Mi Tiên Vấn Ðáp

Mi Tiên Vấn Ðáp

Trương Văn Chiến 18

Mi Tiên Vấn Ðáp
(Milinda Panha)

Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm
(Maha Thera Thita Silo)

Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003

I. PHẦN DẪN NHẬP

1. Ngoại thuyết (Bàhirakathà)

Sau khi Đức Thế Tôn tuyên bố sắp nhập Niết bàn, ngài cùng với một số đông tỳ khưu Tăng đến thành Kusinàra thuộc quốc độ Malla. Đến khu rừng mát mẻ, dừng lại dưới hai cội cây sàla tươi đẹp với bốn nhánh vươn cao và tỏa rộng, hoa nở rực rỡ và ngạt ngào hương, ngài bảo tôn giả Ananda xếp y tăng-già-lê rồi nói:

– Như Lai sẽ Niết bàn ở đây!

Thế rồi, Đức Thế Tôn nằm nghiêng lưng trên tảng đá bằng phẳng, đầu quay về phía bắc, mặt quay về phía tây. Chư tỳ khưu Tăng ngồi vòng quanh yên lặng như một rừng thiền định. Giữa tiếng chim ríu rít, vài cánh hoa rơi khẽ, bài pháp sau đây đã được Đấng Giác ngộ thuyết lên:

-“Này các thầy tỳ khưu! Như Lai nhắc nhở và căn dặn các thầy như vầy: tất cả pháp hữu vi đều không chắc thật, không bền vững. Tất cả các pháp hữu vi dầu thô thiển hay vi tế đều bị sự tác động của vô thường, biến hoại, đổi khác.

Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp, là phước tạo tác (punnàbhi sankhàra), cấu tạo nên thân tâm của người và trời; nói cách khác, là nhân sanh sáu cảnh trời dục giới hoặc được làm người có phước báu sắc thân xinh đẹp, ít bệnh tật, ít khổ đau, nhưng nó cũng chẳng thường còn như ý nguyện mãi thế đâu!

Tất cả pháp hữu vi, nếu là ác pháp, là tội tạo tác (appunnàbhi sankhàra), cấu tạo nên thân tâm và cảnh giới trong bốn đường dữ là: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la. Vậy các thầy hãy cố gắng gìn giữ thân khẩu ý, ngăn giữ ác hạnh để khỏi chịu quả báo đau khổ về sau.

Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp thù thắng, là vô ký hay bất động tạo tác (ananjabhi sankhàra); là nhân của tầng trời sắc giới và vô sắc giới của các bậc tu hành đã đắc tứ thiền hay tứ không; cấu tạo nên thân tâm cõi trời phạm thiên hữu sắc và phạm thiên vô sắc. Tuổi thọ ở đấy thì vô lượng nhưng hết phước báu thiền định cũng phải bị đọa lạc như thường.

Vậy này các thầy tỳ khưu! Hãy tinh tấn chuyên niệm, chớ quên, chớ phóng dật, chớ giải đãi. Tử sinh là việc lớn. Hãy rèn luyện thân khẩu ý cho thanh tịnh. Hãy làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm. Hãy qua khỏi bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh trầm luân khổ đau sinh diệt nữa!”

Lúc Đấng Thập Lực (Dassapàlannana) dùng lời tối hậu huấn thị tỳ khưu Tăng với tâm bi mẫn như thế, biết là ngài sắp Tịch diệt Niết bàn, có một số sa môn tâm hãy còn phàm, đã không ngăn được sự ưu sầu, luyến tiếc đối với Đức Đạo sư, họ đã chảy nước mắt khóc than vô cùng bi lụy.

Đức Tòan Thắng Ma lại ân cần nói thêm rằng:

-“Này các thầy tỳ khưu! Hình như các thầy tưởng rằng khi Như Lai diệt độ rồi, sẽ không còn ai là thầy dạy dỗ các thầy nữa chăng? Không phải thế đâu!

Này các thầy tỳ khưu! Pháp và Luật rất đầy đủ, Như Lai đã giáo giới đến các thầy rồi. Ba-la-đề-mộc-xoa (patimo-kkha) dành cho Tăng và Ni, Như Lai đã chỉ dạy cặn kẽ trong bộ Lưỡng phân biệt (ubhatovibhanga) rồi. Nhân có tội và nhân vô tội Như Lai cũng đã từng thuyết minh chi li, rõ ràng rồi.

Thinh Văn ba-la-mật tuệ, Như Lai cũng đã nói rồi.

Tuệ Đến-bờ-kia cho bậc Độc Giác và bậc Chánh Đẳng Giác, Như Lai cũng đã từng tán dương rồi. Và nào là Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như y túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo,Thất quả, Bát định, Cửu định.. . Như Lai cũng đã nhiều lần tuyên thuyết bằng những thời pháp, đoản ngôn, kệ ngôn, ví dụ, so sánh, giảng giải, phân tích … khác nhau.

Vậy này các thầy tỳ khưu! Người nào thông hiểu pháp ấy, chứng ngộ pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Như Lai; là người có căn cơ mẫn tiệp, lanh lẹ, kiến trú vững chắc, tâm giải thóat, tuệ giải thóat không xao động.

Này các thầy tỳ khưu! Dầu Như Lai có diệt độ, nhưng Pháp và Luật ấy chính là thầy của các thầy, còn ở bên các thầy, làm nơi nương tựa và dẫn lối cho các thầy. Thế thì sầu thương, bi lụy có ích gì khi các pháp dẫu nhỏ nhiệm như mảnh lân hư trần, to lớn như Tu-di sơn cũng đều phải bị vô thường biến hoại?

Lại nữa, khi Như Lai Niết bàn rồi, ông Đại Ca-diếp sẽ mở hội kết tập lần đầu, trùng tuyên lại Pháp và Luật cho đầy đủ, tỏ rạng lên hầu nhắc nhở và mở mắt cho những tỳ khưu hư hỏng, phóng túng như ông Subhadda cùng những hoa ngôn, lộng ngữ, xuyên tạc Chánh pháp của chúng ngoại đạo.

Lại một trăm năm sau nữa, có vị trưởng lão A-la-hán có tên Yassa Kananda, vì hủy trừ lời nói của tỳ khưu Vajjiputtaka mà mở đại hội kết tập lần thứ nhì, trùng tuyên trọn vẹn Tam tạng Thánh điển.

Thế rồi, hai trăm mười tám năm sau kể từ khi Như Lai diệt độ, có tôn giả Moggaliputtatissa kết tập lần thứ ba, loại bỏ tất cả tư tưởng lai tạp của ngoại giáo, giữ nguyên lời dạy chơn truyền của Như Lai y như lần thứ nhất và lần thứ nhì. Sau đó nữa, tỳ khưu Mahinda, một vị Thánh Tăng, vốn là hoàng tử con của vua A-dục, đã đem ba tạng kinh truyền Chánh pháp vào xứ Tích-lan (Jampànidìpa).

Và khỏang chừng năm trăm năm sau kể từ hôm nay, có một đức vua tên là Mi-lan-đà, có nhiều phước duyên thù thắng (abhinihàra) đã tạo trữ từ xưa, dùng những câu hỏi rất cao siêu, vi tế, sắc bén bởi năng lực trí tuệ của mình để vấn đạo, bức bách các sa-môn, bà-la-môn trong toàn cõi Diêm-phù này, làm cho họ phải trốn vào rừng sâu.

Khi ấy, có một vị tỳ khưu tên là Na-tiên, có trí tuệ siêu phàm, đã giải đáp dễ dàng những câu hỏi, phá nghi những nạn vấn cho đức vua Mi-lan-đà bằng nhiều cách phân tích thiện xảo, nhiều ví dụ sinh động, cụ thể làm cho bậc minh quân vô cùng hài lòng. Nhờ vậy, Pháp và Luật của Như Lai đã không lu mơ, mà trái lại, càng thêm tỏ rạng, được trân trọng bảo lưu, truyền thừa trên thế gian tròn đủ 5.000 năm.”

Như thế, vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên với những câu hỏi đáp giữa họ đã được Đức Thế Tôn tiên tri sẵn trước khi ngài nhập diệt.

Người ta nói rằng nước của năm con sông lớn của xứ Ấn-độ tuôn chảy về biển bao nhiêu lượng nước thì những câu hỏi của vua Mi-lan-đà cũng tuôn chảy liên miên, dồn dập không ngưng nghỉ như vậy. Tuy nhiên, nước của năm con sông lớn ra đến biển thì nằm yên trong biển, hòa tan trong biển, được biển kết nạp, dung chứa một cách bình thản như chẳng có vấn đề gì phải bận tâm. Cũng vậy, biển cả được ví như trí tuệ siêu phàm, vô lượng của đại đức Na-tiên. Do vậy, những câu hỏi dù khúc mắc, dù đặt bẫy, dù sâu rộng, dù vi tế thế nào của vua Mi-lan-đà, đều được ngài Na-tiên sẵn sàng giải đáp rành rẽ, khúc chiết bằng nhiều cách khác nhau. Một ngọn đèn cực lớn, ánh sáng quang minh chiếu diệu soi tỏ vào các chỗ tối tăm, hang hóc sâu kín như thế nào thì trí tuệ của đại đức Na-tiên cũng soi tỏ vào bóng tối hoài nghi, kiến thức đa diện của đức vua Mi-lan-đà y như thế ấy.

