B. THINH VĂN GIỚI DỮ BỒ TÁT GIỚI DỊ ĐỒNG
(Điểm Dị Đồng Của Giới Thanh Văn và Bồ Tát)
Hành giả tu học Phật pháp, căn cứ theo kinh từ trước đến nay, phân làm 2 loại: Hàng Thanh Văn thì phát tâm chán lìa và hàng Bồ Tát thì phát tâm Bồ Đề. Bất luận chỗ phát tâm của hành giả thuộc Đại Thừa hay Tiểu Thừa (Thanh Văn thuộc Tiểu Thừa, Bồ Tát thuộc Đại Thừa) khác nhau như thế nào, nhưng cả hai vẫn đồng có giới hạnh riêng để tự tu trì.
Sự sai biệt của hai hạng hành giả nói trên như thế nào?
Đây là một vấn đề chúng ta cần phải thấu triệt. Quan niệm thông thường cho Biệt Giải Thoát Giới của thất chúng Phật tử thuộc về giới hạnh tu trì của hàng Thanh Văn; Tam Tụ Tịnh Giới là giới hạnh tu trì của hàng Bồ Tát. Đứng về mặt đại thể, đây là biểu thị sự sai biệt giữa hai giới Thanh Văn và Bồ Tát. Nhưng nói một cách quả quyết, nghiêm cẩn và tường tận hơn, thì điểm dị đồng giữa hai giới Thanh Văn và Bồ Tát lại phải căn cứ vào nhiều phương tiện để luận đàm. Các phương diện đó bao gồm tám chủng loại sau đây:
1. Thông Giới Dữ Biệt Giới (Thông Giới & Biệt Giới)
* Thanh Văn giới thuộc về Biệt Giới: những giới mà thất chúng Phật tử từng hạng bẩm thọ riêng, như:
– Ngũ Giới là Giới của các Phật tử tại gia bẩm thọ.
– Thập Giới là Giới của Phật tử xuất gia sa-di, sa-di-ni.
– Sáu học pháp là Giới của Thức-xoa-ma-na.
– Cụ Túc Giới là Giới của tỳ kheo, tỳ-kheo-ni.
Đệ tử Phật sở dĩ được phân làm thất chúng là do nơi sự bẩm thọ giới pháp bất đồng phát sinh ra. Chiếu theo chỗ thọ giới pháp khác nhau của thất chúng Phật tử mà phân biệt, thì chẳng những có từng lớp cạn sâu trong từng giới, mà còn phân ra những giới dành cho nam, nữ Phật tử riêng thọ. Điều này do bởi chính Đức Phật chế ra khi còn tại thế, chế lập đầu tiên. Ngài vì muốn thích ứng với hoàn cảnh xã hội cũng như tâm cơ sanh chúng đương thời, nên chế giới ngăn cấm Phật tử không được hành động như thế này hay thế khác.
* Bồ Tát Giới thuộc về Thông Giới: Bất cứ Phật tử nào có tín tâm đối với Phật đều có thể thọ. Chỉ đặc biệt là phải có một điều kiện duy nhất: phải phát tâm Bồ Đề, bất luận tại gia hay xuất gia; già, trẻ, lớn, nhỏ, nam, nữ v. v… Đó là điểm cốt yếu cho những ai muốn bẩm thọ Bồ Tát Giới.
– Như người nào trước kia thọ Ngũ Giới, về sau phát tâm Bồ Đề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Ưu Bà Tắc hoặc Bồ Tát Ưu Bà Di.
– Như người trước kia thọ Thập Giới, về sau phát tâm Bồ Đề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Sa Di hoặc Bồ Tát Sa Di Ni.
– Như người trước kia thọ Cụ Túc Giới, về sau phát tâm Bồ Đề thọ Bồ Tát Giới, thì gọi là Bồ Tát Tỳ Kheo hoặc Bồ Tát Tỳ Kheo Ni.
Căn cứ vào việc mọi hành giả theo Phật pháp, khi đã phát tâm Bồ Đề, đều có thể thọ Bồ Tát Giới, nên gọi là Thông Giới.
2. Nhiếp Luật Nghi Giới Dữ Tam Tụ Tịnh Giới
(Nhiếp Luật Nghi Giới và Tam Tụ Tịnh Giới)
* Thanh Văn Giới mà thất chúng Phật tử riêng thọ, thông thường gọi là Nhiếp Luật Nghi Giới.
– Công dụng duy nhất của giới này cốt ở sự “phòng phi chỉ ác” (phòng ngừa tất cả những việc sai quấy mà ngăn dứt tất cả tội ác), cho nên đều dạy chúng ta những sự việc nào không nên làm. Hành giả nếu đúng như pháp tuân giữ, sẽ riêng được giải thoát. Cho nên Nhiếp Luật Nghi Giới còn được gọi là Biệt Giải Thoát Giới.
* Ngoài Nhiếp Luật Nghi Giới, hành giả Thanh Văn còn có Định Cộng Giới và Đạo Cộng Giới (còn gọi là Tịnh Lự Luật Nghi và Vô Lậu Luật Nghi).
