Chương 37. Chứng đạo phải do sự tu tập
(Như Lai chỉ là người chỉ đường)
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy dạy rằng: Phật tử dù xa Như Lai hàng ngàn dặm nhưng luôn tác ý, thực hành giới pháp của Như Lai, nhất định chứng đắc đạo quả. Những ai tuy thân cận bên Như Lai, thường thấy Như Lai, nhưng không thực hành giới pháp của Như Lai, nhất định không thể nào chứng đắc đạo quả.
II. LƯỢC GIẢI
Điều kiện cần và đủ để một hành giả chứng đắc quả vị phải là con đường tu tập. Vị trí của Đức Phật chỉ là đấng Đạo sư, bậc Pháp Vương, chỉ dạy cho chúng ta con đường giải thoát, chứ không thể ban cho chúng ta quả vị giải thoát. Mặc dù gặp được Đức Phật, gặp được Tam Bảo là khó (chương 12, điều 4, 5; chương 36 điều 5), nhưng nếu đã được thân cận Như Lai mà không biết thực hành giới pháp Đức Phật chỉ dạy bằng vô ích. Đó là nội dung chương này đề cập đến. Để nắm vững nội dung kinh văn, tưởng cũng nên điểm qua ý nghĩa các thuật ngữ trong kinh văn.
1- Phật tử: Phật tử là thuật ngữ chuyên dùng của kinh hệ Bắc truyền. Kinh hệ Nam truyền không gọi người thực hành chánh pháp Đức Phật là Phật tử mà là “vị Thánh đệ tử”. Phật tử hay Thánh đệ tử thì ý nghĩa cũng như nhau. Nhưng ở đây, chúng ta chọn thuật ngữ Phật tử để phù hợp với kinh văn.
Theo ngữ nghĩa của thuật ngữ này thì Phật tử không phải là con em máu thịt của Đức Phật mà là con em tinh thần, con em trong sự tu tập chánh pháp. Trong phân loại thì Phật tử gồm hai loại hình: Phật tử xuất gia (Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni) và Phật tử tại gia (thọ trì năm giới, tám giới và những chuẩn tắc luân lý đạo đức).
Theo ý nghĩa triết học Phật giáo, Phật tử phải là những ai “trụ Như Lai xứ, trì Như Lai sự” là người “thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu” hay là người cưu mang sự nghiệp “hoằng pháp vi gai vụ, lợi sinh vi bản hoài”, chứ không đơn thuần, hạn cuộc ở cái phái quy y hay chứng điệp thọ giới.
Kinh Phạm Võng định nghĩa Phật tử rất sâu sắc, người đi theo con đường giác ngộ của Đức Phật đã đi để cùng chứng đạt Phật vị là Phật tử: “Bất kỳ ai thọ trì giới pháp của Như Lai, tức đã từng bước đạt được những thang bậc giác ngộ (Phật vị). Chỉ khi nào đạt được quả vị Đẳng Chánh Giác mới chân thật là Phật tử, người giác ngộ không đồng Đức Phật về mặt thời gian”.
Luận Phật Địa I, định nghĩa đơn giản hơn, ai nhờ chân lý chánh pháp, trở về con đường chân chính, người đó là Phật tử, “nhờ năng lực truyền bá của Phật giáo mà khai sinh trong ngôi nhà chánh pháp thì gọi là Phật tử. Hay những ai xương minh mầm mống giác ngộ ở khắp mọi nơi để ánh sáng chân lý được chói diệu thì người đó là Phật tử”.
Pháp Hoa Văn Cú 9 nói rằng: “Tất cả chúng sinh đều có ba chủng tánh, thể nhập được Phật tánh mới gọi là Phật tử”.
Trong nguyên tác Kinh Pháp Hoa, Phật tử không chỉ luôn là người thực hành chánh pháp mà còn phải là người sau khi chứng đặng pháp phần nhị thừa còn phấn đấu bỏ nhị thừa hướng đến nhất Phật thừa, được như vậy mới đích thực là Phật tử theo quan niệm của Đức Phật trong Kinh Pháp Hoa, như chính Xá Lợi Phất đã tự trách: “Nay được nghe pháp (Pháp Hoa) chưa từng có trước chưa hề nghe, dứt lòng nghi hối, thân ý thơ thới rất được an ổn. Chính nay mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sinh ra, từ chánh pháp hóa sinh, chứng đắc những bậc thang giác ngộ.”[1]
Kinh Tăng Chi, khi đánh giá một cư sĩ tại gia chỉ cứ định trên năm nguyên tắc chính sau khi đã thọ trì tam quy ngũ giới: 1/ Có chánh tín Tam Bảo. 2/ Có giới đức, trí đức. 3/ Không đoán tương lai với những lễ nghi đặc biệt. 4/ Không tin tưởng điềm lành, nhưng tin tưởng ở hành động. 5/ Không tìm kiếm ngoài tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.”[2]
Một số định nghĩa cơ bản về thuật ngữ Phật tử vừa trình bày sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu xác thật lời dạy của Đức Phật ở chương này.
