Đường Về Minh Triết

Đường Về Minh Triết

Trương Văn Chiến 22

PHẦN II

 *Truyện ngắn, tản bút

*Tư tưởng, kinh nghiệm Thiền…

***********

 GIÁ TRỊ CỦA LÍ DUYÊN KHỞI

TRONG ĐỜI SỐNG THIỀN TUỆ

Tôi không phải là một Phật tử. Do khát vọng muốn sống một cuộc sống khế hợp với chân lí như thực, thật sự có ý nghĩa cho mình và tất cả, tôi đã tìm đọc, suy nghĩ, rồi thực nghiệm giáo lí trong vài tôn giáo.

Phật giáo đã giúp tôi vốn liếng khá lớn để phát hiện sự hư dối của bản ngã. Sau đó tôi đã biết rằng, muốn phát hiện thật tướng của bản ngã, của vô minh thì cần phải có sự im lặng tư tưởng. Với những ý tưởng luôn chằng chịt trong tâm trí thì không có tuệ quán như thực, cũng như không thể có tri giác tự do tự tại.

Hơn mười năm sống thiền bằng pháp Quán Tâm, tôi đã vận dụng vào cuộc sống hằng ngày qua nhiều nghề: làm rẫy, dạy học, phụ trách công tác thư viện, sáng tác… Một hôm nhân đọc công án của các thiền sư, tôi chợt nhớ đến lí Duyên Khởi. Thì ra tâm trí tôi không có những giây phút tỉnh thức và lặng lẽ, là do toàn bộ sự sống của tôi không chịu công nhận chân lí duyên sinh-vô ngã. Xưa nay tôi cứ chìm đắm mãi trong những phê phán, nhận xét, quan niệm, ước muốn…, chúng âm thầm phát xuất từ quy định của bản ngã huyễn ảo. Với sự tỉnh ngộ đó, tôi bắt đầu có những giây phút sống với Tâm Vô Ngôn Tịch Chiếu. Những ý tưởng chằng chịt trong tâm trí (một thứ mộng mị lúc không ngủ ở con người) dần vơi bớt…

Bây giờ tôi đã biết niềm hạnh phúc của cuộc sống trở về với Chân Tâm, của sự tự tin vào năng lượng thiền định tự tri.

(Nguyệt san Giác ngộ, tháng 10/1996).

 

(Trang 91-93)

—————–

 

CẦN BIẾT KÍNH YÊU NHÂN CÁCH

Trí thân mến,

Tôi đã đọc kĩ thư của em. Em đang chán đời vì không có điều kiện để học đại học. Em đang mang nặng mặc cảm tự ti.

Tôi viết thư này không nhằm an ủi em, mà để trách em. Tôi trách em vì em quá kém nhận thức về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị làm người.

Vì tôi đã tốt nghiệp đại học nên tôi hiểu rằng, mục đích chính của việc học đại học là để sau này có năng lực làm công việc mình chọn. Học về chuyên môn là để tạo tác, để lao động. Vậy thì nếu em không có điều kiện để học đại học, em vẫn có thể học một nghề nào đó ở tư nhân, hoặc ở các trường chuyên nghiệp trung cấp, hoặc tự học để sau này có năng lực làm công việc gì đó, để lao động sản xuất… Tại sao lại chán đời, lại ôm ấp mặc cảm tự ti?! Thật đáng trách.

Mọi năng lực tạo tác đều chỉ có ý nghĩa công cụ. Trí lực để tạo tác là trí-công-cụ. Công cụ dù “đắt tiền” hay “rẻ tiền” cũng chỉ là công cụ. Người thật sự hiểu biết sâu rộng thì không đánh giá con người qua công cụ. Cái tạo nên giá trị làm người ở trong xã hội là nhân cách. Có nhân cách lớn (nhân cách tự-do-tinh-thần) là do có trí-tuệ-nhân-văn cao, có trí-lương-tri trong sáng, có năng lực học hỏi để tự giáo dục-đào tạo, tự chuyển hoá nhằm hướng thiện hướng thượng.

Không có người chân chính nào lại kính trọng một bộ trưởng nặng óc bè phái ích kỉ, một giám đốc tham ô, một giáo sư nhận hối lộ, một bác sĩ vô lương tâm, một nhà thơ đồi truỵ, một sĩ quan hách dịch…

Không có người chân chính nào lại coi rẻ một y tá giàu y đức, một công nhân xây dựng có tinh thần trách nhiệm cao, một nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định (vì biết tôn trọng sức khoẻ người tiêu dùng)…

Tâm trí trong sáng mang năng lượng tích cực có lợi cho bản thân và toàn vũ trụ. Tâm trí đen tối thì tạo ảnh hưởng xấu…

Trí thân mến,

Tôi hi vọng, qua trình bày trên, em nhận thức được những sai lầm trong tư tưởng của em.