Quả thật, cuộc vấn đáp của hai bậc tài đức đã chứa chan sự thật, triết lý, tư tưởng và cả những ý nghĩa nhiệm mầu; khả dĩ nối được ngọn đèn Pháp Bảo giữa cõi mê đồ, vọng tưởng. Sự tranh biện và lập luận minh bạch, khúc chiết của hai ngài có sức hấp dẫn phi thường, làm cho người nghe, người đọc phát sanh phỉ lạc chưa từng có.

2. Câu chuyện liên quan trong tiền kiếp (Pubbapa yoga)

Vào thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa), có đức vua tên là Vijjitàvì trị vì một vương quốc giàu mạnh, kinh đô đặt tại xứ Sàgala xinh đẹp. Đức vua là một cư sĩ có giới và có trí, cai trị quốc độ bằng mười vương pháp, sống với thần dân bằng bốn pháp tế độ.

Tại kinh đô ven sông, đức vua cho xây dựng một ngôi chùa lớn rồi dâng cúng đến các vị trưởng lão đạo cao đức trọng, suốt thông Tam tạng. Ngài hộ độ Chư tăng đầy đủ về tứ sự, hết tuổi thọ, hóa sanh làm Thiên chủ cõi Đao-lợi, gọi là Đế thích Thiên vương.

Ở ngôi chùa do đức vua bảo trợ này, chư tỳ khưu Tăng rất đông đúc, duy trì pháp học và pháp hành một cách nghiêm túc và không gián đoạn. Trong chúng, có vị tỳ khưu giới hạnh trong sạch, hằng ngày tu tập thiền quán. Mỗi sáng, ngài thường thức dậy sớm, lễ bái Tam Bảo, quán tưởng ân đức Tam Bảo, tọa thiền, kinh hành rồi đi quét dọn xung quanh chùa. Công việc ấy ngài làm một cách lặng lẽ và chuyên cần.

Hôm kia, vị tỳ khưu quét lá quanh Bảo tháp, gom lại thành đống rồi gọi chú sa di phụ việc hốt đem đổ đi.Chú sa di ngày thường rất ngoan ngoãn, nhưng hôm ấy lại sanh tâm lười biếng, giả vờ không nghe. Gọi đến lần thứ ba, thấy chú sa di vẫn cứng đầu, vị tỳ khưu bèn bước tới, đánh cho chú mấy cán chổi khá đau. Thế là chú sa di vừa khóc vừa hốt rác, lòng ấm ức vô cùng. Công việc xong xuôi, chú sa di phát lời nguyện rằng:

-“Với phước báu đổ rác này, nếu chưa đắc được Niết bàn, dù sanh vào cảnh giới nào, cũng xin cho tôi có đầy đủ quyền cao, chức trọng mà oai lực của tôi sẽ thù thắng hơn tất cả mọi người, như mặt trời vĩ đại ở giữa hư không kia vậy.

Nguyện xong, hể hả và vui sướng, chú sa di đi xuống sông tắm. Khi bơi lội nhởn nhơ trong nước, thân tâm mát mẻ, chú sa di cảm thấy hối hận, tự nghĩ:

-“Thầy tỳ khưu bảo ta hốt rác, đấy chẳng phải là phận sự bắt buộc, chẳng phải là việc riêng của ngài; cũng chẳng phải là lợi ích cho các thầy A-xà-lê, cũng không phải nhằm phục vụ cho các vị thượng tọa, hòa thượng của ngài. Vậy đích thị ngài đánh ta là muốn tế độ ta, muốn đánh vào cái tính lười biếng và cứng đầu của ta! Ôi! Vì u mê mà ta tự làm hại ta rồi.

Vẫn còn ngâm mình dưới sông, nhìn những lượn sóng như vô tận đuổi nhau đến tận bờ xa, chú sa di tâm cơ máy động, phát lời đại nguyện:

-“Vì thiếu trí tuệ mới sinh lười biếng, cứng đầu, sinh những nhận thức sai lầm, nông nổi. Vậy thì với tất cả những phước đức tu tập của tôi, phước đức đổ rác bấy lâu nay, phước đức thấy mình lầm lỗi, xin nguyện rằng: nếu chưa đắc quả Niết bàn, hãy cho tôi được trí tuệ nhiều vô biên vô lượng như những làn sóng vô tận của con sông này.”

Đang trên bến, cũng định xuống sông tắm, vị tỳ khưu nghe được lời phát nguyện đầy quyết tâm vững chắc của chú sa di, chột dạ, nghĩ thầm: “Không kể chút lầm lỗi sáng nay, chú sa di này từ lâu tu tập rất tốt, có hạnh kiểm và có trí. Vậy với lời nguyện sắt đá này, chú sa di hẳn sẽ thành tựu dễ dàng.” Trầm ngâm hồi lâu, vị tỳ khưu nghĩ tiếp:”Trong lời nguyện của chú sa di, vừa có cái gì đó như phục thiện mà cũng vừa có cái gì đó như đối chọi lại với ta? Nhưng bản chất của chú sa di này ngủ ngầm sự cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn. Vậy nếu lời nguyện kia mà thành tựu thì trên thế gian này có ai đủ khả năng trí tuệ để kềm bớt trí tuệ của y?“.

Vì thế, vị tỳ khưu cũng chấp tay lên đầu, hướng giữa thinh không, phát lời đại nguyện:

-“Với tất cả mọi công đức tu tập của tôi, công đức quét rác bao nhiêu năm, nếu tôi chưa đắc quả Niết bàn, xin cho tôi được thành tựu trí tuệ bất khả tư nghì. Trí tuệ ấy phải đầy đủ năm tính chất sau đây:

– Nhiều như sóng của con sông đại Hằng.

– Vững chắc và kiên định như hai bờ của con sông này.

– Thấy rõ gốc ngọn tất cả các pháp.

– Quang minh, sáng sủa.

– Quảng bác, thâm sâu, sắc bén.

Mong nhờ trí tuệ bất khả tư nghì ấy, có thể kiềm chế, phá nghi, soi rọi, dẫn dắt chú sa di đi đến nơi giác ngộ, giải thóat.

Cả hai vị tỳ khưu và sa di, với lời nguyền ấy, sau khi tan rã ngũ uẩn, họ đều được sanh làm người, làm trời trọn thời gian giữa hai vị Phật. Đến lúc Phật Thích-ca Niết bàn gần năm trăm năm, vị tỳ khưu thuở xưa từ cõi trời giáng hạ làm Na-tiên tỳ khưu; vị sa di sanh làm vua Mi-lan-đà ở kinh thành Sàgala đúng với lời nguyện của họ.

2.1. Chuyện về ĐỨC VUA MI-LAN-ĐÀ

Ông người gốc Hy-lạp, là một viên đại tướng lừng danh, vô địch, theo đoàn quân viễn chinh xâm lăng Ấn-độ. Sau khi đã đặt nền thống trị trên một đế quốc rộng lớn, viên thủ lĩnh bị giặc giết, ông lên kế vị làm vua, đóng đô tại Sàgala.

Sàgala là vùng đất nằm ở thượng lưu năm con sông, dưới chân Hy-mã-lạp-sơn, với núi non hùng vĩ bao quanh, sông dài uốn khúc tạo nên một khung cảnh xinh tươi trù phú và thạnh mậu.

Xuất thân là một tướng lãnh thao lược, bách chiến bách thắng, bá quyền từ lưu vực sông Hằng đến các bờ cõi miền đông, từ cửa sông miền nam giáp biển đến tận chân Hy-mã-lạp-sơn, nhưng đức vua ấy luôn phòng thủ không một chút lơ là. Hoàng cung được bảo vệ với những thành trì kiên cố, vững chắc, được đào hào sâu rộng bao bọc xung quanh, những cổng thành bằng đá to lớn luôn luôn được đội quân uy nghi với gươm đao, cung nỏ túc trực sẵn. Nhờ vậy, không một kẻ thù nào dám quấy nhiễu, không một kẻ nghịch nào dám manh tâm thoán đoạt.

Giữ yên bên ngoài, nhà vua lo việc bên trong, chăm lo đến cơm no áo ấm cho muôn dân. Kế hoạch phát triển đất nước, nhà vua chú trọng nông nghiệp, có chính sách khuyến nông đúng đắn và hữu hiệu. Các ngành nghề lao động, thủ công đều được tuyên truyền, vận động, cổ súy nâng cao. Không bao lâu sau, đất nước này sống đời thái bình và thịnh trị, giàu mạnh và hùng cường.

Kinh thành Sàgala đặc biệt rất huy hoàng và tráng lệ. Các lối đi đều được lát đá. Nam nữ có lối đi riêng. Ven đường có nhà mát, nhà nghỉ, có cây to bóng mát. Điểm xuyết đó đây rất nhiều ao hồ, rất nhiều vườn cây. Ao hồ thì nuôi đủ thứ cá sắc màu đẹp đẽ. Vườn cây trồng kỳ hoa dị thảo, nuôi muôn chim, muôn thú hiền lành. Ngoài ra, dinh thự, đền đài, phố xá, cầu kỳ, đại hí trường, tiểu hí trường được xây dựng, kiến thiết cao sang và mỹ lệ. Từ Hoàng cung, ánh đèn chói sáng trăm màu rực rỡ, nhạc ca, vũ điệu dặt dìu ngày đêm hoan lạc. Hoàng gia ăn vận như thiên tướng, thiên nữ cõi trời, với xe hai ngựa, bốn ngựa, kiệu… qua lại tấp nập. Các vị sa môn, bà la môn, đạo sĩ thong dong lui tới đó đây, hoàn toàn được tự do, được tôn trọng, lễ bái, cúng dường… Dân chúng ăn mặc đẹp đẽ, trang trí vòng hoa, trân châu, lũ lượt tới các điểm giải trí, vui chơi ở các nơi công cộng và hí trường.

