Bà Thất nằm lọt thỏm giữa lòng chiếc giường gỗ không lớn lắm. Trông bà như một bộ xương nằm lẫn lộn giữa đám mền mùng và các vật dụng linh tinh thường thấy nơi giường của người bệnh nằm một chỗ lâu ngày.
– Hồi còn trẻ vì tánh háo thắng muốn tranh đua với bạn bè, con đã mua đầy bán lưng, lường thăng tráo đấu, cân già đong non để mong làm giàu. Đến khi lớn tuổi, con biết mình đã gây nên nhiều nghiệp tội. Nhờ thầy giác ngộ, con đã từ bỏ tất cả để nương về cửa Phật, nương về thầy cầu mong sám hối. Nhưng con biết tội nghiệp của con đã gây ra không sao sám hối mà có thể tiêu trừ hết được. Bây giờ nghiệp báo đã đến với con. Con mang vào người chứng bệnh nan y này, đã đến lúc phải ra đi lìa thầy bỏ bạn. Sau khi con mất mong thầy và các đạo hữu đừng quên con. Ngày thất tuần của con thầy vì con mà thiết lập trai đàn cúng dường chư Tăng, chẩn tế cô hồn để cho vong linh con nhẹ nhàng, có thể nhờ đó mà siêu thoát được.
Các đạo hữu vì tôi cùng với thầy lo liệu giùm, công đức ấy thật là lớn lao. Việc trai đàn chẩn tế con xin thầy tổ chức tại chùa cho được trang nghiêm, thanh tịnh. Gia đình con không ai hiểu gì về việc này đâu, sợ phải mang lấy tội. Con đã quyết định như thế và đã nói rõ với mọi người rồi. Sau ngày chung thất xin thầy cho con được ký linh về chùa chung bàn linh với chồng con. Sống thì con về chùa theo thầy theo bạn. Chết con cũng mong nương về Tam bảo để hàng ngày nghe được lời kinh tiếng kệ…
Lời trăng trối của bà Thất càng lúc càng yếu dần. Mọi sinh lực của sự sống còn sót lại bà đã cố gắng nói ra những lời cuối cùng. Bà đã kiệt sức, lả người ra nằm bất động, lim dim đôi mắt không còn hồn.
Sự yên lặng trong phòng đang đè lên mọi người đến gần như ngộp thở. Một vài đạo hữu cảm xúc quá đã không sao giấu được tiếng thở dài não nuột. Có người rơm rớm nước mắt. Thầy Từ Tuệ cúi xuống gần sát mặt người bệnh, giọng nói thật ôn tồn:
– Đạo hữu có còn nói gì nữa không?
Bà Thất khe khẽ lắc đầu mà đôi mắt vẫn còn lim dim thất thần trong tình trạng gần như hôn mê. Thầy Từ Tuệ nói tiếp, vẫn với giọng nói thật ôn tồn ấy:
– Đạo hữu cứ yên tâm mà về với Phật. Tôi và các đạo hữu đây hứa sẽ chu toàn những điều đã ký thác của đạo hữu. Đạo hữu đã thành tâm sám hối thì nghiệp tội tất cũng được tiêu trừ mà!
Không còn nghe được lời thì thào nào của bà Thất nữa. Đôi mắt lim dim thất thần của bà cũng đang từ từ khép lại. Trên đôi môi khô héo của bà rõ ràng đang hé nở một nụ cười mãn nguyện.
Bà Thất có chồng nhưng không sanh nở lần nào. Không con cái, nhưng bà lúc nào cũng nuôi ý nghĩ làm giàu bằng mọi cách. Bà theo nghề buôn bán bột mì, nhưng không đơn thuần chỉ là việc buôn bán bình thường của kế sinh nhai. Bà có đủ mánh khóe của một con buôn gian lận để chỉ bỏ ra vốn một lấy lại lời mười. Gian lận đến mức mà sau này bà đã bỏ nghề từ lâu, chiếc cân buôn bột mì của bà có kẻ lắy cắp bán cho lái heo. Người lái heo dùng cân này đi mua heo ai cũng biết là cân cũ của bà Thất nên ai cũng sợ không dám để cho người lái dùng cân ấy cân heo của mình. Nhờ thế vợ chồng bà Thất giàu lên rất mau.
