Đại Việt Thông Sử

Đại Việt Thông Sử

Nhâm 17

Đại Việt Thông Sử

LIỆT TRUYỆN

Thần Đôn soạn

NGHỊCH THẦN TRUYỆN

 

[tờ 23a] Đăng Doanh là con trưởng Đăng Dung, buổi đầu thời Quang Thiệu, được phong tước Dục mỹ hầu, giữ điện Kim Quang, khi Đăng Dung cướp ngôi vua, được dựng làm Thái tử. Sau khi Đăng Dung tiếm ngôi được 3 năm, vì sợ nhân tâm chưa ổn định, bèn truyền ngôi cho. năm Canh Dần (1580) mồng một tháng giêng thuộc ngày Đinh Hợi, Đăng Doanh tiếm ngôi vua, đổi niên hiệu là Đại Chánh, tôn bà nội Đặng Thị làm Thái hoàng Thái; Đăng Dung làm Thái Thượng hoàng.

 

Lúc này, Lê Ý [tờ 23b] con trai An Thái Công chúa, khởi binh ở Na Châu, lại xưng niên hiệu Quang Thiệu, hiệu triệu Tướng sĩ trong các xứ Thanh Hoa Nghệ An, hợp binh đánh giặc (Đăng Doanh). Đăng Dung đích thân cầm quân đánh Lê Ý ở Mã Giang, mấy trận đều thua, phải kéo quân trở về.

 

Ngày 23, tháng 8 Đăng Doanh vào Thanh Hoa, hội binh ở sông Hoằng Hóa, rồi chia làm hai đạo, sai Mạc Quốc Trinh lãnh đạo chiến thuyền tiến trước, bị Lê Ý đánh phá, Đăng Doanh lại đốc thúc Tôn Thất Kỳ tiến binh tới Động Hàng, Lê Ý đón đánh phá tan, bắt được rất nhiều. Đăng Doanh bèn lui binh cố thủ.

 

Mùa đông, tháng 11, Đăng Doanh để Quốc Trinh ở lại cầm cự với Lê Ý, rồi trở về Kinh Sư. Lê Ý cậy thắng trận luôn, không đặt phòng bị, lui về Na Châu [tờ 24a] bị Quốc Trinh bắt được, giải về Kinh Sư giết chết.

 

Tháng 12, cựu thần của Hoàng triều An Thanh Hầu Nguyễn Cam, nhân lánh loạn sang ở châu Sầm Thượng, Sầm Hạ bên nước Ai Lao, chiêu tập các người trung nghĩa, có số binh Tướng hơn nghìn người, 30 con voi và 300 con ngựa. Đến đây theo thỉnh cầu của các Tướng, bèn dẫn quân về Kinh Lược xứ Thanh Hoa, đóng ở Lôi Dương, gặp phục binh của Ngọc Trục Hầu tướng Đăng Doanh đón đánh phá tan.

 

Thời ấy, cha con Đăng Doanh do thoán nghịch cướp nước, cho nên hào kiệt phần nhiều không phục, rất nhiều thổ tù các nơi khởi binh, Nguyễn Cam đóng ở nước Ai Lao; Trịnh Ngung, Trịnh Nghêu chiếm cứ xứ Thái Nguyên; Vũ Văn Uyên chiếm cứ xứ Tuyên Quang, các Tướng này đều nêu danh nghĩa phục quốc [tờ 24b] Suốc các xứ Thanh Hoa, Nghệ An và Tuyên Hưng, đều không theo hiệu lệnh của họ Mạc.

 

Mùa xuân năm Tân Mão (1531), Đăng Doanh sai Tướng Đặng Quốc Công Nguyễn Kính vào đánh Nguyễn Cam ở xứ Thanh Hoa, Nguyễn Cam đón đánh phá tan quân Nguyễn Kính, rồi chia Tướng sĩ đóng các Huyện. Nguyễn Kính lại đánh vào Đông Sơn, Nguyễn Cam lại đánh phá được, vừa chém giết vừa bắt sống được mấy trăm tên, rồi dẫn quân ra Gia Viễn, chiêu dụ và chiếm đất.

 

Mùa thu, tháng 7 năm này, trời đổ mưa nhiều, nước sông đầy dẫy; họ Mạc dùng chiến thuyền tiến đánh, quân dân tán loạn, thế không thể cố thủ, Nguyễn Cam lại phải trở về Ai Lao, để dưỡng sức đợi thời, Đăng Doanh cũng không dám tiến sâu vào nữa. Lúc này xứ Thanh Hoa bị nạn đói kém, một đấu gạo phải mua với giá một tiền (60 đồng tiền kẽm).

 

Có người ở Sơn Đông là Hùng Sơn hậu, lại đem mấy trăm con em vào xứ Thanh Hoa, [tờ 25a] dựng doanh trại chiếm đóng, được mấy tháng thì Đăng Doanh sai Tướng vào đánh, nhà ở núi Ngọc Huân. Hùng Sơn Hậu chết bệnh, quân đều tan rã.

 

Mùa xuân năm Nhâm Thìn (1532), Đăng Doanh mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Nguyễn Thiến, gồm 27 người trúng tuyển.

 

Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ, không được mang gươm giáo đao nhọn, và các đồ binh khí hoành hành ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị. Tự đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi ngày một lần kiểm điểm thôi. Lại trúng mùa luôn luôn, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn.

 

Mùa đông, tháng 10, Đăng Doanh dùng Trung quan Trung hậu hầu làm Đại tướng quân, lãnh binh thống quản tất cả binh [tờ 25b] dân 3 Phủ và quan 3 Ty trong xứ Thanh Hoa, toàn quyền tổng trấn một phương. Tây An Bá Lê Phỉ Thừa gièm rằng:

 

“Châu Ái (Thanh Hoa) là một nơi núi sông hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu, binh lương đầy đủ. Quyền hành không nên để một người nắm giữ. Nếu người bầy tôi được chuyên quyền, tất sẽ tới sự họa loạn. Nay đem nơi trọng địa đó trao phó cho một người tổng quản, nếu xảy ra biến cố, sợ khó bề chế ngự, mà nơi đó sẽ không còn là của triều đình nữa. Xin xét kỹ lại, đừng để hối hận về sau “.

 

Đăng Doanh bèn chia xứ Thanh Hoa làm đôi, giao 7 Huyện: Thụy Nguyên, An Định, Vĩnh Phúc, Đông Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy và Quang Bình cho Thừa Phỉ quản thống, cùng với Trung hậu hầu cùng khống chế lẫn nhau. Sai khi Thừa Phỉ được binh quyền, lại càng kêu căng phóng túng.

 

Tháng này có tuệ tinh hiện ở Phương Đông.

 

[tờ 26a] Đăng Doanh dùng An Bang Thừa chánh sứ Trần Phỉ làm Lại bộ Tả thị lang.

 

Tháng 12, An Thanh hầu Nguyễn Cam, và cựu thần triều Lê là Lý quốc công Trịnh Duy Thoan, Phúc hưng hầu Trịnh duy liệu, dựng con trưởng vua Chiêu Tông lên ngôi vua ở nưới Ai Lao.