Tôi biết rằng, hiện nay trong xã hội có một bộ phận lớn đang sống theo thứ nhân sinh quan lệch lạc. Trong số đó cũng có nhiều người có học vấn cao, có chức vị cao. Mặc dù vậy, em phải tỉnh táo, đừng dại gì hạ thấp nhân cách để chạy theo quan niệm sống tầm thường của họ.

Em phải ngẩng cao đầu để thắp sáng lương tri, lương tâm, nhân cách. Những phẩm chất cao quý này sẽ là người thầy quan trọng hướng dẫn em chọn lựa một nghề nghiệp, một việc làm thích hợp với điều kiện thực tế của em. Những phẩm chất này cũng sẽ làm nảy sinh nhu cầu học hỏi, tự học để nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực nghiệp vụ. Rất nhiều tài năng lớn do tự học mà nên…

Có ai đó đã nói rất đúng rằng, không có công việc (hợp pháp) nào thấp hèn hơn công việc nào; chỉ có sự yếu kém nhân cách là thấp hèn.

Mong em biết kính yêu nhân cách, biết nâng cao lòng tự trọng tự tin để sống lạc quan minh triết.

Mong em luôn nhớ rằng, giá trị làm người là ở nhân cách tự-do-tinh-thần, chứ không phải ở “công cụ”. Có nhân cách đó, ta luôn sống khế hợp thiện-ích-mĩ.

Thân ái chào em.

(Trang 94-98)

 

—————–

CÁI LƯỠI CÂU

Bạn tôi làm ở một xí nghiệp nọ, gặp tôi anh than thở:

– Tớ chán cái xí nghiệp nổi tiếng này quá, cậu ạ. Tay nhà báo nào đó thổi phồng thành tích của nó hết cỡ. Trong khi ấy, bao nhiêu thối tha lại không đụng đến một chữ!… Càng nổi tiếng, công nhân càng khổ!

Dù ở ngành giáo dục nhưng tôi cũng không lạ gì vấn đề này. Ung nhọt đang mọc khắp cơ thể xã hội… Tôi vỗ vai bạn, khích lệ:

– Hãy đấu tranh! Có tổ chức công đoàn mà.

Bạn tôi nhếch mép nhìn tôi. Một lúc sau anh ấy nói:

– Khi người ta có quan hệ thân thiết với cậu, đối xử tốt với cậu, dù cậu không thật biết lòng dạ người ta như thế nào, cậu vẫn có thiện cảm với người ta chứ?

Tôi nghĩ bạn tôi đã chuyển đề tài, nhanh miệng nói:

– Dĩ nhiên là có. Ai lại không vậy.

– Đã có thiện cảm, cậu có nỡ làm người ta đau lòng, buồn lòng không?

Tôi dè dặt không trả lời. Bạn tôi trầm giọng:

– Trở lại vấn đề ở xí nghiệp tớ. Tớ đang suy nghĩ nát óc để tìm một biện pháp hữu hiệu nhưng vẫn chưa ra. Phải làm sao loại trừ cái lưỡi câu.

Tôi ngạc nhiên:

– Cái lưỡi câu?

– Vâng. Đó là những cái bắt tay quá thân thiện, những chầu cà phê, những buổi nhậu, những cuộc thăm viếng, những ưu đãi mà ban giám đốc dành cho ban chấp hành công đoàn. Với cái lưỡi câu đó, kẻ tham mồi chạy đâu cho thoát!

Tôi giật mình, chợt thấy sợ những cái lưỡi câu đang hiện ra chỗ này chỗ nọ…

(Báo Giáo dục-thời đại, 07/09/2002).

(Trang 99-101)

——————

SUY NGHĨ VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI

Cốt lõi của cảm thức về ý nghĩa cuộc sống, là cảm thức về giá trị của cái “tôi”, tức là “giá trị làm người”.

Cốt lõi của giá trị làm người có văn hóa (hiểu theo nghĩa rộng) là nhân cách.

Cốt lõi của nhân cách là đạo đức.

Cốt lõi của đạo đức là khuynh hướng thiện ích cho nhân loại, cho môi  trường chung.

Kim chỉ nam của khuynh hướng thiện ích là tâm trí tỉnh thức-vô ngã.

Điều kiện để đạt được ít nhiều sự tỉnh thức-vô ngã là tự tri tự giác (tức quán tâm, biết tâm ý trọn vẹn), là thiền định.

Muốn tự tri tự giác phải có khát vọng lớn, phải có sự liêm khiết trí thức, phải có nhãn quan minh triết. (Những điều này không lệ thuộc ở học vấn nhiều hay ít, vì có nhiều phương cách để bồi dưỡng văn hoá).

 

Tóm lại, “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống.

