– Nếu chỉ có thức tại sao trong các kinh đức Thế Tôn nói có ba tánh?
Nên biết ba tánh cũng không lìa thức, vì sao?
Tụng nói:
Do Biến kế nọ kia,
Biến kế chủng chủng vật,
Biến kế sở chấp này,
Tự tánh toàn không có,
Tự tánh Y tha khởi,
Do duyên phân biệt sanh;
Viên thành thật nơi đó,
Thường xa lìa biến kế.
Nên nó cũng Y tha,
Chẳng khác chẳng không khác,
Như tánh vô thường thảy,
Thấy đây, mới thấy kia.
Luận rằng: So đo chấp trước cùng không mọi thứ, nên gọi là Biến kế. Phẩm loại Biến kế rất nhiều, cho nên nói là nọ kia (kia kia). Ðó tức là tính hư vọng phân biệt Năng biến kế. Chính tính hư vọng phân biệt năng Biến kế nọ kia mà chấp trước cùng khắp mọi vật bị biến kế; đó là vọng chấp năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới v.v… là thật có ngã hoặc pháp với tự tánh và nghĩa sai biệt của nó (như ngã pháp thường, vô thường). Tự tánh và nghĩa sai biệt ngã pháp được vọng chấp này, chung gọi là Biến kế sở chấp tự tánh. Chính tự tánh Biến kế chấp đó hoàn toàn không có, vì đem giáo lý suy xét thấy nó không thể có được.
– Hoặc câu tụng đầu “Do Biến kế nọ kia” Là nói về thức năng biến kế. Câu thứ hai “Biến kế chủng chủng vật” là nói về cảnh sở biến kế. Nữa phần bài tụng sau mới nói đến Biến kế sở chấp hoặc ngã hoặc pháp, tự tánh không phải có, vì đã rộng nói rõ ràng nó là bất sở đắc (không có được).
– Ðầu hết, tự tướng của Năng biến kế như thế nào?
– Có ý kiến cho rằng tám thức và các Tâm sở hữu lậu đều là Năng biến kế, vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt hiện ra tương tợ như kiến phần năng thủ và tướng phần sở thủ. Lại nói A lại da thức lấy chủng tử vọng chấp về tự tánh Biến kế sở chấp làm sở duyên.
– Có ý kiến cho rằng tâm phẩm thức thứ sáu, thức thứ bảy chấp ngã và pháp đó mới là Năng biến kế. Nhưng trong kinh chỉ nói ý thức là Năng biến kế, vì ý và thức chung lại gọi là ý thức; kế đạt và phân biệt là Năng biến kế. Vì chấp ngã và pháp tất là Tuệ tâm sở, do chấp ngã và pháp tất cùng khởi với Vô minh tâm sở, nên không nơi nào nói vô minh có thiện tánh; vì một bên si và một bên vô si không tương ưng nhau; vì không thấy người có chấp thủ mà dẫn đến “không trí” được; vì chấp có và chấp không, không cùng khởi được; vì chưa từng có sự chấp nào mà không phải năng huân. Vi tâm hữu lậu không chứng thật lý được, nên tất cả đều gọi là hư vọng phân biệt (chứ không phải là Năng biến kế).
Vì tuy hiện ra tợ như tướng sở thủ, năng thủ nhưng không phải hết thảy đều là Năng biến kế. Chớ bảo rằng tâm vô lậu cũng có chấp (nếu tâm vô lậu cũng có chấp) thì trí hậu đắc vô lậu của Như Lai cũng có chấp (biến kế) sao?
Khế kinh nói: “Trí hậu đắc của Phật hiện ra các tượng thân, và tợ như tấm gương”, nếu không có tác dụng năng duyên, sở duyên thì không phải là trí.Tuy Thánh giáo nói: “Tạng thức duyên chủng tử của Biến kế, nhưng không nói “Duy: chỉ” duyên Biến kế”, cho nên không phải là lời chứng minh đúng.
