Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!
Nhớ không nhầm cách nay khoảng chừng ba mươi mấy năm gì đó tôi đã từng đọc một đoạn thơ của một tác giả châu Âu có nội dung quá ấn tượng (với riêng tôi) đại khái là: chung quanh chúng ta, đất, nước, không khí ánh sáng, và cả…lửa(!),… những thứ cần thiết nhất để sống thì luôn luôn sẵn dành đầy đủ cho hết thảy mọi người sao ai đó còn than thở rằng: cuộc sống này đắt đỏ quá!
Có thể thời điểm đó và ở một không gian nào của trời Tây xa xôi, không khí vẫn còn trong lành, nước vẫn còn trong và không gian vẫn thoáng đãng tràn ngập ánh sáng,… người làm thơ lạc quan là đúng. Nhưng hãy nhìn lại thực tại, chí ít là phần lớn không gian, biển cả và bề mặt hành tinh này, đi tìm kiếm sự trong lành đúng nghĩa chỉ còn cách lật lại quá khứ_ lại là quá khứ chưa lâu_ buồn thật! tôi chợt liên tưởng đến một cụm từ trong một ca khúc của nhạc sĩ quá cố họ Trịnh để đặt cho bài viết tản mạn này.(*)
Sự đánh đổi có khi nghiệt ngã đến phũ phàng. Để phủ phê vật chất, để nghênh ngang phương tiện, để rủng rỉnh bạc tiền,…người ta đành chấp nhận thay thế những giá trị quý báu vô song bằng sự nhếch nhác, ngổn ngang những thứ bỏ đi, chúng hiện hữu phát tác làm tăng dần cường độ “dị ứng” với cộng đồng nhân sinh. Thở phải cứ thở và cứ phải mang bao nhiêu thứ “đi kèm” vô buồng phổi để cùng với luồng oxi (dưỡng khí) đồng hành tới các tế bào; uống thì phải cứ uống nhưng có trời biết trong cốc nước kia có bao nhiêu thứ là kẻ thù của sức khỏe; ăn thì cứ phải ăn thôi, ăn để sống mà!
Nhưng ai biết bao nhiêu thứ đựng trong mâm bát kia đang chuyên chở nhiều ít những hoạt chất được quen gọi là “độc tố”_kẻ đồng minh của bệnh tật và chết chóc. Lòng ham muốn đã làm nhiễu loạn sự sáng suốt của lý trí dẫn đến hệ lụy con người không còn đủ tỉnh táo trong sự phân định thiệt hơn khiến nhân loại đang có nguy cơ tiến gần hơn đến chỗ mình tự đào hố chôn mình. Nói sâu hơn, sự vị kỉ ( như Đức Phật dạy: ngã, ngã sở) chính là nguyên nhân đầu đưa đến hiện trạng này.
Dòng đời xuôi ngược ngược xuôi, vô vàn các mối tương tác đan xen, thoạt nhìn tưởng như bình lặng nhưng sự thực, chúng đang dệt nên bầu không khí sinh hoạt của xã hội: sôi động, muôn hình nghìn tía lại cũng gai góc hiểm lụy. Hình ảnh chợ đời_cách nói của nhân gian_ sao đắc ý đến vậy!
Không khí tự nhiên thì đã biết, còn không khí xã hội thì ra sao? Nếu thiên nhiên với nhiễm ô mang tính vật chất thì ô nhiễm của xã hội là những độc tố tinh thần, điều đáng nói là chúng rất linh hoạt, giảo hoạt và lại là nguyên nhân của sự ô nhiễm vật chất.
Người với người, sự tương tác vô tư trong sáng cơ hồ như đã là cổ tích. Thay vào đó là sự chi phối của các yếu tố : ham muốn, lợi dụng, hận thù, tật đố, ngạo mạn, thờ ơ, tranh giành, thủ đoạn…thang giá trị biến đổi theo “biểu đồ con thoi” tùy vào vô số các quan điểm sống của các nhóm hay từng cá thể. Lạc vào để tồn tại trong bầu “ không khí nhân sinh ấy”, con người với sự cảm nhận và cả những đòn đau cọ xát dần bị cải hóa để thích nghi và để…sống (nói cách khác là để tồn tại(!) ).
