Chú Giải Kinh Phạm Võng

Chú Giải Kinh Phạm Võng

Trương Văn Chiến 19

Bhikkhu Bodhi là một nhà sư quốc tịch Mỹ, sinh ở thành phố New York vào năm 1944. Sau khi nhận học vị Tiến sĩ Triết học từ Đại Học Claremont Graduate Schu. (California), Ngài đến Sri Lanka xuất gia sa di (1972) và năm sau thọ đại giới với vị đại sư danh tiếng BALANGODA ANANDA MAITREYA. Tại đây Ngài đã học Pāli và Phật pháp, sau đó đến Ấn Độ nghiên cứu thêm.

 MỤC LỤC

 

Lời Người dịch
Lời tựa

Kinh Văn Phạm Võng

Phần chú giải

Chủ thuyết Thường kiến
Chủ thuyết Thường kiến Phiến diện
Những lý thuyết về thế giới hữu biên và vô biên
Những lý thuyết về ngụy biện vô tận
Những lý thuyết về sự sinh khởi ngẫu nhiên

Những lý thuyết về tưởng bất tử
Những lý thuyết về vô tưởng bất tử
Những lý thuyết về phi tưởng phi phi tưởng bất tử
Chủ thuyết Đoạn kiến
Những lý thuyết về Niết-bàn hiện tại
Sự luân chuyển của các duyên và sự giải thoát
Do duyên xúc
Sự chấm dứt luân chuyển

Phần tóm lược kinh Phạm Võng
Tài liệu tham khảo

LỜI NGƯỜI DỊCH

Từ khi hội PĀLI TEXT LONDON ra đời, các bộ Nikāya và một số chú giải lần lượt được dịch sang tiếng Anh, nhưng chưa có bản dịch nào về chú giải kinh Phạm Võng. Do đó, tác phẩm của Ngài Bodhi là một đóng góp lớn lao cho nền văn học Phật giáo khắp thế giới. Kinh Phạm Võng là kinh đầu tiên trong Trường bộ kinh và qua toàn văn chúng ta cũng đủ hiểu giá trị của kinh này như thế nào. Như lời của Ngài Bodhi trong phần giới thiệu: “Phạm Võng đứng hàng đầu trong Dīghanikāya. Đây không phải là việc sắp xếp tình cờ, hoặc ngẫu nhiên của các trưởng lão khi kết tập kinh điển, nhưng hoàn toàn có chủ tâm. Việc phân loại của các trưởng lão phản ảnh tầm nhìn xa hiểu rộng về tính trọng yếu của kinh này qua tương quan với tất cả lời Phật dạy. Đứng ở lối vào của các Nikāya, thông điệp chính của Phạm Võng là cung cấp lời giới thiệu cho toàn thể mô hình Phật pháp.”

Khi đọc qua kinh văn, chúng ta vấp phải những thuật ngữ đương thời như: Ngã, Thế giới, Như lai, Niết-bàn v.v… Một bản chú giải sẽ trợ giúp đắc lực cho việc lãnh hội những ý nghĩa cô đọng trong kinh. Khi dịch xong tôi nhận thức rằng kinh Phạm Võng giải thích cặn kẽ về nguồn gốc của ngã chấp – một bản đồ đưa đến kho tàng vô ngã tướng kinh. Qua đó tôi có một niềm xác tín: căn nguyên của mọi tà chấp sinh khởi do trình độ nhận thức về vấn đề nhân sinh và vũ trụ, về sự ngộ nhận chân lý. Tất cả tà chấp cứ tái diễn vô cùng tận khi người ta tiếp tục xây dựng đời sống trên nền tảng ngã kiến. Nơi đây trong kinh Phạm Võng Đức Phật đã tung ra lưới chánh pháp trên đại dương của những tư tưởng tà kiến và xác chứng rằng Ngài chính là nhân vật đã ly thoát thế giới điên đảo đó.

Phần đặc sắc nhất của kinh Phạm Võng liên quan đến sáu mươi hai tà kiến nên tôi dịch rất cẩn thận; phần còn lại bàn về giới chỉ là lời giới thiệu và khá đơn giản, tôi xin lược bỏ để bản chú giải kịp thời đến tay chư độc giả. Nếu bản dịch này giúp một phần nhỏ phương tiện cho người học Phật thành tựu tri kiến về Không tính của các pháp thì đó là phần thưởng dành cho người dịch.

