-rủ của những kẻ đội lốt tu-hành.

Biết chắc về Kinh-Kệ tránh được khổ-nạn tu lầm, phí cả một cuộc đời.

4. Biết lấy Kinh-Kệ làm Thầy, tránh được hai nạn: tu mù, tu lầm.

-ooOoo-

II. Phẩm: Chẳng Phóng-dật

(15) Tích chuyện Hoàng-hậu Sa-mã-hoa

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ ở tu-viện Cô-si-ta, gần thành Cô-sâm-bi, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Hoàng-hậu Sa-mã-hoa, chánh-cung của vua Ưu-đề-na, nước Cô-sâm-bi.

Hoàng-hậu Sa-mã-hoa có năm trăm cung-nữ, trong số đó có bà Khưu-du hằng ngày đến tiệm bán hoa của Sử-ma-na mua bông về trang-hoàng cung của Hoàng-hậu. Trong dịp đến tiệm bán hoa, bà Khưu-du được nghe Đức Phật thuyết-pháp ở đó và ba chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn. Khi trở về hoàng-cung, bà Khưu-du nhắc lại bài pháp cho Hoàng-hậu và các cung-nữ nghe và nhờ đó mà tất cả đều chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn. Kể từ đãy, bà Khưu-du được Hoàng-hậu kính-trọng như mẹ và thầy dạy đạo. Bà Khưu-du khỏi phải làm công-việc tạp-dịch nữa và tiếp-tục đi nghe Đức Phật giảng-pháp về chỉ-dạy lại cho Hoàng-hậu và các cung-nữ. Chẳng bao lâu, bà Khưu-du đã thông-thạo về Tam-Tạng Kinh-điển.

Hoàng-hậu Sa-mã-hoa và các cung-nữ rất mong muốn được trông thấy Đức Phật để đảnh-lễ, nhưng họ sợ Vua Ưu-đề-na tức-giận, nên chỉ dám khoét một lỗ hổng trên bức tường ở hoàng-cung để lén nhìn ra ngoài, nom theo Đức Phật hằng ngày đến nhà các cư-sĩ Cô-sa-ka, Cúc-khưu-ta và Pha-hoa-di để khất-thực.

Vào thời ấy, vua Ưu-đề-na còn có một vị vương-phi tên là Mã-can-di-hoa, vốn là người con gái yêu của một vị Bà-la-môn tên là Mã-can-di. Một hôm, Mã-can-di trông thấy Đức Phật với tướng-mạo trang-nghiêm, đẹp-đẽ, ôm bình bát đi khất-thực, ông Mã liền gọi vợ và con ra xem, và muốn gả con cho Đức Phật vì, theo ông, chỉ có người oai-nghi như Đức Phật mới xứng với vẻ đẽp tuyệt-trần của cô Mã-can-di-hoa. Nhưng Đức Phật từ-chối: “Ngay cả khi thấy ba người con gái của Ma-vương là các cô Tham-ái, Ác-cảm, và Dục-vọng, nhan-sắc xinh-đẹp hơn nhiều, ta còn chẳng cảm thấy một chút nào lòng dục khởi lên nữa. Dầu sao, đối với tấm thân đầy chất bẩn và nước tiểu kia, ta cũng chẳng muốn để chơn ta đụng phải.”

Khi nghe Đức Phật nói như thế, hai vợ chồng vị Bà-la-môn Mã-can-di liền chứng-đắc được đạo-quả A-na-hàm. Họ liền giao con gái cho người em trai và xin gia-nhập vào Giáo-hội Tăng-già. Tuy nhiên, cô Mã-can-di-hoa lúc ấy rất căm-hận Đức Phật và thề rằng sẽ trả thù, khi có dịp. Về sau, cô Mã-can-di-hoa được người chú đem dâng cho Vua Ưu-đề-na và được tuyển làm vương-phi. Khi Mã-can-di-hoa hay tin Đức Phật đến xứ Cô-sâm-bi và Hoàng-hậu Sa-mã-hoa cùng các cung-nữ khoét vách tường để dòm ra ngoài, bà Mã liền tố-cáo với Vua, bảo rằng Hoàng-hậu và các cung-nữ chẳng trung-thành với Vua và có sự giao-du với bên ngoài. Vua Ưu-đề-na đến cung Hoàng-hậu, nhìn thấy lỗ hổng trên tường, nhưng khi nghe trình-bày sự-thật, nhà vua hết nghi-nan và chẳng tức-giận.

Bà Mã-can-di-hoa vẫn còn căm-tức nên tìm cách thuyết-phục Vua rằng Hoàng-hậu Sa-mã-hoa chẳng những chẳng trung-thành với Vua mà còn âm-mưu giết vua nữa. Được biết trước Vua sẽ ngự đến cung Hoàng-hậu, bà vương-phi Mã liền bắt một con rắn nhỏ thật độc, đem dấu vào trong cái bầu của cây đờn tì-bà, mà vua thường thích đờn, rồi lấy một bó hoa chận phía ngoài cho rắn chẳng bò ra được. Bà liền tâu với Vua là bà có linh-cảm rằng có người sẽ ám-hại vua, xin vua đừng đến cung Hoàng-hậu. Nhưng nhà vua chẳng nghe, bà Mã liền xin tháp-tùng, nói là để bảo-vệ Vua khi cần.

Đến cung Hoàng-hậu, sau khi dự tiệc, Vua sai mang đờn ra để Ngài tấu nhạc. Bà Mã liền rút bó hoa ra khỏi cây đờn và đem dưng cho Vua. Con rắn thoát khỏi chỗ bị giam, liền chui ra, rít lên, bò đến bên Vua. Nhà vua tức-giận, bấy giờ tin lời bà Mã là Hoàng-hậu Sa-mã-hoa muốn giết vua. Ngài liền bắt Hoàng-hậu và các cung-nữ đứng giàn hàng, rồi giương cây cung, đặt tên có tẩm thuốc độc, nhắm bắn. Lúc ấy, Hoàng-hậu trầm-tĩnh bảo các cung-nữ đừng sợ-hãi và cũng đừng oán-giận vua, mà phải nhiệt-tâm rải tâm Từ đến Vua và vương-phi. Khi mũi tên độc của Vua bay về phía các cung-nữ thì lạ thay, nó lại quay ngược trở về, rơi xuống đất. Nhà Vua tỉnh-ngộ mới biết Hoàng-hậu trong-trắng và vô-tội.Kể từ đó, Vua cho phép Hoàng-hậu được thỉnh Đức Phật vào hoàng-cung để cúng-dường thực-phẩm và nghe thuyết-pháp.

Nhận thấy các âm-mưu để hại Hoàng-hậu chẳng thành công, bà vương-phi Mã can-di-hoa mới nghĩ đến một kế-hoạch chót. Bà cho người về nhờ chú bà thuê người đến đốt cung Hoàng-hậu. Khi hay tin có hỏa-tai, nhà Vua đến cung Hoàng-hậu, nhưng chậm mất rồi, vì Hoàng-hậu và các cung-nữ đang nhập vào thiền-đînh dưới ngọn lửa hồng đang bùng cháy. Bấy giờ, phần lớn các cung-nữ đều chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn, một số ít chứng được quả A-na-hàm.

Khi ngọn lửa đã tàn, nhà Vua chẳng để lộ vẻ tức-giận, mà nói rằng: “Khi Sa-mã-hoa còn sống, ta vẫn luôn luôn lo-ngại bà ta ám-hại, nay bà ta đã chết rồi, ta mới yên-tâm. Kẻ nào đã đốt cháy cung nầy mới thật là kẻ yêu ta, muốn bảo-vệ ta đó.” Bãy giờ, bà Mã-can-di-hoa liền tâu rằng chính bà đã thuê người đốt. Nhà vua cười khen bà Mã và ra lịnh mời tất cả thân-nhơn của bà đến cung Vua để dự tiệc khen thưởng. Họ vui mà đến, đông đủ cả. Nhà Vua liền ra lịnh bắt tất cả, dĩ nhiên cả Vương-phi Mã-can-di-hoa cũng ở trong số đó, đem ra sân thiêu sống.

Khi Đức Phật nghe được các biến-cố đó, Ngài liền đọc lên ba bài Kệ sau đây cho chúng Tăng nghe:

Tình-giác là con đường Bất-tử
Buông lung là nẻo dữ Tử-sanh.
Sống theo tỉnh-giác, tâm lành
Hơn người phóng-dật đã thành chửa chôn
(Kệ số 021.)

Đã thông-hiểu chỗ hơn kém đó
Bực trí cao chẳng có buông-lung;
Chí thành tỉnh-giác một lòng
An vui cõi Thánh, ung-dung thanh-nhàn.
(Kệ số 022)

Bực trí-giả hằng tu thiền-định
Nỗ-lực tinh-cần tỉnh-giác luôn.
Vô-thượng Niết-bàn liền chứng-đắc;
Gông-cùm, xiềng-xích đều đập tan.
(Kệ số 023.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Tiếng Việt: Tiếng Pali:

– Cô-si-ta: Ghosita:

– Cô-sâm-bi: Kosambi

– Sa-mã-hoa: Sàmàvati

– Ưu-đề-na: Udena

– Khưu-du: Khujjuttarà

– Sử-ma-na: Sumana

– Cô-sa-ka: Ghosaka

– Cúc-khưu-ta: Kukkuta

– Pha-hoa-di: Pàvàriya

– Mã-can-di: Màgandiya

– Mã-can-di-hoa: Màgandiyà

– Chánh-cung: người vợ chánh của vua; hoàng-hậu.

– Cung-nữ: cô gái phục-vụ trong hoàng-cung.

– Tạp-dịch: tạp = lặt-vặt; dịch = công-việc. Tạp-dịch là làm các công-việc lặt-vặt trong nhà.

– Vương-phi: vương = vua; phi = vợ; vợ thứ. Theo phong-tục đa-thê ( = có nhiều vợ), ngoài Hoàng-hậu ra, Vua còn có nhiều vợ khác, gọi là vương-phi.

– Căm-hận: thù-ghét.

– Tố-cáo: kể rõ tội-trạng của một người với kẻ khác.

– Giao-du: giao = giao-thiệp, kết bạn; du = chơi bời với nhau.

– Nghi-nan: nghi-ngờ.

-Trung-trinh: trung = trung-thành; trinh = trinh-tiết. Giữ lòng trung-thành với chồng.

– Đờn tì-bà: một loại đờn giây, trông tựa như vĩ-cầm ngày nay.

– Linh-cảm: linh = linh-thiêng, huyền-bí; cảm = cảm-giác. Linh-cảm là tự-nhiên có ý-nghĩ biết trước về một việc sắp xãy ra.

-Ám-hại: ám = đen tối; hại = nguy-hại. Ám-hại là hại ngầm.

– rải tâm Từ: tức là trong tâm chỉ nghĩ đến sự Từ-bi, và mong muốn tấm lòng Từ-bi của mình sẽ chuyển-động được tâm người mình đang nghĩ đến.

– Tình-ngộ: liền biết mình đã nghĩ lầm.

– Kế-hoạch: mưu-kế dự-định sẽ làm.

– Hoả-tai: hoả = lửa; tai = tai-nạn. Bị lửa cháy thiêu.

-Thân-nhơn: thân = thân-tình, bà con; nhơn = người.

– Biến-cố: việc quan-trọng đã xãy ra.

– Tỉnh-giác: tỉnh = chẳng còn mê; giác = biết. Người tỉnh-giác là người sáng-suốt, làm gì cũng biết mình đang làm gì, luôn chú-ý đến hành-động và mọi biến-chuyển trong tâm của mình.

– Bất-tử: bất = chẳng; tử = chết. Vì sao tỉnh-giác là con đường Bất-tử? Vì khi tỉnh-giác, biết mình đang sống, làm gì, nghĩ gì cũng biết, khác với người mê tuy còn thở nhưng như chết rồi vì mình chẳng biết mình đang làm gì, đang nghĩ gì.

– Buông-lung: buông trôi, chẳng có sự tự kềm-chế lấy mình. Cùng nghĩa với chữ Phóng-dật.

– Phóng-dật: phóng = buông trôi; dật = nghỉ ngơi. Cùng một nghĩa với các chữ: buông-lung, lười-biếng, cẩu-thả.

– Chưả chôn: còn sống đó, nhưng vật-vờ, vất-vưởng như người chết chưa chôn, vậy thôi.

– Ung-dung: thong-thả, tự-do, chẳng bị ràng-buộc.

– Vô-thượng: vô = chẳng có; thượng = trên. Vô-thượng là chẳng còn gì ở trên đó nữa; cao nhứt.

– Niết-Bàn: tiếng Pali là Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là rừng phiền-não. Chữ Niết-bàn chỉ tâm-trạng của người đã dứt sạch hết các phiền-não, sống ung-dung, tự-tại. Đừng tưởng-lầm Niết-bàn là một nơi chốn nào trong không-gian mà người tu-hành đắc-đạo đến đó ở cho thật sung-sướng. Đó chỉ là cảnh-giới của tâm người đã dứt hết các điều ham-muốn, sống an-nhiên trong niềm vui thanh-tịnh, nhẹ-nhàng.

Có hai cảnh Niết-bàn: khi còn sống thì vào Hữu-dư Niết-bàn; đến khi bỏ thân-xác thì vào Vô-dư Niết-bàn (dư = dư-y, tức là tấm thân thể-xác). Các bực chứng quả-vị A-la-hán, đắc được Vô-sanh ( = chẳng còn phải tái-sanh trong cõi Luân-hồi), gọi là chứng-đắc Niết-bàn.

-Tham-ái, Ác-cảm, Dục-vọng: tên của ba cô gái đẹp của Ma-vương. Tham-ái = khao-khát; Ác-cảm = có ý ác, ghét; Dục-vọng = lòng ham-muốn. Cả ba đều chỉ đến sự cám-dỗ.

– A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn, chẳng còn phải sanh lại ở cõi người nữa, nên được gọi là Bất-Lai. Tiếng Pali là Anàgàmi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện đưa ra hai mẩu người: một người hiền-từ biết tu-tập theo Chánh-pháp, biết lấy ơn ra trả oán; và một người buông-lung theo lòng oán-hận, gây ra nhiều tội-ác. Mẩu người trước là Hoàng-hậu Sa-mã-hoa; mẩu người sau là bà Vương-phi Mã-can-di-hoa. Tích chuyện cho thấy: đã làm ác, tất phải chịu lấy hậu-quả xấu, ngay trong đời nầy.

Ngoài ý-nghĩa chánh vừa nêu trên, ta còn tìm thấy những ý-nghĩa khác sau đây:

1.- Cùng một lời nói của Phật về tấm thân bất-tịnh, hai ông bà Mã-can-di và cô gái Mã-can-di-hoa có phản ứng khác nhau:

– Ông bà Mã-can-di biết rõ bên trong tấm thân của con người chứa những thứ bất-tịnh như nước tiểu, máu mủ, v.v. nên khi nghe xong lời Phật, hai vợ chồng mới chứng được thánh-quả.

– Cô Mã-can-di-hoa vì tự-ái, nghe Phật nói thế, liền căm-giận; sự si-mê nầy cộng với tâm thù-oán khiến cô đi sâu vào con đường tà-ác.

-Phép quán thân bất-tịnh giúp ta nhận thấy rõ, thân bề ngoài có đẹp-đẽ vì trau-chuốt, còn bên trong chứa đầy chất dơ-bẩn. Đó là Sự-thật. Một khi đã biết rõ như thế, sẽ sanh ra nhàm chán việc đuổi theo các thú vui thể-xác, nhờ đó mà dứt được các dục-vọng, tiến đến sự giải-thoát cho tâm thoát khỏi mọi sự ràng-buộc.

2.- Vua Ưu-đề-na là người biết nhận lỗi khi mình làm quấy: Khi mũi tên quay ngược lại chẳng hại bà Hoàng-hậu, nhà vua liền biết ngay là bà vô-tội. Trước đó, thái-độ trầm-tĩnh của Hoàng-hậu dặn bảo các cung-nữ chẳng những chẳng đưọc oán-hận Vua, mà còn phải rãi tâm Từ đến Vua và vương-phi. Lẽ ra, đứng trước thái-độ đó, nhà Vua phải cảm-động mà dừng tay, nhưng vì lòng tức-giận đang nổi mạnh lên đã che mời lý-trí của nhà vua. Nhà Vua đã tỏ ra sáng-suốt khi chăng cái bẫy ra để bắt kẻ thủ-phạm chủ mưu đốt chết Hoàng-hậu; tuy nhiên khi trừng-trị luôn tất cả thân nhơn của bà Mã-can-di-hoa, thì cũng tàn-ác quá!

3.- Rải tâm Từ: Lòng Từ là lòng thương người, muốn cho người được an-vui. Rải tâm Từ là trong tâm an-định phát ra những tư-tưởng tốt-đẹp hướng về người mà mình muốn cho nhận được các làn sóng tư-tưởng đó. Có hai điều cần trong việc rải tâm Từ: (1) tâm phải ở trong tình-trạng an-định, nghĩa là lúc đó chỉ nghĩ đến lòng Từ mà thôi; (2) tâm phải chơn-thành và khẩn-thiết, thật-sự mong muốn cho người mình đang hướng về được mọi sự an-lành. Rải tâm Từ đến những người thân-yêu thì dễ hơn rải đến người thù-nghịch. Người biết đem lòng Từ đối-đãi với kẻ nghịch là người đã thắng hoàn-toàn được món độc: sân ( =giận-hờn).

(2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ:

1.- Bài Kệ số 021: so-sánh giữa hai lối sống: buông-lung ( = phóng-dật) và tỉnh-giác. Sống buông-lung là chẳng biết tự kềm-chế, hoặc để cho tham, cho sân, lôi kéo mình đi. Chúng lôi kéo vào nẻo dữ. Còn sống tỉnh-giác, biết kềm-chế tâm, biết rõ mọi biến-chuyển của tâm, khi tham, biết tham là xấu; khi sân, biết giận thì mất khôn. Người tỉnh-giác như thế tiến theo con đường lành, sẽ chứng-đắc các đạo-quả, thoát vòng sanh-tử Luân-hồi.

2.- Bài Kệ số 022: nêu lên ích-lợi mà người tỉnh-giác được hưởng: sống an vui trong cõi Thánh, tức là được giải-thoát mọi ràng-buộc, ung-dung, thanh nhàn, chẳng phiền-muộn; trái hẳn với người buông-lung sống như người chết chưa chôn.

3.- Bài Kệ số 023: nhờ Thiền-định mà tâm thường tỉnh-giác. Nếu biết tu-tập thiền-định một cách tinh-cần, sẽ chứng-đắc được cảnh-giới an vui cuả Vô-thượng Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng ba bài Kệ.

2.- Tập rải tâm Từ đến những người thân, như cha, mẹ, anh chị em.

3.- Lâu lâu, có giận ai, hãy nghĩ tới việc rải tâm Từ đến người ấy. Khi gặp lại người ấy, lòng mình sẽ nhẹ-nhàng hơn: đó là lợi lớn cho mình rồi. Cứ thấy bớt giận dai là mừng đi, vì đã thắng được cái “sân”rồi đó!

(16).- Tích chuyện người chủ ngân-hàng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tu-viện Trúc-Lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ông chủ ngân-hàng tên là Cung-thác-cơ.

Vào thời xa xưa ấy, thành Vương-xá bị nạn dịch, dân-chúng chết hại rất nhiều. Tại tư-gia của vị giám-đốc ngân-hàng, các đầy-tớ đều bị bịnh chết cả. Vợ chồng ông chủ cũng vướng phải bịnh dịch. Khi biết mình chẳng sống sót nổi, ông mới kêu người con trai còn nhỏ tuổi lại mà bảo trốn đi nơi xa; và chỉ nên trở về sau một thời-gian thật lâu. Ông còn trối với con là ông có chôn dấu một kho-tàng bốn ngàn nén vàng và chỉ chỗ cho nó sau nầy đào lên mà dùng. Đứa con vâng lời cha, trốn vào rừng sâu; mười hai năm sau, khi đã trưởng-thành, mới quay về chốn cũ.

Lúc bấy giờ, ở thành Vương-xá, chẳng ai nhận ra được chàng trai con ông chủ ngân-hàng cả, vì vóc-dáng đã to lớn, thay đổi nhiều. Cung-thác-cơ liền tìm đến nơi chôn dấu kho-tàng, thấy vẫn còn nguyên-hiện. Nhưng chàng nghĩ rằng, nếu ta đào lên lấy vàng, thì những người chung-quanh tưởng đó là của vô-thừa-nhận chôn dưới đất, sẽ tố-cáo đến quan, rồi ta sẽ bị bắt vì vi-phạm luật-lệ. Theo luật thời ấy, những của tìm ra dưới đất đều thuộc về nhà Vua. Vì thế, Cung-thác-cơ mới đi tìm nghề sanh-sống, chẳng đụng tới kho tàng. Vào nhà một nông-gia, chàng xin việc và được thâu-nhận làm người báo giờ, mỗi buổi sáng, kêu gọi mọi người thức dậy, đến giờ nấu cơm, đến giờ đem trâu bò ra cày ruộng, v.v. Chàng chăm-chỉ làm việc như thế trong một thời-gian.

Bấy giờ, Vua xứ Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la, mỗi buổi sáng nghe tiếng của Cung-thác-cơ đi rao khắp nơi, mới lấy làm lạ, nghe giọng nói như là tiếng nói của một người giàu-sang. Ngài liền cho thị-vệ ra xem, thì ra đó là một chàng trai nghèo-khổ đang đi báo thức. Nhà vua chẳng tin người nghèo khổ mà có giọng nói như thế, mới cho điều-tra. Một thị-nữ được phái đi làm công-việc nầy. Bà ta dẫn theo một dứa con gái, cải-trang thành một người du-khách lỡ độ đường, đến xin ngụ qua đêm trong trang-trại mà Cung-thúc-cơ giúp việc. Người chủ nông-trại cho phép bà và con ngụ tạm nơi túp lều của Cung-thác-cơ.

Vào độ ấy, có buổi lễ cúng-tế cho hoa mầu được tươi-tốt. Vua ra lịnh mọi người phải đóng-góp vào để mua-sắm lễ-vật. Cung-thác-cơ nghèo quá, chẳng có tiền, đành phải đến chỗ chôn dấu vàng, đào lên, lấy vài đồng tiền, rồi nhờ bà khách ngụ đem đi đóng góp phần mình cho quan. Bà thị-nữ lấy tiền riêng của mình ra đóng góp, còn hai đồng tiền vàng gởi ngay đến hoàng-cung. Bà trở về tâu sự-việc lên Vua và đề-nghị Vua cho gọi Cung-thác-cơ đến trình-diện. Cung-thác-cơ sợ-hãi, chẳng biết mình bị tội gì, nhưng sau cùng cũng đến. Đức Vua hỏi nguyên-do vì sao Cung-thác-cơ có được hai đồng tiền vàng, và Vua hứa rằng, nếu nói lên đúng sự-thật thì chẳng hề bị bắt tội. Cung-thác-cơ liền kể lại hết sự-tình, ngày còn bé, cha là chủ ngân-hàng, bị bịnh dịch khi chết có trối chỗ chôn vàng, thời-gian mười hai năm trốn ở rừng sâu, nay trở về, nhưng chẳng dám đào lên để hưởng-dụng, mà phải đi làm công cho một nông-gia. Nhà Vua thấy vẻ thật-tình, cho điều-tra lại rõ-ràng, mới phong cho Cung-thác-cơ làm giám-đốc ngân-hàng của Hoàng-gia, và lại gả công-chúa cho chàng nữa.

Sau đó, trong một dịp đến đảnh-lễ Đức Phật ở tịnh-xá Trúc-Lâm, nhà Vua cho Cung-thác-cơ tháp-tùng. Nhà Vua trình lên Đức Phật sự-việc của Cung-thác-cơ, khen chàng là người biết nỗ-lực tìm lấy nghề-nghiệp để sanh-sống, hơn là nhờ vào gia-tài của cha-mẹ chôn dấu để lại.

Nhơn dịp nầy, Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người tỉnh-giác, các căn điều-phục;
Đúng theo Chánh-pháp, cuộc mưu-sanh;
Việc làm cẩn-trọng, nhiệt-thành;
Ý, lời, hành-động cũng thanh-tịnh rồi;
Chẳng hề phóng-dật trong lối sống,
Danh-tiếng người nầy tăng-trưởng thật cao.
(Kệ số 024).

Sau khi nghe xong bài Kệ, Cung-thác-cơ chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Ngân-hàng: ngân = bạc; hàng = cửa hàng. Ngân-hàng là nhà băng

– Trúc-Lâm: trúc = cây tre, cây trúc; lâm = rừng. Tên tu-viện nầy bằng tiếng Pali là Veluvana.

– Cung-thác-cơ: tên thật bằng tiếng Pali là Kumbhaghosaka.

– Giám-đốc: giám = cai-quản, coi-sóc; đốc = đốc-thúc, điều-khiển. Giám-đốc là vị chủ, điều-khiển mọi người trong hảng.

– Bịnh dịch: bịnh truyền-nhiễm nguy-hiểm, giết chết nhiều người.

– Vô-thừa-nhận: vô = chẳng có; thừa-nhận = nhìn-nhận. Của vô-thừa-nhận là của vô-chủ, chẳng biết của ai.

– Vi-phạm: vi = làm trái với; phạm = phạm tội.

– Nông-gia: nông = nghề làm ruộng; gia = nhà. Nông-gia là người làm ruộng, trồng lúa.

– Ma-kiệt-đà: tên nước, tiếng Pali là Magadha.

– Tần-bà-sa-la: tên thật bằng tiếng Pali là Bimbisara.

– Thị-vệ: thị = người theo hầu; vệ = người theo bảo-vệ. Thị-vệ là lính theo hầu vua.

– Thị-nữ: người đàn-bà hầu-hạ trong cung vua.

– Lỡ độ-đường: đi đường quá về ban đêm, tìm chỗ ngủ.

– Trang-trại: khu vườn hay ruộng có trồng-trọt.

– Nông-trại: khu vườn, ruộng của nông-gia.

– Điều-tra: tìm các bằng chứng về sự-thật.

– Trình-diện: trình = thưa trình; diện = mặt. Trình-diện là đến ra mắt.

– Các căn: căn = gốc; nơi phát-sanh ra. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

– Điều-phục: điều = điều-khiển, sắp-xếp cho có thứ-tự; phục = chế-phục, làm chủ lấy. Điều-phục các căn có nghĩa là làm chủ các giác-quan, chẳng chạy theo cảnh-vật bên ngoài. Thí-dụ: chẳng nhìn vào chỗ chẳng đáng nhìn.

– Cuộc mưu-sanh: mưu-sanh = làm nghề để sanh-sống, nuôi thân mình và gia-đình. Mưu-sanh đúng theo Chánh-pháp, chính là Chánh-Mạng, được Đức Phật giảng trong Bát-Chánh-Đạo. Về việc chọn nghề cho đúng theo Chánh-pháp, xin xem lại ở cuối trang 45. Về Bát-Chánh-Đạo, xin xem lại cuối trang 38.

– Cẩn-trọng: cẩn = cẩn-thận, kỹ-lưỡng; trọng = chú-trọng tới.

– Nhiệt-thành: nhiệt = nóng, thành = thành-thật. Làm việc thật nhiệt-thành là làm việc rất cẩn-thận, hăng-say và thích-thú mà làm.

– Tăng-trưởng: tăng = gia-tăng, thêm lên; trưởng = lớn. Tăng-trưởng là càng ngày càng to lớn hơn. Trái với giảm-thiểu.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại đời sống cần-cù, đúng theo Chánh-pháp của một chàng thanh-niên, tuy được cha-mẹ để lại nhiều tiền-của mà chẳng tiêu-dùng, vẫn siêng-năng chọn nghề sanh-sống trong-sạch và đạo-đức. Khác hẳn với các cậu “công-tử bột” xài-phá gia-tài cha mẹ để lại, chẳng có nghề-ngỗng gì làm ăn cả.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 024:

Ý-nghĩa của bài Kệ bổ-túc ý-nghĩa của Tích-chuyện và dạy ta nên sống trong tỉnh-giác và theo đúng Chánh-pháp. Người như thế biết:

– tỉnh-giác: khi làm hay suy-nghĩ thì biết làm và nghĩ đúng;

– các căn điều-phục: giữ gìn các căn, chẳng chạy theo các thú vui vật-chất, chẳng để cho cảnh-vật bên ngoài cám-dỗ và lôi-cuốn;

– cuộc mưu-sanh đúng theo Chánh-pháp: biết chọn nghề có ích cho mình, gia-đình mình mà chẳng hại đến các chúng-sanh khác;

– việc làm cẩn-trọng, nhiệt-thành: hành-động cẩn-thận, chín-chắn và hăng-hái.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Phải biết chọn nghề đúng với Chánh-mạng: xem lại trang 45.

3.- Giữ sao cho BA NGHIÊP được thanh-tịnh: (1) thân làm việc đàng-hoàng (thân-nghiệp); (2) miệng nói lời chơn-chánh (khẩu-nghiệp); (3) ý suy-nghĩ chơn-thiện (ý-nghiệp). Đó là đường-lối thanh-lọc thân-tâm.

(17).- Tích chuyện Tôn-giả Tiểu-Phan-tha-ca.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tu-viện Trúc-Lâm, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Tôn-giả Tiểu-Phan-tha-ca, vị tỳ-kheo chậm hiểu mà mau quên.

Tiểu Phan-tha-ca cùng với anh là Đại Phan-tha-ca, là cháu nội của một vị giám-đốc ngân-hàng; vị nầy thường dẫn hai cháu đi nghe giảng-pháp. Về sau, Đại Phan-tha-ca gia-nhập Tăng-đoàn, chẳng bao lâu chứng được đạo-quả A-la-hán. Tiểu Phan-tha-ca cũng theo chơn anh, đi xuất-gia, nhưng vì trí thông-minh chậm lụt, học đâu quên đó, một bài kệ bốn câu, thuộc câu chót thì quên mất câu đầu. Đó là vì trong tiền-kiếp, vào thời Đức Phật Ca-diếp, Tiểu Phan đã trêu chọc một vị Tăng-nhơn ngu-tối, cho nên kiếp nầy phải sanh ra chậm hiểu mà mau quên. Anh là Đại Phan rất thất-vọng về Tiểu Phan, lại thường nói Tiểu Phan chẳng xứng-đáng làm tỳ-kheo trong Tăng-đoàn.

Vào độ ấy, có cư-sĩ Di-hoa-ca đến đảnh-lễ Phật và thỉnh Phật cùng chư Tăng về nhà để dâng cúng thực-phẩm. Đức Phật nhận lời. Đại Phan lúc bấy giờ chịu trách-nhiệm sắp xếp để chư Tăng đi thọ-thực. Trong danh-sách, tất cả tăng-chúng đều được mời đi, nhưng Đại Phan lại bỏ tên của Tiểu Phan ra. Khi Tiểu Phan biết được tin ấy, liền sanh ưu-phiền, cho rằng mình chẳng xứng đáng, mới tính trở về nhà, hoàn-tục. Đức Phật đọc rõ ý-định đau-buồn đó của Tiểu Phan, mới đến gọi Tiểu Phan theo Ngài về Hương-phòng. Đức Phật lấy ra một cái khăn trắng, bảo Tiểu Phan ngồi xuống, cầm lấy khăn, mặt hướng về phương Đông, tay chà khăn, miệng đọc hai tiếng: “Lau sạch!” Sau đó, Đức Phật liền lên đường đến nhà cư-sĩ Di-hoa-ca.

Ngồi trong hương-phòng, Tiểu Phan chăm-chú làm theo lời Phật dạy, tay chà khăn, miệng đọc:’‘Lau sạch!”, chẳng hề ngừng-nghỉ. Chẳng bao lâu, cái khăn trắng dính dơ, đổi thành màu ngà-ngà. Miệng vẫn đọc, tay vẫn chà, Tiểu Phạn nhận thấy sự biến-đổi của cái khăn và đồng thời trong tâm quán-tưởng được tánh-cách vô-thường của mọi vật hữu-vi. Bấy giờ, Đức Phật, từ nhà của Di-hoa-ca, đọc được tư-tưởng đó của Tiểu Phan, Ngài liền dùng thần-thông chiếu hào-quang lên và hoá hình ra ngồi trước mặt Tiểu Phan. Ngài bảo Tiểu Phan: “Chẳng phải chỉ có cái khăn bị dính bụi dơ mà thôi đâu; bên trong tâm mọi người có ba chất bẩn là tham, sân, si. Nếu biết “lau sạch” ba chất dơ đó trong tâm, thì tỳ-kheo sẽ đạt được mục-tiêu và chứng-đắc đạo-quả A-la-hán.” Tiểu Phan nghe nhận được lời Phật dạy, tiếp-tục quán-tưởng, và chẳng bao lâu liền chứng-đắc quả-vị A-la-hán, gột rửa được chỗ u-tối trong tâm-trí.

Vào lúc ấy, nơi nhà cư-sĩ Di-hoa-ca đang sửa-soạn dâng thực-phẩm lên Đức Phật và tăng-chúng. Đức Phật liền lấy tay che bát lại, và nói: “Còn thiếu một tỳ-kheo, chưa được mời đến dự.” Cư-sĩ vội sai người chạy đến tu-viện Trúc-lâm; rồi một lát sau, tỳ-kheo Tiểu Phan-tha-ca theo người đầy-tớ của cư-sĩ bước vào nhà. Sau khi thọ-thực xong, Đức Phật mời Tiểu Phan thuyết-pháp. Bấy giờ, Tiểu Phan với lòng đầy tự-tín, nói thao-thao bất-tuyệt, giọng như con sư-tử rống!

Khi trở về tịnh xá, chúng Tăng bày tỏ sự ngạc-nhiên, thấy Tiểu Phan thuyết-pháp rất hay, Đức Phật liền thuật lại việc Tiểu Phan đã tập-luyện với hai tiếng “Lau sạch” một cách tinh-cần, khẩn-thiết, nên đã chứng-đắc quả Thánh. Rồi Đức Phật đọc lên bài Kệ sau đây:

Bằng vào tỉnh-giác và nỗ-lực,
Giới-đức cao, điều-phục các căn;
Xem kià bực trí xây hòn đảo,
Lũ-lụt dầu to khó ngập tràn.
(Kệ số 025).

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

Đại Phan-tha-ca: Mahàpanthaka.

Tiểu Phan-tha-ca: Cùlapanthaka. – Trung-hoa phiên-âm, đọc ra tiếng Hán-Việt là Châu-lợi-bàn-đà-già. (Mahà = lớn, Đại; Cùla = nhỏ, Tiểu)

Di-hoa-ca : Jivaka.

– Hoàn-tục: hoàn = trở về, trở lại; tục = thế-tục. Hoàn-tục là việc người đã xuất-gia đi tu rồi, nay lại bỏ tu, quay về với đời sống thế-tục.

– Hương-phòng: căn phòng riêng, có hương thơm, trong cốc của Đức Phật (cốc = túp lều nhỏ, dành cho người tu-hành tịnh-tu.) Chữ Hương-phòng dịch nghĩa tiếng Pali là Gandhakuti.

– “Lau sạch”: nguyên tiếng Pali là Rajoharanam. Rajo, Raja là bụi dơ, chất bẩn; Harana là làm cho sạch; lau, tẩy cho sạch.

– Màu ngà-ngà: màu trắng đục, vì dính dơ, có lẽ vì buị và mồ-hôi tay của Tiểu Phan.

– Vô-thường: vô = chẳng có; thường = thường-hằng. Vô-thường là tánh-cách của sự biến-đổi theo thời-gian, chẳng giữ nguyên-vẹn được.

– Hữu-vi: hữu = có; vi = làm. Theo nghĩa thường thì hữu-vi là những sự-vật do tạo-tác nên mà thành; và vì do tạo-tác mà thành, nên cùng với thời gian mà bị huỷ-diệt mất; hễ có thành, thì có hoại. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, hữu-vi là những sự-vật bị điều-kiện-hoá, nghĩa là, chịu sự thay đổi tùy theo hoàn-cảnh, tùy theo duyên-cớ. Thí-dụ như cái nhà là vật hữu-vi, do xây cất mà thành, rồi một ngày kia sẽ sụp đổ. Thí-dụ khác, thân-tâm con người là vật hữu-vi, do cha-mẹ sanh ra, sẽ có ngày chết đi.

Trái ngược với Hữu-vi là Vô-vi, tức là những sự-vật chẳng do ai tạo nên mới có, mà luôn luôn thường-hằng, thí-dụ như: Sự-thật, Hư-không.

– Quán-tưởng: suy-nghĩ sâu-xa về một đề-tài duy-nhứt, chẳng xao lãng, chẳng lo-ra.

– Thao-thao bất-tuyệt: thao-thao = nói trôi chảy, rõ-ràng, lưu-loát; bất-tuyệt = chẳng dứt.

– Như sư-tử rống: trong kinh Phật, thường nói về tài thuyết-pháp khiến cho người nghe tin-phục và vâng theo, cũng như con sư-tử rống lên muôn thú nghe đến đều sợ-hãi và tuân-phục.

– Tự-tín: tin ở tài-sức của mình, chẳng nhút-nhát.

– Nỗ-lực: ráng hết sức mình, dẹp bỏ mọi việc khác để làm cho xong được việc đang làm.

– Giới-đức: giới = các điều răn-cấm; đức = đức-hạnh, tánh-tình.

– Xây hòn đảo: ý nói tạo cho mình một nơi nương-tựa vững chắc; cũng như một hòn đảo vươn lên khỏi mặt nước vậy.

– Lũ-lụt: nước dâng tràn cao lên làm ngập tất cả.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1.- Nỗ-lực tinh-cần của Tiểu Phan khi thực-hành lời dạy của Phật: ngồi yên, tay chà khăn, miệng đọc “Lau sạch”, mắt nhìn khăn, tâm chú-ý chẳng lúc nào lo-ra, chẳng lúc nào ngưng-nghỉ. Nỗ-lực tinh-chuyên nầy đưa đến sự định-tâm và nhờ đó mà trí-huệ phát sáng. Cố-giữ thân trong kỷ-luật, đó là giới; chú-ý liên-tục, đó là định. Kết-quả: đắc huệ.

2.- Cách dạy của Phật hết sức thực-tiển và có hiệu-lực phi-thường: đối với người chậm hiểu mau quên, Ngài chỉ dạy có hai tiếng: “Lau sạch” mà thôi, rồi chỉ cách điều-phục thân-tâm: tay thì chà, miệng thì đọc, tai nghe tiếng, mắt nhìn vào khăn, tức là buộc tâm phải chú-ý vào việc học. Thầy như thế, trò như thế, thảo nào chẳng đạt được kết-quả mau chóng.

3.- Từ sự quan-sát cái khăn đổi màu đến sự quán-tưởng tính-cách vô-thường của sự-vật hữu-vi: đó là con đường thanh-lọc thân-tâm. Trong Tích chuyện chẳng thuật rõ sự biến-chuyển ở nội-tâm của Tiểu Phan, nhưng ta có thể phỏng-đoán là nhờ sự định-tâm mà Tiểu Phan đã đi sâu vào quán-tưởng, quét sãch được ba món độc: tham, sân, si mà Phật chỉ dạy phải lau sạch, phải dẹp bỏ.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 025:

Ngoài việc nhắc lại các đức-tánh: tỉnh-giác và nỗ-lực, bài kệ còn nói đến giới-đức và điều-phục các căn. Thường tu Thiền mà chẳng đắc định-tâm được, là vì thường ngày giữ giới lơ-là, các căn buông lung, chạy theo ngoại-cảnh.

Bài kệ ví sự thành-công của người tỉnh-giác như xây cho mình một hòn đảo vững-chắc, khiến cho lũ-lụt của ba món độc chẳng tràn ngập nổi

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài kệ.

2.- Tập chú-ý: thử nhìn vào cây nhang và xem đến bao giờ thì lại nhìn vào chỗ khác; thử hít vào và thở ra, theo dõi hơi thở, coi được mấy hơi thở.

3.- Ngay bây giờ, thử soát lại xem mình còn nhớ được mấy bài Kệ.

(18).- Tích chuyện “Hội-hè tuổi-trẻ vui-nhộn”.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến dịp lễ vui-nhộn của lũ thiếu-niên khờ.

Vào thời đó, ở nước Xá-vệ có tục-lệ của bọn thiếu-niên khờ-dại tổ-chức một tuần-lễ vui-đùa. Trong thời-gian nầy, bọn trẻ ngốc-nghếch ấy lấy tro và phân bò bôi trét lên đầu, mặt, rồi đi rong khắp cả phố-phường, hò-hét om lên. Chúng đến trước cửa nhà người ta, đứng đấy phiền-nhiễu, chờ được cho tiền mới chịu đi khỏi.

Lúc bấy giờ, các thiện-nam, tín nữ đến tu-viện trình với chư Tăng, xin đừng ra đường, và mỗi ngày họ đem thực-phẩm đến dâng-cúng các vị tỳ-kheo. Dân-chúng cũng ngại có việc rắc-rối, nên đóng cửa im-ỉm. Đến ngày thứ tám, hội-hè chấm dứt, các cư-sĩ mới đến mời Đức Phật và chư Tăng lên đường khất-thực như trước.

Khi nghe kể lại cuộc hội-hè của bọn trẻ trong tuần qua, Đức Phật bảo rằng, chỉ những kẻ ngu-khờ, dại-dột mới có thái-độ và hành-động như thế, thật đáng chê-trách. Bấy giờ, Đức Phật đọc hai bài Kệ sau đây:

Người ngốc với kẻ khờ
Sống buông-lung, vật-vờ.
Bực trí giữ tỉnh-giác,
Tợ viên ngọc trong kho.
(Kệ số 026.)

Chớ sống đời phóng-dật,
Chớ say mê dục-lạc.
Hãy thiền-định, tỉnh-giác,
Niềm vui lớn sẽ đạt.
(Kệ số 027.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Hội-hè: dịp vui có đông người tu-tập ồn-ào.

– Vui nhộn: vui nhưng quá ồn-ào.

– Khờ-dại: thiếu thông-minh, ít học.

– Ngốc-nghếch: ngu khờ, thiếu hiểu-biết.

– Phiền-nhiễu: gây bực-bội, khó chịu cho kẻ khác.

– Im-ỉm: im-lìm, chẳng mở hé cửa.

– Vật-vờ: lờ-phờ, lười-biếng, chẳng chút hăng-hái.

– Dục-lạc: dục = ham muốn; lạc = thú vui. Dục-lạc là các thú vui về vật-chất, thấp-kém.

– Niềm vui lớn: ý muốn nói đến niềm vui lâu dài, to lớn của cảnh-giới Niết-bàn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại phong-tục xấu xưa kia ở nước Xá-vệ về bọn trẻ khờ-dại tu-tập đông-đảo trong một tuần, gây ồn-ào và phiền-nhiễu dân-chúng. Đức Phật cho rằng hành-động của chúng là dại-khờ, chẳng biết sống theo tỉnh-giác, để đạt được niềm vui lớn hơn: Niết-Bàn.

(2) Ý-nghĩa của hai Kệ 026 và 027:

1.- Kệ số 026 chê-trách hạng người sống buông-lung và khen các bực biết tỉnh-giác: kẻ buông-lung vật-vờ, sống chẳng có mục-đích; còn người trí, biết giữ sự tỉnh-giác, cao-quí như viên bảo-ngọc trong kho.

2.- Kệ số 027 khuyên ta chớ phóng-dật và hãy chuyên-cần tu-tập thiền-định và tỉnh-giác, để đạt nguồn vui to lớn, lâu dài hơn các thú-vui vật-chất: đó là nguồn vui Vô-thượng Niết-Bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ.

2.- Bớt nghe ca-nhạc, xem phim, xem truyền-hình, đã mất thời-giờ, còn khiến tâm dễ buông-lung, bị các cảnh say-mê, bạo-hành lôi-cuốn. Giới cấm thứ 8 trong Bát-quan-trai-giới là chẳng nghe hát-xướng.

(19).- Tích chuyện Tôn-giả Đại Ca-Diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-cệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Tôn-giả Đại Ca-diếp.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Ca-diếp đang ẩn-cư nơi động Cây Tiêu và để trọn thời-giờ luyện-tập Thiền-định. Tôn-giả quán-tưởng về ánh hào-quang và cố gắng phát-triển thiên-nhãn để chiếu soi pháp-giới và xem chúng-sanh nào tỉnh-giác, chúng-sanh nào phóng-dật, chúng-sanh nào sắp chết cùng chúng-sanh nào sắp tái-sanh.

Lúc bấy giờ, Đức Phật trong cơn nhập-định tại Kỳ-viên-tự, bằng thiên-nhãn, Ngài thấy được đường-lối của Tôn-giả Đại Ca-diếp đang tu-tập. Đức Phật muốn báo cho Tôn-giả biết rằng Tôn-giả đang phí mất thời-giờ để làm công-việc quán-chiếu như trên. Ngài liền phóng hào-quang và hoá hiện ngồi ngay trước mặt Tôn-giả Đại Ca-diếp. Đức Phật bảo: “Nầy Ca-diếp, số chúng-sanh chết đi và tái-sanh lại thật là vô-lượng, ông chẳng thể đếm cho xuể được. Ông chẳng nên lo-lắng về điều ấy, vì đó là phạm-vi trách nhiệm của chư Phật.”