Đâu rồi sự hồn nhiên anh nhi hạnh thuở ấu thời. Sự ô nhiễm tinh thần tất yếu gây ra hiện tượng thiếu lành mạnh của tâm thức: tâm bệnh. Thật đáng ngại và đáng thương, quả là long đong phận người! Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến Đấng Giác ngộ, Ngài vẫn mãi là bậc thầy thuốc vĩ đại nhất mọi thời đại: Vô Thượng Y Vương!
Thế rồi, con người vẫn đi và vẫn cô độc trên lộ trình hữu ngã vì còn ngã lấy đâu hòa hợp bao dung?
Và cứ thế con người vẫn đi trong bụi mù của bầu không khí đã nặng mùi cấu nhiễm dục vọng, ảo vọng và những cơn mưa lậu hoặc làm lấm ướt mảnh áo sơ trinh.
Và những cuộc dạo chơi chữ nghĩa bất quá cũng như những vòng xoay của chiếc đèn cù, tưởng rằng đã trực hành cảnh giới vô vi đâu hay chỉ là trò ảo thuật ngôn phong ngữ cú lộn vòng trong hạn hữu tử sinh và ảo ảnh đưa tâm người vào tấn trò mãn nguyện_ những giấc mơ êm đềm!
Như sự viễn hành vô định, tâm hồn mỗi người như mảnh đất hoang sơ, ngày lại ngày ai cấy vào đó những loài cây tư tưởng, để rồi kẻ làm vườn dày công tẩm tưới_ người thì cứ quán tính quy thuộc và rồi quên mình tự buổi hồng hoang. Sự ra đi như chẳng có ngày về chốn cũ, “mây mưa đánh đổ đá vàng” người đã tự hóa trang ngụy hình, thế rồi mặt mày cũng “dày gió dạn sương”, khi nhìn lại hóa ra mình đã là kẻ sắm tuồng mà không hay biết.
Chỗ trú xứ tôi ngẫu nhiên nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà của bà con khác đạo. Sự thể là cách nay hai mươi năm khi tôi về tậu mảnh đất nhỏ cắm dùi thì đây chỉ là khu đất vườn trồng tràm bông vàng chỉ dăm ba hộ con cái chủ vườn theo đạo nhang khói. Nhưng rồi cái gọi là đô thị hóa đưa người nhập cư về mua đất cất nhà và như một sự thật tất nhiên họ đa phần không phải là người theo tín ngưỡng quy hướng Đấng Giác ngộ như mình. Nguyên do là gần đó có một cơ sở tôn giáo, nơi họ có thể lui tới để thực hành những nghi thức tâm linh. Tính quần cư được quy định bởi đức tin thể hiện rất rõ và rất cụ thể!
Những đứa bé ngây thơ vừa chập chững nhìn sao quá đỗi đáng yêu, và cả những bé lên năm lên sáu tuổi cũng thường sang chỗ tôi chơi, nói cười ca hát. Thương các cháu, tôi thường mua bánh kẹo phân phát, hay đem cho chúng những trái cây đã cúng Phật, rồi lại vuốt ve âu yếm. Tôi cũng đọc được trong ánh mắt các cháu vẻ trìu mến và biết ơn, chúng quấn quýt và có những cử chỉ thân thiện, hay những lời thỏ thẻ ngây ngô chưa tròn vành rõ chữ.
Những tâm hồn quả thánh thiện làm sao! Nhưng rồi ngày lại ngày, các bé lớn lên, rồi vào các lớp giáo lý, rồi các buổi sinh hoạt theo tín ngưỡng,… dần dà tôi phát hiện các bé nhìn mình với ánh mắt khác, tuy quen mà có vẻ là lạ làm sao_ những ánh nhìn như cảnh giác, một chút gì như phân biệt và kém thân thiện.
