Đại Việt Thông Sử

Đại Việt Thông Sử

Nhâm 15

QUYỂN III

NGHỊCH THẦN TRUYỆN

MẠC ĐĂNG DUNG

[tờ 1a] Mạc Đăng Dung quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Cụ Tổ 7 đời tên là Đĩnh Chi, ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, tức làng Long Động, huyện Chí Linh bây giờ, đậu trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời vua Anh Tông nhà Trần, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Thượng thư môn hạ Tả bộc xạ, kiêm Trung thư lệnh, tri quân dân trọng sự. Rất thanh liêm thận trọng, tiếng tăm lừng lẫy cả 2 nước (nước ta và nước Trung Hoa).

 

Đĩnh Chi sinh ông Dao [tờ 1b] quan Ty hình viên đại phu. Ông Dao sinh 4 con trai là: Địch, Thuấn, Thúy và Viễn, người nào cũng có tài năng sức lực, cuối thời Nhuận Hồ, vì bất đắc chí, đều đem con em đón hàng nhà Minh. Lúc ấy quân họ Hồ đóng giữ phía Bắc sông Phù Lương, tướng nhà Minh là Trương Phụ không biết hư thực thế nào, nên không dám qua sông. Thúy bèn tự phủ Nam Sách cùng với Tri Châu châu Tam Đới Đặng Nguyên vẽ bản địa hình, xin làm hướng đạo dẫn quân Trương Phụ qua sông đánh úp phá thành Đông Kinh; Thúy lại sai thủ hạ bọn đầu mục Nguyễn Như Khanh bắt Hán Thương ở núi Cao Vọng. Người Minh thưởng công, phong cho Thúy chức Giao chỉ bố chánh ty tham chánh, Địch chức chỉ huy sứ, Viễn chức Diêm thiết sứ. Sau Thúy dẫn quân vào tỉnh Lạng Sơn đánh Nùng Phản Lịch, [tờ 2a] bị trúng tên độc chết.

 

Thúy sinh ra Tung, di cư đến làng Lang Khê, huyện Thanh Hà. Khi ấy vua Thái Tổ Cao Hoàng Đế đã bình định thiên hạ, nghiêm trị bọn ngụy quan, cho nên Tung không dám ra làm quan, chỉ ẩn náu nơi thôn xóm.

 

Tung sinh ra Bình, lại di cư đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Bình sinh ra Hịch, 3 đời này không hiển đạt.

Hịch lấy con gái Đặng Xuân, người cùng làng, tên là Đặng Thị Hiếu, sinh 3 con trai con trưởng tức là Đăng Dung, con thứ là Đốc, tước Trào quận công, sau Đặng Dung tiếm ngôi, ngụy phong cho tước Từ Vương, con thứ 3 là Quyết, tước Đông quận công, ngụy phong tước Tín Vương, sau khi chết Ngụy truy phong Uy tín đại vương.

 

Đặng Dung sinh giờ Ngọ, ngày 23 (Nhâm Tý) tháng 11, năm Qúy Mão, nhằm niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483). Ít tuổi đã dũng hãn, nhà nghèo, làm nghề đánh cá. [tờ 2b].

 

Thời vua Uy Mục, cầu dũng sĩ, Dung dự thi nghề Giao chật (đánh vật), trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào Túc vệ, giữ việc cầm dù theo xe vua. Khoảng thời Thụy Khánh, thăng bổ chức Đô chỉ huy sứ vệ Thiên vũ. Năm Hồng Thuận thứ 3 (1511), tiến phong tước Vũ xuyên bá, năm này Dung 29 tuổi. Năm Hồng Đức thứ 7 (1476), cha là Hịch chết. Thời Quang Thiệu, triều đình sai trấn thủ Sơn Nam, gia phong chức phó Tướng Tả đô đốc.

 

Đăng Dung là người rất gian trá, nhưng bề ngoài làm ra vẽ thật thà ngay thẳng, để mua danh dự. Thời ấy có Cù Khắc Xương và Trần Công Vụ, mượn đạo Thiên vũ, Thiên bồng, để mê hoặc ngu dân. Đăng Dung dâng sớ xin trị tội, lại hạch luôn cả quan Thừa Hiến Lê Tích và Đỗ Thao về tội mê tín tà thuyết. tờ sớ lược rằng:

 

[tờ 3a] “Hạ thần thiết nghĩ: Nhân, nghĩa, trung, tín, làm bốn điều thánh nhân thường làm luôn; quái, lực, loạn, thần, là bốn điều thánh nhân không nói tới. Xét việc đời xưa, đủ có chứng minh. Vua Hoàng đế định thời khắc để phân ngày đêm, vua Cao Dương dựng Thái Cực để thông trời đất. Đã dựng cái nêu cho thời bấy giờ, và để đời sau làm gương soi vào đấy.

 

Hoàng thượng là bậc thánh nhân, mở nền trung hưng rực rỡ! Vừa là vua vừa là thầy, đủ trách nhiệm chăn nuôi, dạy bảo; hoá bằng đạo, hoá bằng đức, mong được tới hòa mục thái bình. Cả trong thiên hạ điều được ấm no.

 

Nay quân nhân Thiên thí nhân vũ là Cù Khắc Xương và quân nhân Gia phúc Phạm tùng là Trần Công Vụ, vốn là lính thường, cũng như dân vậy. Đáng lẽ phải noi Vương đạo Vương Lộ, [tờ 3b] và tuân theo gia huấn, lại đi mượn Thiên vũ, Thiên bồng, để dụ dỗ ngu dân. Mượng chùa thờ Phật làm chợ khí trá; mượn đền thờ Thần làm ổ chứa gian. Thuật nghiền than làm thuốc, khiến già trẻ bôn ba, phép phun nước phi bùa, làm ngả nghiêng làng xóm.

 

Bọn yêu quái đã làm như vậy, các quan trên đáng phải bài trừ. Các quan Thừa hiến, đã từng đọc sách thánh hiền, đều là chức trách sư tướng. Đáng lẽ phải như Địch Nhân Kiệt phá đền dâm ở tỉnh Hà Nam, để trừ mê hoặc; như Hồ Dĩnh đánh nhà sư ở tỉnh Quảng Đông, để bài dị đoan. Thế mà các quan này lại như bọn phàm phu, không hiểu lẽ phải, Lê Tích Văn Vận mê tin đều xằng bậy [tờ 4a]; Tử Ký Đỗ Thao phụ họa vào thuyết tà. Cùng nhau theo tả đạo, mê đắm thói cốt đồng. Đã mê hoặc thần quái, huống còn làm thói hung cuồng. Xin thi hành hình pháp, nghiêm trị để tỏ điều trừng giới”.