Bấy giờ, Đức Phật liền đọc lên bài Kệ sau đây:

Bực hiền-trí lên lầu cao trí-huệ,
Bằng giác-tâm, dẹp hết tệ buông-lung.
Các ngài dứt khổ trong lòng,
Đoái nhìn đến kẻ trong vòng khổ-đau,
Như bực Thánh trên cao đỉnh núi,
Cúi nhìn xem bên dưới đồng bằng
Còn lắm phàm-phu nhọc-nhằn, dại-dột.
(Kệ số 028.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Tôn-giả Đại Ca-diếp: tên bằng tiếng Pali là Mahàkassapa. Ngài là vị Tổ thứ nhứt của Thiền-tông Ấn-độ. Trong hội Linh-sơn, một hôm Đức Phật cầm một cành hoa đưa lên trước chúng Tăng mà chẳng nói gì cả Tôn-giả Đại Ca-diếp nhìn cành hoa, lặng-lẽ mĩm cười. Đức Phật nói: “Ta nay có Chánh-pháp nhãn-tạng, trao cho Đại Ca-diếp.” Câu chuyện nầy về sau thường được nhắc đến là việc “nhìn hoa mà nhận ra được Phật-tánh.”

Tôn-giả Đại Ca-diếp là vị đại-đệ-tử giỏi nhứt về hạnh đầu-đà ( = tu khổ-hạnh).Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Tôn-giả cầm đầu Tăng-đoàn, và triệu-tập Kỳ Kết-tập Kinh-điển Lần Thứ Nhứt tại thành Vương-xá.

– Ẩn-cư: ẩn = ở riêng một mình nơi xa vắng; cư = ở, cư-trú, ngụ.

– Động Cây Tiêu: động = hang đá; cây Tiêu tên bằng tiếng Pali là Pipphali.

– Hào-quang: ánh-sáng rực-rỡ.

– Thiên-nhãn: thiên = Trời; nhãn = con mắt. Người tu-hành đắc được thiên-nhãn có thể nhìn thấy thật xa, thấy cả những vât bị ngăn che.

– Nhập-định: nhập = vào; định = định-lực. Nhập-định là tâm của người tu thiền đang ở trong tình-trạng vắng-lặng, chẳng bị cảnh-vật bên ngoài lôi-kéo, mà ý bên trong cũng dừng lại, chẳng trì-níu.

– Vô-lượng: vô = chẳng có; lượng = tính, đếm, cân, lường. Vô-lượng có nghĩa lààvô-số, chẳng thể đếm tính được.

– Phạm-vi trách-nhiệm: ý muốn nói đó là thuộc về phần việc riêng của chư Phật.

– Hiền-trí: hiền: lành, tốt; trí = trí-huệ, thông-minh. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, bực Hiền là người chứng-đắc được ba quả-vị đàu-tiên của hành Thanh-văn; bực Trí là người đã chứng-đắc được trí-huệ Bát-nhã Ba-la-mật ( = trí-huệ giác-ngộ và giải-thoát.)

– Trí-huệ: trí thông-minh. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-h sự sáng-suốt ( = Bát-nhã) đưa ta sang bờ giác-ngộ bên kia ( =ba-la-mật).

– Giác-tâm: giác = hiểu-biết thấu-đáo; tâm = lòng. Giác-tâm là tâm giác-ngộ, thấu rõ đường-lối giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử Luân-hồi.

– Tệ: đìều xấu-tệ.

– Đoái nhìn: thương mà nhìn đến.

– Phàm-phu: phàm = thường; phu = người. Phàm-phu là người thường, chưa tu-hành. Trong Phật-học chữ phàm-phu trái với chữ Thánh.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: Tôn-giả Đại Ca-diếp quán-tưởng về sự sanh-tử của chúng-sanh, dùng thiên-nhãn để đếm xem ai phải sanh về đâu, ai sắp chết. Đức Phật biết được tâm-trạng đó của Tôn-giả, mới khuyên Tôn-giả đừng mất thời-giờ làm công việc đó, vì chúng-sanh sanh-tử, tử sanh thật là vô-lượng, đếm sao cho xuể.

Thế thì ta phải chọn đề-tài gì để quán-tưởng? Tích chuyện chẳng thấy nói, nhưng bài Kệ chỉ rõ: dùng giác-tâm để dẹp hết sự phóng-dật và các phiền-não trong lòng.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 028:

Bài Kệ gợi lên hình-ảnh của bực hiền-trí đang bước lên lầu cao trí-huệ, nhìn xuống phiá dưới thấy những kẻ phàm-phu còn dại-khờ mà xót lòng thương, muốn cứu-giúp.

Ngày nay, ta thường gọi những người trí-thức cao là những bực đã đến đỉnh cao trí-huệ. Theo ý-nghĩa trong bài Kệ, bực đỉnh cao trí-huệ đã dẹp hết tất cả phiền-não trong lòng mình, nhìn thấy kẻ còn lận-đận trong vòng đau-khổ, phải thương họ, và dĩ-nhiên, phải giúp họ thoát khổ. Đó là đường-lối tự-giác và giác-tha: mình đã giác-ngộ, dẹp bỏ mọi phiền-não cùng tánh buông-lung (phóng-dật), nay đi chia-xẻ sự giác-ngộ của mình với kẻ khác.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Tập dẹp bỏ tật xấu phóng-dật: Xin đề-nghị vài điểm:

– Sáng sớm 5giờ rưỡi, thức dậy tập thể-thao và ngồi Thiền, muà hè cũng như mùa đông. Đừng viện cớ gì để “nằm nướng” thêm.

– Đừng gát lại ngày mai việc có thể làm ngay ngày nay: chịu khó ngồi lại viết bức thơ trả lời bạn, vì đã nhận được thơ bạn hơn mười bữa rồi. Lười viết thơ cũng là một hình-thức phóng-dật đấy!

(20).- Tích chuyện hai vị Tỳ-kheo bạn đồng-tu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến hai vị tỳ-kheo là bạn đồng-tu, nhưng cách tu-tập lại khác nhau xa.

Vào độ ấy, hai vị tỳ-kheo đó, sau khi được Đức Phật chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài quán-tưởng, liền đi vào rừng sâu, để tỉnh-tu. Một vị tỳ-kheo có tánh phóng-dật, dành phần lớn thời-giờ ngồi sưởi bên đống lửa, tán chuyện gẫu với các vị tỳ-kheo trẻ tuổi khác trong suốt canh đầu của đêm, rồi sau đó nằm lăn ra ngủ. Còn vị tỳ-kheo kia rất tinh-cần, giữ đúng các bổn-phận của một vị tăng-nhơn. Vị ấy đi kinh-hành vào thời canh đầu, canh giữa thì an-nghỉ, đến canh cuối, lại thức dậy, siêng-năng hành-thiền. Nhờ tinh-tấn luyện-tập như thế, nên chẳng bao lâu vị nầy chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

Đến cuối mùa mưa, chấm-dứt thời-kỳ an-cư-kiết-hạ, hai vị tỳ-kheo đều quay về Tịnh-xá Kỳ-viên để đảnh-lễ Phật. Đức Phật hỏi: ” Trong mùa an-cư, các ông đã tu-hành như thế nào?” Vị tỳ-kheo lười-biếng mới bạch Phật: ” Bạch Thế-tôn, anh bạn đồng-tu với con chẳng được siêng-năng cho lắm, thường bỏ phí thời-giờ, nằm lăn ra ngủ.” Nhưng Đức Phật lại gạn hỏi: ‘ ‘Thế, còn ông thì sao?” Vị tỳ-kheo ấy đáp rằng ông ta thường ngồi gần bên lửa sưởi ấm vào canh đầu, rồi ngồi yên suốt cả đêm chẳng ngủ. Tuy nhiên, Đức Phật quán thấy rõ ràng sự thật, nên bảo vị tỳ-kheo lười-biếng rằng: “Chính ông là người lười, phóng-dật, chẳng tu-hành tinh-tấn, lại tìm cách nói xấu bạn ông, vu cho bạn ông là người lười và phóng-dật. Ông cũng như một con ngựa hèn, chậm-lụt, sánh thế nào được với con tuấn-mã, chạy nhanh, là người bạn đồng-tu của ông.”

Rồi Đức Phật mới đọc lên bài Kệ sau đây:

Tinh-cần sống giữa người còn phóng-dật,
Tỉnh-táo bên kẻ ngủ gật triền-miên,
Bỏ sau lưng đám ngựa hèn,
Như con tuấn-mã, bực hiền phi nhanh.
(Kệ số 029.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Đề-tài quán-tưởng: đề-tài = đầu-đề, vấn-đề; quán-tưởng = suy-nghĩ sâu-xa. Đề-tài quán-tưởng là đầu-đề được đem ra suy-nghiệm trong lúc ngồi thiền; như nếu đang quán-tưởng về tấm thân bất-tịnh, thì đầu-đề là thân-thể chứa đầy chất dơ-bẩn bên trong.

– Tỉnh-tu: tỉnh = yên lặng; tu = tu. Tỉnh-tu là tu trong yên-lặng, ở nơi xa vắng, để dễ chuyên-tâm.

– Tán chuyện gẫu: nói chuyện tầm-phào cho vui, chẳng đứng-đắn.

– Canh đầu của đêm: canh = khoảng thời gian vài tiếng đồng-hồ trong một đêm. Ấn-độ chia đêm ra ba canh, canh đầu, canh giữa và canh chót. Việt-nam ta chia đêm ra làm năm canh, mỗi canh hai giờ; nửa đêm vào giờ Tí, là canh ba.

– Kinh-hành: Kinh = kinh-kệ; hành = đi. Đi hinh-hành là đi chậm chậm từng bước một, trong tâm niệm Kinh hay niệm Phật. Còn gọi là thiền-hành.

– Vu: nói phao-vu, gán tội xấu cho kẻ khác.

– Ngựa hèn: ngựa xấu, ngựa dở.

– Tuấn-mã: tuấn = đẹp, mạnh; mã = con gnựa. Tuấn-mã là ngựa hay, giỏi, chạy nhanh. Phi = bay; ở đây có nghĩa là chạy thật nhanh.

– Tinh-cần: siêng-năng, nỗ-lực và bền-chí.

– Triền-miên: chằng-chịt; ở đây, có nghĩa là ngủ lâu và nhiều quá.

– Bực Hiền: các vị tu-hành đã chứng-đắc được một trong ba quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại hai thái-độ tu-hành của hai vị tỳ-kheo đồng-tu: một vị lười-biếng, phóng-dật; một vị tinh-cần, nỗ-lực hành-thiền. Lẽ dĩ nhiên, kẻ lười đã bỏ phí thời-giờ để ngủ-nghỉ, tán gẫu; còn người tinh-cần, tu-hành đúng theo lời Phật dạy, nên sớm chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Đức Phật ví người lười như con ngựa hèn, lẹt đẹt theo sau, còn người siêng-năng như con tuấn-mã chạy nhanh, bỏ lại sau đám ngựa dở.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 029:

Bài kệ số 029 nêu lên hình-ảnh của hai mẩu người: kẻ lười như con ngựa hèn, người siêng như con tuấn-mã. Cùng nhận chung một lời chỉ-dạy của Đức Phật để tỉnh-tu, một người thành-công, còn một người chẳng đắc được gì cả; chỗ khác nhau chính là nỗ-lực của từng người. Bài kệ cho thấy rõ ích-lợi của sự tinh-cần và tai-hại của sự phóng-dật.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Để tự mình sửa đổi lấy mình, xin đề-nghị lập một bảng, chia ra làm hai cột, một cột ghi những việc mình thường ngán chẳng thích làm, và một cột ghi những việc mình thường ham thích làm. So sánh hai cột, tự hỏi tại sao mình ngán ở cột bên nầy, và tại sao mình thích ở cột bên kia. Rồi, thử làm như thế nầy: lấy một việc ngán làm, đem làm ngay; đến khi nhớ và thèm muốn làm việc mình thích, thì dừng lại, tự nói với mình: hãy chờ trong chốc lát, mười phút chẳng hạn. Kế đó, so-sánh hai thái-độ của chính mình, lúc bắt đầu làm cái việc ngán, với thời-gian chờ-đợi để làm cái việc thích.

Nếu thấy mình hăng-hái làm việc mình ngán: tánh lười đã bị khuất-phục.

Nếu thấy mình chẳng nôn-nóng trong khi chờ, chưa làm việc mình thích: sự cám-dỗ bị đánh lui trong một thời-gian; nếu kiên-quyết thêm, thắng luôn sự cám-dỗ. Đó là một cách nhỏ để thanh-lọc tâm.

(21).- Tích chuyện Mã-Hà.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Nóc Nhọn, gần thành Tỳ-da-ly, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Mã-Hà sau tái sanh làm Vua Đế-Thích ở cõi Trời.

Vào độ ấy, có một vị hoàng-tử xứ Ly-xa, tên là Mã-hà-ly, đến nghe Đức Phật giảng kinh Đế-Thích Sở-Vấn. Đức Phật nhắc đến tên của vị Đế-Thích một cách rất nồng-nhiệt, khiến cho hoàng-tử Mã-hà-ly nghĩ trong bụng chắc Đức Phật đã có quen biết nhiều với vị Thiên-chủ đó. Hoàng-tử liền bạch Phật để hỏi cho rõ. Đức Phật đáp: “Ta biết rõ Đế-Thích và Ta cũng biết do đâu mà vị ấy trở thành Thiên-chủ Đế-Thích.” Rồi đó, Đức Phật kể lại sự-tích như sau .

Thuở xưa, tại làng Ma-ca-la, có chàng thanh-niên tên là Mã-Hà. Chàng thanh-niên nầy, cùng với ba mươi hai người bạn cùng tuổi, lo đi đắp đường, xây cầu và cất nhà tạm-trú cho khách bộ-hành. Mã-Hà còn tuân theo đúng bảy điều giới-luật trong suốt đời mình. Bảy điều ấy là: (1) phụng-dưỡng mẹ cha, (2) kính-trọng các bực tôn-trưởng, (3) nói lời dịu-dàng, hoà-nhã, (4) tránh phỉ-báng, vu-khống kẻ khác, (5) chẳng rít-róng mà sẵn lòng bố-thí, (6) luôn luôn nói lên Sự-thật, (7) biết tự kềm-chế chẳng nổi giận.

Chính nhờ những công-đức phước-thiện và đức-hạnh đẹp-đẽ đó trong đời sống ấy, nên Mã-Hà được tái-sanh thành Thiên-chủ Đế-Thích, làm vua ở cõi Trời.

Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên bài Kệ như sau:

Tinh-cần hành thiện gắng tua,
Khiến cho Đế-Thích làm vua cõi Trời.
Tình-giác thời được lời khen ngợi,
Còn buông-lung thì mới bị chê.
(Kệ số 030.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Mã-Hà: tên thật bằng tiếng Pali là Magha.

– Chùa Nóc-Nhọn: tên thật bằng tiếng Pali là Kùtàgàra (Kùtà = nhô lên cao; agàra = nơi cư-trú).

– Tỳ-da-ly: thành-phố Vesali; phiên-âm đọc theo chữ Hán-Việt.

– Kinh Đế-Thích Sở-Vấn: Đế-Thích = Vua ở cõi Trời, tiếng Pali gọi là Sakka; sở = chỗ; vấn = hỏi. Trong bản Kinh nầy, vua Trời Đế-Thích thưa hỏi Đức Phật, tại sao có thù-hận giữa các chúng-sanh. Bản Kinh tên là Sakkapanha Suttanta, thuộc về Trường-Bộ-Kinh (Digha Nikaya).

– Mã-hà-ly: tên thật bằng tiếng Pali là Mahàli.

– Xứ Ly-xa: tên thật của xứ nầy bằng tiếng Pali là Licchavi.

– Nồng-nhiệt: nồng = nhiệt = nóng, ấm; ở đây, lời rất khen-ngợi.

– Thiên-chủ: thiên = Trời; chủ = vua, chúa. Vua cõi Trời.

– Đế-Thích: tên vị Thiên-chủ. Vị nầy còn có tên là Kiều-thi-ca.

– Vu-khống: đặt chuyện nói xấu người khác.

– Gắng tua: cố gắng, nỗ-lực.

– Buông-lung: thả lỏng, chạy theo thú vui, chẳng biết tự kềm-chế. Đồng-nghĩa với Phóng-dật. Trái nghĩa với Tinh-cần, Tinh-tấn, Siêng-năng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại vì sao Mã-hà được sanh lên làm Vua Đế-Thích ở cõi Trời; chính nhờ vào hai việc, (1) siêng năng làm việc thiện, (2) tuân giữ bảy điều giới-luật. Làm Vua ở cõi Trời thì sung-sướng lắm, nhưng ngay tại cõi thế-gian nầy, nếu ta bắt chước theo Mã-Hà, ta cũng được sung-sướng trong lòng.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 030:

Bài Kệ nhắc lại Tích chuyện dưới hình-thức văn vần cho dễ nhớ. Chỗ Phật khuyên ta nên theo là làm việc lành và giữ giới-luật.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Tiếp-theo việc đề-nghị ở phần Học-Tập, xin đề-nghi thêm vài việc nhỏ có tầm quan-trọng lớn:

– đừng vứt rác ngoài đường: khi thấy đứa cháu ăn kẹo vứt giấy xuống, mình cúi xuống lượm, cất vào túi. Nó có hỏi, thì bảo để đem bỏ vào thùng rác. Tập cho trẻ có tánh tốt nầy rất quí.

– Đi đường, thấy có miểng chai, cúi xuống lượm bỏ vào thùng rác.

(22).- Tích chuyện một vị Tỳ-kheo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị Tỳ-kheo nhờ quán-sát ngọn lửa bùng cháy mà chứng được Đạo-tuệ.

Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo, sau khi được Phật chỉ-dạy cho một đề-tài quán-tưởng, liền rút vào rừng sâu, để hành-thiền. Mặc dầu vị ấy đã nỗ-lực chuyên-cần trong một thời-gian khá lâu, nhưng chẳng đạt được kết-quả mong-muốn. Vị ấy cảm thấy buồn lòng và chán-nản, nên mới quay trở về Kỳ-viên-tự để xin Đức Phật chỉ-dạy thêm. Trên đường về, vị ấy chợt thấy một làn khói xanh mù-mịt bốc cao lên, liền vội leo lên đỉnh núi để nhìn. Trông thấy ngọn lửa từ-từ bốc lên và lan rộng ra, vị tỳ-kheo bỗng nảy ra trong tâm ý-tưởng nầy: cũng giống như ngọn lửa kia đang thiêu-đốt hết tất cả, Đạo-tuệ sẽ tiêu-diệt mọi kết-sử, cả lớn lẫn nhỏ.”

Lúc bấy giờ, tại nơi Hương-phòng ở Kỳ-viên-tự, Đức Phật đang thiền-quán, nhơn đọc được tư-tưởng của vị Tỳ-kheo đang suy-nghiệm, Ngài liền phóng hào-quang, hiện hình đứng trước mặt vị Tỳ-kheo và nói rằng: “Này Tỳ-kheo, tư-tưởng của ông đang đi đúng đường, hãy tinh-tấn tiến theo hướng đó. Tất cả chúng-sanh phải dùng Đạo-tuệ mà đốt cháy hết các kết-sử, lớn hoặc nhỏ, cũng như ngọn lửa rừng đang đốt cháy hết các lùm cây.”

Rồi, Đức Phật liền nói lên bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo nào sợ nguy phóng-dật,
Lại an-vui, tỉnh-giác trong lòng,
Tiến nhanh như ngọn lửa hồng
Đốt thiêu kết-sử, xích-xiềng nhỏ, to.
(Kệ số 031.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Đạo-tuệ: đạo = con đường; tuệ = trí sáng-suốt nhìn thấy được ý-nghĩa sự-vật. Nói các vắn-tắt, đạo-tuệ khiến tâm ta nhìn thấy được đúng con đường tu-hành, cần làm gì, cần tránh gì, sẽ chứng-đắc được gì. Trong thiền-tông gọi đó là sơ-giác-ngộ, sự giác-ngộ ở bước đầu.

– Quán-sát: quán = nhìn vào bên trong; sát = xem xét kỹ-lưỡng. Quán-sát khác với quan-sát ở chỗ khi quán-sát, ta quay vào trong tâm mà nhìn sự biến-chuyển của tâm, còn quan-sát, thông-thường thì nhìn cảnh-vật bên ngoài.

– Xiềng-xích: sợi dây sắt trói tay, buộc chơn.

– Kết-sử: kết = kết chặt lại, ràng-buộc lại; sử = sai-khiến. Kết-sử là những tình-cảm, tư-tưởng có tánh-cách ràng-buộc và thúc-dục ta phải hành-động một cách sai-lầm. Còn được dịch là thúc-thằng, theo tiếng Pali là Sanyojana (thúc = ràng-buộc; thằng = sợi dây trói.)

Theo giáo-lý Bắc-tông, có tất cả mười kết-sử, chia ra:

– ngũ độn-sử: năm mối ràng-buộc và sai-khiến, cấp thấp, như (1) thân-kiến (chấp thân thường còn; tiếng Pali là sakkàyaditthi), (2) nghi (hồ-nghi, chẳng tin Chánh-pháp, tiếng Pali là vicikiccha), (3) giới-cấm-thủ (tin vào giới-cấm mê-tín như cúng-tế các tà-thần, tiếng pa-li là silabha taparàmàsa) (4) tham (tiếng Pali là kàmaràga và (5) sân (giận-hờn, tiếng Pali là patigha). – Tu đến bực A-na-hàm thì dứt được hết năm kết-sử nầy.

– ngũ lợi-sử: năm món ràng-buộc và sai khiến, cấp cao, như (1)sắc-ái-kết (tiếng Pali là Rùparàga, luyến-ái cảnh Sắc-giới), (2) vô-sắc-ái (tiếng Pali là Arùparàga, luyến-ái cảnh Vô-sắc-giới), (3) mạn (tiếng Pali là mano, sự kiêu-căng, khi người), (4)trạo (tiếng Pali là Uddachcha, sự giao-động, bối-rối), (5) vô-minh (tiếng Pali là Avijja, sự si-mê, ngu-tối.) – Tu đến bực A-la-hán dứt nốt năm kết-sử nầy, được hoàn-toàn giải-thoát.

Theo giáo-lý Nam-tông, cũng có mười thúc-thằng (Sanyojana), y như trong giáo-lý Bắc-tông, chia ra:

– ba thúc-thằng đầu-tiên khi diệt được, sẽ chứng quả Tu-đà-huờn;

– hai thúc-thằng kế-tiếp khi diệt được sẽ chứng quả Tư-đà-hàm;

– cả năm thúc-thằng đầu-tiên (tương-đương với ngũ độn-sử ) khi diệt xong hết, sẽ chứng quả A-na-hàm;

– bực A-la-hán diệt nốt năm thúc-thằng chót (tương-đương với ngũ lợi-sử).

Nhớ đủ 10 món thì khó, chỉ cần nhớ ba món chánh: tham, sân, si.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ, thuật lại việc một tỳ-kheo vào rừng hành-thiền, có điểm còn thắc-mắc, quay về thưa hỏi Phật. Dọc đường, thấy một ngọn lửa rừng đang đốt cháy các lùm cây, bỗng nghĩ đến, nơi tâm ta, các kết-sử đang nung-nấu, thúc-đẩy ta vào con đường tà. Nếu ta biết và chứng Đạo-tuệ, thấy rõ con đường tu-hành chơn-chánh, thì với trí-huệ đó, ta sẽ dẹp tan được các kết-sử ràng-buộc kia, cũng như ngọn lửa rừng đang thiêu đốt hết các lùm cây.

Vấn-đề đặt ra cho ta là làm sao chứng được Đạo-tuệ. Đường-lối để tiến đến đó là tiếp-tục quán-tưởng, nghĩa là quay vào bên trong tâm, nhận rõ các biến-chuyển của tâm để điều-phục, để chấn-chỉnh lại theo đúng Chánh-pháp. Đó là đại-ý của lời khuyên của Phật đã dạy vị Tỳ-kheo.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 031:

Khi mình ham quá mà kịp biết mình đang tham, khi mình nổi nóng mà kịp biết mình đang giận, đó là tâm mình đang tỉnh-giác . Tâm ấy đang biết rõ sự tham, sự giận là quấy, chẳng để cho tham lôi-cuốn, chẳng để cho giận trì-kéo, đó là chận được tham, khắc-phục được giận. Do đó, nhờ sự tỉnh-giác mà tâm tạm thời phá tan được hai kết-sử tham và sân.

Nếu biết giữ tâm luôn luôn tỉnh-giác, trong lòng sẽ an-vui, nhờ đó mà tiến nhanh trên con đường đạo-hạnh. Trái lại, nếu tâm buông-lung, thì nguy-cơ của sự phóng-dật sẽ khiến cho các kết-sử nổi lên ràng-buộc, lôi-kéo, thúc-đẩy ta vào đường tà.

Biết siêng canh-chừng tâm, hằng tỉnh-giác, đó là ý-nghĩa của bài Kệ mà hai câu chót nói đến ích-lợi lớn-lao của việc diệt tan các kết-sử.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài kệ.

2.- Ôn lại cách chận cơn giận nổi lên, được bàn ở trang 15 và 16.

3.- Giới-cấm-thủ là một kết-sử thường thấy ở kẻ mê-tín: mất dao, đem nải chuối cúng Ông Địa nhờ chỉ giùm! Chớ cúng, ráng đi kiếm lấy còn hơn. Ông Địa nào, ở đâu, lại đi ăn hối-lộ như thế!

(23).- Tích chuyện Trưởng-lão Ni-ga-ma.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng-lão Ni-ga-ma là một tỳ-kheo rất biết đủ.

Tỳ-kheo Ni-ga-ma sanh trưởng tại một thành-phố nhỏ thuộc nước Xá-vệ. Khi gia-nhập Tăng-đoàn, tỳ-kheo Ni-ga-ma sống một cuộc đời hết sức giản-dị, luôn luôn biết đủ, chẳng có những ham-muốn đòi hỏi nhiều như người đời. Hằng ngày, đi khất-thực, ông thường quay về làng cũ, nơi đây thân-nhơn của ông đã chờ sẵn để cúng-dường vật-thực. Ông chẳng hề tham-dự các cuộc đại-bố-thí do Trưởng-giả Cấp-cô-độc hay Vua Ba-tư-nặc tổ-chức.

Lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ-kheo khác bàn-tán về thái-độ của Trưởng-lão Ni-ga-ma. Họ cho rằng Trưởng-lão còn giữ sự lưu-luyến đến các thân-nhơn, chưa cắt đứt được sự luyến-ái. Khi sự-việc trình lên Đức Phật, Ngài liền cho gọi Trưởng-lão Ni-ga-ma đến hầu. Đức Phật hỏi duyên-cớ vì sao Trưởng-lão cứ khất-thực ở các nhà thân-nhơn cũ. Trưởng-lão cung-kính bạch rằng, quả thật, Trưởng-lão có quay về làng cũ để khất-thực nơi nhà thân-nhơn; nhưng khi được đủ số cần-dùng thì thôi chẳng đi đến các nhà khác nữa. Và Trưởng-lão cũng chẳng màng được thức ngon hay vật dở, khi thọ-thực. Bấy giờ, Đức Phật thay vì khiển-trách, lại hết lời khen ngợi thái-độ và đức-hạnh của Trưởng-lão Ni-ga-ma. Hướng về các vị tỳ-kheo khác, Đức Phật khuyên nên noi gương biết đủ của Trưởng-lão Ni-ga-ma, hãy bằng lòng với những gì mình có, đừng quá đòi hỏi, đừng ham muốn nhiều, hãy sống đúng theo các nguyên-tắc mà các Đức Phật và các bực Thánh đã đặt ra. Rồi đó, Đức Phật mới kể một câu chuyện về tiền-kiếp của Ngài như sau đây.

Vào một thời xa xưa, có một con Két chúa sống trong một khu vườn cây sung, bên bờ sông Hằng, cùng với một đàn két đông-đảo. Khi ăn hết tất cả các trái sung chín, đàn két liền bay đi nơi khác tìm thức ăn, chỉ còn két-chúa ở lại mà thôi, vì két chúa sống rất đơn-giản, chẳng màng là trái chín, trái sống, hay nếu chẳng có trái thì cũng còn lá, còn cành, còn rễ, vẫn đủ để no dạ. Bấy giờ vị Thiên-chủ Sắc-ca muốn thử lòng của Két chúa, mới dùng thần-thông làm cho cây sung bị héo-tàn. Rồi vị Thiên-chủ cùng Hoàng-hậu biến hình thành một cặp ngỗng, đi đến bên cây sung khô-héo, hỏi Két chúa tại sao lai còn ở mãi tại đây, chẳng bay đi nơi khác mà tìm hoa trái. Két chúa đáp: “Bởi vì tôi cảm thấy mình chẳng biết ơn cây sung nầy, nếu tôi bay đi chỗ khác. Tôi cứ ở mãi nơi đây khi mà tôi còn tìm thấy chút ít đủ để nuôi mình sống. Tôi sẽ là kẻ bạc ơn nếu tôi bỏ đi khi thấy cây đã héo.”

Thiên-chủ rất cảm-động trước lời đáp chơn-thành của Két chúa, liền hiện-hình lên và múc nước sông Hằng tưới lên cây. Cây trở nên xanh-tươi, trái oằn cả nhánh.

Kết thúc câu chuyện, Đức Phật nói rằng, bực hiền-trí, dầu là súc-sanh đi nữa, luôn luôn biết đủ, rất bằng lòng với những gì mình đang có. Và Đức Phật cho biết thêm, Két chúa là tiền-thân của Đức Phật; còn Thiên-chủ Sắc-ca là tiền-thân của Tôn-giả A-nâu-lâu-đà.

Bấy giờ, Đức Phật mới đọc bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo nào sợ nguy phóng-dật,
Lại an-vui, tỉnh-giác trong lòng,
Chẳng hề thối-đoạ long-đong,
Niết-bàn ngưỡng cửa đã trông gần kề.
(Kệ số 032.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Ni-ga-ma: tên thật bằng tiếng Pali là Nigamavàsitissa.

– Ba-tư-nặc: tên thật bbằng tiếng Pali là Pasenadi, vua nước Câu-tát-la (Kosala) rất tôn sùng Đạo Phật, thường đến thưa hỏi với Đức Phật.

– Sắc-ca: tên bằng tiếng Pali là Sakka, Vua Đế-Thích ở cõi Trời.

– A-nâu-lâu-đà: đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca, tên thật bằng tiếng Pali là Anurudha.

-Biết đủ: dịch chữ Hán-Việt là tri-túc. Người biết đủ chẳng hề có lòng tham, vui lòng sống với những gì mình có, rất ít nhu-cầu, ít đòi hỏi.

– Đại-bố-thí: đại = lớn; bố = cùng khắp, chẳng sót; thí = cho, tặng. Đại-bố-thí là cuộc hội-lễ lớn do một người giàu-có tổ-chức, đem tiền-của, vật-thực ra hiến-tặng tất cả mọi người đến xin, kéo dài trong nhiều ngày.

– Lưu-luyến; Luyến-ái: tình-cảm quyến-luyến, rời ra chẳng dứt, tríu mến; (lưu = giữ; luyến = đeo-đuổi theo; ái = thương-mến).

– Chẳng màng: chẳng quá chú-trọng đến; xem thường.

– Thọ-thực: thọ = nhận; thực = ăn. Thọ-thực là tiếng nhà chùa để nói việc ăn uống của các người tu-hành.

– Khiển-trách: quở trách, chê, phạt.

– Bạc ơn: phụ lòng người đã giúp mình, vô-ơn, chẳng biết ơn.

– Oằn: nặng trĩu; nói về trái cây nhiều quá làm cong cả cành cây.

– Tiền-thân: tiền = trước; thân = thân hình. Tiền-thân là thân vào đời trước.

– Thối-đoạ: thối = thoái, đi lùi trở lại chỗ xấu; đoạ = rơi xuống thấp. Thối-đoạ, thoái-đoạ, là nói về người tu-hành lùi trở lại chỗ xấu, thấp; tức là sự tu-hành bị kém-cõi đi, chẳng có tiến-bộ.

– Long-đong: lo-lắng, khổ-sở, bơ-vơ.

– Niết-bàn ngưỡng cửa: Ngưỡng cửa Niết-Bàn; ý muốn nói sắp đến thời sẽ được giác-ngộ và giải-thoát, sẽ được sống trong cảnh an-nhiên, tự-tại, thường vui.

– Gần kề: kế bên, sắp tới nơi rồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại hai việc: (1) cuộc sống biết đủ của Trưởng-lão Ni-ga-ma, (2) tiền-thân của Đức Phật dưới thân-hình con chim Két chúa. Cả hai chuyện đều đề-cao thái-độ tri-túc trong cuộc sống, biết bằng lòng với những gì mình có, chẳng tham-cầu, chẳng đòi-hỏi, biết tiết-chế trong việc uống ăn. Người biết đủ về phương-diện vật-chất, lại thêm tinh-cần, tỉnh-giác trong lòng, thì sớm chứng được Niết-Bàn vô-thượng.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 032:

Cũng như bài Kệ số 031, bài Kệ nầy nhấn mạnh đến nỗ-lực tinh-cần tu Thiền-định, sao cho trong lòng luôn tỉnh-giác. Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, biết hạn-chế các nhu-cầu, sẽ giúp ta tinh-tấn tu-hành, chóng chứng được cảnh an-lạc của Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài kệ.

2.- Học-tập về đức-tánh “biết đủ” của Trưởng-lão Ni-ga-ma: xin đề-nghị vài việc như sau:

– ăn cơm thiếu ớt thì cảm thấy mất ngon, nhưng ớt chẳng phải là món cần-thiết để nuôi sống mình. Thiếu ớt, thì có tiêu, gừng, v.v. nhưng trong giới ăn chay phải cử năm món cay-nồng (thường gọi là ngũ vị tân: hành, hẹ, tỏi, riềng và nén, vì các chất nầy dễ khiến người sanh ra nóng tánh và hay khởi lòng dục.)

– mặc đúng thời-trang chẳng phải là điều đáng trách, nhưng quá chú-trọng đến cách phục-sức là điều cần tránh. Chẳng nên quá cầu-kỳ trong sự chưng-diện; sạch-sẽ, tươm-tất mới là điều cần-thiết đánh giá bề ngoài của con người. Tránh các màu-sắc quá loè-loẹt; giầy cao-su cũng tốt, cần chi đến áo lông cừu, da hải cẩu, vừa tiết-kiệm được tiền-bạc, vừa giữ được giới sát-sanh.

– giải-trí cần sự thanh-tịnh để tỉnh-dưỡng tinh-thần; các buổi nhạc-hội quá ồn-ào, các màn trình-diễn quá dâm-ô, chẳng những trái với đạo-lý, đã tốn tiền, tinh-thần bị đầu-độc thêm ra. Đọc sách, đi bộ tiêu-khiển, đi xe đạp, thăm viếng các cảnh chùa-chiền hay thánh-đường, du-ngoạn nơi thanh-vắng, thường làm cho tinh-thần bớt căng-thẳng.

3.- Học-tập về sự chẳng luyến-ái: luyến-ái là tình-cảm cần tránh, vì tuy bắt nguồn từ tình thương, nhưng luyến-ái khiến ta đắm-mê, bám chặt vào đối-tượng. Luyến-ái chính là một phần của sự tham-ái ( = tanha), tức là lòng mong-muốn, tham-cầu, gom về mình, rồi bám vào sự sống với các thú-vui; do đó mà bị ràng-buộc vào cảnh sanh-tử của Luân-hồi khổ-đau triền-miên. Trong Bốn Chơn-Lý Nhiệm-Mầu, khi nói đến nguyên-nhơn gây ra khổ-đau, Đức Phật đã chỉ rõ chính vì sự tham-ái mà chúng-sanh phải trôi lăn trong cảnh khổ-đau chết đi sống lại mãi mãi.

Vậy, xin tạm đề-nghị vài ba việc thường-thường: (1) bớt “cưng” con; (2) bớt “cưng” xe; và … (3) bớt hút thuốc, nhai kẹo!

-ooOoo-

III.- Phẩm Tâm.

(24).- Tích chuyện Trưởng-lão Mễ-ghi-Dạ.

Vào một thời kia, Đức Phật trú tại núi Ca-la-ca, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Mễ-ghi-Dạ và cách điều-phục tâm.

Thuở ấy, Trưởng-lão Mễ-ghi-Dạ làm thị-giả hầu-cận bên Đức Phật. Sáng hôm ấy, trong khi đi khất-thực, trưởng-lão nhận thấy có một khu vườn xoài rất xinh-xắn và thanh-nhã, liền khởi lên ý-nghĩ muốn được đến đấy để toạ-thiền. Về đến tịnh-xá, Trưởng-lão bèn thưa với Phật, xin phép được đến hành-thiền tại vườn xoài. Bấy giờ, các tỳ-kheo còn đi vắng, nhưng thấy trưởng-lão muốn đi quá, nên Đức Phật đồng-ý cho đi.

Trưởng-lão ra đi, đến vườn xoài, ngồi bên gốc cây to và bắt đầu hành-thiền. Nhưng cả ngày hôm ấy, tâm của trưởng-lão cứ lang-thang chạy đi đó đây và trưởng-lão cảm thấy chẳng có chút tiến-bộ nào về định-tâm. Chiều về, trưởng-lão vào trình Phật, thưa với Đức Phật rằng, suốt thời-gian ngồi thiền, tâm của trưởng-lão bị các tư-tưởng tham-dục, sân-hận và bạo-hành xâm-lấn, khiến trưởng-lão chẳng định-tâm được.

Đức Phật mới dạy rằng, tâm rất dễ bị kích-thích, hay thay-đổi, biến-chuyển rất nhanh-chóng; vì thế, ta phải biết cách điều-phục tâm. Rồi Đức Phật nói lên hai bài kệ sau đây:

Tâm giao-động, tâm hay cảm-nhiễm;
Khó giữ tâm, khó kiểm-soát tâm.
Như thợ khéo vót tên thẳng-tắp,
Bực hiền-lương khéo tập trực-tâm.
(Kệ số 033.)
Như con cá bắt lià khỏi nước,
Thoi-thóp nằm sóng-sượt bên đàng,
Tâm kia rung-động bàng-hoàng,
Khi lià cảnh-giới giác-quan bên ngoài;
Cám-dỗ ác-ma thoát được ngay!
(Kệ số 034.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Mễ-ghi-Dạ: tên thật bằng tiếng Pali là Meghiya.

— Thị-giả: thị = hầu-cận; phục-thị; ở bên cạnh để nghe lịnh sai-khiến; giả = người. Vị thị-giả nổi-tiếng của Phật Thích-ca là Ngài A-nan.

– Thanh-nhã: thanh = thanh-tú, đẹp-đẽ; nhã = văn-nhã, u-nhã; đẹp mà dịu-hiền.

– Toạ-thiền: toạ = ngồi; thiền = tâm lắng-yên, vắng-vẻ. Thiền, tiếng Phạn đủ chữ là thiền-na (Dhyana). Trước, dịch là suy-tư; sau, dịch là tĩnh-lự, suy-nghĩ trong yên-lặng. Thiền là đường-lối tu-hành khiến cho tâm được an-tịnh.

– Định-tâm: định = dừng lại, đứng yên, chẳng thay đổi; tâm = lòng

– Bạo-hành: bạo = hung-bạo, dữ-tợn; hành = hành-động.

– Kích-thích: nghĩa gốc là lấy gươm đâm vào; nghĩa rộng và thông-thường là dễ bị ảnh-hưởng, dễ bị làm cảm-động, hay thay đổi.

– Điều-phục: điều = điều-khiển, sai khiến; phục = hàng-phục, bắt phải tuân theo. Điều-phục Tâm là buộc Tâm phải ở yên, chẳng được chạy lung-tung, giữ cho có định-tâm, có sự chú-tâm, sự chú-ý.

– Giao-động: động-đậy mãi, chẳng ở yên, hay lo-lắng, bối-rối.

– Cảm-nhiễm: cảm =cảm-động; nhiễm = dính theo, lây.

– Vót tên: chuốt mũi tên cho trơn láng, sắc-bén.

– Hiền-lương: người hiền và tốt. Ở đây có nghĩa là hiền-trí, người có trí-huệ làm điều phải, điều lành.

– Trực-tâm: trực = thẳng. Trực-tâm là tâm ngay-thẳng, chẳng cong-queo, chẳng dấu-diếm, chẳng giả-dối.

– Thoi-thóp: thở hơi yếu-ớt, sắp chết đến nơi.

– Nằm sóng-sượt: nằm chẳng cựa quậy, như sắp chết.

-Bàng-hoàng: lo-lắng, khắc-khoải.

– Cảnh-giới: môi-trường, nơi sanh-sống, chỗ đang ở.

– Giác-quan: giác = biết; quan = cơ-quan, bộ-phận. Ta có năm giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và da.

– Cám-dỗ: dụ-dỗ.

– Ác-ma: ác = xấu-ác; ma = kẻ vô-hình dụ-dỗ, gạt-gẫm, hại người.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tich chuyện thuật lại việc Trưởng-lão Mễ-ghi-Dạ ngồi Thiền mà chẳng đác định-tâm và được Đức Phật chỉ dạy cách điều-phục Tâm.

Lời chỉ dạy của Đức Phật nằm gọn trong hai bài Kệ.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 033 và 034:

1.- Bài Kệ số 033: Đức Phật dạy, Tâm rất khó giữ, rất khó kiểm-soát. Tại sao? Vì tâm (1) hay giao-động, (2) dễ cảm-nhiễm. Cũng như người thợ làm tên khéo vót mũi tên cho thật thẳng, thật bén, người hiền-trí khéo tập cho Tâm thật ngay-thẳng, gọi là trực-tâm. Nói cách khác, việc tu-hành quan-trọng là biết điều-phục tâm, biết kiểm-soát tâm, biết làm chủ lấy tâm. Bằng cách nào? Phật chỉ cách đó trong bài Kệ sau.

2.- Bài Kệ số 034: Đức Phật chỉ cách hàng-phục tâm, nghĩa là cách làm chủ lấy tâm mình, điều-khiển, chấn-chỉnh, sửa đổi tâm cho ngay-thẳng, để được trực tâm. Phật đưa ra thí-dụ: con cá bị bắt ra khỏi nước, hết vùng-vẫy được, nằm sóng-sượt đó, tùy ý người bắt, muốn làm sao thì làm. Cùng thế ấy, nếu biết lìa cảnh-giới của các giác-quan, tức là chẳng chạy theo cảnh-vật bên ngoài (như mắt chớ nhìn, tai chớ nghe, mũi chớ ngữi, trong khi ngồi thiền), thì tâm phải dừng lại, đứng yên, quay vào bên trong: đó là cách cột con vượn Tâm lại, chẳng cho nó chuyền cành nữa. Lại còn một ích-lợi to-lớn nữa là tránh cho tâm khỏi bị cảm-nhiễm, khỏi bị lôi-kéo, khỏi bị cám-dỗ. Ai cám-dỗ tâm? Bài kệ nói là ác-ma cám-dỗ. Đó là một cách nói, vậy thôi; chớ thật ra, vì mắt có nhìn, thì tâm mới bị lôi-kéo; tai có nghe, thì tâm mới bị trì-níu. Có ma hay không chẳng cần biết, chỉ cần biết: (1) mắt nhìn mà chẳng thấy; (2) tai nghe tiếng mà chẳng để tâm vào, thì chắc-chắn tâm thoát được cám-dỗ ngay, để được lắng yên.

Ý-nghĩa quan-trọng của hai bài Kệ: muốn hàng-phục Tâm, trước hết phải biết giữ-gìn các giác-quan, trong khi toạ-Thiền.

HỌC TẬP:

– Học thuộc lòng ngay hai bài Kệ và thử tập chế-phục các giác-quan như được nói trong Phần Ý-Nghĩa của hai bài Kệ. Trong bài tới, sẽ xin đề-nghị vài cách nho-nhỏ, dễ làm, để hàng-phục tâm.

(25).- Tích chuyện bà tín-nữ Mã-thị-Kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị Tỳ-kheo tu Thiền, nhờ sự hỗ-trợ của một tín-nữ là bà Mã-thị-Kha mà chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

Thuở ấy, có sáu mươi vị tỳ-kheo, sau khi nhận được đề-tài quán-tưởng của Đức Phật chỉ-dạy, liền đến ngôi làng dưới chơn núi mà hành-thiền, trong suốt mùa mưa. Thân-mẫu của vị chủ làng là bà Mã-thị-Kha hằng ngày dưng cúng thực-phẩm lên các vị tỳ-kheo. Bà cho xây cất tịnh-xá để các vị tu-hành có nơi trú mưa ẩn gió, khiến các vị có thể qua được mùa mưa trong tiện-nghi. Một hôm, bà Mã đến thưa hỏi một nhóm tỳ-kheo về đường-lối tu-tập. Họ chỉ-dạy bà cách quán-tưởng ba mươi hai chỗ dở-bẩn trong thân-thể con người; đó là phép quán thân bất-tịnh, dẫn đến sự thông-hiểu thấu-đáo về cảnh già-lão suy-yếu và huỷ-diệt của tấm thân. Bà Mã theo đó mà thực-hành thật tinh-cần, và chẳng bao lâu bà chứng-đắc được Đạo và Quả của ba ngôi-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn, ngay trước cả một số vị tỳ-kheo khác còn đang tu-tập.

Với đạo-lực đã chứng-đắc, bà Mã mở được thiên-nhãn nhìn thấy tâm-trạng của các vị tỳ-kheo còn chưa chứng-đắc. Bà nhận thấy rằng, nếu được nuôi-dưỡng bằng các thực-phẩm thanh-khiết và bổ-dưỡng, các vị tỳ-kheo tinh-tấn hành-thiền sẽ chóng chứng được đạo-quả. Bà Mã liền chọn và chuẩn-bị thức ăn rất tốt đem dưng-cứng, khiến cho phần lớn các vị siêng-năng hành-thiền nhờ đó mà sớm đắc được đạo-quả A-la-hán.

