VII. PHẨM QUÁN CHÚNG SINH
Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng: Bồ Tát quán sát chúng sinh phải thế nào?
Chúng sinh là tất cả muôn loài có sự sống, hữu tình và vô tình, bao gồm cả động vật, thực vật, khoáng chất, đã chịu nhiều phen luân hồi sinh tử trong ba cõi sáu đường. Phẩm này thuyết minh về chúng sinh tướng chỉ rõ Bản Lai Diện Mục của chúng sinh ngõ hầu đi tới chỗ phá chấp chúng sinh tướng.
Chúng ta thường thấy có ta, có người, có chúng sinh, có đời sống kéo dài một khoảng thời gian tương đối dài hay ngắn, nhưng ông Duy Ma Cật lại nói chúng sinh không thật có, chỉ là giả tạm mà thôi, ví như người huyễn do ảo thuật biến hóa ra, như trăng đáy nước, như mặt trong gương… Tất cả những thí dụ do ông Duy Ma Cậl nói ra đều diễn tả những vật không có thật. Ngài Văn Thù liền hỏi: Nếu chúng sinh không có thật thì tại sao lại phải thực hành bốn Tâm Vô Lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả)? Ông Duy Ma Cật giải thích: Tuy biết chúng sinh không thật có, không bền chắc, nhưng các Bồ Tát vẫn thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, dĩ huyễn độ chân, dùng pháp huyễn, độ người huyễn, đắc quả huyễn. Ðứng về Bản Tánh thì tất cả là huyễn, nhưng đứng về tướng trạng thì vẫn có ta, có người, có phương pháp tu hành, có quả vị để chứng, cho nên các Bồ Tát vẫn lặn lội ở đời để cứu độ chúng sinh. Các Bồ Tát quán chúng sinh như thế, không phải thật, không phải giả.
Chúng sinh khác nhau do chịu nghiệp báo gây tạo nặng nhẹ chẳng đồng, nhân lành quả ngọt, nhân xấu quả đắng; Bồ Tát quán sát chúng sinh chỉ là giả có, huyễn hóa, trước có sau không. Lúc sự việc đương hiện tiền thì là tạm có, vì mắt thấy tai nghe được, khi sự việc đã qua thì coi là huyễn hóa, qua rồi thì bỏ, đừng nhắc tới hoặc đem theo làm gì. Khi nhớ lại, thấy hình bóng trong tâm thì phải quán mọi sự mọi vật như huyễn, biết là huyễn thì lìa. Nếu chưa lìa được thương ghét thì việc quán sát chưa thuần thục, cần gắng sức tu thêm, niệm Phật, trì chú, tụng kinh để diệt trừ túc nghiệp, phá hết phiền não.
Khi quán chúng sinh như huyễn rồi, Bồ Tát tâm được tự tại an vui; muốn cho chúng sinh cũng được an vui như mình, Bồ Tát liền dạy chúng sinh quán tất cả như huyễn, đó là do lòng từ chân thật, mong cho chúng sinh được như Bồ Tát, tuy nhiều mà một. Bồ Tát có gì, chúng sinh có nấy, cho đến khi được sự an vui của Phật, rốt ráo tự tại, đó là lòng Từ của Bồ Tát. Lòng Bi là Bồ Tát làm được công đức gì thì chia với chúng sinh cùng hưởng khiến chúng sinh hết khổ hoặc bớt khổ. Lòng Hỷ thì tâm được vui khi thấy chúng sinh vui, cùng nhau hoan hỷ, khi việc làm hợp với Chân Lý, không hại người khác, mình và người cùng vui, thân và tâm đều vui vẻ, sự vui này không xây dựng trên cái khổ của người khác. Lòng Xả là buông bỏ mọi tâm niệm cầu phước báo, hoặc tham sân si. Làm việc lành không mong cầu được đền ơn, quên hết các việc đã làm giúp đỡ người khác; cả đến những việc ác lỡ làm cũng cần quên đi, sau khi thành tâm sám hối, vì nếu cứ bị ám ảnh nhớ đến hoài những việc xấu, lòng buồn rầu khổ sở cắn rứt thì tâm cũng khó thanh thản mà tu hành. Nếu sau khi giúp ai một việc gì mà mình không xả, không quên, còn mong người ta trả ơn, thì thường bị thất vọng, vì chúng sinh phần đông bội bạc, ơn thì quên chóng, oán thì nhớ lâu. Nếu cứ nhớ là đã làm việc lành rồi thì cho là đủ, không chịu tiếp tục làm thêm nữa.