 

Mùa xuân, năm Quý Tỵ (1533), vua Trang Tông lên ngôi Hoàng đế ở Sách Thúy thuần, đặt niên hiệu Kiến Hòa năm thứ nhất, phong tước cho các Tướng, luyện binh để mưu đồ khôi phục. Sai Trịnh Duy Liệu sang xin quân nhà Minh.

 

Năm này hiệu úy Nguyễn Nhân Tỵ khởi binh ở Thuận Hóa, Đăng Doanh sai Tướng đánh, nhưng không được.

 

Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Nguyên hòa thứ 2 (1534), nhà Minh sai Hàm Ninh Hầu Bí Loan, và Binh Bộ Thượng thư Mao Bá Ôn, dẫn quân đến cảnh thổ nước ta, tuyên bố là đến đánh họ Mạc. [tờ 26b] Đăng Doanh xiết đổi sợ hãi! Liền tu sửa trại sách, luyện tập thủy quân; trưng cầu hết thẩy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước; phục chức cho Thái Bảo Vũ Hộ làm Tây quân Tả đô đốc chưởng phủ sự, để tới triều đình bàn luận chánh sự. Tháng 9 năm này, Vũ Hộ bị bệnh chết.

 

Mùa xuân năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 3 (1535), Đăng Doanh mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Nguyễn Bỉnh Khiêm cộng 32 người trúng tuyển.

 

Mùa xuân năm Bính Thân, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 5 (1536) Đăng Doanh sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc tử giám.

 

Tháng giêng, mùa xuân năm Đinh Dậu niên hiệu Nguyên Hòa thứ 5 (1537) Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện (tế tiên thánh tiên sư ).

 

Mùa hạ, tháng 4 có trận gió bão, làm đổ gẫy cây, tốc mái nhà, nước bể dâng lên giàn giụa, rất nhiều người và súc vật chết đuối.

 

Trấn thủ Thanh Hoa Tây An Hầu [tờ 27a] Lê Phỉ thừa đánh phá Tam Ty, rồi sang Ai Lao qui thuận Hoàng đế, được thăng tước Quận công.

 

Mùa xuân, năm Mậu Tuất, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 6 (1538) Đăng Doanh mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Giáp Hải cộng 36 người trúng tuyển. Bỗ Trần Phỉ chức Thượng thư, làm Thừa tuyên sứ đạo Hưng Hóa. Tuyển trai tráng sung vào ngạch quân.

 

Lúc bây giờ, triều Minh tuy có hạ chiếu sai Tướng sang hỏi tội họ Mạc, nhưng vẫn còn di duyên chưa phát binh, chỉ hư trương thanh thế để hống hách thôi. Cha con Đăng Doanh xiết đổi kinh hoàng! Sai Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đến tỉnh Quảng Tây xin hàng, tình nguyện tuân theo lệnh triều Minh phân xử, lời lẽ rất thảm thiết! Lại hối lộ rất hậu các quan 3 Ty tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và các Tướng Tá châu Khâm, châu Liêm. Các quan này nhận hối lộ [tờ 27b] hứa sẽ chuyển tâu về triều đình xin tha cho. Bởi thế thời kỳ tiến quân được tạm hoãn.

 

Mùa xuân, năm Kỷ Hợi, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 7 (1539), vua Trang Tông phong Đại Tướng quân Dực nghĩa hầu Trịnh Kiểm tước Dực quận công. Dực nghĩa hầu người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, theo Thái sư Nguyễn Cam đi đánh dẹp, lập được nhiều chiến công. Nguyễn Cam thấy ông có tài, bèn gả con gái cho. Đến đây Hoàng đế phong cho tước Công, coi là một Đại Tướng tâm phúc. Công nghiệp trung hưng bắt đầu tại đây.

 

Hoàng đế lại phong tước cho các Tướng: Phong Tuyên quận công cho Trịnh Công Năng, Hòa quận công cho Lại Thế Vinh, Thụy sơn hầu cho Hà Nhân Chánh. Ngoài ra như; Hiệp quận công, Tường quận công, Từ quận công, Trấn quận công, Tây quận công, Dương quận công, và Bảo quận công, đều được ban cho mỗi vị một quả ấn Tướng quân [tờ 28a], để dẫn binh bản bộ chia đường tiến quân, thanh thế rất lừng lẫy! Đánh vào vùng Lôi Dương, nơi nào quân Đăng Doanh cũng bị thua.

 

Vua Thế Tông nhà Minh tiếp tờ biểu xin hàng của Đăng Doanh, bèn ban sắc cho Mao Bá Ôn rằng:

 

“Trước đây, cháu vua nước An Nam có tây rằng: “Vì tặc thần Mạc Đăng Dung làm loạn, cướp chiếm thành đô, đường xá nghẽn lối, cho nên thiếu sự cống hiến “. Trẫm đã sai quan tra xét, biết đúng sự thực, đang định sai đem quân hỏi tội, thì lại tiếp tờ tấu của các quan Trấn thủ tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam tâu rằng: “Cha con Mạc Đăng Dung nghe tin thiên triều định hỏi tội, rất là sợ hãi, và đã hối tỉnh, dâng biểu xin hàng, tình nguyện dâng tất cả thổ địa nhân dân nước ấy, để thuộc quyền thiên triều thẩm định “. Lời cầu xin cũng đáng thương, bèn giao xuống đình thần hội nghị, nhưng thẩy đều cho là: Di tình khó lường, [tờ 28b] lời kêu vang tuy khẩn thiết, nhưng ý rất có thể quỉ quyệt. Bởi thế cần phải chính pháp tỏ nghĩa. Nay mệnh người hãy cùng Tổng đốc quân vụ Hàm minh hầu Cừu Loan, đến tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, hội đồng với các Đề đốc và các quan Tướng Phó tham tam ty, điều động thổ binh thổ quan trong 3 tỉnh ấy đi hỏi tội Đăng Dung. Các cơ nghi chiến lược, cho người được tiện nghi định đoạt. Như cha con tên tặc thần quả đã hối tội, tự đem mình lại xin hàng, thì ngươi xét đích thực tình trạng, rồi tâu gấp ngay về triều đình. Nếu nó vẫn ngoan cố không đổi lỗi, thì phải giết chết không tha [tờ 29a] Trong việc chiến trận, các ngươi nên tùy nghi châm chước, cần dùng kế vạn toàn, cốt là dẹp sự tiếm loạn, bắt được tội nhân, để tỏ nghĩa chinh phạt của thiên triều, để yên nhân dân nươc phiên thuộc.

 

Nay ủy trọng nhiệm này cho nhà ngươi “.