Đây là thời đại cực thịnh của kinh đô Sàgala.

Hoàng cung có nhiều kho vàng, kho bạc, kho đồng, kho gạo, kho vải vóc, lương thực, giáo mác, cung tên, thuốc nổ v.v.., những loại ngọc cực qúi như ngọc mànì, nhà vua cũng có rất nhiều. Các loại vải, gấm, lụa trứ danh như kasila, udubara, koseyya... là thứ dùng hằng ngày của hoàng gia.

Kinh thành của đức vua Mi-lan-đà hưởng phước cực kỳ sung sướng, được ví như Bắc-cu-lưu-châu hoặc như huê viên Alakam Manda ở cõi trời cũng không ngoa vậy.

Về quốc độ thì như thế, còn về cá nhân thì ngài có sức học uyên thâm, tài cao chí lớn, lại là người rất đạo đức nên được quần chúng tôn sùng, ngưỡng mộ. Tài liệu sử sách còn ghi lại đầy đủ về con người của vị vua ấy như sau:

– Đệ nhất về của cải, tài sản.
– Đệ nhất về quân binh như voi, ngựa, xe…
– Đệ nhất về trí tuệ.
– Đệ nhất về học giả.
– Đệ nhất về thông minh.
– Đệ nhất về sức mạnh, quyền uy.
– Đệ nhất về giọng nói trầm hùng, êm dịu.
– Đệ nhất về hiểu biết các tôn giáo, nhất là Phật giáo.
– Đệ nhất làm chủ trí thức và cảm xúc của mình.
– Đệ nhất về bác học.

Đã vậy, đức vua còn thông suốt 18 môn học nghệ:

1. Học tiếng muôn thú để đoán định tốt xấu, lành dữ.
2. Học về đất đai, núi non, thảo mộc.
3. Toán học.
4. Biết rõ tất cả các nghề thợ.
5. Võ học.
6. Triết học, thắng luận.
7. Thiên văn.
8. Âm nhạc
9. Y khoa.
10. Nghệ thuật bắn cung.
11. Khảo cổ học.
12. Lịch sử, truyện tích, khẩu ngữ.
13. Khoa tử vi.
14. Rành rẽ về phân kim (biết vàng ngọc thật, giả).
15. Học về vật lý.
16. Học về chăn nuôi, nông nghiệp, làm vườn.
17. Binh pháp.
18. Văn học: sử truyện nhân gian, cú pháp, thể luật, văn thơ…

Toàn cõi châu Diêm-phù-đề khó tìm ra một nhân vật trí tài như vậy.

* * *

Hôm kia, sau công việc triều chính mệt mỏi, đức vua cùng đoàn quân ngự giá ra khỏi hoàng thành du ngoạn. Đến một chỗ phong cảnh tươi thắm, hữu tình, đức vua ra lịnh dừng lại, xuống xe, ngài thong dong cất bước đi dạo.

Ngồi nghỉ chân nơi một tảng đá, dưới tàn đại thụ mát mẻ, đức vua ngước nhìn lên trời cao. Giữa bầu trời xanh biếc dịu dàng, một vầng thái dương rực rỡ, huy hoàng, ngự trị giữa hư không lồng lộng. Đức vua nhìn mặt trời rất lâu, đoạn nói chuyện với viên tướng hộ giá:

– Này khanh! khanh có thấy mặt trời kia không?

– Tâu, có thấy!

– Nó trấn ngự giữa hư không một cách đầy uy lực, bất khả xâm phạm, khanh có cảm nghĩ thế chăng?

– Dạ, thưa có, tâu Đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà vỗ vai viên tướng một cách thân mật, cảm thán nói rằng:

– Mặt trời rực rỡ kia là chúa tể của hư không. Trí tuệ quang minh là chúa tể của chúng sanh các loài trong tam giới. Khanh đã từng tòng chinh theo trẫm đi đây đi đó nhiều nơi; khanh cũng đã từng mang lệnh của trẫm đi khắp kinh thành cùng các biên trấn xa xôi. Vậy khanh hãy cố nhớ cho thật kỹ, xem có vị sa môn, bà-la-môn nào là bậc đại trí thức, thống hiểu kinh pháp, làu thông kinh pháp; hoặc là người đã tự mình tuyên bố, rằng là, đã đắc quả A-la-hán, đắc quả Phật? Trẫm muốn diện kiến họ, đối thoại với họ hầu tăng trưởng kiến thức và trí tuệ. Nào, khanh hãy cố nhớ lại xem?

Quả là thầy nào trò nấy, đức vua kiến thức uyên thâm thì viên tướng hộ giá thân tín kiến thức cũng uyên thâm. Sau một hồi suy nghĩ chín chắn, viên tướng tâu:

– Trước đây rất lâu xa, khi theo hầu chân ngựa của bệ hạ đi vào xứ sở tôn giáo huyền bí này, hạ thần có nghiên cứu qua sử sách tôn giáo của dân bản địa. Mấy ngàn năm trước đây, tu sĩ bà-la-môn thọ trì và phụng hành theo kinh điển Phệ-đà; và có thể nói rằng, tôn giáo này đã nắm độc quyền toàn bộ sinh hoạt tinh thần của xã hội Ấn. Nhưng cách đây gần năm trăm năm, bộ tộc Sakya, dòng dõi Thái dương anh hùng, đã xuất sanh được một vị Phật tên hiệu Sĩ-đạt-ta Cù-đàm, thì truyền thống ngàn đời của bà-la-môn bị lung lay đến tận nền móng. Hiện tại ở xứ sở này còn tồn tại đạo Phật ấy, đồng thời, tồn tại sáu tông phái ở trong và ngoài truyền thống Phệ-đà…

Đức vua Mi-lan-đà khen ngợi và mắng yêu người bề tôi trung tín:

– Khanh thật giỏi, nhưng dài dòng quá. Chuyện ấy thì trẫm cũng biết. Hãy nói tóm gọn coi nào?

– Dạ – Viên tướng kính cẩn cúi đầu – Sáu vị giáo chủ ấy là: Pùrana Kassapa, Makkhalìgosàla, Niganthanàtaputta, Sanjayabelatthaputta, Ajitakesakambala, Bakuddhakaccày- ana. Và hiện nay, trong kinh thành có mặt môn đệ của sáu danh sư ấy đang triển khai tông giáo, danh tiếng lẫy lừng, đồ chúng rất đông. Họ đều không phải là người thiểu trí mà toàn là bậc thầy thiên hạ. Họ được mọi người cung kính, cúng dường, tôn trọng. Bệ hạ có thể nào đến viếng họ, đáp vấn với họ vài điều xem thử có chút kiến thức bổ dưỡng nào chăng?

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười hài lòng:

– Được lắm, khanh bàn rất hợp ý trẫm.

Thế rồi, người đầu tiên mà đức vua Mi-lan-đà đến diện kiến là một vị chân sư, kế thừa giáo chủ Puràna Kassapa. Sau khi yên vị chủ khách, đức vua kính cẩn hỏi rằng:

– Bạch thầy, chúng sanh đầy khắp trong ba cõi, có sanh mạng, có y báo, có chánh báo, có đời sống giống nhau, khác nhau, có sanh, có tử, có xuống, có lên… ở trong một luật tắc nào đó. Vậy thầy có thể nào cho biết cái gì nuôi dưỡng chúng và hộ trì chúng?

Vị chân sư mau mắn đáp:

– Tâu đại vương! Đại vương hãy nhìn xem núi sông, muôn loài và cây cỏ; tất cả chúng có được từ đại địa, lớn lên, trưởng thành từ đại địa! Vậy rõ ràng chúng sanh được nuôi dưỡng, được hộ trì bởi đại địa là điều quá hiển nhiên rồi!

Đức vua giả vờ mỉm cười, gật đầu, rồi dường như hỏi sang chuyện khác:

– Cảm ơn thầy! Chẳng hay giáo lý của thầy có nói đến những chúng sanh thống khổ ở các cõi địa ngục và ngạ quỷ chăng?

– Thưa có, tâu đại vương!

Đức vua bây giờ mới tỏ vẻ giận dữ, phất tay áo

đứng dậy:

– Vậy mà thầy dám bảo quả đất nuôi dưỡng và hộ trì chúng sanh? Quả đất nuôi dưỡng, hộ trì chúng sanh sao lại để cho chúng sanh đọa lạc vào các cảnh giới địa ngục và ngạ quỷ đầy thống khổ và đau thương dường ấy?

Vị chân sư nín lặng.

Đức vua Mi-lan-đà cảm thán: “Chẳng lẽ nào chân sư thiên hạ mà hoang vu và rỗng không như thế này sao?

Viên võ tướng thấy vua buồn bã , lựa lời khôn khéo nói:

– Kinh đô của Đại vương còn nhiều vị danh sư khác nữa, biết đâu trong số họ sẽ có người làm vừa lòng Đại vương?

Nghe lời, lần này đức vua Mi-lan-đà tới thăm viếng vị danh sư môn đệ của giáo chủ Makkhalìgosàla. Sau vài câu xã giao khách sáo, đức vua đi vào đề:

– Bạch thầy, giáo pháp của thầy quan niệm như thế nào về thiện, ác? Có nhân và có quả của thiện nghiệp và ác nghiệp chăng?

