Bát Thức Qui Củ Tụng Trang Chú

Bát Thức Qui Củ Tụng Trang Chú

Hải 28

Tam tánh, tam lượng, thông tam cảnh

(Thức thứ sáu có đủ 3 tánh, 3 lượng và 3 cảnh)

Câu tụng này nói về thức thứ sáu. Thức thứ sáu đủ cả 3 tánh, 3 lượng và 3 cảnh. Ba tánh là: thiện, bất thiện và vô ký. Thiện mang ý nghĩa thuận ích: thuận theo lý lẽ chân chánh và lợi ích cho mình người. Bất thiện mang ý nghĩa nghịch tổn: nghịch với lý lẽ chân chánh và tổn hại cho mình người. Vô ký là đối với điều thiện và điều ác không thể ghi nhớ, phân biệt (là thiện hay ác).

Sau đây lấy nghĩa thuận nghịch và tổn ích để giải thích 3 tánh. Thuận ích 2 đời gọi là thiện tánh. Nghịch tổn 2 đời gọi là bất thiện tánh. Đối với quả (dị thục) có ái dục [40] và không có ái dục mà chẳng thể ghi nhận và phân biệt, gọi là vô ký tánh. Nói cách khác, tự thể (= sinh thể) và quả (= dị thục của sinh thể đó), cả hai đều có sự lưu luyến (ái) và thỏa thích (lạc), gọi là thiện tánh. Ngược với thiện tánh là bất thiện tánh (= phi ái lạc). Không có ái lạc (không có ưa thích) và không có phi ái lạc (không có ghét bỏ), chẳng thể ghi nhận và phân biệt, gọi là vô ký.

Ngoài ra, có thể lấy 3 đời hữu lậu và vô lậu để giải thích 3 tánh. Ba lượng là hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng. Hiện lượng đã giải, xin xem chương trước. Đây chỉ giải tỷ lượng và phi lượng. Tỷ lượng là hình thái nhận thức có tính so sánh, suy đoán một cách chính xác về cảnh (do ý thức y cứ vào cảnh đã biết). Phi lượng là hình thái nhận thức mà về tình cảm thì có, về lý trí thì không, do đó khi so sánh, suy đoán về cảnh có sự sai lầm.

Ý thức được nhận diện dưới 5 hình thái:

1. Định trung độc đầu ý thức (định trung ý thức): là ý thức duyên với cảnh trong định. Cảnh trong định có lý (= định tự tại sở sanh sắc) và sự. Sự lại có cực lược sắc [41] và cực huýnh sắc [42]. Tóm lại, ở trong thiền định, ý thức tự tại sanh ra các sắc pháp thuộc pháp xứ [43] (= pháp xứ sở nhiếp sắc).

2. Tán vị độc đầu ý thức [44] (độc tán ý thức): là ý thức duyên với thọ sở dẫn sắc [45] (và biến kế sở sắc [46] ), nghĩa là ý thức trong sự biểu hiện biến kế khởi ra các sắc pháp thuộc pháp xứ. Như hoa đốm giữa hư không, hình ảnh trong gương, màu sắc phác họa đều xếp vào loại sắc pháp này, tức pháp xứ sở nhiếp sắc.

3. Mộng trung độc đầu ý thức (mộng trung ý thức): là ý thức duyên với cảnh trong mộng.

4. Minh liễu ý thức (ngũ câu ý thức): là ý thức khởi lên một lượt với 5 thức trước cùng duyên với 5 trần.

5. Loạn trung ý thức: là ý thức tán loạn rồi khởi ra sự cuồng loạn biểu hiện qua 5 căn. Như người mắc bịnh hoạn nhiệt thấy màu xanh ra màu vàng, chẳng phải do nhãn thức loạn mà là ý thức cuồng loạn.

Định trung ý thức thuộc hiện lượng. Độc tán ý thức đi với tỷ lượng và phi lượng. Mộng trung ý thức và loạn trung ý thức đều là phi lượng. Minh liễu ý thức gồm cả 3 lượng, nhưng phần nhiều là hiện lượng, phần ít là tỷ lượng và phi lượng.

Ba cảnh là tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh. Tánh cảnh đã giải ở chương trước, nay giải thích thêm cùng với đới chất cảnh và độc ảnh cảnh.

