Bát Thức Qui Củ Tụng Trang Chú

Bát Thức Qui Củ Tụng Trang Chú

Hải 30
LỜI TỰA

Bộ Bát thức quy củ tụng của ngài Huyền Trang đại sư chưa từng thấy chỗ nào biên chép rằng ngài tự chú giải lời tụng đó. Mùa hạ năm Đinh Mão, tôi ở nơi chùa Linh Ẩn đất Hổ Lâm. Lúc đó có ngài Đàm Huyền đường chủ1 , người ở đất Tương, là bậc học rộng nghe nhiều. Ngài nói với tôi rằng, trong đại tạng kinh hiện có bản khắc bộ Bát thức quy củ tăng sao, đời nhà Minh. Trong bộ ấy chép rằng, đời nhà Đường, ngài tam tạng pháp sư Huyền Trang chú giải lời tụng. Đời nhà Minh, ngài Lỗ Am pháp sư, hiệu là Phổ Thái, bổ chú thêm2 . Đời nhà Minh, ngài Tử Bá thiền sư, hiệu là Đạt Quán, giải rõ lời chú. Đệ tử thọ giới bồ tát là ông Lý Ngự Phương làm lời tăng sao. Bạn đồng giới luật là Tạ Phan và Lâm Hữu Thọ cùng tham cứu, hiệu đính thêm. Những lời chú giải và bổ chú thêm trùng lập lẫn lộn, rõ ràng là do người đời nhà Minh làm ra. Chỉ có lời chú giải của ngài Huyền Trang, tức là bộ Bát thức quy củ tụng Trang chú này, xét về danh và kiểm lại sự thật thì câu nghĩa thật là già dặn, quyết chẳng phải là những người sau đời nhà Đường có thể gá mượn được. Tuy chẳng đoan chắc là ngài Huyền Trang tự chú giải, nhưng những lời chú giải đó ắt cũng từ những bậc hiền đồ của ngài Huyền Trang thuật lại. Được như thế thì rất đủ làm của báu vậy. Trong bộ Bát thức quy củ tăng sao, tôi thấy nơi lời chú giải của ngài Huyền Trang và của ngài Phổ Thái có sự xen tạp lộn xộn, câu và chữ cũng có đôi lúc sai lầm. Vì vậy, tôi bèn xem xét chính chắn qua một lượt và vâng theo lời dạy của ngài Đàm Huyền đường chủ, gạn lọc sao chép lại, cho ghi vào bộ Hải triều âm quyển 16, số thứ 8, tháng 8 (1935) để thật chứng vậy.3
__________________________________
1 Đàm Huyền 談玄: danh tăng Trung quốc, người Hồ Nam. Sư xuất gia lúc tuổi nhỏ, chuyên tâm học tập, biện tài vô ngại. Sư từng đi du học ở Nhật bản 2 lần, tu tập Thai mật và Đông mật đều được học vị Truyền pháp quán đảnh. Năm Dân Quốc thứ 24 (1935), sư mang về nước những kinh sách Mật giáo do sư sưu tập, khoảng 300 loại, hơn 2500 quyển, gồm các bản chép tay, bản in chụp, bản hoàn chỉnh, bản dịch văn Phạn, văn Tây tạng, và có những bản gồm cả 4 thứ tiếng Tây tạng, Phạn, Anh, Hán, cùng nhiều sách vở khác. Những sách này được triển lãm tại Phật học thư cục Thượng Hải và được cất giữ cẩn thận ở thư viện Phật học viện Vũ Xương. Sư đã thúc đẩy phong trào nghiên cứu Phật học ở Trung quốc phát triển mạnh mẽ. Sư từng giảng dạy ở Sở nghiên cứu Phật học viện Vũ Xương, Phật học viện thế giới.
2 Đại chánh tân tu, T45, No.1865, Bát thức quy củ bổ chú 八識規矩補註, 2 quyển. Lược bỏ những lời bổ chú của ngài Phổ Thái thì là bản Bát thức quy củ tụng Trang chú này. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều chỗ lầm lẫn, chấm câu lộn xộn, cho nên đại sư Thái Hư đã bỏ công hiệu đính lại cho hoàn chỉnh.