– Biệt Giải Thoát Giới chứng đắc từ nơi sự bẩm thọ, trong khi Định Cộng Giới và Đạo Cộng Giới không phải do nơi bẩm thọ mà chứng đắc. Đây là sự khác biệt của ba loại giới nói trên.
– Biệt Giải Thoát Giới thuộc về thi-la của cõi Dục Giới.
– Định Cộng Giới thuộc về thi-la của cõi Sắc và Vô Sắc Giới.
Dù có sự sai biệt như vậy, nhưng đồng thuộc về nghiệp hữu lậu trong tam giới. Đạo Cộng Giới thuộc về thi-la vô lậu, không thuộc về nghiệp trong tam giới. Định Cộng Giới và Đạo Cộng Giới dù có những đặc điểm riêng, nhưng cùng đồng tôn chỉ khuyên răn xa lìa tội ác. Cả hai giới này đều gọi là “tùy tâm chuyển giới” (giới tùy theo tâm mà chuyển biến).
Khi tâm của hành giả ở trong trạng thái Định, tương ứng với cảnh Định, hoặc lúc tâm tương ứng với Vô Lậu Thánh Đạo; khi ấy, hai nghiệp thân, ngữ của hành giả tùy thuận theo sự tương ứng đó mà phát sanh tác dụng “phòng phi chỉ ác” một cách tự nhiên.
Tác dụng này là do khi hành giả ở trong Định và Vô Lậu Đạo mà phát sanh. Dù có công hiệu như vậy, nhưng phỏng sử một khi xuất định, hoặc giả khi tâm duyên theo cảnh khác thì tác dụng “phòng phi chỉ ác” cũng tùy theo đó mà mất đi lập tức.
Cho nên Định Cộng Giới, Đạo Cộng Giới và cả Biệt Giải Thoát Giới (luật nghi do bẩm thọ mà chứng đắc) bị chuyển biến suốt đời. Đây lại có thêm một điểm tương đồng giữa ba giới.
Ngoài Nhiếp Luật Nghi Giới, Đại Thừa Bồ Tát Giới lại còn có Nhiếp Thiện Pháp Giới và Nhiêu Ích Hữu Tình Giới.
– Nhiếp Thiện Pháp Giới: hành giả thọ giới Bồ Tát không phải chỉ không được làm tất cả những điều ác là đủ; vì như vậy mới chỉ thể hiện ở mặt tiêu cực. Hành giả còn phải cố gắng tu tập các thiện pháp. Đây mới chính là thể hiện mặt tích cực.
Ấn Thuận Đại Sư có dạy: “Người học Bồ Tát đạo để mong cầu thành Phật quả, không phải có một việc là xa lìa và không làm các pháp nhiễm ô, rồi cho là xong chuyện. Nói thí dụ như một khu vườn chẳng những cần phải dọn dẹp, nhổ và phát cỏ cho sạch sẽ; lại còn cần trồng những thực vật hữu dụng. Cho nên Bồ Tát cần phải học rộng tất cả những Phật pháp, viên thành tất cả công đức, thì mới có thể thực hiện được sự tích cực phi thường”.
Dù hành giả Thanh Văn bẩm thọ Luật Nghi Giới, không phải là hoàn toàn không cần tu tập tất cả thiện pháp, nhưng vẫn không giống với sự rộng học tất cả Phật pháp của hành giả Bồ Tát.
– Nhiêu Ích Hữu Tình Giới: biểu thị sự việc hành giả Bồ Tát lấy việc hóa độ chúng sanh làm chủ đích. Vì Bồ Tát phát tâm hóa độ chúng sanh, nếu không thực hành việc độ sanh thì đâu thể gọi là Bồ Tát?
Bồ Tát đã lấy việc nhiếp hóa chúng sanh làm căn bản, lẽ đương nhiên chính bản thân mình phải làm mô phạm cho chúng sanh. Nếu như bản thân Bồ Tát không tu giới hạnh, thử hỏi thì làm sao được sự tín nhiệm của chúng sanh?
Cho nên nếu lấy sự hóa độ chúng sanh làm hạnh nguyện thì cần nghiêm giữ giới pháp không được vi phạm.
Có người cho giới Thanh Văn là quá nghiêm cẩn, mỗi chút mỗi vi phạm. Vì thế rất khó giữ gìn cho trọn vẹn, nhưng giới Bồ Tát trái lại rất khoan dung; vả lại, đại sĩ không câu chấp tiểu tiết. Bấy giờ mọi người đua nhau nguyện tu học Đại Thừa Bồ Tát, đều tự cho mình là hành giả đã an trụ trong Bồ Tát hạnh. Khi làm những điều bất hợp pháp, bị người khác chỉ trích là luật nghi không hoàn chỉnh, lại lấy cớ ta đây là Bồ Tát để đáp lại kẻ chỉ trích mình, không biết đó chính là điều tuyệt đối sai lầm.