1. Tánh cảnh: là căn và trần thật sự do 8 pháp năng sở tạo thành, (có khi) là định quả sắc [47] thật sự, đều do chủng tử thật sự sanh khởi. Tánh cảnh chỉ có hiện lượng: tướng phần của 5 thức trước và tướng phần của thức thứ 8. Tánh cảnh là các cảnh thật sắc làm đối tượng sở duyên của ngũ câu ý thức [48].Tánh cảnh là tự thân của thật tại không mang danh ngôn (khái niệm), không bị biến hình vì tác dụng phân biệt tỷ giảo của nhận thức. Trí căn bản khi duyên chân như cũng là tánh cảnh, do cái dụng của trí vô phân biệt, nhậm vận thể hội (chân như).

Tánh cảnh chia thành 2 loại:

a. Vô chất tánh cảnh: đã nói ở trên.

b. Hữu chất tánh cảnh: hoàn toàn không có nghĩa của vô chất tánh cảnh, chỉ là phần huyễn tướng (không có nghĩa thật tại), đứng trên phương diện ý nghĩa của sắc chất mà tạm nói là tánh cảnh. Do có tính giả thuyết nên gọi là hữu chất tánh cảnh.

2. Đới chất cảnh: có 2 loại:

a. Chân đới chất cảnh: lấy tâm duyên tâm (như thức thứ 7 duyên với tướng kiến phần của thức thứ 8), ở giữa hai tâm, tướng phần của tâm năng duyên và tướng phần của tâm sở duyên cùng liên đới sanh khởi, gọi là chân đới chất.

b. Tợ đới chất cảnh: lấy tâm duyên sắc (như ý thức nhớ lại các cảnh đã qua, và cảnh đây chỉ là những bóng dáng của trần cảnh [pháp trần], không phải tự tướng của cảnh), ở giữa tâm và sắc, tướng phần (của cảnh sở duyên) chỉ từ kiến phần (của tâm năng duyên) sanh khởi. Tính chất vừa liên đới, vừa chuyển biến (biến đới) nên gọi là tợ đới chất cảnh.

3. Độc ảnh cảnh: có 2 loại:

a. Vô chất độc ảnh cảnh: Ý thức tạo dựng thế giới ảnh tượng (tướng phần) không thật như hoa đốm giữa hư không, sừng thỏ, các ảnh tượng dĩ vãng, tương lai … Các ảnh tượng đó và ý thức sanh ra từ cùng một chủng tử. Nói tóm, các ảnh tượng hoa đốm giữa hư không v.v… đều không phải thật chất, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của ý thức.

b. Hữu chất độc ảnh cảnh: Ý thức tái tạo những ảnh tượng khi duyên cảnh qua 5 căn, bằng chủng tử và hiện hành (của A lại da liên tục đắp đổi: năng huân và sở huân), vì vậy những ảnh tượng sanh khởi đó có bản chất vay mượn. Các ảnh tượng đó (tướng phần) và ý thức (kiến phần) sanh ra từ cùng một chủng tử, nên gọi là độc ảnh.

Cảnh là sở duyên. Thức là năng duyên. Cảnh và thức đều có thể tánh riêng. Thể của Tánh cảnh, xem giải thích ở trên. Thức năng duyên: trừ thức Mạt na, 7 thức còn lại đều sử dụng bản thân tâm thức và những tâm sở phụ thuộc làm thể tánh. Thể của độc ảnh cảnh là lấy kiến phần của ý thức tự biến hiện giả lập làm tướng phần; (rõ ràng) thể của thức năng duyên chính là tự thân ý thức và những tâm sở phụ thuộc. Thể của đới chất cảnh là (thức năng duyên) tự biến khởi, ở khoảng giữa (thức và cảnh) giả lập ra tướng phần (có bản chất sở y chứ không có tự tướng của cảnh); (ở đây) thể của thức năng duyên là ý thức, thức Mạt na và những tâm sở phụ thuộc. Vì vậy, câu tụng trên nói thức thứ sáu có đối tượng nhận thức gồm cả 3 cảnh.

Ngũ câu ý thức khi ở trong trường hợp tri giác thuần túy [49], thì đạt tới cảnh tự tướng, chính là Tánh cảnh. Ý thức duyên tâm và tâm sở là Đới chất cảnh. Ý thức duyên các pháp không có thật thể [50] là Độc ảnh cảnh. Ba trường hợp trên đây là đứng về lĩnh vực phàm phu hữu lậu mà nói. Đứng về lĩnh vực Thánh giả vô lậu thì 8 thức đều duyên 3 cảnh.

