Đề Cương Kinh Pháp Hoa

Đề Cương Kinh Pháp Hoa

Trương Văn Chiến 18

CHÁNH VĂN

Kinh nói: “Chư Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trong đời là muốn khiến cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật”. Câu kinh trên cũng là cương lĩnh chánh yếu của toàn bộ, các nhà sớ giải lấy đó làm chỉ thú nòng cốt để giải thích rộng bộ kinh này. Do đó mới biết chư Phật nói ba câu hỏi, chín thí dụ, hội ba về một, dẫn quyền vào thật để khai thị. Đó là khiến tất cả chúng sanh biết được bản lai diện mục, gọi là tri kiến Phật để ngộ nhập nó. Xét khi Phật còn tại thế, hàng Thanh-văn nghe qua hai lượt được ngộ, Phật liền thọ ký cho họ. Cho đến tất cả chúng sanh nghe qua một câu một kệ của kinh này có một niệm tùy hỷ, Phật cũng huyền ký cho họ. Đó là rốt ráo một đại sự nhân duyên vậy.

GIẢNG

Đề cương này muốn nói lại ý nghĩa, cương lĩnh của bộ kinh, ngài Minh Chánh dẫn lời kinh chư Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện trong đời là muốn khiến cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật của mỗi chúng ta. Mục đích hay động cơ thúc đẩy chư Phật trong mười phương pháp giới thị hiện nơi đời là muốn chỉ cho tất cả chúng sanh biết cái chính yếu của mình, nhận được, sống được với cái đó. Tức là thể nhập ông Phật sẵn có của chính mình. Trong kinh Pháp Hoa gọi là tri kiến Phật.

Chữ Khai (開) là mở ra, chữ Thị (示) là chỉ bày, chữ Ngộ (悟) là nhận được, chữ Nhập (入) là hằng sống với tri kiến Phật của mình. Bao nhiêu năm trôi giạt, chúng ta không biết mình là gì, bây giờ được thiện hữu tri thức chỉ cho, ngoài cái hư giả có cái chân thật. Chúng ta ghi nhận, sống được, thể nhập cái chân thật của mình, chứ không phải của ai. Nhưng vì từ lâu chúng ta quên nên quay lưng với nó. Bây giờ nhận ra thì quay về sống với cái thật. Sống được với cái thật thì cái giả không làm gì được mình, vòng luân hồi lẩn quẩn từ bao nhiêu đời kiếp dừng lại.

Trở lại với pháp tu của chúng ta, khi ngồi thiền đừng để mọi dấy niệm lăng xăng kéo đi. Ta không chấp nhận, không chạy theo vì biết nó là vọng tưởng, không thật. Nếu cái biết luôn hiện tiền, chúng ta làm chủ được tất cả niệm khởi, thì chẳng những trong giờ ngồi thiền mà cho tới mọi oai nghi, tất cả sinh hoạt… các cảnh duyên sẽ không làm gì được mình. Nó không còn hấp dẫn khiến ta chạy theo nữa. Không chạy theo nó tức là định, biết nó không thật là tuệ. Chỗ này Lục tổ Huệ Năng nói tu thiền là định tuệ đồng đẳng.

Định tức là không bị vọng tưởng kéo. Nó khởi lên và kéo được mình tức là ta không có định, do đó mất thăng bằng, mất ông chủ. Ngược lại nó khởi lên, mình thấy rõ, không bị kéo đi đâu hết, tức là có định. Sở dĩ chúng ta không bị nó kéo đi vì biết nó không thật, không chấp nhận nó, tức là tuệ. Tu thiền ở ngay giai đoạn đầu đã có thể sử dụng định tuệ đồng đẳng rồi. Khi làm chủ được tất cả các cảnh duyên, không có niệm nào đủ sức hấp dẫn mình nữa. Bấy giờ ở chợ, ở núi, ở bất cứ đâu, làm việc gì ta cũng tự tại, đó là người đại lực lượng, là thiền sư. Không phải nói người đại lực lượng là lực sĩ cử tạ, mà là người không bị các pháp kéo lôi, người làm chủ được mình.

Kinh Pháp Hoa gọi là Tri kiến Phật, nhà Thiền nói là Bản lai diện mục, kinh Niết-bàn nói Phật tánh, kinh Hoa Nghiêm gọi Trí tuệ đức tướng Như Lai, kinh Lăng Nghiêm nói Diệu tịnh minh thể hay Bản tịnh minh tâm v.v… Những kinh khác, những luận giải khác của các bậc tổ sư, chư vị thánh trước hoặc nói Chân như, Niết-bàn, Phật tánh… đều chỉ cho Ông Chủ, cái chân thật của mình. Nhận được cái đó rồi chúng ta sống tự tại, dù trong hoàn cảnh nào cũng sung sướng an toàn. Mặc cho thế cuộc xung quanh đổi thay, vô thường nhanh chóng mình vẫn sống được với chân thể thanh tịnh giải thoát. Bấy giờ sự mất còn, lăng xăng đối với hành giả hết sức bình thường. Các pháp như thế, sự sanh diệt trôi chảy như thế, còn Ông Chủ, trí tuệ đức tướng của mình bất sanh bất diệt.