Chân chánh và thẳng thắn mà nói, Bồ Tát nếu muốn làm sư phạm cho nhơn thiên, điều kiện trước nhất cần thọ trì là Nhiếp Luật Nghi Giới. Vì Nhiếp Luật Nghi Giới chẳng những là cội gốc của Nhiếp Thiện Pháp Giới mà còn là cơ thạch cho Nhiêu Ích Hữu Tình Giới (cơ là nền tảng, thạch là đá; nghĩa là nền tảng xây bằng đá, mượn để thí dụ cho Nhiếp Luật Nghi Giới là một nền tảng rất cứng chắc cho Nhiêu Ích Hữu Tình và Nhiếp Thiện Pháp Giới).
Bồ Tát nếu không khéo hộ Nhiếp Luật Nghi Giới, thì chẳng những với Nhiếp Thiện Pháp Giới không thể sanh khởi, mà luôn cả Nhiêu Ích Hữu Tình Giới cũng hoàn toàn không thực hiện được. Vì thế, hành giả Bồ Tát đối với Tam Tụ Tịnh Giới, cần phải xem trọng ngang nhau. Có như thế, mới thể hiện rõ điểm đặc sắc của Đại Thừa Bồ Tát Giới.
3. Tùng Sư Thọ Giới Dữ Bất Tùng Sư Thọ Giới
(Thọ Giới Nơi Thầy và Không Thọ Giới Nơi Thầy)
Thọ giới mà đắc giới có một pháp thức nhất định, nhưng giới Thanh Văn và Bồ Tát đều có chỗ bất đồng. Thất chúng Phật tử Thanh Văn thừa muốn thọ giới, đại thể mà nói, đều phải có thầy truyền trao giới pháp.
Như chúng tại gia thọ trì Ngũ Giới, phải thọ từ nơi một đại đức xuất gia. Điều này trong nhiều kinh điển và luận Câu Xá đều nói như vậy. Trường hợp nhất định không tìm không có sư tôn truyền thọ giới pháp, có thể đặc biệt cho phép tự phát nguyện bẩm thọ. Việc này trong Luật Tứ Phần và Đại Trí Độ Luận quy định như vậy. Đây chẳng qua là phương tiện ngoại ngạch, bất đắc dĩ.
Như thế, nếu gặp trường hợp có sư tôn truyền trao giới pháp, thì tuyệt đối không được áp dụng ngoại lệ tự phát nguyện bẩm thọ. Đến như chúng tại gia thọ Bát Quan Trai Giới, cũng phải ở trước ngũ chúng xuất gia mà bẩm thọ, lại còn phải tìm một vị giới sư suốt đời không ăn phi thời làm thầy truyền giới.
Trường hợp không thể tìm được vị sư tôn như thế, Phật tử có thể ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát tự phát thệ thọ giới.
Đối với chúng xuất gia thọ giới Sa Di và Sa Di Ni, phải có hai thứ giới sư truyền giới. Trường hợp đặc biệt thọ giới Cụ Túc, phải có đủ tam sư thất chứng. Đây là nghi thức tối quan trọng.
Vấn đề từ Thập Sư thọ giới Cụ Túc dành cho những nơi Phật pháp thịnh hành, Tăng chúng đông đảo. Trái lại, đối với những vùng biên địa hẻo lánh, Tăng chúng không đông, không có phương tiện quy tụ đầy đủ Thập Sư truyền giới, có thể giảm bớt phân nửa, chỉ cần 5 vị: bốn vị làm chúng Tăng, một vị làm Yết Ma sư tác pháp để truyền trao giới phẩm. Đây là chánh thuyết của Tỳ Bà Sa Luận, Chánh Lý Luật v. v… Đức Đạo Tuyên Luật Sư cũng căn cứ theo thuyết này.
Tóm lại:
Giới Thanh Văn quyết định phải thọ giới pháp từ nơi thầy với các nghi thức quy định bắt buộc.
Về giới Bồ Tát, phần nghi thức được quy định như thế nào?
Điều này trong kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc dạy rõ có 3 phẩm thọ giới: thượng, trung, và hạ phẩm.
– Thượng phẩm: Từ nơi Đức Phật mà thọ giới. Điều kiện này rất khó thực hiện. Trong kinh Phật dạy: “Một là giới tử lúc thọ giới, ở trước chư Phật, Bồ Tát mà bẩm thọ. Đây thực sự là Thượng Phẩm Giới”.
– Trung phẩm: Từ nơi những đệ tử của Phật mà bẩm thọ. Trong kinh Phật dạy: “Hai là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt. Trong vòng một ngàn dặm, nếu có vị Bồ Tát nào đã thọ giới trước thì phải thỉnh làm Pháp Sư, dạy bảo, truyền trao giới pháp cho mình. Trước tiên, phải thành kính đảnh lễ dưới chân Pháp Sư, thứ đến tác bạch như vầy: ‘Kính thỉnh tôn giả làm thầy truyền trao giới pháp cho con’. Giới tử đắc giới ấy gọi là Trung Phẩm giới”.