Nói về 3 cảnh, ngài Huyền Trang, dựa theo thuyết của ngài Hộ Pháp, có soạn ra bài tụng rằng:

 Tánh cảnh bất tùy tâm

 Độc ảnh duy tùng kiến

 Đới chất thông tình bản

 Tánh chủng đẳng tùy ứng.

(Tánh cảnh là lĩnh vực tự thân của thực tại không chịu tác dụng của tâm phân biệt [bất tùy tâm]. Độc ảnh cảnh là thế giới ảnh tượng do ý thức tạo dựng khi nó hoạt động độc lập, vì vậy Độc ảnh cảnh lấy kiến phần của ý thức tự biến làm thể [duy tùng kiến]. Đới chất cảnh liên hệ [liên đới] với tình thức [ý thức] và căn bản thức [A lại da thức], là lĩnh vực của ý tượng [đối tượng của ý thức] mà trong đó tướng phần sở duyên được cấu tạo trên nền tảng kiến phần của tình thức hay căn bản thức [thông tình bản]. Tánh chủng là A lại da thức và các thức khác, tùy theo hoạt dụng của mỗi thức mà tương ưng với Tánh cảnh, Độc ảnh cảnh hay Đới chất cảnh [đẳng tùy ứng]).

Tam giới luân thời dị khả tri

(Dễ biết được hành tướng của thức thứ sáu khi nó luân chuyển trong 3 cõi)

Tam giới, đã giải thích ở chương trước. Luân, là luân chuyển. Câu tụng muốn nói, thức thứ sáu qua lại ba cõi rất dễ biết, do hành tướng của nó hiển bày một cách rõ ràng và hơn hẳn các thức khác. Ý thức (đưa con người đến các nẻo đường sanh tử hay giải thoát, bởi lẽ nó) là động lực lớn nhất và chủ yếu làm phát sanh hành động của thân thể và ngôn ngữâ: động thân phát ngữ độc vi tối.

Tương ưng tâm sở ngũ thập nhất

(Thức thứ sáu thích ứng với 51 loại tâm sở)

Trong 8 thức tâm vương chỉ có thức thứ sáu là tương ưng cả 51 món tâm sở, cùng hỗ tương nhau, không chống trái nhau. Năm tâm sở biến hành, 5 tâm sở biệt cảnh, 11 tâm sở thiện, 3 phiền não căn bản (tham, sân, si), 2 phiền não trung tùy, 8 phiền não đại tùy, tất cả đã giải ở chương trước. Chương này chỉ giải 3 phiền não căn bản còn lại (mạn, nghi, ác kiến), 10 phiền não tiểu tùy và 4 tâm sở bất định.

Ba căn bản phiền não là: mạn, nghi và ác kiến.

1. Mạn (kiêu ngạo): Đặc tánh của tâm sở này là cậy ỷ (tài năng hay thế lực) mình mà tỏ thái độ cao ngạo, khinh khi. Hoạt dụng của mạn là làm nhân sanh ra các tội khổ và làm chướng ngại tâm không kiêu ngạo. Người có tâm kiêu ngạo thì tâm lý cất cao, không có sự khiêm tốn đối với tánh đức (vô lậu của bản tâm) và người có đạo đức; do đây, dòng sanh tử luân chuyển không cùng, chịu các khổ não.

2. Nghi (hoài nghi): Đặc tánh của tâm sở này là do dự (hoài nghi, hoang mang) đối với các chân lý chắc thật (tứ đế). Hoạt dụng của nghi là làm chướng ngại thiện pháp và trở ngại tâm không hoài nghi. Chính tâm lý do dự (hoài nghi) mà điều lành chẳng thể phát sanh.