Tỳ-kheo GIÁC LỘC
Pháp Bảo Tự
28-03-2000 – PL. 2543

 

LỜI TỰA

Kinh Phạm Võng là một trong những kinh quan trọng nhất do Đức Phật thuyết. Đương nhiên kinh này được tôn kính độc nhất vô nhị vì đứng vị trí hàng đầu trong các Nikāya của tam tạng PĀLI. Sự trọng yếu của Kinh xuất phát từ đối tượng chính, phân tích về một hệ thống trong sáu mươi hai trường hợp, được thiết lập để bao gồm tất cả những quan điểm suy đoán trên hai mối quan tâm chủ chốt về tư tưởng suy đoán – bản chất của ngã và thế giới. Giải thích về những quan điểm này là một bước thiết yếu trong toàn thể cấu trúc của Phật Pháp, là sự đo lường tiên khởi vốn cần thiết để làm sáng tỏ lập trường thành lập chánh kiến – yếu tố đầu tiên trong Bát Thánh Đạo, con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ, mục đích của toàn bộ giáo pháp. Kinh này đã dệt nên tấm lưới về các quan điểm, cung cấp một dụng cụ thích hợp để khẳng định bất cứ xu hướng triết học này và quyết định xem nó có như nhất với chánh pháp không. Vì bất cứ vấn đề nào thỏa hiệp với những lập trường được đưa ra trong kinh này có thể được nhận ngay là một quan điểm sai lầm, đi lệch con đường đưa đến giải thoát.

Vì lý do này, mô hình của kinh Phạm Võng đã được sở hữu bởi toàn thể di sản Phật giáo sau như phương tiện chính xác giúp cho việc phân chia ranh giới giữa điểm bắt đầu của Phật giáo và những quan điểm của những hệ thống tín ngưỡng khác. Sáu mươi hai quan điểm đã được đề cập trong kinh tạng, trở thành một phạm trù tiêu chuẩn của các chú giải và tiếp tục mãi qua những tác phẩm triết học thuộc nhiều giai đoạn tư tưởng Phật giáo sau đó như một phương tiện thích hợp cho việc phân loại nhiều dạng ngoại giáo.

Ý thức về sự quan trọng cốt lõi của kinh Phạm Võng, một nền văn học chú giải đồ sộ đã được dựng lên xung quanh nó, bao gồm một chú giải dài, một chú giải phụ và một chú giải hiệu đính. Chú giải kinh này bao gồm trong Sumangalavilāsinī hoặc Atthakathā cho Dīghanikāya. Nó được sáng tác bởi nhà đại chú giải Ấn Bhadantācariya Buddhaghosa (đầu thế kỷ thứ năm sau công nguyên), trên cơ sở của những chú giải cổ không còn nữa, Ngài đã duyệt lại và phối hợp thành một văn bản thống nhất mà đã truyền đến chúng ta ngày nay. Chú giải này được cung ứng với một chú giải phụ hoặc Tìkà bở Ācariya Dhammapāla ở Badaratittha (Nam Ấn) vào khoảng thế kỷ thứ sáu: tác phẩm của Ngài Dhammapāla gồm có hai mục đích: Giải thích những từ khó và những điểm rắc rối nằm trong chú giải. Thứ hai là xem xét đầy đủ những vị trí được đưa ra trong kinh, quan sát cơ sở suy luận, những tương quan, những nghi vấn có thể xảy ra v.v… Thật ra phần thú vị và giá trị nhất của Tīkā là những khảo sát của nó thường được trình bày dưới dạng một câu hỏi hoặc sự đối kháng được theo bởi một phần giải đáp dài hoặc sự biện minh. Nhưng Tīkā đầu thì thường khá ngắn gọn trong cách diễn đạt, hoặc quá phức tạp trong những chuỗi biện luận của nó, khiến cho nghĩa chính xác của đoạn văn đôi khi khó nhận ra. Để sửa chữa khuyết điểm này, một chú giải mới (abhinavatīkā) cho phần đầu của Dīghanikāya được sáng tác vào cuối thế kỷ 18 bởi Hòa thượng người Miến Nānābhivamsa. Tác phẩm hiệu đính này có tên là Sādhuvilāsinī, phần lớn sao chép nội dung của chú giải phụ tiêu chuẩn nhưng mở rộng và gọt giũa nó cho văn phong sáng sửa nhiều hơn, thêm những điểm dẫn giải nơi nào cần thiết.

Văn phong Pāli trong các Tīkā khó và phức tạp, lời văn đầy những giải thích chằng chịt, những biện luận và nghĩa bóng. Vì tác phẩm hiện tại so với kiến thức của chúng tôi là nỗ lực đầu tiên về một bản dịch có qui mô bao quát từ các Tīkā, chúng tôi e rằng vài khuyết điểm có thể phạm phải. Vì phép hành văn chúng tôi phải uyển chuyển khi hoàn thành những cụm từ và trích dẫn trong nguyên bản, sắp xếp lại những cấu trúc rườm rà, những chuyển đạon luận lý trong các suy luận từ chú giải phụ. Chúng tôi hy vọng các thế hệ học giả Pāli trong tương lai sẽ tiếp tục khảo sát các Tīkā và phô diễn thêm khía cạnh tế nhị về phương diện triết học và tâm lý học của văn học Pāli sang Anh văn.

Tựa của tác phẩm toàn tập “The Discourse on The All-Embracing Net of Views” (Kinh về lưới bủa khắp các quan điểm) là phóng dịch từ vài tựa khác được nêu ra ở phần kết đề của Kinh Phạm Võng.