Niệm Phật chỉ nam

Niệm Phật chỉ nam

Lê Hà 13
   Pháp môn Tịnh độ lấy ba pháp Tín–Nguyện–Hạnh làm tông. Ba điều trọng yếu này, thiếu một tất không được.
Sao gọi là Tín? 
Tín là cửa bước vào đạo. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ sinh ra các công đức”, nếu không tin sao có thể tu hành? Nếu lòng tin không sâu, nhất định tu không đắc lực. Cho nên, người niệm Phật: một là, phải tin lời Phật Bổn sư chỉ dạy chúng ta niệm Phật quyết không sai. Hai là, phải tin nguyện lớn của Phật A-di-đà, ta nếu niệm Phật, Ngài nhất định đến độ ta. Ba là, phải tin Tây Phương quả thật có một thế giới Cực Lạc. Bốn là, phải tin mọi sự thù thắng vi diệu trang nghiêm nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc mà trong kinh Di-đà đã nói quả thật có rất nhiều lợi ích.
   Sao gọi là Nguyện?
   Đã tin cõi Ta-bà có đủ mọi đau khổ, liền nguyện mau rời khỏi Ta-bà. Đã tin cõi Cực Lạc có mọi điều vui, liền nguyện vãng sinh Cực Lạc. Nguyện này đã lập, vững chắc như kim cương. Thái Sơn có thể dời, nguyện này không thể mất. Không chỉ đối với mọi thinh sắc, tài lợi nơi cõi Ta-bà chẳng có một mảy may tham luyến, dù cho có người nói: Có một thế giới khác còn đẹp hơn cõi Cực Lạc, nhưng ta cũng qua thẳng Tây Phương, không nguyện đến chỗ nào khác. Dù cho có người nói: Có một pháp môn khác còn hay hơn pháp môn niệm Phật, ta cũng quyết tâm vững lòng niệm Phật, chẳng muốn đi học pháp môn khác. Cần phải lập nguyện như thế, mới có thể bước lên con thuyền đại nguyện của Phật Di-đà, đến bờ Liên Trì nơi cõi ấy.
 Sao gọi là Hạnh?
   Đã tin có Tây Phương, đã nguyện sinh về Cực Lạc, cần phải dũng mãnh tinh tấn thực hành pháp niệm Phật, lại thêm không làm các việc ác, thực hành mọi điều lành.
Tây Phương tuy cách xa mười muôn ức cõi Phật, nếu ta nhất tâm niệm Phật, niệm đến chỗ cùng tột thì vừa cất niệm liền đến ngay. Nếu tâm chẳng chuyên nhất niệm Phật, phàm phu mang nghiệp lực sao có thể đến cảnh giới của Phật, Bồ-tát?
Đã tin rồi, nguyện rồi, cần phải nhất tâm niệm Phật, khẩn thiết chí thành mà niệm. Bởi vì sinh tử vô thường, niệm Phật tâm không chuyên nhất không thể cảm ứng được Phật tiếp dẫn. Nhận lấy giấy bắt của Diêm Vương, chỉ đành đi theo họ để chịu nỗi khổ sinh tử mà thôi.
Cho nên, người tu hành, niệm Phật cần phải dũng mãnh tinh tấn, chuyên nhất tâm ý, quét sạch hết tất cả vọng tưởng, buông bỏ tất cả duyên đời, miên mật khít khao, tâm miệng hợp nhau, trong một ngày 24 giờ, không một giờ một phút một giây nào không niệm Phật (chữ niệm là từ tâm phát ra, không phải nơi miệng, trong miệng không niệm, tâm niệm cũng như nhau. Nhưng chỉ dựa vào tâm niệm thì dễ lười biếng, mỗi ngày ít nhất nơi miệng cần phải trì niệm một ngàn câu càng nhiều càng tốt).
Đi cũng niệm Phật, đứng cũng niệm Phật, ngồi cũng niệm Phật, nằm cũng niệm Phật, rảnh cũng niệm Phật, bận cũng niệm Phật. Tuy trong lúc vội vàng hấp tấp cũng không rời Phật. Đợi đến khi công phu thuần thục, dù trong khi ngủ hay trong mộng cũng đang niệm Phật, niệm đến nhất tâm không loạn, quyết định về Tây, quyết định thành Phật. Nếu như hôm nay niệm, ngày mai không niệm; trong miệng niệm, trong lòng không niệm; khi niệm Phật, trong lòng có Phật, lúc không niệm Phật, trong lòng không có Phật. Niệm Phật lơ là như thế, chẳng qua cũng chỉ là giúp đời sau gieo trồng chút ít Tịnh nhân mà thôi. Nếu muốn vãng sinh thành Phật thì không thể được. Như thế, chẳng trách Phật không đến độ ông, chỉ trách chính ông niệm Phật không chân thật. Ngài Hám Sơn nói: “Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn. Dù cho rát họng cũng như không”. Đây là danh ngôn chí lý nhất định phải ghi nhớ!