3. Ác kiến (thấy biết sai lầm): Đặc tánh của tâm sở này là hiểu biết, suy luận điên đảo về các chân lý chắc thật (tứ đế). Hoạt dụng của ác kiến là làm chướng ngại sự thấy biết thiện pháp (chân chánh) và gây tạo tội khổ. Chính sự thấy biết điên đảo (thác loạn) mà khổ đau (phải chịu) càng thêm nhiều. Ác kiến có 5 loại: một là, thân kiến (chấp có sự tồn tại của ngã); hai là, biên kiến (chấp một bên: thường kiến, chết rồi vẫn thường còn, [hay] đoạn kiến, chết rồi thì mất hẳn); ba là, tà kiến (phủ định lý nhân quả); bốn là, kiến thủ (chấp kiến giải sai lầm cho là chân lý); năm là, giới cấm thủ (chấp giữ những tục lệ cổ hủ, giới luật sai lầm).
Mười phiền não tiểu tùy: (do mỗi loại tự lực sanh khởi, phạm vi tương ưng nhỏ hẹp, nên gọi là tiểu)

1. Phẫn (giận dỗi): Đặc tánh của tâm sở này là nổi giận với cảnh trái nghịch trước mắt. Hoạt dụng của phẫn là muốn chống trả và chướng ngại tâm không nổi giận. Người nổi giận thì phần nhiều biểu lộ qua cử chỉ và nét mặt hung dữ.

2. Hận (oán hờn): Đặc tánh của tâm sở này là kết oán, do trước đó nổi giận, sau ôm lòng oán ghét không tha. Hoạt dụng của hận là nóng nảy và chướng ngại tâm không oán hờn. Người oán hờn thì không thể nuốt hận, chấp nhận, thường thì hay nóng nảy. Phẫn và hận thuộc về tâm sân.

3. Phú (che giấu): Đặc tánh của tâm sở này là che giấu tội lỗi của mình làm vì sợ mất tiếng tăm và lợi lộc. Hoạt dụng của phú là ăn năn, buồn phiền và chướng ngại tâm không che giấu. Người che giấu tội lỗi thì sau đó thường hối hận, phiền muộn, tâm không an ổn. Phú thuộc về tâm tham và si.

4. Não (bực tức): Đặc tánh của tâm sở này là bực tức, do trước phẫn hận (giận hờn), chạm nọc thành hung dữ. Hoạt dụng của não là châm chích đối phương (qua cử chỉ và lời nói) và chướng ngại tâm không bực tức. Não thuộc về tâm sân.

5. Tật (ganh ghét): Đặc tánh của tâm sở này là ganh ghét, thà mình bỏ mạng chạy theo danh lợi chứ chẳng chịu người khác được thăng tiến. Hoạt dụng của tật là lo rầu và chướng ngại tâm không ganh ghét. Người có lòng đố kỵ thì khi thấy, nghe người khác được vinh hoa liền ôm lòng sầu khổ, lo buồn, tâm không an ổn. Tật thuộc về tâm sân.

6. Xan (keo bẩn): Đặc tánh của tâm sở này là bỏn xẻn, không chịu xả bỏ tiền tài hay chia sẻ giáo pháp cho người. Hoạt dụng của xan là keo kiệt, tích chứa và chướng ngại tâm không bỏn xẻn. Người bỏn xẻn thường có tâm lý hẹp hòi, keo rít, ưa tích chứa tài vật mà không muốn cho người. Xan thuộc về tâm tham.

7. Cuống (dối trá): Đặc tánh của tâm sở này là giả dối, qủi quyệt bằng cách giả bộ biểu hiện là người có đức để được lợi dưỡng và tiếng khen. Hoạt dụng của cuống là mưu sanh bất chánh (= tà mạng: cách sống không trong sạch) và chướng ngại tâm không dối trá. Người dối trá thì lòng ôm ấp toan tính, thường biểu lộ nhiều việc không thật và cách sống không trong sạch. Cuống thuộc về tâm tham và si.

8. Siểm (dua nịnh): Đặc tánh của tâm sở này là dua nịnh quanh co chỉ để lừa dối người bằng cái vẻ bề ngoài khác với nội tâm (= là miệng và ý tự mâu thuẩn nhau, và mâu thuẩn với đạo pháp). Hoạt dụng của siểm khúc là nói năng bợ đỡ, nịnh hót và chướng ngại tâm không dua nịnh (= tâm chất trực). Dua nịnh quanh co chỉ để dối trá người bằng cách dối lập những phương cách làm sao lấy lòng người khác, biết khi nào thì a dua, khi nào thì quanh co. Siểm khúc còn có nghĩa là khéo (quanh co) che giấu lầm lỗi của mình, bất chấp lời khuyên răn chân thành của thầy bạn. Siểm thuộc về tâm tham và si.

