Này thiện nam tử, bấy giờ Đại sư Bà-la-môn Hải Tế đem các hoa Nguyệt lạc vô cấu cúng dường Đức Bảo Tạng Như Lai và bạch với Đức Phật:
-Kính mong Đức Thế Tôn thọ ký cho con đạo quả Bồ-đề Vô thượng.
Thiện nam tử, khi ấy Đức Bảo Tạng Như Lai liền nhập tam-muội Điện đăng do diệu lực của pháp Tam-muội này khiến cho tất cả núi rừng cây cỏ, đất đai nơi cõi Phật San-đề-lam biến thành bảy báu, chính mắt đại chúng ở đây đều trông thấy, cùng ỏ trước Phật lãnh thọ diệu pháp. Tùy theo sự suy nghĩ của mình mà họ nhận thấy thân mình màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tía; hoặc thấy giống như gió, giống như lửa, giống như hư không, giống như ngọn lửa đang cháy rực, hoặc thấy giống như bọt nước, như núi cao, giống như Phạm thiên, giống như Đế Thích, giống như hoa; hoặc thấy giống như Ca-lâu-la, như Rồng, như Sư tử; hoặc giống như mặt trời, mặt trăng, tinh tú; hoặc giống như voi, ngựa đều ngồi trước Phật lãnh hội diệu pháp. Tùy theo sự suy nghĩ của mình mà mọi người tự thấy thân hình của mình với những tướng trạng như vậy. Thiện nam tử, trong lúc này, chúng sinh nhìn bản thân mình đều thấy giống như thân Đức Bảo Tạng Như Lai.
Này thiện nam tử, các đại chúng đang ở trước Phật bỗng thấy Đại sư Bà-la-môn Hải Tế ngồi trên hoa sen bảy báu có ngàn cánh. Tất cả đại chúng hoặc ngồi, hoặc đứng ở trên đất, hoặc ở trong hư không, nhưng mỗi một người đều như thấy Đức Bảo Tạng Như Lai ngồi ở trước mình, quan tâm đến mình, vì mình mà thuyết pháp.
Này thiện nam tử, bấy giờ Bảo Tạng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri khen ngợi Bà-la-môn Hải Tế:
-Hay thay! Hay thay! Này bậc Hạnh đại bi, ông đã phát tâm đại bi tạo ích lợi lớn cho vô số vô biên chúng sinh làm ánh sáng lớn trong thế gian nên sự xuất hiện của ông như là ruộng hoa đang nở rộ, với vô số màu sắc, vô số hương thơm, vô số sự mềm mại, vô số nào là lá, là thân, là rễ, vô sốcông năng, tất cả đều có thể làm thành các loại thuốc quý. Hoặc có thứ hoa, hương sắc chiếu tỏa đến một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần, ba trăm do-tuần… (nói lược), có thứ hương sắc tỏa chiếu khắp thế giới bốn châu thiên hạ. Ở đó, chúng sinh nào ngửi được mùi thơm kia, nếu mù lòa thì được thấy sáng, nếu điếc thì được nghe… các căn thiếu khuyết liền được đầy đủ. Các chúng sinh nào bị khốn khổ do bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, ngửi được mùi hương này rồi thì mọi bệnh đều được dứt trừ. Hoặc những chúng sinh bị điên cuồng, loạn động, thất niệm, phóng dật, ham ngủ nghỉ nếu ngửi được mùi hương này thì tâm ý được hồi phục. Trong ruộng hoa ấy cũng xuất hiện cây hoa Phân-đà-lợi. Thân cây là ngọc kim cang, lưu ly bền chắc, có hàng trăm hạt. Vàng ròng là cánh hoa, mã não là tua hoa, đài hoa là xích trân châu. Hoa cao tám mươi bốn ức do-tuần, ngang dọc bằng nhau một trăm ngàn do-tuần, màu sắc, hương thơm tỏa khắp mười phương, đến vô số thế giới của chư Phật nhiều như vi trần nơi một cõi Phật. Các chúng sinh ở đấy, hoặc bốn đại không điều hòa, thân thể bị ốm đau, tâm niệm khủng hoảng, điên cuồng, loạn động, mất chánh niệm, nếu thấy được ánh sáng, ngửi được mùi hương của hoa Phân-đà-lợi thì tất cả mọi khổ nạn đều tiêu trừ, đạt được nhất tâm. Những chúng sinh nào vừa mới qua đời thân xác chưa hư hoại nếu được chiếu rọi, xông ướp bằng hương sắc của hoa Phân-đà-lợi thì được sống lại, bình phục như cũ, gặp gỡ thân thuộc, cùng nhau vui chơi nơi khu vườn hoa, năm dục thỏa thích. Từ đó đến khi mạng chung, họ được sinh lên cõi trời Phạm thiên, thọ mạng không lường, chẳng sinh tới xứ khác.