– Hạ phẩm: Sự thọ giới trong trường hợp không gặp Phật xuất thế, hoặc đã nhập diệt, trong vòng ngàn dặm cũng không có đệ tử của Phật để làm thầy truyền giới, Phật tử có thể ở trước hình tượng Phật bẩm thọ. Trong kinh Phật dạy: “Ba là sau khi Phật, Bồ Tát nhập diệt, trong vòng nghìn dặm, không có Pháp Sư làm thầy truyền trao giới pháp thì nên ở trước hình tượng Phật, Bồ Tát, hồ quỳ chắp tay tự thệ nguyện thọ giới. Nên tác bạch như vầy: Đệ tử… kính bạch thập phương chư Phật và đại địa Bồ Tát, con nguyện thệ học tất cả giới của tất cả Bồ Tát. Đây là hạ phẩm giới”.
Ấn Thuận Luật Sư thuyết minh: “Trường hợp thậm chí không có hình tượng Phật để tự thọ giới thì y cứ theo trong kinh Phổ Hiền Quán dạy: Giới tử có thể quán tưởng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật làm hòa thượng, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm Yết Ma A Xà Lê, Di Lặc Bồ Tát làm Giáo Thọ A Xà Lê, vẫn có thể thọ giới được”.
Theo kinh Phạm Võng này chỉ có hai cách thọ giới:
– Tự thệ thọ giới: Đây là trường hợp trong vòng mấy ngàn dặm, không có Pháp Sư truyền trao giới pháp. Giới điều thứ 23 trong 48 giới khinh, tuyên thuyết minh bạch như vầy: “Dục dĩ hảo tâm thọ Bồ Tát Giới thời, ư Phật, Bồ Tát hình tượng tiền, tự thệ thọ giới, đương dĩ thất nhật, Phật tiền sám hối, đắc kiến hảo tướng tiện đắc giới. Nhược bất đắc hảo tướng, ưng nhị thất, tam thất, nãi chí nhất niên, yếu đắc hảo tướng. Đắc hảo tướng dĩ, tiện đắc Phật, Bồ Tát hình tượng tiền thọ giới. Nhược bất đắc hảo tướng, tuy Phật tượng tiền thọ giới, bất danh đắc giới”.
(Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ Tát, thì đối trước tượng Phật cùng tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật và tượng Bồ Tát, sám hối trong bảy ngày. Nếu thấy được hảo tướng là đắc giới. Nếu chưa thấy được hảo tướng thì sám hối 14 ngày, 21 ngày hay đến cả năm, cầu cho được thấy hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật, Bồ Tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng, thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới).
– Từ thầy thọ giới: Đây là trường hợp có thể thỉnh được vị Pháp Sư truyền trao giới pháp. Cũng theo giới điều hai mươi ba dạy tiếp rằng: “Nhược tiên thọ Bồ Tát giới Pháp Sư tiền thọ giới thời, bất tu yếu kiến hảo tướng. Hà dĩ cố? Thị Pháp Sư chư sư tương thọ cố, bất tu hảo tướng. Thị dĩ Pháp Sư tiền thọ giới thời tức đắc giới, dĩ sanh chí trọng tâm cố tiện đắc giới”.
(Nếu khi đối trước vị Pháp Sư đã thọ giới Bồ Tát thì không cần thấy hảo tướng. Vì sao vậy? Vì vị Pháp Sư là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp Sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới).
Với hai trường hợp thọ giới đã nói rõ ở trên, Ấn Thuận Luật Sư trịnh trọng dạy như vầy: “Nếu không có Phật xuất thế, cũng không có đệ tử Phật, thì có thể ở trước tượng Phật hoặc quán tưởng Phật mà thọ giới, nhưng nếu có đệ tử Phật thì vẫn cần phải từ nơi đệ tử của Phật mà bẩm thọ giới mới là thích hợp”.
4. Thanh Văn Giới Thị Tân Đắc Dữ Bồ Tát Giới Thị Huân Phát
(Giới Thanh Văn Thuộc Về Tân Đắc và Giới Bồ Tát Thuộc Về Huân Phát)
Giới pháp Thanh Văn xuất gia hay tại gia đều phải trải qua nghi thức thọ giới mới đắc giới thể. Giới thể này trước vốn không có mà khi thọ giới mới được, nên gọi là “tân đắc”. Cũng chính vì tính chất mới được này nên có thể có hai tình trạng xảy ra nơi Phật tử thọ giới là “đắc giới”, rồi lại có thể “thất giới”. Hai tình trạng có thể dẫn đến sự thất giới là:
– Phạm căn bản trọng giới (vi phạm những giới cấm quan trọng): Bất luận hình tướng bên ngoài thể hiện giống hệt một Phật tử chân chính đến mức độ nào (Phật tử ở đây bao gồm hai chúng), nếu giới thể đã bị mất thì người Phật tử đó đã mất hẳn đặc chất của người Phật tử.
– Nhất kỳ sanh mạng kết thúc (thời gian mạng sống đã đến lúc chấm dứt): Nguyên vì giới thể Thanh Văn thuộc về “tận hình thọ”, nghĩa là khi thời gian thọ mạng của người thọ giới tồn tại, giới thể tất nhiên theo sanh mạng mà chuyển sanh. Một khi sanh mạng băng hoại, giới thể tự nhiên cũng theo đó mà tiêu mất. Như vậy, có đắc giới tất nhiên sẽ có thất giới.