9. Hại (tổn hại): Đặc tánh của tâm sở này là làm thương tổn và rối loạn về mặt tâm lý của người khác, do thiếu lòng bi mẫn. Hoạt dụng của hại là lấn hiếp khiến cho người sanh bực tức, và chướng ngại tâm không tổn hại. Người có tâm tổn hại thì ưa thích thấy người khác sầu khổ. Hại thuộc về tâm sân.

10. Kiêu (kiêu ngạo): Đặc tánh của tâm sở này là kiêu hãnh và cao ngạo, vì tự nhận là thành công trong sự nghiệp (như được giàu sang, quyền thế, có tài năng), rồi tự mình đắm sâu, mê say vào sự tôn thắng ấy. Hoạt dụng của kiêu là chỗ dựa cho pháp tạp nhiễm (= phiền não và tùy phiền não), và chướng ngại tâm không kiêu ngạo. Người có tâm kiêu ngạo thì lần lần sanh trưởng tất cả (phiền não và nghiệp) tạp nhiễm. Kiêu thuộc về tâm tham.

Trong 20 món tùy phiền não, thì 10 món tiểu tùy (ở trên) và 3 tâm sở: phóng dật, thất niệm, bất chánh tri (của đại tùy) thuộc về phần sai biệt của phiền não căn bản (, do không có biệt thể nên có một phần đặc tánh của phiền não căn bản). Bảy tâm sở còn lại (vô tàm, vô qúi thuộc trung tùy, và bất tín, giải đãi, hôn trầm, trạo cử, tán loạn của đại tùy) thuộc về tánh đẳng lưu (, do có biệt thể nhưng có cùng đặc tánh với phiền não căn bản).

Bốn tâm sở bất định:

Nói về 4 món tâm sở bất định, Duy thức tam thập tụng có ghi:

Bất định vị hối, miên

Tầm, tứ, nhị các nhị.

(Tâm sở bất định là: hối, miên, tầm và tứ; mỗi món đều đủ 2 tánh thiện và ác (tịnh và nhiễm)).
Bốn món tâm sở bất định này không giống với 5 loại tâm sở trước (biến hành, biệt cảnh, thiện, phiền não và tùy phiền não). Chữ định (nhất định), có nghĩa là biến khắp 8 thức, 3 tánh, tất cả thời và 9 địa. Bốn tâm sở này mang nghĩa bất định. (nghĩa là không nhất định là thiện hay ác). Luận Du già dùng 4 nhất thiết (: thức, tánh, địa và thời) để giải thích 5 loại tâm sở khác nhau: 1. tâm sở biến hành có đủ 4 nhất thiết; 2. tâm sở biệt cảnh có nhất thiết thức (8 thức tâm vương) và nhất thiết tánh (thiện, ác và vô ký); 3. tâm sở thiện có nhất thiết địa (3 cõi, 9 địa); 4. căn bản và tùy phiền não không có 4 nhất thiết; 5. tâm sở bất định chỉ có nhất thiết tánh.

1. Hối (ăn năn): Hối có nghĩa là ố tác [51] (ghét việc đã làm). Ố tác là nhân, hối là thể của ố tác. Vì thể tức là nhân, nên luận nói rằng, hối có nghĩa là ố tác, chính là dựa vào nghĩa nhân quả. Đặc tánh của tâm sở này là hối hận nghiệp ác đã làm. Hoạt dụng của hối là chướng ngại sự tu chỉ. Chỉ, xa ma tha, là ngừng lại mọi nghĩ tưởng và đứng yên nơi chánh niệm.

2. Miên (thụy miên): Đặc tánh của tâm sở này là lơ đãng, mê ngủ, làm cho thân không tự tại, tâm rất mê muội. Hoạt dụng của miên là chướng ngại tu quán. Quán, tỳ bát xá na, là nhiếp cảnh theo tâm, lấy quán trí (do văn, tư, tu) làm thể. Vấn đề đặt ra là, nếu khi mê ngủ là không có tâm thức thì làm sao có tác dụng “làm cho thân không tự tại, tâm rất mê muội”? Đã có tác dụng thì phải có tâm thức, vì tâm sở thụy miên là một thật thể có tác dụng của nó.
3. Tầm (tìm cầu): Đặc tánh của tâm sở này là chuyển động vụng về (thô chuyển), làm cho tâm thức (ý thức) chuyển đổi vội vàng trong ý ngôn cảnh.