Do lý lẽ đó mà chỉ tâm phẩm thứ sáu và thứ bảy là có tánh Năng biến kế.
Thức phẩm tuy có hai là thức thứ sáu, thức thứ bảy, nhưng Biến kế đối với hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười đến hai mươi pháp (như danh,, nghĩa, thường, vô thường, thiện, bất thiện v.v…) khác nhau, cho nên trong bài tụng nói “nọ kia (kia kia)”.
Thứ đến tự tánh của Sở biến kế như thế nào?
– Luận Nhiếp Ðại thừa nói: “Ðó là Y tha khởi, nó là sở duyên duyên của tâm Biến kế”.
Hỏi: – Tánh Viên thành thật sao không phải là cảnh sở duyên của biến kế?
Ðáp: – Vì chơn tánh không phải là cảnh sở duyên của vọng chấp. Nếu ước theo nghĩa triển chuyển mà nói thì nó cũng là Sở biến kế. Nhưng bởi Biến kế sở chấp ngã pháp tuy là cảnh của tâm Năng biến kế, song không phải là Sở duyên duyên (vì ngã pháp không thật, nó chỉ làm sở duyên, giống như mặt trăng thứ hai), cho nên Viên thành thật tánh không phải là Sở biến kế.
– Tướng của Biến kế sở chấp như thế nào? Nó với Y tha khởi có gì khác?
– Có ý kiến cho rằng Tâm và Tâm sở hữu lậu trong ba cõi, do sự huân tập hư vọng, sanh ra tợ như hai, là kiến phần và tướng phần, tức năng thủ, sở thủ. Hai phần này về tình thì có, về lý thì không. Tướng hai thứ đó gọi là Biến kế sở chấp. Còn thức thể tự chứng phần làm chỗ nương cho kiến tướng, thức thể thật nương duyên sanh, tánh nó chẳng phải không, nên gọi là Y tha khởi, vì do duyên hư vọng phân biệt mà sanh ra. Làm sao biết như thế? Vì trong các Thánh giáo nói: “Hư vọng phân biệt là Y tha khởi”; còn hai thủ thì gọi là Biến kế sở chấp (ý đoạn này lấy tự chứng phần làm Y tha khởi, kiến tướng phần làm Biến kế sở chấp – không chính).
– Có ý kiến cho rằng hết thảy Tâm và Tâm sở do sức huân tập mà biến ra hai phần kiến và tướng, hai phần này là do duyên sanh, cũng là Y tha khởi. Biến kế y vào đó vọng chấp cho là nhất định có thật ngã pháp, có, không, một, khác, khác, câu, bất câu v.v… đó mới gọi là Biến kế sở chấp. Vì trong các Thánh giáo nói chỉ có duy lượng (thức), duy hai (kiến tướng), duy các thứ đó đều được gọi là Y tha khởi (ý đoạn này chính đáng).
Lại bốn pháp là tướng, kiến, tự chứng, chứng tự chứng, và 11 thức (thân thức tức năm thức thân, giả thức tức nhiễm ô ý, thọ giả thức tức ý giới v.v… ) trong luận nói đều là Y tha khởi. Nếu kiến và tướng mà không phải Y tha khởi, thì hai phần kiến và tướng của hậu đắc trí vô lậu được gọi là Biến kế sở chấp. Nếu chấp nhận đó là Biến kế, thời Thánh trí không phải duyên hai phần kiến và tướng sanh, hoặc Thánh trí duyên hai phần đó không phải thuộc Ðạo đế. Nếu không chấp nhận kiến và tướng của trí hậu đắc là Biến kế sở chấp, thì hai phần kiến tướng của tâm hữu lậu cũng vậy.
Lại nếu hai phần kiến và tướng là Biến kế sở chấp, thì có thể nói như sừng thỏ, không phải là Sở duyên duyên. Vì thể của Biến kế sở chấp là không thật có.