 

Hoàng đế nghe theo lời sớ trên, ra lệnh giết Khắc Xương và Công Vụ.

 

Thiêu Quốc công Lê Quảng Độ hàng giặc Cao, Trấn tướng quân bắt được, điệu về Kinh Sư. Đăng Dung lại dâng biểu đàn hạch, xin giết Quảng Độ về tội bất trung. Bài biểu lược rằng:

 

“Ba cương1 năm thường2, là rường cột chống đỡ trời đất, là bàn đá3 yên vững nhân dân. Nếu nước mà không có điều, thì tuy là nước trung hạ, nhưng chính là nước man di; người mà không có những điều đó, thì tuy thường vận áo xiêm, nhưng chính là loài cầm thú. [tờ 4b] Tự xưa tới nay, chưa từng có ai bỏ các điều đó mà có thể đứng trong khoảng trời đất.

 

Nay Lê Quảng Độ, nhờ phúc Tổ phụ, đội ơn triều đình thờ qua bốn triều, ngôi tới nhất phẩm, mà vẫn đận đờ, chỉ toan nhòm ngó. chiều vua thì trăm kế phùng nghinh; chuyên chánh thì múa may nhiều quẻ. tội ác chứa chấp đã lâu, đâu có phải một sớm một chiều, mà gây nên họa Thụy Khánh Hồng Thuận.

 

Mấy năm nay giặc Cao khởi binh, tiếm xưng bảo hiệu. Thế mà Quảng Độ tham sống sợ chết, nhẫn nhục thờ kẻ thù, mượn danh vị đi cổ động dân ngu cho giặc Cao, làm đầu mục đi nước ngoài cầu phong cho giặc Cao, hạnh kiểm như chó lợn, lòng dạ tựa cưu cánh4. [tờ 5a] Người người đều mắng nhiếc, Quảng Độ vẫn trơ trơ! Y không nghĩ đến hậu ân của quân phụ, đại nghĩa về cương thường. Y mang tội với trời đất, mang tội với tổ tông và thiên hạ, tội y không thể tha thứ được”.

 

Hoàng đế bèn ra lệnh giết Quảng Độ. Tự đây ngài tin Đăng Dung là trung trực, càng thêm ân sủng.

 

Lúc bấy giờ Vĩnh Hưng Bá Trịnh Tuy là cháu họ Duy sản, tranh quyền với An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, kéo quân đánh nhau.

 

Họ Thủy chú (Trịnh) và họ Tống sơn (Nguyễn) đều là họ Công thần hạng nhất, danh vọng trên đời, thế mà bổng gây hiềm khích, Hoàng đế hòa giải cũng không yên. Hoằng Dụ cử binh đánh Trịnh Tuy, Tuy chạy về Lôi Dương. Trần Chân là con nuôi Duy Sản, nên bênh Trịnh Tuy, bèn cử binh đánh Hoằng Dụ, Hoằng Dụ chạy [tờ 5b] về Tống Sơn. Thế là chỉ còn một mình Trần Chân lưu lại triều đình phụ chánh.

 

Hoàng đế thấy hai họ đánh nhau, chưa phân đằng nào phải trái, lại nghe theo lời Trần Chân, sai Đăng Dung dẫn thủy quân đuổi đánh Hoằng Dụ ở Thanh Hoa. Hoằng Dụ đưa tờ thư và bài thơ cho Đăng Dung, Đăng Dung bèn án binh bất động, nên Hoằng Dụ được chạy thoát.

 

Năm Quang Thiệu thứ 3 (1518), Đăng Dung thăng tước Vũ Xuyên Hầu, ra trấn thủ Hải Dương. Tại đây Đăng Dung thu thập dân quân, chỉnh đốn đội ngũ, binh số ngày thêm nhiều.

 

Lúc này, chỉ có một mình Thiết Sơn Bá Trần Chân nắm quyền binh trong Kinh Sư, Đăng Dung sợ Chân, bèn cưới con gái Chân cho con trai mình là Đăng Doanh, để làm vây cánh.

 

Vua Chiêu Tông nghe lời gièm pha, giết Trần Chân. Đồ đệ Trần Chân là bọn Nguyễn Kính, đều thuộc hạng tướng mạnh vùng Sơn Tây, liền cử binh đánh vào Kinh Đô, Hoàng thượng chạy sang nhà Xúc ý huyện Gia Lâm, [tờ 6a] Trịnh Tuy đóng đồn ở Sơn Nam, có chừng hơn vạn quân, được tin trên dẫn binh về cứu. Hoàng thượng triệu Hoằng Dụ để dẹp giặc cứu nhà vua, nhưng Dụ không chịu đến; các tôn thất và đại thần chạy theo vua cũng không có bao người; lính cấm vệ quá ít, không biết cậy vào Tướng nào, vua bèn sai Hà Văn Chính và Lê Đại Đỗ đi triệu Đăng Dung. ý ngài muốn cậy binh lực của Đăng Dung để khôi phục lại Kinh Sư. Nhưng Đăng Dung thấy triều đình rối loạn, bèn nẩy ra mưu đồ khác.

 

Sau khi vào yết kiến Hoàng đế, Đăng Dung đóng thủy quân ở sông Nhị Hà, và cho là Xúc ý đường hơi xa, bèn tâu xin Hoàng thượng dời về Thuần Mỹ Đường Bồ Đề, để tiện theo hầu.

 

Đăng Dung muốn mượn thế giặc để giết hại đại thần, cho hết vây cánh nhà vua, bèn lập ra kế: Vờ cho người đi dụ bọn Kính, Áng hàng rồi mạo lời chúng yêu sách, liền ức hiếp triều đình [tờ 6b] giết Đoan quận công Ngô Bính, Thọ quận công Trịnh Hựu, và bọn Trử Khải để vừa lòng giặc.