Vị danh sư trả lời:

– Chẳng có đâu, tâu Đại vương! Chẳng có thiện nghiệp và ác nghiệp. Quả tốt xấu của thiện nghiệp, ác nghiệp ấy cũng không. Theo giáo pháp mà bần đạo đã tuyên thuyết thì người nào sanh ra trong thế gian này được làm vua, khi chết sanh vào nơi khác cũng làm vua y như thế. Tương tự, nếu đời này là bà-la-môn, thương gia, nông gia, kẻ hạ tiện candàla, người đói khổ… khi tứ đại rã tan, tái sanh vào cảnh giới khác cũng sẽ làm bà-la-môn, thương gia, nông gia, kẻ hạ tiện candàla, người đói khổ giống như vậy. Chẳng có quả phước, quả tội tham dự vào đấy để tạo nên vui hay khổ cho chúng sanh cả.

Đức vua đã cảm thấy bực mình nhưng vẫn nhẫn nại hỏi tiếp:

– Nếu không có quả phước tội, kiếp này giống kiếp kia thì chắc hẳn tướng mạo của chúng sanh vẫn không thay đổi?

– Đúng là vậy, tâu Đại vương!

– Ví dụ, tướng mạo một người xấu xí, tật nguyền hẳn kiếp sau cũng xấu xí, tật nguyền?

– Thưa vâng, tâu đại vương!

– Một tội nhân bị hành hình chặt tay, cưa chân, bị treo cổ, bị chém đầu; kiếp sau sinh ra cũng phải bị chặt tay, cưa chân, bị treo cổ và bị chém đầu như thế?

Vị danh sư gục gặc đầu:

– Quả đúng vậy, tâu đại vương!

Vua Mi-lan-đà vẫn trầm tĩnh, chậm rãi nói:

– Vậy muốn cho trẫm chấp nhận luận điệu ấy, thầy phải bằng mọi cách giảng giải, phân tích, so sánh, ví dụ minh bạch, cụ thể… cho trẫm nghe với nào?

Vị danh sư im lặng.

Đức vua bèn phản công:

– Thầy không đưa ra được à? Thầy chẳng có cách gì để bảo vệ cho giáo pháp của mình được à? Thế thì chẳng khác gì thầy đã nói dối? Đã võ đoán? Chỉ thuần túy là suy luận chứ không dựa trên một sự thật nào cả?

Vị danh sư cúi đầu bối rối.

Đức vua dằn mặt:

-Trẫm đã hỏi thầy một cách rất nghiêm túc, rằng là có nhân quả của các nghiệp thiện ác hay không! Câu hỏi ấy, đáng ra phải được trả lời rất là dè dặt, cẩn trọng, vì nó ảnh hưởng to lớn đến đạo đức con người, đến hạnh phúc của toàn xã hội. Thầy là một kẻ vô trách nhiệm, thiểu trí, không có lương tri, không có trái tim; không thấy, không biết lại dám đưa ra thuyết thường kiến làm băng hoại nhân luân và đức lý trần gian! Trẫm tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự lập tông, khai giáo, tự do diễn thuyết, tự do ngôn luận và bảo vệ cả những tự do ấy. Nhưng thầy hãy tự xét lại, suy gẫm lại giáo pháp của thầy có thật sự hữu ích cho cuộc đời này không? Cái chủ trương của thầy với những quan kiến phi

đạo đức ấy có phải là tung bóng tối va khổ đau lên cuộc đời vốn đã tối tăm và đau khổ này không?

Đức vua Mi-lan-đà giận run nhưng vẫn làm chủ được tư tưởng và cảm xúc của mình, không nói gì nữa, ngài lặng lẽ bỏ về hoàng cung, lòng vô cùng sầu não.

Ít hôm sau, nỗi buồn lắng xuống, đức vua lại ẩn nhẫn lặn lội đi đến giáo phái môn đệ của Niganthanàtaputta. Rồi lần lượt là môn đệ của Sanjavabelatthaputta, môn đệ của Ajitakesakambala, môn đệ của Pakuddhakaccàyana. Nhưng đức vua hoàn toàn thất vọng. Kẻ với thuyết hoài nghibất khả tri; kẻ với thuyết nguyên tửnhững con số; kẻ với thuyết nhất nguyên vô ngã hay hữu ngã v.v…, chẳng có giáo chủ, chân sư nào làm cho trí tuệ của đức vua hài lòng.

Chán nản, đức vua lại quay qua chính sự, tìm quên trong công việc, đọc kinh sách, suy gẫm, trầm tư; nhưng nhà vua vẫn không chấm dứt được sự thao thức, xao xuyến và những nghi vấn về cuộc đời. Có một cái gì đó rất bí mật, rất huyền nhiệm đằng sau sự sống, sự chết của con người! Hiện tại trong tay đức vua có đầy đủ tất cả mọi quyền lực. Ngài đã từng là một tướng lãnh bất khả chiến bại, là một vị đế vương oai hùng chẳng ai dám sánh. Mọi kẻ thù đều cởi giáo quy hàng. Mọi lân bang đều triều phục. Quốc khố sung mãn châu báu, sung mãn khí giới, vật thực. Quân binh, voi, ngựa, xe kiêu hùng và vô địch. Danh vọng cao sang phủ trùm mọi châu lục. Thế nhưng, nhà vua vẫn cảm thấy trống không, cô đơn, vô nghĩa lý. Những vấn nạn không cơ hóa giải vẫn ngày đêm nhức nhối khối óc và trái tim của ngài. Có cái gì đó không bao giờ với tới được, chập chờn, ma mị, khuấy rối cả trong giấc ngủ của vị đế vương.

* * *

Nhân một đêm trăng sáng, đức vua Mi-lan-đà đi thơ thẩn dạo chơi trong vườn thượng uyển. Một làn gió mát mẻ thoảng qua, hương thơm vi diệu của nhiều loài hoa cực quý đưa tới. Đức vua cảm thấy tinh thần thư thái, ngài bước đi lặng lẽ dưới ánh trăng vằng vặc, lại suy nghĩ:

– “Ôi! Đêm thanh, trăng tỏ, gió phơi phới mát lành, hương kỳ hoa thơm ngát…! Vậy đây đâu phải là thời mà ta dạo chơi trống không vô vị như thế này? Đây là thời phải lẽ nhất để cho ta đi hỏi đạo nơi các bậc thượng sĩ, đạt đức, cao nhân! Nhưng mà môn đệ của sáu giáo chủ hữu danh nhất trong thiên hạ, ta đã gặp rồi. Những lời giải đáp của họ không làm cho lỗ tai ta hoan hỷ; không làm cho trái tim của ta bao dung, dịu dàng; không làm cho trí óc của ta được cởi mở, khoan khoái. Cái trí tuệ và mớ kiến thức nhạt nhẽo của họ không xứng đáng để ta mất thì giờ vô ích.

Ôi! Vậy cõi Diêm-phù-đề này còn bậc đại ẩn sĩ nào chăng? Quốc độ này chẳng lẽ không có một sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ nào thành đạt trí tuệ cao thượng quả vị A-la-hán, quả vị Phật … để ta đến thăm viếng, cung kính, lễ bái, tôn trọng, cúng dường hay sao? Chẳng còn ai phá nghi cho ta, giảng giải những chỗ uyên áo, tế vi mà ta hằng thao thức hay sao? 

Hôm kia, sau buổi thiết triều, đức vua ân cần đem tâm sự trên nói với bá quan, nhưng mọi người chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau.

Một vị lão thần tâu:

– Ngoài sáu phái hữu danh ở trong và ngoài truyền thống Phệ-đà, còn có đạo Phật rất thịnh hành, chùa chiền và Tăng lữ đông đúc, chẳng hay…

Đức vua khoát tay, đứng dậy:

– Khanh đừng nói nữa! Hầu như trẫm đã đi thăm viếng hết rồi tất cả những ngôi chùa hữu danh, sa môn hữu danh…! Kẻ thì tinh thông pháp học nhưng không có pháp hành, người thì chuyên về pháp hành, không biết gì về pháp học. Nhưng những pháp học của họ cũng khả nghi bởi những kiến thức chắp vá, vay mượn từ nhiều chủ thuyết khác nhau. Đa phần là hữu danh vô thực hoặc có chút kiến thức chứ không có trí tuệ. Nói tóm lại, thật là hoang vu và rỗng không trong các tu viện, tự viện, am thất, chùa chiền… Hầu hết là cái giá áo, túi cơm; xuất gia tu học chỉ để thừa tự tài lộc, vật thực… mà thôi!

Nói xong, nhà vua thở dài.

Thế rồi, bắt đầu từ dạo ấy, miệng truyền miệng, tai truyền tai, thủ đô Sàgala vắng bặt không còn một sa môn nào dám lai vãng. Sáu phái hữu danh lập căn cứ địa mấy trăm năm ở đây cũng “chuồn” về phương khác. Tất cả chùa chiền, am thất… trống không Tăng lữ, và thiện nam tín nữ, theo đó chẳng còn ai tới lui.

Suốt mười hai năm ròng rã, nghe đâu có bậc đại trí là đức vua tìm đến, rồi sau đó lặng lẽ trở về với bước đi nặng nề hơn, phiền muộn hơn.

Các sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ lần lượt bỏ kinh đô Sàgala cùng đế quốc của đức vua, tìm chỗ khác trú thân hoặc ẩn trốn vào non sâu tuyết lãnh.