Lại hai phần kiến và tướng đã không thật, thì không huân thành chủng tử, như vậy thức sau sanh ra không có hai phần.
Lại các tập khí là tướng phần của thức thứ tám, vả lại là pháp không thật có, mà có thể làm nhân duyên sanh ra tám thức hiện hành sao?
Lại nếu hai phần kiến và tướng trong nội thức do duyên sanh mà không phải là Y tha khởi, thì thức thể (tự chứng phần) làm chỗ nương cho kiến và tướng đó cũng thế, vì nguyên nhân hai bên không khác nhau.
Do lý lẽ đó, mà hết thảy tự thể Tâm, Tâm sở và tướng kiến phần do duyên sanh, dù hữu lậu, vô lậu đều là Y tha khởi, tức là y nơi duyên khác mà được sanh khởi.
Bài Tụng nói: “Do duyên phân biệt sanh” để chỉ về phần nhiễm Y tha, còn phần tịnh Y tha thì cũng có thể nói là Viên thành thật; hoặc các Tâm và Tâm sở nhiễm, tịnh, đều gọi là phân biệt, vì có khả năng duyên lự thì hết thảy nhiễm tịnh Y tha, đều nhiếp vào trong tánh Y tha khởi này.
– Thật tánh viên mãn thành tựu cũa các pháp do hai không hiển lộ, gọi là Viên thành thật, biểu thị thể tánh nó biến khắp, thường hằng, và không phải hư vọng sai lầm, giản biệt với tự tướng (không biến khắp), cộng tướng (không thường trụ), hư không vô ngã (hư vọng) v.v…
Hoặc pháp hữu vi vô lậu rốt ráo lìa điên đảo, có tác dụng thù thắng châu biến, cũng được gọi là tánh Viên thành thật. Nhưng nay trong bài Tụng cốt nói nghĩa trước, chứ không phải nói nghĩa sau. Nghĩa trước là tánh Viên thành thật đó chính là tánh Chơn như được hiển lộ bởi hai không, do từ trên Y tha khởi kia thường xa lìa tính Biến kế sở chấp trước đó. – Tụng nói chữ “nơi đó” là biểu thị tánh Viên thành thật với tánh Y tha khởi chẳng tức chẳng ly.- Tụng nói chữ “thường xa lìa” là biểu thị tánh hư vọng chấp trước năng thủ, sở thủ không phải thường có. – Tụng nói chữ “trước” là có nghĩa biểu thị không có Biến kế, chứ chẳng phải là không có Y tha. – Tụng nói chữ “tánh” là có nghĩa biểu thị “hai không”, chứ chẳng phải là Viên thành thật; vì Chơn như (Viên thành thật) xa lìa cả tánh hữu và vô.
Do lý lẽ trên, Viên thành thật này với Y tha khởi kia chẳng phải khác, chẳng phải không khác. Khác thì hóa ra Chơn như không phải là thật tánh của Y tha, còn không khác thì thật tánh Chơn như này hóa ra là vô thường như Y tha. Y tha kia, Chơn như này nếu đều là cảnh tịnh cả hoặc phi tịnh cả, thời trí căn bản và trí hậu đắc không có công dụng khác nhau (như vì Chơn như thì thuần tịnh, còn Y tha thì thông cả tịnh và phi tịnh, nên hai trí duyên hai cảnh có khác nhau. Căn bản trí duyên Chơn như, hậu đắc trí duyên Y tha).
– Thế nào là tánh Viên thành và tánh Y tha chẳng phải khác chẳng phải một?
Như trong các pháp vô thường, vô ngã tánh vô thường với các pháp nếu là khác, thì các pháp kia chẳng phải vô thường; nếu là không khác thì vô thường này không phải là cộng tướng của các pháp kia.
