Một vần thơ cho mẹ

Một vần thơ cho mẹ

Trương Văn Chiến 19
Một mảnh không gian

 Thưa mẹ, mẹ có biết không, thời gian, không gian làm cho con run sợ và phẩn uất. Đó là những biên giới đã phân chia tất cả, đã ngăn cách tất cả làm cho con người lẽ loi và cuộc sống bơ vơ. Con muốn tạo ra trong quả tim nhỏ bé của con một thế giới mà nơi đó không có không gian cũng chẳng có thời gian, tất cả những gì con ôm ấp đều gần gũi với nhau.

Biết bao nhiêu lần mẹ đã kể cho con nghe quảng đời con gái của mẹ nơi làng quê, bên ông ngoại bà ngoại…, những dịp lễ trong làng, những hội rằm, vui biết mấy. Vào những dịp như thế, ông ngoại vừa là thầy đồ lại vừa là thầy thuốc của làng thường đứng ra tổ chức các cuộc thi cờ người ở sân nhà mà mẹ còn nhớ mãi. Học lóm, mẹ đánh cờ rất giỏi. Mẹ cũng đã học được cả chữ nho và cả nghề bốc thuốc của ông ngoại.

Rồi một hôm, mẹ về nhà chồng và không còn dịp nào quay về làng quê nữa. Mẹ làm dâu cực khổ lại vừa phải tảo tần, buôn bán để nuôi cha ăn học ở Hà-nội.

Mẹ kể rằng mẹ phải đi từ khi trời còn tối đen, lúc gà chưa gáy, gánh hai thúng hàng sén ra chợ. Mẹ bán từng đoạn chỉ, cái kim, cái khuy, cái lược… Chiều trên đường về, theo bờ đê, dọc đường làng, mẹ thường tìm nơi nào có ao sen để ngồi nghỉ chân. Mẹ nói mẹ thích hoa sen nhất trên đời, ngắm hoa soi bóng trên mặt nước là mẹ đỡ mệt hẳn đi. Nhìn hoa mẹ mơ màng nghỉ đến ông ngoại, bà ngoại nơi làng quê, đến cha ở Hà Nội, đến cái quảng đời con gái của mẹ.

Rồi cha thi đỗ, được bổ đi làm tận bên Lào. Mười năm theo cha từ hạ Lào, thượng Lào, Vân Nam…, mẹ dành dụm gởi tiền về cất cho bà nội một căn nhà ngói ở Sơn Tây. Căn nhà vẫn còn đấy mẹ, tuy xiêu vẹo, điêu tàn và cô giáo Tường cũng đã bán cho người khác rồi.

Năm 1938, mẹ lại theo cha vào Nam. Có những đêm nhớ làng quê, nhớ ông ngoại, bà ngoại, mẹ đọc chữ nho cho con nghe, con chẳng hiểu gì cả. Mẹ còn nhớ bóng dáng ông ngoại ngồi trên chiếc phản gỗ dạy học trò, mẹ lấp ló cạnh cửa, bên vách để học lóm. Là con gái, mẹ không được học, thế mà mẹ cũng thuộc được gần hết Ngũ kinh, Tứ thư. Con không thích kinh thư vì chẳng hiểu gì cả, nhưng có những đêm mẹ hát cho con nghe những bài hát mà mẹ thường hát khi còn con gái, những điệu cò lả, trống quân, ru con, quan họ…, con  cố cầm nước mắt. Tiếng hát của mẹ rưng rưng, chan chứa tình thương nhớ tự đáy lòng vẫn còn âm vang trong đầu con.

Mẹ nhắc mãi ước vọng của mẹ, cái ước vọng lớn nhất, cái ước vọng cuối cùng được trở về quê cũ, thăm mộ ông ngoại, bà ngoại, thăm bờ ao cạnh nhà, thăm con đường làng Mông Phụ.

Mùa xuân năm 1991, thay mẹ con đã tìm về được ngôi làng của mẹ. Nhưng đâu còn gì nữa, con chẳng tìm ra ngôi nhà của ông ngoại. Hỏi về nhà họ Đỗ, vài người còn nhớ mang máng thế thôi. Nhà cửa san sát, con chẳng thấy bờ ao, cũng chẳng thấy bóng tre. Hơn ba phần tư thế kỷ đã chia cách cái quảng đời con gái của mẹ.

Con đã muốn gói một nắm đất của làng Mông Phụ đem về Nam đắp lên mộ mẹ, nhưng mộ mẹ cũng đâu còn, BắcViệt nghĩa trang gần Tân Sơn Nhất đã biến thành một đám ruộng khoai.

Thôi mẹ ạ, mẹ hãy quên đi, tất cả những gì trên thế gian này đề phù du cả. Mẹ hãy nhắm mắt và gạt bỏ tất cả, mẹ chỉ nên giữ những gì còn sót lại trong đáy tim mù quáng của mẹ. Những sót lại đó, con tin rằng lúc nào cũng thầm kín, vẹn toàn và trường tồn mãi mãi.

Cái mảnh không gian làng quê mẹ mà mẹ đã dùng tình thương để phác họa trong tâm hồn con vẫn còn nguyên, vẫn có ánh nắng hồng, có vũng ao sen, có hội trăng rằm, vẫn phảng phất bóng dáng ông ngoại bà ngoại. Con xin được mang cái mảnh tình thương đó, cái mảnh không gian nguyên vẹn đó mà mẹ hằng ấp ủ đê trả lại mẹ, để đắp cho mẹ trong giấc ngủ ngàn thu:

Rọc rách không gian từng miếng nhỏ,
  Xếp vào từng mảnh túi hành trang.
  Lớp lớp không gian ngày xưa đó,
  Gói vào nén chặt nổi niềm thương.

  Cắt đứt thời gian từng đoạn ngắn,
  Buộc túi hành trang đeo lên vai.
  Hun hút ngàn thu đâu cách mãi?
  Thời gian đâu dễ vướng chân ai.

  Đường về quá khứ lần bước nhẹ, 
  Tìm về với mẹ chuỗi ngày thơ.
  Chọn mảnh không gian làng quê mẹ,
  Trải ra phủi sạch lớp bụi mờ.

  Cả mảnh không gian ửng nắng hồng,
  Có hàng tre rũ, vũng ao sen,
  Có ông bà ngoại thương con gái,
  Rời bỏ làng quê đi lấy chồng.
 
  Chẳng một lần về, xa từ đấy,
  Mẹ xa bà ngoại xa ông ngoại,
  Xa cả bờ ao, xa luống khoai,
  Tiếc cả hội làng vui biết mấy…

  Nhắc mãi mẹ thương hoài quê cũ,
  Cố gói về đây bên cạnh mẹ,
  Chút mảnh không gian làng Mông Phụ,
  Đắp lên mình mẹ giấc ngàn thu.