Sau khi làm các việc ở đời, thấy lo cảnh sinh tử là đáng sợ, Bồ Tát phải y nơi công đức của Như Lai, trụ vào việc cứu độ chúng sinh; muốn độ chúng sinh, trước hết mình phải có đủ oai lực để trừ phiền não, có chánh niệm biết thân vô ngã vô thường nhiều tham dục, hư vọng điên đảo, tuy nói trụ nhưng thật là không trụ, mới lập được tất cả pháp. Ðoạn này giống Kinh Kim Cang: an trụ, mà không an trụ, mới là an trụ.
Y nơi sức công đức của Như Lai, hiểu theo Sự thì có nghĩa là nương tựa vào Ðức Phật, y theo lời dạy của Ngài mà tu hành thành Phật để hóa độ chúng sinh; hiểu theo Lý thì có nghĩa là nương vào Chân Tâm, y theo Phật Tánh mà làm các việc lành lợi ích chúng sinh. Ðiều quan trọng là phải giữ Chánh Niệm, luôn luôn tỉnh giác, nhớ nghĩ chân chánh, không cho tạp niệm vọng tưởng nổi lên. Có chánh niệm thì biết các pháp không sinh không diệt, thân là gốc của tội lỗi, tâm vô trụ thì mọi pháp đều thành tựu tốt đẹp. Tâm vô trụ đây là trở về với Bản Tâm thanh tịnh. Lúc mê mờ thì quên hết Bản Tâm, hư vọng điên đảo hiện ra chi phối mọi hành vi. Hết mê, tỉnh giác thì Bản Tâm thanh tịnh lại hiện liền, ví như hết mây che thì mặt trăng lại chiếu sáng.
Ðứng về tướng thì có chúng sinh để an trụ cứu độ, nhưng không vì vậy mà Bồ Tát đắm trước trong việc an trụ cứu độ, vì biết chúng sinh là giả huyễn, việc an trụ cứu độ cũng giả huyễn. Ðứng về Tánh thì không còn chấp việc an trụ cứu độ, tất cả chúng sinh đều có Tánh Phật, sáng suốt như một, vốn vẫn an trụ, không cần cứu độ. Từ chỗ không an trụ, không gốc này mà lập tất cả Pháp, do đó chúng sinh là Không, các pháp cũng là Không, Tánh Không mà giả có. Chân Không Diệu Hữu là như vậy.
Bấy giờ trơng nhà ông Duy Ma Cật có một Thiên Nữ tung rải hoa trời trên mình các vị Bồ Tát và đệ tử lớn của Phật, khi hoa đến mình các Bồ Tát thì liền rơi xuống, còn khi đến mình các vị đệ lử lớn thì đều mắc lại, các vị này dùng hết thần lực phủi mà hoa không rớt.
Trong kinh thường nói đến việc các vị Trời và Thiên Nữ tung hoa để cúng dường tán thán Phật. Hoa có nhiều mầu sắc rực rỡ, có mùi hương thơm ngát thanh tịnh, thường được dùng để trang hoàng đạo tràng, hoặc dâng lên hiến cúng diễn tả lòng biết ơn hoan hỷ. Ở đây, hoa tượng trưng cho Chánh Pháp của Phật. Thiên Nữ tung rải hoa là ý kinh muốn nói lên sự vui mừng của các vị Trời sau khi được nghe Diệu Pháp liền tuyên lại cho người khác nghe.
Các đệ tử lớn thuộc hàng Thanh Văn, chưa phát tâm Bồ Tát, hãy còn phân biệt pháp chấp, thấy có pháp tu, có quả vị chứng, chưa đoạn các tập khí kiết sử ràng buộc, chưa xả được lòng mong cầu chứng đắc, nên hoa dính mắc lại trên áo. Còn các Bồ Tát đã đoạn hết tư tưởng phân biệt, diệt trừ ngã chấp và pháp chấp, đoạn hết các tập khí kiết sử, thực hành tâm Xả tới chỗ rốt ráo nên hoa không dính mắc. Người tu hạnh Bồ Tát sau khi làm được việc gì tốt thì quên ngay đi để tiếp tục làm việc lành khác, vả lại biết tất cả đều là Không, là Một, có liên quan với nhau, nên xả bỏ được hết các quan niệm ích kỷ hẹp hòi. Còn những người tu theo hạnh Thanh Văn thì vẫn thấy có ngã có pháp, có chúng sinh, có việc làm tốt, vì còn nhớ nghĩ đắm nhiễm như vậy nên không xả được, tâm dính mắc nhiều thứ ví như hoa dính mắc trên áo, không sao phủi rớt được.