4. Tứ (quán sát): Đặc tánh của tâm sở này là chuyển động điêu luyện (tế chuyển), làm cho tâm thức (ý thức) chuyển đổi chậm rãi trong ý ngôn cảnh.

Hoạt dụng của 2 tâm sở này được căn cứ và phân định trên tác dụng làm cho thân tâm an hay thân tâm bất an. Thế nào là ý ngôn cảnh? Cảnh là đối tượng của ý thức, và ý thức nắm giữ đối tượng phần nhiều bằng danh ngôn (= khái niệm), cho nên gọi là ý ngôn cảnh (cảnh danh ngôn của ý thức). Tầm và tứ đều sử dụng một phần của tâm sở tư và tâm sở tuệ để làm thể tánh. Nếu khiến tâm an là do ý thức nhận thức cảnh qua một phần của tâm sở tư. Nếu khiến tâm bất an là do ý thức nhận thức cảnh qua một phần của tâm sở tuệ. Tâm sở tư mang tánh chậm rãi (trong việc lo nghĩ, tạo tác) nên có sự tinh tế. Tâm sở tuệ mang tánh mau lẹ (trong việc sáng suốt lựa chọn) nên có sự thô động. Như vậy, tâm an thì có cái dụng của tâm sở tư, không có tâm sở tuệ; còn tâm bất an thì có cái dụng của tâm sở tuệ, không có tâm sở tư. Ở trên nói, “tầm và tứ đều sử dụng một phần của tâm sở tư và tâm sở tuệ làm thể tánh”, là thế nào? Ngài Hộ Pháp giải thích rằng, có sự hổ tương trong tánh cách phối hợp giữa phần phụ với phần chánh. Nếu dùng tâm sở tư làm chánh, thì tâm sở tuệ tùy theo tâm sở tư mà có tác dụng khiến tâm an. Nếu dùng tâm sở tuệ làm chánh, thì tâm sở tư tùy theo tâm sở tuệ mà có tác dụng khiến tâm bất an. Nói cách khác, tầm và tứ đều sử dụng tư và tuệ mà không có sự chống trái nhau. Nghĩa tương ưng (= hòa hợp với nhau) này có 5 yếu tố là: thời, sở y, hành tướng, sở duyên và sự. Thí dụ, tâm vương và tâm sở: đồng thời sanh khởi, đồng một sở y là căn bản thức, đồng có chung hành tướng là kiến phần, đồng một sở duyên, đồng một thể sự, cho nên nói có sự tương ưng.

Thiện ác lâm thời biệt phối chi

(Thức thứ sáu riêng biệt phối hợp: khi thì với tâm sở thiện, lúc thì với tâm sở ác)

Ý thức khi gặp cảnh thiện thì cùng với tâm sở thiện tương ưng. Ý thức khi gặp cảnh bất thiện hay vô ký thì cùng tâm sở bất thiện hay vô ký tương ưng. Cho nên nói là tùy thời riêng phối hợp. Theo lý luận bàn, lấy tình suy xét cũng có thể biết được điều này.

Tánh, giới, thọ tam hằng chuyển dịch

(Thức thứ sáu thường xuyên chuyển đổi giữa 3 tánh, giữa 3 cõi, và giữa 5 thọ)

Câu tụng này nói, thức thứ sáu lúc nào cũng tự chuyển động liên tục theo 3 tánh (thiện, ác, vô ký), 3 giới (Dục, Sắc, Vô sắc) và 5 thọ (khổ, lạc, ưu, hỷ, xả), do hành tướng của nó dễ tự thay đổi, dễ tự vượt thoát. Riêng về 5 thọ, luận thuyết có chỗ không giống nhau. Thức thứ bảy và thức thứ tám chỉ có xả thọ. Năm thức trước chuyển biến có khổ thọ và lạc thọ. Về thức thứ sáu, có 2 luận sư nói khác nhau. Luận sư thứ nhất nói, nếu ý địa [52] vốn có khổ (= tạp nhiễm) thì thức thứ sáu gồm đủ 5 thọ. Luận sư thứ hai nói, nếu ý địa không có khổ thì thức thứ sáu chỉ có 3 thọ là ưu, hỷ và xả. Nói đến 2 hình thái cảm thọ: khổ quá và vui quá, vấn đề đặt ra là, khi ý thức xúc đối cảnh khổ quá hay cảnh vui quá, thì cái khổ ấy hay cái vui ấy có tác động vào tâm thức không? Câu trả lời là, cái khổ ở địa ngục Vô gián hay cái vui ở cõi trời tam thiền, ở trong đó, ý thức làm sao có thể quên mất được cảnh thuận nghịch. (Nói cách khác, ý thức có mặt trong 3 giới). Thân bức bách hay ưa thích, gọi là khổ thọ hay lạc thọ. Tâm bức bách hay ưa thích, gọi là ưu thọ hay hỷ thọ. Tâm không bức bách, cũng không ưa thích, gọi là xả thọ. Lấy lý mà suy, vị luận sư nói, ý địa vốn có khổ, cho thấy nghĩa rốt ráo của ý thức là vậy.