 

Bá Ôn bèn đi Quảng Tây, phái viên Tri phủ Thái bình Giang Nhất Quế, và chỉ huy Vương Lương Phụ đến đặt dinh tại Băng Tường, thẩm nghiệm xem cha con Đăng Doanh có quả thực dốc lòng qui hàng, thì nhận cho hàng. Như tình còn tráo trở không lường1, thì được tùy nghi định đoạt. Nhất Quế bèn truyền tờ lệnh cho Đăng Dung, phải khai đích thực nguyên do về sự xin hàng, và sẽ phát nguyện để quyền thiên triều xử trí thế nào ? phải khaii rõ ràng hết thẩy. Đăng Dung lại trình tờ phúc đáp đầy đủ. Giang Nhất Quế lại truyền tờ hịch cho các kỳ lão nhân sĩ nước ta rằng:

 

[tờ 29b] “Hoàng thượng ta, trung hưng giữ vận, thống nhất hoa di, các phương xa vời, không đâu là không thần phục. Duy nước các ngươi, đã lâu không tới triều đình, bèn sai Quân môn vâng mệnh khám hỏi. Được biết nước ngươi có cha con Mạc Đăng Dung, Đăng Doanh, thừa cơ rông dữ, cướp đoạt

 

ngôi vua, gây nên mầm loạn, liên tiếp binh đao, khiến cho nước các ngươi nhân dân lầm than, làng xóm ly tán. Tội trạng đã rõ pháp luật khôn tha. Thiên tử là chũ cả hao di, tất trọng điều nhân khôi phục cho nước bị tiệt diệt; thánh nhân rất mực đạo cương thường, ắt tỏ cái nghĩa đánh dẹp để trừ kẻ phản nghịch. Nay con cháu nhà Lê chưa tiệt, mà tội ác họ Mạc đã đầy, mệnh trời lòng người, rất là rõ ràng, [tờ 30a] không thể che giấu. Phàm những kẻ loạn thần tặc tử, thì ai ai cũng có quyền giết chết. Nước An Nam các ngươi, tuy ở nơi hẻo lánh nhưng đã từng thấm nhuần thanh giáo của thiên triều, há không có kẻ sĩ tôn sùng trung nghĩa; những tài dẹp loạn an bang. Như có thể cùng dựng nghĩa binh, để giết tên đại ác, thì ta sẽ treo phần thưởng, để giúp cho chóng thành công. Các ngươi nên kính lòng họa dâm phúc thiện của Hoàng thiên; thể ý vấn tội chánh danh của Thánh thượng. Nghĩ nghĩa họ Lê là vua cũ, họ Mạc là kẻ thù. Đều nên huy động lòng trung dũng, sắp đặt các kế mưu, một người xướng trăm người họa, chẳng hẹn mà cùng; người gần vui người xa lại, không ước mà nên. Nổi đoàn nghĩa sĩ, [tờ 30b] giết kẻ cừ khôi; tuyên bố nhân thanh, yên dân làng xóm. Kẻ nào chém được đầu cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, sẽ được thưởng 20.000 lạng bạc, và tâu triều đình thăng chức quan cao. Kẻ nào tình nguyện dâng một Phủ qui phụ, sẽ được cho làm quan cai trị Phủ ấy. Kẻ nào dâng một Châu hoặc một Huyện qui phụ, cũng được cho làm quan cai trị Châu hoặc Huyện ấy, và đều được thưởng 5.000 lạng bạc.

 

“Ta lại được biết Mạc Đăng Dung lấy Đô ấp làm nơi sinh sống; dùng Cửu công phủ làm Đô đốc hộ vệ. Ôi! các vị Cửu công đâu có phải không có lương tâm, chẳng qua chỉ sợ quy thế đó thôi. Nay các vị Cửu công nếu có thể bắt chém cha con Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh [tờ 31a] sẽ thưởng đồng đều, mỗi vị 20.000 lạng bạc, và tâu triều đình thăng tước trật cao; hoặc muốn dâng một Phủ, môt Châu hoặc một Huyện qui phụ, sẽ cho được chức cai trị Phủ Châu Huyện đó, và cũng ban bạc thưởng như trên.

 

Như vậy thì, dân vô tội nước An Nam, sẽ khỏi cái nạn chém giết; kẻ chí sĩ nước An Nam, sẽ được tỏ cái danh trung nghĩa. Trên thuận đạo trời, dưới yên lòng người, há không phải là một sự đại hạnh cho nước An Nam ru ?

 

Nếu không thế, binh thiên triều sẽ tấp nập đến ngay, lúc ấy ngọc cũng như đá, đều sẽ cháy tiêu, dù có những kẻ sĩ trung nghĩa, cũng không phân biệt, tất đều phải đưa đầu chịu giết! Hối còn sao kịp. Cũng như người muốn tự cắn vào rốn mình, có thể kịp đâu.

 

Vậy cấp phát 14.000 tờ điệp văn của bản phủ [tờ 31b] cho các Phủ: Trường Khánh, Lạng Sơn, và các châu Vĩnh An, Văn Uyên. Dân sĩ phụ lão các ngươi, nên tính mau mau! “.

 

Đăng Doanh và Trần Phỉ làm Thượng thư bộ lễ; phong cho Lê Bá Ly tước Khiêm quận công. Bá Ly nguyên quán xã Cổ phạm hạt Đông sơn, đến ở tại làng Thịnh Liệt, huyện Thanh trì, nổi tiếng là người tài dũng, khi làm quan thời vua Chiêu Tông, được phong tước Mai xuyên bá, bạn thân cũ của Đăng Dung, khi Đăng Dung tiếm ngôi, sai Bá Ly giữ vệ Kim Ngô, tiến phong tước Hầu, lại gả em gái là Lương thượng Công chúa cho. Đến đây Đăng Doanh càng thêm tín nhiệm Bá Ly, thăng cho chức Đông quân đô đốc, tước Quận công.

 

Mùa hạ, bị nạn đại hạn. Mùa đông, tháng 10 động đất.

 

Năm Canh Tý, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 8 (1540), nhằm niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19 triều Minh, [tờ 32a] mùa xuân, tháng giêng, ngày 25 thuộc ngày Mậu Ngọ, Đăng Doanh chết, tiếm vị 11 năm, dựng con là Phúc Hải lên ngôi, ngụy đặt tên thụy là “Thái tông Khâm triết Văn Hoàng đế “. Có 7 con trai, con trưởng là Phúc Hải, thứ 2 Phúc Tư, ngụy phong Ninh Vương, thứ 3 Kính Điển, ngụy phong Khiêm Vương, thứ 4 Lý Thiền, thứ 5 Lý Hòa, thứ 6 Hiệp Thái, thứ 7 Đôn Nhượng, ngụy phong Ứng Vương.

 

PHÚC HẢI

Phúc Hải là con trưởng Đăng Doanh, trước tên là Đức Nguyên, ngụy lập làm Hoàng Thái tử, tiếm ngôi vào tháng 2 năm Nguyên Hòa thứ 8 (1540), đổi năm Tân Sửu làm năm Quảng Hòa thứ nhất (1541), phong Lê Bá Ly làm Phụng quốc công.

 

Trung Quốc có sự cảnh cấp, nên triệu Tổng binh Cừu Loan về, để trấn thủ 2 tỉnh Quảng, [tờ 32b] mà cho An viễn hầu Liễu Tuân thay Cừu Loan. Mao Bá Ôn dẫn binh thẳng tới tỉnh Nam Ninh. Đăng Dung trước đã có lời hứa với Bá Ôn, nên vội vàng xin ra biên cảnh hàng phục, lời lẽ và lễ nghi rất là cung kính.