 

Đăng Dung cho là Hoàng đế ở điện Thuần Mỹ, hơi gần với nơi thủy quân của bọn con em Trần Chân, định xin Hoàng thượng dời đến Bảo Châu, nhưng Đô ngự sử Đỗ Nhạc, và Phó đô ngự sử Nguyễn Dự tranh luận, không đồng ý. Đăng Dung bèn sai người trong đảng là Đinh Mông bắt Đỗ Nhạc1 và Nguyễn Dự, đem giết tại vườn dâu phía cửa Bắc hành doanh Xuân Xã. Quần thần đều rung sợ! Bèn rước Hoàng đế tới Bảo Châu. Tự đây, đại quyền trong triều ngoài quận đều thuộc về tay Đăng Dung.

 

Sau đấy một thời gian ngắn, Nguyễn Hoằng Dụ đem quân về cứu nạn giặc, Hoàng đế bèn sai Đăng Dung và Hoằng Dụ, đều dẫn quân đánh bọn Kính và Áng ở Sơn Tây. Hoằng Dụ dẫn quân bản bộ tiến đánh trước, bị thua trận. Đăng Dung thì án binh không tiến, [tờ 7a] nên vẫn được toàn quân, rồi Hoằng dụ dẫn quân về, Đăng Dung bèn giữ hết binh quyền một mình. Ít lâu, Hoằng Dụ chết ở Thanh Hoa, Đăng Dung lại càng tung hoành, không còn phải sợ một ai. Mùa đông năm này, Hoàng thượng cho Đăng Dung chức Đề thống các doanh thủy quân và bộ binh.

 

Năm Quang Thiệu thứ 4 (1519), Hoàng thượng sai Đăng Dung thống lĩnh các quân đánh phá giặc Lê Tiếu ở Từ Liêm, bắt được Lê Tiếu, lại chiêu dụ đảng giặc Nguyễn Kính và Hoàng Duy Nhạc đầu hàng. Bộ đội ngày càng nhiều, công danh ngày càng thịnh, triều đình ai cũng phục.

 

Sau khi Hoàng thượng trở về Kinh Đô, tiến phong Đăng Dung tước Minh Quận Công.

 

Niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520), Đăng Dung bàn với nhân gia Lễ bộ Thượng thư Phạm Gia Mô, tính kế được nắm trọn binh quyền, để đánh dẹp cướp giặc. Bọn Gia Mô cũng nghĩ: Tự xưa, quyền tại 5 phủ, các văn thần kỳ cựu cũng không được dự. Chi bằng bây giờ để cho [tờ 7b] Đăng Dung làm quan

            Tiết chế, thì việc gì chúng mình cũng co thể làm được. Bèn cùng nhau ký tên vào tờ bảo cử. Hoàng đế ưng theo, cho Đăng Dung chức Tiết chế 13 Đạo thủy lục quân; Gia Mô chức Tán lý quân vụ. Thế là tất cả binh mã trong thiên hạ, đều thuộc quyền Đăng Dung.

 

Niên Hiệu Quang Thiệu thứ 6 (1521), Đăng Dung tự phong lên tước Nhân quốc công, Tiết chế 13 Đạo thủy lục quân.

 

Đăng Dung giữ binh quyền đã lâu, Tướng Tá đều quy phụ. Hoàng đế cũng biết y chuyên quyền, nhưng còn mong lòng trung nghĩa của y, hy vọng thu công sau này, ngài thân đến phủ Đăng Dung và phong thêm cho chức Thái phó. Mùa đông năm này, Hoàng đế đến viện Quỳnh Vân úy lạo Đăng Dung, và sai dẫn quân đi Bắc Giang đánh giặc Trần Thăng, sau khi Đăng Dung đã đi, ngài lại ban cho tờ sắc rằng:

 

“Trẫm thường nghe: [tờ 8a] Vì nước trừ bạo tàn, xông pha nơi nguy hiểm. Đó là chức trách của người làm Tướng. Cho nên Điền Đan nước Tề, xông pha nơi tên đạn mà nước địch hàng; Lý Tố nước Đường, xông pha gió sương, mà bình Quán Sái, các Tướng ấy đều bảo vệ xã tắc, và có công lớn với thiên hạ.

 

Khanh là người trẫm trông cậy. Nay giặc Thăng tụ tập chúng đảng, đóng vùng Thái Nguyên Lạng Sơn, triều đình phong cho khanh làm Đô Tướng, dẫn thủy lục quân trong thiên hạ đi đánh dẹp, vượt sông núi, gội gió mưa, phá quân giặc ở huyện phượng nhỡn và Bảo Lộc, những nơi khanh dẫn quân đi qua, binh sĩ không hề xâm phạm của dân một mảy may, các dân xã đó đều mến phục. Đã mấy lần nhận được thư tâu thắng trận, trẫm rất khen ngợi.

 

Nay sai Thiếu bảo Binh bộ Thượng thư Cẩm sơn hầu Lê thúc Hựu, [tờ 8b] Tư lễ giám Tổng thái giám kiêm Tài dụng khố sự Lê Khoái, và Tả thị lang Đông các Đại học sĩ Nguyễn Quýnh, đem tờ sắc chỉ này úy lạo khanh cùng tướng sĩ các doanh, và 100 lạng bạc để khanh thưởng kẻ có công.

 

Khi nhận tờ sắc này, khanh nên thể theo ý trẫm; Lấy điều trung nghĩa khích lễ tướng sĩ, đồng tâm hiệp lực, lập kế bắt giặc. Chỉ cốt bắt cho bằng được chính tên giặc Thăng, còn những kẻ a tòng, đều tha hết thẩy. Quét sạch vào sào huyệt của giặc ẩn núp đã lâu năm; cứu vớt dân một phương khỏi lầm than, được an cư lạc nghiệp, để thông đường sứ sự, để trọn vẹn chiến công. Như vậy thì công danh của khanh vang lừng vũ trụ, tước lộc của khanh sẽ lưu truyền mãi mãi tới con cháu đời sau”.

 

[tờ 9a] Đăng Dung tiến quân đến Lạng Nguyên, Trần Thăng thua chạy, quan quân đuổi bắt được, bèn kéo quân trở về.

 

Niên hiệu Quang Thiệu thứ 7 (1522, Lê Bá Hiếu nổi loạn ở Đông Ngàn, Đăng Dung dẫn các tướng đánh dẹp, nhưng không được. Đợt sau lại dẫn quân đánh phá, bắt được Bá Hiếu.

 

Sau khi Đăng Dung một mình giữ binh quyền, từng bình được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh, mà đạo quân nhà vua thì yếu ớt, lòng người ai cũng hướng về Đăng Dung, nên y càng lưu tâm mưu việc phản nghịch.