Ngài Xá Lợi Phất thuộc hàng Thanh Văn nên còn tâm phân biệt hoa này không như pháp, thấy có đẹp xấu, khen chê, ưa ghét… tâm không định nên có lúc hồi hộp lo sợ, khiến loài phi nhân, ma quỷ thừa cơ làm hại. Ví như nhà không đóng kín cửa, gió mưa vào lọt. Loài phi nhân, ma quỷ tượng trưng cho sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vốn chúng không có phân biệt, chỉ vì tâm ta phân biệt tốt xấu, thương ghét… nên mới gây phiền não. Khi tu đến chỗ tâm vô phân biệt mới là vô trụ, được tâm thanh tịnh. Không phân biệt thì không dính mắc lời khen tiếng chê, màu sắc đẹp xấu, mùi vị ngon dở… tâm được tự tại. Nếu còn phân biệt, thích nghe lời khen, nhìn mầu đẹp, nếm vị ngọt… thì còn chấp trước, sinh lòng thương ghét, yêu người này, ghét người kia, thích ăn món này, chê món nọ… đó là Thức phân biệt. Bồ Tát dùng Trí, tuy có phân biệt nhưng không sinh lòng thương ghét, đối cảnh thuận hay nghịch tâm bình thản, an nhiên không động.
Hàng Thanh Văn còn chấp cảnh, còn lòng thương ghét, còn sợ sinh tử, ưa Niết Bàn… tâm còn trụ nên còn mắc. Bồ Tát tâm vô trụ nên đi vào vũ trường, quán rượu, ổ điếm mà không sợ, vì tâm không tham đắm dục lạc. Hàng Thanh Văn không dám vào, đi qua phải nhắm mắt lại, tránh xa là hơn, vì chưa đủ tâm dõng mănh, chưa hàng phục và an trụ được tâm.
Ðối với hàng Thanh Văn thì giải thoát không có ngôn thuyết nên Ngài Xá Lợi Phất nín lặng. Trái lại, Thiên Nữ cho rằng ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát, vì không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, vả lại tất cả pháp đều là tướng giải thoát. Lời nói của Thiên Nữ có vẽ mâu thuẫn với giáo lý Tiểu Thừa mà Ngài Xá Lợi Phất thường học nên Ngài hỏi lại: Không cần lìa dâm nộ si mà được giải thoát ư?
Thông thường, người tu hành rất cần đoạn dâm nộ si (hoặc tham sân si) nhưng đó chỉ là bước đầu. Khi tu hành đã vững rồi thì chẳng cần lìa chúng nữa, vì chúng không còn làm hại được, xúi giục gây tội lỗi nữa. Các Bồ Tát ra vào các phòng dâm tửu điếm mà không e sợ vì tâm các ngài đã vững quá rồi, không thể nào còn bị sa ngã được. Các Ngài cần vào các nơi trụy lạc tội lỗi để cứu giúp, những ai đang chìm đắm trong đó, vì vậy đối với các Bồ Tát thì Phật nói tánh của dâm nộ si là giải thoát.
Kẻ tăng thượng mạn là những người kiêu căng phách lối, chưa chứng nói đã chứng, chứng ít nói chứng nhiều. Nếu họ vào những nơi trụy lạc thì sẽ bị chìm đắm nên Phật khuyên bọn họ nên lìa dâm nộ si. Còn những người đã chứng đắc thật thì Phật nói tánh của dâm nộ si là giải thoát: Lời của Phật không hề mâu thuẫn.
Ðược Ngài Xá Lợi Phất tán thán, Thiên Nữ không nhận đã chứng đắc, vì nếu nhận có chứng đắc là kẻ tăng thượng mạn, còn chấp ngã chấp pháp. Cô Thiên Nữ này không thấy có pháp để tu có quả vị để chứng, vì chính cô cũng không thật có. Tùy ý mong cầu, tùy tâm niệm của chúng sinh mà cô hiện thân Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật nói pháp Tiểu Thừa, thật ra cô chỉ dùng Ðại Thừa để dạy bảo chúng sinh quy về Nhất Thừa Phật Ðạo. Cô làm theo hạnh Ðại Bi của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát hóa hiện nhiều thân hình để hóa độ chúng sinh, không nhất thiết chấp chặt vào một thân hình nào, một pháp nào, đây cũng là phá ngã phá pháp chấp, dùng mọi phương tiện, mọi thân hình, mọi pháp môn để hướng về một mục đích duy nhất: đó là Phật Ðạo. Kinh Pháp Hoa nói: Vì phương tiện mà chia làm ba thừa, thật ra chỉ có một Phật Thừa mà thôi. Vì lẽ đó, Cô Thiên Nữ ở tại nhà ông Duy Ma Cật đã mười hai năm mà chưa từng nghe nói Pháp Thanh Văn hay Bích Chi Phật, chỉ nghe pháp đại từ đại bi của Bồ Tát và pháp bất khả tư nghị của Phật. Nhà này thường hiện ra tám pháp Chưa Từng Có, Khó Ðược:
1) Ánh sáng sắc vàng chiếu soi ngày đêm không khác: đây không phải là ánh sáng mặt trời mặt trăng, vì mặt trời chỉ chiếu ban ngày, mặt trăng chỉ chiếu ban đêm, đây là ánh sáng của Trí Huệ lúc nào cũng chiếu soi phá tan hắc ám vô minh tội lỗi.