 

Ngày 28, tháng 10, Đăng Dung sai Thượng thư Trần Phỉ tới doanh Niệm nhai bày tỏ các khoảng. Bá Ôn ra lệnh chuẩn định ngày tới hàng vào ngày 3 tháng 11. Bọn Giang Nhất Quế nhà Minh dựng sẵn Tướng đài tại nơi Mạc phủ trấn Nam quan. Đúng kỳ hẹn trên, Đăng Dung lưu Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi tự dẫn tiểu mục và kỳ nhân là bọn Nguyễn Như Quế, đến cửa Nam Quan ứng chực, thảy đều dùng thước vãi tự quấn vào cổ. Trên Tướng đài đã đặt sẵn cái long đình, các quan Phó giám Tam ty trong hai tỉnh Quảng nhà Minh, đều ngồi đợi trên đài. [tờ 33a] Đến khi truyền lệnh mở cửa quan, Đăng Dung do cửa bên Tả bước ra, bỏ giầy đi chân không, quỳ gối quay mắt về phương Bắc, quan nhà Minh sai sinh viên Tạ Thiên Túng cởi những vải quấn ở cổ cho bọn Đăng Dung, và nhận tờ hàng biểu. Đăng Dung phủ phục lễ 5 lễ, và cúi đầu 3 vái, cháu họ Đăng Dung là bọn Mạc Văn Minh cũng lần lượt lễ theo. Quan nhà Minh truyền rằng: “Hãy dong cho đới tội về nước, chờ đây chuyển tâu lên triều đình, xin cho được khỏi tội chết “. Sau khi Đăng Dung lạy tạ rập đầu xuống đất, tướng nhà Minh truyền lệnh đóng cửa quan, rồi thu binh về. Đăng Dung cũng về nước, sai cháu họ là Mạc Văn Minh cùng với tiểu mục tòng nhân là bọn Hứa Tam Tỉnh cả thảy 28 người, theo tùy viên của Tướng nhà Minh tới Yên Kinh, Văn Minh đem một tờ hàng biểu. Bài biểu rằng:

 

[tờ 33b] “Hạ thần là kẻ mọn nơi biên cương, hiểu biết thấp kém, thế mà mỗi khi xa trông phương Bắc, thấy sáng rực tới nước Nam, lại trời đất thanh bình, bể sông yên lặng, hạ thần biết ngay là Trung Quốc có bậc Thánh nhân. Huống chi thiên huy chấn động, mà vẫn có lòng nhân như khi mùa xuân, hạ thần vừa sợ vừa cảm, kể sao cho xiết.

 

Cuối thời họ Lê chũ nước hạ thần, gặp vận truân chuyên, kế tiếp qua đời, truyền đến Lê Khoáng, chưa được bao lâu, lại lâm bệnh nặng, trong khi thảng thốt, theo tục nước mọn, tạm giao phó việc nước cho hạ thần, rồi hạ thần lại giao phó cho con trai Đăng Doanh, nhưng đều chưa kịp tâu trình, như vậy là thiện quyền. Tuy thiên triều xa cách, khó tới trình tâu, nhưng tội lỗi tầy trời, đâu dám tự dấu.

 

[tờ 34a] Niên hiệu Gia Tĩnh thứ 17, hạ thần đã kính cẩn sai Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng, và tình nguyện tuân theo thiên triều định đoạt. Đó là do tự lòng thành, không hề vờ dối. Chỉ vị chí thành đó chưa được thấu tới thánh hoàng, cho nên hạ thần sớm tối lo sợ không yên.

 

Niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19, ngày 25, tháng giêng, Đăng Doanh không may bị bệnh chết, người trong nước chực noi theo tục cũ, định dựng con trưởng Đăng Doanh là Phúc Hải thay ngôi. Nhưng hạ thần tự nghĩ: Mấy lần trước truyền ngôi, chưa kịp tâu xin, đã là lầm lỗi, thường ái náy không yên, nếu giờ lại theo ý người trong nước, sẽ nặng thêm tội, hết đường kêu van. Cho nên hạ thần và Phúc Hải vẫn kính cẩn chờ mệnh thiên triều.

 

Vừa đây, đại tướng chuyên chinh, dẫn quân tới cõi, hạ thần ví như con heo trong chuồng, đâu dám kháng cự.[tờ 34b] May được Tướng quân truyền hịch đòi hạ thần đến cửa quan gạn hỏi, được nghe truyền những lời nhân từ của thánh thượng, hạ thần cảm động đến giàn giụa nước mắt! Bao nhiêu tội lỗi, thần xin nhận hết, còn lũ dân đen, đều là vô tội. Bệ hạ khoan hồng, tha cho kẻ tội thần này còn chút hơi tàn, hạ thần xiết đổi cảm khích, đã hướng về phương Bắc mà tung hô.

 

Ngày 3 tháng 11, niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19, hạ thần đã cùng bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế, Đỗ Thế Khanh, Đặng Văn Trị, Kỳ Nhân Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Tri Vĩnh, tự quấn tua vào cổ, thân tới biên thùy, cúi đầu trước Mạc Phủ Tướng quân, dâng các khoản đầu hàng.

 

Đăng Dung thần, vẫn muốn đích thân tới kinh đô, chiêm bái long nhan, xin nhận tội chết. Chỉ vì tuổi già mình yếu, đi lại khó khăn; [tờ 35a] cháu trưởng Phúc Hải thì đang cư tang. Bởi thế đã kính cẩn sai cháu họ Mạc Văn Minh thay hạ thần tới cửa khuyết, phủ phục đợi tội. Như vậy đũ tỏ cha con hạ thần

 

sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng hàng biểu hồi trước, chính là do sự sợ uy mến đức, chứ không có lòng trang sức dối trá gì.

 

Cúi mong thánh thượng nhân từ, nhủ lòng tha thứ cho hạ thần được đổi lỗi cũ. Còn như thổ địa nhân dân hạ quốc, đều thuộc quyền sở hữu của thiên triều, xin bệ hạ đoái tình nước mọn, tùy nghi định đoạt, cho hạ thần được nội thuộc, đời đời xưng là phiên quốc; mỗi năm lĩnh những quyền lịch “Đại Minh nhất thống “, đem ban phát khắp nước, để phụng theo ngày tháng. Đó là một đại hạnh cho hạ thần vậy.

 

Tuy tiên triều hạ quốc, họ Đinh họ Trần và họ Lê, đều kế tiếp xưng tôn hiệu và đặt niên hiệu riêng. Đến hạ thần sau khi cải hối, tự biết việc đó là không đáng [tờ 35b], cho nên đã nghiêm cấm trong nước, cải cách lối đó, chỉ khuyên chờ theo mệnh mới, đâu dám lại theo lỗi xưa, để đắc tội với thiên triều.

 

Thủ thần Khâm châu tỉnh Quảng đông tâu xưng: 2 đô Như tích, Chiêm Lãng, và 4 động Tư Phiêu, La Phù, Cổ Lâm, Liễu Cát, là đất cũ của Khâm Châu tỉnh Quảng Đông. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều nước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm châu.