2- Giới pháp: Giới pháp là thuật ngữ được ghép bởi giới luật và chánh pháp.
Giới luật trong Phật giáo được xem là những hàng rào đạo đức. Hay nói khác hơn, bản thân của mỗi giới khoản là một hành vi đạo đức. Chính những hành vi được thực thi trong khuôn pháp của giới luật giúp hành giả chóng thành tựu đạo đức nhân bản và đạo đức siêu thế. Giới luật là một biện chứng pháp, là thềm thang đầu của bậc chứng tam tuệ học: giới, định, tuệ. Giới luật tự bản thân nó có những giá trị thù diệu. Nó đem lại cho người thọ trì một hệ quả tất yếu là giải thoát. Do đó, giới được các vị Tổ sư tán thán như là cơ sở nền tảng của mọi thiện pháp, ngay cả thiện pháp của Bồ Tát hạnh: “Giới vi vạn hạnh chi căn nguyên, lục độ chi cơ bản” là cũng do vì tính chất giải thoát của nó.
Trong kinh khi phân định giá trị của các tài sản bị đánh mất, Đức Phật tuyên bố một cách xác quyết “mất giới luật là tổn thất nặng nề nhất cũng như người tổn thất chánh tri kiến” vậy:
“Này các Tỳ kheo, có năm loại hình tổn thất. Tổn thất bà con, tổn thất tài sản, tổn thất bệnh tật, tổn thất giới, tổn thất trí tuệ. Này các Tỳ kheo, không do tổn thất bà con, tài sản, bệnh tật mà các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sinh vào đọa xứ. Nhưng do tổn thất giới hay tổn thất trí tuệ, các loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung sinh vào đọa xứ.”[3]
Đồng thời, kinh cũng xác nhận, người thọ trì giới luật, có trí tuệ thành tựu những lợi ích an ổn vô thượng, dù là đang ở đâu trên quả đất này:
“Chấp nhận học hỏi các học pháp. Nghiên cứu nhiều khéo thể nhập chánh trí. Truyền đạt hai giới bổn Patimokkha. Rõ biết nguyên nhân, cách chấm dứt sự tranh cãi. Ưa thích chánh pháp, luôn dùng ái ngữ. Tri túc thiểu dục, hộ trì các oai nghi, chứng đắc bốn thiền thuộc tăng thượng tâm. Ngay hiện tại với thắng trí an trú vô lậu tận giải thoát. Này các Tỳ kheo, thành tựu các pháp ấy, dù cư trú tại địa phương nào, vị ấy sống trong an lạc giải thoát.”[4]
Chánh pháp là giáo pháp nói chung, bao gồm nhiều mục tiêu giáo dục, nhưng vẫn xoay quanh hai trục chính là giáo dục nhân bản và giáo dục siêu thế. Có một điều chúng ta cần nhớ là đặc thù của chánh pháp là ở mỗi kinh là mỗi vẻ, đa dạng và phong phú, chúng ta không thể đúc kết hết toàn bộ chánh pháp mà Đức Phật thuyết trong 45 năm hoằng đạo, chúng ta chỉ có thể trích dẫn một vài đặc điểm chính của chánh pháp từ các kinh đã có hệ thống sẵn mà thôi.
Kinh Atula Paharada (A.iv.197) thuộc Tăng Chi Bộ III, tr. 53-58, Đức Phật nêu lên tám đặc điểm quan trọng trong giáo pháp của Ngài là:
(1) Ví như biển lớn này tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có tính thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Paharada, trong pháp và luật này các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình.
(2) Ví như biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Paharada, khi các học pháp của ta sửa soạn cho các đệ tử của ta, dù cho vì sinh mạng cũng không vượt qua.