Với quan điểm này, Ấn Thuận Đại Sư thuyết minh: “Các học giả Thanh Văn có người cho giới thể là Vô Biểu Sắc, hoặc có người cho là Bất Tương Ưng Hành Pháp”.
Gần đây, quý sư trong giới xuất gia thuộc hệ phái Đại Thừa, cho là công năng tự tâm sở trong tâm tương tục, cũng thuộc về “tân huân”. Quan niệm như thế có phần không đúng. Vì Đại Thừa Bồ Tát Giới là pháp sẵn đủ của tự tâm, là pháp sẵn có, không phải sau khi thọ giới mới có được giới pháp đó.
Trong kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc có thuyết minh: “Giới phẩm của tất cả hàng Bồ Tát, bất luận phàm hay thánh, đều lấy tự tâm làm thể, vì tâm vô tận nên giới thể cũng vô tận”.
Phần văn trường hàng mở đầu kinh này cũng nêu rõ: “Quang minh kim cương bửu giới thị nhứt thiết Phật bổn nguyên, nhứt thiết Bồ Tát bổn nguyên, phật tánh chủng tử. Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Nhứt thiết ý thức sắc tâm thị tình, thị tâm, giai nhập Phật tánh giới trung”.
Nghĩa là: “Giới pháp kim cương quang minh quý báu này chính là bổn nguyên của tất cả chư Phật, bổn nguyên của tất cả Bồ Tát, cũng là chủng tử của Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả ý thức sắc tâm, là tình, là tâm, đều vào trong phạm vi Phật tánh”.
Bồ Tát Giới là pháp sẵn đủ trong tâm của tất cả chúng sanh. Chẳng những không cần đợi duyên chế lập, mà còn có sẵn công năng “phòng phi chỉ ác”, công năng “từ bi lợi vật”, công năng “vô biên công đức thanh tịnh định huệ” v. v… Nhưng sở dĩ phải thọ giới trở lại trong hiện tại, chẳng qua là làm cho giới đức sẵn đủ ấy huân phát và tăng trưởng mạnh mẽ. Giới Phật tánh thường trụ lấy tâm làm giới thể, nên sau khi phát tâm thọ giới, chẳng những trong đời hiện tại không bị mất giới, mà khi sanh mạng kết thúc, giới thể cũng vẫn tồn tại.
Bồ Tát Giới là giới tột cùng đời vị lai, nếu Phật tử thọ trì không thất giới thì mãi mãi cho đến khi chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, giới thể đều tương tục, không gián đoạn. Dẫu sau khi sanh mạng kết thúc, tái sanh trở lại không ghi nhớ được việc mình đã thọ giới ở đời quá khứ. Nếu hiện tại phát tâm thọ giới trở lại, trường hợp này gọi là duyên tăng thượng, tuyệt đối không được gọi là “tân đắc”. Đến như trong đời hiện tại, giả sử phạm trọng giới, dù cũng có thể gọi là thất giới, nhưng nếu đúng theo pháp sám hối, thì có thể thọ giới trở lại.
Cho nên kinh nói: “Giới Bồ Tát có pháp thọ mà không có pháp xả; có phạm nhưng không mất giới, vì là giới thể cùng tột đến đời vị lai vậy”. Điều này Ấn Thuận Luật Sư nhấn mạnh như sau: “Bồ Tát từ khi mới phát tâm nhẫn lại, giới đức trong tự tâm mỗi ngày dần tăng trưởng. Hiện tại trở lại thọ giới, cũng chẳng qua là nương theo ngoại duyên để huân phát, làm cho sự huân trưởng ấy được thành thục mà thôi”.
Cho nên giới Bồ Tát đúng như trong kinh này thuyết minh: “Thị chư Phật chi bổn nguyên, hành Bồ Tát đạo chi căn bổn, thị đại chúng chư Phật tử chi căn bổn” (Nghĩa là: “Tâm địa đại giới này là bổn nguyên của chư Phật, là căn bản của người hành đạo Bồ Tát, là căn bản của đại chúng Phật tử”).
Bất luận là chúng sanh ở trong hình thái nào, chỉ cần hiểu rõ lời Pháp Sư thuyết giới, đều được phép thọ giới.
5. Thanh Văn Giới Bất Khả Văn Độc Dữ Bồ Tát Giới Khả Dĩ Văn Độc
(Giới Thanh Văn Không Được Đọc và Nghe, Trong Khi Giới Bồ Tát Có Thể Nghe Hoặc Đọc)
Giới Tỳ Kheo Thanh Văn y cứ theo luật Phật chế định, có quan hệ điều văn của Ngũ Thiên, Thất Tụ, nên hàng Phật tử tại gia chưa thọ giới Cụ Túc, tuyệt đối không được phép xem giới, đọc giới và nghe giới.
Việc này trong Luật Văn có dạy rõ ràng: “Một lúc nọ, chúng Tăng làm lễ Bố-tát, có người lén nghe tụng giới, bị Hộ Pháp Thiện Thần đánh đuổi”. Nhưng đối với giới Đại Thừa Bồ Tát khi chưa thọ giới, tuy không được tham dự bố-tát, tụng giới, nhưng nghe giảng ý nghĩa của giới pháp hay xem, đọc, hoặc nghiên cứu ý nghĩa của giới bổn thì có thể được, không bị cấm chỉ tuyệt đối.