(Trang 102-103)

——————-

TÌM NGƯỜI HẠNH PHÚC

(Truyện ngắn chính luận)

Cô gái đẹp và dịu hiền ấy có tuổi thiếu niên thật ảm đạm. Cha mẹ cô rất giàu có nhưng lại chia tay nhau lúc cô ở vào tuổi mười lăm. Từ ấy cô sống trong sự yêu thương của người cha. Cha cô muốn rằng sau này cô có đời sống lứa đôi may mắn hơn ông. Ông thường nói với cô về điều đó.

Một hôm cô thưa với người cha rằng:

– Thưa cha, con chỉ lấy chồng khi nào gặp được một người đàn ông thật hiểu thế nào là hạnh phúc, và người ấy phải đang sống trong hạnh phúc. Vì chỉ người nào biết sống hạnh phúc đích thực mới có khả năng giúp người khác sống hạnh phúc.

Cô nói tiếp:

– Qua kinh nghiệm sống ở gia đình chúng ta, con đã hiểu rằng tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, sức khoẻ, tình cảm, học vấn không phải là những điều kiện quyết định hạnh phúc cuộc sống. Nhưng con cũng không biết đâu là chân lí, không biết điều gì đem lại hạnh phúc. Vì thế con phải chờ đợi…

Vừa thương con, lại vừa muốn học hỏi minh triết ở trường đời, người cha khăn gói đi tìm chàng rể tương lai.

Sau khi tiêu tốn nhiều tiền bạc và thời gian, ông đã gặp được một người đúng như mơ ước của con ông. Đó là một giáo viên còn trẻ, goá vợ, cha một bé gái mười tuổi. Bà con chòm xóm và bạn bè đồng nghiệp khẳng định với ông rằng chàng là một người hạnh phúc, thiết tha mến yêu cuộc sống, mến thương con và mọi người.

Chàng nói với ông:

– Muốn có hạnh phúc đích thực, theo cháu, trước hết chúng ta phải luôn nhớ rằng mọi sự đều vô thường. Có như vậy, chúng ta mới can đảm, bình thản và sáng suốt giáp mặt, ứng xử với mọi biến động của dòng đời… Điều cần thiết nữa là, chúng ta phải biết ý thức trọn vẹn về nội tâm, về bản ngã của mình để lương tri và trí tuệ tâm linh luôn tỉnh sáng. Như vậy sẽ sống với năng lượng tinh thần tự do, trong sạch. Tinh thần đó luôn mang tính chất an vui, nhân hậu và đầy cảm hứng sáng tạo… Có đủ hai điều này, chúng ta sẽ sống trọn vẹn những năm tháng có ý nghĩa cho mình, cho đời.

Ông thấy cảm mến chàng. Ông bày tỏ ước muốn với chàng, nhưng chàng từ chối. Lí do là chàng sợ con gái của mình phải gặp những đau buồn vì cảnh “mẹ ghẻ con chồng”.

Ông ra về, buồn rầu kể lại cho con gái nghe về chàng giáo viên trường làng nọ. Cô gái an ủi ông:

– Mình phải vui mừng khi biết trên đời này có những người giàu trí tuệ như vậy, cha ạ. Giờ thì con hiểu rằng, chỉ với tâm linh trong sáng mới có an vui và tình thương đích thực… Con hi vọng là sẽ có nhiều người khác như thầy ấy.

Người cha lại khăn gói ra đi. Qua một thời gian dài trèo đèo lội suối lên chợ xuống đồng, ông mỏi gối trở lại quê nhà.

Cô gái săn sóc người cha khả kính. Nàng dịu hiền hỏi ông:

– Chuyến viễn du này, cha có gặp được người nào thông đạt những giá trị làm người, biết sống hạnh phúc không, thưa cha?

– Có… có… một thầy.

– Thưa cha, thầy ấy có bị ràng buộc gì về vợ con hay tình ái không?

– Không. Thầy ấy đang hướng đến mặt vĩnh hằng bất diệt trong cuộc sống.

Cô gái lộ vẻ vui mừng. Nhưng nàng e thẹn, không nói gì thêm. Nàng nhìn cha dò hỏi. Người cha xoa đầu con gái, nói nhỏ với nàng:

– Đó là… một thầy… tu.

(Tạp chí Tài Hoa Trẻ, 15/12/1998).

 

(Trang 104-108)

——————-

LỜI DÂNG

Nghề nghiệp, công việc chỉ có tính chất  quan trọng (nhiều  hay ít), chứ không có tính chất cao quý. Sự cao quý thuộc về nhân cách, lương tâm.

Không thật lòng tôn trọng sự lao động chân tay thì không biết yêu nhân dân; không biết yêu nhân  dân thì không thể có lương tri trong sáng, không thể có nhân cách cao.

