Trường Bộ Kinh Dìgha Nikàya (Tập 1)

Trường Bộ Kinh Dìgha Nikàya (Tập 1)

Trương Văn Chiến 16

10/07/2554 13:56 (GMT+7)

Kích cỡ chữ:

Mục lục

Xem toàn bộ

Trường Bộ Kinh
Digha Nikaya

12. Kinh Lohicca (Lô-hi-gia)
(Lohicca sutta)

  1. Như vậy tôi nghe. Một thời đức Thế Tôn đang đi du hành tại nước Kosala (Câu-tát-la) cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, và đến tại Sàlavatikà (một làng có dãy cây tala bao bọc). Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Lohicca ở tại Sàlavatikà, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, ngũ cốc phong phú, vốn là đất đai của vua, sau vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) cấp cho để hưởng một phần lợi tức.
  2. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Lohicca khởi lên ác kiến sau đây: “Ở đời, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chứng được thiện pháp, sau khi chứng được thiện pháp không nên nói cho người khác biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được? Ví như một người sau khi cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác nữa. Ta nói sự thành tựu là ác pháp, tham pháp vì có ai lại làm giúp cho ai được?”.
  3. Bà-la-môn Lohicca nghe đồn: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, đang du hành tại nước Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị, nay đã đến Sàlavatikà. Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài đã tự chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự mình chứng ngộ với thắng trí rồi hiển thị cho mọi loài được biết. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Lành thay, nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy”.
  4. Bà-la-môn Lohicca nói với Bhesika, người hớt tóc:

– “Này thiện nhân Bhesika, hãy đi đến Sa-môn Gotama thay mặt ta hỏi thăm Sa-môn Gotama có được ít bệnh ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú không: “Tôn giả Gotama, Bà-la-môn Lohicca hỏi thăm Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú không?” và nói thêm: “Mong Thế Tôn nhận lời của Bà-la-môn Lohicca sáng mai đến dùng cơm cùng với đại chúng Tỷ-kheo!”.

  1. – Tôn giả, xin vâng!

Bhesika người hớt tóc vâng theo lời của Bà-la-môn Lohicca đến với Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên. Bhesika người hớt tóc bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Lohicca hỏi thăm “Thế Tôn có được ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú không?” và nói thêm: “Mong đức Thế Tôn nhận lời mời của Bà-la-môn Lohicca sáng mai đến dùng cơm với đại chúng Tỷ-kheo”.

Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời.

  1. Bhesika, người hớt tóc, được biết Thế Tôn nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, đi đến Bà-la-môn Lohicca, khi đã đến, liền thưa với Bà-la-môn Lohicca:

– Tôn giả, chúng tôi đã thay mặt Tôn giả thưa với Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Lohicca hỏi thăm Thế Tôn Gotama có được ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn không” và nói thêm: “Mong Thế Tôn nhận lời của Bà-la-môn Lohicca sáng mai đến dùng cơm với đại chúng Tỷ-kheo” và Thế Tôn nhận lời.

  1. Rồi Bà-la-môn, Lohicca sau khi đêm ấy đã mãn, làm sẵn sàng tại nhà các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm rồi nói với Bhesika, người hớt tóc:

– Này thiện nhân Bhesika, hãy đi đến Sa-môn Gotama, khi đã đến, hãy báo giờ cho Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, cơm đã sẵn sàng”.

– Tôn giả, xin vâng!

Bhesika người hớt tóc, vâng theo lời của Bà-la-môn Lohicca, đi đến Thế Tôn, khi đã đến, liền đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Bhesika người hớt tóc báo thời giờ cho Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”. Khi ấy Thế Tôn buổi sáng đắp y, đem theo y bát và cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến Sàlavatikà.

  1. Lúc bấy giờ, Bhesika, người hớt tóc, đang đi sau lưng Thế Tôn. Rồi Bhesika, người hớt tóc bạch Thế Tôn:

– Bà-la-môn Lohicca có khởi lên ác kiến sau đây: “Ở đời có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chứng được thiện pháp, sau khi chứng được thiện pháp, không nên nói cho người khác biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được? Ví như một người, sau khi cắt sợi dây trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác nữa. Ta nói sự thành tựu là ác pháp, tham pháp. Vì có ai lại làm giúp cho ai được ?” Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn có thể giúp Bà-la-môn Lohicca trừ ác kiến ấy!

