Niệm Phật chỉ nam

Niệm Phật chỉ nam

Lê Hà 16
Pháp niệm Phật nhiếp tâm này, muốn được nhanh chóng thành tựu Tam-muội, thì pháp đếm hơi thở rất là thiết yếu để đối trị hôn trầm và tán loạn. Phàm lúc muốn ngồi, trước nên tưởng thân mình ở trong ánh sáng tròn đầy, thầm quán nơi chót mũi, tưởng hơi thở ra vào. Mỗi một hơi thở niệm thầm một câu A-di-đà Phật. Dùng phương tiện điều hòa hơi thở, không huỡn không gấp, tâm và hơi thở nương nhau theo sự ra vào của hơi thở. Lúc đi đứng nằm ngồi đều có thể thực hành đừng để gián đoạn, thường tự âm thầm hành trì cho đến vào sâu thiền định, hơi thở và câu niệm Phật cả hai đều quên thì thân tâm này đồng như hư không, lâu dần thuần thục, tâm nhãn khai thông, Tam-muội bỗng nhiên hiện tiền, tức là Duy tâm Tịnh độ.
Luận Bảo Vương Tam-muội nói: “Người tu trì Nhất Tướng Niệm Phật Tam-muội, khi đi đứng ngồi nằm buộc niệm không quên, dù cho ngủ nghỉ cũng buộc niệm, đến khi thức dậy tiếp tục thực hành, không để niệm khác xen vào, không để việc khác làm gián đoạn, không cho tham sân làm ngăn cách, có lỗi lầm gì liền sám hối, không có niệm gì gián cách, không có niệm nào khác, không có ngày nào gián cách, không khi nào gián cách, niệm niệm thường không rời Phật, niệm niệm thanh tịnh tròn sáng, đó tức là thành tựu Nhất Tướng Tam-muội”.
Bồ-tát tại gia thờ Phật giữ giới, mỗi ngày lo lắng việc nhà chưa thể nhất tâm tu hành, cần phải dậy sớm thắp hương, đảnh lễ Tam Bảo, tùy ý niệm Phật. Mỗi ngày lúc hoàng hôn cũng lễ niệm như thế, lấy đó làm thường khóa. Nếu như bỏ mất thời khóa thì ngày kế tiếp tự đối trước Phật sám hối. Pháp môn này không trở ngại với mọi nghề nghiệp, kẻ sĩ chẳng trở ngại việc học hành, nông dân chẳng ngại việc cày cấy, người thợ chẳng trở ngại công việc làm, doanh nhân không trở ngại mua bán. Ngoài việc lễ niệm sớm tối, lại có thể trong 24 giờ tranh thủ công phu trì niệm danh hiệu Phật trăm ngàn câu, lấy tâm chí thành làm công, mong cầu sinh về Tịnh độ.
Phàm người tu Tịnh độ rõ ràng muốn chống lại sinh tử, không phải chỉ nói liền xong. Nên nghĩ đến vô thường mau chóng, thời gian chẳng đợi người, cần phải làm cho được một việc này. Nếu tin được thì từ hôm nay trở đi, nên phát khởi tâm đại dõng mãnh, đại tinh tấn, đừng hỏi rằng thể hội hay không thể hội, thấy tánh hay không thấy tánh, chỉ cần nắm chặt một câu Nam mô A-di-đà Phật như dựa vào ngọn núi Tu-di chẳng lay động. Phải chuyên tâm nhất ý, hoặc Tham cứu niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, nghĩ nhớ mà niệm, hoặc dùng pháp thập niệm; hoặc mặc niệm, chuyên niệm, buộc niệm, lễ niệm. Mỗi niệm hằng giữ cho hiện tiền, thường nhớ thường niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm. Không để tâm niệm luống qua, câu niệm Phật chẳng rời tâm. Ngày ngày giờ giờ đừng buông bỏ, miên mật khít khao như gà ấp trứng thường giữ cho hơi ấm nối tiếp nhau, như thế tức là Tịnh niệm tiếp nối. Lại thêm dùng trí tuệ chiếu soi, thì biết Tịnh độ tức là tự tâm. Đó chính là công phu tu tiến của bậc thượng trí vậy. Như thế, nắm chặt được, làm chủ được, nương tựa được ổn thỏa thì dù gặp cảnh giới khổ vui thuận nghịch ở trước mắt nhưng vẫn chỉ niệm Phật A-di-đà, không có một tâm niệm thay đổi, không có một tâm niệm thối lui bê trễ, không còn một niệm xen tạp, cho đến trọn đời mãi không có niệm nào khác, chỉ quyết định cầu sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Nếu quả dụng công được như thế, vô minh từ bao kiếp, nghiệp chướng trong sinh tử tự nhiên tiêu tan, tập khí phiền não trần lao tự nhiên hết sạch không còn sót, tận mắt thấy Phật A-di-đà vẫn không rời tâm niệm, công thành hạnh mãn, nguyện lực trợ nhau, đến khi mạng chung quyết định sinh về Thượng phẩm.
Nếu người niệm Phật trần cấu chưa sạch, khi niệm ác sinh khởi cần phải lập tức tự kiểm điểm. Hoặc có tâm tham lam keo kiệt, tâm sân hận, tâm si ái, tâm tật đố, tâm dối trá, tâm nhân ngã, tâm cống cao, tâm nịnh hót, tâm tà kiến, tâm khinh mạn, tâm năng sở, và tất cả tâm bất thiện do sự đắm nhiễm từ các cảnh giới thuận nghịch mà sinh khởi, nếu lúc chúng sinh khởi, cần phải gấp rút to tiếng niệm Phật, nhiếp vọng niệm trở về chánh niệm, chớ để cho tâm ác tiếp nối. Ngay khi ấy dẹp trừ hết sạch, dứt hẳn không còn sinh khởi trở lại. Nên thường luôn gìn giữ tất cả tâm tin sâu, tâm chí thành, tâm phát nguyện hồi hướng, tâm từ bi, tâm khiêm hạ, tâm bình đẳng, tâm phương tiện, tâm nhẫn nhục, tâm trì giới, tâm hỷ xả, tâm thiền định, tâm tinh tấn, tâm Bồ-đề, cùng tất cả tâm niệm lành thường nên gìn giữ. Lại cần phải xa lìa những điều phi phạm hạnh, đoạn trừ luật nghi tà ác, cẩn thận chớ nuôi dưỡng gà, chó, heo, dê, săn bắn, bắt cá, những việc ấy đều không nên làm. Người niệm Phật nên học theo Phật, lấy việc bỏ ác làm lành làm điều răn mình.
Người tu hành có lòng tin chân thật, chỉ cần ghi nhớ trong lòng một câu A-di-đà Phật đừng để rơi mất, mỗi niệm thường hiện tiền, mỗi niệm chẳng lìa tâm. Không việc cũng niệm như thế, có việc cũng niệm như thế, an lạc cũng niệm như thế, bệnh khổ cũng niệm như thế; sống cũng niệm như thế, chết cũng niệm như thế. Như thế, một niệm rõ ràng không mờ, đâu cần phải hỏi người khác để tìm lối về nữa!