3 Hải triều âm 海潮音: Tạp chí Phật giáo Trung quốc, do các vị Thái Hư, Tưởng Tác Tân, Trần Nguyên Bạch, Hoàng Bảo Thương, v.v… sáng lập. Lúc đầu, tạp chí này có tên là Giác Xã Tùng Thư, số 1 được phát hành vào ngày 10 tháng 10 năm 1918, 3 tháng ra một kỳ, chuyên nghiên cứu và hoằng dương Phật giáo. Sau khi phát hành kỳ thứ 5, vào năm 1920, tạp chí quí san được đổi làm nguyệt san và lấy tên là Hải Triều Âm, nghĩa là tiếng nói thức tỉnh giữa trào lưu tư tưởng của loài người. Lấy việc phát huy nghĩa chân thực của Phật pháp Đại thừa để hướng dẫn nhân tâm và tư tưởng chân chính trong thời hiện đại làm tông chỉ. Đại sư Thái hư là vị chủ biên quyển 1 trong kỳ phát hành lần đầu tiên của tạp chí này. Tiếp theo, có những biên tập viên nổi tiếng như: Đường Đại Viên, Trương Hóa Thanh, Pháp Phường, Chi Phong, Phúc Thiện, v.v… Năm Dân quốc 37 (1948), sư Đại Tỉnh làm chủ biên. Năm sau (1949) chiến tranh bùng nổ, tòa soạn tạp chí phải dời ra Đài loan, ngài Ấn Thuận làm chủ nhiệm, Lý Tử Khoan là người phát hành. Năm 1988, tòa soạn được đặt tại chùa Thiện Đạo ở Đài bắc và Diệu Nhiên là người phát hành. Hải triều âm số 16 phát hành năm 1935.
4 Thái Hư (1889-1947): Cao tăng Trung quốc, người huyện Sùng Đức, tỉnh Chiết Giang, họ Trương, tên Kiềm Sâm, pháp danh Duy Tâm, hiệu là Hoa Tử, Bi Hoa, Tuyết Sơn Lão Tăng, Tấn Vân Lão Nhân. Sư là người đề xướng phong trào đổi mới Phật giáo từ thời Dân Quốc về sau. Sư xuất gia năm 16 tuổi, thọ giới Cụ túc năm 18 tuổi với hòa thượng Ký Thiền chùa Thiên Đồng ở Ninh Ba. Năm 19 tuổi, nhân đọc kinh Bát nhã mà có sở ngộ. Năm 1912, sư đến Quảng Châu tuyên dương giáo pháp, trụ trì chùa Song Khê, núi Bạch Vân. Sư là người sáng lập Trung quốc Phật giáo Hiệp tiến hội tại Nam Kinh, sau sát nhập vào Trung quốc Phật giáo Tổng hội. Sư chủ trương 3 cuộc cách mạng lớn về giáo lý, giáo chế và giáo sản, cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo, kiến lập chế độ Tân tăng đoàn. Năm 1914, nhập thất ở núi Phổ Đà, một đêm nọ, nghe tiếng đại hồng chung mà có tâm niệm dứt bặt, trải qua ngộ cảnh lần thứ 2. Năm 28 tuổi, sư lại trải qua ngộ cảnh lần thứ 3. Năm 29 tuổi, sau khi ra thất, sư tham gia Đài Loan pháp hội, du lịch Nhật bản, sáng lập Giác xã tại Thượng Hải, làm chủ biên Giác xã tùng thư, năm sau đổi thành Hải Triều Âm nguyệt san. Dù là người có quan điểm cách tân Phật giáo, nhưng sư luôn phản đối quan điểm khảo chứng lịch sử của các học giả Nhật bản cho rằng luận Đại thừa khời tín, kinh Lăng nghiêm là ngụy thư. Năm 1924, sư tham dự đại hội Nhật bản Đông á Phật giáo, đồng thời khảo sát Phật giáo Nhật bản. Người Nhật tôn sư là minh chủ giới Phật giáo Dân quốc. Năm 1927, sư trụ trì chùa Nam Phổ Đà ở Hạ môn, kiêm Viện trưởng viện Phật học Mân Nam. Năm 1928, sư sáng lập Hội Phật học Trung quốc tại Nam Kinh, đồng thời hoằng hóa ở các nước: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Mỹ, là vị tăng Trung quốc đầu tiên truyền bá Phật giáo đến Âu Mỹ. Năm 44 tuổi, sư trụ trì chùa Tuyết Đậu ở Phụng Hóa. Năm 49 tuổi, sư soạn Ngã đích Phật giáo cách mạng thất bại sử, trình bày nguyên nhân phải đổi mới Phật giáo. Năm 1947, sư thị tịch tại Trực Chỉ Hiên, chùa Ngọc Phật, Thượng Hải, thọ 59 tuổi. Một đời sư khởi xướng và tận lực đổi mới Phật giáo, theo chủ nghĩa tam Phật: Phật tăng, Phật hóa, Phật quốc. Sư coi trọng giáo dục Tăng tài, thiết lập nhiều viện Phật học, sáng tác nhiều tác phẩm Phật giáo có giá trị, mà sau này được đệ tử là ngài Ấn Thuận gom chép thành bọ Thái Hư toàn thư, 64 tập