Vì vậy lúc Phật còn tại thế, trong hội Linh Sơn giảng kinh Pháp Hoa. Bấy giờ các vị Thanh-văn nhận được ý này liền được đức Thế Tôn thọ ký sau sẽ thành Phật. Trong lời thọ ký ấy, Như Lai cũng có thọ ký cho chúng ta nữa. Chúng sanh về sau trải qua số kiếp lâu xa, có chúng sanh nào nhận được tri kiến Phật cũng đều được huyền ký cho sẽ thành Phật. Như vậy trong đó có chúng ta rồi.

Trong phẩm Đề-bà-đạt-đa nói đến chuyện cô con gái Long vương là Long Nữ, tức loại Rồng cái mới 8 tuổi thôi, được Bồ-tát Văn Thù hướng dẫn tu tập, khi nhận ra tâm chân thật tức thì thành Phật. Do đó cô nói với các vị Thanh-văn đương hội:

– Xin mời các ngài xem! Tôi dâng hạt châu này lên, đức Thế Tôn nhận, thời gian có  mau chăng?

– Rất mau!

– Tôi thành Phật còn nhanh hơn việc đó nữa!

Khi dâng hạt châu lên, đức Phật nhận hạt châu, cô liền biến thân nữ thành thân trượng phu, qua cõi Vô Cấu ở phương Nam thành Phật tức thì. Tướng giả bên ngoài được tiêu dung nhanh chóng như thế.

Cũng vậy, nếu chúng ta chợt nhận ra tánh Phật của mình tức thì sẽ được an lạc. À, chính ta đó! Nhận ra thì nhanh lắm. Nhưng còn một điều khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải gan dạ, có công phu, đó là nhận được rồi nhưng làm sao hằng sống với tánh Phật mới là chỗ cứu cánh. Muốn thế phải có tâm trường viễn, tâm kiên cố mới thực hiện được. Phải khắc phục, phấn đấu liên tục. Chứ còn nhận ra rồi buông thì đâu vào đó thôi. Tại sao? Vì con đường luân hồi này chúng ta đã lầm lũi nhiều đời kiếp, nó quen rồi, đã thấm nhuần, đã khắn chặt thành tập khí, rất khó trừ bỏ. Chỗ này không ai dám nói hay, chư huynh đệ phải dè dặt. Qua được cửa đầu rồi, nhưng tới cửa thứ hai phải cẩn thận, không thể nói suông bắn bổng được! Có khi nó loé lên lúc đó rồi tắt ngủm hồi nào mình không hay, cứ tưởng thế là ngon. Nhiều vị nói hoài cái giây phút lóe sáng rồi chợt tắt ấy, nhưng thật sự họ đang sống trong sự tăm tối mà không tự biết. Nói riết thành ra nói sảng. Vậy nên chỗ này đòi hỏi phải có công phu.

CHÁNH VĂN

Trộm nghĩ kinh này là vua trong các kinh, các nước đều truyền bá rộng rãi. Riêng ở Trung Hoa có đến hơn trăm nhà sớ giải thì đủ biết tầm quan trọng của nó rồi. Bộ kinh này lưu thông đến nước ta, đặc biệt vào triều vua Gia Long, có một vị cao tăng là Hòa thượng Bích Động y theo kinh này mà làm Đề Cương.

Nay ty Hoằng pháp chúng tôi Thanh Chúc, Thanh Quy, Thanh Trà phát tâm khắc lại và lấy bộ này làm một trong mười khoa công án.

Đây là lời dẫn vậy.

Vĩnh Nghiêm, hậu học Tỳ-kheo Thanh Hanh

Kính đề lời dẫn tựa.

Hoàng triều Bảo Đại, mùng 10 tháng 4 năm thứ 9 (1933).

Nước Đại Nam, tỉnh Ninh Bình, phủ An Khánh, huyện An Mô, tổng Đam Khê, xã Đam Khê, chùa Bích Động tàng trữ bản để về sau biết mà in.

GIẢNG

Bản này được tàng trữ tại chùa Bích Động ở Ninh Bình. Trong chuyến đi Hà Nội đầu tiên vào năm 1989 của Hòa thượng Ân sư, chúng tôi được đi theo. Trên đường trở về Nam có ghé chùa Bích Động. Tại đây tôi được chiêm bái tháp của thiền sư Minh Chánh.

Trộm nghĩ kinh này là vua trong các kinh, các nước đều truyền bá rộng rãi. Ở Trung Quốc có hơn trăm nhà sớ giải, qua đó chúng ta biết được tầm quan trọng của kinh Pháp Hoa như thế nào. Bộ kinh này lưu thông đến nước Việt Nam vào triều vua Gia Long, thiền sư Minh Chánh mới làm Đề Cương này.

Như vậy trong phần dẫn tựa Pháp Hoa Đề Cương có hai đoạn. Đoạn trên dẫn một đoạn mở đầu kinh Pháp Hoa, sau đó ngài giải thích và chỉ cho chúng ta mục đích của kinh Pháp Hoa là khai thị tri kiến Phật cho chúng ta ngộ nhập. Đoạn dưới giới thiệu các vị sớ giải kinh Pháp Hoa ở Trung Quốc cũng như Việt Nam.

Khoa công án tức là mười bộ loại trong Phật Điển Tùng San. Bát-nhã Trực Giải cũng của ngài Minh Chánh, nằm một loại trong bộ Phật Điển Tùng San.

Niên hiệu Hoàng triều Bảo Đại năm thứ chín (1933), ngày mùng 10 tháng 4, tức là ngày ty Hoằng pháp của Phật giáo Bắc kỳ khắc bản in quyển Đề Cương này.