Này bậc Phạm hạnh, ruộng hoa sen ấy tức là đại chúng của hội này. Giống như khi mặt trời vừa mọc, khiến các loài hoa nở rộ tỏa bày hương sắc, mặt trời trí tuệ của Như Lai xuất hiện, nuôi dưỡng và phát triển ánh sáng với hương thơm vi diệu diệt trừ các thứ khổ nạn cho tất cả chúng sinh.
Này bậc Đại trượng phu, Ta nay như mặt trời xuất hiện ở thế gian đem ánh sáng đại bi che chở khắp mọi chúng sinh, làm cho chúng sinh nở hoa thiện căn tăng trưởng lợi ích, an trú nơi ba thứ phước địa. Ông cũng đã khuyến hóa vô lượng a-tăng-kỳ chúng sinh đến với đạo quả Bồ-đề Vô thượng, đạt Bất thoái chuyển. Các chúng sinh đó đều ở trước mặt Ta, mỗi người tự lập nguyện chọn lấy cõi Phật, thanh tịnh, hoặc Phật không thanh tịnh, Ta cũng đều theo ý nguyện của họ mà thọ ký cho.
Này bậc Đại trượng phu, Bồ-tát nào ở trước Ta, chọn lấy cõi Phật thanh tịnh, chúng sinh, đã từng vun trồng thiện căn, dễ khuyến hóa, nhiếp phục thì đó là Bồ-tát nhưng không có hạnh Đại trượng phu, đầy đủ dũng lực, đầy đủ đại bi sâu dày, không vì thương xót tất cả chúng sinh mà cầu đạo quả Giác ngộ Vô thượng. Bồ-tát nào nguyện chọn lấy cõi Phật thanh tịnh là xa rời tâm đại bi. Lại nữa, người nào không nguyện đi vào hàng Nhị thừa là Bồ-tát không có phương tiện và trí tuệ khéo léo, không có tâm bình đẳng. Bồ-tát nào lập thệ nguyện khiến cho thế giới của mình xa lìa hai thừa, diệt nghiệp bất thiện, không có người nữ, không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… thành đạo quả Bồ-đề Vô thượng xong, chỉ dùng Đại Bồ-tát làm quyến thuộc lớn thuyết giảng thuần giáo pháp Đại thừa, thọ mạng vô lượng, trải qua vô số kiếp, chỉ thuyết giảng pháp vi diệu cho người có thiện tâm, sẵn căn lành, dễ khuyến hóa thì vị ấy tuy gọi là Bồ-tát nhưng không phải là Đại sĩ. Vì sao? Vì không có trí phương tiện thiện xảo và tâm đại bi bình đẳng.
Này thiện nam tử, lúc này Đức Bảo Tạng Như Lai duỗi cánh tay sắc vàng ròng từ đầu năm ngón tay phóng ra vô lượng ánh sáng đủ màu Sắc, chiếu rọi về phương Đông, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ cõi Phật, thế giới tên là Ương-quật-tra, chúng sinh ở đây thọ mạng được ba mươi tuổi, sắc diện xấu xí, dung mạo khả ố, tích tập các căn bất thiện, thân cao ba khuỷu tay, Đức Phật ở cõi ây hiệu là Nguyệt Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Trì, hiện trụ thế vì bốn chúng đệ tử thuyết giảng giáo pháp Ba thừa.
