Niệm Phật chỉ nam

Niệm Phật chỉ nam

Lê Hà 16
   Tham thiền, niệm Phật, trì chú, tất cả pháp môn đều dạy chúng sinh phá trừ vọng niệm, hiển bày bản tâm. Phật pháp không có cao thấp, căn cơ thì có lợi độn, trong đó lấy pháp môn niệm Phật làm phương tiện ổn thỏa nhất. Tĩnh tọa là pháp phương tiện dạy người nhìn lại tự tánh, cốt yếu là ở chỗ buộc niệm vào một câu Phật hiệu, tâm tâm khế hợp, niệm niệm tiếp nối, từ tâm phát ra rồi lại vào tai, đừng để gián đoạn. Nếu được như vậy thì không có duyên nào khác xen vào. Nếu có thể thực hành lâu dài không lui sụt, càng siêng năng càng chuyên nhất, càng trì niệm càng thiết tha, chẳng phân biệt đi đứng ngồi nằm, chẳng quan tâm nơi động tĩnh hay khi bận rảnh, thì có thể một mạch đến nhà, vãng sinh miền An Dưỡng.
Vừa thấy có chút an định lặng lẽ sáng suốt liền sinh tâm động niệm chấp trước, nên chẳng thể tiến thêm nữa.
Tĩnh tọa đúng pháp có thể làm cho tứ đại điều hòa, dẫn đến khỏe mạnh, nên giữ một cách tự nhiên. Thân thể có bệnh phải điều dưỡng thích đáng, không cần miễn cưỡng ráng sức. Tu hành dụng công chẳng câu nệ nơi đi đứng ngồi nằm. Tĩnh tọa tu hành, mục đích phải vượt thoát sinh tử.
Ăn thịt tạo nghiệp sát sinh, rất trái với lòng từ bi, khiến cho thần trí của con người mờ tối, tăng trưởng tham lam, sân hận, dâm dục, lại tăng thêm dòng sinh tử khôn cùng, đời sau nghiệp chất như núi, đền trả quả báo oán thù không có ngày kết thúc. Ví như bình chảy muốn đựng đầy dầu chỉ nhọc nhằn tinh thần vô ích, người trí có thể tự xét rõ.
Tham thiền và niệm Phật đối với người mới phát tâm xem là hai việc, nơi người đã tu lâu thì chỉ là một. Tham thiền đề khởi một câu thoại đầu, cắt ngang dòng sinh tử, cũng là từ lòng tin kiên định mà thành. Nếu không nắm chặt thoại đầu thì tham thiền cũng không thành tựu. Nếu lòng tin kiên định, giữ chặt một câu thoại đầu tham cứu, cho đến uống trà chẳng biết là trà, ăn cơm chẳng biết là cơm, chỗ công phu thuần thục, căn trần rơi rụng, đại dụng hiện tiền, chẳng khác gì với chỗ công phu thuần thục tịnh cảnh hiện tiền của người niệm Phật. Đến cảnh giới này, Lý–Sự viên dung, Tâm–Phật không hai, Phật như, chúng sinh như, một như không có hai như, sai biệt ở chỗ nào?