Ai cũng sợ đức vua Mi-lan-đà tìm đến hỏi đạo!?

2.2. Chuyện về ĐẠI ĐỨC NA-TIÊN

Trong lúc ấy, tại Hy-mã-lạp-sơn, ở hang động Rakkhi–ta kỳ vĩ, rộng lớn, xinh đẹp như cõi trời, có mấy chục vị A-la-hán ngụ cư, họ sống tương ái, tương kính, hòa hợp như nước với sữa, đang thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Hôm kia, sau khi xuất định, vị đại trưởng lão Assagutta hướng tâm đến thế gian, ngài thấy rõ chuyện đức vua Mi-lan-đà đã dùng uy lực của trí tuệ, uy lực của kiến thức đa diện áp đảo sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ trong cõi Diêm-phù-đề. Nếu tình trạng ấy kéo dài thì Phật pháp chắc sẽ bị lu mờ và tiêu vong.

Hôm kia, đại trưởng lão Assagutta triệu thỉnh tất cả chư vị A-la-hán tụ tập trên đỉnh núi Yugandhara, kể lại chuyện vua Mi-lan-đà, tình trạng Chư Tăng, các hàng cận sự nam nữ vắng mặt trong tất cả chùa chiền, am thất, tu viện, tự viện..rồi kết luận như sau:

– Vậy thì có vị đại đức nào có thể nhiếp phục đức vua bằng trí tuệ của mình, có thể giải đáp tất cả mọi câu hỏi để phá nghi cho đức vua; soi rọi, dẫn lối cho đức vua thấy rõ chánh pháp; làm cho đức vua ấy phát khởi lòng tin để nâng đỡ, hộ trì Phật giáo thì hãy đứng lên nhận lãnh sứ mạng cam go này?

Đại trưởng lão Assagutta hỏi đến lần thứ ba, hội chúng thánh nhân vẫn im lặng. Ngài biết rằng chư vị A-la-hán này thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát nhưng sở học, kiến thức, tuệ phân tích, biện tài, biện thông…chẳng thể nào so sánh nổi với đức vua Mi-lan-đà, bèn gợi ý:

-Trên cõi trời Đao-lợi có một vị thiên tử tên là Mahàse–na, ở trong cung vàng Ketumatì, phía trước bảo điện của Đế thích Thiên chủ. Vị thiên tử Mahàsena ấy có trí tuệ vượt bậc, có thể đàm luận, tranh biện để giải nghi, giải vấn tất cả mọi thắc mắc cho đức vua Mi-lan-đà.

Ngài đại trưởng lão vừa nói xong, với tâm biết tâm, tất cả Thánh chúng A-la-hán đồng từ giã tuyết lãnh, bay lên Đao-lợi thiên cung với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay.

Đức Đế-thích trông thấy chư tỳ khưu Tăng như đám mây lành đồng giáng hạ, vui mừng đến cung nghinh, đảnh lễ rồi quỳ bên chân đại trưởng lão Assagutta, bạch rằng:

-Hôm nay, chẳng hay quý ngài có nhân duyên gì mà đồng vân tập về trú xứ của con? Con đang sẵn sàng nghe lời dạy bảo của quý ngài.

Đại trưởng lão Assagutta bèn kể lại chuyện đức vua Mi-lan-đà , với nỗi lo ngại sự suy tàn của giáo pháp, vì trong toàn cõi Diêm-phù-đề chẳng ai có khả năng đối thoại được với đức vua ấy.

Vua trời Đế thích nghe xong, hỏi rằng:

– Đức vua Mi-lan-đà ở kinh đô Sàgala kia, phải chăng vừa từ cõi trời Đao-lợi này mà sanh xuống?

– Đúng thế!

Vua trời Đế thích gật đầu:

– Vậy thì đúng rồi! Trí tuệ của đức vua Mi-lan-đà quả thật thế gian không có người “thứ ba”!

Đại trưởng lão Assagutta mỉm cười:

– Bần tăng cũng biết vậy nên đã đồng quy tụ về đây, những mong Thiên chủ giúp đỡ triệu thỉnh thiên tử ở trong cung vàng Ketumatì giáng sanh xuống cõi trần! Chỉ có vị thiên tử ấy may ra mới có đủ trí tuệ sắc bén để đối thoại, giải vấn cho đức vua Mi-lan-đà mà cứu nguy cho chánh pháp.

Đế thích Thiên chủ nói:

– Con xin vâng mệnh. Vậy xin cung thỉnh qúi ngài cùng với con sang cung điện của thiên tử Mahàsena.

Đến nơi, sau khi chào hỏi xong, Đế thích Thiên chủ giới thiệu chư vị Thánh Tăng từ Tuyết sơn, kể lại chuyện đức vua Mi-lan-đà rồi kết luận rằng:

– Quý ngài đã không quản tuổi già sức yếu, cỡi gió đạp mây lên đây với lòng thành thỉnh nguyện thiên tử hạ sanh cõi trần, ở đấy Phật giáo đang gặp nạn, phải nhờ trí tuệ của thiên tử may ra mới phục hưng được chánh giáo.

Thiên tử Mahàsena nghe xong, với tâm dửng dưng nhìn ra xa đáp:

– Tâu Thiên chủ! Hạ thần không còn một mảy may xúc động tham muốn gì trong việc tái sanh kia nữa. Vả, cõi người thường bận rộn trong việc nuôi mạng, vui ít khổ nhiều, lại đầy trược hạnh. Vậy xin Thiên chủ rộng lòng thông cảm, hạ thần đã chán sinh tử, thường mong hóa sanh vào các cõi tịnh cư, đắc thánh quả rồi Niết bàn luôn ở đấy.

Đại trưởng lão Assagutta lên tiếng thuyết phục:

– Thiên tử nói rất đúng! Tử sinh đáng chán, phiền não nên lìa. Hơn một trăm năm qua, bần tăng ở nơi hoang sơ cùng cốc, chuyện thế gian thật không còn dính một hạt bụi, đáng ra là phải Niết bàn lâu rồi, nhưng còn cố duy trì thọ mạng là vì một chút nhân duyên với chánh pháp. Phật tổ xuống trần cũng vì sự khổ đau của sanh loại. Lẽ nào thiên tử lại làm ngơ trước cảnh Chư Tăng phải trốn vào rừng sâu? Bao nhiêu am thất, chùa chiền, tu viện, tự viện hoang vắng? Hằng vạn cận sự nam nữ không có chỗ nhờ nương? Lẽ ra thiên tử phải phát tâm bi mẫn mới đúng! Lại nữa, Ngũ tịnh cư thiên là nơi thọ hưởng về quả của định tứ thiền, chẳng phải là nơi có thể tu tập sung mãn về phước, về tuệ, để đến chỗ giải thoát; ngoại trừ một số vị chứng quả Bất lai, không tu tập mà dòng tâm vẫn trôi chảy về Niết bàn. Sự thật ấy thiên tử nên hiểu cho chính xác. Chính ở cõi người có khổ, có vui, có vô thường, vô ngã, v.v… thiên tử mới dễ tu tập, mới dễ hiện quán để chứng ngộ đạo quả tối hậu là sở nguyện đã muôn triệu năm của thiên tử vậy.

Lời nói đầy đủ tình lý, kinh cảm từ tâm, mở phơi chánh đạo, làm cho thiên tử Mahàsena vô cùng phấn khích, ngài qùy xuống dưới chân đại trưởng lão Assagutta, kính cẩn nói rằng:

– Vậy là ngài đã mở mắt và soi tỏ con đường cho con đi, ân đức ấy con chẳng thể nào đáp đền được; con nguyện thực thi theo lời dạy bảo của ngài hạ sanh xuống cõi trần vì lợi ích cho bao người mà cũng vì lợi ích cho con để con đầy đủ khả năng tuệ giác hầu nhiếp phục đức vua Mi-lan-đà và chấn hưng giáo pháp.

Chư vị Thánh Tăng cùng Thiên chủ Đế thích vô cùng hân hoan. Thế rồi, mỗi vị A-la-hán chia phước trí theo cách riêng của mình, từ giã cõi Đao-lợi bay về tuyết lãnh Hymalaya.

Khi Chư Tăng đã quy hội đầy đủ trên đỉnh núi Yuga-ndhara, ngài Assagutta chợt hỏi:

– Thưa chư đại đức! Trong cuộc hội họp vừa rồi, có ngài tỳ khưu nào vắng mặt chăng?

Một vị tâu:

– Kính bạch tôn giả! Đại đức Rohana đang nhập đại định bảy ngày trong hang động là không đến hội họp.

– Vậy phiền hiền giả cho mời đại đức ấy đến đây.

Trong lúc ấy, tỳ khưu Rohana vừa xả diệt định, hướng tâm đến, biết đại hội Thánh nhân A-la-hán đang cho triệu thỉnh mình, bèn tức khắc rời hang động, hiện diện ngay trước mặt Chư Tăng. Sau khi đảnh lễ chư vị trưởng lão, đại đức Rohana ngồi qua một bên.

Các vị trưởng lão hỏi rằng:

– Này hiền giả Rohana! Trước khi nhập định diệt, thọ tưởng bảy ngày, hiền giả có hướng tâm quán xét việc gì sẽ xảy ra trong bảy ngày ấy không?

Đại đức Rohana bước ra, quỳ bạch:

– Thưa quý ngài trưởng lão, vì không quán xét nên con không biết.

Chư vị trưởng lão ngồi im lặng.