Không ghét thói hối lộ thì không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân; không yêu dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thật có tinh thần cách mạng.

Xây và chống, mà không chống  thói hối lộ-thói nhận hối lộ, là không chân chính.

(Trang 109)

————–

Nếu giàu tri thức, giàu tài năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách; còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.

Không có sự liêm khiết trí thức thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.

Chưa có triết lí về giá trị nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.

Sự xấu ác là biểu hiện của cái “tôi” (bản ngã) đen tối.

Cái “tôi” càng lớn thì tình thương càng nhỏ. Càng chấp thủ  cái “tôi, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.

(Trang110)

————–

Theo cách nói của nhiều nhà vật lí thì vũ trụ là một mạng lưới chằng chịt vật chất và tâm linh tương quan với nhau. Hiểu như vậy, sẽ thấy toàn vũ trụ là một cơ thể bất khả phân.

Con người cần có sự định tâm tỉnh trí để thấy biết trọn vẹn tâm hồn mình. Không tự tri thì không tự chủ, không có sự liêm khiết và tự do tinh thần, không có Thiền.

Tham cứu Thiền là tham cứu sự sống và ý nghĩa cuộc sống.

Tự tritỉnh thứcvô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệtâm linh chung của tất cả.

(Trang 111)

————–

Thiền là tự tri, là siêu vượt tín ngưỡng, hình tướng, khái niệm…, là sống tỉnh thức toàn diện với trí vô sư, với trí tuệ siêu vượt quy định nhị nguyên (tức là sống với trí bát-nhã).

Về tôn giáo cũng như về các lĩnh vực khác, rất nhiều  người đạt đến đỉnh cao bằng con đường tự học, tự đào tạo, bằng cách sống thông thường. Khát vọng lớn thì thành công lớn.

Có thể có tinh thần tôn giáo mà không theo tôn giáo nào, tín ngưỡng nào.

Một  người ngoại đạo có thể sống khế hợp giác ngộ nếu có khát vọng. Ngộ đạo không khó, cái khó là có khát vọng.

 (Trang 112)

—————

Một nguyên thủ quốc gia, một nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư… nếu mang nặng thói tham ô, hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng  một  người ăn xin lương thiện.

Người đảng viên không thật lòng kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỉ.

Không phải “danh ngôn” nào, “lễ nghĩa” nào, “truyền thống” nào cũng giá trị, cũng đáng theo.

Tinh thần càng tự do thì trí tuệ-lương tri càng sáng.

Bệnh thành tích sinh ra thói dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.

Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.

(Trang 113)

————–

Đồng tiền nhà nước là mồ hôi của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là có tội với toàn dân.

Không ai là không có tâm xấu ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là trách nhiệm của mọi  người.

Có những thứ “vinh quang” dính đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người không minh mẫn, không biết chính tà.

Chưa nghiên cứu nghiêm túc về bản ngã (cái “tôi”) thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.

Không biết phục thiện thì không thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chi là kẻ ấu trĩ về trí tuệ.

(Trang 114)

————–

Muốn giác ngộ chân lí tuyệt đối, phải biết “đạt lí, quên lời”, không chấp thủ ngôn từ, hình tướng – dù hình tướng thánh nhân.

Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn, phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”.

Nhà giáo yếu kém nhân cách thì chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.

Một vấn đề lớn của thời đại chúng ta, là làm thế nào để xây dựng vững chắc cảm hứng sống có đạo đức nhân văn ở con người.

(Trang 115)

————–

 

LỜI DÂNG

(Tiếp theo)

Thiền định tự tri thì không thuộc riêng tôn giáo nào hay nền văn hoá giáo dục nào; đó là tài sản cực kì quý giá của nhân loại muôn đời, của vũ trụ.

Tu viện lớn, lễ lược nhiều không có ý nghĩa bằng chăm lo chu đáo và khoa học cho sự tu tập và đời sống vật chất của tu sĩ.

Bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều là bóc lột tuổi trẻ.

Một tinh thần thật sự trẻ trung và đầy sinh lực là một tinh thần trong sạch. Tinh thần đó ít lệ thuộc vào thể trạng và hoàn cảnh.

Không xiển dương sự thanh tẩy tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.

Sách báo là thầy, là bạn, là nguồn cảm hứng.

(Trang 116)

————–

Trái đất đang nóng dần lên; tâm hồn nhân loại đang nóng bỏng. Nhà khoa học nỗ lực vá tầng ô-dôn; thiền gia nỗ lực thiền định để góp phần chuyển hoá tâm trí nhân loại bằng năng lượng tỉnh thức, an lạc, thanh thoát, từ bi. (Nên thấu hiểu rằng, lòng tự hào tôn giáo cũng là cái “tôi” hiếu chiến vô minh).

Tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” là tư tưởng của hạng người yếu kém văn hoá (dù có bằng cấp cao, địa vị cao), là tư tưởng của hạng người vong ân bội nghĩa đối với nhân dân lao động, là tư tưởng phản giáo dục (dù đang làm nghề dạy học, lãnh đạo giáo dục).

Nhà tâm lí học không thể hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí nếu không thiền định tự tri. Nhà giáo dục học, nhà chính trị học sẽ không có tầm nhìn minh triết về giáo dục, về chính trị nếu không hiểu biết sâu sắc cơ cấu tâm lí con người. Nhà truyền bá tôn giáo sẽ hạ thấp giá trị tôn giáo nếu thiếu quan tâm vấn đề này.

(Trang 117)

————–

Tham quyền cố vị thì không yêu dân, không yêu nước.

Làm chính trị  chân chính thì đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận thấy khuyết điểm, sai lầm.

Cái đầu tham ô làm tổn thất hơn một nửa chất xám cho công việc thuộc trách nhiệm của nó.

Nếu các cơ quan, các nơi công cộng, các phương tiện truyền thông thường xuyên dùng khẩu hiệu để chống tham ô, hối lộ, bè phái… thì các tệ nạn này sẽ giảm nhanh.

Phải thấy rằng nạn hối lộ là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân loại, của đất nước.

(Trang 118)

————–

Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt.

Có đức mà không có tài, không phải là vô dụng, vì vẫn có tác dụng giáo dục lớn lao đối với xã hội (qua lối sống), vì vẫn mang năng lượng tinh thần (thiện ích) ảnh hưởng tốt đến môi trường sống của cộng đồng (có cả giá trị giáo dục). Có tài mà không có đức, không chỉ có hại cho xã hội về hành vi xấu, mà còn mang năng lượng tâm thức độc hại cho môi trường (và cho bản thân mình)(Vấn đề này Phật giáo gọi là tạo nghiệp tốt xấu; nghiệp cũng mang năng lượng; toàn vũ trụ là những dòng chảy năng lượng).

(Trang 119)

————–

Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung cho hoà bình, công bằng, nhân ái – thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với người.

Thiền chân chính, tôn giáo chân chính không thể không lấy “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” làm lí tưởng, làm mục đích. Đó là cốt tuỷ của Thiền học chân truyền, của hành trạng Đại thừa.

Tâm hồn không thanh bình thì cuộc sống kém chất lượng, hiệu quả công tác không cao, không có kinh nghiệm về niềm an vui tự phát, không thể ngộ nhập Tánh Viên Giác vốn có ở chúng sinh và trùm khắp mười phương.

Truyền bá minh triết thiền “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là góp phần xây dựng nền văn hoá hoà bình, nền văn hóa tiên tiến.

(Trang 120)

—————

Nền  văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém.

Óc địa vị là biểu hiện của bản năng quyền lực đậm nét thú tính; nó không biết quý trọng giá trị nhân cách.

Tuyên truyền quá nhiều về giá trị của kinh tế, của văn minh vật chất sẽ làm cho giá trị của nhân cách, của đạo đức, của văn minh tinh thần bị coi thường.

Từ năng lượng quán tâm (tự tri) xuất sinh tình thương, niềm vui, năng lực sáng tạo có chất lượng cao, xuất sinh nhãn quan minh triết, tác dụng giáo dục.

(Trang 121)

————–

Tâm thái vô ngã là tâm thái hòa bình, bao dung, minh triết, thông minh.

Khi đã biết sống với tâm vô ngôn thì tuỳ duyên ứng xử, không bị quy định bởi bất cứ gì; đó là sự tự do tự tại đích thực của tâm trí. Tâm Thiền là Chân-Thiện-Mĩ. Minh triết tối thượng là biết dừng tâm và tịch chiếu.

Theo nhiều nhà khoa học tự nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho toàn vũ trụ (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân.

“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.

Sự tĩnh tâm tự tri có công năng giữ gìn lương tri, sự tự chủ, sức khoẻ tinh thần, giá trị làm người .

(Trang 122)

————–

Người biết yêu nét đẹp của tâm hồn là người trưởng thành tâm trí, là người có tinh thần dũng cảm, biết sống với hạnh phúc chân chính.

Càng hướng đến lí tưởng vô ngã thì cái “tôi” càng giàu thiện ích mĩ.

“Vô ngã” là bản ngã (cái “tôi”) chuyển thành trạng thái tâm trí hòa bình, tỉnh sáng, “vô ngôn giữa muôn lời”.

 Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mĩ.

“Vô ngã” là Sự Sống bất sinh bất diệt. “Vô ngã” là chân ngã, là giải thoát.

(Trang 123)

————–

Tâm hồn không tự do thì không có năng lực tư duy độc lập, không cảm thụ được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống, nghèo nàn tinh thần sáng tạo, kém nhân cách.