– Này Bhesika, việc ấy có thể được. Này Bhesika, việc ấy có thể được.

  1. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đến tại cư xá của Bà-la-môn Lohicca, khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Bà-la-môn Lohicca tự tay làm cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, thỏa mãn với những món thượng vị, loại cứng loại mềm. Bà-la-môn Lohicca, sau khi biết Thế Tôn dùng cơm xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Lohicca:

– Này Lohicca, có thật chăng, Ngươi khởi lên ác kiến như sau: “Ở đời, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chứng được thiện pháp, sau khi chứng được thiện pháp, không nên nói cho người khác biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được? Ví như một người sau khi cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác nữa. Ta nói sự thành tựu ấy là ác pháp, tham pháp. Vì có ai lại làm giúp cho ai được?”

– Vâng phải, Tôn giả Gotama!

  1. – Này Lohicca, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải Ngươi ở tại Sàlavatikà?

– Vâng phải, Tôn giả Gotama!

– Này Lohicca, nếu có người nói: “Bà-la-môn Lohicca sống ở Sàlavatikà. Hãy để Bà-la-môn Lohicca hưởng một mình mọi sản phẩm của Sàlavatikà, không cho một ai khác”. Người nói vậy là người gây chướng ngại cho ai sống tùy thuộc vào Ngươi, có phải không?

– Tôn giả Gotama, là người gây chướng ngại.

– Này Lohicca, đã là người gây chướng ngại, người ấy có phải là người có từ tâm nghĩ đến lợi ích cho những người kia?

– Tôn giả Gotama, là người không có từ tâm nghĩ đến lợi ích.

– Ðã không có từ tâm nghĩ đến lợi ích, người ấy an trú từ tâm hay an trú hại tâm?

– Tôn giả Gotama, hại tâm!

– Khi an trú hại tâm, như vậy là chánh kiến hay tà kiến?

– Tôn giả Gotama, là tà kiến!

– Này Lohicca, Ta nói rằng, một người tà kiến sẽ sanh vào một trong hai ác thú sau đây: địa ngục hay súc sanh.

  1. Này Lohicca, ngươi nghĩ thế nào? Có phải vua Pasenadi Kosala (Ba-tư-nặc-câu-tát-la) ở tại Kasi – Kosala (Ca-Thi Câu-tát-la) không?

– Tôn giả Gotama, vâng phải!

– Này Lohicca, nếu có người nói: “Vua Pasenadi Kosala sống ở Kasi-Kosala. Hãy để vua Pasenadi Kosala hưởng một mình mọi sản phẩm của Kasi – Kosala, không một ai khác”. Người nói như vậy có phải là người gây chướng ngại cho những ai sống tùy thuộc vào vua Pasenadi Kosala, có phải không?

– Tôn giả Gotama, là người đã gây chướng ngại.

– Này Lohicca, đã là người gây chướng ngại, người ấy có phải là người có từ tâm nghĩ đến lợi ích cho những người kia hay là người không có từ tâm nghĩ đến lợi ích cho những người kia.

– Tôn giả Gotama, là người không có từ tâm nghĩ đến lợi ích.

– Ðã không có từ tâm nghĩ đến lợi ích, người ấy an trú từ tâm hay an trú hại tâm?

– Tôn giả Gotama, hại tâm!

– Khi an trú hại tâm, như vậy là chánh kiến hay tà kiến?

– Tôn giả Gotama, là tà kiến!

– Này Lohicca, ta nói rằng, một người tà kiến sẽ sanh vào một trong hai ác thú sau đây: địa ngục hay súc sanh.