(3) Ví như biển lớn không chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Paharada, người nào ác giới theo ác pháp, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải sa môn, không sống phạm hạnh, tự nhận là phạm hạnh. Nội tâm hôi hám, chứa đầy tham dục, tính tình bất tịnh, chúng Tăng sẽ không sống chung với vị ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi.
(4) Ví như phàm có các con sông lớn nào như sông Hằng, sông Yamaha, sông Aciravati, sông Sarabiku, sông Mahi. Khi chúng chảy đến biển liền bỏ tên gọi của nó để trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Paharada, bốn giai cấp, Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá, Thủ đà la, sau khi từ bỏ gia đình sống trong pháp và luật của Như Lai, tất cả bỏ hết tên họ, vị trí xã hội để trở thành sa môn Thích tử.
(5) Ví như phàm có những dòng nước gì chảy vào biển lớn hay là từ mưa trên không trung rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển có thấy vơi đầy. Cũng vậy, này Paharada, dù cho có nhiều Tỳ kheo nhập Niết bàn không có dư y thì Niết bàn ấy cũng không vì vậy mà có vơi đầy.
(6) Ví như biển lớn chỉ có một vị là mặn. Cũng vậy, này Paharada, pháp và luật của Như Lai chỉ có một vị là vị giải thoát.
(7) Ví như biển lớn có nhiều châu báu như trân châu, ma ni, lưu ly, xà cừ, ngọc bích, san hô, vàng bạc, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Paharada, pháp và luật này có bảy báu như: bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo.
(8) Ví như biển lớn là trú xứ các loại chúng sinh lớn như con Timi, Timigala, những loài Atula, loài Naga, loài Candhabba, các loài hữu tình với tự ngã dài 100, 200,… 500 do tuần, cũng vậy, pháp và luật của Như Lai là trú xứ của các chúng sinh Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán.
Kinh Tăng Chi II, Đức Phật chỉ xoáy sâu giá trị của giáo pháp ở mặt tu chứng và công năng giải thoát như sau:
“Này Upali, những pháp nào đưa đến các mục đích: nhất hướng, nhàm chán ly tham, đoạn diệt ác, an tịnh, thắng trí, giác ngộ Niết bàn, thời Upali, cần phải nhất hướng thọ trì: đây là pháp, đây là luật, đây là lời dạy của Thế Tôn”.
Trong Kinh Anuruddha (A.iv,228) thuộc Tăng Chi III, tr. 77-84, Đức Phật cho biết thêm bảy đặc điểm của giáo pháp: 1/ Pháp cho người ít dục. 2/ Pháp cho người tri túc. 3/ Pháp cho người an tịnh. 4/ Pháp cho người tinh cần. 5/ Pháp cho người trú niệm. 6/ Pháp cho người thiền định. 7/ Pháp cho người trí tuệ[5].
3.- Như Lai chỉ là người chỉ đường
Mặc dù Đức Phật là bậc giác ngộ, nhưng Đức Phật không thể vì ân sủng mà ban tặng cho ai đó sự giác ngộ ngoài những công thức để người ấy tự thực hiện. Đức Phật chỉ là người chỉ đường, sau khi tự mình đi hết con đường giác ngộ, chỉ lại con đường đó cho mọi người cùng đi để mọi người cùng đến. Nếu mọi người chịu đi theo, đau khổ sẽ đoạn tận, trí tuệ sẽ hiển bày, mọi chướng ngại sẽ được tháo gỡ, như Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã xác quyết:
“Nếu ai theo đường này
Đau khổ được đoạn tận
Ta chỉ dạy con đường
Với trí gai chướng diệt
Hãy tự nhiệt tâm hành
Như Lai chỉ thuyết dạy
Tự hành trì thiền định
Thoát trói buộc ác ma.”[6]
Chính lời dạy này cho thấy, tất cả mọi sự trông chờ, hay cầu nguyện van xin mà không thực hành cũng chỉ bằng vô ích. Chúng ta sẽ chẳng đem lại chút gì về kết quả giải thoát cả, nếu chúng ta bỏ rơi công năng hành trì tu tập. Đức Phật nhờ tu tập mà thành đạo, chúng ta cũng phải nhờ tu tập để tự cứu thoát. Đức Phật chỉ là người chỉ đường. Do đó, kết quả giải thoát của chúng ta phải do chính chúng ta nỗ lực thực hiện, chứ không thể nương tựa vào một ai khác. Người giải thoát là người biết nương tựa vào pháp, như nương tựa vào thuyền mà qua sông vậy:
“Những ai hành trì pháp
Theo chánh pháp hành trì
Sẽ đến bờ bên kia
Vượt ma lực khó thoát.”[7]
Chính vì nương vào chánh pháp, thực hành chánh pháp mới được an lạc, giải thoát, cho nên kinh này Đức Phật khẳng định sự chứng đạo không phải nhờ ở cạnh Như Lai, gần gũi Như Lai mà phải là thực hành chánh pháp của Như Lai, mặc dù thân cận Như Lai là tốt: “Phật tử dù xa Như Lai hàng ngàn dặm nhưng luôn tác ý ức niệm giới pháp của Như Lai, nhất định chứng được đạo quả. Những ai tuy thân cận Như Lai nhưng không thực hành giới pháp của Như Lai, không thể nào chứng đắc đạo quả”.