 

Còn như Lê Ninh mà Duy Liệu xưng là con cháu họ Lê, thì người trong nước đều tương truyền là con của Nguyễn Cam. Dòng dõi họ Lê đích thật không còn ai, cho nên hạ thần đã lập hương hỏa trong quốc đô để thờ phụng họ Lê.

 

Nay ở Vân Nam, lại có người cho Lê Ninh là dòng dõi họ Lê, [tờ 36a] hiện ở nước Lão Qua, và đã tâu lên thánh thượng, hạ thần đâu dám biện bạch. Duy tình nguyện cắt trại Thất châu, trại Hồng Y ở Quảng Lăng, và mấy xứ phụ thuộc gần đó, để cho y quản hạt. Những xứ này thuộc tỉnh Vân Nam. Cúi xin thánh hoàng sai người một vài viên sứ thần thẳng tới hạ quốc, dò hỏi khắp các người cố lão, như có biết ai là con cháu họ Lê, thì hạ thần xin dẫn quần thần đón hàng, và trao trả hết thẩy đất đai toàn quốc, há chi cắt mấy xứ kể trên thôi đâu. Nếu quốc nhân đều công nhận họ Lê đích thực không còn ai, thì xin bệ hạ đoái thương đến nhân dân, cho hạ thần tạm coi việc nước.

 

Về việc hạ quốc còn thiếu cống hiến trong mấy năm trước đây, tất nhiên sẽ xin nộp bù, và từ nay mỗi năm xin theo lệ cống hiến đầy đũ, cái đó hạ thần không dám kêu này, [tờ 36b] là vì hạ thần hiện là kẻ có tội, đang cầu xin khỏi chết còn sợ chưa được.

 

Hạ thần lại muốn chiếu theo lệ cũ triều trước của hạ quốc, định mỗi năm cống hiến một người bằng vàng để thế mạng, nhưng còn sợ đường đột nên chưa dám. Nay nhân tâu sớ đầu hàng, xin bệ hạ định đoạt, và xin cho hạ thần được tạm dùng quả ấn, lọng vàng, do thiên triều đã cho hạ quốc từ trước. Vì những thứ ấy hạ thần vẫn cẩn thận giữ đấy, mà không dám tự ý đem dùng. Nhưng không có, thì không lấy gì làm chứng nhiệm. Cúi mong thánh triều soi xét “.

 

Lại bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế, kỳ nhân Lê Thuyên, và sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế dâng tờ biểu tâu vua Minh rằng:

 

“Bọn quốc nhân chúng tôi, tuy ở nơi hoang vắng, song vẫn được nhờ ơn thiên triều, mới được sinh sống. Duy cách thiên triều quá xa, mà nuớc chúng tôi luôn luôn gặp nạn; [tờ 37a] Khoảng năm Chánh Đức Gia Tĩnh, bọn nghịch thần Trần Cao, Trần Thăng, Trịnh Tuy và Đỗ Ôn Nhuận, nối tiếp nhau làm loạn, bức hiếp giết quốc chủ Lê Điêu, Lê Huệ phải bỏ thành đô chạy, hoàng tộc gần hết người, chỉ còn mỗi một Lê Khoáng giữ việc nước, nhưng chưa được bao lâu lại bị bệnh chết! khiến các nơi nhiễu loạn, nhân dân lầm than đến cực độ! Lúc ây, Đăng Dung dẹp hết bọn tiếm nghịch, quả là một người có công. Tuy nhiên, thổ địa nhân dân đều do thiên triều ban cho, thế mà Lê Khoáng đem trao cho Đăng Dung, Đăng Dung nhận rồi lại tự trao cho con, mà chưa thỉnh mệnh, tội đó không thể chối được.

 

Bọn quốc nhân chúng tôi, cũng nhân sau cuộc loạn lạc, sợ tụi ngông cuồng lại nổi dậy như Trần Cao hồi trước, [tờ 37b] thì tai vạ biết bao giờ hết. Trong lúc thảng thốt, kiếm kế cầu xin, tự chọn người chủ, suy đới Đăng Dung. Đó là do sự ngu muội, tội cũng như Đăng Dung vậy. Sau đây, vì đường sá xa xôi, cửa quan đóng kín, tuy mấy lần dâng sớ khẩn cầu, nhưng không sao tới đến thiên nhan. Bởi vậy tội càng thêm nặng, đến nổi oai trời nổi giận, sai Tướng xuất quân, năm trước, quân môn truyền hịch tới bản quốc, cha con Đăng Doanh sợ hãi không yên, đã kính cẩn dâng biểu xin hàng, chưa được chấp nhận.

Nay đại Tướng lại động binh, oai như sấm sét, vang động núi sông! Chúng tôi cầm chắc phen này sẽ thành mẳn cám hết trơn, không còn một mống nào sống sót! Nào ngờ lại được ơn trời tha thứ, dong cho đầu hàng. [tờ 38a] Khi viên Giám thống tới tuyên dụ, thì nhân dân toàn quốc trông nhau mà giàn giụa nước mắt, cùng nhau dắt già cõng trẻ, đều đến cửa quân, tình nguyện cùng Đăng Dung bó thân hàng phục. Được khỏi sự chết, là nhờ ơn cha mẹ trời đất ban cho, cảm khích hân hoan, không biết đâu là cùng cực!

 

Quốc nhân chúng tôi lại trộm nghĩ: Dân không thể tự trị, việc tất phải chánh danh. Nếu danh không chánh thì việc không có ai thống quản; việc không người thống quản thì dân sẽ tự tranh giành nhau, rồi tan rã mà không ai cấm. Như vậy muốn khỏi loạn vong, có thể được chăng ?

 

Nay bệ hạ đã cho Đăng Dung và quốc nhân được sống lại, thế mà lại bị chết vì cuộc rối loạn, thì chắc bệ hạ cũng không nỡ lòng. [tờ 38b] Bởi vậy chúng tôi kính tỏ nỗi niềm riêng, cúi mong bệ hạ ban bố ân đức, cho chúng tôi trước sau đều được hưởng cảnh sinh sống.

 

Muôn tâu bệ hạ, Đăng Dung tự khi giữ việc nước tới nay, chưa làm điều gì bạo ngược, chỉ chăm lo sự ích lợi cho dân, cho nên dân đều cảm đức. Nay đã sợ uy hối tội, cùng với cháu trưởng Phúc Hải đều đợi mệnh thiên triều, không dám tự tiện nhận giữ việc nước như trước, và cũng đã sức toàn quốc, không dám theo triều trước mà xưng tôn hiệu.

 

Chúng tôi trộm nghĩ, ông cháu Đăng Dung tự ý làm Di mục, quả là có tội, đâu còn dám mong đến thịnh điển. nhưng nghĩ cho cùng, họ Mạc tuy có tội thực, song đều bởi quốc dân đều qui phục, cho nên mới thành tội trạng đó. bây giờ nếu không nhờ ơn thánh thượng ban cấp cho một danh sắc, thì lấy gì cai trị người trong nước, để cho khỏi làm loạn. [tờ 39a] Bởi vậy cúi mong bệ hạ thương dân phương xa, thuận tình nước mọn, ban cho họ Mạc một mệnh mới, tra theo việc cũ các triều trước, hoặc cho làm Tổng quản, hoặc cho làm Đô hộ, để cai quản việc nước, đời đời xưng là phiên thần, lũ chúng tôi cũng được giữ chút sống thừa, đời đời xưng làm phiên dân, thì ơn tái tạo của bệ hạ sáng ngang với trời đất, không bao giờ cùng vậy “.