 

Nhân Gia với Đăng Dung và Phạm Gia Mô, chức Lễ bộ Thượng thư, giữ chánh quyền trong triều; em rể là Vũ Hộ, chức Tả đô đốc trấn Sơn Tây, đều là bè đảng thông đồng. Thượng thư Trịnh Chí Lâm, Nguyễn Thời Ung đều phụ họa thêm. Y lại tiến vua một mỹ nhân, giả danh là con gái của y, vào làm cung tần để dò la tin tức Hoàng đế; sai em là Đông quận công Mạc Quyết giữ đạo binh túc vệ; sai con trai là Đăng Doanh Dục mỹ hầu [tờ 9b] giữ điện Kim Quang.

 

Khi Đăng Dung đi đường bộ, thì dùng lọng phượng bông vàng; khi đi đường thủy thì dùng thuyền rồng dây lụa1. Tự do ra vào nơi cung cấm, không hề nể sợ. Lại giết hết những người tâm phúc của vua là bọn: Thị vệ Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ Minh sơn bá Nguyễn Thọ và Đàm Cử.

 

Hoàng đế thấy tình thế ngày một bức bách, bèn ngầm bàn với Nguyễn Hiến và Phạm Thứ, định dời Kinh đô đi ra ngoài, để hiệu triệu các Tướng 4 phương hỏi tội Đăng Dung. Bàn xong, sai người đi trước, mang tờ mật chiếu tới Tây kinh, dụ viên cựu thần Trịnh Tuy đem binh đến đón Hoàng đế.

 

Mùa thu năm này, hồi trống canh hai đêm 27 tháng 7, Nguyễn Hiến và Phạm Thứ vào cung dự hầu yến, rồi đón Hoàng đế ra đi tới Ốc sơn huyện Minh Nghĩa. Trong lúc vội vàng, không kịp báo Thái hậu và Hoàng đệ.

 

Ngày hôm sau, Đăng Dung mới biết, [tờ 10a] bèn sai quân ngăn chặn các nẻo đường cốt yếu, rồi dựng cờ điểm binh; ra lệnh các phố phường không được náo động; sai người trong đảng là Hoàng Duy Nhạc dẫn quân đuổi kịp Hoàng đế ở huyện Thạch Thất, Hoàng thượng dùng quân Thạch Thất chống đánh, bắt chém Duy Nhạc.

 

Ngày này, Đăng Dung vào Kinh đô, thả ngay Thượng thư Trình Chí Lâm và Nguyễn Thời Ung do vua bắt giam, rồi mưu với đại thần Lê Phụ, Lê Điêu, lập Hoàng đệ Xuân lên ngôi vua.

 

Hoàng thượng triệu Vũ Hộ dẫn quân đến Cần Vương. Nhưng Hộ lại phản, dẫn 3.000 quân qui phụ Đăng Dung, Đăng Dung rất hả, sai Hộ đóng quân ở Giang Bắc, rồi sai Lê Điêu và Nguyễn Như Quế phụng nghinh Xuân tới Hồng Thị, làm nơi hành điện; sai quân dân đắp gấp lũy Cẩm Giang để phòng thủ.

 

Lúc này, Hà Phi Hổ chống nhau với Đăng Dung, [tờ 10b] dụ Phạm Tại làm hướng đạo, còn bọn Bá Ký đều chạy về Bắc.

 

Tháng 8, Đăng Dung suy tôn Hoàng đế xưng đế hiệu, nhưng vì sợ vua Chiêu Tông ở ngoài hiệu triệu binh thiên hạ, nên không dám đóng tại Kinh thành, đón Xuân về Gia Phúc, và vận tải hết bảo vật trong thành về, rồi phong quan tiến tước cho các quan, văn thần là bọn Vũ Cán, Nguyễn Văn Thái, đều được phong làm Chánh doanh đề sát thủy bộ quân vụ.

 

Sau đấy không lâu vua Chiêu Tông trưng tập được khá nhiều binh, dẫn quân tự Mông Sơn về, ngự tại hành điện Thụy Quang, trăm quan tới triều, bốn phương hưởng ứng, ngài sai bọn nguyễn Kính cả thẩy 4 viên Tướng, chia làm 4 đạo quân tiến đánh Đăng Dung, đóng quân tại các huyện: Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giang, Lương Tài, và Gia Định, hai bên chống nhau đã một tháng, chưa phân được thua.

 

[tờ 11a] Lúc này, các xứ về 3 mặt Tây, Nam và Bắc, đều đã thuộc về vua Chiêu Tông, còn Đăng Dung, tuy mượn tiếng dựng Hoàng đệ, nhưng chỉ giữ được một góc về xứ Hải Dương thôi.

 

Sau đây, Đăng Dung chia quân hai đường thủy bộ, tiến đánh các xứ Đông Hà, Hoàng đế sai các Tướng: Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan, Nguyễn Định và Đàm Khắc Nhượng, chia đóng các doanh trấn giữ. Hai bên đang cầm cự, thì Đăng Dung dùng thủy quân đánh úp vào ban đêm, phá được các doanh liền dẫn quân qua sông, Thúc Mậu và Dư Hoan1 thua chạy. Có 4 tên lính giặc vào khiêng mác, tự phường Phục Cổ xông vào điện Thụy Quang, nhưng lính hộ vệ cự được, Hoàng đế hoảng hốt chạy lánh đến đình cũ làng Nhân mục Tây hà! Trăm quan tan rã, mấy ngày mới tụ tập lại.

 

Tháng 9, Hoàng đế lại đốc quân về Kinh đô, Đăng Dung vì còn vướng với các Tướng ở miền Bắc giang [tờ 11b] cho nên không dám ngó tới Đô thành.

 

Mùa đông năm này, Trịnh Tuy đem toàn bộ quân Tam phủ, tự Thanh Hoá về cứu giá. Nhưng vì nghe lời ly gián, đem lòng nghi ngờ thành ra ngăn trở, rồi ép Hoàng đế bỏ Đông Kinh về Thanh Hoa, giải tán hết các đạo binh. Tự đây, không còn chiếu lệnh nhà vua nữa, thiên hạ thất vọng, các Tướng khởi nghĩa đều giải tán. Việc nước hết nói vậy.

 

Sau khi Hoàng đế bôn ba, kinh thành trống không, quân Đăng Dung ngày càng mạnh, bình định Kinh Bắc, rồi sai tỳ tướng đánh phá Giang Văn Dụ ở Thanh Oai, đuổi tận đến chân núi. Bèn đón vua Cung đế về ngự tại Bồ Đề, để hiệu lệnh 4 phương, quan lại quân dân đều qui phụ theo.