Do ví dụ đó, hiển thị Viên thành thật này với Y tha khởi kia chẳng phải một, chẳng phải khác. Pháp và pháp tánh, lý phải như thế. Thắng nghĩa và thế tục đối đãi với nhau mới có được.
Chảng phải không chứng thấy tánh Viên thành mà lại có thấy tánh Y tha khởi, vì nếu chưa đạt đến tánh Biến kế sở chấp là không, thì không thể như thật biết được tánh Y tha khởi là có.
Trí vô phân biệt chứng Chơn như xong, trong hậu đắc trí mới có thể liễu đạt tánh Y tha khởi như là huyễn sự.
Tuy từ vô thỉ lại, Tâm và Tâm sở pháp đã có thể duyên tướng phần, kiến phần của chính mình, nhưng vì ngã pháp chấp thường tương ưng với nó, cho nên nó không như thật biết đó là các duyên dắt dẫn Tâm, Tâm sở hư vọng phân biệt biến ra giống như các huyễn sự, rán nắng, cảnh mộng, bóng trong gương, bóng sáng, tiếng vang, trăng dưới nước do biến hóa mà thành, chẳng phải có mà như là có. Theo các nghĩa như thế, nên có Tụng rằng:
Phi chẳng thấy chơn như,
Mà rõ được các hành,
Ðều như các sự huyễn,
Tuy có mà chẳng thật.
Trong bài Tụng này ý nói ba thứ tự tánh đều không lìa Tâm và Tâm sở pháp. Nghĩa là Tâm và Tâm sở pháp và các sự được biến hiện đều do duyên sanh, giống như các sự huyễn, chẳng phải có mà như có, dối gạt kẻ ngu. Tất cả thứ đó đều gọi là Y tha khởi tánh. Kẻ ngu đối với các thứ Y tha khởi đó vọng chấp ngã và pháp, chấp có, không, một, khác, câu và bất câu, như hoa đốm giũa không, tánh lẫn tướng đều không. Tất cả thứ chấp đó đều gọi là Biến kế sở chấp.
Các ngã và pháp vọng chấp dựa trên Y tha khởi đó, đều là không, chơn tánh của thức được hiển lộ từ cái không đó, gọi là Viên thành thật. Thế nên ba tánh này đều không lìa tâm.
Hỏi: – Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, nhiếp về tánh nào trong ba tánh trên?
Ðáp: – Cả ba đều dung nhiếp. Tâm và Tâm sở biến ra tợ như tướng hư không v.v…, đó là tùy tâm sanh, nên nhiếp về tánh Y tha khởi. Kẻ ngu đối với tướng đó vọng chấp cho là thật có, đó chính là tánh Biến kế sở chấp. Nếu từ Chơn như giả thi thiết ra có Hư không, Trạch diệt, Phi trạch diệt vô vi, thì nhiếp về tánh Viên thành thật.
Vô vi theo tâm hữu lậu duyên, nhất định thuộc Y tha khởi; còn vô vi theo tâm vô lậu duyên, có thể nhiếp vào hai tánh. Vì do duyên sanh, nó thuộc Y tha; do tâm không điên đảo, nó thuộc Viên thành thật tánh.
– Ba tánh đó cùng với bảy Chơn như, nhiếp vào nhau như thế nào?
– Bảy Chơn như là:
1. Lưu chuyển chơn như – Thật tánh của pháp hữu vi.
2. Thật tướng chơn như – Thật tánh được hiển lộ bởi hai vô ngã.
3. Duy thức chơn như – Thật tánh của pháp nhiễm và tịnh chính là Duy thức.
4. An lập chơn như – Thật tánh của Khổ đế.
5. Tà hạnh chơn như – Thật tánh của Tập đế.
6. Thanh tịnh chơn như – Thật tánh của Diệt đế.
7. Chánh hạnh chơn như – Thật tánh của Ðạo đế.
Bảy thật tánh đó nhiếp về Viên thành thật, vì là cảnh giới của hai trí căn bản và trí hậu đắc. Tùy sự nhiếp thuộc nhau, mà ba thứ là Lưu chuyển, Khổ, Tập chơn như nhiếp vào hai tánh là Biến kế và Y tha, vì là vọng chấp tạp nhiễm. Bốn thứ còn lại, là nhiếp vào Viên thành thật tánh.