  1. Này Lohicca, nếu có người nói: “Bà-la-môn Lohicca sống ở Sàlavatikà. Hãy để Bà-la-môn Lohicca hưởng một mình mọi sản phẩm của Sàlavatikà, không cho một ai khác”. Người nói vậy là người gây chướng ngại cho ai tùy thuộc vào Ngươi; đã là người gây chướng ngại, người ấy không có từ tâm nghĩ đến lợi ích, người ấy an trú hại tâm; và đã an trú hại tâm tức thuộc về tà kiến.
  2. Ðã như vậy, này Lohicca, nếu có người nói: “Ở đời có vị Sa-môn hay Bà-la-môn chứng được thiện pháp, sau khi chứng được thiện pháp, không nên nói cho người ta biết, vì có ai lại làm giúp cho ai được?. Ví như một người cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác nữa. Ta nói sự thành tựu là ác pháp, tham pháp. Vì có ai lại làm giúp cho ai được?”. Người nói vậy gây chướng ngại cho những thiện nam tử đến với pháp luật do đức Như Lai giảng dạy và chứng được những quả vị thù thắng đặc biệt như Dự lưu, Nhất lai, Bất lai hay A-la-hán quả. Người nói vậy cũng gây chướng ngại cho những vị đang làm cho thành tựu sự tái sanh lên các cõi trời để được sanh làm chư Thiên. Ðã là người gây chướng ngại, người ấy không có từ tâm nghĩ đến lợi ích, người ấy an trú hại tâm; và đã an trú hại tâm tức thuộc về tà kiến. Và này Lohicca, ta nói rằng một người có tà kiến sẽ sanh vào một trong hai ác thú sau đây: địa ngục hay súc sanh.
  3. Này Lohicca, nếu có người nói: “Vua Pasenadi Kosala sống ở tại Kasi-Kosala. Hãy để vua Pasenadi Kosala hưởng một mình mọi sản phẩm của Kasi -Kosala, không cho một ai khác”. Người nói vậy là người gây chướng ngại cho ai sống tùy thuộc vào người ấy. Ðã là người gây nguy hiểm, người ấy không tha thiết đến hạnh phúc. Ðã không tha thiết đến hạnh phúc, người ấy an trú hại tâm; và an trú hại tâm tức thuộc về tà kiến.
  4. Ðã như vậy, này Lohicca, nếu có ai nói: “Ở đời có vị Sa-môn chứng được thiện pháp, sau khi chứng được thiện pháp, không nên nói cho người khác, vì có ai lại làm giúp cho ai được? Ví như một người cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi dây mới khác nữa. Ta nói sự thành tựu ấy là ác pháp, tham pháp. Vì có ai lại làm giúp cho ai được?” Người nói vậy gây chướng ngại cho người thiện nam tử đến với pháp luật do đức Như Lai giảng dạy và chứng được những quả vị thù thắng đặc biệt như Dự lưu, Nhất lai, Bất lai hay A-la-hán quả. Người nói vậy gây nguy hiểm cho những vị đang làm cho thành tựu sự tái sanh lên các cõi trời để được sanh làm chư Thiên. Ðã là người gây chướng ngại, người ấy không có từ tâm nghĩ đến lợi ích, người ấy an trú hại tâm; và đã an trú hại tâm tức thuộc về tà kiến”. Và này Lohicca, Ta nói rằng một người có tà kiến sẽ sanh vào một trong hai ác thú sau đây: địa ngục hay súc sinh.
  5. Này Lohicca, ở đời có ba vị đạo sư đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích đạo sư như vậy, sự chỉ trích của vị này chơn chánh, hợp pháp, không lỗi lầm. Thế nào là ba?

Này Lohicca, ở đời có một vị đạo sư không chứng mục đích của Sa-môn quả mà mọi người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả, vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!” Những đệ tử này không nghe lời dạy của vị ấy, không để tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết và sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Ðạo sư như vậy cần phải được khiển trách: “Ðại đức không chứng mục đích Sa-môn quả mà Ðại đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả ấy, Ðại đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người. Như thế này là hạnh phúc cho các người”. Những đệ tử này không nghe lời dạy của Ðại đức, không để tai ghi nhận, không trú tâm phát xuất từ hiểu biết và sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Như người tán tỉnh cô gái muốn xa mình, hay ôm hôn cô gái muốn né mặt mình, ta nói cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp vì có ai lại làm giúp cho ai được?”

Này Lohicca, như vậy là hạng đạo sư thứ nhất đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích đạo sư như vậy, sự chỉ trích của vị này chơn chánh, hợp pháp, không lỗi lầm.