 

Niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523), Đăng Dung sai em là Đông Sơn Hầu Mạc Quyết, [tờ 12a] cùng Vũ Hộ, Vũ Như Quế, phát quân đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hoa.

 

Tháng 7, Đăng Dung mạo tờ chiếu của vua Cung đế, bỏ Hoàng đế Chiêu Tông, xuống tước Đà dương vương.

 

Niên hiệu Thống Nguyên thứ 3 (1524), Đăng Dung tự thăng lên tước Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân Quốc công. Sai em là Mạc quyết dẫn quân đánh Trịnh Tuy ở Nguyên Đầu, chiếm hết các Quận Huyện ở Tây đô. Trịnh Tuy chết bệnh.

 

Niên hiệu Thống Nguyên thứ 4 (1525), tháng 10 Đăng Dung tự làm Đô Tướng, dẫn tất cả thủy quân và bộ binh các doanh trong thiên hạ vào Thanh Hoa, Hoàng đế bức bách, chạy vào động An Nhân núi Cao Trĩ châu Lương Chánh, Đăng Dung đến ép vua đưa về Kinh Sư. Tướng đóng ở Bắc Giang là bọn Hà Phi Ổ đều tan rã và bị giết cả. Đăng Dung lại giết hết thẩy các quan văn võ nào theo vua Chiêu Tông mà không theo mình. Tiến quận [tờ 12b] công Nguyễn Lĩnh lấy em gái Đăng Dung tên là Huệ, lại lấy thêm 10 thiếp, Thị Huệ ghen, tố cáo là Lĩnh lập đảng phái, Đăng Dung cũng giết luôn Nguyễn Lĩnh. Đăng Dung giữ hết quyền thưởng phạt hoặc thăng giáng, các quan lại cùng Tướng sĩ, vua chỉ là hư vị mà thôi. Đăng Dung lại giả bộ làm lánh quyền hành, lui về ở Cổ Trai, nhưng thực vẫn chế ngự chánh trị trong triều.

 

Tháng 12, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526), Đăng Dung sai Bái khê bá Phạm kim Bảng mật giết vua Chiêu Tông ở Hàng sở.

 

Niên hiệu Thống Nguyên thứ 6 (1527), Đăng Dung tự thăng lên tước Thái sư An quốc vương, gia cửu tích.

 

Hoàng đế sai Tùng dương hầu Vũ Hữu, Lan xuyên hầu Phan đình Tá, và Trung xứ Đỗ hiếu Đễ cầm cờ tiết đem kim sách; áo mạo thiêu rồng đen, đai dát ngọc; kiệu tía, quạt vẽ; và lọng tía. đến Cổ Trai tuyên mệnh vua ban cho Đăng Dung, Đăng Dung đón tiếp tại bến đò An sáp hạt Tiên minh.

 

[tờ 13a] Tháng 5, ngày mồng 5, Đăng Dung tự Cổ Trai tới Kinh bái yết Hoàng thượng, rồi tự cửa Đông Hoa ra cửa Đại Hưng trở về Cổ Trai.

 

Tháng 6, Đăng Dung về Kinh sư ép vua nhường ngôi cho y. Lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung. Mạc Đăng Dung đón cả vào cung.

 

Ngày 15, thuộc ngày canh thân, sau khi các quan yên vị trong triều, bèn tuyên tờ chiếu của Hoàng đế rằng:

 

“Vua Thái Tổ ta thừa thời cách mệnh, bèn có bốn phương, các thánh truyền ngôi, đã nhiều lịch số. Đó là lòng người hợp với ý trời xui nên vậy.

 

Tự cuối thời Hồng Thuận, gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trần Cao bắt đầu gây loạn; Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp. Lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta vậy.

 

Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi mệnh trời và lòng người, [tờ 13b] hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An quốc vương Mạc Đăng Dung, là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phụ.

 

Nay nhường ngôi báu cho người có đức, để hợp mệnh trời, để yên nhân dân. Kính vậy thay”. Bài chiếu này là lời của nguyễn Văn Thái.

Sau khi tuyên chiếu, Đăng Dung bèn xưng Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, dùng ngay năm này làm niên hiệu Minh Đức thứ nhất, bỏ Hoàng đế xuống tước Cung vương, rồi giam cùng với Thái hậu ở cung Tây nội. Sau giết chết.

 

Tháng này Đăng Dung vào Kinh thành, ngự nơi chính điện, tế yết Nam giao, đặt tỉnh Hải Dương là Dương Kinh, [tờ 14a] lập cung điện ở Cổ Trai, truy tôn Tổ 7 đời Đĩnh Chi làm “Kiến thủy Khâm minh Văn Hoàng đế “.

 

(Đăng Dung lại dựng ngôi điện gọi là Sùng Đức vào nền nhà cũ của Đĩnh Chi ở xã Lũng Động. Phần mộ thân phụ ở Tây Lăng, cho nên nay trong làng gọi nơi ấy là xứ Ổ Lăng. Lại đắp một gò lớn tại bờ sông phía Bắc mặt tiền điện Sùng Đức, để làm nơi lễ bái, các quan nhà ngụy Mạc ai đi qua nơi đây, đều lễ vọng vào điện Sùng Đức. Nay nền điện và gò này hãy còn, điện thì ở xã Lũng Động nơi gần sông, gò thì ở bờ sông xã Đông đôi, gọi là gò Mã thảo. Nhà giảng học cũ của Đĩnh Chi: một ở nền Huyện trị cũ xã Cao Đôi; một ở chùa Quất lâm xã Tống xá. Những di tích này vẫn hãy còn rành rành, có thể khảo sát ); Tổ 6 đời Giao làm “Hoằng cơ đốc thiện Tuyên hưu Hoàng đế “; Cao Tổ thúy làm “Dụ tổ thiệu phúc hoằng đạo tích đức Hoàng đế “; Tằng Tổ Cao làm “Ý tổ hồng khánh uyên triết anh duệ Hoàng đế “; Tổ Bình làm “Hoằng tổ thuần hiến tuy hưu đốc cung Hoàng đế “; các bà Tổ trên đều là Hoàng hậu; thân phụ Hịch làm “Chiêu tổ quang liệt cơ mệnh Hoàng đế ” [tờ 14b] thân mẫu Đặng Thị làm Hoàng Thái Hậu.