Nặng óc cục bộ thì không yêu dân, không yêu nhân loại; chỉ yêu cái “tôi”, luôn bao che những xấu ác.

Tâm ý xấu ác không chỉ có hại cho thế giới, mà còn rất hại cho môi trường năng lượng của mình.

Tư tưởng xuất thế góp phần làm trong sạch sự nhập thế.

Muốn chữa cơn bệnh nặng, không thể chỉ uống vài lần thuốc. Muốn rèn luyện cơ thể, không thể chỉ cần một vài buổi tập. Cũng vậy, muốn cải tạo những tính xấu thì phải có chương trình học tập, rèn luyện lâu bền. Đây là điều mà ngành giáo dục cần quan tâm đúng mức khi bàn đến chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục, đào tạo cán bộ…(Giúp cho mọi người có cảm hứng tự hoàn thiện nhân cách, đó là vấn đề cực kì quan trọng của giáo dục, của văn hóa).

(Trang 124)

————–

Tâm trí không tĩnh lặng thì không thể giáp mặt thực-tại-đúng-như-thực, không thể giáp mặt chân lí cuộc sống.

Thượng Đế (hay Chân-Thiện-Mĩ) không thuộc về phe này hay nhóm kia, không thuộc về hình tướng nào; mà thuộc về những tâm hồn trong sạch, bình đẳng, bác ái, từ bi. Đó là Tánh Viên Giác.

Khi sống muốn bao la cùng trời đất thì khi chết sẽ không bị trói buộc vào chốn phiền não.

(Trang 125)

————–

Thursday, May 31, 2012

ĐƯỜNG VỀ MINH TRIẾT – Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

LỜI DÂNG

(Tiếp theo)

Tự tri là, bằng trí tuệ nội quán, nhận biết trọn vẹn mọi cảm giác, tư tưởng, ý muốn, nhận thức phân biệt v. v…đang xảy ra trong tâm trí. Đây là sự nhận biết (kiến chiếu) một cách tự nhiên, không phê phán, không lấy-bỏ (thủ-xả), không dụng công. Có năng lực kiến chiếu này thì tâm trí sẽ tĩnh lặng (tỉnh thức) và thấy rõ bản chất của bản ngã (cái “tôi”). Bản ngã sẽ được chuyển hoá thành trạng thái tâm vô ngã – tức là tâm thái hoà bình, từ bi đích thực, mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn “mạng lưới vật chất và tâm linh” của vũ trụ.

Khi ngồi định tâm mà vẫn nhớ nghĩ đủ chuyện (tức nói năng bên trong) thì giống như khi ngồi một mình mà nói đủ điều. Đó là tình trạng bất bình thường của tâm trí, của bộ não và hệ thần kinh.

“Tỉnh thức” là “có mặt” trong giây phút hiện tại với những gì đang xảy ra.

“Có mặt” tức là tâm trí không còn vọng tưởng lang thang.

(Trang  126)

—————

Người biết yêu điều tốt ghét điều xấu là người biết phục thiện; người  biết phục thiện thì dễ tiếp thu đạo lí giác ngộ; người biết tiếp thu đạo lí giác ngộ thì dễ thực hành tự tri; người biết thực hành tự tri thì dễ thực chứng chân lí tuyệt đối, siêu vượt khái niệm-tướng trạng.

Khí kẻ ác tấn công ta, ta sử dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn là sử dụng lòng căm thù.

Vô ngã là tâm thái tịch tri, tịch chiếu, thường tịch quang. Vô ngã là Chân ngã.

Đừng coi thường việc chữa trị các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.

(Trang 127)

————–

Những người yếu kém văn hoá (có thể có học vị cao, tri thức dày) thường coi khinh dân quê, coi khinh những nghề lao động vất vả, thu nhập thấp. Tâm hồn họ bị xơ hoá, vô cảm, vong ân.

Cái nhìn khách quan không thể đánh giá được nhân cách minh triết; chỉ họ tự biết. Nhân cách  minh triết tối cao chính là nhân cách tự-do-tinh-thần. Đó là giá trị cao nhất.

Tâm bất bình thường thì não bất bình thường. Tâm não bất  bình thường tác động bất bình thường đến sự vật và ảnh hưởng xấu đến nhận thức của ta, đến cuộc sống của ta (kể cả hoàn cảnh).

Được lên thiên đường bởi niềm vui: niềm vui mang tính chất nhân từ. Bị xuống địa ngục cũng bởi “niềm vui”: niềm vui mang tính chất gian ác.

(Trang 128)

————–

Không quan tâm đến sự sống sau khi thể xác chết là quá thờ ơ với tương lai.