 

Bá Ôn sai người đưa bọn Văn Minh đi Bắc Kinh, và dâng tờ sớ bàn về việc này:

 

“Tuân theo thánh chỉ y cho bàn xử về việc Đăng Dung xin nội thuộc xưng phiên; mỗi năm lĩnh nhật lịch Đại thống; và xin nộp bù cống phẩm còn thiếu các năm trước. Vậy xin kính tâu:

 

Hạ thần xét về nước An Nam, tự thời Hán thời Tống đến nay, [tờ 39b] tuy xưng là nội phụ, nhưng vì thói tục di liêu, khí độc lam chướng, vốn không thích nghi với Trung Quốc. Vả chăng nước ấy cứ vài năm lại một lần loạn, mà đã loạn thì, kéo bè kết đảng, đánh giết lẫn nhau. thế tất lại qua mấy năm mới yên. Thời xưa, Trương Phụ dùng hơn mười vạn người đánh dẹp nước ấy, mà cũng chỉ Quận Huyện được mấy năm, chúng lại liên tiếp phản bạn, rốt cuộc quyền cai trị lại thuộc về người Di. Đó là một chứng nghiệm rất rõ vậy.

 

Nay châm chước sự lợi hại về thời trước, không gì bằng cứ để nước ấy là nước ngoài, mà không sáp nhập Trung Quốc, chỉ dùng người Di trị người Di, mới được ổn tiện.

 

Như cho là Đăng Dung có tội, đầu hàng, nên chưa vội trao cho tước phẩm đất đai. Còn cháu y là Mạc Phúc Hải đượng chờ mệnh. Nếu được bệ hạ lượng thương tha thứ, ban cho danh sắc, hoặc làm Đô hộ, hoặc Tổng quản, chiếu theo lệ thời Hán thời Đường. [tờ 40a] Mỗi năm đến Ty Bố chánh tỉnh Quảng Tây nhận ban cấp lịch Đại Thống. Nay thì tới lĩnh tại trấn Nam Quan; tra số cống hiến còn thiếu về mấy năm trước, nay phải nộp đủ; tự đây về sau, cứ hàng năm theo lệ nộp cống một lần.

 

Các chức hành lệnh ở 4 động: Tự Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và La Phù thuộc Khâm Châu, nguyên là tước hầu tước An Nam, lại có chú thêm là chức quan Tham chánh phó sứ. Vậy xin chiếu nguyên ngạch biên vào hạ tịch Khâm Châu, và ưu đãi như hiện nay, chờ 3 năm1 sau, sẽ cấp lương theo cấp bậc hết thẩy.

 

Các Sứ sự của nước ấy đã sai tới, tự trước tới nay, sau khi xong công việc, xin cho về nước hết thảy.

 

Đó chính là phép dùng người Di trị người Di vậy.

 

Còn như Lê Ninh, tuy tự xưng là con cháu họ Lê, nhưng hạ thần căn cứ vào lời đã tra xét của các Ty trước, thì tung tích y đích thực không rõ. Duy liệu một mặt ẩn náu [tờ 40b] ở trại trong động Lãng Thạch Lâm Châu. Nơi phụ cận với địa phương Thổ quan tỉnh Quảng Tây, cũng không biết diện mạo Lê Ninh ra thế nào, cho nên hoặc xưng là Lê Ninh, hoặc xưng là Lê Hiến, hoặc xưng là Quang Chiếu, hoặc xưng là Nguyên Hòa, hoặc lại cho là con trai Nguyễn Cam, hoặc lại cho là do họ Trịnh bịa đặt ra. Gần đây, Ty Bố chánh tỉnh Vân Nam có mở cuộc hội thẩm, người Di là Trịnh Viên khai rằng: Động Tất mã giang tuy có tên Lê Ninh, nhưng lai lịch về tông phái không tường, diện mạo và tuổi của y, so với nguyên báo của Trịnh Duy Liệu lại khác xa. Như vậy đều không gì làm bằng cứ. Nay nên giao các quan Trấn thủ tỉnh Vân Nam khám tra, như quả đủ bằng cứ, mà không gì mâu thuẫn, thì cho y cứ ở ngay nơi Tất mã giang đó [tờ 41a] và những địa phương chung quanh nơi ấy, đều cho y quản lĩnh, hoặc cho y một chức vị gì thuộc tỉnh Vân Nam. Nếu không phải là con cháu họ Lê, thì xin bỏ qua khỏi bàn tới.

 

Còn Trịnh Duy Liệu, xin an sáp trong tỉnh Quảng Đông, tùy theo nơi thuận tiện, và lượng cấp ruộng đất cho y khỏi phải lưu ly thất sở.

 

Phân xử như vậy mới chu đáo mọi lẽ. Kính xin bệ hạ sắc cho Bộ này họp bàn, rồi tâu lên thánh thượng tài định, dứt quyết mối ngờ, định đoạt việc lớn. Tự đấy, Hoa Di nội ngoại, thẩy được yên vui vô sự “.

 

Sau đây, quân Tàu kéo về hết. Trần Phỉ tự Bắc Quan trở về Kinh Sư, Phúc Hải phong cho chức Thượng thư bộ lễ, coi việc Thừa tuyên sứ tỉnh Hải Dương.

 

Năm này, vua Trang Tông sai Nguyễn Cam, xuất quân đánh vào các huyện trong tỉnh Nghệ An, rất nhiều hào kiệt hưởng ứng qui phụ, [tờ 41b] quân của Phúc Hải bị thua trận luôn luôn.

 

Năm Tân Sửu, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 9 (1541), mùa xuân, Phúc Hải mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Nguyễn Kỳ gồm 30 người trúng tuyển.

 

Mùa thu, tháng 8, ngày Ất Hợi, Đăng Dung chết ở Cổ Trai. Phúc Hải đưa linh cữu an táng tại Long Sơn, ngụy xưng là An Lăng.

 

Cùng ngày này, vua Thế Tông nhà Minh ban tờ chiếu:

 

Xá tội cho cha con Đăng Dung; đổi “An nam quốc ” làm “An nam Đô thống sứ “; trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ, cho hàm nhị phẩm và quả ấn bằng bạc, và được đời truyền nối; 13 Lộ thì cứ theo nguyên tên cũ, mội Lộ đặt một viên Tuyên phủ, một viên Đồng tri, một viên Phó sứ, và một viên Thiêm sự, dưới quyền Đô thống sứ quản hạt và sai khiến triều cống; ngoài ra, các chức quan lớn nhỏ trong toàn cõi, đều thuộc quyền Đô thống sứ tùy nghi cất đặt; [tờ 42a] nhân dân địa phương trong bốn động do y dâng trả, nguyên là dân biên thùy nước ta, vậy cho thu cả vào bản đồ; sức nha môn Tuần phù 2 tỉnh Quảng phải đối đãi các người đầu hàng một cách hậu tình thương xót. Sau khi đã xá tội, chuẩn thưởng cho Mạc Văn Minh 1 áo đơn bằng nhiễu trắng, và 2 áo kép bằng đoạn màu, thưởng cho Nguyễn Văn Thái 1 áo kép đoạn màu, thưởng cho Hứa Tam Tỉnh 1 áo nhiễu, và cho trở về nước ngay ngày hôm ấy; các lễ phẫm cống hiến, đều chiếu theo lệ cũ; các hộ khẩu tiền lương của nước ấy, không cần phải biên chép tâu về.