Đến cuối mùa an-cư, các vị tỳ-kheo quay trở về Kỳ-viên-tự, thưa trình lên Đức Phật, nhờ sự hỗ-trợ đắc-lực của bà Mã-thị-Kha mà tất cả tỳ-kheo an-cư được đầy-đủ sức-khoẻ, thoải-mái, chẳng phải lo-lắng chi đến thực-phẩm, nhờ đó mà nỗ-lực dễ-dàng để tiến tu. Các vị tỳ-kheo còn trình rằng, bà Mã còn có khả-năng biết được tư-tưởng của họ, nên bà đã hiến-tặng đúng các món ăn mà mỗi người riêng mong muốn có được.

Bấy giờ có một vị tỳ-kheo nghe các vị khác khen-ngợi bà Mã, mới thỉnh-cầu Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài quán-tưởng và đến tịnh-xá ở làng của bà Mã mà hành-thiền. Tại đây, vị ấy được bà Mã cung-cấp cho đầy-đủ thực-phẩm và các tiện-nghi khác. Khi vị ấy có ý muốn gặp bà Mã, bà liền đi đến, mang theo đúng các món ăn mà vị ấy mong muốn. Sau khi thọ-thực xong, vị tỳ-kheo mới hỏi bà Mã, có đúng chăng bà đọc được tư-tưởng của người khác. Bà Mã lẫn tránh câu trả lời trực-tiếp, bảo rằng, các bực đã chứng được tha-tâm-thông thì hành-động như thế nầy, thế nọ. Vị tỳ-kheo liền ngẫm-nghĩ: “Nếu mình còn giữ những tư-tưởng chẳng tinh-khiết của phàm-phu, thế nào bà Mã cũng nhận thấy được.” Rồi, vị ấy khởi tâm lo-sợ xấu-hổ với vị tín-nữ, mới bỏ quay về Kỳ-viên-tự, để thưa trình lại với Đức Phật. Nghe vị tỳ-kheo ấy bạch sự lo-lắng ấy, Đức Phật bảo ông cứ trở lại làng của bà Mã mà hành-thiền, chỉ cần thực-hành cho thật đúng mỗi một việc nầy: kiểm-soát kỹ-lưỡng tất cả tư-tưởng mình trong lúc hành thiền. Vị tỳ-kheo vâng lời trở lại tịnh-xá trong làng, ông tiếp-tục được bà Mã cung-cấp thực-phẩm ngon như trước. Nhờ chẳng còn lo-lắng như trước nữa, vị tỳ-kheo tinh-cần tu-tập, chẳng bao lâu chứng được đạo-quả A-la-hán.

Khi nhắc đến vị tỳ-kheo nói trên, nhờ sự hỗ-trợ của bà Mã về thực-phẩm, trong thời-gian tu thiền, Đức Phật có đọc lên bài Kệ sau đây:

Tâm rất khó cho ta nắm giữ,
Nhẹ-nhàng, nhanh-nhẹn, nó bay cao;
Rồi đáp xuống chỗ nào nó thích.
Hàng-phục được tâm là tuyệt-đích,
Chế-ngự tâm thuần, hạnh-phước cao!
(Kệ số 035.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Tín-nữ: tín = tin-tưởng; nữ = phụ-nữ, đàn-bà, cô gái. Tín-nữ là người phụ-nữ tu tại-gia, tin-tưởng nơi Đức Phật và Chánh-pháp. Còn gọi là ưu-bà-di (Upasikà) hay cận-sự-nữ.

– Mã-thị-Kha: tên thật bằng tiếng Pali là Màtikamàtà.

– Thân-mẫu: người mẹ của mình.

– Chủ làng: người đứng đầu trong làng, như Ông Cả.

– Tiện-nghi: tiện = tiện-lợi; nghi = đúng chỗ. Tiện-nghi là những việc thích-đáng, vừa phải, khiến cho thân-tâm được thoải-mái.

– Quán thân bất-tịnh: quán = suy-tưởng sâu-xa; bất-tịnh = chẳng sạch-sẽ. Đây là phép quán đầu-tiên trong phép Quán Tứ-niệm-xứ. Người thực-hành phép quán thân bất-tịnh, xem xét kỹ-lưỡng bên trong thân-thể mình chứa đầy các chất dơ-bẩn. Có tất cả 32 chỗ bất-tịnh trong thân, xin kể ra một số chánh là: máu, mủ, đờm, dãi, nước tiểu, phẩn, ghèn, cứt ráy, v.v. Biết quán thân bất-tịnh đúng cách tâm sẽ sanh ra nhàm-chán thân-thể bất-tịnh mà dứt được sự luyến-ái vào thân, thấy được sự suy-giảm từ-từ của thân đi đến sự huỷ-diệt; nhờ đó mà tâm hướng về sự giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi.

– Suy-yếu: suy = giảm mất sức-lực. Muôn vật, với thời-gian đều bị suy-yếu lần lần, đó là sư-thật mà người thường hay quên, cứ lo theo đuổi các thú-vui vật-chất tạm-thời.

– Ba ngôi-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn: đó là Tu-đà-huờn (Nhập-Lưu), Tư-đà-hàm (Nhứt-Lai), và A-na-hàm (Bất-Lai).

-Đạo-lực: đạo = con đường tu-tập; lực = sức mạnh. Người có đạo-lực cao chứng được các quyền-năng tâm-linh mà người chẳng tu chẳng thể có được.

– Thiên-nhãn: thiên = Trời; nhãn = mắt. Người đắc được thiên-nhãn, tâm nhìn thấy các vật ở xa, chẳng bị ngăn-cách. Chẳng phải là được thêm một cặp mắt nào mới, đấy chỉ là tâm thanh-tịnh nhìn được xa.

– Thanh-khiết: thanh = trong, sạch; khiết = sạch.

– Đắc-lực: đắc = được; lực = sức. Đắc-lực là vừa giỏi, khéo vừa thành-công.

– Câu trả lời trực-tiếp: lời đáp thẳng. Bà Mã chẳng đáp thẳng là bà có được tha-tâm-thông, nhưng lời nói của Bà khiến cho vị tỳ-kheo đoán được là bà có khả-năng đọc được tư-tưởng người khác.

– Tha-tâm-thông: tha = kẻ khác; tâm = lòng; thông = biết rõ.

– Tuyệt-đích: tuyệt = hơn tất cả; đích = nơi nhìn vào; cái ấy. Theo nghĩa thông-thường, tuyệt-đích là hay, giỏi, khéo hơn hết. Theo nghĩa ở đây, đó là cái mục-đích cao nhứt mà mình nhắm vào khi tu: giữ tâm.

– Chế-ngự: chế = chế-phục, điều-khiển, làm chủ được; phục = hàng-phục, khiến phải tuân theo lịnh, chẳng cho chống-cãi . Chế-ngự Tâm là nắm giữ tâm, làm chủ được tâm.

– Tâm thuần: tâm thuần-thục, chẳng còn bay nhảy, biết đứng yên, chẳng sanh vọng-tưởng, chứng được định-tâm và phát-sanh huệ.

– Hạnh-phước cao: ở đây, ý bài Kệ muốn nói đến hạnh-phước cao nhứt là chứng được quả-vị vô-sanh của cảnh-giới Niết-bàn thường vui.

– Hỗ-trợ: hỗ = đắp đổi bên nầy qua bên kia; trợ = giúp-đỡ. Hỗ-trợ là giúp-đỡ lẫn nhau.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

a.- Bà Mã giúp thực-phẩm cho các vị tỳ-kheo; các vị nầy chỉ-dạy giúp Bà cách tu-hành: đây là ý-nghĩa quan-trrọng của việc cúng-dường chư Tăng. Đem dâng-cúng lễ-vật cho người tu-hành chơn-chánh là việc quí vì đem lại phước-đức lớn cho người thí-giả. Nhưng chưa đủ! Chưa đủ, vì người thí-giả chẳng những tạo phước bằng cách dâng-cúng, mà còn phải biết thưa hỏi về cách tu-tập riêng cho mình. Vị tỳ-kheo biết cách chỉ-dạy đúng đường cho các thiện-nam, tín-nữ, là đang bố-thí ngược lại cho người giúp mình: bố-thí pháp-tu ( =pháp-thí). Đấy mới thật là sự hỗ-trợ: hai bên giúp-đỡ lẫn nhau, tiến tu để cùng được giải-thoát.

b.- Lời dạy của Đức Phật: giữ tâm mình thật kỹ-lưỡng, đã khiến cho vị tỳ-kheo biết cách TU TÂM. Nói tu-hành, nghĩa là sao? Tu là sửa lại cho đúng. Sửa cái chi? Sửa cái tâm cho thanh-tịnh và giữ tâm ấy trong-sạch luôn. Như thế, sớm chứng được định-tâm, sớm phát được huệ. Đường-tu giản-dị chỉ có thế, nhưng phải cố gắng giữ tâm thanh-tịnh suốt đời. Giúp vào việc giữ tâm nầy là (1)phải giữ năm giới-tu cho thật cẩn-thận, chẳng hề lơ-là; (2)phải siêng bố-thí.

Ngoài ra, Tích chuyện còn dạy ta một điều khá quan-trọng: ăn-uống phải đầy-đủ thì việc tu-hành mới mau tấn-tới. Đây là điều mà một số người tại-gia thường lãng quên: hôm nào ăn chay thì ăn sơ-sịa, quấy-quá cho qua bữa, thiếu chất bỗ-dưỡng, xem việc ăn chay như trả nợ!

Phải chuẩn-bị bữa cơm chay thật tươm-tất, khiến cho con cháu trong nhà thích ăn chay và mong đến ngày ăn chay.

B.- Ý-nghĩa của bài Kệ số 035:

Bài kệ nầy mang một ý-nghĩa rất quan-trọng, gói gọn trong hai chữ TÂM THUẦN. Như đã biết, tu là tu Tâm. Tu tâm đến mức tâm được thuần, là thành-công viên-mãn. Tâm thuần là sao? Người luyện được tâm thuần cũng như người luyện tập ngựa cho thuần. Ngựa thuần khéo biết ý của chủ, theo lịnh của chủ, chạy êm, chạy nhanh. Tâm thuần cũng thế, biết dừng lại, biết quay vào trong, biết theo đúng con đường tu-hành, lúc nào cũng trong-sạch và an-tịnh. Làm sao cho tâm thuần? Đây là một nỗ-lực khó, phải bền-chí: kiểm-soát tâm ở mỗi biến-chuyển của tâm.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ và xin thường đọc lại ít nhứt một lần mỗi ngày.

2.- Xin đọc lại bài Kệ số 034 ở bài trước và phối-hợp với bài nầy để tự mình đặt ra cách TU TÂM cho chính mình. Xin đề-nghị vài cách nho-nhỏ, dễ làm, mà có hiệu-quả lớn:

– kiểm-soát các giác-quan: khi làm việc gì, chú-ý vào việc ấy, đừng nghe, đừng thấy các việc khác. Thí-dụ, đang ăn, thì chỉ lo ăn, mà chẳng vừa ăn vừa xem Ti-vi. Thí-dụ khác, đang đọc sách, thì chỉ đọc sách, chẳng nghe nhạc; hay xem xong một đoạn cho kỹ rồi hãy nghe nhạc sau.

– giữ tâm trong khi ăn: trong khi ăn, thường nói chuyện với nhau mới vui. Đành là thế! Nhưng người siêng tu thì tạm hy-sinh cái vui nói chuyện trong khi ăn, để, tay gắp thức ăn, trong tâm niệm thầm: tay gắp; đưa thức ăn vào miệng nhai, tâm niệm thầm: nhai. Đến khi nuốt, cũng niệm: nuốt. Như thế, cho hết một chén cơm. Thử tập như thế thì ăn lâu hơn, người ta ăn xong hết, mình còn ngồi lại, coi cũng kỳ-kỳ, thành ra ăn ít đi; nhờ đó mà … sụt cân, bớt .. phì!

– khi mình cau-có giận ai: nếu kịp thời biết được mình đang giận, thì hãy quay vào trong, nghe coi hơi thở mình như thế nào, tim mình đập nhanh như thế nào, rồi lấy tay vuốt mặt ba cái, để vuốt cái giận mất đi!

(26).- Tích chuyện về một Tỳ-kheo bất-mãn.

Vào một thời kia, Đức Phật trú tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một tỳ-kheo bất-mãn.

Thuở ấy, có một chàng thanh-niên, con của một chủ ngân-hàng, sống tại nước Xá-vệ. Người thanh-niên ấy thưa hỏi vị ty-kheo thường đến khất-thực tại nhà anh, anh phải làm gì để tránh mọi khổ-đau cho đời anh. Vị tỳ-kheo liền bảo, hãy chia tài-sản của anh ra làm ba phần: một phần để kinh-doanh, một phần để nuôi gia-đình, còn một phần thì đem ra bố-thí. Người thanh-niên làm y theo lời dạy đó. Một thời-gian sau, thanh-niên ấy lại hỏi vị tỳ-kheo, nên tiếp-tục làm những gì nữa. Vị tỳ-kheo bảo, trước hết là quy-y Tam-Bảo và giữ đúng năm giới tại-gia; kế đó sẽ thực-hành Thập Thiện-nghiệp-đạo, rồi sau cùng khước-từ đời sống thế-tục và gia-nhập Tăng-đoàn để đi tu. Chàng thanh-niên thi-hành theo thứ-lớp, đúng lời dạy và trở thành một vị tỳ-kheo.

Vào chùa, vị tân tỳ-kheo được một vị giáo-thọ dạy cho Chánh-pháp trong Tam-Tạng kinh-điển, và một vị giáo-thọ khác dạy Luật-Tạng. Bấy giờ, vị ấy cảm thấy có quá nhiều điều để học-hỏi và phải nhớ kỹ để thi-hành. Có nhiều giới-cấm thật nghiêm-nhặt đến nổi lắm lúc chẳng còn chút tự-do cá-nhơn để duỗi cánh tay nữa! Vị tỳ-kheo ấy sanh ra bất-mãn, nghĩ rằng có lẽ tốt hơn quay về với cuộc sống thế-tục trong gia-đình. Hậu-quả của sự bất-mãn rất nặng khiến cho vị ấy xao-lãng các bổn-phận của tỳ-kheo, thân-thể trở nên gầy-ốm. Khi Đức Phật được biết đến tình-trạng của vị tỳ-kheo ấy, Ngài dạy rằng: “Này tỳ-kheo, con chỉ cần giữ gìn tâm con cho thật kỹ-lưỡng, ngoài ra chẳng cần kiểm-soát thêm gì nữa cả.” Rồi Đức Phật liền đọc lên bài Kệ sau đây:

Tâm rất khó cho ta nhìn thấy,
Mỏng-manh, tế-nhị, chạy khắp nơi;
Rồi ngừng lại chẳng rời nơi thích.
Người hiền kềm-thúc tâm mình,
Tâm khéo giữ-gìn, được hạnh-phước cao.
(Kệ số 036.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Bất-mãn: bất = chẳng có; mãn = đầy; vừa ý, mãn nguyện, thoả-mãn. Bất-mãn là chẳng bằng lòng, chẳng vừa ý.

– Tài-sản: tiền-của.

– Kinh-doanh: làm ăn, dùng vào nghề-nghiệp sanh-sống; trù-hoạch công việc làm ăn.

– Quy-y Tam-Bảo: tìm về nương-tựa nơi Phật, Pháp và Tăng.

– Năm giới tại-gia: thường gọi là ngũ-giới: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-dâm, chẳng nói dối và chẳng uống rượu.

– Thập Thiện-nghiệp đạo: thập = mười; thiện = lành; nghiệp = hành-động; đạo = đường-tu. Mười điều Thiện: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-dâm. chẳng nói dối, chẳng nói lưỡi hai chiều, chẳng nói lời thô-ác, chẳng nói lời vô-nghĩa, chẳng tham, chẳng giận, chẳng có tà-kiến.

– Kềm-thúc: giữ-gìn chặt-chẽ, bó-buộc phải theo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyên:

Tích chuyện thuật lại cuộc đời đi tu của một tỳ-kheo. Trước, khi còn ở nhà, được chỉ dạy chia tài-sản ra ba phần, lấy một phần để bố-thí: đó là để tạo phước cho đời sau được giàu-có. Kế đó được chỉ-dạy nên giữ gìn năm giới của người tu tại-gia: đó tu theo nhơn-thừa, nghĩa là để đời sau được tái-sanh lại làm người. Sau, lại được dạy thi-hành Thập-thiện: đó là đường-tu Thiên-thừa, nghĩa là đời sau sẽ được sanh lên cõi Trời sung-sướng. Sau cùng được bảo nên xuất-gia làm tỳ-kheo: đó là đường-tu giải-thoát khỏi cảnh Luân-hồi. Ba đường trước còn dễ nhớ, dễ làm vì chỉ có một điều: bố-thí; chỉ có năm điều: ngũ giới; chỉ có mười điều: thập-thiện. Đến khi học giới tỳ-kheo: 250 điều và Tam-tạng Kinh-điển thì nhiều quá, học chẳng xuễ. Đức Phật tóm lại cho gọn thành ra có một điều duy-nhứt: giữ gìn tâm cho kỹ-lưỡng. Đó là con đường tu tâm để được giải-thoát. Xem thế thì biết, thiên kinh vạn quyển ( = ngàn cuốn kinh, vạn cuốn sách), chỉ tóm lại có một điều: Tu Tâm!

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ:

Bài Kệ số 036, giống bài Kệ số 035, ở lời văn và ý-nghĩa; cả hai mô-tả tâm nơi ba câu đầu, và khuyên ta nên tu tâm ở hai câu sau.

Tu Tâm như thế nào, trong bài trước đã nói qua, xin khỏi nhắc lại. Chỉ xin nhấn mạnh một điều: Kinh Phật, giới-luật, có rất nhiều, nhưng chỉ cần hiểu, nhớ và thi-hành đúng một điều duy-nhứt:TU TÂM. Ta hãy thán-phục cách dạy của Đức Phật: dạy rất giản-dị, ít mà đủ, lại có hiệu-quả. Xin xem lại Tích chuyện của Tỳ-kheo Tiểu Phan-tha-ka, trang 69, và so-sánh với mẩu chuyện ở đây thì thấy rõ tài dạy-dỗ khéo-léo của Đức Phật.

Học-tập

1. Học thuộc lònh bài Kệ nầy. Hãy nhớ lại cả hai bài trước đó. Trọn ba bài đ ều nói về việc tu-tâm. Học thuộc lòng rất tốt, nhưng chưa đủ, phải thực-hành mới có hiệu-quả.

2.- Có một cách để nhớ đủ mười điều thiện: chia ra,

– ba điều nói về thân: (1) chẳng sát-sanh, (2) chẳng trộm-cắp, (3) chẳng tà-dâm;

– bốn điều nói về miệng: (1) chẳng nói dối, (2) chẳng nói lưỡi đôi chiều, (3) chẳng nói lời thô-ác, (4) chẳng nói lời vô-nghĩa;

– ba điều nói về ý: (1) chẳng tham, (2) chẳng giận, (3) chẳng có tà-kiến.

Giữ được ba nơi thân, miệng, ý đều lành,là giữ cho ba nghiệp được thanh-tịnh. Đó là căn-bản cho mọi đường-tu, chẳng chỉ riêng Thiên-thừa.

Xin giải-thích thêm vài điều trong Thập-Thiện:

– tà-dâm có nghĩa là đã có vợ-chồng mà còn lang-chạ, xâm-phạm tiết-hạnh của người khác. Đối với tỳ-kheo, cấm hẳn việc dâm-dục, phải theo hạnh độc-thân.

– nói lưỡi đôi chiều là nói đâm thọc, gặp người nầy nói vầy, gặp người kia nói khác, cố ý gây chia rẽ, gieo thêm giận-hờn.

– nói lời vô-nghĩa là nói chuyện tầm-phào, ngồi lê đôi mách.

– tà-kiến: có nhiều tà-kiến, nhưng cần nhớ biết ba tà-kiến nầy để tránh: thân-kiến, chấp lấy thân làm ta; thường-kiến, cho rằng có linh-hồn bất-diệt, đoạn-kiến, cho rằng chết là hết, chẳng có Luân-hồi.

(27).- Tích chuyện Sa-di Tha-di-nê.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Sa-di Tha-di-nê và Trưởng-lão Tăng-ga-ra.

Thuở ấy, có một vị Trưởng-lão ở nước Xá-vệ, tên là Tăng-ga-ra, có người cháu gọi mình bằng cậu, tên là Tha-di-nê. Tha-di-nê còn nhỏ tuổi, được thâu-nhận vào chùa, làm Sa-di. Bấy giờ, Sa-di Tha-di-nê nhận được hai bộ cà-sa cúng-dường; sau mùa an-cư kiết-hạ, mới đến gặp Trưởng-lão Tăng-ga-ra, để chia lại cho cậu mình một bộ áo. Nhưng Trưởng-lão từ-chối chẳng nhận, bảo rằng Trưởng-lão đã có đủ ba bộ y rồi. Sa-di Tha-di-nê rất buồn lòng, thấy cậu chẳng chịu chia-xẻ phước-báu cùng mình.

Hôm ấy, Sa-di Tha-di-nê đang đứng hầu, quạt mát cho Trưởng-lão. Trong đầu chú Sa-di liền khởi lên ý-nghĩ, mình cúng-dường cho cậu mình, mà cậu chẳng nhận, thôi thì mình còn ở lại chùa làm chi nữa, hãy cứ quay về sống đời sống thế-tục. Rồi mình đem bán bớt một chiếc áo, lấy tiền mua một con dê-cái để nuôi. Chẳng bao lâu, dê đẻ con, mình sẽ có một đàn dê, đủ tiền để cưới một cô vợ. Năm sau, vợ mình sanh một đứa con, mình sẽ dẫn vợ con để đảnh-lễ cậu mình ở tu-viện. Mình dùng một chiếc xe nhỏ để đưa vợ con đi. Dọc đường, mình muốn bồng con lên, nhưng vợ mình cãi lại, bảo để con cho nàng bồng, còn mình hãy cứ đẩy xe đi. Mình chẳng chịu, vói tay bồng con, vợ mình giựt lại, khiến con té xuống đất. Mình tức quá, mới lấy cây gậy đuổi dê, gõ mạnh vào đầu vợ mấy cái…

Suy-nghĩ miên-man như thế, Sa-di Tha-di-nê trở cán quạt khỏ vào đầu Trưởng-lão một cái đau-điếng. Trưởng-lão ngẩng lên nhìn chú Sa-di, đọc được tư-tưởng của chú, liền nói: “Cháu muốn đánh vợ cháu, sao lại nhè cái đầu trọc của nhà sư già nầy mà đập, đau thế!” Tha-di-nê mới bừng tỉnh cơn mộng, sợ quá sợ, vì cậu mình đã biết được ý-nghĩ trong đầu mình. Vừa xấu-hổ, vừa lo-lắng, Sa-di Tha-di-nê vụt bỏ chạy ra khỏi chùa. Các vị tăng trẻ tuổi và mấy chú tiểu trong chùa vội rượt theo bắt lại và dẫn Sa-di Tha-di-nê đến trước mặt Đức Phật.

Khi nghe kể lại câu chuyện, Đức Phật mới bảo rằng, tâm có khả-năng nghĩ đến một việc ở xa, thật xa, và mọi người tu-hành chăm-chỉ phải biết cách gìn-giữ tâm, phải khiến cho tâm rửa sạch được ba món độc tham, sân, si. Bấy giờ, Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Tâm lang-thang đi xa,
Nó chạy rong một mình;
Nó chẳng hình, chẳng sắc,
Ẩn trong hang động sâu.
Ai điều-phục tâm nầy,
Thoát vòng vây bọn ma.
(Kệ số 037.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Sa-di: tiếng Phạn phiên-âm, Sramanera, người còn trẻ tuổi vào chùa tập-sự tu, chưa thọ-giới Tỳ-kheo.

– Tha-di-nê: tên thật bằng tiếng Pali rất dài: Sangharakkhita Bhàgineyya, Thiện-Nhựt lấy chữ sau để đặt tên tiếng Việt cho dễ đọc.

– Tăng-ga-ra: tên thật bằng tiếng Pali là Sangharakkhita.

– Ba bộ y: theo giới-luật tỳ-kheo, mỗi người chỉ giữ lại cho mình có ba bộ áo. Mục-đích của giới nầy là để diệt lòng tham tích-trữ của cải và tránh sự khoe-khoang về cách ăn-mặc.

– Cơn mộng: mộng = chiêm-bao; ngủ mê, trong đầu mơ nghĩ đến chuyện chẳng thật. Ở đây, chú Sa-di đang ngủ đứng!

– Chú tiểu: tiếng thông-thường để gọi các vị Sa-di.

– Chạy rong: chạy đi chơi lang-thang chẳng có mục-đích gì.

– Ở trong hang động sâu: ở đây, ý muốn nói đến trái tim ở trong buồng ngực. Thông-thường, người ta cho rằng tâm là trái tim; nhưng như bài Kệ nói rõ, nó vô-hình, nó là phần tâm-linh ở bên trong, chẳng có nơi xác-định trên thân-thể.

– Điều-phục: điều = điều-khiển, nắm lấy quyền làm chủ để sai-khiến; phục = hàng-phục, khuất-phục, bắt buộc phải theo lịnh của người chủ. Ở đây, điều-phục tâm là biết kềm-giữ tâm, chẳng cho nó chạy rong.

– Bọn ma: ở đây, ý muốn nói: thoát được sự cám-dỗ.

B.- Nghĩa Ý:

(1).- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một chú Sa-di đang quạt hầu một vị Trưởng-lão, vì đang mơ-mộng, nên chú trở cán quạt, khỏ vào đầu vị Trưởng-lão. Khi biết tư-tưởng trong đầu mình bị người khác đọc thấy được, chú xấu-hổ chạy đi, nhưng sau đó, được Đức Phật chỉ-dạy cách kềm tâm lại, chẳng cho nó chạy rong nữa.

Ý-nghĩa quan-trọng nầy: kềm-giữ tâm, đã được nói rõ trong ba bài Kệ trước.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 037:

Bài Kệ có hai phần chánh:

a.- Ba câu đầu mô-tả Tâm:

1) Tâm chẳng có hình-sắc. Tại sao? Vì tâm chỉ vào phần tâm-linh, chẳng phải là vật-chất mà có hình-dáng và màu sắc.

2) Tâm ẩn trong hang động sâu: Câu nầy có thể hiểu Tâm là trái tim, ở sâu trong buồng ngực. Nhưng hiểu như thế, tuy cũng đúng, nhưng chưa đầy-đủ, vì ta chẳng thể xác-định phần vô-hình của Tâm ở vào chỗ nào nhứt-định trong thân-thể ta cả. Ở đầu chăng? Không, trong đầu chỉ có óc, tuy rằng nhờ óc mà ta suy-nghĩ được, nhưng đó còn chưa hẳn là Tâm. Ở trong bụng chăng? Không, trong bụng chỉ có dạ-dày ( =bao-tử), ruột và các bộ-phận khác của bộ tiêu-hoá. Ở trong ngực chăng? Không, ở trong ngực có phổi để thở, và tim để đưa máu đi khắp châu-thân) Có lẽ nên hiểu chữ hang động sâu, như là một nơi kín đáo nào đó bên trong ta. Tuy chẳng biết rõ đích-xác chỗ nào, nhưng ta có thể nắm-bắt được Tâm, bằng cách hễ Tâm đang nghĩ gì, mình biết ngay là Tâm đang nghĩ điều đó. Vậy, cần chi xác-định Tâm ở đâu, chỉ cần biết nắm-giữ Tâm lại là đủ.

3) Nó chạy rong một mình, đi lang-thang rất xa: đó là hai đặc-tánh của cái Tâm chưa được điều-phục. Nó chạy rong một mình, bỏ thân-thể đang đứng hay nằm, ngồi, ở đây. Nó lang-thang đi thật xa, theo sự tưởng-tượng của nó. Chẳng những đi xa, nó còn quay về dĩ-vãng, hướng về tương-lai, lại thêm tạo ra những việc giả-tưởng nữa.

b.- Hai câu chót: ích lợi của sự điều-phục Tâm. Biết nắm-giữ Tâm, biết kiểm-soát Tâm, biết điều-phục Tâm, thì thoát khỏi sự cám-dỗ, mà bài Kệ gọi là vòng vây bọn Ma. Tại sao lại bị cám-dỗ? Trong hai bài Kệ trước, số 035 và 036, có nói: nó bay cao rồi đáp xuống nơi nào nó thích; nó chạy khắp nơi, rồi ngừng lại chẳng rời nơi thích. Tại nó thích, cho nên nó mới bị cám-dỗ.

Chung qui, vấn-đề đặt ra là làm cách nào để điều-phục tâm cho có hiệu-quả; xin xét đến vấn-đề nầy ở Phần Học-Tập.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Đã biết Tâm rất khó nắm-giữ, rất khó kiểm-soát, muốn điều-phục Tâm, cần phải kiên-nhẫn, thực-hành luôn luôn, mới có hiệu-quả. Xin đề-nghị vài cách để biết nắm-giữ Tâm trước đã.

1) Khi rỗi-rảnh chẳng có việc gì cần làm, chính lúc đó là Tâm hay đi lang-thang: muốn giữ-gìn Tâm lúc nầy, cần phải niệm thầm trong đầu một bài Kệ. Bất cứ bài Kệ nào mình nhớ, phải đọc thầm trong đầu trọn bài, chỗ nào quên, lấy sách ra đọc lại, kỳ đến thuộc làu mới thôi. Trong thời-gian nầy, đang giữ Tâm một cách hữu-hiệu. Xin nhớ, phải đọc thầm cả bài Kệ, chẳng thiếu chữ nào. Khi thiếu, Tâm thường hẹn, để lúc nào đó sẽ giở sách ra xem lại. Nếu chiều theo ý-nghĩ lười nầy, Tâm sẽ đi lang-thang ngay.

2) Trong khi tụng kinh ở Chánh-điện, thường hay lo ra, nghĩ đến việc sẽ làm sau thời kinh. Đó là: cái miệng đọc tụng mà cái bụng đi chợ! Trong lúc bụng đi chợ như thế, nếu nghe tiếng chuông mà sực-tỉnh, nên sửa lại cặp kiếng, hay vuốt mặt một cái, rồi chăm-chú vào lời Kinh, dầu có hiểu hay chẳng hiểu cũng chẳng sao, miễn là mình biết mình đang đọc chữ gì, câu gì. Đấy là kéo Tâm về với hiện-tại và tại đây đó.

(28).- Tích chuyện Trưởng-lão Chí-ta-hạt.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến trường-hợp của Trưởng-lão Chí-ta-hạt, bảy lần thọ-giới Tỳ-kheo.

Thuở ấy, có một người ở nước Xá-vệ, vì đi tìm một con bò đi lạc suốt buổi sáng trong rừng sâu, nên đói quá. Anh liền ghé vào một ngôi chùa, xin cơm ăn. Trong khi ăn, anh ngẫm-nghĩ, mình làm việc vất-vả cả ngày mà chẳng có được thức ăn ngon như vầy, chi bằng mình cứ xin vào chùa tu thì sướng hơn. Sau bữa ăn, anh ta liền xin phép được xuất-gia, và được thu-nhận vào Tăng-đoàn. Tại tu-viện, anh thi-hành đầy-đủ bổn-phận của một vị rỳ-kheo và nhờ có thực-phẩm đầy-đủ, nên anh béo mập ra. Sau một thời-gian, anh cảm thấy buồn chán, mỗi ngày phải mang bình-bát đi khất-thực, nên xin quay về nhà, trở lại đời sống thế-tục. Về nhà được mấy hôm, anh lại cảm thấy cuộc sống nơi đây cực-khổ quá, nên trở lại chùa, xin được đi tu lại, và được chấp-nhận. Cứ thế, cả thảy, sáu bận thọ giới Tỳ-kheo, sáu lần hoàn-tục. Các vị tăng-nhơn trong chùa gọi chàng ta là tỳ-kheo Tâm-bất-định.

Đến lần thứ bảy trở về nhà, vợ anh mang bầu. Một đêm, anh ta đi vào phòng vợ, thấy vợ nằm ngủ, bụng phình to, hơi thở ngáy ồ-ồ, nước dãi chảy thòng xuống mép. Trông thấy cảnh-tượng đó, trong tâm anh khởi lên sự nhàm-chán thân-xác nầy, vừa dơ-bẩn, lại vừa vô-thường. Anh lẩm-bẩm: “Bất-tịnh! Vô-thường!”, rồi quay ra ngoài, lẳng lặng thay y-phục trở lại chùa. Bấy giờ, chư Tăng từ-khước chẳng cho anh xuất-gia nữa. Năn-nỉ hồi lâu, bảo đây là lần chót, nhứt-định đi tu luôn, anh mới được thâu-nhận lại. Bẵng đi một thời-gian khá lâu, thấy anh chẳng xin trở về thăm nhà, các bạn đồng tu mới hỏi anh lý-do. Anh bảo: “Tôi đã xuất-gia nhiều lần mà chẳng được, đó là vì còn nhớ tưởng đến người đàn-bà, vợ tôi. Nay tôi nhận thấy thân con người là bất-tịnh và cơn vô-thường chợt đến, nên tôi nhứt quyết rời hẳn đời sống thế-tục.” Các vị tỳ-kheo nghe nói thế, chưa cho đó là sự-thật, nên đến thưa trình cùng Đức Phật.

Đức Phật bảo: “Tỳ-kheo Chí-ta-hạt nay đã đắc đạo-quả A-la-hán, tâm trở nên kiên-cố rồi. Trước kia, đi đi lại lại là vì tâm ông ta chưa ổn-định và chưa hiểu thấu Chánh-pháp. Nay với quả-vị A-la-hán, ông ta đã vượt qua cả điều thiện lẫn điều ác.” Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Tâm người còn lao-chao,
Chánh-pháp chửa thấm vào,
Niềm tin còn lỏng-lẻo
Bao giờ đạt trí cao?
(Kệ số 038.)

Tâm người lià tham-ái,
Hận-thù đều đã giải,
Vượt trên điều thiện, ác,
Đấy là bực Đại-giác.
(Kệ số 039.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Chí-ta-hạt: tên thật bằng tiếng Pali là Cittahattha.

– Thọ-giới Tỳ-kheo: còn gọi là thọ Cụ-túc-giới, nghĩa là làm lễ hứa nhận sẽ tuân theo 250 giới-điều của Tỳ-kheo.(Cụ-túc = đầy-đủ)

– Xuất-gia: xuất = ra khỏi; gia = nhà. Xuất-gia là rời nhà vào chùa đi tu. Những người còn sống đời thế-tục mà tu-hành theo Chánh-pháp, gọi là tu tại-gia.

– Bình-bát: cái chén to như cái tô; bằng gỗ hay bằng đồng, các vị khất-sĩ dùng đựng thức-ăn vừa đi xin được.

– Hoàn-tục: hoàn = trở lại, trở về; tục = thế-tục, đời sống thường- nhơn, có gia-đình.

– Tâm bất-định: Tâm = lòng; bất = chẳng; định = yên. Thầy tỳ-kheo Chí-ta-hạt cứ nay ở chùa mai về nhà, lúc tu lúc không, tấm lòng cứ thay đổi luôn, nay vầy mai khác, đó là tâm bất-định, chẳng kiên-cố.

– Mang bầu: tiếng bình-dân, có nghĩa là mang thai, có con trong bụng.

– Vô-thường: vô = chẳng; thường = luôn luôn. Vô-thường, danh-từ chuyên-môn về Phật-học nầy có nghĩa là muôn sự-vật có hình-tướng đều chẳng bền-vững, nay tuy thấy có đó, nhưng rồi sẽ bị tiêu-huỷ vào một ngày nào đó. Còn một nghĩa nữa, cơn vô-thường chợt đến, có nghĩa là cái chết đến bất-chợt, chẳng biết chắc được trước vào lúc nào.

– Bất-tịnh: bất = chẳng; tịnh = sạch. Xin xem lại bài Bà Mã thi-Kha, các trang 93 đến 97, về phép Quán thân bất-tịnh (trang 95).

– Kiên-cố: kiên = cứng; cố = vững, yên. Tâm kiên-cố nhứt quyết theo điều gì, thì theo luôn, chẳng đổi bụng, hay thối-chí.

– Vượt qua cả điều thiện và điều ác: vì đã thông-suốt Chánh-pháp, tâm trở nên thanh-tịnh, cho nên lúc nào cũng nghĩ đến việc lành; đối với thái-độ thiện-ác của người khác, cũng chẳng chỉ-trích, phê-bình. Đó là tâm vô-phân-biệt, rất khó tập, vì thông-thường ai cũng khen điều thiện mà chê điều ác. Hễ còn khen chê là tâm còn xao-động; vì thế, phải giữ cho bình-thản, thì tâm mới kiên-cố.

– Lao-chao: xao-động, nghiêng-ngửa, thay-đổi lung-tung.

– Chửa thấm vào: chưa thông-hiểu được rõ.

– Đạt Trí cao: Trí cao ở đây muốn nói đến Trí-huệ Bát-nhã Ba-la-mật, cái Trí-huệ đưa người tu-hành đến bờ giác-ngộ và giải-thoát. Đạo Phật chủ trương Từ-bi và Trí-huệ; Trí-huệ đây là Trí cao nói trong bài Kệ.

– Tham-ái: tham = ham muốn quá; ái = thích, tríu-mến. Sự tham-ái là sự ham-muốn bám vào các thú vui vật-chất tạm-thời, để phải sống trong sự đau-khổ triền-miên của cảnh sanh-tử Luân-hồi. Muốn diệt Khổ, phải bỏ tiệt sự tham-ái, đừng tríu-mến gì nữa.

– Giải: mở ra. Hận thù đều đã giải, là đã buông-bỏ mọi thù-giận.

– Đại-Giác: đại = lớn; giác = hiểu rõ. Bực Đại-Giác có nghĩa là Đức Phật. (Phật = giác). Hiểu rõ gì? Hiểu rõ lẽ sống chết của mọi chúng-sanh. Nói cách khác, đã thông-hiểu hoàn-toàn về Bốn Chơn-Lý Nhiệm-mầu. Tu đến cấp A-la-hán cũng gọi là bực Đại-giác.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại một vị tỳ-kheo tâm chẳng kiên-cố, đến lần thứ bảy thọ-giới tỳ-kheo mới tu thành-công. Tại sao? Vì độ trước, vị ấy cứ nhớ nhà, bỏ chùa quay về với vợ. Đến lần thứ sáu về nhà, nhơn khi nhìn thấy người vợ nằm ngủ trong tư-thế chẳng được đẹp-đẽ, thầy Chí-ta-hạt sực nhớ đến phép quán thân bất-tịnh, ngộ được lẽ Vô-thường, mới quyết-chí trở lại chùa, tu-hành cho đến ngày thành-công viên-mãn.

Đức Phật cho rằng trước kia tâm của thầy Chí-ta-hạt còn chưa ổn-định, sau nhờ thấu-hiểu Chánh-pháp, vượt qua được mọi điều thiện, ác, nên chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

(2).- Ý-nghĩa hai bài Kệ số 038 và 039:

a.- Bài Kệ 038 nói đến Tâm tu-hành chưa kiên-cố:

– Tâm người còn lao-chao: đó là tâm hay xao-động, hay thay đổi, thiếu kiên-quyết, gặp khó thì lùi, chẳng bền-chí;

– Chánh-pháp chửa thấm vào: chưa thật-sự đem Chánh-pháp ra thi-hành trên bản-thân mình một cách chuyên-cần;

– Niềm tin còn lỏng-lẻo: chưa vững tin nơi Tam-Bảo vì còn bị cám-dỗ, vì còn hoài-nghi;

Hậu-quả: việc tu-hành lơ-là, chẳng thể nào đạt được Trí-Huệ để đi đến mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát.

b.- Bài Kệ 039 nói đến Tâm và Tuệ đều được giải-thoát:

– Tâm người lià tham-ái: bỏ được sự tham-ái là dứt được mối độc lớn, hết bấu-víu vào các thú-vui của đời sống thế-tục;

– Hận-thù đều đã giải: Tâm diệt bỏ được mối độc to lớn thứ hai là sân-hận, chẳng còn bị nghịch-cảnh trì-níu;

– Vượt lên trên các điều thiện, ác: Tâm hoàn-toàn quân-bình, an-nhiên, chẳng xao-động trước cảnh thuận, nghịch, nhờ đó Trí-huệ phát-sanh, kiên-cố theo con đường giải-thoát.

Kết-quả: tu-hành tinh-tấn, đạt mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, và nhớ cho THẤM vào Tâm mình bằng cách giữ đúng giới-luật, tinh-tấn hành-thiền, theo đúng Chánh-pháp

2.- Muốn cho Tâm tu-hành kiên-cố, cần nhớ đến mục-tiêu:

– giải-thoát Tâm khỏi hai mối độc: tham và sân;

– giải-thoát Trí khỏi mối độc: si-mê.

(29).- Tích chuyện Năm trăm vị Tỳ-kheo tu Thiền.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc năm trăm vị tỳ-kheo vào rừng sâu để thực-tập thiền-định.

Thuở ấy, có năm trăm vị tỳ-kheo được Đức Phật chỉ-dạy cho đề-tài quán-chiếu, cùng nhau vào rừng sâu, cách thành Xá-vệ hơn một trăm do-tuần. Nơi đây, các vị ấy tìm thấy một điạ-điểm u-nhã rất thích hợp cho việc hành-thiền. Bấy giờ, các vị thọ-thần canh giữ khu rừng, nghĩ rằng có các tu-sĩ đến ngụ trong rừng, thì nên đem hết quyến-thuộc của họ xuống ở dưới đất, để tỏ lòng kính-trọng. Họ những tưởng đoàn tỳ-kheo đến tạm-trú một vài đêm rồi sẽ di-chuyển đi nơi khác. Nào dè, các vị ty-kheo vẫn lưu lại suốt hai tuần-lễ rồi mà chưa dời gót. Các thọ-thần thấy như thế thì quyến-thuộc của họ phải chịu thiếu-thốn tiện-nghi lâu ngày, mới bàn cùng nhau tìm cách doạ-nhát các tu-sĩ để phải sợ mà sớm bỏ đi. Họ liền cùng nhau phát ra những tiếng ma kêu quỉ hú, biến thành những thi-ma chẳng có đầu, hoặc có đầu mà chẳng có thân, v.v. Quả thật, các vị tỳ-kheo nhát gan, sợ cuống lên, mới quay về trình với Đức Phật. Đức Phật bảo: “Đó là tại các ông còn chưa mang võ-khí khi vào rừng. Đây, Như-Lai chỉ-dạy cho võ-khí đó: các ông hãy học thuộc bài Kệ về Tâm Từ nầy, và khi trở lại chỗ cũ, tới ven rừng, nên thành-tâm đọc tụng và rải Tâm Từ đến mọi chúng-sanh.”

Bài Kệ “Rải Tâm Từ” như sau:

“Hướng về cảnh Niết-bàn an-tịnh,
Tạo phước lành cho cõi nhơn-thiên,
Người rải Tâm Từ khắp mọi miền,
Hiền-hoà, khiêm-nhường và trực-tính.”

Sau khi học thuộc bài Kệ, các vị tỳ-kheo trở lại khu rừng. Vừa đến bià rừng, tất cả thành-tâm đọc-tụng vang lên bài Kệ và tâm hướng về các chúng-sanh trong rừng mà rải lòng Từ. Các vị thọ-thần nghe thấy, nhận được làn sóng tư-tưởng hiền-hoà của Tâm Đại-từ rộng lớn tràn ngập, mới phát lòng Từ hướng về các vị tỳ-kheo, chào mừng và hết lòng ủng-hộ. Nhờ đó, trong mùa an-cư tại khu rừng, các vị tỳ-kheo đã tinh-tấn hành-thiền, đắc được định-tâm.

Bấy giờ, Đức Phật từ Kỳ-viên-tự, quán thấy cảnh tu-hành tinh-tấn của các vị tỳ-kheo, Ngài mới phóng hào-quang đến khu rừng, khiến cho tâm các vị tỳ-kheo trông thấy được Đức Phật và nghe Ngài dạy thêm: “Này các vị tỳ-kheo! Như các ông đã nhận thấy, tấm thân thể-chất nầy cũng như cái hủ bằng sành dễ bể, nó chẳng thường còn và rất mong-manh…” Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Biết thân nầy như hủ sành dễ vỡ,
Phòng-hộ tâm như củng-cố thành-trì.
Vung gươm trí dẹp tan Ma cám-dỗ.
Chiến-thắng rồi vẫn trụ chỗ giác-tâm,
Chẳng tham-đắm trong vinh-quang thắng-lợi.
(Kệ số 040.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Do-tuần: đơn-vị đo chiều dài, vào khoảng 12 dặm; tiếng Pali là yojana.

– U-nhã: u = thanh-u, êm-ả; nhã = đẹp.

– Thọ-thần: thọ = cây to lớn, lâu năm; thần: thần-linh, một hạng chúng-sanh vô-hình-sắc, có thần-thông, Phật-học xếp vào hạng giữa cõi người và cõi Trời.

– Quyến-thuộc: quyến = gia-quyến; thuộc = thuộc về. Quyến-thuộc kể cả con cái, họ-hàng và các tôi-tớ.

– Thi-ma: thây ma; thây người chết.

– Tâm Từ: lòng thương rộng lớn, chẳng phân-biệt thân sơ, muốn cho mọi người được yên-vui.

– Như-Lai: Đức Phật thường tự-xưng là Như-Lai. Như là như thế; Lai là đến, Ngài đến cõi nầy như thế. Tiếng Pali là Tathàgata.

– Rải Tâm Từ: trong Tâm chỉ nghĩ về sự thương-mến và đem nguồn an-vui đến cho người mà mình đang nghĩ tới. Muốn rải tâm Từ có hiệu-quả, phải thật thành-tâm.