Một vị trưởng lão nói rằng:

– Vì không biết cho nên không cố ý, không cố tình; không cố ý, không cố tình vậy không có tội.

Đại đức trưởng lão Assagutta nhè nhẹ gật đầu.

Một vị trưởng lão lại nói:

– Trong lúc chánh giáo đang gặp đại nạn, bần tăng đề nghị từ nay trước khi thọ hưởng hạnh phúc giải thoát, dầu thời hạn 3 ngày, qúi ngài cũng nên quán xét việc gì sẽ xảy ra trong thời gian ấy.

Chư Tăng đồng ý ý kiến ấy bằng cách làm thinh.

Đại đức Rohana tâu:

– Thưa qúy ngài trưởng lão, con có phạm tội, tội gây ra dù không cố ý; vậy con xin nhận hình phạt do Tăng quyết định, hành phạt tương đương với tội “không cố ý” ấy!

Chư Tăng đồng nở nụ cười hàm tiếu, im lặng.

Đại trưởng lão Assagutta hỏi:

– Này hiền giả Rohana! Trong mười pháp ba-la-mật, hiền giả thành tựu chưa được thuần thục, viên mãn là ba-la-mật nào?

– Thưa tôn giả kính mến! Ba-la-mật kém nhất của con là tinh tấn và nhẫn nại.

Đại trưởng lão Assagutta hội ý với các vị trưởng lão một lát rồi nói với đại chúng rằng:

– Ở xứ Katangala, phía xa dưới chân ngọn tuyết lãnh này, có người bà-la-môn tên là Sonuttara, sẽ sanh hạ một đứa con tên là Na-tiên, hậu thân của thiên tử Mahàsena. Vậy cảm phiền đại đức Rohana hãy dùng hạnh ba-la-mật tinh tấn và nhẫn nại ấy đi gieo duyên, trì bình khất thực nơi nhà bà-la-môn ấy, cho đủ kỳ hạn bảy năm và mười tháng. Sau đó tìm cách độ cho trẻ Na-tiên xuất gia. Đấy chính là hình phạt cao thượng mà tôi đề nghị dành cho ngài Rohana, chẳng hay Chư Tăng có chuẩn y không?

Chư Thánh Tăng thảy đều im lặng chấp thuận.

Đại đức Rohana qùy bạch:

– Hình phạt ấy con rất hoan hỷ, nhờ vậy, con sẽ bổ sung được công hạnh ba-la-mật của chính con.

* * *

Đấy là thời mà thiên tử Mahàsena rời khỏi thiên cung, gá vào thai bà vợ của ông bà-la-môn Sonuttara, là hương trưởng của xứ Katagala. Ngay lúc ấy, thế gian xuất hiện ba hiện tượng lạ thường:

– Tất cả khí giới phát lên chói sáng.

– Không phải mùa đông mà mưa tuyết rơi.

– Khắp trên không trung nổi lên những tiếng vang động.

Các nhà tinh thông điềm triệu bèn giải rằng:

– Khí giới phát sáng là sẽ có một cuộc chiến tranh sắp xảy ra , nhưng là cuộc chiến tranh , luận tranh do khí giới kiến thức và trí tuệ chói sáng.

– Không phải mùa đông mà mưa tuyết rơi là một hiện tượng nghịch lý, đảo lộn sự tuần hòan của vũ trụ, vậy thì phải có một nhân cách phi phàm, người mà không phải người xuất hiện trên trần thế.

– Sự xuất hiện của vị ấy, đấng ấy, không những chỉ lợi ích cho con người mà còn lợi ích cho rất nhiều cõi trời.

Về phần đại đức Rohana, sau khi thọ nhận hình phạt cao thượng, ngài bộ hành đến xứ Katangala. Sau khi tìm hiểu dân tình, ngài biết rằng, thôn làng này là xứ sở ngoại giáo rất thịnh hành. Muốn sống được ở đây, hóa đạo ở đây thì ngài phải kiên trì tinh tấn và nhẫn nại bất thối chuyển.

Tìm được một khu rừng mát mẻ tốt tươi, không gần mà cũng không xa xóm làng, đại đức Rohana chuẩn bị một cuộc ngụ cư lâu dài. Sau khi thu xếp được chỗ ở dưới bóng hai tàn cây đại thụ, trong một động đá thiên nhiên, đại đức Rohana lấy cỏ tranh kết tọa cụ rồi đi vào đại định, nghỉ ngơi dưỡng sức.

Mấy hôm sau, xả diệt định khi vầng thái dương vừa ló dạng ở chân trời, đại đức Rohana đắp y mang bát hướng đến làng Katangala. Rồi tuần tự nhà này sang nhà kia cho đến gia đình ông bà-la-môn Sonuttara; nhưng ở đâu cũng bị đóng cửa hoặc đưa mắt nhìn hờ hững, khinh thị, chối từ…Mỉm nụ cười của bậc Thánh ở trong tâm, đại đức Rohana trở lại khu rừng u tĩnh của mình, kiếm lá cây, trái cây ăn tạm rồi vào động đá thọ hưởng hạnh phúc giải thoát…

Những ngày hôm sau đều như vậy, với khuôn mặt từ bi, hiền hòa, với bước đi thanh thoát, trầm tĩnh, đại đức Rohana xuất hiện trước cửa mọi nhà; rồi lại với bát không, nhận lãnh những đôi mắt thiếu thiện cảm, vài lời nói xa gần chỉ trích, phỉ báng… rồi lại lặng lẽ đi về, ăn lá cây, trái cây và thiền định. Cuộc sống đều đặn như vậy trôi qua, các gia đình trong làng lần lượt thương mến, quý trọng vị sa môn hiền lành, họ cúng dường cơm, sữa, đường, mật ong…; và bao giờ nhận được vật thực gì, ngài đều đọc tụng lên một lời phúc chúc ngắn rồi bước sang một nhà khác.

Dù nắng nóng nung người, mưa gió bão bùng hay đông hàn tuyết rơi; đại đức Rohana vẫn tinh tấn, chuyên cần, nhẫn nại, xuất hiện trước cửa mọi nhà như một chiếc đồng hồ chính xác nhất. Ngài không hề bỏ một ngày trong suốt 7 năm 10 tháng ròng rã như thế. Cả làng Katangala đều được đại đức Rohana cảm hóa, thỉnh thoảng có vài gia đình thỉnh ngài về nhà để bát và xin được nghe pháp. Đặc biệt, gia đình ông bà-la-môn Sonuttara vẫn đóng kín cửa trước bước chân của ngài suốt bảy năm mười tháng, đại đức Rohana không hề nhận được dầu chỉ một lời nói dễ nghe, một biểu hiện thân thiện, một sự kính trọng xã giao nào nơi nhà người bà-la-môn ấy. Một vá cơm, một muỗng cháo, một cái bánh… lại càng không! Ngài chỉ nhận được lời chưởi chó, mắng mèo, lời rầy la con cái, lời thô lỗ cộc cằn, lời nói đâm xóc, cạnh khóe, chửi mắng, phỉ báng v.v…

Hôm kia, theo lệ thường, đại đức Rohana ôm bát đứng trước ngôi nhà ấy, gia chủ bà-la-môn Sonuttara đi vắng, một người nô bộc cảm thấy tội nghiệp lén bước ra nói nhỏ nhẹ rằng:

– Bạch ngài, xin ngài vui lòng đi độ thực nơi khác, khổ thân ngài thôi, gia đình này họ không dâng cúng chút gì đâu.

Nghe được vậy, đại đức Rohana hoan hỷ mỉm cười dời chân đi. Sau khi khất thực vừa đủ dùng, ngài trở lại khu rừng. Bà-la-môn Sonuttara sau công việc trở về, gặp ngài ở giữa đường, cất giọng mỉa mai:

– Này ngài tu sĩ, sáng nay đứng trước cửa nhà tôi, chắc ngài có nhận được chút gì đó chứ?

Đại đức Rohana cất lời nhã nhặn:

– Thưa gia chủ qúi mến! Cảm ơn lời chào hỏi, sáng nay, quả thật bần tăng có nhận được!

Nghe vậy bà-la-môn Sonuttara tức giận, hối hả bước về, kêu cả nhà ra hạch hỏi xem ai là người cả gan trái ý ông, đem dâng cúng vật thực cho ông sa môn. Khi biết rằng, chẳng có ai đem cho gì cả, ông bà-la-môn giận run lẩy bẩy: “hoá ra là ông này nói dối, ta sẽ mặt đối mặt chỉ trích ông ta một phen.”

Sáng mai, vừa thấy bóng đại đức Rohana, bà-la-môn Sonuttara đã đứng chặn ở đầu ngõ, kêu mọi người trong xóm ra chứng kiến, rồi ông ta chất vấn:

– Ông thầy tu kia, hôm qua, ở tại đây, chẳng có ai để bát cúng dường gì cho ông cả, thế tại sao gặp tôi, ông lại nói dối là “có nhận được“? “có nhận được” cái gì nào, trước mặt bà con lối xóm, ông hãy nói rõ cho tôi nghe?

Đại đức Rohana điềm đạm nói:

– Thưa gia chủ, bần tăng không hề nói dối, quả thật, hôm qua bần tăng có nhận được.

– Gia đình tôi chẳng ai cho thì ông nhận được gì? Tu hành mà nói dối thế sao?