Vì thế, sau khi tôi tuyên bố giảng kinh Phạm Võng, có những Phật tử hỏi: – Con chưa thọ Bồ Tát Giới, Pháp Sư có thể cho con tham dự được không? Tôi trả lời: – Đương nhiên là được.
Nhưng nếu khi giảng giới tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, dù quý vị nào có tâm thành khẩn muốn nghe, tôi cũng không chấp thuận. Còn giảng kinh Đại Thừa Phạm Võng Bồ Tát Giới, tôi rất mong muốn quý vị đến nghe thật đông, càng đông càng tốt. Chẳng những không vi phạm giới luật mà còn có nhiều lợi ích. Vì do sự nghe giảng ấy, quý vị sẽ được kích phát tâm Bồ Đề và huân phát Phật Tánh vốn đã có sẵn trong mỗi quý vị.
6. Thanh Văn Đích Giới Điều Dữ Bồ Tát Đích Giới Điều
(Giới Điều Của Thanh Văn và Giới Điều Của Bồ Tát)
Giới điều của thất chúng Phật tử Thanh Văn thừa đều khác biệt, không giống nhau như:
– Ngũ Giới của hàng Phật tử nam, nữ tại gia.
– Thập Giới của Phật tử xuất gia: sa-di, sa-di-ni.
– Và những giới điều tối cực nghiêm cẩn, chu mật của hàng tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni.
Thông thường giới tỳ-kheo gồm 250 giới, nhưng trong Luật Tăng Kỳ thì chỉ có 218 giới, luật của Nhứt Thiết Hữu Bộ xưa truyền lại cho là 260 giới. Về số mục, điều văn của hai bộ Luật nói trên có nhiều điểm bất đồng, nhưng phần đại thể vẫn giống nhau.
Có đoạn thuyết minh rõ như vầy: Giới tỳ-kheo phần đại lược thì có hai trăm năm mươi giới, phần trung bình thì ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Giới tỳ-kheo-ni phần đại lược gồm ba trăm bốn mươi tám giới, phần trung bình gồm tám vạn oai nghi, mười hai vạn tế hạnh.
Nếu nói rộng ra thì giới của tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni đều là vô lượng vô biên vì tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni lúc thọ giới đều được pháp giới vô lượng vô biên, số lượng đồng với cảnh hư không khắp pháp giới, không một pháp nào không trọn vẹn, đầy đủ, nên mệnh danh là giới Cụ Túc.
Còn như giới Bồ Tát thì:
– Kinh Phạm Võng quy định là mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh.
– Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói là sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh.
– Kinh Du Già Bồ Tát Giới nói là bốn giới trọng, năm mươi mốt giới khinh.
Lại có nhiều kinh khác như kinh Bồ Tát Thiện Giới, kinh Bồ Tát Địa Trì v. v… giảng nói các giới nhiều ít rất khác nhau, nhưng về phần căn bản trọng giới vẫn giống nhau.
Vì sự kiện ấy, Ấn Thuận Luật Sư nhấn mạnh: “Thông thường thọ giới là bẩm thọ mỗi một giới điều như trong kinh văn đã dạy. Nhưng kỳ thật, thọ giới là phát khởi công năng “phòng phi chỉ ác” trong nội tâm, quyết không chỉ thu hẹp trong giới hạn của điều văn. Vì thế, hàng Phật tử bất luận xuất gia hay tại gia, xin đừng ngộ nhận những gì trong Giới Luật không đề cập đến thì quý Phật tử đều hành động được”.
Tại sao vậy? Đơn cử giới uống rượu, tất cả hàng Phật tử từ cư sĩ đến tỳ-kheo đều phải thọ trì nghiêm cẩn. Nhưng trong Luật không quy định việc cấm hút thuốc, cũng không cấm chỉ các loại độc phẩm như nha phiến, hải lạc nhơn (một loại thuộc ma túy) v. v… Do đó, có người cho rằng Đức Phật không có chế giới cấm hút thuốc thì cứ việc hút không tổn hại gì. Thật là sai lầm! Họ không biết rằng, khi Đức Phật còn tại thế, không có những ác tập (tập quán xấu) về độc phẩm như hút thuốc, nghiện nha phiến v. v… cho nên Đức Phật không chế giới này.
Căn cứ vào việc Đức Phật cấm uống rượu vì rất có hại cho thân tâm mà nói thì những thức độc phẩm kia đương nhiên cũng phải cấm chỉ, không được hút. Việc chế định bằng văn tự rõ ràng của Giới Luật chẳng qua chỉ thích ứng theo thời cơ mà chọn lấy những thứ trọng yếu để nêu lên làm quy lệ mà thôi.