 

Dựng thêm một ngôi điện để ở, gọi là điện Phúc Ý, tại phía Tây điện Hưng Quốc Dương Kinh.

 

Lập con trai Đăng Doanh làm Thái tử, phong em tri Quyết làm Tín vương, truy phong em trai Đốc làm Từ Vương, 3 am gái đều phong Công chúa: em gái trưởng Ngọc phong làm “Trang hoà Trưởng Công chúa ” em gái thứ Ngọc Huệ phong làm “Khánh diệm Công chúa “, em gái út Ngọc Anh phong làm “Tú hoa Công chúa “. Phong Vũ Hộ làm Tĩnh Quốc Công, cho đỗi sang họ Mạc; phong Trung quan Nguyễn Thế Ân người làng Ngọc Lâm huyện Tứ Kỳ làm Lý Quốc Công.

 

Dùng ngày sinh nhật của Đăng Dung làm ngày “càn ninh thánh tiết”.

 

Lúc này, thần dân thất vọng, thiên hạ nôn nao, Đăng Dung sợ lòng người còn nhớ vua cũ, có thể sẽ sinh biến, bèn phải tuân theo [tờ 15a] pháp độ triều Lê, phủ dụ quần thần trấn áp nhân dân. Để che mắt thế gian, trưng cầu con cháu các vị công thần thế gia, giả danh là trưng dụng, nhưng kỳ thực cốt để kiềm chế như là quản thúc vậy. Bởi thế nhiều người trốn vào rừng núi, hoặc ẩn giấu tên tuổi không chịu ra, hoặc tụ họp nhau làm đảng cướp, hoặc bỏ đi ra ngoại quốc để cầu yên. Đăng Dung lại muốn thu nhân tâm, bèn phong tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần như bọn Vũ Duệ; Đàm Thận Huy; sai quân tu sửa lâu điện ở Lam Kinh, mỗi năm hai lần tế lễ vào mùa xuân và mùa thu; lại bốn kỳ tế lễ nơi lăng Mỹ Xá. Đó là giả nhân nghĩa để thuận lòng dân vậy.

 

Năm Mậu Tý (1525), mùa xuân, tháng giêng. Đăng Dung muốn thay cũ lập chánh mới, bèn sai đúc loại tiền Thông bảo [tờ15b] hình tròn ngày trước, nhưng phần nhiều không thành, cho nên lại phải đúc loại tiền “gián” mới bằng kẽm, để ban bố cho các xứ tiêu dùng.

 

Tháng 2, Đăng Dung phong cho bầy tôi Nguyễn Quốc Hiến làm Phò mã đô úy Thái bảo Lâm quốc công, và cho đổi là họ Mạc; Mạc Quốc Trinh làm Thái sư Lân quốc công; Mạc Đình Khoa làm Tả đô đốc Khiêm quốc công; Mạc Bang Hộ làm Thái bảo Tĩnh Quốc công; Nguyễn Thời Ung làm Thiếu bảo Thông quốc công; Khuất Quỳnh Cửu tước Thuần khê hầu; Nguyễn Bỉnh Đức tước Khánh khê hầu; Phạm Gia Mô tước Hoằng lễ hầu; Phan Đình Tá tước Lan xuyên bá; Nguyễn Văn Thái tước Đạo xuyên hầu; Nguyễn Mậu tước Văn đại bá; Hà Cảnh Đạo tước Sùng lễ bá; Mạc Ích Trưng tước Tố xuyên bá; [tờ 16a] Nguyễn Tuệ tước Hưng giáo bá; Nguyễn Địch tước Lộc hiến hầu; Phạm Chánh nghị tước Văn tràng bá; Nguyễn Chuyên Mỹ tước Văn đẩu hầu; Nguyễn Độ tước Hà ngưng bá; Lê Quang Bí tước Tô xuyên hầu; Nguyễn Điển Kính tước Văn minh hầu; và bọn Nguyễn Hậu Liêm chức Trung quan trưởng giám. Tất cả có 56 người được thăng trật và phong tước tùy từng hạng.

 

Đăng Dung do sự cướp ngôi mà được nước, cho nên sợ nhà Minh hỏi tội, bèn sai Sứ thần sang Yên Kinh dâng biểu nói: Con cháu họ Lê không còn ai thừa tự. cho nên chúc thác đại thần họ Mạc tạm quản việc nước, để yên nhân dân. người Minh biết đó là giả dối, không tin, ,bèn mật sai người sang thăm dò tin tức, gạn hỏi căn do. Đăng Dung cùng bọn bầy tôi thường bày đặt lời lẽ để đối đáp, lại dùng vàng bạc đút lót những viên Tướng nhà Minh giữ biên thùy, để nhờ che chở.

 

[tờ 16b] Tháng 2, Bích khê hầu Lê Công Uyên người huyện Lôi Dương, là cháu viên công thần cũ Lê Văn Linh, cùng với Nguyễn Ngã, Nguyễn Thọ Trường, cùng khởi nghĩa binh đánh vào cửa Chu Tước, bị thua, chạy vào Thanh Hoa, rồi chiêu tập dân chúng, dựng cờ chiêu an, nhưng binh không có

niên hiệu. Đăng Dung sai quân đến đánh. Dực nghĩa hầu Lê Thiệu người châu Thúy thuần, sai thủ hạ ngầm giết Công Uyên, các Tướng Văn Thông Bá và Thái Sơn Bá đều tan vỡ. Xứ Thanh Hoa và xứ Nghệ An bị nạn binh hỏa liền liền mấy năm, nhân dân lưu tán, ruộng vườn bỏ hoang.