– Cõi nhơn-thiên: cõi Trời và cõi người.

– Trực-tính: trực = ngay-thẳng; tính = tánh.

– Ủng-hộ: giúp-đỡ.

– Dễ vỡ: dễ bể.

– Phòng-hộ: giữ-gìn cẩn-thận.

– Củng-cố: làm cho bền-vững thêm lên.

– Gươm Trí: Trí-huệ được ví như cây gươm cắt bỏ được các sự ràng-buộc của các cám-dỗ, các phiền-não và các tà-kiến.

– Giác-tâm: giác = biết thấu-đáo; chẳng còn mê-muội, chẳng bị phiền-não, chẳng bị cám-dỗ; thấy rõ con đường giải-thoát.

– Vinh-quang thắng-lợi: thành-công rực-rỡ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích-chuyện:

Tích chuyện kể lại việc các vị Tỳ-kheo vào rừng tu Thiền, sợ ma. Đức Phật dạy cho võ-khí chống lại: đem Tâm Từ rải lên khắp chúng-sanh. Võ-khí nầy chẳng phải chống lại ma, đàn-áp ma, mà chính là để cảm-hoá mọi chúng-sanh bằng tình thương rộng-rãi. Nó hữu-hiệu nhờ sự thành-tâm của mình, sẽ được sự cảm-ứng của kẻ khác.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ “Rải Tâm Từ”:

Đây là bài Kệ quan-trọng (Rất tiếc, Thiện Nhựt chẳng đủ sức để diễn lại cho đầy-đủ ý-nghĩa ra tiếng Việt, xin sám-hối!). Từ-Bi là điều thứ nhứt phải tu-tập trong Đạo Phật.

a.- Hai câu đầu: Hướng về cõi Niết-Bàn an-tịnh. Đây là mục-đích ban vui của lòng Từ, muốn mọi chúng-sanh được yên-vui, chẳng phải là thú-vui thường-tình của thế-tục, mà là niềm vui được giải-thoát, tự-tại.

b.- Hai câu chót: các đức-tánh của người có tâm Từ.

– khắp mọi miền: ý muốn nói, đem an-vui lại cho tất cả, chẳng phân-biệt thân hay sơ, bạn hay thù.

– Hiền-hoà, khiêm-nhường và trực-tánh: sự hiền-hoà đí trước, bỏ mọi sự bạo-động, lấy tình-thương xoá bỏ hận-thù; sự khiêm-nhường, chẳng kiêu-căng, chẳng tự xem mình hơn kẻ khác, chịu sự thua-lỗ cho mình để giúp kẻ khác mà chẳng tự-hào; trực-tánh là tâm ngay-thẳng, chẳng che-dấu, chẳng giả-vờ. Còn hai đức-tánh nữa, Thiện Nhựt dịch chẳng hết trong bài Kệ: đó là sự đắc-lực, giúp người cho thật có hiệu-quả, chẳng chỉ dùng lời nói suông, hay an-ủi bằng miệng mà thôi; và sự cẩn-mật, luôn luôn canh-phòng tâm mình chẳng cho khởi lên một ý ác nào đối với bất cứ mọi chúng-sanh và sẵn-sàng ra tay giúp-đỡ tất cả.

(3).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 040:

Đây là bài Kệ cũng quan-trọng chẳng kém bài Kệ “Rải Tâm Từ”, vì đây là bài dạy về Trí-Huệ, điểm quan-trọng thứ hai của Đạo Phật: Từ-bi và Trí-huệ. Xin phân-tách từng câu:

a.- Biết thân nầy như hủ sành dễ vỡ: “Biết” được như thế là đã có Trí-huệ rồi, vì người thường si-mê, chấp thân nầy còn hoài, lo bồi-đắp cho thân béo-mập ra, chẳng lo tu-hành để giải-thoát khỏi khổ-đau của Luân-hồi sanh-tử triền-miên.

b.- Phòng-hộ Tâm như củng-cố thành-trì: “Biết” phòng-hộ Tâm là biết điều-phục Tâm, giữ-gìn Tâm, kiểm-soát Tâm, khiến cho ba nghiệp được thanh-tịnh, đó là con đường giải-thoát. Cái biết nầy rất quí.

c.- Vung gươm Trí dẹp tan Ma cám-dỗ: “Biết” dẹp tan sự cám-dỗ thì chẳng sa-đoạ. Nhờ đâu? Nhờ Trí-huệ sáng-suốt, bén như gươm, nên chặt bỏ được sự quyến-rũ, khỏi phải sa vào tội-lỗi, thẳng đến mục-tiêu giải-thoát.

d.- Chiến-thắng rồi vẫn trụ chỗ giác-tâm: “Biết” như thế là biết khiêm-nhường, chẳng tự-mãn, chẳng tự-cao: thắng mà chẳng kiêu! Thắng cái gì? – Tự thắng lấy mình, mình thắng tật xấu của mình, đó là chiến-thắng vẻ-vang nhứt. Trụ chỗ giác-tâm là trụ thế nào? Lúc nào cũng phải theo dõi từng biến-chuyển trong tâm mình: nay vừa thắng đây, hãy coi chừng, đừng quá tự-hào, kẻo lại rơi vào vết xấu cũ. Trụ vào giác-tâm luôn luôn, đó là điều khó, chính nó mới đánh-giá đạo-hạnh kẻ tu-hành.

e.- Chẳng tham-đắm trong vinh-quang thắng-lợi: Đây là lời khuyên mà có rất nhiều vị tu-hành ngày nay quên mất: tự xem mình như bực … Tổ-sư, nhìn mọi người như còn đang thấp-kém, và đòi hỏi được sự kính-nễ, tôn-sùng của kẻ khác. Mặc dầu có được thành-công, ta cứ nên âm-thầm giữ sự khiêm-nhường như buổi ban đầu, mới quí.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ráng tìm cách ứng-dụng trong cuộc sống hằng ngày.

2.- TỪ-BI và TRÍ-HUÊ là hai khẩu-hiệu căn bản của Đạo Phật. Muốn tập Tâm từ-bi và luyện Trí-huệ, cần hiểu rõ hai nguyên-tắc chánh nầy:

– Từ-bi là ban vui, cứu khổ cho mọi chúng-sanh; nên bắt đầu nơi các người thân trước dễ làm hơn, và phải biết quên mình.

– Trí-huệ là thông-suốt được Chánh-pháp; phải bắt đầu học ít mà hiểu chắc.

3.- Xin đề-nghị vài việc làm nho-nhỏ, có thể giúp ta phát-triển lòng Từ sau nầy:

– Ngăn-cấm sắp nhỏ chẳng được bắt bướm, chuồn-chuồn chơi, rồi bứt cánh, bẻ cẳng. Hãy dạy chúng, nếu chúng đứt tay chảy máu, sao lại khóc, còn con côn-trùng bị bứt cẳng, bộ chẳng biết đau sao?

– Hễ trẻ xin phép đi bắn chim, bắt cá thia-thia, đừng cho phép: giải-thích cho chúng hiểu sự đau-đớn của loài chim, loài cá, khi phải lià nơi chúng quen sanh-sống. Đề-nghị với chúng các thú tiêu-khiển khác, lành-mạnh hơn, hiền-hoà hơn.

– Trong số các món đồ-chơi của trẻ em ở Âu-Mỹ, có nhiều món gợi lên sự bạo-động. Nếu có thể, khuyên chúng đừng quá mê mà đòi mua, giải-thích cho chúng biết thế nào là lòng nhơn-từ.

– Đối với người lớn, thi-hành tâm Từ dễ nhứt là bố-thí. Hiến-tặng tiền-của xây cất các cơ-sở xã-hội, y-tế, tôn-giáo là điều quí, nhưng chẳng phải mọi người đều có thể làm nổi; nhưng để ra một vài đồng tặng người hành-khất, đâu có khó. Lợi trước mắt cho người cho là dẹp được lòng bỏn-xẻn, kế đó tập cho mình có thói quen của lòng Từ.

– Hãy tập ăn chay ít nhứt mỗi tháng một lần, ăn đầy đủ chất bổ, rau cải thanh-khiết. Đó là giữ giới sát-sanh trong ngày ấy. Nếu đang ngồi đọc sách, bị muỗi cắn, đừng đập mạnh cho chết, rồi lấy tay chà … cho đã ngứa và đã … giận. Hãy chịu khó thổi vào nó để nó bay đi, tha cho nó sống thêm một ngày, ngày mà mình … ăn chay!

– Đừng dùng thuốc giết sâu bọ để xịt sân cỏ, vườn rau. Muốn trị sâu ở rau cải trong vườn, pha loảng xà-bông với nước, tưới lên.

(30).- Tích chuyện vị Tỳ-kheo Phù-ti-Cát.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Tỳ-kheo mắc bịnh ghẻ lở, thân-thể hôi-hám, có biệt-hiệu là Phù-ti-Cát.

Sau khi được Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, Tỳ-kheo Phù-ti-Cát liền tinh-tấn thực-hành thiền-định, cho đến khi ông vướng phải bịnh ghẻ lở. Nhiều mụn nhỏ nổi lên khắp mình, chẳng bao lâu mụn vỡ, mủ máu chảy lan, bốc mùi hôi-hám. Áo cà-sa bị dính, đóng cứng những máu và mủ. Các vị tăng-nhơn đồng-tu đều lánh xa; cả các người đệ-tử của tỳ-kheo Phù-ti-Cát cũng chẳng dám đến gần.

Bấy giờ, trong cơn thiền-định, Đức Phật quán thấy tình-cảnh đáng thương của Tỳ-kheo Phù-ti-Cát, Ngài soi thấy và biết rằng chẳng bao lâu vị tỳ-kheo nầy sẽ chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Ngài liền đi đến cốc của tỳ-kheo Phù-ti-Cát, ra ngoài căn nhà chứa củi, nhúm lửa lên và nấu nước nóng. Kế đến, Đức Phật bước vào thăm Tỳ-kheo Phù-ti-Cát, hiện đang nằm trên giường bệnh có một mình. Đức Phật liền giơ tay nhắc đầu giường lên, định đem tỳ-kheo ra sau để tắm. Lúc ấy, các người đệ-tử của Phù-ti-Cát bước vào phụ khiêng thầy đi tắm rửa. Một người giặt sạch bộ cà-sa và sấy khô. Sau khi tắm rửa sạch-sẽ, ăn mặc tươm-tất xong, Tỳ-kheo Phù-ti-Cát được nghe Phật giảng. Đức Phật đứng ở đầu giường, nói rằng, thân-thể con người chẳng bao lâu cũng mất đi sự sống; thân ấy trở nên vô-dụng đâu khác chi khúc gỗ bỏ nằm dài trên mặt đất bên đường.

Lúc bấy giờ, tỳ-kheo Phù-ti-Cát cảm thấy khoẻ-khoắn, dễ chịu, liền nhập-định và chứng được quả A-la-hán, kế đó thở hơi cuối cùng.

Đức Phật kết thúc thời pháp bằng bài kệ sau đây:

Chẳng bao lâu, thân nầy
Nằm dài trên mặt đất;
Hởi ôi! Thần-thức mất,
Như khúc cây vô-dụng.
(Kệ số 041.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Phù-ti-Cát: tên thật bằng tiếng Pali là Tissa, có biệt-hiệu là Pùtigattatissa.

– Biệt-hiệu: biệt = riêng biệt; hiệu = tên. Biệt-hiệu là tên riêng, hoặc tự mình đặt ra cho mình, hay do các người khác đặt ra gán cho mình.

– Nhập-định: nhập = vào; định = tình-trạng của tâm vắng-vẻ, yên-tịnh, chẳng có vọng-tưởng, chẳng bị cảnh-vật trì níu, chẳng bị ý bên trong lôi cuốn.

– Thần-thức: thần = thuộc về tinh-thần, phần tâm-linh; thức = biết. Chữ thần-thức là danh-từ chuyên-môn trong Phật-học, chỉ đến phần tâm-linh sâu-kín bên trong, gọi là thức a-lại-da (tiếng Phạn là alaya), có nghĩa là kho-tàng chứa những chủng-tử của những việc đã làm qua. (Chủng-tử: chủng = trồng; tử = hột; chủng-tử có nghĩa là hột giống sanh ra nghiệp-báo; tức là đã làm việc ác, được ghi lại thành chủng-tử, về sau nẩy mầm sanh ra hậu-quả xấu, phải chịu; cũng như đã làm việc lành, có chủng-tử lành, về sau sẽ hưởng được thành-quả tốt. Vì thế, thức a-lại-da còn được gọi là nghiệp-thức, cái thức tàng-trử và sanh ra nghiệp-báo. )

Theo sự tin-tưởng trong Phật-học, tâm con người có tám thức: (1)nhãn-thức (cái biết do nơi mắt), (2) nhĩ-thức (do tai), (3)tị-thức (do mũi), (4) thiệt-thức (do lưỡi), (5)thân-thức (do thân hay do da), (6)ý-thức (do tâm), (7)mạt-na-thức (tiếng Phạn là màna, gợi lên ý-nghĩ) và (8) a-lại-da thức (phần thật sâu-kín trong tâm). Theo thuyết Luân-hồi, khi con người chết, thân và tâm tan rả, chỉ có thần-thức hay a-lại-da-thức là còn, và thoát ra khỏi thân-tâm để đi tìm nơi nhập vào thai mẹ mà tái-sanh, sống đời sống kế-tiếp.

Ở trong bài Kệ, nói thần-thức mất, có nghĩa là thần-thức đã lìa khỏi thể-xác; thân-thể lúc chết đã mất thần-thức, chớ chính thần-thức vẫn còn. Thông-thường người ta bảo, sau khi chết thì hồn-viá đi đầu thai; Phật-học chẳng tin có linh-hồn nào cả, chỉ có thần-thức lià khỏi xác mà thôi.

– Vô-dụng: vô = chẳng; dụng = dùng. Vô-dụng là chẳng dùng được vào việc gì cả.

B.- Nghĩa Ý:

(1).- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại việc một tỳ-kheo chuyên-tâm tu Thiền-định, chẳng may vướng phải bịnh ghẻ lở, thân-thể hôi-hám. Nhờ Đức Phật giúp cho tắm rửa sạch-sẽ, thân trở nên thoải-mái, nhập-định được chứng quả A-la-hán và thở hơi cuối cùng sau đó.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là khi chết, phần thể-xác tan rả, phần tâm-linh là thần-thức vẫn còn, sẽ theo nghiệp-báo mà tái-sanh. Ở đây, vị tỳ-kheo đắc A-la-hán, chứng được cảnh vô-sanh (vô = chẳng; sanh = sống trở lại ở cõi nhơn-gian), nên thoát khỏi vòng tái-sanh của Luân-hồi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 041:

Bài Kệ nhấn mạnh đến sự vô-thường của thân-tâm; thân nầy chẳng bao lâu cũng phải chết, nằm bất-động như một khúc gỗ, vô-dụng chẳng dùng vào việc chi được. Vậy, chớ nên quyến-luyến thân quá lắm. Còn phần tâm-linh, chỉ riêng có thần-thức còn tồn-tại, lià khỏi xác mà đi tái-sanh theo nghiệp-báo. Nếu tu chứng được quả A-la-hán, sẽ khỏi phải tái-sanh, từ đây sống vĩnh-viễn trong cảnh an-lạc của Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, thường nhắc đi nhắc lại trong đầu, để nhớ rằng, đến ngày nào đó, thân-thể nầy chẳng còn nữa. Hiện nay, phải lo cho thân nầy được đầy-đủ tiện-nghi, nhưng chớ nên quá quyến-luyến.

2.- Xin nhắc lại: thân-tâm con người do năm uẩn kết thành trong lúc sống, khi lià đời, thân tan rả, chỉ có thần-thức theo nghiệp-báo mà tái-sanh. Để nhớ: năm uẩn gồm có (1)sắc-uẩn (thân-thể vật-chất), (2)thọ-uẩn (các tình-cảm), (3)tưởng-uẩn (các tư-tưởng), (4) hành-uẩn (các hành-động), (5)thức-uẩn (các sự hiểu-biết). Muốn nhớ tám thức trong thức-uẩn cần nhớ: năm thức trước (nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân) liên-quan đến năm giác-quan; còn ba thức sau: ý-thức, mạt-na-thức và a-lại-da-thức là phần tâm-linh nằm trong Tâm. Ý-thức nằm lộ, dễ nhận thấy; mạt-na-thức, ẩn tiềm-tàng đâu đây trong tâm, còn thức a-lại-da là kho chứa chủng-tử, sâu-kín chẳng thể dùng Tâm để biết đến được. Muốn biết rõ về các thức, phải học thêm về Duy-Thức-học, cũng gần giống với Tâm-lý-học.

(31).- Tích chuyện về Nan-đà, người chăn bò.

Vào một thời kia, Đức Phật và các tỳ-kheo đi qua một làng, nước Câu-tát-la, trong một kỳ giảng-pháp, có nói đến Nan-đà là một người chăn bò.

Thuở ấy có một người tên là Nan-đà, làm nghề chăn bò, gia-đình cũng khá-giả, thường đến nhà người chủ là ông Cấp-cô-độc, để nghe Đức Phật giảng pháp. Một hôm, sau khi nghe Đức Phật giảng, Nan-đà bạch với Phật xin thỉnh Phật và chư Tăng về nhà để cúng-dường. Đức Phật bảo, nay chưa phải thời, để khi khác.

Sau đó, cùng với chư Tăng có dịp đi qua làng Nan-đà trú-ngụ, Đức Phật quán thấy đã đến lúc nên giảng-dạy giáo-pháp cho Nan-đà, nên Ngài cùng các tăng-nhơn ghé vào. Nan-đà cung-kính dâng thực-phẩm cúng-dường, đủ cả năm món ngưu-vị thật là tinh-khiết. Sau khi được nghe Đức Phật giảng-dạy, Nan-đà chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn. Khi Đức Phật và chư Tăng ra về, Nan-đà mang bình-bát của Đức Phật, theo tiễn chơn một quảng đường, rồi mới trở lại nhà.

Vào lúc đó, có một người thợ-săn là kẻ thù cũ của Nan-đà, dùng cung bắn chết Nan-đà ở dọc đường. Các vị tỳ-kheo đi sau, thấy thân-thể Nan-đà nằm sóng-sượt bên vệ đường, mới đến trình Đức Phật. Họ bạch: “Bạch Thế-tôn, chỉ vì Nan-đà đã mời Phật đến cúng-dường và theo tiễn chơn Phật mà bị bắn chết.” Đức Phật đáp: “Dầu cho Như-Lai có đến nhà Nan-đà hay chẳng đến đi nữa, thì Nan-đà cũng chẳng thể nào tránh được sự chết-chóc, vì chẳng ai mà chẳng chết cả. Này các tỳ-kheo! Nếu tâm-ý mà tà-ác thì sẽ gây tai-hại cho mình còn hơn là một kẻ thù hay một tên trộm, cướp gây ra cho ta nữa.”

Rồi, Đức Phật nói lên bài kệ sau đây:

Kẻ địch-thủ hại người địch-thủ,
Lũ oan-gia hại lũ oan-gia,
Chưa hại bằng tâm tà, ý ác
Đẩy thân nầy đọa-lạc trầm-luân.
(Kệ số 042.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chư:

– Câu-tát-la: tên nước nầy bằng tiếng Pali là Kosala.

– Nan-đà: tên bằng tiếng Pali là Nanda. Đừng lầm người chăn bò nầy với vị đại-đệ-tử của Phật là Nanda, vốn là vị hoàng-tử dòng họ Thích.

– Cấp-cô-độc: tên thật của vị đại-trưởng-giả nầy bằng tiếng Pali là Anàthapindika. Nhà rất giàu, ông mua khu vườn của Thái-tử Kỳ-đà cất tịnh-xá Kỳ-viên, dưng cúng Đức Phật và chư Tăng. Ông hay bố-thí, cứu-giúp kẻ bần-cùng, cô-đơn, nên được biệt-hiệu là Cấp-cô-độc (cấp = cung-cấp, giúp đỡ; cô-độc = ở một mình, đơn-côi.)

– Chưa phải thời: chưa phải đúng lúc thuận-tiện.

– Năm món ngưu-vị: ngưu = con bò (thuỷ-ngưu mới là con trâu); vị = mùi-vị của món ăn. Năm món ngưu-vị lấy từ sữa bò chế ra: sữa, kem, bơ sống, bơ chín và đề-hồ (đề-hồ ngày nay ta gọi là phô-mai, fromage.)

– Tinh-khiết: trong-sạch.

-Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt của hàng Thanh-văn. Tiếng Pali là Sotàpatti có nghĩa là bước vào giòng nước Thánh, nên còn được dịch là Nhập-Lưu. Lại có nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh lại cõi người bảy lần nữa, nên được gọi là Thất-Lai. Tu-hành khi diệt được trong tâm các mối kết-sử nầy thì chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn: (1) thân-kiến, xem tấm thân nầy là Ta, của Ta, lo bồi-bổ, gìn-giữ nó mãi cho còn hoài-hoài; bỏ được thân-kiến, bằng cách quán thân bất-tịnh, biết thân bên trong dơ-bẩn, biết thân vô-thường, nên sanh ra nhàm-chán các thú-vui vật-chất về thân-thể; (2) Nghi-hoặc, chẳng tin-tưởng vào Chánh-pháp; (3) giới-cấm-thủ, mê-tín tin vào các sự cúng-kiến theo tà-đạo, như cúng Ông Địa, Ông Bình-vôi, Bà Chuối-Sứ, v.v.

– Một quảng đường: một khúc đường ngắn.

– Bên vệ đường: bên lề đường.

– Địch thủ: địch = chống-cự nhau; thủ = tay. Địch-thủ là người chống-đối, thù-nghịch với mình.

– Oan-gia: oan = thù-oán, oan-trái; gia = nhà. Oan-gia là kẻ thù lâu đời với nhau.

– Đoạ-lạc: đoạ = rơi xuống thấp; lạc = rớt xuống. Đoạ-lạc là phải sa vào chỗ thấp-kém, đê-hèn, khổ-sở.

– Trầm-luân: trầm = chìm, luân = giợn sóng trên mặt nước. Trầm-luân có nghĩa bóng là bị chìm đắm trong biển khổ; ở đây, có nghĩa là phải trôi lăn trong các cõi ác của Luân-hồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một gia-chủ thỉnh Phật và chư Tăng đến nhà để cúng-dường, được nghe pháp và chứng quả-vị Tu-đà-huờn. Sau khi tiễn chơn Đức Phật, trên đường trở về nhà, gia-chủ bị người thợ-săn là kẻ thù cũ bắn chết. Nhơn cái chết do kẻ thù gây ra nầy, Đức Phật dạy, cái hại do tâm tà ý ác còn lớn hơn cái chết do kẻ thù gây ra, vì tâm tà ý ác lôi kéo ta trôi lăn mãi trong các cõi ác của Luân-hồi.

(2) Ý-nghĩa của bài kệ số 042:

– Cái hại do kẻ địch-thủ, kẻ oán-thù gây ra: Cái hại nầy dầu lớn mấy đi nữa cũng hạn-chế trong một đời người. Kẻ địch-thủ có thể gây hại về tài-sản, danh-dự; kẻ oan-gia có thể gây hại về tánh-mạng. Nhưng họ chỉ hại được trong một đời mà thôi.

– Cái hại do tâm tà ý ác kéo dài nhiều đời, vì tạo nên nghiệp-báo: Tâm tà, ý ác tạo nên hành-động xấu-dữ làm nguyên-nhơn khiến cho hậu-quả trong tương-lai là phải sa vào ba đường dữ của Luân-hồi: (1) địa-ngục, chịu hình-phạt chẳng gián-đoạn qua nhiều đời-kiếp; (2) ngạ-quỉ, làm thân quỉ đói, khổ-sở; (3) súc-sanh, trong thân-hình thú-vật, thiếu trí thông-minh, chẳng biết bao giờ thoát khỏi cảnh si-mê.

– Ý-nghĩa chánh-yếu của bài Kệ là khuyên ta nên gìn-giữ Tâm, điều-phục Tâm sao cho được thanh-tịnh, biết theo đường lành nẻo phải.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ.

2.- Xem lại Phần HọcTập ở các Bài trước về cách giữ-gìn Tâm-ý cho trong-sạch.

(32).- Tích chuyện về Sở-rị-Gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến chuyện chàng thanh-niên Sở-rị-Gia, bị thay đổi phái tính, trở thành phụ-nữ.

Thuở ấy, ở thành-phố Sở-rị-Gia có một chàng thanh-niên giàu có, cũng tên là Sở-rị-Gia, một hôm cùng với các bạn, ngồi trên chiếc xe lộng-lẫy, đi tắm. Dọc đường, gặp một vị Trưởng-lão tên là Khắc-ca-gia, tướng-mạo trang-nghiêm, đang sửa lại áo cà-sa cho ngay-ngắn để vào thành-phố khất-thực. Nhìn thấy nước da vàng ánh, đẹp-đẽ của vị Trưởng-lão, chàng thanh-niên Sở-rị-Gia bỗng nổi lên ý-nghĩ trong đầu: “— kià! Ta muốn “cưới” vị tỳ-kheo nầy làm vợ! Hay là, vợ ta ở nhà phải có được một làn da đẹp-đẽ như vị Trưởng-lão nầy!” Tư-tưởng bất-chánh nầy vừa khởi lên, thì lạ thay, Sở-tị-Gia lại biến thành một cô gái, đẹp với làn da óng-ánh vàng chói. Sở-rị-Gia cảm thấy xấu-hổ, ngồi chung xe với các thanh-niên khác, nên bỏ xuống và trốn đi xa.

Trên đường đi trốn, thiếu-nữ Sở-rị-Gia bán chiếc nhẫn đeo tay để có tiền quá-giang xe đi đến thị-trấn Tắc-xi-la. Một người khách đồng-hành vào thị-trấn, gặp một vị công-tử giàu-có đang kén vợ, liền mách có một thiếu-nữ rất đẹp đã ngồi cùng xe với mình. Vị công-tử tìm đến gặp cô Sở-rị-Gia và xin cưới cô ngay. Và trong cuộc sống mới, “bà” Sở-rị-Gia sanh được hai đứa con trai, cùng với hai người con trai trước, khi “bà” còn là thanh-niên.

Một hôm, có người khách-thương từ thành Sở-rị-gia đến thị-trấn Tắc-xi-la buôn bán. “Bà” Sở-rị-Gia nhận ra được người quen cũ, mới cho mời về nhà đãi-đằng. Vị khách-thương rất ngạc-nhiên, thấy bà chủ nhà là người lạ với mình, sao tỏ ra thân-mật. “Bà” Sở liền hỏi thăm tin-tức ở thành-phố cũ, về gia-cảnh của người khách-thương cùng các nhà láng-diềng; sau đó, bà mới kể lại câu chuyện mình bị biến-đổi phái-tính như thế nào. Bấy giờ vị khách thương mới tin và khuyên, bà nên đến gặp vị Trưởng-lão Khắc-ca-gia ngỏ lời xin sám-hối. Bà Sở làm y theo lời khuyên, thỉnh Trưởng-lão về nhà cúng-dường thực-phẩm, nghe giảng-pháp, xong rồi ra qùi trước Trưởng-lão mà tỏ lời hối-tiếc. Vị Trưởng-lão bảo:

“Xin nữ-thí-chủ đứng dậy, bần-tăng xin chấp-nhận lời sám-hối của bà!” Tức thì, “bà” Sở liền biến trở lại thành “ông” Sở-rị-Gia như khi trước.

Kể từ khi trở lại thành đàn-ông, Sở-rị-Gia thường suy-gẫm về sự biến-đổi vô-thường của cuộc sống, sao trong một đời mà mình vừa làm cha hai đứa con trai trước, lại vừa làm mẹ hai đứa sau. Chẳng bao lâu, Sở-rị-Gia nhàm-chán cuộc sống thế-tục, liền xin xuất-gia và được Trưởng-lão Khắc-ca-gia thâu-nhận làm đệ-tử. Nơi tu-viện, các bạn đồng-tu thường hỏi tỳ-kheo Sở-rị-Gia, trong lòng thương con nào nhiều nhứt, con gọi mình bằng cha, hay con gọi mình bằng mẹ? Thật-tình, tỳ-kheo Sở-rị-Gia đáp, con mình sanh từ bụng mình thì thương hơn. Sau đó, thường bị theo hỏi mãi điều đó, ty-kheo Sở-rị-Gia buồn-chán, mới xin ẩn-cư, sống riêng một mình trong cốc vắng, để chuyên-tâm tu-tập thiền-định. Chẳng bao lâu, chứng-đắc quả-vị A-la-hán. Các vị tỳ-kheo đồng-tu lại hỏi về câu hỏi cũ nữa. Tỳ-kheo Sở-rị-Gia đáp: “Trước kia, tôi tríu-mến các con do tôi sanh ra; nay tôi xem tất cả bốn đứa đều như nhau, chẳng quyến-luyến đứa nào cả.” Các vị tỳ-kheo tưởng rằng Sở-rị-Gia chẳng nói lên Sự-thật, mới đến bạch với Đức Phật.

Đức Phật bảo: “Tỳ-kheo Sở-rị-Gia đã nói lên Sự-Thật; tâm của vị A-la-hán đã cắt đứt sự luyến-ái, đem tình-thương mà trải rộng ra đến mọi người, chẳng có sự phân-biệt, kỳ-thị. Tỳ-kheo Sở-rị-Gia, với tâm-ý thiện-lành đã thực-hiện được niềm an-lạc cao-thượng, mà cha hay mẹ của mình, dầu có thương mình đến đâu đi nữa, cũng chẳng ban-cấp được niềm an-lạc đó cho mình.”

Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Cha mẹ, họ-hàng làm chửa được
Sao cho mình hưởng phước dài lâu.
Tâm thành, ý thiện, riêng làm được,
Tự tạo cho mình phước-lạc cao.
(Kệ số 043.)

TÌM HIỂU:

Xin Chú-ý:

Trước khi Tìm Hiểu và Học-Tập bài nầy, Thiện-Nhựt xin có vài lời lưu-ý người đọc:

1.- Thiện-Nhựt do-dự rất nhiều chẳng biết có nên dịch Tích-chuyện nầy hay không, vì câu chuyện nhuốm vẻ hoang-đường: chỉ một ý-nghĩ xấu đã biến-đổi tức-khắc phái-tính của một người, từ người nam ra thành người nữ.

2.- Tuy nhiên, suy-nghĩ kỹ về việc học-tập Kinh-Kệ, chúng ta chẳng nên quá chú-trọng đến sự chính-xác của sự-tích do người kết-tập viết lại, để tìm cách kiểm-nhận theo lối khoa-học ngày nay tìm bằng-chứng, mà nên tìm hiểu và học-tập Ý-nghĩa chánh-yếu, nằm ẩn bên dưới Tích chuyện. Tích-chuyện có thể chẳng đúng một trăm phần trăm với thực-tế của đời sống thế-tục mà chúng ta đang sống, nhưng Sự-thật chứa trong lời dạy của Đức Phật đúng cả muôn đời. Sự-thật đó, trong bài nầy, là sự thương-yêu, quyến-luyến có tánh-cách thiên-vị: thương con mình đẻ ra hơn là con ghẻ, con nuôi, con riêng của chồng hay vợ. Tình thương mà Đức Phật dạy là Tình thương rộng-lớn, bao la, trải khắp mọi loài chúng-sanh, chẳng cứ gì riêng thương con cháu của mình, đó là Tâm Từ, mà mọi người Phật-tử phải cố luyện-tập.

3.- Vì lẽ trên đây, Thiện-Nhựt mong-mỏi người đọc nên tìm thấy lời dạy chơn-thật và quí-báu của Đức Phật trong Kinh-Kệ, và dẹp bỏ qua ý-định tìm cách kiểm-chứng sự xác-thực của các sự-kiện được kể lại. Chuyện có thể khó cho ta, vào thời-đại nầy, trong hoàn-cảnh sanh-sống nầy, hiểu được và dễ tin được. Nhưng đó chẳng phải là điều chánh-yếu. Điều chánh-yếu là phải biết tìm hiểu và học-tập lời dạy của Đức Phật.

A.- Nghĩa CHỮ:

– Sở-rị-Gia: tên thật của thành-phố và đồng thời tên của nhơn-vật chánh trong Tích-chuyện, bằng tiếng Pali là Soreyya.

– Phái-tính: chỗ khác nhau giữa người nam và người nữ.

– Nước da, màu da: màu-sắc của làn da trên thân-thể.

-Bất-chánh: bất = chẳng; chánh = ngay-thẳng.

– Khắc-ca-gia: tên thật của Trưởng-lão bằng tiếng Pali là Mahàkaccàyana. Mahà là lớn, thường được dịch là Đại.

– Quá-giang: quá = đi qua; giang = sông. Ở đây, chữ quá-giang có nghĩa là đi nhờ xe. Thường hay nói có giang.

– Tắc-xi-la: tên thật của thị-trấn nầy bằng tiếng Pali là Taxila.

– Đồng-hành: đồng = cùng, chung; hành = đi. Bạn đồng-hành là người cùng đi chung với nhau.

– Gia-cảnh: gia = nhà; cảnh = tình-cảnh. Gia-cảnh là tình-cảnh ở nhà mạnh-giỏi ra sao.

– Sám-hối: nghĩa thông-thường là xin lỗi. Nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, sám là tiếng Phạn ksamayati, có nghĩa hối-tiếc về lỗi-lầm đã lỡ làm qua; hối là tiếng Hán-Việt, có nghĩa là hối-tiếc. Ráp hai chữ lại, thường được dùng để chỉ hai việc phải có, khi mình thật-sự thành-tâm xin sám-hối: (1) nhìn-nhận lỗi-lầm mình đã làm và xin nhận tội; (2) hứa từ rày về sau, chẳng hề tái-phạm nữa.

– Nữ-thí-chủ: nữ = người đàn-bà, phụ-nữ; thí = bố-thí; chủ = chủ. Thí-chủ, Thí-giả là người bố-thí, dưng-cúng lễ-vật cho người tu-hành.

– Bần-tăng: bần = nghèo; tăng = tu-sĩ. Bần-tăng là tiếng tự-xưng của người tu-sĩ nghèo.

– Vô-thường: vô = chẳng; thường = thường còn; Vô-thường là chẳng bền-vững, có đó rồi mất đó.

– Cốc: căn nhà nhỏ, chỉ có một phòng, dành cho tu-sĩ tu ẩn-cư.

– Quyến-luyến, Tríu-mến, Luyến-ái: thương nhiều và bám-víu vào, rời ra chẳng được. Tình thương quyến-luyến, tríu-mến, luyến-ái nầy, Đức Phật dạy phải dẹp bỏ, vì nó chính là lòng tham-ái, nguyên-nhơn gây ra khổ-đau, khiến ta bám vào đời sống thế-tục mà chẳng đi tìm giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi.

– Kỳ-thị: đối-đãi cách khác nhau vì chẳng đồng giai-cấp, màu da, v.v.; có tánh thiên-vị, thương kẻ nầy lại ghét bỏ kẻ khác.

– Niềm an-lạc cao-thượng: niềm vui cao-cả, bền-vững; ở đây có nghĩa là niềm vui được giải-thoát, sống trong cảnh-giới Niết-Bàn an-lạc.

– Ban-cấp: đem cho.

– Phước-lạc cao: đó chính là niềm vui được hưởng trong cảnh-giới an-lạc, trường-cửu của Niết-Bàn.

B.- Nghĩa Ý:

(1).- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai phần: phần đầu kể lại việc vì sao Sở-rị-Gia bị biến-đổi từ người nam ra người nữ; phần sau thuật lại việc tu-hành của Sở-rị-Gia được thành-công, chứng quả-vị A-la-hán. Ta nên lướt qua phần thứ nhứt và tìm hiểu kỹ ở phần thứ nhì, nhứt là lời Phật dạy về sự dứt bỏ niềm luyến-ái trong tâm.

a.- Việc thay đổi phái-tính: theo Tích-chuyện, chỉ vì trong tâm khởi lên ý-nghĩ bất-chánh đối với vị trưởng-lão mà Sở-rị-Gia phải thành người nữ. Sự thay đổi phái-tính, trong hiện-trạng của y-khoa, chẳng phải là chẳng có: với thuật giải-phẫu y-khoa ngày nay đã có nhiều người nam được đổi thành người nữ về thể-xác và ngược lại. Nhưng Tích-chuyện nhấn mạnh ở điểm: chỉ vì ý-định bất-chánh trong tâm mà bị biến thành người nữ. Chuyện đúng hay sai sự-thực, ngày nay chúng ta khó lòng kiểm-chứng. Nhưng điều quan-trọng, chẳng phải là sự biến-đổi phái-tính, mà sự quyết-tâm tu-hành sau nầy của Sở-rị-Gia. Chỗ thành-công của Sở-rị-Gia là do việc dứt bỏ sự luyến-ái thiên-vị, thương con chính mình đẻ ra, để có được một tấm lòng thương-yêu tất cả đồng-đều nhau của tâm Từ.

b.- Lời Phật dạy ở phần cuối Tích-chuyện: cha, mẹ dầu có thương con, để tiền-của cho con hưởng, cũng chỉ đem hạnh-phước một đời mà thôi. Còn hạnh-phước chơn-thật, lâu-bền là hạnh-phước sống trong cảnh Niết-bàn, phải do mình tự-tạo lấy, hạnh-phước nầy sanh ra do tâm thành, ý-thiện, nói cách khác, là do biết tu-hành đúng cách để được giải-thoát.

(2).- Ý-nghĩa bài Kệ số 043:

Ý-nghĩa bài Kệ được tóm gọn trong lời Phật dạy ở đoạn cuối của Tích chuyện: bỏ lòng luyến-ái, để Tâm được thanh-tịnh.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng cả hai bài Kệ số 042 và 043, để biết nên giữ-gìn Tâm-ý cho thanh-tịnh.

2.- Ứng-dụng: Con cái trong nhà, chẳng nên có con cưng, con ghét, nên thương chúng đồng-đều, đừng dành món ngon nầy cho một đứa, các đứa khác phải nhịn; đừng bắt chỉ một đứa làm nặng làm luôn, còn các đứa khác thì khỏi.

-ooOoo-

IV.- Phẩm Hoa.

(33).- Tích chuyện các vị Tỳ-kheo bàn về thế Đất.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo bàn về thế đất lồi-lõm hay bằng-phẳng.

Thuở ấy, có năm trăm vị tỳ-kheo theo sau chơn Đức Phật vào làng để khất-thực, rồi trở về Kỳ-viên-tự. Vào buổi chiều, họ tụ-tập nhau và bàn về chuyến đi khất-thực buổi sáng. Một số bình-phẩm về thế đất dọc đường, có chỗ lồi, chỗ lõm; các vị khác cho rằng khoảng nầy có cát, khoảng kia có đất sét trơn-trợt; một nhóm khác bảo vùng ấy có đồi nổng, vùng kia có hố đèo, v.v. Vào lúc ấy, Đức Phật đi ngang qua, biết được các tỳ-kheo đang bàn về thế đất, Ngài dừng lại và dạy rằng: “Này các tỳ-kheo, đất cát mà các vị đang bàn-cãi với nhau đó, đều ở ngoài tấm thân của quí vị. Tốt hơn, quí-vị nên quay lại nhìn trên bản-thân mình, và chuẩn-bị đầy-đủ để chuyên-tâm hành-thiền.”

Bấy giờ, Đức Phật nói lên hai bài kệ sau đây:

Ai khéo vượt qua cõi đất liền,
Cõi Diêm-ma và cõi nhơn-thiên?
Ai thông-đạt chơn-truyền Chánh-pháp,
Khéo như người hái, kết tràng hoa?
(Kệ số 044.)

Bực hữu-học qua cõi đất liền,
Cõi Diêm-ma và cõi nhơn-thiên,
Lại thông-đạt chơn-truyền Chánh-pháp.
Khéo như người hái, kết tràng hoa.
(Kệ số 045.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Thế Đất: hình-thể của mặt đất có chỗ lồi, chỗ lõm, v.v…

– Nổng: gò đất cao.

– Cõi Diêm-ma: cõi âm, cõi chết, nơi vua Diêm-Vương ngự-trị.

– Cõi nhơn-thiên: Nhơn = người; Thiên = Trời.

– Thông-đạt: hiểu biết rõ-ràng, thấu đáo.

– Chơn-truyền: Chơn = chơn-chánh, đúng-đắn; truyền = dạy bảo, nói và giảng đúng, cho rõ nghĩa.

– Tràng hoa: các hoa kết lại thành vòng.

– Hữu-học: Hữu =có; học = học hỏi. Hữu-học, theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, là người đã thông-đạt Chánh-pháp. Về phương-diện tu-hành, đó là những người còn đang học cách tu thế nào để diệt hết các phiền-não tham, sân, v.v. và các sự si-mê về sở-tri-chướng để cho tâm và huệ được giải-thoát. Cao hơn bực Hữu-học là bực Vô-học nghĩa là những bực tu-hành đã học xong rồi, đã dẹp hết phiền-não-chướng và sở-tri-chướng, hết còn gì để học thêm nữa, tâm và huệ đều giải-thoát. Đừng lầm bực Vô-học với kẻ thất-học, là hạng người chẳng biết học gì hết ráo. Bực Hữu-học: tiếng Pali là Sekha; Vô-học + Asekha.

B. Nghĩa Ý

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, các vị tỳ-kheo tụ-tập nhau vào buổi chiều để tán gẫu. Đức Phật đi ngang qua, nghe thấy, nhắc các vị tuỳ-kheo nên siêng-năng quán thân bất-tịnh và chuyên-tâm hành thiền thì tốt hơn.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 044 và 045:

Tuy chia ra hai bài, nhưng một bài đặt câu hỏi, bài sau trả lời. Hỏi: Ai vượt qua được mọi cõi trong cảnh Luân-hồi? Đáp: bực Hữu-học đang tu, dẹp hết các chướng-ngại, để tâm và huệ được giải-thoát.

Học-tập

1. Học thuộc lòng hai bài Kệ.

2. Ứng-dụng: Bớt tán gẫu, dành thời-giờ đọc Kinh, đi kinh-hành.

3. Nghe ai nói chuyện hàng xóm, chỉ nghe thôi, đừng tán thêm.

(34) – Tích chuyện vị Tỳ-kheo quán thân như ảo-ảnh.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến một vị Tỳ-kheo quán thân như ảo-ảnh.

Thuở ấy, có một vị Tỳ-kheo, sau khi nhận được đề-tài quán-tưởng do Đức Phật chỉ-dạy, liền đi vào rừng sâu để thực-tập thiền-quán. Mặc dầu vị ấy nỗ-lực rất chuyên-cần, nhưng sau một thời-gian, chẳng thấy có kết-quả khả-quan. Vị ấy định quay về Kỳ-viên-tự để xin Đức Phật chỉ dạy thêm. Dọc đường, vị ấy đứng lưng-chừng một ngọn đồi thấp, thấy thấp-thoáng một ngọn tháp cao, xa xa, ẩn hiện trong lùm cây. Khi đến gần bờ sông, thì ra đó chỉ là ảo-ảnh của một tàn cây rọi xuống dòng nước, có ánh mặt trời chiếu lên. Ngay lúc ấy, vị ấy nghĩ đến tấm thân nầy cũng tựa như ảo-ảnh, chẳng có thực-thể gì. Vị ấy liền ngồi xuống bên bờ sông, nhìn các bọt nước phập-phồng, chẳng mấy chốc lại vỡ tan. Thân nầy rồi cũng thế, vô-thường chẳng bền-vững, khác nào bọt nước trên sông.

Lúc bấy giờ, Đức Phật quán-thấy sự tiến-bộ của vị Tỳ-kheo, liền phóng hào-quang, đến bên cạnh, và nói: “Nầy Tỳ-kheo, như ông vừa quán-thấy trong tâm, tấm thân nầy là vô-thường, chẳng có thực-thể, có khác gì ảo-ảnh trên mặt nước kia.” Rồi Đức Phật đọc lên bài kệ sau đây; vị Tỳ-kheo chăm-chú nghe, ghi nhận kỹ và chứng được đạo-quả A-la-hán.

Nhìn thân, biết vô-thường bọt nước;
Trông ảo-ảnh, thông được thể không,
Nhổ mũi tên hoa Ma cám-dỗ,
Người nầy, Thần Chết hết chỗ tìm.
(Kệ số 046)

Tìm hiểu:

a. nghĩa chữ:

– Quán: nhìn kỹ và nhận-xét rõ trong tâm.

– Ảo-ảnh: ảo = giả, chẳng có thật; ảnh = hình. Ảo-ảnh là hình giả, mắt nom thấy nhưng chẳng có vật thật; tựa như bóng soi trên mặt nước.

– Khả-quan: Khả = có thể; quan = xem. Kết quả khả-quan là có kết-quả tốt, xem được lắm.

– Tàn cây: thân cây có nhàn h lá, có bóng mát.

– Thực-thể: thực = thật; thể = bản-thể. Chẳng có thực-thể, có nghĩa là, tuy có đó, nhưng do sự kết-hợp tạm thời của n hững chất khác; hễ các chất nầy rời nhau ra, thì thân tiêu mất, chẳng còn gì. Nếu có thực-thể thì thực-thể còn tồn-tại được một mình; chỗ tồn-tại độc-lập đó là bản-thể.

– Thể không: thể = bản-thể; vốn là; Không = rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì. Thể không rất khó định-nghĩa; thường nghe dạy: muôn vật đều thể không, có nghĩa là muôn vật đều rỗng-rang, chẳng có thực-thể.

– Mủi tên hoa: tên hoa = trên mũi tên nhọn có vẽ bông hoa, tượng-trưng sự cám-dỗ. Bài Kệ gọi đó là sự cám-dỗ là Ma; còn gọi là Ma-quân.