Đến như Bồ Tát giới trong các kinh giải nói nhiều ít không đồng, cũng là do nơi ý nghĩa ấy. Do vậy, chúng ta đối với Giới Luật của Đức Như Lai đã chế định, cần phải vận dụng một cách linh động, hoạt bát, không nên chấp nhặt một khía cạnh, rồi cho rằng: “Những gì Đức Phật không cấm ngăn thì bây giờ cũng không cần ngăn cấm, những gì Đức Phật đã chế chỉ cũng không cần canh cải”. Cần phải có sự thích nghi với thời gian, địa phương. Nên nhận chân những gì không nên làm thì không nên cố ý làm, để tránh những ảnh hưởng xấu trong mọi cảm quan xã hội đối với Phật giáo.
Quan niệm của các hạng nhân sĩ trong xã hội đặc biệt chú trọng là: “Phật giáo đồ phải có đức hạnh”; cho nên hàng Phật tử, nhất là chúng xuất gia, cần phải tuân thủ giới hạnh thật nghiêm cẩn.
7. Thanh Văn Đãi Duyên Chế Dữ Bồ Tát Giới Bất Đãi Duyên Chế
(Giới Thanh Văn Đợi Đúng Thời Duyên Đức Phật Mới Chế Lập, Còn Giới Bồ Tát Không Cần Đợi Thời Duyên)
Về phương diện ngôn từ giáo hóa chúng sanh, chẳng những duy có Đức Phật là người có thể tuyên thuyết, mà còn có năm hạng người có thể tuyên thuyết. Về vấn đề chế giới (chế định Giới Luật khinh, trọng), duy chỉ có Đức Phật chế lập, ngoài ra không ai có thể chế lập được. Cho nên giới Thanh Văn và giới Bồ Tát đều do Đức Phật đích thân chế định.
Tuy rằng tất cả đều từ Đức Phật chế định, nhưng pháp thức chế lập có điểm bất đồng. Như trường hợp giới Thanh Văn cần đợi đủ nhân duyên mới chế lập, nghĩa là: nhân vì có những sự phạm giới của tín đồ, Phật mới tùy theo hình thức và mức độ tội trạng mà chế giới, để răn dạy đệ tử về sau không được tái phạm. Nếu vi phạm ở mức độ không thể dung thứ, cần phải trị phạt nghiêm khắc.
Trái lại, Bồ Tát Giới không như vậy! Nghĩa là, không cần phải đợi có thật phạm giới mới chế định Giới Luật mà Đức Như Lai nhứt thời đốn chế (nghĩa là: Khi Đức Như Lai thành Đạo, liền chế định giới Bồ Tát ngay lúc đó).
Văn trường hàng nối tiếp sau phần văn kệ tụng mở đầu kinh này thuyết minh: “Nhĩ thời, Thích Ca Mâu Ni Phật sơ tọa Bồ Đề thọ hạ, thành Vô Thượng Chánh Giác, dĩ sơ kiết Bồ Tát Ba-la-đề mộc-xoa” (Lúc bấy giờ, Thích Ca Mâu Ni Phật mới thành đạo Vô Thượng Chánh Giác, Ngài ngồi dưới gốc Bồ Đề, bắt đầu kiết giới Bồ Tát ba-la-đề mộc-xoa).
Kinh văn nói rõ Đức Phật vừa thành Vô Thượng Chánh Giác thì bắt đầu kiết giới Bồ Tát. Đó chẳng phải là một chứng minh rất rõ về việc đốn chế hay sao?
Tại sao giới Bồ Tát nhứt thời đốn chế, mà không đợi nhân duyên phạm giới?
Theo lý mà giải, việc ấy có quan hệ với cơ nghi chúng sanh. Vì Bồ Tát là đại căn cơ, không cần những vấn đề nhỏ nhặt thế nọ, thế kia; cho nên Đức Phật dụng pháp đốn chế. Còn Thanh Văn là tiểu căn cơ, nếu không đợi nhân duyên riêng biệt mà chế lập, thì họ sẽ khó tiếp thọ, nên Đức Phật phải dụng pháp biệt chế.
Về phương diện sự tướng mà nói, chư Cổ Đức nêu ra ba lý do:
– Bồ Tát đủ tín tâm sâu nhiệm: Vừa nghe đức Như Lai chế Đại Thừa giới liền tiếp thọ, không trái nghịch và cũng không cảm thấy có bất cứ sự kinh lạ nào. Trái lại, tín tâm của Thanh Văn còn nông cạn. Nếu Đức Như Lai đồng một lúc vì họ đốn chế, họ sẽ không thể nào thừa nhận được. Lại còn cảm thấy rất khó khăn trong việc tu học Phật pháp, thậm chí thối thất dũng khí hành đạo!
– Bồ Tát phải đi khắp nơi hóa độ chúng sanh nên không thể từng giây phút theo hầu bên Phật. Khi gặp những sự tình không đúng giới pháp, không thể tức khắc bẩm bạch lên Đức Phật để cầu Đức Phật giải quyết, hay phán đoán điều ấy có hợp giới pháp hay không. Cho nên giới Bồ Tát phải nhất thời đốn chế. Trong khi Thanh Văn là chúng thường tùy của Phật, luôn hầu cận bên Phật. Mỗi khi có những sự kiện trái với đức hạnh, lập tức chư vị có thể bạch Phật để Ngài quyết đoán. Cho nên giới Thanh Văn cần phải đợi có trường hợp phạm giới mới chế lập.