Đại đức Rohana ngước nhìn mọi người xung quanh với tư thái trầm thản rồi nói với bà-la-môn Sonuttara:

– Gia chủ hãy bình tĩnh nghe bần tăng nói đây. Bần tăng đến ngôi làng này tính đến nay là bảy năm mười tháng. Suốt trong thời gian ấy, bần tăng đều đặn đi khất thực mỗi ngày, không bỏ một ngày, dù thời tiết khắc nghiệt thế nào chăng nữa. Nhờ ơn Phật, bà con trong làng đã khởi tín tâm, hộ trì vật thực cơm cháo đầy đủ. Nhưng riêng gia đình gia chủ đây, gần ba ngàn ngày ấy, bần tăng vẫn kiên trì khất thực – mà bần tăng không hề nhận được một muỗng cháo, một vá cơm hoặc một chút vật thực dính trên đầu ngọn cỏ kusa! Cho chí một lời xã giao, một lời nói nhỏ nhẹ, dễ nghe… cũng không có! Lỗ tai bần tăng chỉ nhận được những lời cay chua, độc địa, những lời nói cạnh khóe, ác khẩu, ác ngữ…; thế nhưng, sáng hôm qua, bần tăng có nghe được một lời nói nhã nhặn, lễ độ… của một người tớ gái, cho nên bần tăng rất hoan hỷ, rất cảm ơn. Vậy thì thưa gia chủ, bần tăng nói với ngài là “bần tăng có nhận được” là đúng với sự thực, đâu phải là lời nói dối?

Nghe xong câu chuyện, bà con trong xóm rất cảm động trước lời nói của vị chân tu. Riêng ông bà-la-môn Sonut–tara thì kinh cảm đến từng chân tơ kẻ tóc, lòng bừng bừng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Chỉ với một lời nói dễ nghe mà ông ta đã tỏ vẻ cảm ơn như thế ấy, huống hồ ta thành kính cúng dường cơm bánh vật thực thượng vị thì ông ta sẽ thỏa thích và tri ân gia đình ta đến chừng nào?

Nghĩ thế xong, bà-la-môn Sonuttara chăm chú quan sát đại đức Rohana, ngạc nhiên làm sao, khi ông thấy vị sa môn kia sao thanh khiết quá, đức hạnh quá. Khuôn mặt vị ấy như tỏa ra ánh sáng dịu hiền, đôi mắt từ bi, dáng dấp ung dung, siêu thoát, tự tại, lục căn buông xả và nhàn tịnh. Một niềm tịnh tín dâng lên, một niềm hỷ lạc dâng lên, ông bà-la-môn bèn bước đến, quỳ mọp bên chân đại đức Rohana, kính cẩn bạch rằng:

– Hôm nay con đã có tâm trong sạch với ngài, xin ngài hãy khoan thứ những tội lỗi do con đã mạo phạm. Vậy bắt đầu từ đây về sau, xin ngài vì lòng bi mẫn hãy thương tưởng đến con, tế độ con bằng cách cho con được cúng dường mỗi bữa!

Đại đức Rohana im lặng nhận lời.

* * *

Khi câu chuyện xảy ra ở trên, đồng tử Na-tiên do thiên tử Mahàsena hạ sanh, sau mười tháng trong thai bào, bây giờ đã được bảy tuổi. Bà-la-môn Sonuttara cho mời một thầy ba-la-môn uyên bác đến dạy học. Họ sữa sọan bàn ghế, trải những tấm thảm quý để chuẩn bị cho lớp học khai tâm.

Nhìn vị đồng tử tướng mạo phi phàm, thầy A-đồ-lê soạn ba bộ kinh Phệ-đà rồi lần lươt đọc tụng lên, xem thử trí nhớ của trẻ như thế nào! Hễ cứ đọc một đọan, thầy bảo Na-tiên đọc lại và Na-tiên đọc không sai một chữ. Kinh ngạc, thầy A-đồ-lê đọc tiếp. Suốt nửa tháng, ba bộ kinh Phệ-đà mới đọc xong và Na-tiên đã thuộc nằm lòng.

Thầy A-đồ-lê giảng giải:

– Đấy là tất cả kinh điển của giai cấp thượng đẳng bà-la-môn, con đường đến Phạm thể, những đức tính cao cả cùng những tri thức minh triết trên đời này mà một con trai bà-la-môn thông thái phải am tường. Kỳ lạ làm sao, con đã học thuộc, vậy bây giờ hãy nghe ta giảng đây.

Nửa tháng sau thì Na-tiên đã thông suốt tam Phệ-đà, dẫu thầy A-đồ-lê hỏi xuôi ngược, hỏi nghĩa đen, nghĩa bóng, ẩn dụ, đoản ngôn,v.v… Na-tiên đã trả bài làu làu không vấp váp.

Bất đồ, Na-tiên hỏi lại thầy:

– Kính thầy A-đồ-lê! Tam Phệ-đà là ba con đường dẫn đến Phạm thể, đấng vô thượng chí tôn! Tri thức của thầy thông thái như vậy, nhưng con đường thực hành thì như thế nào? Thầy lựa chọn con đường nào?

Thầy bà-la-môn nín lặng.

– Hoặc là thầy đã từng thấy đấng Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ ấy chưa?

Để cho vị thầy già bối rối với những câu hỏi, đồng tử Na-tiên đi đến gặp bà-la-môn Sonuttara:

– Thưa cha! Con không học nữa. Tri thức Phệ-đà thật vô ích vì chính thầy dạy học của con cũng không biết đấng Phạm thể ấy là thế nào, và cũng chưa từng chứng nghiệm hạnh phúc thể nhập Đấng Ây ra sao?

Bà-la-môn Sonuttara sững người, ông cũng không biết ăn nói làm sao với con, đành nói át:

– Nhưng con cần phải học nữa.

Đồng tử Na-tiên lễ độ:

– Vâng, thưa cha, con sẽ học, nhưng không biết là còn phải học những gì nữa?

– Con phải học chữ, học viết; và cần phải học năm bộ sách nữa.

– Thưa cha! Học chữ, học viết thì không cần nữa, vì một tháng nay con đã tự học rồi. Còn năm bộ sách kia là những bộ sách gì?

Bà-la-môn Sonuttara lại cầu viện thầy A-đồ-lê giảng giải về năm bộ sách ấy như sau:

1. Về phúng tụng, nghi lễ.
2. Về thiên văn địa lý.
3. Xem xét thế giới, đức Iso và sự sáng tạo núi sông, cây cỏ, muôn loại…
4. Đoán mộng, xem tướng.
5. Vệ sinh thường thức như: rửa mặt, tắm, thọ dụng vật thực, đại tiểu tiện v.v…

Đồng tử Na-tiên chăm chú nghe xong, hỏi:

– Thưa cha! Năm bộ sách ấy đã có viết sẵn chưa?

– Có viết sẵn, và gia đình chúng ta cũng có thờ năm bộ ấy.

– Vậy xin cha hãy trả thù lao hậu hĩ cho thầy dạy học của con. Bắt đầu từ nay con có thể học được.

Thế rồi, trước sự sững sờ, kinh ngạc của mọi người, đồng tử Na-tiên ôm năm bộ sách, xin ở nơi một căn nhà trống trong khu vườn xinh đẹp để đọc, nghiên cứu, học tập. Trọn cả bảy ngày như vậy, Na-tiên chỉ rời sách khi dùng cơm và khi ngủ.

Sau khi nắm trọn vẹn cả năm bộ sách, Na-tiên bần thần suy nghĩ:

-“ Có lợi ích gì đâu là những môn học này? Ngoại trừ về vệ sinh thường thức, còn ngoài ra chúng trừu tượng, xa vời so với đời sống, sự sống của con người. Nó chẳng cho ta hiểu rõ về nguồn gốc của sinh tử và nỗi khổ đau chung của sanh loại. Ôi! Thật là rỗng không và phù phiếm thay?

Suốt trong thời gian ấy, đại đức Rohana đã lui tới thường xuyên nơi ngôi nhà này, nhận sự cúng dường những món ăn thượng vị của bà-la-môn Sonuttara . Và hình bóng ngài đã trở nên thân thiết, ấm cúng cho mỗi người trong gia đình. Ngài theo dõi sự học tập và tâm tư của đồng tử Na-tiên trong mỗi ngày. Ngài biết rằng Na-tiên do nhờ công hạnh và trí tuệ tu tập nhiều kiếp theo Chánh pháp, vững chắc chánh kiến, nên những tư tưởng ngoại giáo thật khó tương ưng. Và hiện giờ Na-tiên đang chán nản, sầu muộn, hoài nghi. Biết vậy, như lực sĩ với cánh tay duỗi, đại đức Rohana đã xuất hiện trước mặt đồng tử Na-tiên với dung nghi chói sáng, với đôi mắt từ bi và nụ cười hiền dịu.

Vừa thấy ngài, đồng tử Na-tiên tâm phát sanh phỉ lạc, hân hoan nghĩ rằng: “Ta từng thấy vị chân tu này mà chưa được đối mặt, chưa được hầu chuyện với ngài. Ôi! Được đáp vấn với ngài vài câu chắc lợi ích cho ta lắm.

Bèn kính cẩn nói:

– Bạch tôn trưởng! Tại sao tôn trưởng có phẩm mạo và y phục khác với kẻ thế?

Đại đức Rohana thân ái ngồi xuống một bên:

– Này con thân! Vì ta là kẻ xuất gia!

– Người xuất gia là gì?

– Là người tình nguyện lìa bỏ gia đình, quyến thuộc, tài sản, vợ con; sống đời đi xin ăn rày đây mai đó, chẳng có trú xứ nhất định, chẳng có nhà cửa, mái che; chỉ mang theo bên mình ba y và cái bát khất thực.