  1. Lại nữa, này Lohicca, ở đời có vị đạo sư không chứng mục đích của Sa-môn quả mà mọi người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả ấy, vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người!”. Những đệ tử này nghe lời dạy của vị ấy, lóng tai ghi nhận và trú tâm phát xuất từ hiểu biết, nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Ðạo sư như vậy cần phải được khiển trách; Ðại đức không chứng mục đích Sa-môn quả mà Ðại đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả ấy, Ðại đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người”. Những đệ tử này nghe lời dạy của Ðại đức, lóng tai ghi nhận, trú tâm phát xuất từ hiểu biết, nhưng sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Như người bỏ ruộng dưa của mình mà nghĩ đến việc nhổ cỏ cho ruộng của người. Ta nói cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp vì có ai lại làm giúp cho ai được?” Này Lohicca, như vậy là hạng đạo sư thứ hai đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích đạo sư như vậy, sự chỉ trích của vị này chơn chánh, hợp pháp, không sai lầm.
  2. Lại nữa, này Lohicca, ở đời có vị đạo sư không chứng mục đích của Sa-môn quả mà mọi người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả ấy, vị này thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các người! Như thế này là hạnh phúc cho các người”. Những đệ tử này không nghe lời dạy của vị ấy, không lóng tai nghi nhận, không trú tâm xuất phát từ hiểu biết, sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Ðạo sư như vậy cần phải được khiển trách: “Ðại đức không chứng được mục đích Sa-môn quả mà Ðại đức xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến. Không chứng được mục đích Sa-môn quả ấy, Ðại đức thuyết pháp cho các đệ tử: “Như thế này là lợi ích cho các ngươi! Như thế này là hạnh phúc cho các ngươi!” Những đệ tử này nghe lời dạy của Ðại đức, lóng tai ghi nhận, trú tâm phát xuất từ hiểu biết, sống trái ngược với giáo pháp của vị bổn sư. Như người cắt sợi dây cũ trói buộc, lại tự làm một sợi mới khác né mặt mình, ta nói cử chỉ ấy là ác pháp, tham pháp vì có ai lại làm giúp cho ai được?”

Này Lohicca, như vậy là hạng đạo sư thứ ba đáng bị chỉ trích và ai chỉ trích đạo sư như vậy, sự chỉ trích của vị này chơn chánh, hợp pháp, không lỗi lầm.

  1. Khi nghe nói như vậy, Bà-la-môn Lohicca bạch đức Thế Tôn:

– Tôn giả Gotama, ở đời có vị đạo sư nào không đáng bị chỉ trích?

– Này Lohicca, ở đời có vị đạo sư không đáng bị chỉ trích.

– Tôn giả Gotama, ở đời, thế nào là đạo sư không đáng bị chỉ trích?

  1. – Này Lohicca, ở đời, đức Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40 – 74, với những thay đổi cần thiết).
  2. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh, do hân hoan, nên hoan hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an, do thân khinh an, lạc thọ sanh, do lạc thọ, tâm được định tĩnh Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
  3. Này Lohicca, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột ấy thấm nhuần nước ướt nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt – cũng vậy này Lohicca, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy trên thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Này Lohicca, đệ tử của vị đạo sư nào chứng được quả vị thù thắng đặc biệt ấy, thời này Lohicca, vị đạo sư không đáng bị chỉ trích. Và ai chỉ trích một vị đạo sư như vậy, sự chỉ trích ấy sẽ không xác thực, không chân chánh, không hợp pháp, và có lỗi lầm.

  1. Này Lohicca, lại nữa, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm… thiền thứ ba… chứng và trú thiền thứ tư (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 77 – 84, với những thay đổi cần thiết).

Này Lohicca, đệ tử của vị đạo sư nào chứng được quả vị thù thắng đặc biệt ấy, thời này Lohicca, vị đạo sư như vậy không đáng bị chỉ trích, và ai chỉ trích một vị đạo sư như vậy, sự chỉ trích ấy sẽ không xác thật, không chân chánh, không hợp pháp, và có lỗi lầm.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật, “Ðây là khổ”… không có đời sống nào khác nữa (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 97 – 98).

Này Lohicca, đệ tử của vị đạo sư nào chứng được quả vị thù thắng đặc biệt ấy, này Lohicca, vị đạo sư như vậy không đáng bị chỉ trích, và ai chỉ trích một đạo sư như vậy, sự chỉ trích ấy sẽ không xác thật, không chơn chánh, không hợp pháp, và có lỗi lầm!

  1. Khi nghe như vậy, Bà-la-môn Lohicca bạch đức Thế Tôn:

– Như người nắm được tóc của một người sắp sửa rơi vào vực thẳm của địa ngục, nhắc bổng và đặt người ấy trên đất liền, cũng vậy Tôn giả Gotama đã nắm được tóc khi con sắp sửa rơi vào vực thẳm của địa ngục, nhắc bổng và đặt con trên đất liền. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, nay con xin quy y đức Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong đức Thế Tôn nhận con làm đệ tử từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.