– Giới Bồ Tát đã chế lập trong kinh này thật sự phát khởi từ nơi Đức Phật Lô Xá Na. Đức Lô Xá Na vì Diệu Hải Vương Tử muốn thọ Bồ Tát Giới, và chư Đại Sĩ đương thời hiện diện ở pháp tòa, nên đã tuyên thuyết, chế lập 10 giới trọng, 48 giới khinh này.
Đó là những nguyên do giới Bồ Tát nhất thời đốn chế; giới Thanh Văn thì căn cứ vào từng trường hợp phạm giới của đệ tử mà Đức Phật tùy chế, nói rõ hơn là đợi có nhân duyên mới chế giới.
Tóm lại:
– Giới Bồ Tát căn cứ vào Lý Thiện mà chế lập, gọi là giới “Phật tánh thường trụ”.
– Giới Thanh Văn căn cứ vào Sự Thiện mà chế lập, gọi là “hộ thế cơ hiềm giới” (hỗ trợ tâm niệm, chấn chỉnh nhân cách người tu hành để tránh sự sanh tâm báng bổ của người thế gian).
– Giới BồTát chủ đích là trở về Bản Tánh.
– Giới Thanh Văn cốt yếu tránh xa sự chê bai, dị nghị của thế nhân.
Đây là sự bất đồng về y chỉ trong sự chế lập giới pháp của Đại Thừa và Tiểu Thừa vậy.
8. Thanh Văn Dữ Bồ Tát Thọ Giới Ưng Hữu Đích Tư Chất
(Giảng Về Tư Chất Thọ Giới Cần Thiết Của Thanh Văn và Bồ Tát)
Thọ Luật Nghi Giới của Thanh Văn thừa chẳng những có những quy luật nghiêm mật và không phải bất cứ người nào cũng đều được thọ giới. Nhất là việc thọ giới của hàng đệ tử xuất gia thì vấn đề tư chất của những vị ấy càng được chú trọng một cách nghiêm cẩn đặc biệt.
– Chẳng hạn những người bản thân có những thứ bệnh bạch lại (hủi, cùi, lác trắng), ung thư, điên loạn v. v…
– Hoặc là sáu căn không toàn vẹn (như người một mắt, sứt môi… ), tàn tật, xấu xí.
– Hoặc là người hoàng môn nhị hình (2).
– Hoặc là người làm nô bộc cho người (trừ trường hợp được chủ nhân ưng thuận thì không thuộc phạm vi hạn chế).
– Hoặc là phi nhơn và súc sanh v. v…
Những hạng người kể trên, chẳng những không đủ tư cách thọ giới Tỳ-kheo mà luôn cả tư cách để thọ giới Sa-di cũng không được. Trái lại, giới Bồ Tát không có những hạn chế nghiêm khắc như vậy.
Trong kinh Anh Lạc giảng dạy: “Lục đạo chúng sanh thọ đắc giới, đản giải ngữ đắc giới bất thất” (Tất cả chúng sanh trong lục đạo đều được thọ giới, chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp Sư thì đắc giới không mất).
Trong phần văn tụng của kinh này cũng thuyết minh:
Nhứt thiết hữu tâm dã,
Giai ưng nhiếp Phật giới.
Dịch:
Tất cả những người có tâm thức,
Đều nên nhiếp thọ Giới Luật.
Cũng trong kinh này, văn trường hàng lại nói rõ hơn: “Nếu người thọ giới Bồ Tát này, không luận là quốc vương, thái tử, các quan chức hay tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, không luận là chư thiên cõi Sắc, cõi Dục, không luận là hàng thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ hay hàng nô tỳ, cũng không luận là tám bộ quỷ thần, thần Kim Cương hay loài súc sanh, nhẫn đến kẻ biến hóa, hễ ai nhận hiểu được lời truyền giới của Pháp Sư thời đều được thọ giới và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất”.
Y chiếu theo Đại Thừa Giới Kinh thuyết minh thì bất cứ loại chúng sanh nào trong lục đạo, bất luận tư chất thế nào, chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp Sư thuyết giới, đều có tư cách để thọ giới của Phật, không giảm biệt những căn cơ nào.
Trường hợp này so với những quy định thọ giới Tỳ Kheo bên Thanh Văn thừa, đích thực là khoan dung hơn nhiều. Thọ luật nghi giới bên Thanh Văn, chẳng những kẻ hoàng môn, nhị hình ở trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu không thể thành tựu luật nghi, mà chính những người chánh thường (sáu căn đầy đủ), thân tướng đoan nghiêm ở Bắc Câu Lô Châu cũng không thể thọ Biệt Giải Thoát Giới, vì đời sống của những người ở châu ấy quá sung mãn, nên không thể thọ Biệt Giải Thoát Giới (giới Thanh Văn).
Tư cách thọ giới Bồ Tát dù nói là rất phóng khoáng, chỉ cần những loại chúng sanh hiểu được lời của Pháp Sư truyền giới thì đều được thọ giới. Nhưng cần phải có chủng tánh Bồ Tát, phát tâm Bồ Đề, có tâm hạnh thù thắng, mới có thể cảm được tịnh giới Bồ Tát.