Căn, tùy, tín đẳng tổng tương liên

(Căn bản phiền não, tùy phiền não, biến hành, biệt cảnh và bất định, tức 51 tâm sở nối tiếp nhau chuyển đổi theo ý thức)

Chữ đẳng chỉ cho các loại tâm sở còn lại như: biến hành, biệt cảnh và bất định. Các pháp nhiễm tịnh, tức 51 món tâm sở cũng nối tiếp nhau chuyển đổi theo ý thức, giống như 3 tánh, 3 giới, 5 thọ đã nói ở trên.

Động thân, phát ngữ độc vi tối

(Thức thứ sáu vượt trội hơn các thức khác trong việc phát động thân nghiệp và khẩu nghiệp)

Trong 8 thức tâm vương, hành tướng của ý thức vượt trội hơn cả, vì tánh chất chủ đạo trong việc làm cho thân thể hành động và ngôn ngữ phát sanh. Đại thừa Thành nghiệp luận (do bồ tát Thế Thân soạn) nói về ý thức như sau: Bên ngoài thân thể hành động, ngôn ngữ phát sanh, chứng tỏ bên trong có cái tâm tư duy; giống như cá ẩn núp dưới đáy nước, thấy mặt nước khua động, chứng tỏ có cá.

Hoạt dụng của ý thức là sự tư duy. Tư duy có 3 loại: một là, tư duy xem xét, toan tính (thẩm lự tư); hai là, tư duy quả quyết, khẳng định (quyết định tư); ba là, tư duy khởi động, phát sanh [qua thân thể và ngôn ngữ] (động phát tư). Các thức khác không có hoạt dụng rộng rãi như vậy, cho nên nói ý thức tối thắng hơn các thức khác.

Dẫn mãn năng chiêu nghiệp lực khiên

(Ý thức có năng lực tạo nhiệp: dẫn nghiệp và mãn nghiệp, và chiêu quả: tổng quả và biệt quả)
Ý thức có thể một mình tạo ra 2 nghiệp là dẫn nghiệp và mãn nghiệp. Hai nghiệp này có năng lực chiêu cảm 2 quả là tổng quả và biệt quả (tổng báo và biệt báo), và đó là sức mạnh thù thắng của nghiệp. Dẫn nghiệp, là nghiệp có công năng dẫn kéo. Mãn nghiệp, là nghiệp làm tròn đầy tổng quả. Thí dụ như người họa sĩ, trước phác họa tổng thể (= dẫn nghiệp), sau mới vẽ kỹ chi tiết (= mãn nghiệp). Nghĩa này nên biết. Trong luận có nói 4 trường hợp nghiệp dẫn: một là, 1 nghiệp dẫn ra 1 quả; hai là, 1 nghiệp dẫn ra nhiều quả; ba là, nhiều nghiệp dẫn ra 1 quả; bốn là, nhiều nghiệp dẫn ra nhiều quả. Qua đây cho thấy ý thức có năng lực tạo nghiệp, chiêu quả. Một phần thiện ác của 5 thức trước cũng có thể tạo nghiệp. Thức thứ bảy và thức thứ tám, cả hai không thể tạo nghiệp, vì là tánh chất vô ký. Nếu bàn chung về 8 thức thì: chiêu nghiệp thành quả, là thức thứ 8 và 1 phần của 6 thức trước; không có tạo nghiệp chiêu quả, chỉ có thức thứ bảy. Một phần của 6 thức trước, là nói đến tánh chất thiện và bất thiện (của 6 thức đó). Tổng báo, là quả báo tổng thể của dị thục như đường lành, đường dữ (, tức những nẻo đường sanh tử, do dẫn nghiệp của thức thứ 8 làm nghiệp chủ yếu chiêu cảm). Biệt báo, là quả báo sai biệt (trong tổng báo) như sống lâu hay chết yểu, giàu sang hay nghèo hèn, đẹp hay xấu v.v… (, muôn ngàn sai biệt, do mãn nghiệp của 6 thức trước làm tăng thượng duyên).