Thiện nam tử, đại chúng ở chỗ Đức Bảo Tạng Như Lai khi ấy đều thấy được Đức Phật và chúng sinh nơi cõi Phật kia, Đức Bảo Tạng Như Lai bảo đại chúng:
-Đức Nguyệt Minh Như Lai kia trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về thời quá khứ, ở nơi trú xứ Đức Bảo Cái Chiếu Dũng Như Lai phát tâm cầu đạo quả Giác ngộ Vô thượng, bước đầu cũng đã khuyến hóa nhiều ức na-do-tha trăm ngàn chúng sinh an trụ nơi đạo Chánh đẳng Chánh giác Tối thượng, tùy theo ý nguyện chọn lấy vô số thế giới trang nghiêm, hoặc chọn lấy cõi Phật thanh tịnh, hoặc chọn lấy cõi đủ năm thứ ô trược bất tịnh. Đức Nguyệt Minh Như Lai này cũng khuyến ta phát tâm và trụ vững nơi đạo Giác ngộ Vô thượng. Khi ấy, đốìitrước Đức Bảo Cái Chiếu Dũng Như Lai ta được khuyên lập nguyện trang nghiêm thành tựu quả vị Chánh giác nơi cõi đời có đủ năm thứ ô trược xấu ác này. Khi ấy, Đức Bảo Cái Chiếu Dũng Như Lai khen ta: “Lành thay! Lành thay!” và thọ ký đạo quả Giác ngộ Tối thượng cho ta. Lúc đó, bậc Thiện tri thức kia đã khuyến hóa ta phát tâm cầu đạo Bồ-đề, đã khuyến khích ta nhận lấy cõi có đủ năm thứ ô trược xấu ác, này nơi quốc độ bất định, chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác, kể cả nguyện vô gián… tích tập các căn nghiệp bất thiện, thiêu đốt tâm thiện, mãi trôi nổi nơi cõi sinh tử mênh mông, để mà nhiếp phục, hóa độ.
Bấy giờ, trong vô lượng, vô biên thế giới khắp mười phương chư Phật Thế Tôn đều sai sứ giả đến chỗ vị Đại trượng phu này để khen ngợi tán dương và Ngài liền được mang tên hiệu là Thiện Đại Bi Chiếu Minh. Đại Bồ-tát Thiện Đại Bi Chiếu Minh ấy chính là thiện tri thức của Ta đã giúp Ta tạo lợi ích lớn. Ngài thành Phật chưa lâu tại cõi Ương-quật-tra nơi đó con người thọ mạng chỉ có ba mươi năm, vì các chúng sinh ấy mà chuyển xe chánh pháp. Lúc mới thành đạo Bồ-đề, các Đức Phật Thế Tôn hiện trụ thế trong mười phương vô lượng a-tăng-kỳ thế giới khác đều sai sứ giả đến cúng dường, tôn kính, tán thán, vì các Đức Thế Tôn kia đều do Phật Nguyệt Minh trước đây khuyên hóa phát tâm cầu đạo Bồ-đề, khiến trụ và tu tập các pháp Bô thí ba-la-mật cho đến Trí tuệ ba-la-mật. Do nhớ nghĩ về ân đức trước đây nên các Đức Thế Tôn đã sai các vị Bồ-tát đem vật phẩm đến cúng dường.
Này vị Bà-la-môn, ông hãy xem các Đức Phật, Thế Tôn kia thực hiện Phật sự nơi cõi Phật thanh tịnh trường thọ, chúng sinh tâm ý thuần thục, dễ hóa độ. Còn Đức Nguyệt Minh Như Lai thì thành Phật ở cõi đời có đủ năm thứ ô trược xấu ác, chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác kể cả nghiệp vô gián… tích chứa các căn bất thiện, thọ mạng ngắn ngủi Đức Phật Nguyệt Minh đã hành hóa và thành tựu mọi Phật sự nơi thế giới như vậy, không hề bỏ rơi hàng Thanh văn, Bích-chi-phật vì các chúng sang thuyết giảng Ba thừa giáo pháp. Này bậc Thiện trượng phu, Phật Nguyệt Minh ấy đúng là Bậc Trượng Phu toàn thiện, tất cả đại chúng ở đây không ai sánh kịp, làm được những việc khó khăn như đã nói ở trên. Thiện nam tử, có các Bồ-tát nào nhận thế giới thanh tịnh của Phật, bỏ các nẻo ác và lìa bỏ hàng Nhị thừa, chỉ điều phục giáo hóa những chúng sinh có tâm thiện và thanh tịnh, thành tựu Phật sự trên cơ sở như vậy thì chỉ gọi Bồ-tát giống như các thứ hoa khác, chẳng phải là Đại Bồ-tát như hoa sen trắng vì đã thực hiện Phật sự nơi cõi có chúng sinh dễ khuyến hóa, thiện căn thuần thục.