 

Bộ Lễ sai chủ sự Ngô Ứng Khuê đi Lưỡng Quảng cấp phát bạc thưởng và áo, còn một đạo sắc phong Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ, và 1 quả ấn An Nam Đô thống sứ ty, thì quan tỉnh ấy phụng đem chuyển giao cho Đăng Dung thủ Lĩnh. Nhưng lúc ấy Đăng Dung đã chết, phao truyền là bị bầy tôi là Nguyễn kính giết. Phúc Hải sai người đến cửa quân lưỡng Quảng báo cáo an tín, và xin tập phong.

 

Vua Thế Tông nhà Minh thấy Đăng Dung chưa được nhận chức mà đã chết, cũng tỏ ý thương xót, bèn sai Thái Kinh hội đồng với các quan Tổng đốc, tra khám xem Đăng Dung chết bệnh hay có vì cớ gì khác không, và Phúc Hải có đích thực là cháu đích tôn của Đăng Dung không ? Kỳ mục bọn Như Quế

xin bảo đảm là không có gì dối trá. Bọn Mao Bá Ôn xin cho Phúc Hải lĩnh chế mệnh. Vua Thế Tông ưng cho.

 

Năm Nguyên Hòa thứ 10 (1542), nhằm niên hiệu thứ 21 nhà Minh, mùa xuân, tháng 2, vua Trang Tông tự cầm quân đi kinh lược tỉnh Thanh Hoa, [tờ 43a] sai Nguyễn Cam dẫn quân đánh vào tỉnh Nghệ An, Phúc Hải sai quân chống cự.

 

Phúc Hải ngụy phong tước vương cho các em là bọn Kính Điển; đổi Trần Phỉ sang chức Thượng thư bộ hình.

 

Hàn lâm viện Thị độc Nguyễn Đức Lượng soạn dâng bài châm “bảo nghiệp “, có ngụ ý khuyên răn, Phúc Hải rất tán thưởng.

 

Tháng 3, Phúc Hải thân dẫn bầy tôi là bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Ninh Ngũ đến cửa quan Trấn An, lĩnh tờ sắc, quả ấn, vá 1.000 quyển lịch.

 

Vua nhà Minh ban tờ sắc dụ cho Phúc Hải rằng:

 

“Trẫm là Đế vương coi thiên hạ như một nhà, muốn cho muôn dân đều được yên ổn. Nơi nào cũng coi như vậy, không kỳ thị gần xa.

 

Nước An Nam mày, ở phương Nam xa, đời đời giữ chức cống hiến. Mấy năm trước đây không đến triều cống, xét về duyên cớ, chính là tội của Đăng Dung ông Tổ của mày, [tờ 43b], trẫm đã sai quan dẫn quân hỏi tội, ông tổ mầy biết hối cải, dâng biểu xin hàng, kể hết duyên cớ về tội tự tiện trao ngôi nhận ngôi, tình nguyện hiến thổ địa nhân dân, theo quyền triều đình xử định. Mao Bá Ôn dâng tờ tâu đó, triều đình giao bộ binh họp bàn, rồi đề nghị xin rằng: “Ông tổ mày Đăng Dung sợ oai đầu hàng, là rất thành thực đợi tội “. Trẫm vì thể đức “hiếu sinh ” của Thượng đế, muốn thuận tình “an lạc ” của hạ dân, cho nên tha cho hết thẩy tội lỗi, rồi đổi quốc hiệu bỏ phong vương, trao cho chức Đô thống sứ, hàm tòng nhị phẩm nha môn, dùng quả ấn bằng bạc, được theo ngày tháng và triều cống, cho con cháu được nối ngôi, đời đời giữ đất nước. Đó là một sự lợi ích rất lâu dài của dòng họ mày vậy.

 

Nay quan Trấn thủ tâu rằng: [tờ 44a] “Đăng Dung ông tổ mầy đã chết bệnh, mày là cháu đích tôn. Và mày đã bày tỏ hết nổi chí thành về sự đầu hàng của tổ mầy, lại thuật hết những lời di chúc của tổ mầy “. Như vậy cũng có thể gọi là noi được chí ông tổ vậy.

 

Vậy ban sắc dụ này, cho tổ mầy chức Đô thống sứ. mày nên tuân theo hết lòng trung thành, kính giữ chức cống; cai trị dân chúng, yên tĩnh địa phương, để xứng với ý thương mến của triều đình, và hợp với lòng thành kính của ông tổ, sẽ hưởng nhiều phúc, há chẳng đẹp ru ?

 

Phàm các công việc, đều phải chiếu theo các lẽ trong tờ sắc dụ đã ban cho Tổ mầy mà làm. Kính đấy! “.

 

Phúc Hải nhận lĩnh các khoản, rồi trở về kinh đô.

 

Mùa thu, ngày 3 tháng 8, Phúc Hải sai Giao bắc Tuyên phủ [tờ 44b] Đồng tri Nguyễn Kính Điển, Thiêm sự Nguyễn Công Nghi và Lương Giản sang nhà Minh tạ ơn về sự được sắc phong, tiến dâng lễ phẩm bản xứ: 4 lô hương và bình cắm hoa bằng vàng (nặng 190 lạng ); 1 rùa bằng vàng (nặng 19 lạng ); 2 lô hương và bình cắm hoa bằng bạc (nặng 151 lạng ); 12 mâm bằng bạc (nặng 641 lạng ); 60 cân trầm hương; 148 cân thương; cố 30 cây giáng chân hương; 20 tòa tê giác; 30 cái ngà voi, cùng các thứ hương thơm tơ lụa khác.

 

Lại sai Nguyễn Chiêu Huấn, Vũ Tuân, và Tạ Đình Quang. dâng các phương vật về lễ cống hiến hàng năm, cũng như các thứ kể trên. Sau bèn thành lệ.

 

Tờ biểu tạ ân rằng:

 

“Phủ phục kính thưa: Trung Quốc có Thánh nhân, trưng điềm sông trong biển lặng; ngoại di lại triều cận [tờ 45a] thấm nhuần phúc lớn ân sâu. Giờ Ngọ khí dương hồi, bắc thần mọi sao chiếu.

 

Hạ thần Phúc Hải trộm nghĩ: Lòng trời đất thể theo muôn vật, ý sinh ban bố đồng đều, không vì tươi khô mà phân biệt; đức Đế vương thường chỉ yêu người, kẻ nào cũng đều thương xót, không vì còn mất mà sai thù. Đó là bởi lẽ công bằng, cho nên ban ra rất rộng.