– Ba tánh và sáu pháp nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong sáu pháp kia đều đủ ba tánh sắc, thọ, tưởng, hành, thức và vô vi, cả sáu pháp đó đều có vọng chấp (Biến kế), duyên sanh (Y tha), và thật lý (Viên thành).
– Ba tánh và năm sự nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong các Thánh giáo nói: “Nhiếp thuộc nhau không nhất định”. Nghĩa là hoặc có chỗ nói Y tha khởi nhiếp bốn sự là tướng, danh, phân biệt, chánh trí; Viên thành thật thì nhiếp về chơn như; Biến kế sở chấp không nhiếp năm sự.
Tâm và Tâm sở pháp hữu lậu biến ra tợ như là tướng sở thuyên, đó gọi là tướng. Biến ra tợ như tướng năng thuyên để thi thiết gọi đó là danh. Tâm năng biến thì lập làm phân biệt. Tâm vô lậu xa lìa hý luận nên chỉ gọi chung là chánh trí, chứ không gọi là năng thuyên, sở thuyên, Cả bốn sự đều từ duyên sanh nên nhiếp về Y tha khởi.
Hoặc có chỗ nói Y tha khởi nhiếp về Tướng và phân biệt; Biến kế chấp thì nhiếp về danh; chánh trí và chơn như thì nhiếp về Viên thành thật. Lại nói tướng phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu gọi là tướng, ngoài ra gọi là phân biệt; Biến kế sở chấp hoàn toàn không có thật thể, vì hiển thị nó chẳng phải có, nên giả nói là danh; hai thứ chánh trí và chơn như, vì không điên đảo nên nhiếp vào Viên thành thật.
Hoặc có chỗ nói Y tha khởi tánh chỉ nhiếp về phân biệt; Biến kế sở chấp nhiếp về tướng và danh; còn chánh trí và chơn như thì nhiếp về viên thành thật. Ðó là nói về tướng phần, kiến phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu, tổng gọi là phân biệt, vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt. Biến kế sở chấp năng thuyên, sở thuyên theo vọng tình mà lập làm hai sự là danh và tướng.
Lại có chỗ nói danh chỉ thuộc về tánh Y tha khởi, nghĩa (tướng) thuộc về tánh Biến kế sở chấp. Ðây là nói tướng phần, kiến phần của Tâm và Tâm sở hữu lậu do thế lực của danh mà thành ra sở Biến kế, cho nên nói là danh. Biến kế sở chấp là tùy theo danh mà chấp bậy, chứ không có thật thể, nên giả lập gọi là nghĩa (tức tướng).
Trong các Thánh giáo, nhiều chỗ nói về năm sự, văn tuy có khác nhau mà nghĩa không trái nhau. Nhưng trong các thuyết nêu trên, thuyết đầu không tạp loạn, như trong luận Du già nói rộng, nên biết.
– Lại trong Thánh giáo nói: “Năm tướng (là tướng năng thuyên, tướng sở thuyên, tướng tương thuộc của năng thuyên sở thuyên, tướng chấp trước, tướng không chấp trước), năm tướng đó vói ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?”