Trong ta có “tấm gương” “nghe và thấy” được tư tưởng, cảm giác, ý muốn… Tĩnh  tâm một thời gian thì tấm gương này sẽ lộ rõ. Nó càng sáng, ta càng dễ thấy cái “tôi” và cái “tôi” dễ dàng được chuyển hoá thành “vô ngã”.

Mọi tài năng đều có giá trị về mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.

Tôn giáo có ý nghĩa lớn về đạo đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái .

(Trang 129)

————–

Gọi là “Thiền” hay từ nào khác cũng được, điều quan trọng là cái nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.

Thiền học không nên chỉ dạy hạn chế ở  một vài ngành đại học, mà nên phổ cập ở mọi cấp học để có nền tảng vững chắc trong giáo dục-đào tạo nhân cách.

Cái “tôi” làm cho tâm hồn nặng trĩu vì uy lực, còng xuống vì nô lệ, đen tối vì tự ti, tự phụ, tự ái…

Thiền định tự tri càng cao thì càng minh mẫn hơn, chủ động hơn với cuộc sống, với công việc; năng lượng phiền não được chuyển hoá thành năng lượng an lạc, thiện ích .

(Trang 130)

————–

Niệm (nhớ-nghĩ) luôn xuất  hiện trong tâm. Chúng là ngôn từ (tiếng nói bên trong) và có hình tướng (sóng tâm thức). Trong thiền định (tự tri), ai thấy rõ niệm sinh diệt liên tục, thấy rõ chỗ niệm xuất hiện và chấm dứt (tức là khoảng trống giữa hai niệm) thì sẽ nhận ra (ngộ) tâm vô niệm, “vô ngôn”. Đó là tâm thể “một niệm vô ngôn” như vầng trăng toả sáng. (“Niệm” trong “niệm vô ngôn” có huyền nghĩa khác hẳn với “niệm” trong “vọng niệm”. Phải ngộ mới thấy, mới biết). Vô ngôn đó khi đã “an định”, sẽ soi sáng muôn lời (tức là soi sáng trí phân biệt  tương đối), sẽ là tri giác tự do tự tại, thoát tình trạng vọng động vô minh. Đó là “tánh sáng” bất sinh bất diệt.

Phải biết “ghét” bệnh phong,  nhưng đừng ghét người mang bệnh phong; cũng vậy, phải biết ghét thói xấu nhưng đừng ghét người đang có thói xấu. Sự xấu ác là bệnh tinh thần .

(Trang 131)

————–

Nếu chưa quán tâm (tự tri) để thấy rõ tướng trạng như huyễn của bản ngã thì  chưa biết “đọc kinh bằng tâm”, chưa biết đọc công án Thiền.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là giúp người khác biết sống với hạnh phúc trong sáng – thứ hạnh phúc mà người văn nghệ sĩ chân chính phải có, nhà văn hoá chân chính phải có, con người biết tự tin-tự trọng phải có.

Thỉnh thoảng có được một vài phút sống với tâm vô ngôn cũng có công đức và phước đức rất lớn.

Giới hạnh là vấn đề khoa học, vấn đề nhân quả. Chí hướng giác ngộ biết tôn trọng nhân quả, nhưng muốn siêu vượt nhân quả, luân hồi.

Muốn có hiệu qủa cao trong việc chống hối lộ-tham ô-bè phái, một đại nạn của thế giới, thì tôn giáo phải vào cuộc với giới luật rõ ràng về vấn đề này.

(Trang 132)

————–

Thói hối lộ sinh ra nhiều tội ác nghiêm trọng.

Thấy-biết khác với hiểu. Nếu thấy-biết của tâm chưa khế hợp với Bát Nhã Tâm Kinh thì chưa có Trí Bát Nhã.

Một trong những phương cách giúp duy trì cảm hứng sống thiền là tọa thiền mỗi ngày. Không nên bỏ trắng ngày nào cả (vì lí do gì đó cũng nên duy trì vài phút).

Tâm vô ngôn là sự tỉnh thức toàn diện của sự sống.

Khoác lác, tự đại, tự ti, khiêm tốn đều không có lợi cho Đạo.

Muốn đi sâu vào kinh sách về Thiền, phải có năng lực đọc-hiểu và đọc-thấy. Thiền định tự tri làm xuất sinh năng lực đọc-thấy. Đó là cái thấy nội tại.

(Trang 133)

————–

Khi tâm hồn không có lí tưởng thánh thiện và minh triết thì con người rất dễ bị cái xấu lôi cuốn, rất dễ bị tha hóa biến chất.

Chưa thật thấy chúng sinh là ân nhân của mình thì chưa có phẩm chất Bồ tát, chưa tỉnh thức.

Tâm Đại thừa là tâm khiêm hạ, hiểu rằng tội lỗi của mình từ vô lượng kiếp đã ảnh hưởng xấu đến tất cả chúng sinh.