2) Duy Ma Cật có nghĩa là Tịnh Danh hay Tịnh Tâm, tâm thanh tịnh sáng suốt. Vào nhà ông có nghĩa là vào nơi thanh tịnh, giữ tâm thanh tịnh thì không bị nhiễm ô, không còn tham sân si.
3) Các vị Trời chuyên tu phước, các Bồ Tát tu huệ lợi tha, chư vị đến nhóm họp không ngớt nghĩa là phước huệ song tu, làm hoài không ngừng nghỉ.
4) Thực hành sáu pháp Ba La Mật và pháp bất thối chuyển của hàng Bồ Tát vì người quên mình, gặp cảnh nghịch không thối tâm lui bước.
5) Mọi âm thanh đều là pháp, pháp âm bất tuyệt, là tiếng nói của cõi lòng sâu kín nhiệm mầu, của Tâm thanh tịnh, có diệu dụng khiến người nghe tin hiểu vâng làm.
6) Bốn kho tàng chứa đầy của báu tượng trưng cho bốn Tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả, bốn pháp môn tu của hàng Bồ Tát có mục đích ban vui cứu khổ, giúp chúng sinh qua sông mê bể khổ, tới bờ bên kia.
7) Tâm thanh tịnh nên cảm ứng với chư Phật mười phương, nghe được Chánh Pháp của chư Phật. Cũng có nghĩa là chư Phật lúc nào cũng hiện tiền, tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh. Khi tâm nghĩ lành, làm lành thì Phật Tánh hiện, nhưng khi nghĩ ác, làm ác thì Phật Tánh ẩn, ví như chư Phật trở về bổn độ.
8) Cung điện của các vị Trời là phước báo, cõi Tịnh Ðộ của chư Phật là công đức, cả hai đều hiện trong nhà, nghĩa là Tâm thanh tịnh chứa đầy phước báo và công đức, đủ cả hai phương diện thế gian và xuất thế gian.
Ngài Xá Lợi Phất hỏi sao Thiên Nữ không chuyển thân nữ thành nam? Theo quan niệm cổ xưa, người nữ nặng nghiệp hơn người nam, địa vị trong xã hội và cả trong Giáo Hội Phật Giáo cũng thua kém, các vị Ni phải tuân theo tám điều luật cung kính đối với chư Tăng (Bát Kỉnh Pháp), trước khi thành đạo giác ngộ phải chuyển thành thân nam đã… Nói vậy không phải khinh chê, phân biệt nữ thua kém nam, mà nên hiểu nữ tượng trưng cho sự mềm yếu ủy mị, thiếu cương quyết, còn nam tượng trưng cho sự dõng mãnh cương cường quyết tâm bền chí. Chuyển nữ thành nam có nghĩa là người tu hành cần phát thệ nguyện lớn, dõng mãnh tinh tấn tu hành, ròng rặc mà tiến, gặp khó không lui, giữ tâm như sắt đá không gì lay chuyển được. Nữ thân hoặc nam thân không quan trọng, vì thân là giả huyễn, chỉ có trí huệ là hơn hết. Ðoạn này phá cái bệnh chấp tướng nam nữ, nam hơn nữ kém của xã hội thời đó, và chủ trương Cần chuyển Tâm hơn Chuyển Thân. Ngài Xá Lợi Phất còn thấy có tướng nam nữ, còn quan niệm hẹp hòi nên thân chuyển thành đàn bà. Cô Thiên Nữ tâm niệm rộng rãi nên biến thành đàn ông. Xong rồi nhiếp thần lực, hai người trở lại nam nữ như trước, vì Cô đã dạy cho Ngài Xá Lợi Phất một bài học về bệnh chấp tướng nam nữ rồi.