Ngay lời dạy này làm chúng ta liên tưởng đến những ý tứ giáo dục tương tự ở kinh Pháp Hoa. Thay vì chứng đắc được đạo, Kinh Pháp Hoa bảo là “thấy được Như Lai”, thấy Như Lai ở đây là thấy đạo Vô thượng.
“Người trí đọc kinh này
Thời là đã thấy ta
Cũng thấy Phật Đa Bửu
Và các Phật phân thân.”[8]
Hầu như trong các kinh từ Nikaya đến Bắc truyền, Đức Phật đều xác chứng vị trí của Ngài là người chỉ đường, không phải là đóng vai ban ân sủng giải thoát. Gần gũi Như Lai, biết được lời dạy của Như Lai, mà không đi theo con đường của Như Lai là một điều vô cùng oan uổng. Đức Phật khuyên chúng ta thực hành chánh đạo của Ngài, chứ không thể vì một lý do nào đó mà ban cho chúng ta quả vị, như Ngài đã khẳng định.
“Như Lai, này các Tỳ kheo, là bậc A la hán, Đẳng chánh giác, làm cho khởi lên con đường trước kia chưa được khởi, là bậc đem lại con đường trước kia chưa được đem lại. Là bậc truyền thuyết con đường trước kia chưa được truyền thuyết, là bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Này các Tỳ kheo, các vị là đệ tử thì hãy là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu đạo.”[9]
Ở một đoạn kinh khác, một lần nữa, Đức Phật xác định vị trí của Ngài là bậc thầy chỉ đường, bậc truyền thuyết con đường, bậc đạo sư, chứ không phải là bậc ban ân sủng giác ngộ, giải thoát. Cái đó phải do chính chúng ta thực hiện:
“Thế Tôn biết những gì cần biết. Thấy những gì cần thấy. Bậc có mắt. Bậc có trí. Bậc pháp giả. Bậc thuyết giả. Bậc truyền thuyết giả. Bậc dẫn đến mục tiêu, bậc chỉ đường bất tử. Bậc pháp chủ. Bậc Như Lai.”[10]
Và có thể nói lời di chúc, giáo giới của Ngài bao giờ cũng là: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình. Hãy nương tựa chính mình, chớ nương tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác. Hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi. Hãy tự mình làm ốc đảo cho mình. Này Ananda, những ai hiện nay hay sau khi ta diệt độ thực hành như thế, thời phải biết vị ấy là tối thượng trong hàng Tỳ kheo của ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.”[11]
Để tóm gọn các nghĩa chương này, chúng ta có thể trưng dẫn một câu Phật ngôn trong Kinh Pháp Cú thay lời kết:
“Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật
Trong lộ trình giác ngộ, các con hãy thắp đuốc lên mà đi
Trong đại dương luân hồi, các con hãy tự lội vào bờ giải thoát
Các con là hải đảo của chính mình
Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư trên nguyên tắc”.
[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, tr. 103.
[2] Tăng Chi II, tr. 24.
[3] Tăng Chi II, tr. 154.
[4] Tăng Chi II, tr. 486.
[5] Xem thêm tr. 118 của kinh này.
[6] Dhp.275-276.
[7] Dhp.86.
[8] Kinh đã dẫn, phẩm Như Lai Thần Lực, tr.507.
[9] Tương Ưng III, tr. 79-80.
[10] Tương Ưng III, tr. 103.
[11] Tương Ưng V, tr. 170.