 

Mùa đông, tháng 10 sau khi đã được bình định, Đăng Dung cho là pháp luật lỏng lẻo, bèn sai bọn Quốc Hiến họp bàn đổi định phép binh, phép điền, phép lộc; [tờ 17a] đặt 4 vệ: Quốc Hưng, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô; các vệ nội ngoại trong 5 phủ; tên các Ty; tên quan chức công chức trong các nha môn, theo như quan chế triều trước, y lệ biên phép đủ. Lấy trấn binh xứ Hải Dương thuộc vào vệ Cẩm Y, trấn binh xứ Kinh Bắc thuộc vào vệ Kim Ngô. Mỗi Ty đặt 1 viên Chỉ huy sứ, 1 viên Chỉ huy đồng tri, một viên Chỉ huy thiêm sự, 10 viên Trung hiệu, 1100 binh sĩ Trung sĩ. Số lính này chia làm 22 phiên, thay phiên túc trực. Như Trung sĩ nào có công lao thì được thăng bổ các chức: Thiên hộ, Thống chế, Quản lĩnh và Trung úy. Mỗi vệ đặt 1 viên Thư ký, dùng hạng kí lục xuất thân, sẽ được bổ các chức thủ lãnh. [tờ 17b] Lính Trung sĩ chiếu theo lệ chia thành phiên, mỗi phiên chia làm 5 giáp, mỗi giáp đặt một viên giáp trưởng, quan đầu Ty chọn trong hàng Trung hiệu, lấy người xứng đáng bổ vào chức này.

 

Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), hai anh em Trịnh Ngung và Trịnh Ngang, là cựu thần nhà Lê, chạy sang triều Minh báo cáo Đăng Dung cướp nước, và xin binh để dẹp. Vì Đăng Dung hối lộ bầy tôi nhà Minh ở nơi biên thùy để cầu ngăn trở, nên việc không thành công, 2 ông đều chết già ở đất Trung Hoa.

 

Hữu vệ Điện tiền Tướng quân An thanh hầu Nguyễn Cam ở Thanh Hoa, là em Nguyễn Hoằng Dụ, một vị vốn có danh vọng, đem con em chạy sang nưới Ai Lao, có chí mưu đồ khôi phục.

 

Tháng 3, Đăng Dung mở khoa thi Cử nhân, [tờ 18a] lấy bọn Đỗ Tông, cộng 27 tên trúng tuyển.

 

Tháng 12, Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái thượng hoàng, ra điện Tường Quan ở.

 

Năm Canh Dần (1530), tháng giêng, ngày Đinh Hợi, mồng 1, Đăng Doanh tiếm hiệu Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi năm ấy là niên hiệu Đại Chánh thứ nhất, ngụy tôn Đăng Dung làm Thái thượng hoàng, dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và ngày 22, Đăng Doanh dẫn quần thần đến điện triều yến.

 

Đăng Dung về Cổ Trai ở, là để trấn vững nơi căn bản, và làm ngoại viện cho Đăng Doanh, nhưng vẫn định đoạt các việc trọng đại quốc gia.

 

Soạn 59 điều cáo ban hành.

 

Chưa bao lâu, Lê Ý là con Công chuá An Thái, khởi binh ở châu Gia, lại xưng niên hiệu Quang Thiệu, nhân dân đều hưởng ứng.

 

[tờ 18b] Tháng 4, Đăng Dung đích thân đốc mấy vãn thủy lục quân đánh Lê Ý ở Mã Giang, mấy trận đều bị thua, bèn lui quân về Đông Kinh.

 

Đăng Doanh lại dẫn binh vào Thanh Hoa, đánh Lê Ý ở Động hàng, bị thua to, bèn kéo quân về, lưu Mạc Quốc Trinh ở lại chống cự với Lê Ý. Quốc Trinh biết Lê Ý cậy thắng trận luôn, không có phòng bị, bèn tuyển quân đánh úp, phá tan doanh trại, bắt được Lê Ý, đem về Đông Kinh giết chết.

 

Mùa xuân năm Tân Mão (1531), An Thanh Hầu Nguyễn Cam dẫn quân tự nước Ai Lao về Thanh Hoa, Đăng Dung sai binh đánh , bị thua to.

 

Mùa xuân, năm Quý Tỵ (1533), các vị cựu thần nhà Lê: Lý Quốc Công; Trịnh Duy Noãn, Phúc Hưng Hầu; Trịnh Duy Duyệt, và Tả đô đốc Trịnh Duy Liệu, dựng vua Trang Tông lên ngôi vua tại nước Ai Lao, [tờ 19a] đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Quốc thống phân minh, danh nghĩa chính đáng. Sau khi phong các Tướng, vua sai Duy Liệu vượt biển sang nhà Minh, tâu cáo tội trạng của Đăng Dung, và xin nhà Minh đánh dẹp. Duy Liệu là người có tiết tháo, giỏi văn chương, soạn tờ tâu kể hết tội tiếm nghịch

của Đăng Dung. Ông lại tự ví như Thân Tư, Dự Nhượng vàTrương Lương1, lời lẽ rất lâm ly bi đát! Vua nhà Minh nhận tờ tấu, giao xuống đình nghị, định cất quân sang hỏi tội Đăng Dung.

 

Đăng Dung được tin trên, liền sai người trong đảng là Phạm Chánh Nghị mang tờ thư đến tỉnh Vân Nam trình quan đầu tỉnh. Trong thư đại ý nói:

 

Trước kia, Quốc vương tôi Lê Điêu bị tên nghịch thần Trần Cao giết, không có con trai, Đăng Dung cùng người trong nước dựng em Điêu là Huệ lên ngôi vua, Huệ lại bị gian thần Đỗ Ôn và Thịnh Tuy dụ dỗ đưa vào Thanh Hoa, [tờ 19b] Đăng Dung bèn dựng em Huệ là Khoáng lên ngôi, rồi vào Thanh Hoa đón Huệ về. Sau Huệ và Khoáng đều chết bệnh, họ Lê không có con nối. Khi Khoáng sắp chết, có bàn với quần thần rằng: “Đăng Dung và con trai, đều có công với nước, vậy giao ấn tín cho y để giữ nước”. Bởi thế cả nước suy tôn Đăng Dung lên ngôi vua. Sở dĩ không dâng biểu xưng thần và nộp cống hiến, là vì: Buổi trước thì bị Trần Thăng chiếm cứ tỉnh Lạng Sơn, nghẻn đường không qua được; Về sau lại bị các quan giữ cửa ải của thượng quốc, đóng cửa quan không cho qua. Còn như Lê Ninh, là con của tên loạn thần Nguyễn Cam, chứ không phải là con trai của Huệ.

 

Viên Thủ Tướng nhà Minh chuyển đạt lời trên lên vua, triều đình đều cho lời đó là hoang vu, không đúng sự thực. Còn đạo quân của Tướng Cừu Loan, tuy đã kéo đến lãnh thổ nước ta, nhưng vẫn do dự chưa tiến.