Này vị Phạm hạnh, Bồ-tát các bốn pháp không tích cực, đó là gì?
1. Nguyện nhập thế giới Phật thanh tịnh.
2. Nguyện ở trong chúng sinh tâm ý đã được điều phục, thanh tịnh mà làm Phật sự.
3. Nguyện sau khi thành đạo Bồ-đề không thuyết giảng giáo pháp Thanh văn, Bích-chi-phật.
4. Nguyện khi thành tựu quả vị Giác ngộ rồi được làm Phật trường thọ.
Đó là bốn thứ giải đãi của Bồ-tát. Vậy nên các Bồ-tát này chỉ giống với các hoa khác không phải là hoa Phân-đà-lợi, không phải là Đại Bồ-tát.
Này vị Phạm hạnh, đại chúng Bồ-tát này, ngoại trừ Bà-do-tỳ-sư-nữu đã chọn cõi Phật bất tịnh, nhiếp phục, hóa độ chúng sinh nhiều phiền não. Trong Hiền kiếp có những Bồ-tát nào nguyện lấy thế giới bất tịnh thì Bồ-tát ấy có bốn thứ tinh tấn.
Bốn thứ đó là gì?
1. Nguyện nhận lấy thế giới bất tịnh.
2. Nguyện ở trong chúng sinh bất tịnh làm Phật sự.
3. Nguyện thành đạo Bồ-đề rồi thuyết giảng giáo pháp Thanh văn, Bích-chi-phật thừa.
4. Nguyện thành đạo Bồ-đề rồi thì đạt được thọ mạng không ngắn, không dài.
Đó là bốn pháp tinh tấn của Đại Bồ-tát. Các Bồ-tát đó được gọi là Đại Bồ-tát, là hoa Phân-đà-lợi, không giống như các hoa khác.
Này vị Phạm hạnh, ông đang ở trong vô lượng a-tăng-kỳ ruộng hoa của đại chúng Bồ-tát này mà phát nguyện và được thọ ký, vậy là ngay trước Như Lai ông đã phát sinh ra hoa “Đại bi Phân-đà-lợi” để nhiếp phục giáo hóa các chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác, kể cả nghiệp vô gián… tích tập các căn bất thiện, nhận lấy cõi Phật đủ năm thứ ô trược, xấu ác.
Này bậc Đại trượng phu, do âm vang về tâm đại bi của ông mà các Đức Phật Thế Tôn nhiều như vi trần trong mười phương cõi Phật đã sai sứ giả đến khen ngợi tán thán, tôn xưng là Thành Tựu Đại Bi, khen ngợi xong lại bảo tất cả đại chúng ở đây phụng sự, cúng dường ông. Này ông Đại Bi, vào đời vị lai trải qua một hằng hà sa số a- tăng-kỳ kiếp, đến phần còn lại rất ít của hằng hà sa số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai, thuộc về Hiền kiếp nơi thế giới Ta-bà, loài người thọ một trăm hai mươi tuổi, luôn bị sinh tử trói buộc làm cho tối tăm, không có thầy dẫn đường, chúng sinh tích tập các căn bất thiện, đi theo tà đạo, tạo nghiệp vô gián, bài báng chánh pháp, hủy hoại Thánh hiền, phạm các tội căn bản…như trước đã nói… thì tại nơi thế giới như vậy, ông sẽ thành Bậc Chánh Giác gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cho đến Phật, Thế Tôn, chuyển xe chánh pháp, hàng phục bốn thứ ma. Bấy giờ, uy đức tiếng tăm của ông vang truyền khắp mười phương vô lượng vô biên cõi Phật, ông có đại chúng Thanh văn gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo, sẽ dần dần thực hiện đầy đủ Phật sự trong bốn mươi lăm năm, như đã lập nguyện. Khi ấy, Vô Lượng Tịnh Vương này cũng thành Phật là Phật A-di-đà trong vô lượng kiếp thực hiện đầy đủ các Phật sự. Này bậc Đại trượng phu, sau khi ông vào Niết-bàn, chánh pháp sẽ trụ thế hơn một ngàn năm, chánh pháp diệt rồi, sắc thân xá-lợi của ông cũng hành hóa Phật sự đúng như ý nguyện ở mãi nơi thế gian ấy hóa độ chúng sinh… (như trước đã nói).