Phát khởi sơ tâm Hoan hỷ địa

(Ở sơ tâm Hoan hỷ địa, ý thức phát khởi được cái năng lực thù thắng vô lậu có thể tác thành mọi nghĩa lợi cho mình và người)

Ở Hoan hỷ địa, sơ tâm của ý thức đã chuyển thành vô lậu, bởi vì 2 chướng phân biệt ngã chấp và pháp chấp (cùng những sự tạp nhiễm trong ác đạo [53] ) đều đã đoạn trừ.

Hỏi: Ba đời đoạn hết (lậu) hoặc hay sao? Nếu hiện tại đoạn hết hoặc, thì hoặc và trí chẳng cùng sanh. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa sanh, như vậy ở giai đoạn nào?

Đáp: Chỉ bàn luận khi trí khởi thì hoặc trừ, cho nên ở thời vị lai, thể của hoặc không thể tiếp tục sanh khởi, và gọi đó là đoạn.

Câu sanh du tự hiện triền miên

(Tuy nhiên, ở Hoan hỷ địa, vẫn còn có câu sanh ngã chấp và pháp chấp cho nên vẫn còn có những hiện hành và chủng tử sanh khởi)

Triền là hiện hành (ngu tối). Miên là chủng tử (nặng nề). Khi ở sơ tâm Hoan hỷ địa, ý thức vẫn còn có hiện hành và chủng tử của câu sanh phiền não chướng và sở tri chướng, do vì ý thức chưa thuần vô lậu. Ý thức lại không thường an trú trong sự chỉ quán về ngã không và pháp không.

Viễn hành địa hậu thuần vô lậu

(Sau Viễn hành địa thì ý thức mới thuần vô lậu)

Viễn hành địa tức là đệ thất địa. Ý thức từ đệ thất địa trở về trước, chủng tử hữu lậu và vô lậu chen nhau sanh khởi, do ý thức chưa thường an trụ trong chỉ quán. Từ đệ thất địa trở về sau thì ý thức mới thuần vô lậu, do chủng tử câu sanh phiền não chướng và sở tri chướng không còn hiện hành nữa, mà thường an trụ nơi chỉ quán. Tuy nhiên, chỉ quán về ngã không (sanh không) thì viên mãn. Chỉ quán về pháp không còn gián đoạn (và thiếu sót).

Lại nữa, trong 10 địa, 5 địa đầu phần nhiều là chỉ quán hữu tướng, phần ít là chỉ quán vô tướng. Địa thứ sáu, phần ít là chỉ quán hữu tướng, phần nhiều là chỉ quán vô tướng. Từ địa thứ bảy trở lên là thuần chỉ quán vô tướng.

Quán sát viên minh chiếu đại thiên

(Bấy giờ, ý thức thật sự chuyển thành Diệu quan sát trí, có hoạt dụng tròn sáng chiếu soi khắp đại thiên thế giới)

Thức thứ sáu ở sơ tâm Hoan hỷ địa tuy không còn 2 chướng phân biệt ngã chấp và pháp chấp, chuyển thành vô lậu, nhưng vẫn còn chủng tử câu sanh phiền não chướng và sở tri chướng hiện hành ở trong các địa: Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa. Đến địa thứ bảy, Viễn hành địa, thì chủng tử câu sanh của 2 chướng vĩnh viễn bị hàng phục, không còn sanh khởi nữa. Bấy giờ, vô lậu tịnh thức thường hằng sanh khởi, ý thức vốn tương ưng các tâm sở nay chuyển thành Diệu quán sát trí, luôn tròn sáng (viên minh), chiếu khắp đại thiên thế giới. Không nói chiếu soi một thế giới là vì Diệu quán sát trí có công năng chiếu soi khắp cả vậy.