 

Hạ thần Phúc Hải trộm nghĩ: Tổ hạ thần Mạc Đăng Dung, sớm do đời loạn, gặp phải thời gian. Nhân dân lưu ly tán loạn, giữ được bình an; quen thói cha truyền con nối, tự chuyên vẫn sợ. Mấy năm thiếu cống Bắc triều, một sớm bổng nghe nổi giận. Đợi tội Nam Quan, những sợ nương thân không đất; tới hàng Bắc Quyết, [tờ 45b] may sao bộc bạch có trời. Bèn dẹp cơn lôi đình, mà ban ân vũ lộ. Ơn sâu tắm gội, mong được toại nguyện trung thành; di chúc đinh ninh, không dám quên lòng sự thượng.

 

Hạ thần Phúc Hải. đương tuổi trẻ thơ, lạm nối ngành trưởng. Theo lời kính trung tổ phụ, việc nước chăm lo; nhờ nhân thương rộng triều đình, những mong tới dưới, đội ơn thể tuất, bèn được vinh quang. Cho được vâng lĩnh ấn tín, nêu cao danh khí. Ân sâu thắm khắp, quá đổi trời cao. Tổ hạ thần đợi mệnh lúc hơi tàn, tuy chết mà vinh dự; chính hạ thần đang ở kỳ tang thứ. [tờ 46a] nước mắt theo lại giàn. Tất cả nhân dân toàn cõi, đều biết thánh thượng vô tư.

 

Kính duy Hoàng đế bệ hạ, ngài gồm các đức: cương kiện tụy tinh, thông minh duệ trí. Kính nhường sáng khắp bốn phương. Nghêu văn rực rỡ; tài đức ban yên mọi nước. Vũ liệt nguy nga. Hòa thuận thái bình, hoàng gia ban bố. Coi ấp hạ thần ngàn dặm xa xăm, muốn đồng thanh giáo; thương Tổ hạ thần một lòng kính thuận, ơn khắp thủy chung. Sắc dụ đã ban, khúc thành tỏ đạo. Hạ thần kính cẩn thay tiên tổ bái lĩnh, để biểu dương cùng dân chúng.

 

Chánh lệnh đức trạch dồi dào, [tờ 46b] đều nung đức do nơi thánh hóa; thổ địa thuế sưu cống hiến, thường thành thực ở mức chính cung “.

 

Bài biểu này, do Thượng thư Nghĩa Trang Bá Nguyễn Bạt Tụy soạn.

 

Tháng 9, Lại bộ Tả thị lang Trình Xuyên Hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm xin trí sĩ, đi về làng hưu dưỡng điều viên. Phúc Hải ưng cho.

 

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 11 (1543), mùa xuân, vua Trang Tông thân chinh đánh Phúc Hải, lấy được Tây Đô, phá tan quân Chánh Trung của Ngụy Hoằng Vương, Tổng trấn tỉnh Thanh Hoa Đại Tướng quân Trung hậu hầu dẫn quân đầu hàng.

 

Mùa hạ, tháng 5, Phúc Hải bổ nhiệm Trần Phỉ chức Thượng thư Bộ Lễ.

 

Thiếu sư Mạc Ninh Bang xin bàn định phép cấp lộc điền cho Hiệu sĩ:

 

“Niên hiệu Quảng Hòa thứ 3, ra lệnh; Xã nào ngoài số ruộng đất tư, mà có ruộng quan và ruộng chùa, [tờ 47a] thì tùy theo số ruộng đó, chiếu cấp cho: Nhất hạng trung hiệu mỗi người 2 phần rưỡi; nhất hạng trung sĩ mỗi người 2 phần rưỡi. Xã nào không có ruộng thì mỗi người một phần. Như xã nào tuy số ruộng nhiều đáng được 2 phần, thì 2 phần ấy cũng không được quá số 2 mẫu, rồi tùy theo cấp bậc giảm dần, còn bao nhiêu ruộng sẽ theo nhân số trong xã mà chia đồng đều.

 

Như vậy đủ thấy triều đình ưu đãi Trung hiệu, Trung sĩ rất hậu. Nhưng hạ thần thiết nghĩ: Trong bọn Trung hiệu, Trung sĩ, tất nhiên có kẻ khỏe mạnh, có kẻ lười biếng, đâu có nhất luật như nhau, thế mà cấp phát ruộng đất một cách đồng đều không phân biệt, thì sao có thể khuyến khích lòng người được.

 

Vậy xin cho các quan Tướng bản doanh, ra lệnh cho các quan bản huyện, lựa chọn bảo cử người nào tinh tráng khỏe mạnh và thiện chiến, làm nhất hạng, [tờ 47b] rồi biên cả vào sổ cấp điền, các quan Phủ Huyện Xã Trưởng chiếu theo sổ cấp điền trước, đem ruộng nhất đẳng cấp cho hạng này trước, để khuyến khích chiến sĩ “. Phúc Hải nghe theo.

 

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 12 (1544), mùa xuân, Phúc Hải mở khoa thi Cử nhân, lấy bọn Vũ Kính 17 người trúng tuyển.

 

Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 13 (1545), thưởng công đi sứ nhà Minh, phong Trần Phỉ tước Vinh dự tử, các người khác trong phái Bộ sứ thần này, cũng đều được phong.

 

Lúc này, vua Trang Tông tự làm Tướng cầm quân đánh Phúc Hải, đóng quân tại hạt Yên Mô. Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Cam bị hàng tướng trung hậu hầu bỏ thuốc độc chết. Trung hậu hầu liền trốn đi, rồi lại trở về với Phúc Hải.

 

Tháng 8, Phúc Hải sai tướng là Thái tể Ninh quốc công, xuất quân ngũ phủ vào các trấn, thừa cơ vào đánh cướp doanh trại Hoàng đế. Khi chúng đến bến sông Phù Chẩn. Hoàng đế bèn thân chinh. Đề thống ngự doanh [tờ 48a] Dực quận công Trịnh Kiểm đốc quân tiên phong ra đánh phá tan, Ninh quốc công trốn về, quân Mạc chết vô kể.

 

Hoàng thượng bổ nhiệm Dực quận công Trịnh Kiểm làm chức “Tiết chế các xứ thủy bộ chư doanh “, phong tước Lương quận công1, được độc quyền giữ việc binh, và tổng tài chánh sự; trị dân dạy người, tuyên bố uy đức. Quốc thế ngày thêm thịnh vượng, châu Ái tạm yên, các vị hào trưởng trong 4 châu: Hoan, Diễn, Ô và Quảng đều đua nhau đến cửa quân xin hiệu lực. Cơ nghiệp Hoàng gia, bắt đầu tiến tự đây. Còn thế của Phúc Hải thì càng ngày càng xuống.

 

Năm Bính Ngọ, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 14 (1546), ngày 8, thuộc ngày Quý Hợi, Phúc Hải chết, tiếm ngôi được 6 năm, ngụy đặt thụy là “Hiến tôn Hiển Hoàng đế “, con là Phúc Nguyên nối ngôi.