– Xuất gia như vậy có lợi ích gì không, thưa tôn trưởng?

– Có chứ! Có lợi ích nhiều lắm chứ con! Người xuất gia thường lánh xa điều ác, thường bỏ dữ làm lành, thường sống đời rỗng lặng, thanh tịnh, không có khổ đau, phiền muộn.

Đồng tử Na-tiên suy nghĩ hồi lâu, lặng lẽ gật đầu ra chiều đã lãnh hội, rồi hỏi tiếp:

– Tại sao tôn trưởng phải cạo bỏ râu tóc?

Đại đức Rohana ân cần giải thích:

– Người xuất gia vì muốn sống đời giải thoát như hư không nên phải cạo bỏ râu tóc; vì cạo bỏ râu tóc là muốn tránh tất cả những công việc bận rộn vô ích sau đây:

1. Tốn tiền và mất thì giờ do kiếm thợ cắt tóc và gội đầu.
2. Tốn tiền và mất thì giờ do mua trâm cài tóc, bối tóc, cột tóc hoặc chải tóc.
3. Tốn tiền mua hương liệu, dầu thơm và mất công xoa ướp.
4. Tốn tiền và mất công mua hoa kết làm tràng hoa.

Ngoài ra, muốn cho đầu tóc được đẹp người ta còn trang điểm bằng những đồ trang sức như vàng, bạc cùng những loại đá qúy khác nữa. Vậy, nhờ tránh những bận rộn ấy mà người xuất gia có nhiều thì giờ dành cho sự tu tập đó con!

Nhè nhẹ gật đầu, Na-tiên hỏi tiếp:

– Còn tại sao lại mặc y nhuộm bằng vỏ cây, rễ cây?

– Cũng tương tự như cạo bỏ râu tóc vậy, nghĩa là tránh những bận rộn do kiếm vải vóc, tốn tiền, tốn thời gian may vá, tìm kiếm thuốc nhuộm v.v…, áo quần đẹp như kẻ thế lại còn tốn thời giờ sửa soạn thân thể, vật trang điểm, vật thoa, vật thơm cùng những phiền phức khác nữa…

– Con hiểu! Quả là mất thì giờ vào những việc phù phiếm ấy thì không đáng tí nào! Tất cả những lời nói của tôn trưởng đều rất hay, đều rất hợp với sở thích của con. Vậy chẳng hay tôn trưởng có thể chỉ dạy cho con phương pháp tu tập cao thượng như của tôn trưởng chăng?

Đại đức Rohana mỉm cười:

– Có thể được, con ạ! Nhưng có điều khó khăn, không biết con có vượt qua được chăng?

– Con sẽ cố, thưa tôn trưởng!

– Là con phải dứt bỏ tất thảy các điều bận rộn như ta nói ở trên; nghĩa là phải xin phép cha mẹ cạo bỏ râu tóc, mặc y nhuộm bằng vỏ cây thô xấu cho đúng với phẩm mạo của người xuất gia; sống không nhà cửa, đi theo ta mới mong thực hành, tu tập theo pháp môn cao thượng của ta được.

Nghe lời đại đức Rohana, đồng tử Na-tiên ôm năm bộ sách về trả lại trên bàn thờ, ngồi lặng lẽ, buồn bã, bỏ ăn, bỏ ngủ. Bà-la-môn khi hiểu được ý định xuất gia của con trai, tự nghĩ: “Nếu cho nó đi xuất gia theo vị sa môn khả kính kia cũng là điều hay; khi lớn tuổi, khôn ngoan, hiểu biết, ta lại bắt về, lo gì!

Thế là đồng tử Na-tiên được phép gia đình đi theo đại đức Rohana, bắt đầu con đường tôi luyện, tu tập, hy vọng sau này trở nên một pháp khí đại dụng cho chánh pháp thời pháp nạn.

* * *

Hai thầy trò lầm lũi đạp tuyết dầm sương nhắm hướng Hymalaya đi thẳng. Thấy đồng tử Na-tiên còn quá nhỏ sợ không kham nổi nắng gió đường xa nên đại đức Rohana cho nghĩ chân tại chùa Niya Vijambùvatthu để dưỡng sức. Mấy ngày hôm sau họ mới tới được hang động Rakkhita kỳ vĩ, nơi ẩn cư của hội chúng Thánh nhân A-la-hán .

Đồng tử Na-tiên thấy càng lúc càng đi sâu vào núi non cheo leo hiểm trở, khí lạnh buốt xương, rất nhiều loại thú rừng hoang dã lui tới đó đây, bèn cảm thấy sợ hãi. Đại đức Rohana trấn an:

– Cả hàng trăm vị ẩn sĩ đang sống rất yên lành, thú dữ ở đây chúng không làm hại ai cả.

Họ bước vào một hang động thiên nhiên hùng vĩ, không khí mát mẻ tỏa ra. Rất nhiều vị Thánh A-la-hán ngồi yên lặng thiền định, thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả trên những tảng đá bằng phẳng trơn tru.

– Hiền giả đã làm xong bổn phận và đã về rồi đấy à, Rohana?

Một vị Thánh Tăng mày bạc như hai vệt tuyết, người gầy khô, khẳng khiu nhưng cứng cáp như một cỗi tùng già, mở mắt cất tiếng hỏi.

Đại đức Rohana dẫn đồng tử Na-tiên đến quỳ tâu:

– Thưa vâng, con đã thi hành xong hình phạt cao thượng, và đây là đồng tử Na-tiên!

Đại trưởng lão quan sát trẻ một hồi rồi nói:

– Hạnh Ba la mật tinh tấn và nhẫn nại của hiền giả rõ ràng là đã thành tựu viên mãn, bần tăng xin chúc mừng hiền giả.

– Con không dám!

– Hình phạt tuy đã xong, nhưng hiền giả có nhân duyên làm thầy hòa thượng tế độ và làm thầy giáo thọ cho đồng tử Na-tiên nữa đấy!

– Con xin vâng!

Thế rồi, buổi chiều, đồng tử Na-tiên được cạo tóc, mặc chiếc y thô xấu, xuất gia làm sa di với sự chứng minh của hội chúng Thánh nhân A-la-hán, thầy tế độ là hòa thượng Rohana.

Sau khi làm lễ xuất gia xong, ngài đại trưởng lão Assagutta vân du về chùa Nìyaka mà ngài từng ở trước đây, các vị A-la-hán khác chia nhau đi nhiều phương hoặc dời vào các hang động sâu trong tuyết sơn.

Sa di Na-tiên liền tâu với đại đức Rohana:

– Phẩm mạo xuất gia con đã làm xong rồi, vậy xin tôn trưởng chỉ giáo cho con phương pháp tu tập cao thượng.

Đại đức Rohana nghĩ thầm: “Sa di này có trí nhớ phi phàm, hy vọng y sẽ thuộc nằm lòng được Thắng nghĩa pháp. Nhờ làu thông tạng Thắng nghĩa này, sau này sẽ là kho tàng trí tuệ để y tranh luận với đức vua Mi-lan-đà.

Rồi ngài nói:

– Này Na-tiên con! Giáo pháp đầy đủ gồm có 3 tạng, tổng cọng kinh chữ viết trên lá buôn, số lượng rất kinh khiếp, 16 con voi kéo cũng không hết! Ây là tạng Kinh, tạng Luật và tạng Thắng nghĩa pháp hay là Vi diệu pháp. Bắt đầu từ hôm nay, ta sẽ dạy con học tạng Vi diệu, là tạng khó nhất, con có kham nhẫn được chăng?

– Con sẽ cố gắng!

– Tốt. Bắt đầu từ ngày mai, chúng ta sẽ ra bãi cát ven suối, học tại đấy!

Thế rồi, tuần tự, đại đức Rohana tụng đọc, viết, cắt nghĩa bảy bộ Abhidhamma cho sa di Na-tiên cùng với những giảng giải cặn kẽ, chi tiết:

Dhammasanghanì: Bộ pháp tụ.
Vibhangha: Bộ phân tích.
Dhàtukathà: Bộ chất ngữ.
Puggala pannati: Bộ nhân chế định.
Kathàvatthu: Bộ ngữ tông.
Yamaka: Bộ song đối.
Patthànamahàpa karana: Bộ vị trí.

Suốt mấy năm trường sa di Na-tiên chuyên cần học Vi diệu tạng. Khi đã học thuộc lòng cả bảy bộ, Na-tiên thưa với thầy:

– Bạch tôn trưởng! Ngài dạy cho đệ tử như vậy là đã quá nhiều, chưa cần thiết phải dạy thêm. Hãy cho đệ tử suy gẫm giáo pháp cao siêu này cho tới nơi tới chốn.

Cũng trong thời gian này, đại đức Rohana cặn kẽ chỉ dạy cho Na-tiên cách đi đứng nằm ngồi, mặc y, mang bát; cách cung kính, lễ bái các vị trưởng lão, cách sống với chúng ở giữa rừng núi, ở giữa phố thị, làng mạc v.v… Mỗi mỗi oai nghi, hành động, ăn nói phải cẩn trọng, thu thúc, gìn giữ như thế nào để cho xứng đáng phẩm hạnh của một sa môn. Na-tiên đã được dạy sơ về một số giới luật như thế, thêm một số kinh căn bản, vài pháp môn hít thở, thiền định, thiền quán v.v…

Khi đã đến tuổi thiếu niên, có lẽ đã suy gẫm sâu xa