– Thần Chết hết chỗ tìm: có nghĩa là người ấy chẳng còn tái-sanh nữa nên chẳng chết. Tu đến mức chứng được vô-sanh là chứng-đắc cảnh Niết-bàn an-vui và thường-còn mãi mãi. Vì thế Thần Chết bắt chẳng được.

B. Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, được tóm gọn trong tựa-đề: một vị Tỳ-kheo biết quán thân như ảo-ảnh, nghĩa là xem thân nầy giả-tạm, chẳng thường-còn. Người quán được như thế, rời bỏ các thú-vui vật-chất cám-dỗ, tu chứng được cảnh vô-sanh của Niết-bàn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 046:

Bài Kệ có bốn câu, mỗi câu chứa một ý-nghĩa quan-trọng trong giáo-lý nhà Phật. Xin phân-tách vắn-tắt:

1. Nhìn thân, biết vô-thường bọt nước: đây là phép quán thân vô-thường. Biết thân nầy giả-tạm, do tứ-đại ( = bốn chất: đất, nước, gió, lửa) kết-hợp tạm-thời mà có, chẳng bền-vững, như bong-bóng nước chẳng mấy chốc mà vỡ đi.

2. Trông ảo-ảnh, thông được thể KHÔNG: đây là phép quán các sự-vật hữu-vi đều có thể Không rỗng-rang. Sự-vật hữu-vi là những sự-vật do sự tạo-tác mà có, chịu ảnh-hưởng của sự đổi-thay (bị điều-kiện-hoá), bên trong chẳng có thực-chất, nên được gọi là chẳng có thực-thể, hay là, bản-thể là Không. Biết được thể Không của mọi vật ở thế-gian, mới đi tìm chỗ thường-còn, chơn-thật, bền-vững là cõi xuất-thế của Niết-bàn.

3. Nhổ mũi tên hao Ma cám-dỗ: mũi tên hoa tượng-trưng cho sự cám-dỗ của các thú-vui vật-chất (thú-vui vật-chất thường được gọi bằng danh-từ chuyên-môn trong Phật-học là các dục-lạc; dục = ham muốn; lạc = thú-vui) Gọi là mũi tên có tẩm thuốc độc vì khi bắn vào người sẽ gây ra chết-chóc; mũi tên có vẽ hoa, trông đẹp, nên có sức cám-dỗ. Người biết nhổ mũi tên hoa là người biết bỏ qua các thú-vui vật-chất, chẳng chạy theo sự cám-dỗ, chọn con đường tu-hành, tự khép mình trong kỷ-luật của ngũ giới ( = năm điều răn-cấm của người tu tại-gia) và thực-hành mười điều thiện (xin xem lại Thập Thiện ở trang 100).

4. Người nầy Thần Chết hết chỗ tìm: thi-hành đúng ba điều kể trên trong ba câu Kệ trước, thì đạt được kết-quả là chứng được cảnh vô-sanh. Vô-sanh có nghĩa là chẳng tái-sanh nữa, mà chẳng tái-sanh thì chẳng chết, sống mãi mãi trong cõi an-klạc, thường-hằng của cảnh-giới Niết-bàn. Câu chót nầy nói đến kết-quả của sự tu-hành viên-mãn.

Tóm lại, bài Kệ nầy dạy ta phép quán thân như ảo-ảnh, như bọt nước, biết tránh sự cán-dỗ của dục-lạc, khép mình trong giới-luật tu-hành, sẽ tránh được vĩnh-viễn cảnh đau-khổ triền-miên của sanh-tử Luân-hồi và chứng được Niết-bàn an-lạc.

Học-tập

1. Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ hai điều căn-bản trong giáo-lý: Vô-thường, thể Không.

2, Thực-tập về quán Vô-thường: xin đề-nghị vài việc nho-nhỏ để nhận-xét về lẽ Vô-thường của mọi vật hữu-vi:

– thay bó hoa tươi trên bàn Phật: mỗi khi thay hoa, nên lẩm-bẩm trong đầu, đời người rồi cũng chóng hết như hoa sớm nở tối tàn!

– khi uống trà hay cà-phê: nhìn vào bọt nước ở ly, tách, để nửa phút suy-gẫm về sự nhanh-chóng của bọt nước, chẳng mấy chốc rồi bể đi; đời người, các thú-vui vật-chất cũng chóng tàn như thế.

3. Nhổ mũi tên hoa: trong buổi tiếp-tân: nếu có thể, thay vì nhận một ly rượu, xin đổi lấy ly nước trái cây; và ngẫm-nghĩ: đây là ta đang tìm cách nhổ mũi tên hoa của Ma cám-dỗ, Ma đó là … ma men!

(35) – Tích chuyện vua Tỳ-lưu-ly.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến Vua Tỳ-lưu-ly tàn-sát dòng họ Thích-ca.

Thuở ấy, vua Ba-tư-nặc của nước Câu-tát-la, muốn cưới một công-chúa dòng Thích-ca làm hoàng-hậu, mới gởi sứ-giả đến thành Ca-tỳ-la-vệ để cầu-hôn. Vua Đại-dnh dòng Thích-ca mới chọn trong hàng con mình một nàng công-chúa rất đẹp, vốn do một người cung-nữ nô-lệ sanh ra. Vua Ba-tư-nặc phong làm Hoàng-hậu, sanh ra Thái-tử Tỳ-lưu-ly. Khi Thái-tử đúng mười sáu tuổi, về thăm quê mẹ ở Ca-tỳ-la-vệ, các vị hoàng-tử dòng Thích-ca đều bỏ đi săn, để khỏi đón tiếp một người vốn thuộc dòng ti-tiện. Nhưng Thái-tử Tỳ-lưu-ly vẫn được tiếp-đãi nồng-hậu nơi hoàng-cung. Sau cuộc viếng thăm, Thái-tử Tỳ-lưu-ly ra về; trong bọn tùy-tùng có người bỏ quên đồ-vật, trở lại lấy. Bấy giờ có người đầy-tớ gái trong cung đang chùi rửa cáci ghế Thái-tử đã ngồi, vừa chùi vừa lẩm-bẩm: “Ghế nầy ô-uế đi vì đứa cháu của kẻ nô-lệ đã ngồi lên.” Người tùy-tùng lấy làm lạ, mới hỏi tại sao, người đầy-tớ thuật lại nguồn-gốc, dòng-dõi bên ngoại của Thái-tử Tỳ-lưu-ly. Bà ngoại của Thái-tử là một người nô-lệ, được vua Đại-danh thương, nên mới sanh ra công-chúa, mẹ của Thái-tử. Chuyện được dấu kín trong thời-gian Thái-tử viếng thăm. Nào ngờ, người tùy-tùng thuật lại hết cho Thái-tử nghe. Tỳ-lưu-ly nổi giận, nguyện sẽ báo mối thù nầy.

Tỳ-lưu-ly là kẻ bạo-ngược, đuổi vua cha phải chạy sang nước Ma-kiệt-đà, cướp ngôi, cầm quân sang đánh thành Ca-tỳ-la-vệ. Biết bao nhiêu người trong dòng họ Thích-ca bị giết chết. Ngài A-nan khóc-lóc xin nhờ Đức Phật cứu cho, nhưng Đức Phật bảo, đó là quả-báo của dòng họ Thích-ca phải gánh chịu, vì trong một tiền-kiếp, họ đã bỏ thuốc độc vào một hồ nước, giết hết loài cá trong hồ; nay cá ấy tái-sanh ở nước Câu-tát-la, đến báo oán.

Trên đường trở về nước, quân-đội của Vua Tỳ-lưu-ly đóng đại-dinh bên bờ sông, an giấc. Nửa đêm, nước lụt to lớn tràn ngập khắp nơi, cuốn tất cả mọi người trôi ra biển, chết hết.

Khi nghe kể lại việc nầy, Đức Phật đọc lên bài Kệ sau đây:

Người mải-mê hái hoa dục-lạc,
Bị Tử-thần đến bắt mang đi;
Như cơn lụt lớn, khác gì,
Cuốn phăng làng xóm ngủ khì, say mê.
(Kệ số 047.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Tỳ-lưu-ly: tên thật vua nầy bằng tiếng Pali là Vitatùbha.

– Ba-tư-nặc: tên thật vua nầy bằng tiếng Pali là Pasenadi, tiếng Phạn là Prasenajit. Vua Ba-tư-nặc là một Phật-tử thuần-thành, thường đến thưa hỏi Đức Phật về giáo-pháp.

– Câu-tát-la: tên thật nước nầy bằng tiếng Pali là Kosala.

– Ca-tỳ-la-vệ: tên thật thành nầy bằng tiếng Pali là Kapilavatthu.

– Thích-ca: tên thật của dòng-họ nầy bằng tiếng Pali là Sakya.

– Đại-danh: tên thật của vua nầy bằng tiếng Pali là Mahànàma.

– Ma-kiệt-đà: tên thật nước nầy bằng tiếng Pali là Magadha.

– Tàn-sát: tàn = tàn-bạo; sát = sát-hại, giết chết.

– Cầu hôn: xin cưới.

– Nô-lệ: nô = đầy-tớ; lệ = lệ-thuộc. Nô-lệ là người đầy-tớ, thân-thể thuộc về chủ, chủ có quyền sinh-sát được.

– Ô-uế: dơ-bẩn.

– Đại-dinh: đại = lớn; dinh = doanh trại, chỗ đóng quân.

– Hoa dục-lạc: hoa = bông hoa; dục = ham muốn; lạc = vui. Thú-vui vật-chất về thể-xác, trong Phật-học gọi là dục-lạc. Bảo đó là hoa, vì dục-lạc hay cám-dỗ, làm người vui-thích và mê-đắm.

– Tử-thần: thần Chết.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc báo-thù của vua Tỳ-lưu-ly đã tàn-sát dòng-họ Thích-ca. Ý-nghĩa quan-trọng là Luật Nhơn-Quả báo-ứng: dòng-họ Thích-ca trong tiền-kiếp đã giết chết hết loài cá trong hồ bằng thuốc độc, trong kiếp nầy phải chịu cảnh tàn-sát. Vua Tỳ-lưu-ly giết-hại người trong họ Thích-ca, phải chịu quả-báo hiện-tiền ( = ngay trước mắt) là bị nước lụt cuốn chết trôi ngoài biển, ngay trong đêm sau trận tàn-sát.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 047:

Trong bài Kệ, Đức Phật chỉ nhơn việc vua Tỳ-lưu-ly và quân lính đang ngủ mê, bị lũ-lụt cuốn trôi trong đêm, mà so-sánh với việc người ham chạy theo thú vui vật-chất, chẳng dè Thần Chết rình sẵn bắt đi, vào lúc mình chẳng ngờ. Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ là đừng tham-đắm dục-lạc, phải lo tu-hành, vì mình chẳng biết được lúc nào mình sẽ chết. Nếu chẳng tu-hành để giải-thoát, sẽ phải trôi lăn mãi trong vòng khổ-đau của sanh-tử Luân-hồi.

Tại sao Đức Phật lại chẳng dùng thần-thông cứu-giúp dòng-họ mình tránh khỏi cuộc tàn-sát? Chẳng phải Đức Phật đã vô-tình với họ-hàng, đó là vì luật quả-báo khi báo-ứng chẳng vì-nể ai, chẳng tư-vị ai, hễ đã làm ác thì phải chịu điều khổ-sở. Chẳng có nơi nào trên thế-gian nầy mà ta trốn được quả-báo cả.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để tự khuyên-răn lấy mình mỗi khi thấy bị thú-vui cám-dỗ.

2.- Ghi nhớ Tích chuyện, để tự-trách mình mỗi khi có ý-định muốn làm hại ai, hay trả thù ai.

3.- Hãy xem lại các Tích chuyện số (1), (2), (3), (4), và các bài Kệ liên-hệ đến việc thù-oán. Nhớ rằng: ôm việc thù-oán trong lòng là tự hại mình trước, vì lòng mình chẳng được nhẹ-nhàng, thanh-thản.

4.-Về các thú-vui giải-trí, sau những giờ làm việc nhọc-mệt, xin đề-nghị thử xét lại để tránh các “dục-lạc” thông-thường sau đây:

– hút thuốc lá, nhai kẹo, tán gẫu với bè-bạn;

– chơi bài tứ-sắc, xoa mạt-chược;

– rủ nhau vào quán rượu nhâm-nhi, sau giờ làm việc.

(36).- Tích chuyện bà Khưu-ma-Ly.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Khưu-ma-Ly, một người tín-nữ được sanh lên cõi Trời.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có bà Khưu-ma-Ly, cố chồng từ năm mười sáu tuổi và sanh được bốn người con trai. Bà là một Phật-tử thuần-thành, hằng ngày thường dâng-cúng thực-phẩm cho các vị Tăng-ni đi khất-thực. Bà thường đến chùa nghe giảng pháp, quét dọn quanh chùa, gánh nước đổ đầy vào lu và làm các công-quả khác. Bà Khưu lại có được khả-năng nhớ được tiền-kiếp của bà, trước ở cung Trời Đao-Lợi, làm vợ của vị Thiên-nam tên là Tràng Hoa. Bà nhớ rõ, thuở ấy, bà và các người bạn đang cùng nhau hái hoa và vui-đùa trong vườn hoa, bỗng bà qua đời và tái-sanh xuống cõi nhơn-gian. Cho nên, ngày nay, mỗi khi cúng-dường chư Tăng-ni, bà thường cầu-nguyện được tái-sanh trở lại cõi Trời để gặp lại người chồng cũ và các bạn-bè ở đấy.

Một hôm, vào buổi sáng, bà Khưu bị bịnh nhẹ, đến buổi chiều thì chết. Đúng như lời nguyện, bà Khưu được tái-sanh lên cõi Trời Đao-lợi và gặp lại ngay vị Thiên-nam Tràng Hoa, bấy giờ còn đang ngoạn cảnh trong vườn hoa với các bạn gái của bà. Vì một trăm năm dưới cõi trần chỉ bằng một ngày trên Thiên-giới, nên các người bạn và vị Thiên-nam, mới hỏi bà Khưu, tự nẩy giờ, bà đi đâu vắng mặt chẳng thấy. Bà Khưu thuật lại thời-gian ở cõi người, có gia-đình con cái và được nghe Đức Phật giảng pháp như thế nào cho các thiên-nữ cùng chồng nghe.

Bấy giờ, ở thế-gian, các vị Tỳ-kheo rất đau buồn khi hay tin bà Khưu đã lià cõi trần, và đem chuyện bà Khưu trình với Phật. Đức Phật cho biết nơi tái-sanh của bà Khưu là cõi Trời Đao-lợi, đồng thời chỉ-dạy các vị tỳ-kheo rằng, đời người rất ngắn-ngủi, chưa kịp hưởng cho thoả-mãn các thú-vui vật-chất, đã phải chết đi. Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người mải-mê hái hoa dục-lạc,
Chưa thỏa lòng thèm-khát ước-mong,
Đà trông thấy kià ông Thần Chết
Nắm cổ lôi đi, hết một đời.
(Kệ số 048.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Khưu-ma-Ly: tên thật bằng tiếng Pali rất dài, Patipùjika Kumàrì.

– Tín-nữ: tín = tin-tưởng; nữ = phụ-nữ, đàn-bà, cô gái. Chữ tín-nữ, trong Phật-học, chỉ vào người phụ-nữ tu tại-gia, giữ năm giới, thường vào chùa làm công-quả( = giúp việc thí-công trong chùa). Danh-từ chuyên-môn là ưu-bà-di (Upasikà), còn gọi là cận-sự-nữ. Về phiá đàn-ông, là ưu-bà-tắc (Upasakà), hay là cận-sự-nam.

– Thuần-thành: rất có nhiệt-tâm, tin tưởng vào ngôi Tam-Bảo, thi-hành đúng các bổn-phận của người tu tại-gia.

– Công-quả: công = công-đức; quả = kết-quả, trái (cây). Danh-từ nhà chùa, có nghĩa là vào chùa giúp việc lặt-vặt, bếp-núc; được tin-tưởng là nhờ đó mà được công-đức lành về sau.

– Thiên-nam: Thiên = Trời; nam = đàn-ông. Một vị Trời phái nam, còn phái nữ gọi là thiên-nữ.

– Tràng Hoa: tên thật bằng tiếng Pali là Màlabhàri.

– Nhơn-gian: nhơn = người; gian = khoảng, cõi, giới, xứ. Cõi nhơn-gian là cõi người.

– Cõi Trời Đao-lợi: tên cõi Trời nầy bằng tiếng Pali là Tàvatimsa.

– Ngoạn cảnh: xem cảnh, ngắm hoa trong vườn.

– Mải-mê: đang mê vào việc đó, chẳng để ý gì đến việc khác.

– Dục-lạc: dục = ham muốn; lạc = vui. Trong Phật-học, chữ dục-lạc trỏ vào các thú vui vật-chất, để thoả-mãn các giác-quan, nên thấp-kém so với các thú vui tinh-thần, hướng-thượng, cao hơn.

– Đà = đã; vừa thấy ngay đó liền.

B.- Nghĩa Ý:

(1).- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị thiên-nữ ở cung Trời Đao-lợi tái-sanh xuống cõi nhơn-gian, làm Phật-tử thuần-thành, có gia-đình và bốn con. Nhờ nhớ lại tiền-kiếp, bà Khưu đến chùa làm công-quả, cúng-dường chư Tăng-ni, nghe giảng-pháp. Bà cầu-nguyện được tái-sanh trở lên cung Trời, tái-hợp lại với chồng cũ là một vị Thiên-nam.

Ý-nghĩa quan-trọng trong Tích chuyện là cái chết đến bất-ngờ, như đang hái hoa vui đùa mà phải chết; vì thế cho nên trong lúc sống, đừng chạy theo dục-lạc, mà phải tinh-tấn tu-hành theo Chánh-pháp.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 048:

Cũng như bài Kệ số 047, bài kệ số 048 cảnh-cáo ta, nên biết cái chết sẽ đến bất-ngờ, đừng ” mải-mê hái hoa dục-lạc”, mà phải lo tu-tập để được giác-ngộ và giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ số 048: ý-nghĩa cũng giống như bài trước, nên dễ thuộc.

2.- Thời-gian rất tương-đối: Theo Tích chuyện, thời-gian ở dưới trần-gian một năm chỉ bằng một ngày trên cõi Trời. Theo kinh-kệ Phật-học, ở các cõi Trời khác, thời-gian còn lâu hơn nữa. Chúng ta chẳng thể nào kiểm-chứng lại được, vì còn phải sống ở cõi trần-gian. Ngay tại trần-gian nầy, thời-gian cũng chẳng giống nhau: ở Montreal 8 giờ sáng thì ở Sài-gòn là 8 giờ tối. Vậy, ta chớ nên cho rằng Tích chuyện nói sai sự-thật về thời-gian: khi mình chưa biết, chưa thấy, mình chẳng có quyền nói điều đó sai hay đúng; thái-độ đứng-đắn là chỉ nghe biết mà chẳng nên phê-bình đúng hay sai.

3.- “Chẳng mải-mê hái hoa dục-lạc” bằng cách nào? Tại sao ta lại chạy theo thú-vui vật-chất? Vì các thú-vui nầy làm thoả-mãn sự đòi-hỏi của các giác-quan ta, như mắt muốn xem tuồng cải-lương, như tai muốn nghe ca Vọng-cổ, v.v. Biết kềm-chế các giác-quan, là chẳng mải-mê chạy theo hái hoa dục-lạc đó.

(37).- Tích chuyện ông Cơ-sĩ-gia, kẻ giàu-có mà rít-róng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến ông Cơ-sĩ-gia là một kẻ giàu-có nhưng rất bỏn-xẻn (rít-róng).

Thuở ấy tại làng Sắc-kha-ra, gần Vương-xá-thành, có một người rất giàu-có, nhưng tâm-tánh rất hà-tiện, chẳng hề chịu bố-thí, dầu là một vật thật nhỏ-nhít trong số của-cải của ông ta. Một hôm, vợ chồng ông ta muốn ăn bánh rế, bánh cay, mới đem chảo dầu lên từng thượng trên lầu để chiên bánh, chẳng muốn cho ai trong nhà trông thấy để xin chia phần.

Sáng sớm hôm ấy, Đức Phật, trong cơn thiền-định, quán thấy vợ chồng ông Cơ-sĩ-gia có được cơ-duyên sắp chứng-đắc đạo-quả Tu-đà-huờn. Đức Phật liền sai vị đại-đệ-tử là Ngài Đại-Mục-kiền-liên đi đến nhà của ông Cơ-sĩ-gia và đưa hai vợ chồng người nầy đến tịnh-xá Kỳ-viên, vào đúng lúc chư Tăng sắp thọ ngọ-trai.

Ngài Mục-kiền-liên dùng thần-thông bay đến làng Sắc-kha-ra, đứng lơ-lửng trên không, trước cửa sổ, nơi hai vợ chồng Cơ-sĩ-gia đang lén-lút chiên bánh. Ông Cơ-sĩ-gia nom thấy, mới bảo Ngài Mục-kiền-liên đi chỗ khác, nhưng vị đại-đệ-tử vẫn đứng yên, im-lặng, chẳng nói lời nào. Một lúc sau, Cơ-sĩ-gia sốt ruột và tức tức trong bụng, mới bảo vợ: “Thôi, Bà hãy lấy một chút-xíu bột, chiên một cái bánh thật nhỏ, đem thí cho hắn đi đâu thì đi cho rảnh!”Bà vợ nghe lời, vít chút bột bỏ vào chảo chiên, nhưng lạ thay, cái bánh phồng to lên chiếm cả mặt chảo. Cơ-sĩ-gia nghĩ rằng vợ mình đã lấy nhiều bột quá, nên chính tay vít một chút-tẻo bột bỏ vào chảo chiên. Lạ thay, bánh cũng phồng to lên và chiếm cả mặt chảo như cái bánh trước. Mấy lần chiên như thế, cũng chẳng có được cái bánh nhỏ nào cả, Cơ-sĩ-gia mới bảo vợ, lựa trong rổ xem có cái nào nhỏ nhứt, lấy đem cho. Người vợ nghe lời, bốc lấy một cái, nhưng lạ thay, tất cả các bánh chiên sẵn đều dính chặt vào nhau, chẳng cách nào gỡ ra lấy riêng một cái được. Hì-hục một chặp mà chẳng lấy được cái bánh nào, Cơ-sĩ-gia cảm thấy hết thèm ăn bánh nữa, mới bưng cả rổ bánh trao cho Ngài Mục-kiền-liên. Lúc ấy, Ngài Mục-kiền-liên mới dùng lời hoà-nhã khuyến-dạy hai vợ chồng Cơ-sĩ-gia về hạnh bố-thí và mời cả hai đến chùa Kỳ-viên, gặp Phật và chư Tăng còn đang đợi họ đến thọ-trai. Làng Sắc-kha-ra cách chùa Kỳ-viên hơn bốn mươi lăm do-tuần, nhưng với sức thần-thông của Ngài Mục-kiền-liên, cả hai vợ chồng Cơ-sĩ-gia, tay bưng rổ bánh, chẳng mấy chốc đến nơi, đem dưng rổ bánh cúng-dường Đức Phật và chư Tăng. Bấy giờ, Đức Phật, sau buổi ngọ-trai, mới giảng về hạnh bố-thí; Cơ-sĩ-gia và vợ nghe lời Phật dạy, thấu-hiểu được Chánh-pháp, mới chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn.

Buổi chiều hôm ấy, khi các vị Tỳ-kheo khen ngợi Tôn-giả Mục-kiền-liên đã cảm-hoá được vợ chồng Cơ-sĩ-gia bỏ được thói rít-róng, Đức Phật mới bảo chư Tăng rằng: “Này các vị tỳ-kheo, các ông nên học theo tư-cách của Mục-kiền-liên, mỗi khi đi vào làng để khất-thực: nhận của bố-thí mà chẳng hề làm giảm mất sự tin-tưởng, sự rộng-luợng cùng tài-sản của người thí-giả.”

Bấy giờ, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Ong đến bên hoa, tìm hút nhụy,
Chẳng làm phai một tí sắc hương.
Y nhu thế, trên đường khất-thực,
Tỳ-kheo tỉnh-giác bước vào làng.
(Kệ số 049.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

– Cơ-sĩ-gia: tên thật người nầy bằng tiếng Pali là Kosiya.

– Sắc-kha-ra: tên thật làng nầy bằng tiếng Pali là Sakkàra.

– Đại Mục-kiền-liên: tên thật của Tôn-giả bằng tiếng Pali là Mahà Moggallàna.

– Rít-róng: cùng một nghĩa với các tiếng hà-tiện, bỏn-xẻn, kẹo, keo-kiệt.

– Bánh rế, bánh cay: loại bánh bằng bột, chiên dòn, thường được người Ấn-độ ưa dùng, trông giống như bánh còng, bánh cam của ta.

– Từng thượng: từng lầu cao nhứt trong nhà.

– Ngọ-trai: Ngọ = đúng trưa, mười hai giờ trưa; trai: ăn chay. Ngọ-trai là bữa ăn trưa; các tu-sĩ theo Phật-giáo nguyên-thủy mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào buổi trưa mà thôi.

– Hoà-nhã: Hoà = hiền-hoà; nhã = nhã-nhặn. Lời nói hiền-từ và êm-dịu, dễ nghe.

– Hạnh bố-thí: Hạnh = hành, hành-động; bố-thí = đem của-cải, công-sức, lời nói ra hiến-tặng ai. Hạnh bố-thí tạo nên phước lành cho người bố-thí. Hạnh nầy đứng đầu trong sáu pháp Ba-la-mật của Bồ-tát-đạo. Hạnh nầy giúp người tu-hành dứt bỏ được mối độc to lớn là xẻn-tham, trong ba mối độc tham, sân, si.

– Thọ-trai: ăn chay.

– Do-tuần: phiên-âm chữ Phạn là yojana, ước chừng một cây-số.

– Cảm-hoá: Cảm = cảm-động; hoá = chuyển đổi. Cảm-hoá là khiến cho người nghe biết bỏ chỗ sai mà theo điều đúng.

– Khất-thực: Khất = đi xin; thực = ăn. Khất-thực là hạnh tu của Đức Phật đặt ra, buộc mọi tỳ-kheo phải đi xin ăn, chẳng được làm nghề nào khác để sanh-sống. Hạnh nầy có mục-đích diệt lòng kiêu-hảnh nơi người tu-sĩ, phải cúi mình nhận của bố-thí của kẻ khác mà sống; đây cũng là dịp để các tu-sĩ gặp-gỡ người thường để khuyên-dạy về sự tu-hành cho họ.

– Tỉnh-giác: Tỉnh = thức-tỉnh, chẳng mê, tỉnh-táo; giác = biết. Người tỉnh-giác luôn luôn giữ chánh-niệm trong tâm, nói gì, làm gì, nghĩ gì, cũng biết mình đang nói, đang làm, đang nghĩ điều chánh-đáng. Trái với sự tỉnh-giác là thói buông-lung, mê-mờ, phóng-dật, chẳng biết kềm-thúc các giác-quan, chẳng biết chấn-chỉnh các vọng-tưởng.

B.- Nghĩa Ý:

(1).- Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc hai vợ chồng ông Cơ-sĩ-gia giàu mà rít-róng, muốn ăn bánh mà chẳng muốn mời ai, nên trốn lên lầu cao chiên bánh. Tôn-giả Mục-kiền-liên với sự kiên-nhẫn và thái-độ hiền-hoà đã cảm-hoá được họ, đưa họ đến gặp Đức Phật nghe thuyết-pháp mà chứng được quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn. Tích chuyện đã khéo mô-tả sự rít-rít-róng của vợ chồng Cơ-sĩ-gia: rứt lấy một cái bánh nhỏ trong rổ chẳng được, bánh dính chặt nhau trong rỗ, cũng như tiền-bạc cất trong bóp chẳng chịu móc ra một ít để đem bố-thí vậy! Người ta thường nói: “Đồng tiền dính liền khúc ruột!” đâu đành lòng rứt ra để tặng ai!

Trong Tích chuyện có nói đến sự thần-thông của Tôn-giả Mục-kiền-liên, ngày nay ta chẳng chứng-kiến được, thấy để mà tin theo, nhưng điều đó chẳng quan-trọng mấy; chỗ quan-trọng cần hiểu rõ là sự kiên-nhẫn của Tôn-giả, đứng im chờ được bố-thí, kiên-nhẫn đến mức cảm-hoá được cả hai vợ-chồng giàu mà kẹo nầy. Đọc Kinh-Sách Phật, ta chớ nên chú-trọng quá đến các phép lạ, mà nên cố tìm hiểu nghĩa sâu-kín ẩn trong lời kinh. Ở đây, nghĩa sâu-kín đó chính là sự keo-kiệt cần phải dẹp bỏ, để mau được giác-ngộ và giải-thoát.

(2).- Ý-nghĩa của bài Kệ số 049:

Bài Kệ nầy so-sánh thái-độ của vị tỳ-kheo đi khất-thực với cảnh con ong bay đến bên hoa, chỉ để hút nhụy mà chẳng làm phai một tí sắc hương của hoa. Thái-độ đó như thế nào? Đó là phải tỉnh-giác, nghĩa là chẳng bao giờ đánh mất chánh-niệm, luôn luôn tỉnh-táo, kiên-nhẫn, điềm-đạm chờ nhận sự bố-thí, mà chẳng làm giảm mất sự tín-tâm, sự rộng-rãi hay tài-sản của người thí-giả ( = người cho). Ong đến hút nhụy nơi hoa, cũng như vị tỳ-kheo đến với người thí-giả, giúp cho người nầy dẹp bỏ sự rít-róng, tạo được cho tâm mình sự vô-tham, chẳng luyến-tiếc của-cải, để có cơ-hội về sau được giải-thoát ra khỏi cảnh khổ của kiếp Luân-hồi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ: tuy bài Kệ nói về việc các tỳ-kheo đi khất-thực, nhưng người tu tại-gia cũng có dịp ứng-dụng trong việc tu-hành của mình, khi tình-nguyện đi xin tiền giúp cho các cơ-quan từ-thiện. Trong công-tác nầy, cần phải nhẫn-nhục, mềm-mỏng.

2.- Trong các cuộc lạc-quyên, mình có bao nhiêu, tùy sức mình mà giúp, chẳng nên vì danh mà cho thật nhiều, chẳng nên tủi thân vì mình chẳng sẵn tiền bạc dư. Của ít, lòng nhiều, tâm thành mới quí.

(38).- Tích chuyện ẩn-sĩ Phả-vị-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ẩn-sĩ Phả-vị-gia được một tín-nữ bảo-trợ.

Thuở ấy, tại nước Xá-vệ có một người tín-nữ giàu-sang rất thành-tâm hộ-trợ một người ẩn-sĩ, chăm-sóc như con đẻ, giúp đỡ mọi nhu-cầu. Bấy giờ, bà ấy nghe nói đến có Đức Phật đang ngụ tại chùa Kỳ-viên, nên muốn thỉnh Phật cùng chư Tăng về nhà cúng-dường thực-phẩm. Bà liền đi đến nơi Đức Phật trú-ngụ, cung-thỉnh Phật và chư Tăng đến nhà thọ-trai. Đức Phật nhận lời. Trong khi Đức Phật ngỏ lời tán-thán công-đức cúng-dường của vị tín-nữ, thì vị ẩn-sĩ Phả-vị-gia đang ở trong căn phòng bên cạnh, nghe thấy, mới nổi giận, to tiếng nguyền-rủa bà thí-chủ đã tỏ lòng kính-trọng Đức Phật và chư Tăng hơn mình. Vị tín-nữ nghe ông ta đang nói xấu Đức Phật và chúng Tăng, nên cảm thấy hổ-thẹn trong lòng, chẳng còn theo dõi được những lời Phật đang giảng dạy. Đức Phật nom thấy mới bảo vị tín-nữ, chớ nên để-ý đến những lời bất-nhã của kẻ ẩn-sĩ kia, mà chỉ nên chú-tâm đến những hành-động tốt hoặc xấu của chính mình.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Đừng nhìn thấy lỗi-lầm người khác,
Hoặc lỡ làm, hoặc sót chẳng làm.
Hãy nhìn thấy tâm mình trước đã:
Trót làm, lỡ sót, cả ngay gian.
(Kệ số 050.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Ẩn-sĩ: Ẩn = kín; sĩ = người; người tu-sĩ. Ẩn-sĩ là người tu-hành ở nơi xa-vắng.

– Phả-vị-gia: tên thật của vị ẩn-sĩ nầy bằng tiếng Pali là Pàveyya.

– Bảo-trợ, Hộ-trợ: Bảo = che-chở; Hộ = giúp-đỡ; trợ = cứu-giúp.

– Tín-nữ: Tín = tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ, đàn-bà, cô gái. Tín-nữ là người phụ-nữ tin-tưởng vào Phật-pháp. Đàn-ông gọi là thiện-nam.

– Nhu-cầu: các sự cần-dùng.

– Cung-thỉnh: Cung = cung-kính, kính-trọng; thỉnh = mời.

– Tán-thán: khen ngợi.

– Bất-nhã: Bất = chẳng; nhã = nhã-nhặn. Lời bất-nhã là lời hỗn-láo, bất-lịch-sự, vô-phép.

– Chú-tâm: để-ý đến.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa của Tích chuyện rất rõ-ràng: chê hành-động khiếm-nhã của vị ẩn-sĩ, vì ganh-ghét mà có lời vô-lễ đối với vị tín-nữ và Đức Phật cùng chúng Tăng. Sự ganh-ghét nầy làm phát-sanh sự tức-giận, tức là sân, một món độc thứ hai trong ba mối độc lớn, đã khiến cho chúng-sanh trôi lăn mãi trong cảnh khổ của kiếp Luân-hồi.

Đức Phật dạy bà tín nữ: “Đừng nhìn thấy lỗi-lầm của kẻ khác” mà hãy chú-tâm đến những lỗi-lầm của chính mình.” Nếu biết lỗi của mình mà sửa chữa lại, thì tâm trở nên thanh-tịnh, sớm giác-ngộ và giải-thoát. Khi mình vạch lỗi của người, chính mình cũng đã có lỗi trước rồi: lỗi đã kẽ-vạch lỗi-lầm kẻ khác để chê-bai.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 050:

Bài Kệ khuyên ta ba điều: (1) đừng vạch lỗi kẻ khác, (2) phải chơn-thành xét lấy lỗi-lầm của chính mình, (3) lỗi có hai thứ: (a) lỡ làm điều quấy; (b) quên làm điều lành. Đây là đường-lối thiết-thực để thanh-lọc tâm-ý cho thanh-tịnh. Tâm thanh-tịnh là tâm đã được giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ để ứng-dụng trong cuộc sống hằng ngày với kẻ khác, giữ tâm sao cho được thanh-tịnh.

2.- Đối với những người mà mình có trách-nhiệm hướng-dẫn, dìu-dắt, chỉ-dạy, việc chỉ rõ các lỗi-lầm của họ để sửa chữa lại, rất cần-thiết. Nhưng khi chỉ-dạy, phải dùng lời dịu-dàng, chớ trách-móc, đay-nghiến.

(39).- Tích chuyện cư-sĩ Chúc-pha-nhi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị cư-sĩ Chúc-pha-nhi và hai vị vương-phi của vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có vị cư-sĩ tên là Chúc-pha-nhi, tu-hành đắc được quả-vị A-na-hàm. Lúc bấy giờ, cư-sĩ Chúc-pha-nhi đang chăm-chú ngồi nghe Đức Phật thuyết-pháp; bỗng có Vua Ba-tư-nặc vào yết-kiến Đức Phật. Cư-sĩ Chúc-pha-nhi chẳng đứng dậy chào đón Vua, vì sợ rằng làm như vậy thì thiếu lễ-độ đối với Đức Phật trong khi Ngài đang giảng pháp. Nhưng nhà vua lại cho rằng cư-sĩ cứ ngồi yên như thế là thiếu sự kính-trọng đối với mình, nên vua tỏ vẻ chẳng bằng lòng. Đức Phật nom thấy, đoán biết tâm-trạng của nhà vua, nên sau đó có lời khen ngợi cư-sĩ là người rất thông-hiểu Chánh-pháp và đã chứng đắc được quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn là quả vị Bất-Lai ( = A-na-hàm). Khi nghe lời tán-thán nầy của Đức Phật, vua Ba-tư-nặc liền thay đổi thái-độ và tỏ ra có cảm-tình với cư-sĩ Chúc-pha-nhi.

Khi gặp lại cư-sĩ Chúc-pha-nhi, nhà vua nói: “Cư-sĩ là người rất thông-hiểu Chánh-pháp của Đức Phật, Trẫm xin mời cư-sĩ đến hoàng-cung để chỉ-dạy lại cho hai người vương-phi của Trẫm.” Nhưng cư-sĩ từ-chối lời mời và khuyên vua nên trình với Đức Phật cử một vị đại-đệ-tử đến giảng-dạy. Thể theo lời thỉnh-cầu của Vua, Đức Phật chỉ-định Tôn-giả A-nan đến cung vua để giảng pháp cho hai vị vương-phi là bà Mạt-lợi và bà Hoa-sa. Một thời-gian sau, Đức Phật hỏi Tôn-giả A-nan về sự tiến-bộ của hai vị vương-phi. Tôn-giả đáp: “Bà Mạt-lợi tu-hành rất tinh-tấn, còn bà Hoa-sa, mặc dầu nghe giảng nhưng chẳng chú-tâm đến.” Đức Phật bảo rằng: “Chánh-pháp chỉ đem lại lợi-ích thiết-thực cho những ai chăm-chú nghe và biết tinh-tấn áp-dụng những điều học-hỏi vào nếp sống hằng ngày.”

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Hoa đẹp sắc mà hương chẳng có,
Người cài lên chẳng toả mùi hương.
Lời cao-quí, miệng thường bàn-bạc,
Chẳng thực-hành, lợi-lạc chi đâu?
(Kệ số 051.)

Hoa đẹp sắc, hương thơm ngào-ngạt,
Người cài lên bát-ngát mùi hương.
Lời cao-quí, miệng thường bàn-bạc,
Thực-hành ngay, lợi-lạc đường tu.
(Kệ số 052.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

– Chúc-pha-nhi: tên thật vị ẩn-sĩ nầy tiếng Pali là Chattapàni.

– Ba-tư-nặc: tên thật vị vua nầy tiếng Pali là Pasenadi.

– Câu-tát-la: tên thật nước nầy, tiếng Pali là Kosala.

– A-nan: tên thật của Tôn-giả, tiếng Pali là Ànanda.

– Mạt-lợi: tên thật vị vương-phi nầy, tiếng Pali là Mallikà.

– Hoa-sa: tên thật vị vương-phi, tiếng Pali là Vàsabhakhattiya.

– Cư-sĩ: Cư = ở, cư-ngụ; sĩ = người. Chữ cư-sĩ dùng để chỉ đến các Phật-tử tu-hành tại-gia, có đức-hạnh cao.

– Vương-phi: Vương =vua; Phi = vợ vua.

– A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn ( =các đệ-tử sống gần bên Phật, nghe giảng kinh, tu-tập và đắc quả.) Tiếng Phạn là Anagàmi, còn dịch là Bất-Lai, nghĩa là chẳng phải tái-sanh lại cõi người.

– Hoàng-cung: Hoàng = vua; cung = cung-điện.

– Tinh-tấn: chuyên-cần và cố-gắng tiến lên mãi.

– Thiết-thực: gần với sự thật, có ích-lợi rõ-ràng, trước mắt, ngay cho mình. Trái với thiết-thực là viễn-vông.

– Bàn-bạc: bàn-luận, nói về.

– Lợi-lạc: có ích-lợi cho bản thân và cho người khác.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai ý-nghĩa: (1) Danh-lợi chẳng làm động-tâm được cư-sĩ Chúc-pha-nhi: (2) Nghe hiểu Chánh-pháp xong còn chửa đủ, cần đem giáo-pháp ra ứng-dụng vào đời sống tu-hành, liên-quan đến hai vị vương-phi của vua Ba-tư-nặc.

Cư-sĩ Chúc-pha-nhi chú-tâm nghe Phật giảng-pháp, chẳng đứng dậy chào Vua; đó là cư-sĩ trọng Phật hơn là kính-nễ quyền-thế của đấng quân-vương. Sau được vua mời vào cung giảng-pháp, cư-sĩ từ-chối danh-dự nầy, và đề-nghị với vua thỉnh một vị đại-đệ-tử của Phật. Đây là lòng khiêm-nhường đáng quí.

Bà Mạt-lợi nghe pháp do Tôn-giả A-nan chỉ dạy, tinh-tấn thi-hành theo, nên có tiến-bộ trong đường tu. Trái lại bà Hoa-sa, tuy có nghe pháp, nhưng lơ-là, chẳng chịu thực-hành, nên chẳng được lợi-ích chi cả.

Rút bài học về ý-nghĩa thứ hai của Tích-chuyện: Mỗi khi nghe giảng-pháp ở chùa, chớ nên bàn-luận miên-man rằng pháp nầy cao, pháp kia linh-nghiệm v.v. mà phải tìm cách ứng-dụng để tu-hành, sao cho tâm được thanh-tịnh. Đó mới là lợi-ích thiết-thực của việc đi chùa nghe pháp.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 051 và 052:

– Bài Kệ số 051 nói đến hoa có sắc mà chẳng có hương. Đây là ám-chỉ đến người có sắc đẹp mà chẳng có đức-hạnh. So-sánh với người thường bàn-luận về lời cao ý-đẹp mà chính mình chẳng chịu thực-hành, thành ra chẳng có ích-lợi gì cả.

– Trái lại, bài kệ số 052 nói đến hoa vừa có sắc vừa có hương, để ám-chỉ vào người vừa có sắc đẹp lại có đức-hạnh cao-quí. Đó là nhờ nghe đến lời cao-quí trong Chánh-pháp và tinh-tấn thi-hành theo trong đường tu. Ích-lợi cho việc tu-hành rất là to lớn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài kệ; để-ý: có sắc mà chẳng có hương.

2.- Tìm cách ứng-dụng bài học nầy vào việc đi chùa:(1) để nghe pháp; (2) tìm cách thi-hành trên bản thân mình;(3) chẳng bàn-luận suông.

(40).- Tích chuyện bà tín-nữ Vi-sa-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Đông-viên (Pubbàràma), nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà tín-nữ Vi-sa-kha, người đã cúng dường cho Tăng-đoàn ngôi tu-viện Đông-viên.

Bà Vi-sa-kha là cháu nội của ông Mẫn-đà-kha, một trong năm người hào-phú nhứt ở vương-quốc của vua Tần-bà-sa-la. Khi Đức Phật du-hành đến làng Bhaddiya, ông Mẫn dẫn bà Vi-sa-kha, lúc bấy giờ được bảy tuổi, cùng năm trăm quyến-thuộc tới nghe Phật giảng pháp, và chứng-đắc được đạo-quả Tu-đà-hườn.

Khi đến tuổi trưởng-thành, bà Vi-sa-kha kết-hôn với con trai ông Mỹ-nga-ra là một người rất giàu-có ở Xá-vệ. Một hôm, ông Mỹ đang ngồi ăn cơm, có một vị tỳ-kheo dừng lại trước cửa để khất-thực. Ông Mỹ lờ đi, chẳng chịu bố-thí. Bà Vi-sa-kha thấy thế mới thưa cùng vị tỳ-kheo: “Xin Ngài tha lỗi cho, cha chồng tôi đang bận ăn các thức ăn còn thừa, nên chẳng cúng-dường Thầy được.” Nghe con dâu nói thế, ông Mỹ nổi giận lên và đuổi bà Vi-sa-kha ra khỏi nhà. Bà Vi-sa-ka chẳng chịu đi, bảo rằng mình chẳng có lỗi chi. Bà yêu-cầu mời tám vị trưởng-thượng trong làng đến, để xét xem bà có lỗi cùng không. Khi các vị trưởng-thượng đến nhà, ông Mỹ trình-bày rằng: “Tôi đang dùng các thức ăn tươi-tốt, cháo sữa đựng trong chén bằng vàng như thế nầy, mà con dâu tôi dám bảo là tôi đang ăn đồ thừa. Thật đáng đuổi nó đi! ‘’ Bà Vi-sa-kha phân-trần: “Thưa các Ngài, khi tôi thấy cha chồng tôi cứ ngồi yên ăn cháo, lờ đi việc vị tỳ-kheo đang đến khất-thực, tôi nghĩ rằng cha chồng tôi chẳng chịu tạo phước lành bố-thí cúng-dường trong đời nầy, mà chỉ đang thọ-hưởng phước dư-thừa của đời trước. Vì thế, tôi mới nói, cha chồng tôi đang bận ăn các thức ăn còn thừa lại. Xin quí Ngài xét xem tôi có lỗi trong lời nói hay không.” Các vị trưởng-thượng cùng thảo-luận và đồng-ý rằng, khi nói lên Sự-Thật như thế, bà Vi-sa-kha chẳng có lỗi gì. Bà Vi-sa-kha tiếp: “Con là người vững tin nơi Phật-pháp, con chẳng muốn sống trong một nhà mà người chủ lại chẳng chịu bố-thí cúng-dường chư Tăng. Con sẽ ra đi, nếu chẳng được phép cung-thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến nhà để dưng-cúng thực-phẩm.” Liền đó, lời thỉnh-cầu của bà được chấp-thuận.