Thiên nữ hóa mình giống như Ngài Xá Lợi Phất và biến Ngài Xá Lợi Phất thành cô Thiên Nữ, mà Ngài Xá Lợi Phất không sao chuyển lại được, vì sao? Ngài Xá Lợi Phất tu hạnh Thanh Văn còn chấp tướng, chưa thoát ra ngoài vòng hình danh sắc tướng, còn kẹt trong vòng phân biệt nên chưa tự tại biến hóa; còn Thiên Nữ tu hạnh Bồ Tát không còn chấp trước gì nên có sức thần thông tự tại biến hiện mọi thân hình. Cô muốn chứng minh rằng thân nam hay nữ đều là biến hiện, không phải nam không phải nữ, tất cả đều là giả huyễn mà thôi.
Trong đoạn kinh này, Ngài Xá Lợi Phất đóng vai trò chịu thua Thiên Nữ, dùng phương tiện dạy chúng sinh rằng hàng Thanh Văn còn thấy có nam nữ, sinh tử, chấp thân có thật, tu hành chứng Niết Bàn, hết sinh tử. Làm sao bằng trí huệ của Thiên Nữ tu hạnh Bồ Tát không còn chấp mọi hình tướng, thân là giả huyễn, sinh tử là giả huyễn. Niết Bàn là giả huyễn, không chứng không đắc. Các pháp không ở đâu mà ở tất cả, Bồ Ðề không xứ sở nên không có được. Bồ Đề không có quá khứ, vị lai và hiện tại đó là phá chấp không gian và thời gian, đây là đứng trên phương diện tuyệt đối bình đẳng mà nói. Nhờ Thiên Nữ khai ngộ mà Ngài Xá Lợi Phất hiểu được lý Ðại Thừa vô phân biệt, vô xứ sở, siêu thời gian nên Ngài nói tướng đàn bà không ở đâu mà ở tất cả, Ngài không đắc quả A La Hán mà chính là đắc.
Thiên Nữ giúp Ngài Xá Lợl Phất phá chấp có sinh có tử, vì theo tướng trạng thì có sinh ra, có già có chết, nhưng đứng về bản thể thì không sinh diệt, chỉ tùy duyên biến hiện. Ví như nước với sóng, có gió thổi thì là sóng, hết gió là nước. Thiên Nữ cũng phá chấp có tu có chứng quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, vì có gì là được đâu (vô sở đắc); đứng về tướng thì có chúng sinh tu các pháp môn rồi chứng quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đứng về Thể Tánh thì tất cả là Một, là Không, là Chân Như, là Bồ Ðề, người tu hành giác ngộ trở về cái tánh sẵn có của mình. Chúng sinh vốn sáng suốt, vốn giải thoát, vì vô minh sinh khởi, một niệm bất giác nổi lên, tự cho là mê muội, mang dây tự trói, cảm thấy sinh tử trầm luân, khi giác ngộ thấy mình trở về quê cũ, ung dung tự tại. Ðức Thích Ca khi thành đạo dưới cội Bồ Ðề, Ngài nói: “Lạ thay! Lạ thay! Các chúng sinh vốn đầy đủ đức tướng của Như Lai.”
Thiên Nữ phá chấp thời gian, thường được chia làm ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại, vị lai là để dễ phân biệt, tạm nói mà thôi, chứ Bồ Ðề (giác ngộ, sáng suốt) không có ba thời, mê là chúng sinh, giác là Phật. Khi mê thì thấy có Phật, Bồ Tát sáng suốt, có chúng sinh mê mờ, có không gian vô tận (nhiều cõi, nhiều cảnh giới khổ hoặc vui), có thời gian vô cùng (quá khứ, hiện tại, vị lai), nhưng khi giác ngộ thì thấy tất cả chúng sinh đều là Phật (đã thành hoặc sẽ thành), không gian và thời gian đều nằm trong một điểm gọi là Ðương Xứ, tất cả là Một, Nhất Thiết Tức Nhất, Sự Sự Vô Ngại của Kinh Hoa Nghiêm.
Không đặng mà đặng: tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, nay giác ngộ thấy mình trở về ngôi vị cũ, có gì là mới đặng đâu.
Ông Duy Ma Cật bảo Ngài Xá Lợi Phất rằng: Thiên Nữ đây chính là Bồ Tát thị hiện theo bổn nguyện để giáo hóa chúng sinh, chứ thật ra đã có thần thông du hý, chứng vô sinh nhẫn, tùy ý ứng hiện thân nữ mà thôi.
Thâm ý của đoạn kinh này nhấn mạnh tất cả mọi chúng sinh, dù nghiệp nặng (mang thân nữ), dù chỉ ham tu phước (các vị Trời) đều có thể phát tâm tu hạnh Bồ Tát được.