– Tướng sở thuyên, tướng năng thuyên đều đủ ba tánh, nghĩa là vọng kế chấp sở thuyên, năm thuyên thì nhiếp thuộc Biến kế tánh. Tướng, danh, và phân biệt thì tùy sự thích ứng (tướng danh là sở thuyên, phân biệt là năng thuyên) mà nhiếp về Y tha khởi. Chơn như và chánh trí tùy sự thích hợp năng thuyên, sở thuyên mà nhiếp về Viên thành thật tánh. Vì do trí hậu đắc biến ra tợ như tướng năng thuyên. Tướng “tương thuộc” của hai thứ sở thuyên, năng thuyên chỉ nhiếp về Biến kế chấp, vì vọng chấp nghĩa và danh nhất định nó hệ thuộc nhau. Tướng chấp trước thứ bốn chỉ là Y tha khởi, vì lấylấy sự hư vọng phân biệt là tự tánh. Tướng không chấp trước thứ năm thì chỉ là Viên thành thật, vì lấy trí vô lậu làm tự tánh.
– Lại trong Thánh giáo nói: “Bốn chơn thật (thế gian chơn thật, đạo lý chơn thật, phiền não chướng tịnh chơn thật, sở tri chướng tịnh chơn thật) nó với ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?”
– Hai chơn thật thế gian và đạo lý nhiếp thuộc về Y tha khởi và nhiếp về ba sự là danh, tướng, phân biệt.
– Hai chơn thật được nhận biết do trí thanh tịnh ngoài hai chướng phiền não và sở tri, thì nhiếp thuộc về Viên thành thật và nhiếp vào hai sự là chánh trí và chơn như.
– Luận Biện Trung Biên nói: “Thứ chơn thật theo thế gian chỉ nhiếp thuộc về tánh Biến kế sở chấp”, vì đó là những điều của thế gian cùng chấp nhập. Thứ đạo lý chơn thật thứ hai thì nhiếp thuộc cả ba tánh, vì đạo lý thông cả có chấp, không chấp, tạp nhiễm, thanh tịnh. Hai thứ chơn thật sau cùng chỉ nhiếp thuộc về tánh Viên thành thật.
– Ba tánh và Bốn đế nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Trong mỗi đế đều đủ ba tánh.
Như trong “Khổ đế”, tánh vô thường, vô ngã v.v… mỗi mỗi có đủ ba tánh. Vô thường có ba:
a. Vô tánh vô thường, vì là tánh thường vô.
b. Khởi tận vô thường, vì có sanh, có diệt.
c. Cấu tịnh vô thường, vì địa vị chuyển biến khi cấu, khi tịnh.
“Khổ” có ba:
a. Sở thủ khổ, chỗ nương tựa, chấp thủ, của hai chấp ngã và pháp.
b. Sự tướng khổ, là tướng ba khổ.
c. Hòa hợp khổ, khổ hợp với khổ.
“Không” có ba:
a. Vô tánh không, vì tánh chẳng phải có.
b. Dị tánh không, vì “không” với “vọng chấp” hai tánh khác nhau.
c. Tự tánh không, lấy chỗ hiển lộ của hai không làm tự tánh.
“Vô ngã” có ba:
a. Vô tướng vô ngã, là ngã tướng không có.
b. Dị tướng vô ngã, vô ngã với tướng ngã chấp hư vọng khác nhau.
c. Tự tướng vô ngã, là tự tướng do vô ngã hiển lộ.
“Tập đế” có ba:
a. Tập khí tập, tức là chấp tập khí của Biến kế sở chấp tự tánh. Chấp vào tập khí đó, giả lập là tập khí tập.
b. Ðẳng khởi tập, tức là nghiệp và phiền não.
c. Chưa ly hệ tập, tức chơn như chưa lìa chướng.
“Diệt đế” có ba:
a. Tự tánh diệt, tức là tự tánh bất sanh.
b. Nhị thủ diệt, tức là trạch diệt, hai thủ không còn sanh.
c. Bản tánh diệt, tức là chơn như.
“Ðạo đế” có ba:
a. Biến tri đạo, là có thể biết tánh Biến kế sở chấp.
b. Vĩnh đoạn đạo, là có thể đoạn nhiễm phần Y tha khởi.
c. Tác chứng đạo, là có thể chứng Viên thành thật. Nhưng biến tri đạo cũng thông cả vĩnh đoạn đạo và tác chứng đạo.