Ngày hôm sau, Đức Phật và chư Tăng được mời đến nhà ông Mỹ để thọ-trai. Trong khi dưng thực-phẩm lên Đức Phật và Tăng-chúng, bà Vi-sa-kha cho mời ông Mỹ đến để chia-xẻ phước-đức cúng-dường, nhưng ông lại từ-chối. Đến khi việc thọ-thực đã xong, bà Vi-sa-kha cũng cho người mời ông Mỹ ra phòng khách để nghe Đức Phật giảng-pháp. Bấy giờ, ông Mỹ nghĩ rằng chẳng nên từ-chối nữa, nên mới ngồi trong phòng bên cạnh, cách sau một bức rèm, theo đúng lời căn-dặn của vị thầy ngoại-đạo Ni-kiền-tử của ông ta. Nhờ nghe được lời giảng-pháp của Đức Phật mà ông Mỹ chứng được quả-vị Tu-đà-hườn; ông rất hân-hoan, cảm ơn người con dâu và bảo rằng từ rầy về sau, bà Vi-sa-kha được coi như người mẹ tinh-thần của ông,

Bà Vi-sa-kha sanh được mười người con trai và mười người con gái. Bà có một chiếc áo choàng nạm kim-cương do cha bà cho khi bà về nhà chồng. Bà mặc áo ấy đi đến Kỳ-viên-tự để lễ Phật. Thấy áo nặng quá, bà cổi ra, trao cho đứa hầu gái giữ. Sau buổi giảng-pháp, đứa tớ gái quay về, lại bỏ quên chiếc áo ở tu-viện. Bấy giờ, Tôn-giả A-nan có nhiệm-vụ thu-nhặt các vật bỏ quên để hoàn lại. Bà Vi-sa-kha sai đứa ở trở lại và dặn nó rằng: “Nếu Tôn-giả A-nan đã cất chiếc áo, thì đừng xin lại, vì ta muốn cúng-dường cho Tôn-giả.” Nhưng Tôn-giả A-nan từ-khước chẳng nhận. Bà Vi-sa-kha liền đem bán chiếc áo để lấy tiền mua thực-phẩm cúng-dường chư Tăng. Chẳng ai có đủ tiền để mua, nên bà Vi-sa-kha mới mua lại với giá chín đồng tiền vàng. Với số tiền to lớn nầy, bà xây ngôi tu-viện Đông-viên, ở về phía Đông chùa Kỳ-viên để dưng-cúng lên Đức Phật và chư Tăng-ni. Tên tu-viện đó bằng tiếng Pali là Pubbàràma.

Sau buổi lễ khánh-thành tu-viện Đông-viên, bà Vi-sa-kha bảo với con cháu rằng, mọi ước-nguyện của bà nay đã hoàn-toàn thoả-mãn. Bà hân-hoan và thành-tâm đọc kinh cầu nguyện, đi nhiễu nhiều vòng chung quanh tu-viện. Chư Tăng thấy thế, cho rằng bà Vi-sa-kha đang ca-hát và đến thưa trình với Phật rằng bà Vi-sa-kha tỏ ra rất khác thường, có lẽ bà đang mất trí. Đức Phật bảo: “Tín-nữ Vi-sa-kha, trong nhiều đời, tâm rất rộng-rãi, bố-thí cúng-dường rất nhiều. Bà ta là người làm cho Phật-pháp được hưng-thịnh. Hôm nay, bao nhiêu sự ước-mong cúng-dường Phật-pháp đã hoàn-mãn, nên bà rất hân-hoan, chẳng phải là người mất trí đâu. Đó cũng như người thợ kết tràng hoa khéo-léo, đã khéo chọn số hoa tươi trong đống hoa ngổn-ngang, kết thành một tràng hoa thật đẹp.”

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Lấy hoa trong đống ngổn-ngang,
Khéo tay, thợ kết nhiều tràng hoa xinh.
Cùng thế ấy, tử-sanh tuy lận-đận.
Khéo biết làm lành, việc thiện cũng tăng.
(Kệ số 053.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

-Các tên được Việt-hoá cho dễ đọc:

– Vi-sa-kha: tên thật vị tín-nữ nầy tiếng Pali là Visàkhà.

– Mẫn-đà-kha: tên thật vị hào-phú nầy tiếng Pali là Mendaka.

– Tần-bà-sa-la: tên thật vị vua nầy là Bimbisàra.

– Mỹ-nga-ra: tên thật người giàu-có nầy tiếng Pali là Migàra.

– Tín-nữ: Tín =tin-tưởng; nữ = phụ-nữ, đàn-bà, cô gái. Tín-nữ là người phụ-nữ tin-tưởng vào Phật-pháp, tu-hành tại nhà.

– Tu-viện: Tu = tu-hành; Viện = ngôi chùa, đền-đài.

– Hào-phú: người rất giàu-có.

– Du-hành; đi dạo đến.

– Quyến-thuộc: Quyến = gia-quyến, người trong nhà. Quyến-thuộc là những người sống trong nhà, trong gia-quyến. Còn gọi là thân-bằng quyến-thuộc.

– Trưởng-thành: Trưởng = lớn. Đến tuổi trưởng-thành là đã đến tuổi để lập gia-đình, vào độ hai mươi tuổi.

– Kết-hôn: lấy vợ, lấy chồng.

– Lờ đi: giả bộ chẳng thấy, chẳng nghe đến.

– Trưởng-thượng: Trưởng = lớn; Thượng = trên. Bực trưởng-thượng là những người lớn tuổi, đáng kính-trọng.

– Đồ thừa: thức ăn còn dư, chẳng được tươi-tốt.

– Phân-trần: nói rõ ra để kẻ khác hiểu được bụng thật của mình.

– Thỉnh-cầu: lời yêu-cầu, lời cầu-xin.

– Thọ-trai: Thọ = nhận; trai = ăn chay.

– Thọ-thực: Thọ = nhận; thực = ăn. Thọ-trai, thọ-thực là tiếng ở chùa chỉ đến việc ăn cơm chay.

– Bức rèm: tấm màn mỏng ngăn chia hai phòng trong nhà.

– Ngoại-đạo: Ngoại = ngoài; đạo = đạo tu-hành. Danh-từ ngoại-đạo dùng để chỉ các đạo khác với Đạo Phật. Vào thời Đức Phật có sáu ngoại-đạo; trong đó có phái chủ-trương loã-thể ( = chẳng mặc quần-áo) gọi là Ni-kiền-tử ( = phiên-âm chữ Nigantha.)

– Người mẹ tinh-thần: Ở đây có nghĩa là bà Vi-sa-kha hiểu biết Phật-pháp nhiều hơn ông Mỹ, nên được ông ta kính-trọng, chẳng xem như con dâu, mà xem như một bực tu-hành đạo-đức cao hơn mình.

– Khánh-thành: buổi lễ mừng việc xây cất đã thành công.

– Đi nhiễu: đi chầm-chậm xung-quanh ngôi chùa, tháp, để tỏ lòng kính-trọng. Thường các đệ-tử hay đi nhiễu ba vòng chung quanh chỗ Phật ngồi để tỏ lòng kính-trọng Phật.

– Hưng-thịnh: khởi-phát lên mạnh-mẽ.

– Tử-sanh lận-đận: Tử-sanh là sống chết; lận-đận là khổ-sở. Vì phải tái-sanh, sống đi chết lại nhiều đời-kiếp để chịu khổ-sở, nên bài Kệ mới nói Tử-sanh lận-đận. Tu-hành đến mức được giải-thoát, khỏi phải chịu cảnh Luân-hồi nữa, thì thoát được vòng tử-sanh lận-đận, chứng được cảnh Niết-bàn vô-sanh.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) bà Vi-sa-kha chê thái-độ cứ ngồi ăn, lờ đi việc cúng-dường của ông Mỹ là đang ăn đồ thừa; (2) công-đức cúng-dường tu-viện Đông-viên của bà Vi-sa-kha.

Bà Vi-sa-kha rất có lý khi bảo ông Mỹ đang ăn đồ thừa, mặc dầu ông ta đang ăn cháo sữa trong chén vàng. Vì chẳng chịu tạo thêm phước mới trong đời nầy, nên chỉ hưởng-dụng phước cũ của đời trước. Phước cũ đó tức là đồ ăn dư-thừa của đời trước. Hưởng hết phước cũ rồi mà chẳng chịu tạo phước mới, bằng cách bố-thí, cúng-dường, thì chẳng còn được sung-sướng về các đời sau.

Bà Vi-sa-kha là người tín-nữ rất nổi tiếng vào thời Đức Phật còn tại thế. Sau khi ông Cấp-cô-độc mua ngôi vườn của Thái-tử Kỳ-đà bằng cách lót vàng lên khu đất, để xây tu-viện Kỳ-viên cúng-dường Phật và chư Tăng, thì bà Vi-sa-kha đã xây cất ngôi tu-viện Đông-viên, cũng rộng lớn cúng-dường Phật và chư Tăng-ni. Hai công-đức cúng-dường nầy rất to-tát, kinh-sách thường nhắc đến.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 053:

Bài Kệ có liên-quan đến ý-nghĩa thuú hai của Tích chuyện: công-đức cúng-dường tu-viện cho Tăng-ni.

Hai câu đầu: So-sánh với người thợ kết tràng hoa. Giữa đống hoa ngổn-ngang, người thợ khéo tay, biết chọn hoa đẹp kết thành tràng. Cũng như người đang sống trong cảnh khổ, biết tìm cách tạo phước-đức trong đời nầy, khiến cho cuộc sống có ý-nghĩa đẹp như một tràng hoa.

Hai câu sau: Tuy còn đang trôi lăn trong cảnh sanh-tử khổ-sở của Luân-hồi, người biết tạo phước lành, khéo tìm cơ-hội làm cho việc thiện của mình tăng lên thêm, do đó sẽ có ngày gặp đủ cơ-duyên để được giác-ngộ và giải-thoát.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; nhớ đến công-đức bà Vi-sa-kha, để mỗi khi được mời hùn công-đức tu-bổ chùa chiền mà hăng-hái tham-gia vào.

2.- Thực-tập việc cúng-dường, bố-thí:

– Mỗi khi gặp người nghèo khổ, nên đưa tiền, ít nhiều chẳng kể, cho con cháu đi theo mình, để chính tay nó trao cho người ăn xin, tập cho nó có thói quen bố-thí.

– Mỗi tuần vào chùa lễ Phật, nên bảo con cháu đi theo, cầm theo hoa-quả, cung-kính đặt lên bàn Phật, dạy nó xá ba xá trước tượng Phật, để tỏ lòng cung-kính. Chớ nên bảo nó, con lạy Phật để Ngài phò-hộ con học giỏi, thi đậu, v.v. vì như thế làm mất ý-nghĩa cúng-dường đi.

(41).- Tích chuyện về câu hỏi của Tôn-giả A-nan.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một câu hỏi của Tôn-giả A-nan.

Thuở ấy, vào buổi chiều, Tôn-giả A-nan đang ngồi một mình, ngẫm-nghĩ trong đầu về một việc: “Hương thơm của thân-cây, của bông-hoa, của rễ-cây, các loại hương thơm nầy đều bay theo chiều gió mà lan rộng ra. Chẳng biết có mùi hương nào vừa bay theo chiều gió, lại vừa ngược với chiều gió chăng? Chẳng biết có hương thơm nào toả rộng bát-ngát khắp nơi chăng?” Tôn-giả chẳng tự mình tìm lấy câu trả lời, mà lại đến gần bên Đức Phật, thưa thỉnh Ngài giải-đáp cho.

Đức Phật nói: “Nầy A-nan, thí-dụ như có người quy-y Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, hành-trì đầy đủ năm giới tại-gia, tỏ ra rộng-rãi trong việc bố-thí, cúng-dường, chẳng hề rít-róng, người ấy thật có đức-hạnh và đáng khen-ngợi. Danh-tiếng người nầy sẽ lan rộng ra khắp chốn, và các tỳ-kheo, các bà-la-môn, cả những người thường-nhơn, ai ai cũng đều khen ngợi người ấy, dầu người ấy cư-trú ở bất cứ nơi nào.”

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Hương chiên-đàn, mạt-lỵ, già-la,
Chẳng hương nào ngược gió bay xa.
Chỉ có hương thơm nhà đạo-đức
Ngược gió mà phảng-phất mười phương.
(Kệ số 054.)

Hương chiên-đàn cùng hương mạt-lỵ,
Hương già-la với hương vũ-quí,
Giữa những thứ hương nầy,
Giới-hương là vô-nhị.
(Kệ số 055.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Hương: mùi thơm.

– Quy-y Tam-Bảo: Quy = trở về; Y = nương-tựa; Tam = ba; Bảo = quí-báu. Quy-y Tam-Bảo là trở vể nương-tực nơi ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng.

– Hành-trì năm giới tại gia: Hành = làm; Trì = giữ; Năm giới: (1)chẳng sát-sanh, (2) chẳng trộm-cắp, (3) chẳng tà-dâm, (4) chẳng nói dối, (5) chẳng uống rượu. Đây là năm giới cấm mà người tu tại-gia phải giữ đúng.

– Bà-la-môn: tiếng Pali là Brahmana, giới tu-sĩ Ấn-độ. Theo sự phân-chia giai-cấp ở Ấn-độ, có bốn giai-cấp: Bà-la-môn (tu-sĩ), Sát-đế-lợi (vua, quan), Vệ-xá (buôn-bán) và Thủ-đà-la (nông-dân). Dân cùng-khổ nhứt là hạng Chiên-đà-la, làm các nghề hạ-tiện.

– Chiên-đàn: loại gỗ thơm, có mùi như trầm-hương. Tiếng Pali là Gandha.

– Mạt-lỵ: loại hoa giống như hoa lài của ta. Tiếng Pali là Mallika.

– Già-la: một loại gỗ thơm. Tiếng Pali là Tagara.

– Hoa vũ-quí: một loại hoa thơm tựa mùi hoa lài, tiếng Pali là Vassiki.

– Mười phương: bốn phương chánh: Đông, Tây, Nam, Bắc; bốn phương bàng: Đông-Nam, Đông-Bắc, Tây-Nam, Tây-Bắc; và hai bên Trên và Dưới, cộng lại là mười phương.

– Vô-nhị: Vô = chẳng có; Nhị = hai. Cùng nghĩa với chữ độc-nhứt, nghĩa là chỉ có một, chẳng thể có hai; chẳng có gì sánh bằng được.

B.- Nghĩa Ý:

(1)Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: các mùi hương đều bay theo chiều gió, chỉ có giới-hương mới có thể ngược gió mà phảng-phất khắp mười phương. Đức Phật nêu rõ thế nào là giới-hương: đức-hạnh của người tu-hành, quy-y Tam-Bảo, giữ đúng ngũ-giới, siêng-năng bố-thí, nhờ đó mà danh-thơm, tiếng tốt được mọi người xa gần đều quí-mến.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 054 và 055:

Hai bài kệ so-sánh các thứ hương thơm, như hương chiên-đàn, mạt-lỵ, già-la, vũ-quí, chẳng thể ngược gió bay xa như hương thơm nhà đạo-đức, tức là giới-hương. Người có đức-hạnh, tu-hành tinh-tấn, sẽ được mọi người gần xa kính mến, nhờ biết quy-y Tam-Bảo và giữ đúng giới-hạnh.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; ghi nhớ: giới-hương cao-quí hơn tất cả mọi mùi hương.

2.- Tập giữ giới cho thật thanh-tịnh: Phật-tử tu tại-gia chỉ có năm giới phải tuân theo, nhưng giữ cho trọn-vẹn chẳng phải là việc dễ. Cần phải thường thường xét lòng mình, đừng dễ-dãi với mình mà vi-phạm.

(42).- Tích chuyện Tôn-giả Đại Ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc Tôn-giả Đại Ca-diếp, vừa xuất diệt-tận-định.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Ca-diếp vừa xuất cơn diệt-tận-định liền ôm bình bát đi vào một khu nghèo-khổ nhứt trong thành Vương-xá để khất-thực. Mục-đích của Tôn-giả là khiến cho một người nghèo-khổ nào đó có được cơ-duyên tạo nên phước-đức thật to-lớn vì cúng-dường cho một bực vừa chứng-nhập diệt-tận-định. Lúc bấy giờ, Vua Đế-Thích Sắc-ca trên cõi Trời, nom thấy, muốn tạo nên phước-báu đó, mới cùng với vợ là bà Sử-gia-ta, hoá hình làm hai vợ-chồng già-cả cùng-khổ, làm nghề dệt vải ở thành Vương-xá. Tôn-giả Đại Ca-diếp dừng lại trước cửa nhà, người chồng liền bưng lấy bình bát của Tôn-giả, sớt vào cơm trắng với cà-ri đầy bát, mùi thơm của thức ăn bốc lên bát-ngát cả thành-phố. Bấy giờ, Tôn-giả đoán biết người thí-giả nầy chẳng phải là người thường, liền mở mắt thiên-nhãn ra nhìn, thấy đó chính là Vua Trời Đế-Thích Sắc-ca hoá hình ra. Vua Đế-Thích mới nói thiệt rằng, trước kia ông rất nghèo khổ vì chẳng có cơ-hội tạo phước cúng-dường trong thời Đức Phật. Nói xong, Vua Đế-Thích và phu-nhơn liền kính-cẩn chào Tôn-giả để từ-biệt trở về cung Trời.

Nơi tịnh-xá Trúc-lâm, Đức Phật dùng thiên-nhãn, nhìn thấy cảnh-tượng nói trên, mới nói cho các vị tỳ-kheo biết việc cúng-dường của vua trời Đế-Thích. Các vị tỳ-kheo thắc-mắc tại sao vua Đế-Thích lại biết được Tôn-giả Đại Ca-diếp vừa xuất cơn diệt-tận-định, để giáng trần mà cúng-dường. Đức Phật giải-đáp rằng: “Nầy chư tỳ-kheo! Danh-tiếng của một người có đức-hạnh cao-quí như Đại Ca-diếp vang dội xa gần, thấu đến tận cung Trời, khiến cho Vua Đế-Thích biết được mà đến cúng-dường.”

Bấy giờ Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hương chiên-đàn, hương già-la còn nhạt,
Chỉ có giới-hương toả ngát cung Trời.
(Kệ số 056.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Tôn-giả Đại Ca-diếp: Tôn-giả = bực đáng kính-trọng; Đại Ca-diếp = tên thật của Tôn-giả bằng tiếng Pali là Mahàkassapa. Tôn-giả Đại Ca-diếp là vị đại-đệ-tử của Phật, tu theo hạnh đầu-đà vào bực nhứt. Ngài kế-tiếp Đức Phật lãnh-đạo Tăng-đoàn và là vị Tổ-sư thứ nhứt của Thiền-tông Ấn-độ.

– Diệt-tận-định: Diệt = tiêu-diệt; tận = hết cả, chẳng còn gì; định = tâm-trạng của người tu-thiền, đạt đến mức rỗng-không, chẳng còn bị ngoại-cảnh chi-phối, chẳng còn bị ý-tưởng bên trong trì-níu. Diệt-tận-định là tình-trạng nhập-định cao nhứt, vượt qua bốn cõi Thiền và bốn cõi đại-định, chấm-dứt tạm thời được thọ-uẩn và thức-uẩn, mà chứng-nhập Niết-bàn.

– Tịnh-xá Trúc-lâm: tên thật tịnh-xá nầy bằng tiếng Pali là Veluvana, ở ngoài thành Vương-xá, trong rừng tre, nơi Đức Phật thường cư-trú và giảng-pháp. Tînh-xá nầy do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) dâng-cúng Đức Phật.

– Vương-xá thành: tên thật thủ-đô cũ của nước Ma-kiệt-đà (Magadha), bằng tiếng Pali là Ràjagaha. Gần thành Vương-xá, có ngọn núi Linh-thứu, còn gọi là ngọn Kỳ-xà-quật hay Kê-túc-sơn, tiếng Phạn là Gridhrakùta, hình-thể giống như con chim ó xoè cánh ra. Chính nơi đây, có hương-phòng của Đức Phật, và Kinh Diệu-pháp Liên-Hoa được Đức Phật giảng tại đây.

– Sắc-ca: tên của Vua Trời Đế-Thích, tiếng Pali là Sakka.

– Sử-gia-ta: tên thật bằng tiếng Pali là Sujàta.

– Thiên-nhãn: Thiên = Trời; nhãn = con mắt. Thiên-nhãn chẳng phải là một cặp mắt nào khác, mà chỉ vào khả-năng nhìn được xa, thấy được rõ của bực tu-hành đắc đạo có đức-hạnh cao. Thiên-nhãn có thể thấy xuyên qua các vật ngăn cách.

– Giáng-trần: Giáng = đi xuống; trần = ở đây, chỉ cảnh trần-gian của cõi người.

– Nhạt = lợt-lạt, chẳng đượm nồng.

– Giới-hương: Giới = các điều răn-cấm trong giáo-lý; hương = mùi thơm. Chữ giới-hương có nghĩa là danh-tiếng của người tu-hành giữ giới luật thật đầy-đủ, đức-hạnh thật cao.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Vua Đế-Thích từ cung Trời hiện xuống để cúng-dường Tôn-giả Đại Ca-diếp, một bực tu-hành đã chứng đắc được diệt-tận-định. Ý-nghĩa của Tích chuyện là giới-hương toả rộng khắp nơi, xa đến tận cung Trời; nói cách khác, danh-tiếng người tu-hành có đức-hạnh cao, tự-nhiên vang-dội đi xa, chẳng cần phải phô-trương chi cả.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 056:

Ý-nghĩa cũng giống với hai bài Kệ trước, số 054 và 055.

HỌC TẬP:

– Học thuộc lòng bài Kệ, và nhớ lại hai bài Kệ trước về giới-hương.

(43).- Tích chuyện Trưởng-lão Cơ-thi-ca.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Tînh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Cơ-thi-ca, người chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, trước khi nhập-diệt.

Thuở ấy ở nước Ma-kiệt-đà, có Trưởng-lão Cơ-thi-ca tu-hành rất tinh-tấn, thường ngồi Thiền trên một phiến đá ở núi Isigili. Nhưng rủi thay, mỗi khi vào cơn đại-định, Trưởng-lão lại bị bịnh-hoạn hoành-hành, khiến cho việc tu-tập bị trở-ngại. Với chí cương-quyết, Trưởng-lão nỗ-lực hành-trì, nhưng mỗi lần đều bị gián-đoạn vì cơn đau, khiến cho sự tiến-bộ bị ngưng-trệ. Đến lần thứ bảy, Trưởng-lão quyết-tâm, thà chết chớ chẳng chịu ngả lòng. Trưởng-lão toan dùng dao cạo cắt lấy yết-hầu để tự-sát, thì chứng đắc được quả-vị A-la-hán. Sau đó, Ngài nhập-diệt.

Lúc bấy giờ, Ma-vương hay biết Trưởng-lão đã từ-trần, mới tìm cách xem Trưởng-lão thác-sanh về đâu. Ma-vương tìm hoài chẳng thấy, mới hoá hình ra một chàng thanh-niên đến yết-kiến Đức Phật để thưa hỏi, chẳng biết Trưởng-lão Cơ-thi-ca, nay đi về đâu. Đức Phật bảo Ma-vương: “Nầy Ma-vương, ông đừng cố tìm biết nơi thác-sanh của Cơ-thi-ca chi cho vô-ích vì Trưởng-lão Cơ-thi-ca đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, sau khi gột sạch tất cả lậu-hoặc và nhập Niết-bàn. Với tất cả quyền-lực của một vị Ma-vương, ông chẳng thể nào tìm được nơi thác-sanh của những bực đã chứng quả vô-sanh như Cơ-thi-ca.”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người hằng sống trong lòng tỉnh-thức;
Giới-hạnh cao, đạo-đức vẹn-toàn,
Bằng Chánh-trí, giải-thoát xong lậu-hoặc;
Ác-ma muốn bắt, biết đâu mà tìm.
(Kệ số 057.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Trưởng-lão: Trưởng = lớn, lớn tuổi; lão = già. Chữ Trưởng-lão, trong Phật-học chỉ vào các bực tu-hành lâu năm, đức-hạnh vẹn-toàn.

– Cơ-thi-ca: tên thât của vị Trưởng-lão bằng tiếng Pali là Godhika.

– Quả-vị A-la-hán: đây là quả-vị thư tư, cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Người chứng được quả-vị nầy chẳng còn phải tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa, nên gọi là quả vô-sanh, hằng sống an-vui trong cảnh tịch-diệt của Niết-bàn.

– Isigili: tên một ngọn núi thuộc nước Ma-kiệt-đà (Magadha).

– Đại-định: tâm-trạng của người ngồi Thiền đạt đến cảnh-giới vắng-lặng, rỗng-không.

– Hoành-hành: Hoành = tung-hoành, tàn-phá; hành = làm. Bị hoành-hành là bị hành-hạ khổ-sở.

– Ngưng-trệ: bị dừng lại, chẳng tiến lên thêm được.

– Yết-hầu: cổ họng.

– Tự-sát: mình giết mình, tự-tử.

– Nhập-diệt: chết.

– Từ-trần: chết.

– Thác-sanh: sanh trở lại nữa.

– Yết-kiến: đến gặp người cao-quí.

– Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy; hoặc = điều sai-lầm. Chữ lậu-hoặc là danh-từ chuyên-môn Phật-học, trỏ vào các thói xấu của con người chẳng có tu-hành. Lậu-hoặc được ví với các chất bẩn-thỉu rỉ chảy từ bên trong ra. Đó là các món độc như tham, sân, si, mạn( =kiêu-căng), nghi, tà-kiến.

– Vô-sanh: Vô = chẳng có; sanh = sanh trở lại nữa, theo vòng Luân-hồi. Chứng được quả vô-sanh thì chẳng phải chịu cảnh chết đi sống lại và sự khổ-sở của Luân-hồi. Đừng tưởng-lầm vô-sanh là chẳng sanh nữa, tiêu-diệt luôn; trái lại, người chứng quả vô-sanh hằng sống mãi trong cảnh tịch-diệt an-vui của Niết-bàn.

– Chánh-trí: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Trí = trí-huệ. Đồng một nghĩa với chữ Trí-huệ Bát-nhã Ba-la-mật, cái trí của bực tu-hành đã đến được bờ bên kia, nghĩa là được giác-ngộ và giải-thoát.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện đề-cao ý-chí cương-quyết của một vị Trưởng-lão tinh-tấn hành Thiền, khuất-phục được cơn đau, để chứng được quả-vị A-la-hán.

Tích chuyện còn nêu lên việc Ma-vương muốn tìm bắt Trưởng-lão Cơ-thi-ca khi Ngài từ-trần, nhưng chẳng được. Đó là một cách nói trong Kinh-sách, để giải-thích sự vô-sanh: vì chẳng còn phải tái-sanh nữa, sống an-vui trong cảnh Niết-bàn, nên sự cám-dỗ của Ma-vương chẳng có cách nào phá-hại được nữa.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 057:

Bài Kệ ghi lại con đường tu-tập để tiến lên mục-tiêu đắc được đạo-quả vô-sanh, nghĩa là thoát khỏi được vòng sanh-tử Luân-hồi, chứng-nhập cảnh-giới Niết-bàn an-vui.

Thử phân-tách bài Kệ:

– Người hằng sống trong lòng tỉnh-thức: đây là đường-lối tu-tâm, luôn luôn giữ chánh-niệm, tỉnh-giác, khiến cho vọng-niệm chẳng thể khởi lên lôi kéo tâm theo còn đường quấy;

– Giới-hạnh cao, đạo-đức vẹn-toàn: trì giữ giới-hạnh thật thanh-tịnh, tránh điều dữ, siêng làm việc lành, vừa tạo thêm phước, vừa chuyển-đổi được nghiệp-quả xấu của các đời trước;

– Bằng Chánh-trí, giải-thoát xong lậu-hoặc: về mặt tích-cực, phát-triển Trí-huệ Bát-nhã (Chánh-trí) bằng cách siêng tu Thiền-định; về mặt tiêu-cực, tận-diệt các lậu-hoặc, nhứt là ba món độc tham, sân, si.

– Ác-ma muốn bắt, biết đâu mà tìm: chứng được quả vô-sanh, chẳng còn bị sự tham-ái lôi kéo vào con đường sanh-tử nữa.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để tự nhắc nhở lấy con đường tu-tập.

2.- Tập ngồi Thiền: buổi đầu nên tập ngồi tĩnh-tâm, yên lặng theo dõi từng hơi thở ra vào, hơi đi tới đâu, tâm theo dõi đến đấy. Thử tập trong mười hơi thở, nghỉ một lát, tập tiếp. Nhớ đừng nghĩ gì cả, khi thở.

(44).- Tích chuyện hai người bạn khác đạo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến hai người bạn khác đạo nhau và phép mầu hoa sen.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có hai người bạn thân nhau, một người tên là Sĩ-di-cúc, một người tên là Hạ-đinh-nha. Sĩ-di-cúc là một Phật-tử tại-gia rất thuần-thành, còn Hạ-đinh-nha thì theo ngoại-đạo là nhóm loã-thể Ni-kiền-tử. Nhóm ngoại-đạo nầy chống-đối với Đức Phật. Đã nhiều lần, anh Hạ nghe theo lời bọn Ni-kiền-tử, thường khuyên bạn mình nên bỏ đạo Phật mà đi theo nhóm loã-thể. Anh Hạ nói: “Nầy bạn, bạn nên theo học đạo với chúng tôi. Các vị thầy của tôi có được quyền-năng mạnh-mẽ, biết được cả việc quá-khứ, việc hiện-tại và việc tương-lai. Các Ngài còn đọc được tư-tưởng của các người khác nữa!” Anh Sĩ nghe nói thế, muốn biết được sự-thật, nên mới thỉnh nhóm Ni-kiền-tử đến nhà mình để dâng cơm cúng-dường.

Anh Sĩ cho đào một hố sâu trước sân, che rạp lại; bên dưới hố để đầy phân và các chất bẩn-thỉu, bên trên lót ván mỏng, kê ghế ngồi. Anh sắp nhiều chậu, chất lá chuối ở dưới, còn bên trên thì để cơm và cà-ri. Khi các người Ni-kiền-tử đến, anh Sĩ mời họ xếp hàng đi vào từng người một, theo thứ-tự đứng trước ghế của mình, rồi cùng ngồi xuống một lượt. Vừa ngồi xuống, thì ghế bật ngả, cả bọn Ni-kiền-tử lọt vào hố phân, la chí-choé. Anh Sĩ to tiếng nói: “Các ông thường khoe là biết cả việc quá-khứ, hiện-tại và vị-lai, đoán rõ được tư-tưởng của người khác, sao lại chẳng biết mình sẽ rơi vào hầm phẩn?” Cả bọn Ni-kiền-tử giận-dữ, vừa nguyền-rủa, vừa bẽn-lẽn, bò lên, bỏ ra về.

Thấy những người đồng-đạo của mình bị nhục như thế, anh Hạ rất căm-phẫn; trong hai tuần, chẳng thèm nói chuyện với anh Sĩ. Sau nghĩ được mưu-kế trả thù, anh giả bộ làm lành, đến nhờ anh Sĩ tới cung-thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến nhà anh, để anh dâng cơm cúng-dường. Anh Sĩ đến trình Phật việc anh gạt bọn Ni-kiền-tử khi trước, và thưa-thỉnh Ngài nên xét xem có nên nhận lời đến nhà anh Hạ chăng? Đức Phật quán-thấy đã đến cơ-duyên khiến cho đôi bạn Hạ và Sĩ cùng chứng-đắc được đạo-quả Tu-đà-huờn, nên nhận lời, hôm sau đến thọ-thực ở nhà anh Hạ.

Để báo thù, anh Hạ cũng đào hố sâu, bên dưới để than hồng, bên trên lót ván, trải thảm và kê ghế ngồi. Các chậu đựng thức ăn cũng chứa đầy lá chuối bên dưới, có chút ít cơm và cà-ri phủ bên trên. Khi Đức Phật và Tăng-đoàn đến nhà, bước lên tấm thảm, thì lạ thay, than hồng dưới hố đều biến mất, và năm trăm cành hoa sen thơm ngát đang vươn lên cao, nở rộng ra, làm toà ngồi cho Đức Phật và các đệ-tử. Trông thấy phép mầu đó, anh Hạ hoảng-hốt đến bên anh Sĩ, nói nhỏ: “Nầy bạn ơi! Làm sao bây giờ? Tôi đã lỡ nhét lá chuối bên dưới các chậu đựng thức ăn, làm sao mà có thực-phẩm để dưng-cúng Phật?” Anh Sĩ bảo bạn, nên xem lại, thì lại lạ-lùng thay, mỗi chậu đựng đầy các thức ăn thơm ngon cả.

Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật giảng-pháp, nói về hạnh bố-thí; cả hai người bạn thấu hiểu được Chánh-pháp, nên đắc được đạo-quả Tu-đà-huờn. Đức Phật bảo họ: “Các phàm-phu tục-tử chẳng biết các đức-hạnh cao-quí của ngôi Tam-Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Họ cũng như những người mù, chỉ có bực hiền-trí, đầy đủ Trí-huệ, như người sáng mắt.”

Rồi Đức Phật thốt lên hai bài Kệ sau đây:

Giữa hố rác dơ bên đại-lộ,
Hoa sen thơm nở, đẹp lòng người.
Cùng thế ấy, giữa chợ đời phàm-tục,
Kẻ mê-mù còn nhung-nhúc nơi nơi.
Nhô lên cao, với trí-huệ sáng ngời,
Người đệ-tử chơn-thành của Đức Phật.
(Kệ số 058 và 059.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Phép mầu: phép lạ, các quyền-năng siêu-phàm của người đắc-đạo mà người thường chẳng có được.

– Sĩ-di-cúc: tên thật người Phật-tử nầy bằng tiếng Pali là Sirigutta.

– Hạ-đinh-nha: tên thật người nầy bằng tiếng Pali là Garahadinna.

– Thuần-thành: rất tin-tưởng và trung-thành với Đạo.

– Loã-thể: Loã = loã-lồ, chẳng mặc quần-áo; Thể = thân-thể. Phái loã-thể chủ-trương chẳng mặc quần-áo, mính trần, đóng khố che phiá dưới. Nhóm nầy được gọi là Ni-kiền-tử, phiên-âm tiếng Pali là Nigantha.

– Quyền-năng = sức-lực, tài-phép.

– Siêu-nhiên: Siêu = vượt lên trên; Nhiên = tự-nhiên. Quyền-năng siêu-nhiên là có sức làm những việc khác thường, như bay bổng, đi trên mặt nước, v.v.

– Quá-khứ: Quá = đã qua; Khứ = đi; Quá-khứ hay dĩ-vãng là việc đã qua rồi; việc xưa.

– Tương-lai: Tương = gần, sắp; Lai = đến; Tương-lai hay vị-lai là việc sắp xãy đến.

– Rạp: cái mái lợp che phiá trước nhà, để đón khách.

– Căm-phẫn: căm giận lắm.

– Cơ-duyên: Cơ =cơ-hội, dịp; Duyên = duyên-cớ. Chữ Cơ-duyên trong Phật-học có nghĩa là dịp tốt, giúp ta thành-tựu được việc gì.

– Thọ-thực: Thọ = nhận; Thực = ăn.

-Toà ngồi: ghế ngồi. Chỗ Phật ngồi gọi là toà ngồi.

– Ngọ-trai: Ngọ = đúng trưa, mười hai giờ trưa; Trai = ăn chay.

-Phàm-phu tục-tử: người thường, ít học.

– Đại-lộ: Đại = lớn; Lộ = đường đi. Đại-lộ là đường cái, rộng lớn.

– Nhung-nhúc = đông-nghẹt.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) chê nhóm loã-thể Ni-kiền-tử khoác-lác khoe biết được việc quá-khứ, vị-lai; (2) khen-ngợi người tu-hành có trí-huệ sáng-suốt, biết tin-tưởng ngôi Tam-Bảo.

Vấn-đề có thể gây thắc-mắc cho người đọc Kinh là quyền-năng siêu-nhiên của Đức Phật, biến than hồng thành hoa sen để làm toà ngồi. Chẳng có chi đáng trách trong việc nghi-ngờ về phép lạ cả, vì ngày nay, ta chẳng chứng-kiến được việc đó để tin theo. Nhưng vấn-đề có phép lạ hay không, chẳng liên-quan gì với Chánh-pháp mà Đức Phật dạy ta cả. Tại sao? Vì lời dạy của Ngài rất thiết-thực cho đời sống hằng ngày của chúng ta, biết đường ngay, nẻo phải, mà thi-hành theo để khỏi phải chịu khổ-sở mãi trong cuộc sống nơi cõi Luân-hồi. Vả lại, Ngài đã được anh Sĩ-di-cúc báo trước việc trả thù của anh Hạ-đinh-nha, tất nhiên Ngài sẽ đề-phòng, tránh được cạm-bẫy. Việc hoá các hoa sen làm chỗ ngồi cũng thế, giả-dụ Phật nói cho anh Hạ biết rằng Ngài đã biết mưu-kế của anh để hại Ngài, thì chắc anh Hạ cũng sẽ phải nhắc ghế cao mời Ngài ngồi, nào có khác chi là các toà hoa sen.

Đọc Kinh-sách, do người sau chép lại, đôi khi có thêm nhiều chi-tiết lạ-thường, để thu-hút những người nhẹ da, mê-tín, ta cần phân-biệt rõ ý-nghĩa sâu-xa của lời Kinh, chớ vội tin theo, hoặc chê bỏ, vì các chi-tiết khác thường đó. Ý-nghĩa quan-trọng ở đây là sự sáng-suốt của người tin theo Chánh-pháp, chẳng bị lừa gạt vì lời khoe-khoang của bọn ngoại-đạo, tự-bảo mình biết việc quá-khứ, vị-lai, biết được tư-tưởng của người khác.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 058 và 059:

Hai bài kệ nêu lên hình-ảnh rất đẹp của hoa sen bát-ngát hương thơm giữa hố rác bên đường, để ví với người đệ-tử chơn-thành của Đức Phật. Giữa đám người còn mê-mờ, chạy theo danh-lợi, tranh-giành nhau trong cuộc sống, người đệ-tử Phật sáng-suốt tuân theo Chánh-pháp, trì-giữ giới-hạnh, khiến cho tiếng tốt vang xa, nào có khác chi hương thơm bát-ngát của đoá hoa sen, toả rộng ra, vượt lên khỏi chỗ bẩn-thỉu của hố rác bên đường.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng hai bài Kệ.

2.- Tập bỏ các thói mê-tín dị-đoan:

– Đi chùa để xin Xâm: đây là thói mê-tín cần dẹp bỏ. Phải tự-nhũ rằng: việc sẽ đến, thế nào cũng đến; chắc gì cây xâm đoán đúng. Chỉ cần biết giữ lòng thành, làm lành lánh dữ, việc hung-hiểm rồi sẽ qua đi; mình sẵn-sàng để đối-phó, cần gì lời tán-tỉnh của thầy bói.,

– Đừng nhẹ dạ tin lời đồn-đãi rằng thầy nầy có phép thần-thông, cô kia có tài biến-hoá, mà chạy theo để nhờ cứu-độ cho. Phật độ chúng-sanh, chẳng phải bằng cách hoá phép đưa mọi người đến Niết-bàn, mà Ngài chỉ chỉ cách tu-tập cho mọi người tự-tu để chứng Niết-bàn.

-ooOoo-

V.- PHẨM NGU.

(45).- Tích chuyện một người đi tìm hái hoa sen trắng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc một người đàn-ông, theo lịnh Vua Ba-tư-nặc, đi xa để tìm hái hoa bạch-liên.

Thuở ấy, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, một hôm ra khỏi thành đi dạo, gặp một thiếu-phụ trẻ đẹp đang đứng bên cửa sổ trong nhà. Vua trầm-trồ khen ngợi sắc đep của người đàn-bà ấy và trong lòng nổi lên ý-định muốn xâm-chiếm lấy. Nhưng người đàn-bà ấy đã có chồng. Vua liền cho mời hai vợ chồng người thiếu-phụ vào làm việc trong hoàng-cung. Người chồng được lịnh vua, phải đi đến một nơi cách xa thành Xá-vệ hơn mười hai dặm đường, để hái hoa bạch-liên và lấy đất-sét đỏ đem về kịp trong buổi chiều cùng ngày, để Vua dùng khi tắm rửa. Nếu về chẳng đúng giờ, người chồng sẽ bị xử tử: nhà vua muốn giết người chồng để chiếm lấy người vợ.

Sáng sớm hôm ấy, người chồng vội-vàng mang giỏ cơm, từ-giả vợ, lên đường đi đến điạ-phận của Điạ-Long-Vương, nơi có hoa sen trắng và đất sét đỏ màu lửa. Dọc đường, anh dừng chơn, nghỉ mệt, đem cơm ra mời các khách bộ-hành cùng ăn. Đến ao sen rộng lớn minh-mông, anh chẳng biết cách nào tìm hái được hoa bạch-liên và móc đất sét đỏ, nên mới đứng bên bờ ao, lấy cơm ra, rải xuống ao và khấn to lên: “Hởi các vị thần-linh canh-giữ ao sen nầy, xin hãy nhận thực-phẩm cúng-dường của con và giúp con có được bông sen trắng cùng đất-sét đỏ, đem về cho Vua, trước khi mặt trời lặn, vì nếu chậm, con sẽ bị vua xử tử!” Bấy giờ, vua Điạ-Long nghe thấy, mới hiện thân lên làm một người già-cả, cầm một bó hoa sen và nắm đất-sét đỏ, đem đến cho người chồng. Tạ ơn xong, người chồng vội-vã lên đường quay về thành.

Chiều hôm ấy, Vua Ba-tư-nặc sợ người chồng trở về kịp thời, nên ra lịnh đóng cửa thành sớm hơn mọi khi. Người chồng về đến thành, thấy cửa đã đóng, liền đến bên vách thành, trét đất sét lên tường, cậm bó hoa sen xuống đất, cất cao giọng, nói to lên: “Hởi dân-chúng trong thành!

Nhà Vua muốn giết tôi để cướp vợ tôi, sai tôi đi hái hoa bạch-liên và lấy đất-sét đỏ, phải về trước khi mặt trời lặn. Mặt trời còn đang đỏ-ối kia, mà cửa thành lại đóng chặt. Xin hãy làm chứng cho tôi đã về kịp thời.” Nói xong, người chồng bỏ đi, hướng về Kỳ-viên-tự nơi Đức Phật ngụ, để tìm nơi nương-tựa.

Suốt đêm ấy, vua Ba-tư-nặc trằn-trọc mãi, chẳng ngủ được, trong lòng nung-nấu vì ý-định gian-ác, muốn giết người chồng để chiếm người vợ. Vào khoảng nửa đêm, tai nhà Vua nghe văng-vẳng tiếng kêu than, khóc-lóc rền-rĩ của bốn người đang đau-khổ, từ dưới điạ-ngục vang lên. Sáng ra, nhìn thấy vẻ bơ-phờ của nhà Vua, nghe vua nói mất ngủ, hoàng-hậu Mạt-lợi mới khuyên vua đến thưa-thỉnh cùng Đức Phật. Theo lời, Vua ngự đến chùa Kỳ-viên, nơi đây gặp lại người chồng, đang ngồi hầu bên cạnh Đức Phật. Nghe nhà vua kể lại việc nghe tiếng kêu-khóc trong đêm qua, Đức Phật bảo đó là tiếng kêu khóc của bốn chàng thanh-niên giàu-có, vào thời Đức Phật Ca-diếp, thường hay gian-dâm với vợ người, nay còn đang phải chịu hình-phạt khổ-sở, bị chất đồng-đỏ nấu sôi trong cảnh điạ-ngục Dương-đồng. Nhà vua sực-tỉnh lại, cảm thấy ăn-năn về ý-định đen-tối của mình muốn chiếm vợ của người khác.

Bấy giờ, nhà vua mới thưa với Đức Phật: “Bạch Thế-tôn! Một đêm mất ngủ, con nằm trằn-trọc, thấy đêm dài vô-tận!” Người chồng ngồi gần đó, cũng thưa với Đức Phật: “Bạch Thế-tôn! Khi con cố đi nhanh qua quảng đường dài hơn chục dặm, lòng con cảm thấy ngao-ngán, mệt-mỏi vì đường xa!” Lúc ấy, Đức Phật mới bảo cả hai, đường xa, đêm dài, còn chưa lâu, chưa dài bằng cuộc sống sanh-tử mãi trong cõi Luân-hồi!”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người trằn-trọc thấy đêm dài vô-tận;
Kẻ mỏi chơn ngao-ngán dặm đường xa.
Hạng ngu-khờ chưa thông Chánh-pháp,
Cõi Luân-hồi, biết thuở nào ra!
(Kệ số 060.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Bạch-liên: Bạch = trắng; Liên = sen; Bạch-liên là hoa sen trắng. Trong bản Kinh tiếng Pali gọi đó là Kamuda.

– Đất-sét đỏ: chất đất dùng khi tắm rửa ngày xưa, như sà-bông ngày nay. Trong bản Kinh tiếng Pali, gọi đất đó là Arunavati.

– Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la: tên thật bằng tiếng Pali là vua Pasenadi, nước Kosala.

– Xử tử: Xử = xét tội; tử = chết. Xử tử là kết tội phải bị chết

– Điạ-phận: Điạ = đất; Phận = khu, vùng; Điạ-phận là vùng đất.

– Điạ-Long-Vương: Điạ = đất; Long = rồng; Vương = vua. Điạ-Long-Vương là vua Rồng đất.

– Trằn-trọc: nằm trên giường mà ngủ chẳng được, thao-thức mãi.

– Bơ-phờ: nhọc-mệt, vẻ mặt hốc-hác.

– Mạt-lợi: tên thật của hoàng-hậu tiếng Pali là Mallikà.

– Đức Phật Ca-diếp: tên Đức Phật nầy tiếng Pali là Kassapa. Đức Phật Ca-diếp giáng-sanh trước Đức Phật Thích-ca. Ngài là vị Phật thứ sáu trong số bảy vị Phật của Hiền-kiếp.

