Trích dẫn “Tịnh độ ngữ cảnh” của Đại sư Hành Sách

Lê Hà 14
  Niệm Phật phải đầy đủ lòng tin chân thật.
 Thứ nhất: Phải tin Tâm, Phật và chúng sinh, cả ba không khác biệt. Ta là Phật chưa thành, Di-đà là Phật đã thành. Tánh giác không hai. Ta tuy điên đảo mê lầm, tánh giác chưa từng mất; ta tuy nhiều kiếp luân chuyển, tánh giác chưa từng động. Nên nói: “Đừng xem thường người chưa ngộ, một niệm soi lại liền đồng với bản đắc”.
   Thứ hai: Phải tin ta là Phật lý tánh, Phật danh tự; Di-đà là Phật cứu cánh. Tánh tuy không hai nhưng ngôi vị cách xa như trời với vực. Nếu không chuyên niệm đức Phật ấy, cầu sinh về cõi Tịnh, ắt phải theo nghiệp lưu chuyển chịu khổ vô cùng! Đây gọi là Pháp thân lưu chuyển trong năm đường, chẳng gọi là Phật mà gọi là chúng sinh.
   Thứ ba: Phải tin ta dù nghiệp sâu chướng nặng, sống lâu nơi cảnh khổ, vẫn là chúng sinh trong tâm của Phật Di-đà. Phật Di-đà tuy muôn đức trang nghiêm ở xa ngoài mười muôn ức cõi, cũng là đức Phật trong tâm chúng ta. Đã là tâm tánh không hai, tự nhiên đạo cảm ứng qua lại. Sự thiết tha của ta ắt có thể cảm, lòng từ bi của Phật ắt có thể ứng, như đá nam châm hút sắt, việc này không thể nghi ngờ.
Đủ lòng tin chân thật như trên, dù chút phước lành như hạt bụi mảy lông, đều có thể hồi hướng Tây Phương trang nghiêm Tịnh độ. Huống chi trì trai, giữ giới, bố thí, phóng sinh, đọc tụng kinh điển Đại thừa, cúng dường Tam Bảo, tu các hạnh lành, lẽ nào không đủ làm tư lương Tịnh độ sao? Chỉ e lòng tin không chân thành, mới khiến đắm chìm nơi hữu lậu. Cho nên, trong việc tu hành hiện nay không có yếu thuật gì khác, chỉ trong 24 giờ củng cố thêm ba niềm tin chân thật này thì tất cả sự thực hành không phiền phải sửa đổi.
Nếu như sự nghiệp ở cõi Ta-bà nơi nơi ràng buộc trong lòng, còn đối với việc niệm Phật tâm không chuyên nhất một nóng mười lạnh, khi gặp cảnh ngũ dục dính chặt như keo sơn, lúc gặp nghịch cảnh thì kết oán ôm hận. Đến khi sắp mạng chung, nghiệp nào nặng theo đó mà đọa lạc. Tịnh nhân yếu kém khó thoát nỗi khổ luân hồi, chỉ vì không buông bỏ được chỗ quý trọng mà thôi. Nên xét nghĩ thống thiết về sự hiểm ác của Ta-bà, sớm mong cầu ra khỏi quanh quẩn trong sáu đường, tiêu dao nơi chín phẩm. Việc lợi và hại cách xa nhau như trời với vực, nên tỉnh giác mạnh mẽ! Phải phát sinh lòng rất chán nản Ta-bà mà ưa thích miền Cực Lạc, bỏ uế lấy tịnh. Tin sự lấy bỏ này cùng không lấy bỏ vốn chẳng khác nhau. Đừng đuổi tìm hư danh, đừng chấp vào cái thấy không, đừng ham cao siêu huyền diệu, mà bị chánh định trên đầu môi của thiền giả làm mê lầm rối loạn. Chớ mong cầu hiệu nghiệm nhanh chóng trong một sớm một chiều, vọng tưởng trông mong ngoài tâm có Phật đến đón rước, như vậy dễ dẫn đến các việc ma. Thường lấy việc niệm Phật làm chánh hạnh, dùng sự cố gắng tu các điều lành làm trợ hạnh. Lại đối với tập khí tham sân tận lực lau chùi mài dũa, khiến cho chỗ nặng nề được trở nên nhẹ nhàng, chỗ chưa thuần thục dần dần thuần thục, Tịnh niệm tiếp nối, nguyện hạnh trợ nhau, tự nhiên hoàn toàn ổn thỏa.
Nay kính khuyên các bạn nên đủ nguyện chân thật, phát tâm chán nản và ưa thích, xem ba cõi như tù ngục, xem nhà lửa như xiềng xích, xem thinh sắc như thuốc độc, xem danh lợi như gông cùm, xem sự cùng đường và thông thoát trong mấy mươi năm in như giấc mộng hôm qua, xem cuộc sống trong Ta-bà như ở nơi quán trọ, tin rằng qua đêm rồi sẽ bỏ đi. Chỉ lấy việc về nhà làm cốt yếu, vừa lòng cũng được, không vừa lòng cũng được, dành được thời gian nhất tâm niệm Phật. Nếu được như thế mà không vãng sinh Tịnh độ thì chư Phật đều thành những người nói dối. Mong rằng chúng ta cùng nhau cố gắng!
Bảy ngày trì danh quý ở nơi nhất tâm không loạn, không gián đoạn, không xen tạp. Không phải niệm mau niệm nhiều là hay, chỉ cần không hưỡn không gấp, thầm thầm trì danh, khiến cho câu Phật hiệu rành rõ nơi tâm. Khi đi đứng nằm ngồi, ăn cơm mặc áo, một câu Hồng danh liên tục chẳng dứt, không tán loạn hôn trầm, dường như hơi thở. Trì danh như thế gọi là Nhất tâm tinh tấn về phần Sự.
Thời nay, người tu Tịnh nghiệp trọn ngày niệm Phật, sám hối phát nguyện mà Tây Phương còn xa vời, không bảo đảm vãng sinh. Không có lý do gì khác bởi cọc ái chưa nhổ, sợi dây tình còn buộc chặt. Nếu có thể xem sự ân ái nơi Ta-bà giống như nhai sáp, chẳng quan tâm tới bận rảnh, động tĩnh, khổ vui, mừng lo, chỉ dựa vào một câu Phật hiệu vững chắc như núi Tu-di, tất cả cảnh duyên không thể làm dao động. Hoặc có khi tự cảm thấy lười mỏi, tập khí hiện ra, liền phấn khởi một niệm như Ỷ thiên trường kiếm, khiến cho phiền não ma quân không nơi trốn tránh, cũng như lò lửa hừng hực khiến cho tình thức từ vô thỉ tan chảy hoàn toàn. Người này tuy đang ở cõi đời ngũ trược mà toàn thân đã ngồi trong thế giới Liên Hoa, đâu phải đợi Di-đà nắm tay, Quán Âm nghinh đón mới tin mình vãng sinh!