 

[tờ 20a] Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 7 (1539), tháng 5 ngày Canh Ngọ, thân mẫu Đăng Dung Đặng Thị chết, thọ 82 tuổi. Sùng An Vương Trí Nhân giữ việc hộ lễ, Đăng Dung để tang 3 năm, Đăng Doanh và quần thần để tang 1 năm, người trong Kinh thành và trong ấp Thang mộc đều để tang 100 ngày, toàn dân thiên hạ để tang 27 ngày. Đó là theo phép đời xưa vậy. Ngụy tôn tên thụy bà là “Chiêu từ sùng hựu hiến Hoàng thái hậu “, ngày Bính Ngọ tháng 9 làm lễ an táng, phần mộ gọi là Thụy Lăng.

 

Năm Canh Tý, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 8 (1540), nhằm niên hiệu Đại Chánh thứ 11 ngụy Mạc, ngày Mậu Ngọ tháng giêng. Đăng Doanh chết, Đăng Dung lại trở về Đông Kinh, dựng cháu nội là Phúc Hải lên nối ngôi vua.

 

Sợ nhà Minh đem quân đánh. Đăng Dung mật sai người hối lộ viên tướng giữ châu Liêm là Trương Nhạc, yêu cầu xin cắt đất nộp nhà Minh và tự bỏ Đế hiệu.

 

Viên Tham chánh nhà Minh Ông Vạn Đạt [tờ 20b] sai Lương Ngọc Phụ đem tờ đem tờ sức Đăng Dung phải đích thân đến cửa quân, nộp đất dựng mốc; bỏ Đế hiệu đã tiếm xưng, và vâng lĩnh lịnh theo ngày tháng của Trung Quốc.

 

Tháng 11, Đăng Dung vận áo trắng, tự quấn dây sợi vào cổ, dẫn cháu họ là Văn Minh cùng bầy tôi là: Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khánh, Đặng Văn Trị, Lê Thuyên, Nguyễn Tông, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, và Bùi Trí Vĩnh (các người này cũng đều quấn tua sợi vào cổ ), đến chực ở cửa Nam Quan. Vạn Đạt đã dựng sẵn một mạc phủ ở gần đấy, truyền lệnh mở cửa quan, Đăng Dung do cửa quan bên Tả bước ra, quì gối hướng mặt về phía Bắc, dâng tờ hàng biểu, và bạ ghi chép thổ địa

quân dân trong nước, tình nguyện nộp các động: Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát trong châu Yên Quảng và châu Vĩnh yên, [tờ 21a] để lệ thuộc vào Khâm châu; xin ban cho niên lịch và ấn tín.

 

Sau khi Tướng nhà Minh nhận hàng, bèn sai Văn Minh, Nguyễn Giản Thanh, và Hứa Tam Tỉnh đem tờ hàng biểu tới Yên Kinh dâng vua Minh.

 

Năm Tân Sửu (1541) tháng 8 ngày Nhâm Tuất, Đăng Dung bị bệnh, Phúc Hải sai Thái Bảo Bàn quốc công Đặng Văn Trị, Thái Bảo Dương quốc công Đặng Đôn, và Thiếu Bảo Liêm quốc công Mạc ninh Bang tới Cổ Trai hầu bệnh, rồi Phúc Hải cũng đích thân vào thăm.

 

Khi Đăng Dung bệnh nặng, truyền mệnh Phúc Hải phải kíp về Kinh sư, để trấn an nhân tâm, và coi xã tắc là trọng. Phúc Hải bèn trở về Kinh sư. Ngày 27 thuộc ngày Ất Hợi, Đăng Dung chết, tiếm ngôi vua 3 năm, truyền ngôi rồi ra ở ngoài 12 năm, thọ 59 tuổi. Có di chúc: Dựng đàn chay cúng phật.

 

Ngày Mậu Dần, Kinh Sư nhận được báo tang [tờ 21b] Phúc Hải dẫn quần thần đến điện Quảng Đức, sai Sùng An Vương Mạc nhân trí làm Tổng đốc sứ, Tả đô đốc Kỳ quận công Mạc ninh Ngội làm phó, Lương quận công Phạm kim Bảng làm Sơn lăng sứ, Tổng thái giám Vũ cảnh hành làm Phó.

 

Tháng 9, ngày Mậu Thân, Phúc Hải sai Thái úy Trung quốc công Mạc Nhứ Quế, Thái bảo Dương quốc công Đặng Đôn Tín vào phụ chánh. Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Liêm quận công Mạc ninh bang dâng tờ sách đặt ngụy thụy Đăng Dung là “Nhân minh Cao Hoàng đế “, miếu hiệu Thái tổ. Tháng 10 ngày Canh Thân an táng tại Long Sơn, mộ hiệu là An Lăng.

 

Mạc Ninh Ngội và Mạc Như Quế đều là Tướng của vua Chiêu Tông, vì thờ Đăng Dung nên đều đổi ra họ Mạc. Còn Mạc Ninh Bang tức là nguyễn Bỉnh Đức, đỗ khoa Giáp Tuất thời Hồng Thuận. Khi thiếu thời, Bỉnh Đức chơi với Đăng Dung rất thân, đến khi làm chính trị, ngầm giúp nhiều mưu kế về việc thoán nghịch cho Đăng Dung, nên Đăng Dung rất sủng ái tín dụng. Sau bị quyền thần giết.

 

Bọn Miễn Thiệu soạn văn bia, nhiều câu xưng tụng quá đáng.

 

Sau Bình An Vương giúp vua Thế Tông Nghị Hoàng đế khôi phục Kinh sư, giết hết bọn ngụy đảng; đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai; hủy bia đá mộ; chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là tỏ sự truy khiển vậy.

 

Đăng Dung có 10 con trai, con trưởng tức là Đăng Doanh, con thứ 2 là Trung Chánh, ngụy phong Hoằng vương, thứ 3 Phục Sơn [tờ 22b], ngụy phong Định vương, thứ 4 Nhân Phủ phong Khang vương, thứ 5 Quang Khải phong Quảng Vương, thứ 6 Nhân Quảng, thứ 7 Đại Khánh, mấy người này đều còn nhỏ tuổi, chưa được phong tước. Con gái Ngọc Thọ tiếm phong Thụy ninh Công chúa, Ngọc Châu tiếm phong Thái an Công chúa, còn Ngọc Quang và Ngọc Tư đều còn nhỏ tuổi chưa được phong tước. Còn con trai là Gia Vương, Đại Dung, cùng con gái là Hồng Ngọc, Đoan Túc, và Ngọc Lan thẩy đều chết non.