– Gian-dâm: gian-dối lấy vợ hay chồng của người khác.

– Điạ-ngục Dương-đồng: Điạ-ngục = ngục-thất nơi các người chết đang chịu hình-phạt vì tội-ác đã làm lúc còn sống. Điạ-ngục Dương-đồng, tiếng Pali là Lohakumbhi Niraya, nơi đó tội-nhơn bị chất đồng đỏ nấu sôi, cứ một thời-gian lâu mới được trồi lên mặt chảo, kêu khóc chẳng thành lời. Trong điạ-ngục Dương-đồng có bốn chàng thanh-niên lúc sống ở trần-thế, giàu-có mà gian-dâm với vợ người khác.

– Sực-tỉnh: bỗng-nhiên tỉnh-ngộ lại, nhận biết lỗi của mình.

– Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = quay trở lại. Chữ Luân-hồi, trong Phật-học, dùng để chỉ số-phận của chúng-sanh phải sanh ra rồi chết đi để phải sanh lại nữa, chịu các cảnh khổ-vui của cuộc đời. Muốn thoát khỏi cõi Luân-hồi, phải thông-hiểu Chánh-pháp, tu-tập tiêu-diệt các phiền-não, lậu-hoặc, dứt bỏ được sự tham-ái bám-víu vào cuộc sống sướng ít khổ nhiều nầy, mà chứng cảnh vô-sanh, nhập vào Niết-bàn được an-vui mãi mãi, khỏi phải tái-sanh nữa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) chê-trách ý-định gian-ác của vua Ba-tư-nặc, muốn chiếm lấy vợ của người khác; (2) so-sánh sự ngao-ngán của người mỏi chơn phải đi xa, của người trằn-trọc ban đêm chẳng ngủ được, với số-phận tái-sanh nhiều lần của chúng-sanh ở cõi Luân-hồi.

Gian-dâm, hay tà-dâm, là phạm vào giới thứ ba trong năm điều cấm của ngũ-giới mà người Phật-tử tu tại-gia phải tuân theo. Gian-dâm là thông-dâm với chồng hay vợ của kẻ khác. Đối với giới tỳ-kheo, phải dứt tuyệt việc hành-dâm, nghĩa là phải sống độc-thân trọn đời.

Đức Phật so-sánh con đường dài thăm-thẳm của Luân-hồi với đoạn đường xa, với đêm dài chẳng ngủ được, để chỉ cho ta thấy cuộc Luân-hồi, phải tái-sanh trong vòng sanh-tử, là dài-dặc, như người bước đi mãi trong đêm tối. Người thường, chẳng hiểu Chánh-pháp, chỉ biết một đời sống trăm năm mà thôi, tưởng rằng sau khi chết là hết. Đó là điều sai-lầm lớn, vì trước khi sanh ra đời nầy, đã có đời trước, và sau khi chết đi, còn phải tái-sanh vào đời sau. Tại sao vậy? Đó là vì khi sống, chúng-sanh đã tạo nên nghiệp; khi dứt cuộc sống nầy, nghiệp sẽ kéo ta đi tái-sanh. Ai làm lành, sanh vào cõi lành; ai làm ác, sanh vào cõi dữ. Cứ thế tiếp-tục mãi chẳng ngừng, trừ phi biết tu-tập để chứng được Niết-bàn vô-sanh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 060:

Bài Kệ, sau khi so-sánh cõi Luân-hồi với dặm đường xa, với đêm dài trằn-trọc, mách cho cách thoát khỏi: phải thông-hiểu Chánh-pháp và chuyên-tâm tu-tập để dứt nghiệp mà chứng cảnh Niết-bàn vô-sanh. Chỉ có người ngu-khờ, chẳng biết đến Chánh-pháp, mới trôi lăn mãi trong vòng đau-khổ của Luân-hồi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ cảnh khổ của Luân-hồi.

2.- Có Luân-hồi thật-sự hay không? Đây là câu hỏi mà các người chẳng tin nơi Đạo Phật, thường đặt ra. Ta chớ nên để mất thì-giờ, bàn-cãi vô-ích với họ về việc nầy. Chỉ nên tự-hỏi: nếu thật có Luân-hồi, mà chẳng chịu tin, thì số-phận của mình sẽ ra sao? Tin thì có lợi, chẳng tin lỗ-lã biết chừng nào mà kể.

(46).- Tích chuyện người Sa-di của Tôn-giả Đại Ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người Sa-di của Tôn-giả Đại Ca-diếp.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Ca-diếp ngụ gần thành Vương-xá, có hai người Sa-di theo hầu; một người biết tuân theo lời dạy, kính-cẩn, lễ-độ với Tôn-giả; còn người kia thì chẳng được như thế. Khi Tôn-giả chỉ-dạy bổn-phận của người tu-hành đối với bực trưởng-thượng, thì người sau nầy tỏ ra rất bất-mãn. Một hôm, người ấy đến nhà một người tín-nữ, nói dối rằng Tôn-giả Đại Ca-diếp bị bịnh; người tín-nữ liền dưng-cúng thực-phẩm ngon, nhờ đem về cho Tôn-giả dùng. Người Sa-di ấy nhận lời, nhưng dọc đường ăn hết cả. Đến khi Tôn-giả biết chuyện đó, mới quở-trách về tội nói dối, thì anh ta lại tỏ ra căm-giận. Sánh hôm sau, khi Tôn-giả và người Sa-di kia đi khất-thực, thì anh ta ở lại tịnh-xá, đập vỡ cả chậu, bát, son chảo, rồi nổi lửa đốt cháy cả căn nhà.

Bấy giờ có một vị tỳ-kheo ở Vương-xá-thành, đến Kỳ-viên-tự yết-kiến Đức Phật, thuật lại việc Tôn-giả Đại Ca-diếp bị người Sa-di đốt cháy cả tịnh-xá, Đức Phật mới bảo, nếu chẳng gặp được người tốt, thì cứ nên sống một mình, còn hơn là làm bạn với người ngu.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tìm bạn đường, mà tìm chưa gặp
Kẻ bằng mình, hoặc bậc hơn mình.
Thà rằng cứ ở độc-cư,
Còn hơn kết bạn người ngu, kẻ khờ.
(Kệ số 061.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Đại Ca-diếp: tên thật của Tôn-giả tiếng Pali là Mahàkassapa.

– Sa-di: người tu-sĩ vào chùa tập-sự tu-hành. Sau hai năm, nếu đủ tuổi, sẽ được thọ-giới tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera, ở chùa Việt gọi là chú tiểu, chú điệu.

– Tịnh-xá: Tịnh = yên-tịnh, thanh-tịnh; Xá = nhà. Tịnh-xá là ngôi nhà nhỏ, thanh-vắng, để làm nơi tu-hành.

– Bất-mãn: Bất = chẳng; Mãn = vừa ý. Bất-mãn là giận, chẳng được vừa lòng.

– Độc-cư: Độc = cô-độc, ở một mình, chẳng có bạn-bè; Cư = ở.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện chê thái-độ tu-hành của người Sa-di: chẳng biết nghe lời thầy dạy, tỏ ra bất-mãn khi bị quở trách về tội nói dối. Ý-nghĩa của Tích chuyện là chớ nên thân-cận với người ngu, kẻ khờ, vì sẽ gặp những điều bất-lợi do họ gây ra cho mình.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 061:

Bài Kệ khuyên ta nên chọn người bạn đường. Thông-thường chữ bạn đường có nghĩa là người cùng đi chung đường với mình; lại còn có nghĩa là người bạn chung sống cả đời với mình, chồng hay vợ. Ở đây, Tôn-giả có hai người đệ-tử, một người tốt, một người xấu. Đức Phật bảo, thà rằng ở độc-cư, chớ chọn đệ-tử ngu-khờ mà bị thiệt-hại. Thật ra Tôn-giả Đại Ca-diếp chẳng phải kết-bạn với hai người đệ-tử, mà chính là thâu-nhận họ để chỉ-dạy đạo cho họ. Lời khuyên của Đức Phật về việc chọn bạn để sống chung có tầm-mức rộng-rãi hơn: thà ở một mình, nếu chẳng gặp người bằng mình hay hơn mình mà kết bạn. Bằng mình, hay hơn mình, ở đây, có nghĩa là bằng hay hơn về đức-hạnh, chớ chẳng có nghĩa là giàu-có, sang-trọng hơn mình, vì nếu chọn như thế sẽ mang tiếng là quá trọng danh-lợi, quyền-thế, điều mà người tu-hành phải tránh.

HỌC TẬP:

Học thuộc lòng bài Kệ; để ghi nhớ trong việc chọn bạn mà chơi. Một khi đã kết-thân rồi, ta phải tỏ lòng trung thành với nhau, vì thế, cần chọn lựa kỹ-lưỡng trước khi kết bạn.

(47).- Tích chuyện người keo-kiết tên A-nan-đà.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ông A-nan-đà là người giàu-có lớn mà rất rít-róng, chẳng hề chịu bố-thí cho ai cả.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có một người rất giàu, gia-sản lên đến tám triệu tiền vàng, nhưng rất rít-róng, chẳng dám ăn-tiêu, chẳng hề chịu bố-thí cho người nghèo-khổ. Ông ta thường dạy con là Mã-la-sĩ rằng: “Con đừng tưởng là nhà ta giàu-có lớn. Con chẳng nên bố-thí cho ai, mà phải lo làm sao cho của-cải mỗi ngày một tăng thêm, nếu không sẽ bị phá-sản.” Ông ta có năm hủ vàng chôn dấu trong nhà; đến khi chết, quên chẳng kịp chỉ chỗ cho người con.

A-nan-đà thác-sanh vào một làng chuyên nghề đi ăn xin, ở nước Xá-vệ. Khi mẹ ông ta mang thai, cả làng bị khốn-khó vì đi xin chẳng được ai cho như ngày trước. Các vị bô-lão trong làng, nghi rằng trong làng hiện đang có kẻ bất-hạnh, đem đến điều không may cho cả xóm, mới bàn cùng nhau, tìm xem nhà nào là nhà gây ra sự xui-xẻo đó. Sau khi phân-tách, chia ra từng nhóm, họ nhận thấy chính người đàn-bà mang thai kia là nguyên-nhơn, nên đuổi bà ta ra khỏi làng. Người đàn-bà bất-hạnh nọ, sau sanh ra được một đứa con rất xấu-xí, mặt mũi gớm-ghiếc, trông thấy rất ghê-tởm. Mỗi khi đi ẵm con đi xin, chẳng ai dám nhìn mà cho tiền bố-thí. Hôm nào bỏ con ở nhà, đi xin mới được đủ tiền nuôi miệng. Khi đứa con biết đi, bà ta cho nó một cái bát để tự đi xin ăn lấy, rồi bỏ nó luôn. Bấy giờ, đứa bé lang-thang đi khắp nước Xá-vệ, bỗng sực nhớ đến tiền-kiếp của nó, nhà cửa rất giàu-có. Nó liền đi trở lại nhà cũ, nhưng lũ con của Mã-la-sĩ trông thấy gương mặt gớm-ghiếc của nó, khóc thét lên, nên bọn đầy-tớ lấy gậy đuổi nó đi khỏi.

Lúc bấy giờ, Đức Phật và chư Tăng đang đi khất-thực ở thành Xá-vệ, Ngài thấy cảnh-tượng ấy, biết đến tiền-kiếp của A-nan-đà rít-róng như thế nào, đã dạy con ra sao, mới sai đệ-tử mời Mã-la-sĩ đến tu-viện nói chuyện. Đức Phật bảo Mã-la-sĩ rằng, đứa bé ăn mày kia chính là cha của anh ta vào kiếp trước. Mã-la-sĩ chẳng tin. Đức Phật nói thêm, cha anh chôn năm hủ vàng trong nhà, khi chết chưa kịp chỉ chỗ cho anh. Mã-la-sĩ theo lời chỉ-dạy của Phật, về nhà đào lên, được vàng, mới tin lời Phật. Kể từ ấy, Mã-la-sĩ trở nên một Phật-tử tại-gia rất thuần-thành.

Bấy giờ Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

“Đây, con Ta!”. “Đấy, của Ta!”
Người ngu tham-ái sanh ra ưu-phiền.
Sao chẳng biết “Ta” riêng còn chẳng có,
Nói làm chi “con ta đó”, “của ta đây”?
(Kệ số 062.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Keo-kiết: hà-tiện, rít-róng, kẹo, bỏn-xẻn.

– A-nan-đà: tên thật người nầy tiếng Pali là Ànanda. Đừng lầm với Tôn-giả A-nan-đà là vị đại-đệ-tử của Đức Phật.

– Gia-sản: Gia = nhà; Sản = của-cải . Gia-sản là tiền của trong nhà.

– Mã-la-sĩ: tên thật người con nầy tiếng Pali là Mùlasiri.

– Phá-sản: Phá = bị hư hao; Bị phá-sản là bị nghèo đi, hết tiền.

– Thác-sanh: sanh trở lại.

– Bất-hạnh: Bất = chẳng; Hạnh = may-mắn. Bất-hạnh là chẳng may, vô-phước, gặp điều rủi-ro.

– Bô-lão: các người già-cả và minh-mẫn.

– Tiền-kiếp: Tiền = trước kia; Kiếp = đời sống. Tiền-kiếp là đời sống trước đời hiện-tại.

– Tham-ái: lòng tham bám-víu vào cuộc sống sướng ít khổ nhiều nầy, khiến cho phải trôi lăn trong cõi Luân-hồi mãi.

– Ưu-phiền: sự phiền-muộn, buồn-khổ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại cuộc đời và kiếp tái-sanh của một con người rít-róng, giàu-có mà chẳng dám tiêu-xài, chẳng chịu bố-thí. Vì quá bỏn-xẻn trong lối sống, nên theo nghiệp phải tái-sanh làm kẻ nghèo-khổ.

Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là tiền-bạc, con-cái chẳng thể mang theo để giúp-đỡ cho ta trong kiếp sống sau nầy, chỉ có sự bố-thí, hào-phóng ( = bố-thí rộng-rãi) mới đem lại hạnh-phúc vào các đời sau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 062:

Bài Kệ, nhơn Tích chuyện nói lên hai điều quan-trọng: (1) vì tham-luyến về tiền-bạc, con-cái, mà con người phải chịu phiền-não; (2) quan-niệm VÔ-NGÃ trong giáo-lý nhà Phật.

– Về sự tham-luyến.- Tham-ái, tham-luyến là một tình-cảm tríu-mến, bám chặt vào điều mình ham-thích. Chính sự bấu-víu nầy làm nguyên-nhơn khiến cho chúng-sanh phải tái-sanh mãi trong vòng sanh-tử của cõi Luân-hồi, để theo-đuổi vào điều mình ham-thích. Ngay trong cuộc sống hiện-tại, vì sự tham-luyến, mà con người phải chịu nhiều phiền-lụy, như có tiền chẳng dám tiêu-dùng, lo tích-trữ, chịu thiếu-thốn, “làm mọi‘’ cho đồng tiền, mỗi khi phải chi-tiêu thì xót-xa trong bụng.

– Về quan-niệm VÔ-NGÃ: Đây là quan-niệm căn-bản trong giáo-lý nhà Phật. Vô-ngã là chẳng có cái Ta, cái Ngã. Thông-thường mọi người nói: Ta có thân Ta, có nhà Ta, có con-cái của Ta. Phật-học gọi Ta là Ngã, những điều của Ta đó, là Ngã-sở. Phật-học cho rằng Ngã và Ngã-sở đều rỗng-rang, giả-tạm, chẳng có thật, tuy thấy có đó, nhưng rồi sẽ tiêu-tán đi, chẳng bền-vững. Người tu-hành chẳng tham-luyến vào điều giả-tạm, mà phải biết quí-trọng đến điều chơn-thật, bền-vững. Điều chơn-thật, bền-vững đó, chính là Phật-tánh có sẵn nơi mọi chúng-sanh; Phật-tánh là khả-năng giác-ngộ và giải-thoát khỏi cảnh Luân-hồi. Còn tấm thân nầy, ta gọi là Ta đó, do năm uẩn hợp-thành, sẽ có lúc năm uẩn rời nhau ra mà thân bị diệt chết. Chỉ có Phật-tánh mới tồn-tại, hằng còn, nhưng người thường chẳng biết đến để noi theo mà tu-tập thoát khổ.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; lưu-ý về quan-niệm Vô-ngã.

2.- Tập dứt bỏ sự luyến-ái:

– mỗi khi mất-mát một vật chi, đừng quá tiếc-rẻ.

– nên bố-thí rộng-rãi để diệt bỏ bụng xẻn-tham.

(48).- Tích chuyện hai người móc túi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến hai người làm nghề móc túi.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có hai người chuyên sống về nghề móc túi trộm tiền của kẻ khác. Một hôm, cả hai theo chơn một nhóm Phật-tử vào chùa Kỳ-viên nghe Đức Phật giảng-pháp. Một người lắng nghe lời Phật dạy, còn một người thừa cơ các Phật-tử mãi lo nghe, để móc túi họ lấy tiền-bạc. Sau buổi giảng-pháp, cả hai quay về nhà nấu cơm ăn. Người móc túi được tiền, mua đồ ăn ngon nấu trong bếp; còn anh kia chẳng có tiền, phải ăn nhờ vào bạn. Người vợ anh móc túi liền nói mỉa-mai anh kia: “Anh là người quá thông-minh, biết nghe lời Phật dạy, nên chẳng kiếm được tiền, nay phải đến nhà tôi ăn nhờ vào của chồng tôi vừa kiếm ra.” Nghe nói thế, anh nầy nghĩ rằng: ‘Bà ta là người ngu mà cứ tưởng mình và chồng mình là người có trí, nên mới mỉa-mai chê-trách ta như vậy.”

Sau đó, anh cùng với thân-nhơn trở lại yết-kiến Đức Phật ở chùa Kỳ-viên. Khi nghe anh kể lại lời mỉa-mai của người vợ bạn móc túi của anh, Đức Phật mới nói lên bài Kệ ngắn sau đây:

Người ngu biết mình ngu,
Chẳng ngu đến chừng ấy.
Người ngu nhận mình trí,
Đấy là người chí ngu.
(Kệ số 063.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Mìa-mai: nói lời chua-ngoa, thầm chê kẻ khác.

– Thân-nhơn = người bà-con.

– Yết-kiến = đến gặp người trưởng-thượng.

– Chí ngu = ngu hết sức là ngu.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc hai người móc túi, đến nghe Đức Phật giảng-pháp. Một người biết mình còn ngu-dại làm nghề bất-lương, nên lắng nghe lời giảng. Còn người kia, tự cho mình là người khôn, biết thừa cơ-hội để móc túi những kẻ đang chăm-chú nghe lời Phật.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: thừa cơ-hội người ta chăm-chú nghe pháp mà móc túi, là một hành-động rất ngu-khờ, vì tạo nên tội-lỗi, sau phải chịu quả-báo xấu. Chẳng biết sự ngu-khờ đó, mà lại tưởng mình khôn-lanh biết thừa cơ-hội, đó là sự dại-dột đến tột-bực: chỉ trông thấy mối lợi nhỏ, chẳng biết quả-báo tai-hại về đời sau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 063:

Bài Kệ phân-tách hai trường-hợp:

– Người ngu biết mình ngu: biết được mình ngu chẳng còn ngu đến chừng ấy, vì đã biết được mình. Nếu mình biết mình còn ngu, mình mới lo học-hỏi thêm, mới có cơ-hội để thành người trí.

– Người ngu tự-nhận mình là người trí: chẳng biết được mình, lại thêm kiêu-căng nhận mình là người khôn, thì còn cái ngu nào bằng, cho nên bài Kệ mới nói là chí ngu, hết sức ngu! Tại sao lại chí ngu? Chí ngu vì khi tự nhận mình đã khôn rồi, đâu chịu học-hỏi thêm, thành ra chẳng có cơ-hội mở mang trí thông-minh của mình, sống mãi trong sự ngu-tối.

Ý-nghĩa quan-trọng của bài Kệ: đừng bao giờ tự-nhận mình là người trí, hãy khiêm-nhường nhận sự thiếu thông-minh của mình để học hỏi thêm điều hay lẽ phải.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, nhớ lấy để giữ lấy tánh khiêm-nhường.

2.- Khi bị ai chê là ngu, đừng nổi giận. Hãy bình-tâm xét xem mình đã ngu ở điểm nào mà sửa-chữa lại. Hành-động nầy là hành-động khôn-ngoan, để trả lời cho người đã chê mình ngu vừa qua.

3.- Nên thành-thật cám ơn kẻ chê mình ngu, vì kẻ ấy đã giúp cơ-hội cho mình được khôn thêm.

(49).- Tích chuyện Trưởng-lão Ưu-đà-di.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Ưu-đà-di.

Thuở ấy, có Trưởng-lão Ưu-đà-di là một tỳ-kheo tánh hay khoe-khoang, muốn được mọi người khen tặng mình là người thông-hiểu rành-rẽ về Chánh-pháp, nên hay lên ngồi nơi các vị Trưởng-lão thường thuyết-pháp. Một hôm có một nhóm du-tăng đến viếng chùa, trông thấy Trưởng-lão Ưu-đà-di, mới đến thưa hỏi về ngũ uẩn. Trưởng-lão Ưu-đà-di chẳng thể giảng-giải được thế nào là năm uẩn, vì Trưởng-lão chẳng thông-suốt Chánh-pháp. Các vị du-tăng rất ngạc-nhiên, nhận thấy một vị tỳ-kheo lớn tuổi, đã ở lâu bên cạnh Phật mà chẳng hiểu được thế nào là tấm thân năm uẩn, chẳng rành về lục căn và lục trần.

Bấy giờ, để trả lời chỗ họ thắc-mắc, Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người ngu dầu mãi bên người trí,
Chánh-pháp còn chẳng tí hiểu rành;
Khác nào cái muỗng múc canh,
Múc thời có múc, chẳng sành vị ngon.
(Kệ số 064.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Trưởng-lão: Trưởng = lớn; Lão = già-cả. Trong Phật-học, chữ Trưởng-lão dùng để chỉ các vị tu-hành lâu năm, đức-hạnh cao. Tiếng Pali là Thera; phái nữ là Theri.

– Ưu-đà-di: tên thật của Trưởng-lão, tiếng Pali là Udàyi.

– Du-tăng: Du = đi đó đây; Tăng = nam tu-sĩ. Các vị du-tăng thường đi đây đó, để tìm thầy học-hỏi thêm về Đạo-pháp.

– Ngũ-uẩn, năm uẩn: năm nhóm tụ-họp tạm thời tạo nên thân-tâm con người. Đó là sắc-uẩn, thân-thể vật-chất, và bốn uẩn thuôc về tâm: thọ-uẩn, các tình-cảm; tưởng-uẩn, các tư-tưởng, hành-uẩn, các hành-động, và thức-uẩn, các sự hiểu-biết.

– Lục-căn: Lục = sáu; Căn = nơi phát-xuất ra, nguồn-gốc. Lục căn là các giác-quan giúp ta biết được cảnh bên ngoài và tư-tưởng bên trong. Lục căn gồm có: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

– Lục trần: Trần = bụi-bặm. Chữ Lục-trần trong Phật-học dùng để chỉ sáu hình-thái của cảnh vật bên ngoài và ý bên trong. Đó là: sắc (màu-sắc, hình-dáng), thanh (tiếng động), hương (mùi), vị (vị nếm), xúc (sự đụng-chạm), pháp (sự-vật bên ngoài gợi lên ý bên trong).

– Sành = hiểu rành-rẽ, thấu đáo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, chê Trưởng-lão Ưu-đà-di ở gần bên Phật lâu ngày mà chẳng thông-hiểu được Chánh-pháp.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 064:

Bài Kệ ví người ngu ở gần người trí, mà chẳng biết học-hỏi thêm điều gì, tựa như cái muỗng ngâm trong tô canh mà chẳng biết gì đến vị ngon của canh cả.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; mỗi khi đến chùa nghe giảng Kinh-kệ, nên tìm hiểu cho rành-rẽ hầu ứng-dụng vào việc tu-hành; chớ lơ-là, nghe xong rồi ra khỏi cổng chùa, bao nhiêu lời giảng đều cuốn theo chiều gió!

2.- Tập thưa hỏi với các bực thiện-tri-thức:

– đem những điều mình còn thắc-mắc ra hỏi, đừng e-lệ sợ bị chê là dốt;

– thử nhìn lại thân-tâm mình, xét xem sắc-uẩn, thọ-uẩn,… là gì, tại sao thân năm uẩn nầy lại vô-thường và vô-ngã.

– học thuộc lòng lục căn, lục trần gồm có những gì, để biết kềm-chế các giác-quan chẳng chạy theo cảnh-vật bên ngoài khiến cho tâm phải vọng-động.

(50).- Tích chuyện ba mươi chàng thanh-niên.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến ba mươi chàng thanh-niên ở Phả-vị-kha.

Thuở ấy, có một nhóm thanh-niên tại làng Phả-vị-kha dẫn một dâm-nữ vào rừng để hành-lạc. Người dâm-nữ lén đánh cắp các vật trang-sức và bỏ trốn đi. Trong khi bọn thanh-niên lùng kiếm trong rừng, thì họ gặp được Đức Phật và chư Tăng đi ngang qua đó. Họ dừng lại, nghe Đức Phật thuyết-pháp và một số ít trong nhóm thanh-niên chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Các thanh-niên ấy liền xin Đức Phật cho gia-nhập Tăng-đoàn, và theo Đức Phật về chùa Kỳ-viên. Trong một thời-gian ngắn cư-trú tại đây, các thanh-niên ấy đã tỏ ra rất chuyên-cần tu-tập, giữ gìới thật thanh-tịnh và theo hạnh đầu-đà để thanh-lọc thân-tâm. Đến khi Đức Phật thuyết-giảng Kinh Tương-Ưng Vô-Thỉ (Anamatagga Samyutta), tất cả ba mươi chàng thanh-niên ở làng Phả-vị-kha đều chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

Khi các vị tỳ-kheo khác tỏ ra ngạc-nhiên trước sự thành-đạt nhanh-chóng của đoàn thanh-niên Phả-vị-kha, Đức Phật liền nói lên bài Kệ sau:

Người khôn một lúc bên người trí,
Chánh-pháp liền thông chí ngọn-ngành,
Khác nào cái lưỡi nếm canh,
Canh chua, canh ngót, đều sành vị ngon.
(Kệ số 065.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Phả-vị-kha: tên thật làng nầy tiếng Pali là Pàveyyaka.

– Dâm-nữ: người đàn-bà bán dâm ( = làm điếm).

– Hành-lạc: Hành = làm; Lạc = vui. Hành-lạc là mua vui về thể-xác.

– Vật trang-sức: đồ-vật quí-giá đeo trong người để trang-điểm.

– Hạnh đầu-đà: tiếng Pali là Dhutanga; đây là lối tu khổ-hạnh. Người khéo giữ hạnh đầu-đà vào thời Đức Phật là Tôn-giả Đại Ca-diếp.

– Kinh Tương-ưng Vô-thỉ: trong các bản Kinh thuộc Tương-ưng nầy, Đức Phật diễn-giảng về thuyết Luân-hồi, cắt nghĩa tại sao chúng-sanh phải trôi lăn mãi qua vô-lượng kiếp tái-sanh sống đi chết lại.

– Thông chí ngọn-ngành: thông-suốt rành-rẽ cả đầu-đuôi gốc ngọn, chẳng sót chỗ nào.

– Canh chua, canh ngót: Thiện-Nhựt tôi xin thành-tâm sám-hối, vì trong bản nguyên-tác chẳng có bốn chữ “Canh chua, canh ngót” nầy, tôi sở dĩ thêm vào, là để cho gọn câu văn. Canh ngót là canh rau ngót.

– Sành: biết rành-rẽ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc ba mươi chàng thanh-niên biết bỏ các thú-vui nhục-dục, nghe lời Phật dạy mà tu-tập chứng được quả-vị A-la-hán. Họ sở dĩ thành-công nhanh-chóng, là nhờ vào trí-huệ thông-minh, chí kiên-quyết tu-tập và giữ giới-hạnh đầu-đà.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 065:

Thử so-sánh với bài Kệ trước, số 064: người ngu ở mãi bên người trí, cũng chẳng học được gì, còn người khôn dầu ở bên người trí một thời-gian ngắn, cũng sớm thông-thạo được Chánh-pháp.

Trái với bài Kệ số 064 so-sánh người ngu như cái muỗng vô-tri, chẳng biết mùi-vị của canh, bài Kệ số 065 khen người khôn như cái lưỡi nhạy cảm, nếm biết được mùi-vị thơm ngon của các loại canh.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, so-sánh với bài Kệ trước, và cố-gắng thưa hỏi thêm để sớm trở thành người khôn.

2.- Thử soát lại xem mình đã hiểu bổn-phận của người Phật-tử tu tại-gia như thế nào: Thọ Tam-quy là gì? Tại sao lại quy-y? Giữ ngũ giới là giữ những giới nào? Tại sao? Nếu còn ngập-ngừng, phải mau thưa hỏi các vị tu-hành nơi chùa.

(51).- Tích chuyện người cùi Sở-phù-bút.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ông Sở-phù-bút là người cùi.

Thuở ấy có một người cùi tên là Sở-phù-bút, ngồi bên ngoài đám đông đang tụ-tập nghe Đức Phật giảng pháp, mà chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Đến khi đám đông giải-tán, anh Sở mới lặng-lẽ bước theo sau chơn Đức Phật và chư Tăng mà đi về chùa Kỳ-viên. Dọc đường, có vị Thiên-đế là Sắc-ca muốn thử xem tín-tâm của anh Sở có kiên-cố chăng, mới hiện-hình lên làm một người giàu-có, nói với anh Sở: ‘Này anh kia, tôi xem anh đang nghèo-khó, bịnh-tật, phải sống nhờ vào lòng từ-thiện của mọi người. Nay tôi sẽ ban cho anh thật nhiều của-cải, nếu anh chịu từ-khước đừng tin-tưởng vào Phật, Pháp và Tăng nữa. Anh chịu không?” Anh Sở thẳng-thắng trả lời: ‘Thưa ông, ông lầm lắm. Tôi là người giàu-có, đủ cả bảy món thánh-tài của bực Thánh-giả. Một là tín-tâm; hai là giới-hạnh; ba là tâm tàm; bốn là tâm quí; năm là đa-văn; sáu là trí-huệ; bảy là xả-ly. Bấy nhiêu điều đó còn quí hơn tài-sản của ông cho tôi.”

Vị Thiên-đế liền đến bên Phật, trước khi Sở-phù-bút tới chùa. Thiên-đế thuật lại những lời đối-đáp của anh Sở cho Đức Phật nghe. Đức Phật nói: “Cho dầu có một trăm vị Thiên-đế như ông đến dụ-dỗ anh Sở cũng chẳng thành-công khiến anh ta chẳng tin vào Phật-pháp.” Vừa lúc ấy, anh Sở tới nơi, trình với Đức Phật rằng, anh vừa chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, sau khi nghe Phật giảng-pháp. Sau đó, anh rời chùa ra về. Dọc đường, anh Sở bị một con bò cái hung-hăng húc vào người, anh ngả ra chết tại chỗ.

Bấy giờ chư Tăng nghe thấy, mới đến thưa cùng Phật và hỏi chẳng biết anh Sở được tái-sanh về cõi nào. Đức Phật đáp: “Anh Sở hiện đang tái-sanh vào cõi Trời Đao-lợi, nhờ chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Trong một kiếp trước, anh Sở đã phun-nhổ vào một vị Bích-chi-Phật, nên kiếp nầy phải sanh làm người cùi-hủi. Trong một kiếp khác, anh Sở đã giết một người dâm-nữ, nên nay bị ngưòi ấy, đầu-thai làm con bò húc chết để trả thù.”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người ngu là kẻ thù chính họ;
Làm ác, vì chẳng có trí khôn,
Phải chịu quả đắng-cay khổ-sở.
(Kệ số 066.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Người cùi: người bị bịnh phung ( =phong) lở-lói, rụng móng tay, móng chơn, nhức-nhối, khổ-sở. Còn gọi là bịnh hủi.

– Sở-phù-bút: tên thật người cùi nầy tiếng Pali là Suppabuddha.

– Thiên-đế Sắc-ca: tên vị Vua Trời nầy tiếng Pali là Sakka.

– Tín-tâm: Tín = lòng tin-tưởng vào Phật-pháp; tâm = lòng. Tiếng Pali là Saddhà.

– Kiên-cố = bền-chặc, vững-chắc, chẳng lung-lay.

– Từ-thiện: Từ = nhơn-từ, thương người; Thiện = lành. Từ-thiện là lòng thương người nghèo khó, muốn giúp đỡ họ.

– Bảy món Thánh-tài: Thánh = bực đã giác-ngộ và giải-thoát; trái với phàm-phu; Tài = tài-sản, của-cải. Bảy món Thánh-tài là bảy đức-tánh của bực Thánh-giả, quí-báu hơn của-cải vật-chất.

– Giới-hạnh: Giới = điều răn-cấm; Hạnh = hạnh-kiểm. Giới-hạnh là sự giữ-gìn các giới-cấm; tiếng Pali là Sila.

– Tâm tàm: Tàm = biết hổ-thẹn trong lòng khi lỡ làm điều quấy. Tiếng Pali là Hiri.

– Tâm Quí: Quí = biết lo-sợ khi lỡ làm điều quấy (sợ quả-báo xấu). Tiếng Pali là Ottappa.

– Đa-văn: Đa = nhiều; Văn = nghe. Đa-văn là người nghe nhiều, học rộng. Tôn-giả A-nan là người đa-văn bực nhứt vào thời Đức Phật Thích-ca.

– Trí-huệ: ở đây là trí thông-minh đưa ta đến bờ giác-ngộ và giải-thoát, trong Phật-học gọi là Trí-huệ Bát-nhã; tiếng Pali là Pannà.

– Xả-ly: Xả = buông-bỏ, chẳng luyến-tiếc; Ly = lià xa. Tiếng Pali là Upekkha.

– Cõi Trời Đao-lợi: cõi Trời nầy, tiếng Pali là Tàvatimsa.

– Bích-chi-Phật: phiên-âm tiếng Pali là Paccekabuddha; Bích-chi-Phật là vị tu-hành vào thời chẳng có Phật giáng-sanh, quán-chiếu pháp Mười Hai Nhơn-Duyên mà chứng-quả. Còn gọi là Duyên-giác, Độc-giác.

– Quả đắng-cay: Quả = quả-báo, kết-quả của việc đã làm lúc trước. Trái nghĩa với chữ nguyên-nhơn, nhơn-duyên. Quả-báo đắng-cay là trong đời nầy phải chịu nhiều điều khổ-sở.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa: (1) lời đối-đáp giữa anh Sở-phù-bút và Thiên-đế Sắc-ca, liên-quan đến bảy món Thánh-tài; (2) quả-báo xấu mà người cùi Sở-phù-bút phải gánh chịu trong đời nầy.

Tại sao gọi bảy đức-tánh của bực Thánh là Thất Thánh-tài? Bảy đức-tánh quí-báu nầy giúp ta đến nơi giác-ngộ và giải-thoát khỏi cuộc sống khổ-sở, nên cao-quí hơn tiền-bạc, của-cải.

Theo Luật Nhơn-Quả, hễ làm ác thì phải chịu quả-báo xấu trong đời nầy hay các đời sau. Quả-báo chẳng trỗ liền theo hành-động, mà chờ đủ cơ-duyên mới kết-thành, có thể kéo dài qua nhiều đời.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 066:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

– Người ngu là kẻ thù chính họ: người ngu tạo điều ác gây ra quả-báo khổ-sở, cũng như kẻ thù gây đau-khổ cho mình. Vì thế, sự ngu-dốt của mình là kẻ thù của chính mình, cần phải tu-học dẹp bỏ sự si-mê.

– Làm ác, vì chẳng có trí-khôn: người ngu chỉ trông thấy mối lợi nhỏ trước mắt, chẳng phân-biệt được điều lành với việc ác, chẳng trông xa biết đến Luật Nhơn-quả sau nầy, nên mới phạm tội. Đó chẳng qua vì thiếu trí-khôn, chẳng phân-biệt được thiện và ác.

– Phải chịu quả đắng-cay, khổ-sở: đây là hậu-quả chắc-chắn sẽ xãy ra, hoặc trong đời nầy, hoặc về đời sau. Cứ nhìn đến cảnh khổ của người cùi Sở-phù-bút là biết được quả đắng-cay xãy ra như thế nào.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ để tự răn mình, mỗi khi sắp làm điều sai

2.- Học thuộc lòng Thất Thánh-tài (thất = bảy); tự xét xem mình đang có được món nào; còn đang thiếu món nào, ráng tập để có được.

(52).- Tích chuyện một người nông-phu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người nông-phu cầm thuốc độc.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một bọn trộm-cắp vào nhà một người giàu-có, lấy mất một số tiền-bạc lớn, đem chia nhau rồi giải-tán. Một đứa trong bọn, lãnh phần, trên đường về, đánh rơi một gói vàng ở dọc đường mà không hay biết.

Bấy giờ, vào sáng sớm, sau cơn Thiền-định, Đức Phật quán-thấy có một người nông-phu trong làng kia, đã đến cơ-duyên chứng-được quả-vị Tu-đà-huờn, nên Ngài cùng chư Tăng đi khất-thực ngang qua đó. Người nông-phu trông thấy Đức Phật, liền cung-kính làm lễ, rồi mới tiếp-tục cày-bừa. Đức Phật nhìn thấy bên vệ đường có gói vàng, mới nói với Tôn-giả A-nan: “Này A-nan, ông có thấy một con rắn rất độc đó không?” Tôn-giả A-nan cũng nhìn thấy gói vàng đó, mới thưa cùng Phật: “Bạch Thế-tôn, vâng, đó là một con rắn thật độc.” Nói xong, cả đoàn tiếp-tục lên đường.

Người nông-phu nghe Đức Phật và Tôn-giả A-nan nói có rắn độc bên đường, mới dừng cày lại, đến bên vệ đường tìm xem con rắn, nhưng chỉ thấy một gói vàng của ai bỏ quên đó. Anh ta liền cầm lên, đem vào bụi rậm, bỏ đấy, rồi trở ra làm việc như cũ. Lúc ấy, người nhà giàu hay tin bị mất trộm, mới cùng đầy-tớ, theo dấu, rượt theo bọn cắp. Đến nơi người nông-phu đang cày ruộng, họ nom theo dấu chơn, xông vào bụi rậm, lấy lại được túi vàng. Họ bắt anh nông-phu, đánh đập anh và giải anh đến đền vua để kết tội. Vua ra lịnh xử tử người nông-phu vì tội trộm. Các người lính được lịnh dẫn người nông-phu ra pháp-trường để giết chết. Dọc đường, người nông-phu cứ lập đi, lập lại mãi câu nói: “Này A-nan, ông có thấy con rắn độc đó không? – Bạch Thế-tôn, vâng đó là một con rắn thật độc.” Bọn lính chẳng hiểu ý-nghĩa tại sao người nông-phu cứ lảm-nhảm nói mãi như vậy, mới dẫn anh ta trở lại đền Vua, và trình lên Vua sự-việc như thế. Vua nghĩ có lẽ anh nông-phu vô-tội và muốn được Đức Phật đứng ra làm chứng cho sự vô-tội của anh, mới truyền dẫn anh đến gặp Đức Phật. Nghe Đức Phật thuật lại việc thấy gói vàng ban sáng, nhà Vua biết anh nông-phu vô-tội, mới tha cho. Vua nói: “Nếu người nông-phu nầy chẳng nhắc lại lời của Đức Phật, thì đã bị xử-tử rồi.” Đức Phật bảo: “Người hiền-trí chẳng hề làm việc gì mà phải hối-tiếc về sau.”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hành-động ác, làm xong thì hối-quá.
Lệ tràn mi, sợ quả-báo về sau.
(Kệ số 067.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Giải-tán = rời nhau mà đi phân-tán, mỗi người một ngả.

– Vệ đường = lề đường.

– Xử tử = kết tội phải chết.

– Pháp-trường: Pháp = pháp-luật; Trường = nơi, chỗ. Pháp-trường là nơi xử tử các tội-nhơn bị tử-hình.

– Hiền-trí: Hiền = hiền-lành, ngay-thẳng; Trí = thông-minh. Người hiền-trí là người có trí thông-mình, làm lành lánh dữ.

– Hối-tiếc; Hối-quá: Hối = ăn-năn; Tiếc =tiếc rẻ; Quá = tội-lỗi. Hối-tiếc là tiếc rẻ; Hối-quá là ăn-năn đã lỡ phạm tội.

– Lệ = nước mắt. Lệ tràn mi là khóc lóc, chảy nước mắt.

– Quả-báo: kết-quả của hành-động đã làm trước kia. Quả-báo có thể xãy ra trong đời nầy, hay về các đời sau.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa chánh-yếu của Tích chuyện là xem gói vàng bỏ bên đường như con rắn độc. Tại sao gọi đó là con rắn độc? Bị rắn độc cắn, nọc độc có thể giết chết người. Gói vàng bỏ quên kia, nếu tham-lam mà lấy, sau bị người chủ biết, sẽ bị tù-tội; tai-hại cũng như nọc độc của con rắn giết người. Bài học của Tích chuyện là chớ nên tham-lam lấy của rơi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 067:

Bài Kệ số 067 định-nghĩa thế nào là hành-động ác. Hành-động ác, làm xong thì tỏ ra hối-tiếc, lo-lắng vì sợ bị quả-báo xấu.

Thông-thường, muốn biết một hành-động lành hay dữ, người ta xét đến hành-động ấy có đem lại lợi-ích hay gây ra tổn-hại. Nếu có lợi cho mình mà có hại cho người khác, thì đó là hành-động xấu. Dầu trong hiện-tại có đem lợi cho mình ít nhiều, nhưng vì gây thiệt-hại cho kẻ khác, nên hành-động ấy trở nên xấu-ác, mà hậu-quả bất-lợi sẽ đến với người chủ-động về sau.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; ghi nhớ để khỏi bị cám-dỗ làm việc ác.

2.- Tập tánh ngay-thẳng cho trẻ con:

– đi đường thấy có tiền rơi, lượm lên đem cho người ăn xin

– trong lớp, lượm được cây viết chì, đem lên trình Thầy để trả lại cho người mất.

– đi xe buýt, thấy trên ghế có cây dù bỏ quên, cầm lấy giao cho người tài-xế, để đem hoàn lại cho người chủ., v.v.

(53).- Tích chuyện người bán hoa Sử-mã-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người bán hoa tên là Sử-mã-na.

Thuở ấy, ở thành Vương-xá, có một người bán hoa tên là Sử-mã-na, mỗi ngày cung-cấp hoa tươi cho vua Tần-bà-sa-la. Một hôm, anh mang hoa đến đền vua, dọc đường gặp Đức Phật đang cùng chư Tăng đi khất-thực, ánh hào-quang rực-rỡ toả ra. Anh Sử trông thấy cảnh trang-nghiêm đó, mới phát-tâm dâng hoa cúng-dường lên Đức Phật. Trong đầu anh nghĩ, cho dầu vua có đuổi anh ra khỏi thành, cho dầu Vua có buộc tội chết cho anh đi nữa, vì chẳng đem hoa đúng hẹn, anh cũng muốn được đến bên Phật mà dâng hoa lên cho Ngài. Nghĩ xong, anh liền đem tất cả bó hoa rải lên trên đỉnh đầu Đức Phật, hai bên và sau lưng Ngài. Lạ lùng thay, các bông hoa chẳng rơi xuống đất, mà lơ-lửng trên không, kết thành một cái lọng che đầu Phật, làm thành một bức tường hoa hai bên và sau lưng Phật. Mỗi bước chơn của Phật bước tới, các cánh hoa bay theo, chẳng rời. Dân chúng trong thành nô-nức rủ nhau ra ngắm xem cảnh-tượng đẹp-đẽ đó. Lòng anh Sử tràn-ngập một niềm phỉ-lạc vô-biên.

Bấy giờ, vợ của Sử-mã-na đến hoàng-cung, tâu cùng Vua Tần-bà-sa-la, là chồng bà đã đem hết hoa ra dâng cúng Phật rồi, nên hôm nay chẳng có hoa để đem dâng vua. Nhà Vua nghe nói có Đức Phật đi đến, mới ngự ra thành, trông thấy quang-cảnh trang-nghiêm, Đức Phật đang đi dưới tàng hoa đẹp, hào-quang sáng chói, mới thỉnh Phật vào thành cúng-dường thực-phẩm. Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật quay về tịnh-xá, nhà Vua đi tiễn một quãng đường. Trở về hoàng-cung, Vua cho gọi Sử-mã-na đến, thưởng cho tám con voi, tám con ngựa, tám người nô-lệ nam, tám người nô-lệ nữ, tám người đầy-tớ gái và tám ngàn đồng tiền.

Nơi tịnh-xá, khi Đức Phật bước vào Hương-phòng, thì các bó hoa tự-nhiên rơi xuống đất. Ngài A-nan bạch Phật: “Sử-mã-na dưng-hoa cúng-dường như thế được công-đức gì?” Đức Phật bảo: “Sử-mã-na dâng hoa cúng-dường Phật mà chẳng nghĩ đến mạng-sống, vì có thể bị tội với vua, sẽ được công-đức rất to lớn: trong nhiều kiếp Luân-hồi, Sử-mã-na sẽ khỏi phải sa vào nẻo dữ, rồi sau cùng sẽ chứng được quả-vị Bích-chi-Phật.” Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hành-động thiện, làm xong không tiếc-rẻ,
Quả-báo lành, mặt đầy vẻ vui-tươi.
(Kệ số 068.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Sử-mã-na: tên thật của người bán hoa, tiếng Pali là Sumana.