Tâm Đại thừa khởi phát  từ sự nhận thức sâu sắc rằng, tội lỗi của cá thể ảnh hưởng đến toàn thể, qua thân khẩu ý.

(Trang 134)

————–

Thể xác thì tất nhiên có sở trụ, nhưng tinh thần thì cần “hướng đến” vô sở trụ.

Làm cho con người biết yêu quý nét đẹp tâm hồn mình, đó là nhiệm vụ cao cả của văn hoá, của giáo dục, của tôn giáo.

Thiền định tự tri là sống tận nền tảng, tận cội nguồn sự sống.

Giá trị giác ngộ, giá trị Đại thừa không nằm ở hành vi, hình tướng bên ngoài, mà ở thực chất của tâm. Nếu thật sự có giác ngộ, có tâm Đại thừa thì dù sống ẩn dật vô danh vẫn có thiện ích lớn cho chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.

Có duyên lành với nền văn hoá giác ngộ là có diễm phúc cực kì lớn lao.

Không tôn trọng phương tiện thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình, tỉnh thức.

(Trang135)
————–

Thursday, June 7, 2012

Tuệ Thiền Lê Bá Bôn – ĐƯỜNG VỀ MINH TRIẾT

 

                                 LỜI DÂNG

                                  (Tiếp theo)

Khi ta suy nghĩ, ta chỉ tiếp xúc với một vài khía cạnh cuộc sống. Nhưng nếu muốn giáp mặt thực tại toàn diện của cuộc sống thì phải im lặng tâm trí.

Tâm giải thoát phiền não mang ý nghĩa hiếu nghĩa lớn nhất, mang ý nghĩa nghĩa vụ và trách nhiệm cao quý nhất, vì đó là hành động thuận đạo lí, thuận hợp đại luật vận hành của vũ trụ.

Nếu đã thật sự phát khởi tâm nguyện lớn (tâm Đại thừa) thì dù  chưa triệt ngộ, vẫn có thể tuỳ duyên sử dụng nghịch hạnh.

Khi triết lí giáo dục chưa minh triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu lương tri ở người cán bộ.

Càng tôn vinh quá độ các gíá trị bản năng và công cụ (nhất là công cụ trí óc) thì thế giới càng đảo điên, khốn đốn.

(Trang 136)

————–

Vắng mặt năng lực tự tri tự chủ, vắng mặt trí-lương-tri thì trí-công-cụ sẽ trở thành tôi tớ cho trí-chó-sói.

Cái “tôi” càng lớn, càng bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức càng suy yếu, tư tưởng và hành vi “người bóc lột người” càng đa dạng .

Người có tâm Đại thừa thì vui mừng vì nhiều người biết hướng thượng, chứ không cố chấp “hơn thua” về khái niệm, về từ ngữ.

Giáo dục “toạ thiền-quán hơi thở-tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm trí, cải thiện thế giới.

(Trang 137)

————–

Thiền là sống tỉnh thức, thực tế và minh triết.

“Vô niệm”  để chấm dứt trí nhớ tâm lí – thứ trí nhớ lấy cái “tôi”, cái chấp ngã làm trọng tâm.

Niềm tin nếu đi đôi với  sự chấp ngã nặng nề thì nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo sân si.

Không biết tu tâm thì không thể phát triển nhân cách. Sự tu tâm chân chính là việc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với xã hội, vũ trụ.

Không tự tri, tức quán tâm, thì không thể thấy huyễn tướng cái “tôi”, tức bản ngã.

Sự giác ngộ đích thực thì đi đôi với lòng từ bi, bao dung.

(Trang 138)

————–

“Tự tri” là quán chiếu tâm thức, là biết rõ tâm trí. “Tỉnh thức” là tâm không vọng tưởng. “Vô ngã” là tâm thái hoà bình, an lạc, yêu thương, thiện ích, tự do tự tại, diệu dụng, bất sinh bất diệt, tịch tri, tịch chiếu.

Truyền bá minh triết Thiền Định Tự Tri là góp phần cải tạo xã hội.

Khi dục vọng vô mình và sự chấp ngã ngự trị thì không có tự do tinh thần.

Vô minh là trạng thái tâm trí trụ vào kiến chấp nhị nguyên (nhị tướng).

Tự tri là hồi quang phản chiếu, là nội quán.

Giá trị làm người thể hiện ở hiệu quả thiện ích, ít tác hại (nhất là ở mặt “tiềm ẩn” là năng lượng tâm thần) đối với xã hội , đối với vận hành của vũ trụ.

(Trang 139)

————–

Thấu triệt lí duyên sinh-vô ngã thì tâm dễ tĩnh lặng, não dễ chuyển hóa, dễ ngộ nhập chân lí tuyệt đối.

(Trang 140)