Khổ đế có bốn lần ba, Tập đế có một lần ba, Diệt đế có một lần ba, Ðạo đế có một lần ba, Bốn đế cọng có bảy lần ba như thế, theo thứ lớp mà phối hợp với ba tánh. Nay ở trong đây, ba tánh đưọc phối hợp với Bốn đế giả hoặc thật, theo lý nên biết.
– Cảnh giới của ba giải thoát môn (là không, vô nguyện, vô tướng) với ba tánh này nhiếp thuộc nhau như thế nào?
– Lý thật thì ba môn đều thông cả ba tánh; còn theo tướng thì mỗi môn thông mỗi tánh. Như thứ lớp nên biết, do tánh Biến kế sở chấp mà lập “không môn”, do tánh Y tha khởi mà lập “vô nguyện môn”; do tánh Viên thành thật mà lập “vô tướng môn”. Duyên theo đây lại sanh ba vô sanh nhẫn: a. Bản tánh vô sanh nhẫn. b. Tự nhiên vô sanh nhẫn. c. Hoặc khổ vô sanh nhẫn. Như thứ lớp ba tánh này đối cảnh của ba nhẫn kia.
– Ba tánh này làm sao nhiếp đưọc hai đế?
– Nên biết thế tục đế đủ cả ba tánh này. Thắng nghĩa đế chỉ nhiếp tánh Viên thành thật.
Thế tục đế có ba là giả thế tục, hành thế tục, hiển liễu thế tục. Như thứ lớp nên biết tưong ứng với ba tánh Biến kế chấp, Y tha, Viên thành thật.
Thắng nghĩa đế có ba:
a. Nghĩa thắng nghĩa, tưc là chơn như, nghĩa của thắng.
b. Ðắc thắng nghĩa, tức Niết bàn, thắng tức nghĩa.
c. Hành thắng nghĩa, tức Thánh đạo, thắng là nghĩa.
Thắng nghĩa là không biến đổi, không điên đảo, theo sự thích hợp đều nhiếp vào Viên thành thật tánh.
– Ba tánh như thế, trí nào nhận biết?
– Biến kế sở chấp hoàn toàn không phải cảnh duyên của trí. Vì nó không tự thể, không phải là Sở duyên duyên. nhưng đối Biến kế chấp, kẻ ngu chấp là có; bậc Thánh đạt là không, nên cũng được nói nó là cảnh giới của trí kẻ ngu và bậc Thánh, thuộc về tánh Y tha khởi, vì là cảnh đối tượng của hai trí ngu và Thánh. Viên thành thật chỉ là cảnh giới của Thánh trí.
– Trong ba tánh đó, mấy giả mấy thật?
– Biến kế sở chấp, an lập hư vọng nên nói là “giả”; lại vì không có thể tướng thật, nên có thể nói chẳng phải giả, chẳng phải thật. Tánh Y tha khởi có thật có giả. Nếu là tụ tập (khí giới, căn thân) tương tục (tướng chuyển dịch của Tâm, Tâm sở) phận vị (24 Bất tương ưng) nói là giả có, song Tâm, Tâm sở và Ðắc thì tùy duyên sanh nên nói là thật có. Nếu không có giả pháp thì thật pháp cũng không. Giả y nhân nơi thật mà bày đặt ra. Tánh Viên thành thật, chỉ là thật có, không nương tha duyên mà bày đặt ra.
– Ba tánh đó là khác hay không khác nhau?
– Nên nói không phải cả hai, vì không có tự thể riêng nên chẳng khác, nhưng vọng chấp (Biến kế), duyên khởi (Y tha), và chân nghĩa (Viên thành) khác nhau, nên chẳng không khác.
Ba tánh như vậy, có rất nhiều nghĩa, sợ rườm ra nên chỉ lược nói cương yếu.