Cho đến một ngày, vừa trở về sau một buổi dạy học tôi chợt nghe một tiếng gọi khẽ: “ thầy chùa!”, cái âm sắc vừa như trêu chọc vừa như có gì na ná như sự kỳ thị (hay miệt thị cũng được) vang lên lạnh lùng. Theo quán tính tôi quay lại: chẳng ai khác là bé P. Mà trước đây tôi vẫn thường quan tâm cho quà cho bánh.
Tôi chợt hiểu và bất giác mỉm cười chua chát. Thương các cháu quá, tâm hồn trắng trong nay đã là quá khứ, mảnh đất tâm phẳng phiu ngày nào đã bắt đầu mọc lên những cây lá, và rồi sẽ là một lộ trình với những sự định hướng,… Lại thương hơn vì trẻ con chỉ biết nói thực, nhìn thực, không kỹ xảo ngụy trang, không đãi bôi giao tiếp. Đó chẳng qua là một hình thức “tự miễn” đối với những gì không giống mình.
Người lớn hay trẻ con, rồi cũng đưa mình vào các cuộc hành trình tâm thức. Phật dạy khi chưa có tuệ nhãn (mắt tuệ) thì khó nhận diện được bản chất các pháp, nói một cách nôm na thông tục kiểu đời thường là bị mù (chưa có mắt tuệ), mà đã mù thì đưa chân vào mê lộ là điều khỏi bàn cãi. Càng xót xa hơn, không ít kẻ đang sa chân này lại cuồng nhiệt cố tâm lôi kéo bất cứ ai có thể để cùng đồng hành dấn bước với mình(!)
Nói đến khái niệm mù, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh con cò bị người ta đâm mù hai mắt trói cho đứng giữa đồng bên cạnh hàng hàng lớp lớp những cạm bẫy giăng mắc. Những đàn cò đang bay trên không chỉ cần nghe tiếng kêu của con cò mồi dưới mặt đất là lập tức nhào xuống, liền bị kẹp cứng bởi những cái bẫy đang chờ kia.
Con người có khác chi, có ai đếm được bao nhiêu là cạm bẫy tư tưởng đang chờ, những chiếc bẫy được ngụy trang bởi những mĩ từ hay ho, những hứa hẹn đầy hấp lực, mang tâm trạng yếm thế và bất an như không ít người làm sao đủ sáng suốt và bản lĩnh cưỡng lại được!
Phận người quả thật long đong!
Cách nay không lâu, nhiều Phật tử và nhóm Phật tử đã đến chỗ tôi nêu thắc mắc, qua nhiều cách trình bày nhưng đại loại như sau: Chúng con được biết hiện đang có những quan điểm của nhiều Chư Tôn đức khả kính khẳng định rằng Kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Địa Tạng, Di Đà,… không phải do Phật thuyết ra; rằng Phật Giáo Việt nam (phái Bắc tông) đang quá xa rời tính nguyên thủy của Đạo Phật.
Vậy chúng con phải tu làm sao, học làm sao đây thầy? Bởi con đang tu Tịnh độ, (con đang tu pháp môn Pháp Hoa, con đang tu theo Thiền tông, con đang trì Kinh Địa Tạng ngày chung thất mẫu thân con, con đang theo pháp môn trì Chú Đại bi, con đang, v.v…). Sao Trung ương Giáo Hội không triệu tập một hội đồng các bậc tôn túc uyên thâm Phật học để đồng ra một văn bản chính thức về vấn đề này để Phật tử toàn quốc chúng con có chỗ y cứ tu học hành trì, chứ mạnh ai náy phát biểu làm chúng con hoang mang và trở nên mất phương hướng, tội nghiệp chúng con!
Tôi vốn có duyên “gõ đầu trẻ” gần hai mươi năm ở các trường Phật học nghe cách đặt vấn đề này cũng đành “đớ lưỡi”, chợt thoáng nghĩ trong tiếng thở dài: “ Phật tử mình cũng phận long đong sao?”
Bình luận