Đến lúc của tiền dư ăn dư để, vợ chồng bà mới nghĩ đến việc nuôi một đứa con để có người nối dõi. Một gia đình cơ cực đã cho vợ chồng bà một cháu gái chưa tròn tuổi. Khi đứa con nuôi ấy vừa đủ lớn thì chồng bà chết sau một cơn bạo bệnh. Bà buồn nhớ chồng, rồi lại nghĩ đến những việc làm thất đức của mình nên đâm ra hối hận, quyết tâm hoàn thiện. Từ đó bà dẹp nghề buôn gian bán lận, thường xuyên về chùa để ăn năn sám hối lỗi lầm. Dần dần bà cũng đã thấm nhuần được ít nhiều căn bản giáo lý, thuộc được nhiều kinh sách rồi tự nguyện vào ban đạo tràng để theo thầy, theo bạn làm những công việc công đức.
Biết ăn năn tội lỗi đã qua, nương về Tam bảo để thành tâm sám hối hướng theo điều thiện không phải bất cứ ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng. Bà Thất đã đấu tranh gay gắt với nội tâm, vượt qua được ngưỡng cửa gay go nhất để trở nên một Phật tử thuần thành quả là một điều đáng quý. Không còn ai nghĩ đến một bà Thất con buôn gian lận, mà chỉ biết có một bà Thất Phật tử trong ban đạo tràng chuyên làm công đức cả tinh thần lẫn vật chất. Nhưng trong lúc đó thì Hạnh – đứa con nuôi của bà – càng lớn càng trở thành một đứa phá gia chi tử. Đến lúc lập gia đình có chồng có con, Hạnh vẫn đeo đuổi theo bà bòn rút, phá phách đến gần sạt nghiệp vẫn chưa thôi.
Bà Thất rất phiền muộn buồn chán, oán trách tiền căn nghiệp chướng gì đã làm cho bà phải sống trong hoàn cảnh khốn đốn như thế này! Nhưng nhờ biết nương về Tam bảo, nghe được những điều căn bản giáo lý của thầy thuyết giảng, biết được nghĩa lý trong một số bài kinh tiếng kệ mà bà đã thường xuyên tụng niệm, nên bà hiểu rằng tất cả đều là nhân quả. Bà đã tạo lấy nhân không lành nên phải hưởng quả chẳng tốt.
Kinh dạy: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bà chỉ là chúng sanh nên đến lúc nhận lấy quả báo bà mới thật để ăn năn tội lỗi đã làm. Bà ăn năn sám hối, nhưng tánh thường tình của một con người vẫn không thể mất hẳn trong bà. Tuy biết rằng sản nghiệp của mình tạo được đều do từ việc làm bất nghĩa, tuy hiểu rằng sự tàn phá của đứa con nuôi chẳng khác nào như câu chuyện “Cái cân thủy ngân”, nhưng bà vẫn mến tiếc cái tài sản ấy, không muốn dứt rồi hẳn ra. Tuy có cúng dường, bố thí nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Phần lớn còn lại bà đem cho các đứa cháu con của người anh gọi bà bằng cô với dụng ý là để sau khi bà trăm tuổi còn có người thừa tự, nhang khói.
Ngày ngã bệnh, biết mình đã lâm vào tình trạng nan y không còn có thể sống được bao nhiêu ngày nữa bà Thất mới thật tâm lo sợ quả báo. Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và thầy trụ trì, bà lấy số vàng đã gởi cho người chị ruột đem phân phối cả cho con cháu. Duy nhất chỉ giữ lại cho một số lượng để nhờ thầy chi dụng trong việc trai đàn cho ngày chung thất của bà. Thầy Từ Tuệ hứa khả, nhưng không trực tiếp nhận số lượng vàng ấy. Thầy giao cho một đạo hữu trước mặt mọi người.
Truyện ngắn Trà Kim Long
Bình luận