– Hào-quang = ánh-sáng năm màu rực-rỡ toả ra từ Đức Phật.

– Tần-bà-sa-la: tên thật vị vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha) nầy, tiếng Pali là Bimbisàra.

– Vương-xá: tên thành nầy, tiếng Pali là Ràjagaha.

– Phát-tâm = trong lòng nẩy ra ý-định tốt.

– Lọng = cây dù lớn bằng lụa để che cho các người sang-trọng.

– Phỉ-lạc = niềm vui rộng-lớn từ trong lòng toả ra mặt-mũi.

– Vô-biên = chẳng có bờ-bến nào, hết sức rộng lớn.

– Hương-phòng: căn phòng có hương thơm dành riêng cho Đức Phật, tiếng Pali là Gandhakuti.

– Nẻo dữ: tái-sanh vào cõi ác-đạo như điạ-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh

– Bích-chi-Phật: xem lại bài trước.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể kại việc ông Sử-ma-na phát-tâm dâng hoa cúng-dường Phật, mà chẳng nghĩ đến mạng-sống của mình bị lâm nguy. Làm được công-đức nầy, lòng ông Sử tràn-đầy niềm phỉ-lạc. Theo lời Đức Phật ông Sử nhờ đó mà chẳng sa vào ác-đạo khi tái-sanh và về sau sẽ chứng được quả-vị Bích-chi-Phật. Đó là hành-động thiện đem lại quả-báo tốt, đúng theo Luật Nhơn-Quả.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 068:

Trái với bài Kệ số 067 ở trước, bài Kệ nầy nói về hành-động thiện. Hành-động thiện, làm xong, thì chẳng tiếc rẻ; trái lại người làm việc thiện, biết sẽ được quả-báo lành về sau, nên trong hiện-tại, lòng rất vui-thích. Đó là lợi-ích của việc thiện.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, nhớ lại bài Kệ trước, để phân-biệt các hành-động thiện và ác.

2.- Điều quan-trọng trong việc cúng-dường là sự thành-tâm, chẳng phải vì mong-muốn được quả-báo tốt, mà chỉ vì lòng thành-kính đối với Phật là bực đại-giác đã chỉ dạy ta con đường thoát khổ. Quả-báo tốt thế nào cũng đến, chẳng cần phải mong-cầu, tự nó sẽ đến về sau.

(54).- Tích chuyện Nữ-Trưởng-lão Bích-Liên.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Kỳ-viên-tự, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Nữ-trưởng-lão Bích-Liên.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có một cô thiếu-nữ rất đẹp và hiền-thục. Vẻ đẹp sắc-sảo và tánh-nết hiền-hoà của cô, được mọi người khen-tặng và gọi cô là nàng Bích-Liên, đoá hoa sen màu xanh-biếc. Nhiều bực vương-tôn, công-tử, hào-phú đều gấm-ghé xin cưới làm vợ. Nhưng cô chẳng ưng ai cả, lại muốn xuất-gia vào làm ni-cô trong chùa. Sau khi được thọ-giới Tỳ-kheo-ni, ni-cô tinh-tấn tu-hành; trong một kỳ toạ-thiền, ngồi chăm-chú nhìn vào ngọn đèn, quán-chiếu về đề-tài thiền-quán là hoả-đại, ni-cô Bích-liên chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

Sau đó, ni-cô Bích-Liên dựng một cái cốc nhỏ nơi rừng Hắc-lâm để tịnh-tu trong cảnh độc-cư. Vào một buổi sáng nọ, ni-cô mang bình bát vào làng khất-thực. Một kẻ bất-lương tên là Nan-đà, vốn là con người cậu của ni-cô, lẻn vào cốc, trốn dưới gầm giường. Khi ni-cô trở về, hắn nhảy ra cưỡng-bức; vì sức yếu, ni-cô chống-cự chẳng lại, bị hắn hãm-hiếp. Sau khi thoả-mãn thú-tánh, hắn bước ra ngoài; bỗng đất nứt ra, hút hắn sa ngay vào điạ-ngục A-tỳ.

Khi được biết thảm-trạng của ni-cô, Đức Phật nói lên bài Kệ sau:

Hành-vi ác còn chưa chín-rục,
Tưởng như là mật ngọt, người ngu.
Đến khi nó đã chín muồi,
Phải mang quả khổ khóc vùi, người ngu.
(Kệ số 069.)

Bấy giờ, Đức Phật sai thỉnh vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đến tịnh-xá, trình-bày cùng Vua sự nguy-hiểm của các ni-cô phải sống độc-cư trong rừng và yêu-cầu vua bảo-vệ họ, tránh sự tái-diễn thảm-trạng bị cưỡng-hiếp đó. Vua hứa sẽ cho xây cất nữ-tu-viện ở gần thành, để các tỳ-kheo-ni có chỗ an-toàn mà tu-tập.

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Nữ-Trưởng-lão: vị tỳ-kheo-ni tu lâu năm, đức hạnh cao. Tiếng Pali là Theri. Phái nam gọi là Thera, trưởng-lão.

– Bích-Liên: Bích = màu xanh biếc; Liên = hoa sen. Tên thật của vị ni-cô, tiếng Pali là Uppalavannà.

– Đề-tài thiền-quán: trong khi ngồi Thiền, chuyên-tâm suy-tư về một đề-tài. Ở đây, ni-cô suy-tư về lửa, hay là hoả-đại.

– Cốc = cái am nhỏ, cất nơi thanh-vắng để tu-hành.

– Độc-cư: Độc = cô-độc, ở một mình; Cư = ở, cư-trú, cư-ngụ.

– Cưỡng-bức: dùng sức mạnh mà hiếp người phụ-nữ.

– Hãm-hiếp: dùng võ-lực xâm-phạm tiết-hạnh người phụ-nữ.

– Thú-tánh: thoả-mãn thú-vui xác-thịt, cách dã-man như loài thú.

– Điạ-ngục A-tỳ: tên điạ-ngục, nơi chịu hình-phạt chẳng ngừng. Tiếng Pali là Avìci Niraya.

– Thảm-trạng: Thảm = bi-thảm, đau-đớn; Trạng = tình-trạng.

– Chín-rục = Chín muồi = đã đầy-đủ nhơn-duyên đưa đến hậu-quả.

-Tái-diễn: Tái = lập lại;diễn =xãy ra.Tái-diễn là việc cũ xãy ra lần nữa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại cuộc đời đạo-hạnh của một vị ni-sư trẻ-đẹp chẳng may bị cưỡng-hiếp. Hành-động xấu-ác của kẻ dâm-ô xâm-phạm tiết-hạnh của ni-cô, bị quả-báo nhãn-tiền ( =trước mắt), ngay sau khi hãm-hiếp: bị đất nứt hút sâu vào điạ-ngục A-tỳ.

Ý-nghĩa quan-trọng: làm ác bị quả-báo dữ, theo Luật Nhơn-Quả.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 069:

Bài Kệ nói về hậu-quả mau và chậm của hành-động xấu-ác. Khi chưa thấy hậu-quả, người ngu tưởng rằng hành-động xấu đem lại lợi-lạc cho mình, như mật ngọt; nhưng đến khi quả-báo xấu trỗ ra, bị khổ-sở, bấy giờ người ngu sẽ khóc vùi vì đau-khổ.

HỌC TẬP:

Học thuộc lòng bài Kệ, để răn mình, tránh bị điều ác cám-dỗ.

(55).- Tích chuyện Trưởng-lão Giang-bửu-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Giang-bửu-kha.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người con nhà giàu-có, tên là Giang-bửu-kha, vì nghiệp-quả xấu của các đời trước, nên có hai tập-quán lạ-lùng: ngủ trên mặt đất, chẳng nằm giường chiếu, và ăn phân của chính mình, thay vì dùng cơm như mọi người. Lớn lên, cha mẹ gởi theo học đạo với nhóm ẩn-sĩ loã-thể. Khi các người ẩn-sĩ biết được thói-quen xấu hay ăn phân của Giang, họ liền đuổi Giang đi khỏi. Giang lang-thang đây đó, đứng một chân, miệng há-hốc. Có ai hỏi, Giang nói mình chỉ sống nhờ không-khí, chẳng ăn uống, cho nên mới mở miệng ra hoài. Chỉ đứng một chơn thôi, vì sợ mặt đất chẳng chịu đựng nổi sức nặng của thân mình. Giang thường tự-hào bảo rằng: “Tôi chẳng bao giờ ngồi xuống và chẳng bao giờ ngủ cả.” Nhiều người tưởng thật, mới dưng-cúng thực-phẩm ngon cho Giang. Y chỉ vít lấy một chút xíu đồ ăn và nói với người hiến cơm rằng: “Ta thọ-nhận bấy nhiêu cũng đủ tạo công-đức cúng-dường cho anh rồi. Thôi, đi đi! ‘’ Thái-độ kỳ-dị của Giang đã khiến cho mọi người tặng cho anh ta biệt-hiệu là con chó sói.

Một hôm, trong cơn thiền-quán, Đức Phật nhận thấy cơ-duyên đã đến cho Giang-bửu-kha chứng được đạo-quả A-la-hán. Buổi chiều hôm ấy, Đức Phật đi đến chỗ Giang trú-ngụ, và xin Giang chỉ cho mình một chỗ để nghỉ qua đêm. Giang liền chỉ hang đá bên cạnh. Vào khoảng canh ba đêm ấy, các vị Thiên-đế xuống yết-kiến Đức Phật, từ Tứ Thiên-vương, Vua Trời Đế-Thích, đến cả Đại-Phạm Thiên-vương, lần lượt đến đảnh-lễ Phật, hào-quang sáng chói cả vùng. Sáng ra, Giang-bửu-kha tới hỏi Phật có thấy ánh hào-quang ban đêm không. Khi nghe Đức Phật thuật lại việc các Thiên-vương đến đảnh-lễ, Giang liền nói: “Ngài hẳn là một bực siêu-nhơn được các vua Trời đảnh lễ. Tôi tu khổ-hạnh hơn bốn mươi lăm năm nay, đứng một chơn, chỉ sống bằng không-khí chẳng hề ăn uống, thế mà chẳng có vị Trời nào đảnh-lễ tôi cả.” Đức Phật đáp: “Này Giang-bửu-kha, anh có gạt người khác thì được, chớ nói dối ta chẳng được đâu. Ta biết rõ, trong bốn mươi lăm năm, anh chỉ ăn phân thế cơm, và tối ngủ nằm dưới đất.” Rồi Đức Phật lại thuật chuyện tiền-kiếp của Giang cho Giang nghe. Vào thời Đức Phật Ca-diếp, Giang đã ngăn trở một vị Trưởng-lão không cho đến nhà một thí-chủ, chỉ để một mình Giang nhận thực-phẩm cúng-dường mà thôi. Khi ra về, thí-chủ nhờ mang cơm về cho vị Trưởng-lão, thì Giang đem vứt đi hết. Vì tội-ác đó mà kiếp nầy, Giang mới ăn phân và ngủ trên mặt đất. Nghe đến đó, Giang rùng mình hoảng-sợ, ăn-năn tội-lỗi, và xin Đức Phật cho quy-y để gia-nhập Tăng-đoàn. Đức Phật liền đem Chánh-pháp ra giảng-dạy cho Giang nghe. Giang tinh-tấn tu-hành, chẳng bao lâu chứng được quả-vị A-la-hán.

Sau đó, có mấy người đệ-tử cũ của Giang ngày xưa, đến tịnh-xá Kỳ-viên, thấy Giang ở đó, mới ngạc-nhiên hỏi. Giang cho biết, bây giờ đã quy-y Phật-pháp, làm đệ-tử của Đức Phật. Đức Phật mới nói với các người đệ-tử cũ của Giang rằng: “Thầy cũ của các ông, mặc dầu trong hơn bốn mươi năm tu khổ-hạnh, ăn rất ít, nhưng công-đức đó chẳng bằng một phần mười sáu của sự tu-tập và chứng-quả ngày nay.”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tháng nầy qua tháng nọ,
Người ngu tu khổ-hạnh,
Ăn ít, vít bằng ngọn cỏ kusa.
So ra hắn chẳng bằng phần mười sáu
Của bực sành Chơn-lý pháp hữu-vi.
(Kệ số 070.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Giang-bửu-kha: tên thật vị trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Jambuka.

– Nghiệp-quả = hành-động của kiếp đã qua có ảnh-hưởng đến đời sống của kiếp hiện-tại.

– Tập-quán = thói quen.

– Ẩn-sĩ = tu-sĩ ở nơi xa-vắng, sống khổ-hạnh.

– Loã-thể: Loã = loã-lồ, chẳng mặc quần-áo, chỉ vấn khố che phiá dưới. Thể = thân-thể.

– Tự-hào: tự cho mình là giỏi, khoe-khoang.

– Hiến = tặng, đem cho.

– Thiên-đế: Thiên = trời; Đế = vua. Thiên-đế là vua trên cõi Trời.

– Tứ Thiên-Vương: bốn vị Vua Trời trị-vì ở bốn phương trên cõi Trời Dục-giới: Trì-quốc (Đông), Tăng-trưởng (Nam), Quảng-mục (Tây) và Đa-văn (Bắc). Tiếng Pali là Càtumahàràjika.

– Đại-Phạm Thiên = vua Trời cõi Sắc-giới, tiếng Pali là Mahàbrahmà

– Đảnh-lễ: lạy, làm lễ chào-kính, cúi đầu sát đất.

– Siêu-nhơn: Siêu = vượt lên trên; Nhơn = người. Bực siêu-nhơn là người tài-năng vượt lên trên người thường.

– Tu khổ-hạnh: tu ép-xác, tưởng lầm rằng hễ càng ép-xác là càng được giải-thoát.

– Ăn ít, vít bằng ngọn cỏ kusa: Kusa là tên một loại cỏ, lá nhỏ. Câu nầy có nghĩa là ăn rất ít,như dùng lá cỏ kusa khều chất ăn vào miệng.

– Chơn-lý: Sự-thật.

– Pháp hữu-vi: Pháp = tất cả sự sự, vật-vật; Hữu = có; Vi = làm. Các pháp hữu-vi là những sự-vật có hình-thể, do tạo nên mà có, và vì thế mà chẳng bền-vững, vô-thường; thí-dụ như ngôi nhà, bàn-ghế. Trái với pháp hữu-vi là pháp vô-vi, những sự-việc chẳng có hình-tướng mà thường-hằng, chẳng biến-đổi, chẳng phải do sự tạo-tác mà nên, thí-dụ như Sự-Thật, Phật-tánh. Người tu-hành để được giải-thoát, chẳng chạy theo các pháp hữu-vi để tham-luyến, mà hướng về các pháp vô-vi để thanh-lọc thân-tâm, phát-triển trí-huệ hầu sớm ra khỏi cảnh Luân-hồi sanh-tử khổ-đau.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai ý-nghĩa: (1) Giang-bửu-kha mang hai tật xấu ăn phân và nằm ngủ trên mặt đất, là do quả-báo của kiếp trước đã vứt bỏ thức ăn cúng-dường cho một vị Trưởng-lão; (2) việc tu khổ-hạnh, ép-xác là sai-lầm, chẳng đưa đến sự giác-ngộ và giải-thoát.

Nhờ gặp được Phật chỉ-dạy cho Chánh-pháp, Giang mới biết bỏ lối tu khổ-hạnh mà theo đúng đường tu phát-triển Trí-huệ để được giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 070:

Bài Kệ chê-trách lối tu khổ-hạnh ( = ép-xác), hành-hạ thân-thể như đứng mãi một chơn chẳng ngồi, ăn thật ít chỉ để khỏi chết đói, như thế chẳng làm phát-triển được Trí-huệ, để có thể được giác-ngộ và giải-thoát. Đức Phật cho rằng tu khổ-hạnh như thế, tháng nầy qua tháng nọ, mà công-đức chẳng bằng một phần mười sáu của người đã thông-hiểu Chơn-lý các pháp hữu-vi nói trong Chánh-pháp.

Tu-hành để giải-thoát khỏi cảnh khổ của Luân-hồi, phải dựa vào Trí-huệ, giúp ta phân-biệt được việc nào vô-thường, việc nào thường-hằng. Tránh chẳng để các pháp hữu-vi cám-dỗ mà tham-luyến, biết sự bền-vững của các pháp vô-vi mà noi theo, người Phật-tử tu-tập Thiền-định, mở mang Trí-huệ, nhờ đó mà giác-ngộ và giải-thoát, sớm chứng được lẽ vô-sanh của Niết-Bàn tịch-diệt.

Tóm lại, bài Kệ dạy ta, giữa hai con đường (1) lợi-dưỡng, chạy theo các tiện-nghi vật-chất thái-quá, và (2) khổ-hạnh, ép-xác, hành-hạ thân-thể, ta phải chọn con đường Trung-đạo, biết giữ-gìn sức khoẻ để phát-triển Trí-huệ, mới mong sớm đến ngày thành-công viên-mãn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ; ứng-dụng vào việc tu-hành hằng ngày: ăn uống đầy-đủ, giữ-gìn sức-khoẻ, đồng thời siêng-năng tu Thiền-định.

2.- Phá bỏ các sự hiểu-lầm về việc ăn chay: nhiều người cứ tưởng tu tại-gia là phải ăn chay trường, càng ăn khắc-khổ càng được phước. Đó là điều sai-lầm lớn.

– Ăn chay cốt là để diệt bỏ ý sát-sanh. Nếu trong khi ăn chay mà còn nghĩ đến thịt, đến cá, thì việc ăn chay chẳng đem lại công-đức gì, vì ý sát-sanh vẫn còn đó. Mặt khác, ăn chay thì phải ăn đầy-đủ các chất bổ-dưỡng, chẳng nên ăn quấy-quá, cơm với muối sả mà thôi, sẽ mất sức rồi đau-ốm, thì việc tu-hành chẳng tiến-bộ được.

– Dọn thức ăn chay, chẳng nên làm các món chay trông giống món ăn mặn, như chiên mì-căn làm con cá, kho cà-tím làm cá-trê; như thế, gợi lên sự thèm-thuồng các món mặn, và chưa bỏ được ý-nghĩ sát-sanh.

(56).- Tích chuyện về Ngạ-quỉ A-hi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một ngạ-quỉ tên là A-hi.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên cùng với tỳ-kheo Lạt-kha-na đi khất-thực tại một làng ở gần thành Vương-xá. Dọc dường, Tôn-giả chợt nhìn thấy một điều gì, mỉm cười rồi tiếp-tục đi, chẳng nói gì cả. Đến khi về đến tịnh-xá, tỳ-kheo Lạt-kha-na mới hỏi, tại sao lúc nẩy Tôn-giả đã mỉm-cười. Tôn-giả đáp: “Tôi nhìn thấy một ngạ-quỉ đầu người mình rắn, nên mới mỉm-cười.”

Đức Phật nghe thấy, cũng bảo rằng: “Vào ngày ta chứng đắc đạo-quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, ta cũng trông thấy ngạ-quỉ đó.” Rồi Đức Phật liền kể lại tiền-kiếp của ngạ-quỉ đó. Vào một thời xa-xưa, có một vị Bích-chi-Phật được nhiều người tôn-sùng. Dân-chúng đi lại để đảnh-lễ Ngài nơi tịnh-xá, phải trải qua một cánh đồng. Người chủ cánh đồng sợ dân-chúng qua lại nhiều, dẫm lên lúa má của mình, nên thừa dịp vị Bích-chi-Phật đi vắng, lén đốt cháy ngôi tịnh-xá. Vị Bích-chi-Phật phải dời đi nơi khác. Các người đệ-tử của Ngài tức-giận, mới giết chết người chủ ruộng. Người nầy tái-sanh vào điạ-ngục Vô-gián A-tỳ, vì hành-động xấu-ác đó mà chịu hình-phạt trong nhiều kiếp. Đến kiếp nầy, y mang thân-hình ngạ-quỉ, để trả nốt quả-báo.

Đức Phật kết-luận: “Một hành-động xấu chẳng đem đén quả-báo xấu ngay tức-khắc, nhưng nghiệp-quả vẫn theo đuổi mãi người phạm tội cũng như viên than hồng còn ngún mãi dưới đống tro.”

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Việc làm ác đâu liền trỗ quả,
Như sữa tươi đâu đã đông ngay,
Âm-thầm theo đốt người ngu-dốt,
Như cục than hồng ngún dưới tro.
( Kệ số 071.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Ngạ-quỉ: còn gọi là Ngã-quỉ, là quỉ-đói, một loại chúng-sanh trong đường dữ, bụng to mà cổ nhỏ, luôn luôn đói khát.

– Lạt-kha-na: tên thật của vị tỳ-kheo, tiếng Pali là Lakkhana.

– Đạo-quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác: dịch nghĩa chữ A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề ( Anuttara Sanyak Sambodhi) tức là quả-vị Phật. Vô-thượng = chẳng còn gì cao hơn nữa; Chánh-đẳng = đẳng-cấp chơn-chánh nhứt; Chánh-giác = giác-ngộ đứng-đắn nhứt.

– Bích-chi-Phật: tiếng Pali là Paccekabuddha, bực tu-hành tự-giác, vào thời chẳng có Phật, nhờ quán-chiếu Lý Mười-hai Nhơn-Duyên mà giác-ngộ; còn gọi là Duyên-giác, Độc-giác. Theo đẳng-cấp các bực đại-giác, từ dưới lên trên: A-la-hán, Duyên-giác, Độc-giác, Bích-chi-Phật, Bồ-tát và Phật.

– Điạ-ngục Vô-gián: tên điạ-ngục nặng tội nhứt, tội-nhơn chịu hình-phạt chẳng ngừng ( = vô-gián, chẳng gián-đoạn), tiếng Pali là Avìci Niraya, dịch âm là A-tỳ diạ-ngục.

– Trỗ quả: hành-động ác sanh ra hậu-quả xấu, cũng như cây đơm bông, kết trái vậy.

– Đông: đông-đặc lại.

B-. Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nêu lên hậu-quả dài lâu, từ ngục Vô-gián đến thân-hình quỉ-đói, của một hành-động xấu-ác: đốt tịnh-xá của vị Bích-chi-Phật đang tu-hành.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 071:

Bài kệ nhắc lại ý-nghĩa của Tích chuyện: chẳng có cách nào trốn thoát quả-báo của một hành-động xấu. Tuy chẳng khởi-phát ngay liền sau hành-động, ví như sữa tươi chẳng đông-đặc ngay; nhưng quả-báo vẫn theo đuổi người phạm-tội mãi mãi, tựa như viên than hồng còn ngún dưới tro chẳng tắt.

HỌC TẬP:

Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ về Luật Nhơn-Quả.

(57).- Tích chuiyện về Ngạ-quỉ Sa-thi-cừu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ngạ-quỉ Sa-thi-cừu.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên, cùng với tỳ-kheo Lạt-kha-na, đang đi khất-thực; bỗng Tôn-giả nhìn thấy một ngạ-quỉ với một cái đầu to lớn dị-thường. Về đến tịnh-xá, Tôn-giả thưa trình với Phật. Đức Phật nói: “Đó là ngạ-quỉ Sa-thi-cừu, trong một tiền-kiếp, có tài quăng đá, trăm phát trăm trúng. Một hôm, Sa-thi-cừu xin người Thầy cho phép mình thử tài ném đá xem. Vị Thầy bảo, đừng ném vào trâu, bò hay người đi đường, vì phải bồi-thường thiệt-hại. Chỉ nên chọn một mục-tiêu nào chẳng có chủ hay người chăn-giữ mà ném.

Vừa lúc ấy, Sa-thi-cừu trông thấy một vị Bích-chi-Phật đi khất-thực ngang qua đấy. Anh ta nghĩ vị tu-sĩ nầy chẳng có thân-nhơn, chẳng có ai đi theo coi chừng, vậy đó là một mục-tiêu lý-tưởng cho anh ta thử tài ném đá. Anh ta liền quăng một hòn đá nhỏ, vào lỗ tai bên trái, rồi xuyên qua lỗ tai bên mặt của vị Bích-chi-Phật. Khi về đến am, vị Bích-chi-Phật ngả ra chết. Các người đệ-tử biết chuyện, tìm đến giết chết Sa-thi-cừu để trả thù. Sa-thi-cừu chết đi, lọt vào điạ-ngục A-tỳ, chịu hình-phạt nhiều kiếp; đến kiếp nầy, tái-sanh dưới thân-hình ngạ-quỉ, đầu to dềnh-dàng, luôn bị một cái búa đồng nóng đỏ đập vào liên-tiếp. Đó là để trả nốt nghiệp-quả mà y đã gây ra, vì thử tài ném đá vào đầu vị Bích chi-pPhật.

Đức Phật kết-luận: “Người ngu mà có tài khéo-léo chỉ tổ hại mình mà thôi!”

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Chỉ có hại cho thân,
Người ngu tập thuật khéo;
Danh-vọng và kiến-thức
Tiêu-diệt mất công-đức,
Bổ đầu anh bể nứt.
(Kệ số 072.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Sa-thi-cừu: tên ngạ-quỉ nầy, tiếng Pali là Satthikùtapeta.

– Trúc-lâm: Trúc = cây tre, cây trúc; Lâm = rừng. Vua Tần-bà-sa-la dưng-cúng vườn trúc gần thành Vương-xá, để cất Tịnh-xá Trúc-lâm.

– Các chữ Ngạ-quỉ, Bích-chi-Phật, Lạt-kha-na, điạ-ngục A-tỳ, xin xem lại bài trước ở trang 192.

– Mục-tiêu: Mục = con mắt; tiêu = cái nêu để nhắm vào mà bắn.

– Lý-tưởng: ở đây mục-tiêu lý-tưởng có nghĩa là mục-tiêu tốt nhứt

– Am = căn nhà nhỏ để thờ-cúng, hay để ở tu-hành.

– Dềnh-dàng = to-lớn quá, kềnh-càng.

-Thuật = kỹ-thuật, sự khéo-léo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Cũng như bài trước, Tích chuyện kể lại hậu-quả của hành-động ác phải gánh chịu trong nhiều kiếp. Mặt khác, Tích chuyện nêu lên sự ngu-khờ của Sa-thi-cừu, nghe thầy nói nên chọn mục-tiêu chẳng có chủ, liền nhắm vào nhà tu-hành mà ném đá. Vì chẳng có trí thông-minh, nên tài khéo ném đá trở lại hại anh ta, chẳng những bị giết chết kiếp nầy, mà còn bị hình-phạt ở điạ-ngục và đầu-thai làm ngạ-quỉ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 072:

Bài Kệ nêu lên sự nguy-hiểm cho người ngu khi tập làm khéo, vì thuật khéo đó, nếu chẳng biết sử-dụng đúng đường, sẽ trở lại hại mình.

Ba câu Kệ sau nói về danh-vọng và kiến-thức làm tiêu-diệt mất công-đức. Danh-vọng dễ làm người say-mê, kiêu-căng và ỷ tài, thường đưa đến cái hại cho thân. Kiến-thức là sự hiểu-biết; nếu biết nhiều mà chẳng có đức-hạnh, sự hiểu-biết cũng có thể khiến ta theo con đường tà, có hại. Bài Kệ bảo rằng danh-vọng và kiến-thức bổ đầu ta, đó là vì cả hai thường cám-dỗ, xúi-dục người ngu hành-động liều-lĩnh, dễ gây tai-hại cho người và cho mình.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để tự răn mình, đừng ham “làm khéo”.

2.- Ghi nhớ hai Tích chuiyện số 56 và 57: đây là những thí-dụ chứng-minh được nói trong Kinh-sách về Luật Nhơn-Quả.

(58).- Tích chuyện về người gia-chủ tên Tâm.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến Tỳ-kheo Sử-đạt-ma và một người gia-chủ tên Tâm.

Thuở ấy có người gia-chủ tên Tâm, một hôm gặp được Tôn-giả Ma-nam là một trong năm người đệ-tử đầu-tiên của Đức Phật, đang đi khất-thực. Ông Tâm dâng-cúng thực-phẩm rồi được nghe giảng-pháp và chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn. Sau đó, ông Tâm dựng một tịnh-xá trong vườn xoài của mình, tiếp-đón chư Tăng, cúng-dường mọi nhu-cầu và mời Tỳ-kheo Sử-đạt-ma về làm trụ-trì.

Một hôm, hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật là Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên đến viếng tịnh-xá trong vườn xoài. Sau khi nghe Tôn-giả Xá-lợi-phất giảng-pháp, ông Tâm chứng được quả-vị A-na-hàm. Ông liền thỉnh hai vị đại-đệ-tử ngày mai đến nhà thọ-thực. Hôm sau, khi hai Tôn-giả đến nhà, ông Tâm liền đến mời Tỳ-kheo Sử-đạt-ma cùng dự buổi ngọ-trai. Vị tỳ-kheo thấy ông Tâm mời mình sau khi thỉnh hai vị kia, cho rằng ông Tâm khinh-dễ mình mới từ-chối. Ông Tâm ngõ lời xin lỗi nhiều lần, tỳ-kheo Sử mới chịu đến, nhưng chẳng vào ngồi. Khi nhìn thấy lễ-vật dâng-cúng lên hai vị đại-đệ-tử, tỳ-kheo Sử trong lòng nổi lên ganh-tị, đứng dậy to-tiếng nói với ông Tâm: “Ta chẳng thèm ở tịnh-xá nầy nữa!” rồi bỏ ra đi.

Tỳ-kheo Sử-đạt-ma liền đó đi đến chùa Kỳ-viên, thưa-trình sự-việc nơi nhà ông Tâm lên Đức Phật. Đức Phật bảo: “Nầy tỳ-kheo Sử-đạt-ma, ông đã có lỗi hỗn-hào với gia-chủ Tâm, ông nên đến xin lỗi đi.” Vâng lịnh Đức Phật, tỳ-kheo Sử đến xin lỗi gia-chủ, nhưng ông Tâm vẫn chưa vừa lòng. Tỳ-kheo Sử mới trở lại chùa Kỳ-viên lần nữa để thưa với Phật. Đức Phật nhận thấy, bấy giờ, sự kiêu-mạn nơi tâm của tỳ-kheo Sử đã giảm mất đi nhiều, mới bảo ông ta rằng: ‘Nầy tỳ-kheo Sử-đạt-ma, một vị tỳ-kheo đứng-đắn chẳng bao giờ nói: “Đây là chùa của tôi, đây là đệ-tử của tôi, đây là đàn-việt của tôi!” Tại sao? Vì khi nói lên như thế, thì khiến cho sự tham-luyến, sự kiêu-mạn trong lòng ngày càng gia-tăng.”

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:

Kẻ ngu-tăng ham danh chẳng xứng,
Trong Tăng-đoàn, dành đứng chỗ cao;
Nơi tu-viện, đòi cao quyền-thế,
Ngoài đời, muốn kẻ thế tôn-sùng.
(Kệ số 073.)

“Hãy để cho người Tăng, kẻ tục
Nghĩ, nhờ ta công-tác mới thành.
Trong mọi việc, dầu to, dầu nhỏ,
Ai cũng đều theo lịnh của Ta!”
Đó là tham-vọng người ngu-dại,
Khiến cho dục, mạn, lại gia-tăng.
(Kệ số 074.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Tâm: tên nguời gia-chủ nầy, tiếng Pali là Citta.

– Sử-đạt-ma: tên vị tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Sudhamma.

– Ma-nam: tên vị Tôn-giả nầy tiếng Pali là Mahànàma. Cùng với các ông Kiều-trần-như, Át-bệ, Bạt-đề và Ca-diếp là những người được nghe Đức Phật thuyết-giảng Kinh Chuyển Pháp-Luân lần đầu-tiên tại vườn Lộc-Uyển, sau khi Đức Phật vừa thành Đạo.

– Tu-đà-huờn: đây là quả-vị thứ nhứt, thấp nhứt. Ba quả-vị kia là Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán. A-la-hán là bực Thánh, còn ba quả-vị trước là bực Hiền.

-Trụ-trì: vị tỳ-kheo coi-sóc và cai-quản một tu-viện.

– Ganh-tị = ghen-ghét, cà-nanh.

– Kiêu-mạn = kiêu-căng, phách-lối.

– Đàn-việt: người thí-chủ, tin-tưởng đạo Phật, năng cúng-dường. Tiếng Pali là dànapati.

– Ngu-tăng: vị Tăng thiếu trí thông-minh.

– Kẻ thế, kẻ tục = những người ở ngoài đời, chưa xuất-gia đi tu.

– Dục, mạn: Dục = dục-vọng, lòng ham-muốn, tham-luyến; Mạn = kiêu-mạn, kiêu-căng, phách-lối.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ-kheo vì lòng ganh-tị và kiêu-mạn mà có lời hỗn-hào với một người gia-chủ ( = chủ nhà) đã thành-tâm cúng-dường một ngôi tịnh-xá. Biết nghe lời dạy của Đức Phật, tỳ-kheo Sử-đạt-ma đến xin lỗi ông Tâm là người gia-chủ, nhờ đó mà lòng kiêu-mạn nơi vị tỳ-kheo được diệt-bỏ.

Kiêu-mạn, ganh-tị là những món độc khiến cho tâm chẳng được thanh-tịnh; người tu-hành cần phải diệt-bỏ, cũng như đối với ba món độc căn-bản là tham, sân, si.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 073 và 074:

Trong hai bài Kệ nầy, Đức Phật chê-trách thái-độ ngu-dốt, kiêu-mạn và ham-muốn của các người ngu-tăng:

– Ham danh chẳng xứng: ham-muốn được người đời trọng-vọng, trong khi mình chẳng có đức-độ gì, chẳng xứng-đáng gì;

– Nơi Tăng-đoàn, dành đứng chỗ cao: ham đứng, ngồi vào chỗ dành riêng cho các bực Trưởng-lão;

-Nơi tu-viện, đòi cao quyền-thế: trong chùa, đòi có nhiều quyền-hành cai-quản, chỉ-huy mọi người;

– Ngoài đời, muốn kẻ thế tôn-sùng: ham-muốn được các thiện-nam, tín-nữ ngoài đời trọng-vọng mình;

– Thường khoe-khoang: “Hãy để cho mọi người nghĩ rằng nhờ mình mà các công-tác được thành-tựu”, hay dành công với người khác;

– Thường tự-hào: “Mọi việc lớn, nhỏ, phải theo lịnh của Ta!”, tự xem mình như người lãnh-đạo, có quyền chỉ-huy mọi người.

Các thái-độ xấu đó chỉ làm gia-tăng sự kiêu-căng, phách-lối, có hại cho sự thanh-lọc thân-tâm, nên cần phải luôn luôn xét mình mà diệt-bỏ.

HỌC TẬP:

Tuy hai bài Kệ nói đến các ngu-tăng, nhưng người Phật-tử tại-gia cũng nên học thuộc lòng, để ghi nhớ, tập tánh khiêm-nhường, mỗi khi đi đến chùa làm công-quả.

(59).- Tích chuyện Sa-di Thi-sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Sa-di tên là Thi-sa, tu ẩn-cư trong rừng.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có một người trẻ tuổi tên là Thi-sa, con nhà rất giàu-có; người cha năng dâng-cúng thực-phẩm cho chư Tăng đi khất-thực. Cha của Thi-sa thường thỉnh Tôn-giả Xá-lợi-phất đến nhà thọ-thực, nên Thi-sa có dịp gặp được Tôn-giả. Năm lên bảy tuổi, Thi-sa được Tôn-giả Xá-lợi-phất nhận làm đệ-tử và làm Sa-di tại chùa Kỳ-viên. Trong thời-gian ngụ tại chùa, anh em, bà con thường đến thăm-viếng Thi-sa, mang quà tặng đến biếu. Thi-sa nhận thấy các buổi thăm-viếng như thế thường làm rộn cho mình và mất thì-giờ cho việc tu-hành. Thi-sa mới xin Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, và xin phép đi vào rừng, tu-tập một mình. Mỗi khi, Thi-sa vào làng khất-thực, các thí-chủ dưng cúng phẩm-vật, Thi-sa chỉ thốt lên mấy lời ngắn-ngủi: “Nguyện-cầu thí-chủ được an-lạc. Nguyện-cầu thí-chủ thoát khỏi mọi khổ-đau của cuộc đời.” Rồi Thi-sa tiếp-tục lên đường, trở về am-cốc vắng-vẻ một mình. Thi-sa tinh-tấn tu-tập ngày đêm, chẳng bao lâu đắc được đạo-quả A-la-hán.

Sau mùa an-cư kiết-hạ, Tôn-giả Xá-lợi-phất và đông-đảo tỳ-kheo tháp-tùng, được phép Đức Phật, vào rừng viếng thăm Sa-di Thi-sa. Các thiện-nam, tín-nữ trong làng rất mừng, dâng-cúng lễ-vật, và thỉnh-cầu Tôn-giả thuyết-pháp cho nghe. Nhưng Tôn-giả từ-khước và bảo: ” Sa-di Thi-sa trú-ngụ ở đây, sẽ thuyết-pháp cho các vị nghe.” Nhưng một thiện-nam lại bảo: “Thầy Thi-sa chỉ biết nói có hai câu: Nguyện-cầu thí-chủ được an-lạc. Nguyện-cầu thí-chủ thoát khỏi mọi khổ-đau của cuộc đời!” mà thôi, thì thuyết-pháp làm sao?” Tôn-giả Xá-lợi-phất liền bảo Thi-sa: “Thi-sa, con hãy giảng Chánh-pháp cho mọi người nghe; con hãy chỉ làm cách nào để được an-lạc và giải-thoát được mọi khổ-đau của cuộc đời.”

Vâng lịnh Thầy, Thi-sa bước lên toà ngồi, trong mấy giờ đồng-hồ, thao-thao bất tuyệt, giảng-giải thế nào là ngũ uẩn, lực căn, lục trần, thế nào là ba-mươi-bảy phẩm trợ Đạo, thế nào là con đường dẫn tới đạo-quả A-la-hán và Niết-Bàn. Và chấm-dứt lời giảng bằng câu kết-luận sau đây:

“Đấy, các bực đã chứng-đắc đạo-quả A-la-hán được giải-thoát mọi khổ-đau của cuộc đời và hằng sống trong cảnh an-lạc. Còn những kẻ khác cứ trôi-lăn mãi trong cảnh khổ-não của cuộc tử-sanh Luân-hồi.”

Tôn-giả Xá-lợi-phất hết lời ngợi-khen Sa-di Thi-sa đã khéo giảng-giải Chánh-pháp thật rành-rẽ. Dân-chúng nghe pháp, nhiều ngưòi thán-phục, mà cũng có một số người còn thắc-mắc tại sao Thi-sa thông-hiểu Chánh-pháp như thế, mà ngày thường chỉ thốt lên có hai câu nguyện-cầu như thế. Bấy giờ tại chùa Kỳ-viên, Đức Phật quán-thấy tâm-trạng của dân-chúng còn phân-vân, nên hôm sau, Ngài cùng chư Tăng vào làng khất-thực. Sau buổi ngọ-trai và giảng-pháp, Đức Phật bảo dân chúng rằng: ‘Các ông rất may-mắn có được thầy Thi-sa ở vùng nầy; nhờ đó mà chư tăng thường đến viếng làng.”

Tối hôm đó, tại chùa Kỳ-viên, chư Tăng thưa cùng Đức Phật: “Thầy Thi-sa đã làm được một việc khó làm: ở đây được nhiều người hiến-tặng phẩm-vật, thế mà thầy đã từ-khước để đi vào rừng sâu tu-tập khổ-hạnh một mình.” Đức Phật bảo: “Nầy các tỳ-kheo, cho dầu sống nơi thành-thị hay ở chốn thôn-quê, một vị tỳ-kheo giữ đúng giới-hạnh chẳng bao giờ chú-trọng đến của-cải vật-chất được hiến-tặng. Nếu biết tập hạnh viễn-ly, xa-lià con đường lợi-dưỡng, danh-vọng của thế-gian, mà siêng tu-tập Thiền-định thì sẽ sớm chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.”

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Một đường dẫn đến lợi thế-gian,
Một nẻo đưa ta tới Niết-bàn.
Thông-hiểu rõ hai đường sai-biệt,
Vị tỳ-kheo, đệ-tử Phật-đà,
Chẳng chút đắm-say mùi danh-lợi
Nỗ-lực hành-trì hạnh viễn-ly.
(Kệ số 075.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa CHỮ:

– Sa-di: người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmenara.

– Thi-sa: tên thật của vị Sa-di nầy, tiếng Pali là Tissa. Đừng lầm với vị tỳ-kheo Thi-sa, trùng tên, nói ở Tích chuyện số 3, trang 9.

– Năng dâng cúng: Năng = siêng-năng, thường hay làm.

– Thọ-thực: Thọ = nhận; Thực = ăn.

– Đệ-tử: Đệ = em, Tử = con. Đệ-tử là học-trò.

– Thí-chủ: Thí = bố-thí, hiến-tặng; Thí-chủ là người hiến-tặng.

– An-lạc: An = yên-ổn; Lạc = vui.

– Am-cốc: Am, Cốc = căn nhà nhỏ nơi xa vắng, để ở ẩn-cư.

– An-cư kiết-hạ: vào ba tháng mùa mưa, các vị tỳ-kheo quay về chùa tu-tập, chẳng đi ra ngoài, sợ dẫm lên côn-trùng, giết-hại sâu-bọ.

– Tháp-tùng: đi theo.

– Thiện-nam, tín-nữ: những người đàn-ông, đàn-bà tin-tưởng vào Đạo Phật, thường dưng-cúng lễ vật đến chư Tăng-ni.

– Thao-thao bất tuyệt: nói rất trôi chảy, chẳng ngừng.

– Ngũ uẩn: năm uẩn: (1) sắc-uẩn, (2) thọ-uẩn, (3) tưởng-uẩn, (4)hành-uẩn, (5) thức-uẩn.

– Lục căn: (1) mắt, (2) tai, (3) mũi, (4) lưỡi, (5) thân, (6) ý.

– Lục trần: (1) sắc, (2)thanh, (3)hương, (4)vị, (5) xúc, (6) pháp.

– Ba-mươi-bảy phẩm trợ Đạo: giúp ta sớm được giác-ngộ và giải-thoát; gồm có (a) 4 niệm-xứ, (b) 4 chánh-cần, (c)4 như-ý-túc, (d) 5 căn, (e) 5 lực, (f) 7 giác-chi, (g) 8 Thánh-đạo. Tiếng Pali là Bodhipakkhiya Dhamma. Muốn biết thêm chi-tiết, xem Phật-Học Phổ-Thông, quyển 3.

– Quán-thấy: nhìn thấy qua cơn Thiền-định.

– Phân-vân: còn nghi-ngờ, chưa tin, chưa chắc.

– Viễn-ly: Viễn = xa, rời; Ly = lià. Hạnh viễn-ly là hạnh xa-lià, chẳng tham-luyến, rời-bỏ, từ-khước mọi danh-lợi.

– Lợi-dưỡng = lối sống thụ-hưởng tiện-nghi vật-chất thật đầy-đủ.

– Phật-đà: phiên-âm chữ Buddha, Phật là hiểu-biết, giác-ngộ.

– Hành-trì: Hành = làm; Trì = giữ. Hành- trì là tuân theo đầy-đủ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện khen-ngợi một vị Sa-di trẻ tuổi biết thực-hành hạnh viễn-ly, tránh xa các lợi-dưỡng của thế-tục, vào rừng tu-tập Thiền-định.

Hạnh viễn-ly là hạnh khước-từ các lợi-lạc về vật-chất, tránh xa các thú-vui của thế-tục, dẹp-bỏ sự tham-luyến, hướng về sự giác-ngộ và giải-thoát. Đây là hạnh cao-quí, tương-đương với tâm xả, là một trong bốn tâm vô-lượng của Bồ-tát-đạo: Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, Hỉ là chung vui cùng kẻ thành-công, Xả là buông-bỏ, chẳng bấu-víu vào để tham-luyến.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 075:

Thử phân-tách bài Kệ nầy, như sau:

– Một đường dẫn đến lợi thế-gian: đây là lối sống của người ở thế-gian, lấy lợi làm mục-tiêu để tranh-đấu trong cuộc sống còn. Lợi ở thế-gian gồm có tiền-tài, nhà-cửa, vợ đẹp con khôn, quyền-thế, địa-vị…

– Một nẻo đưa ta tới Niết-bàn: đây là lối sống xuất-thế, nghĩa là chẳng màng đến cảnh danh-lợi của thế-gian, vượt qua lối sống tranh-đua giành-giựt ở đời, để tiến lên mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát của cảnh-giới an-vui thường-hằng của Niết-Bàn, khỏi còn bị khổ-đau của sự tái-sanh trong cõi Luân-hồi nữa.

-Thông-hiểu rõ hai đường sai-biệt: biết rõ sự hơn kém giữa hai lối sống; lối thứ nhứt thoả-mãn các thú-vui tạm-bợ ở một đời; lối thứ hai là lối sống từ-khước mọi tiện-nghi vật-chất, để khắc-phục các phiền-não khiến tâm thanh-tịnh, đạt được niềm vui vĩnh-cửu là được giải-thoát.

– Ba câu chót: đây là thái-độ đứng-đắn của tỳ-kheo, chẳng đắm-say mùi danh-lợi, xa-lià mọi dục-lạc, nỗ-lực tu-tập để chứng Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ mục-tiêu tu-tập, bền-chí trong việc dứt-bỏ sự thèm-khát, sự tham-luyến.

2.- Thử tập vài điều dễ làm về Hạnh viễn-ly:

– Các món “ghiền” như ăn trầu, hút thuốc, ăn ớt, mê tuồng cải-lương, nhâm-nhi rượu đế, v.v. thử tập nhịn một vài lần, xem sao.

– Ghế mình thường ngồi, chén mình thường cầm, nay bị người khác lỡ dùng, thử xét xem trong bụng mình lúc ấy ra thế nào?