Những điều căn bản về pháp môn Tịnh Độ & trợ niệm lúc lâm chung

Những điều căn bản về pháp môn Tịnh Độ & trợ niệm lúc lâm chung

Lê Hà 15

1. Niệm “A-di-đà” hay “A-mi-đà” thế nào cho đúng?

Đây là vấn đề được đưa ra bàn thảo trong những tháng vừa qua nhưng chưa có kết quả cụ thể, khiến ít nhiều Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ hoang mang, lo lắng.
Thật ra trên mặt ngôn từ niệm “A-di-đà Phật” hay “A-mi-đà Phật” đều không đúng.Vì sao?Vì nguyên gốc của danh hiệu Phật A-di-đà là từ tiếng Phạn (Sankrit) được viết là AMITABHA.Vậy nếu niệm cho đúng phải là “Nam mo Amitabha Buddha.”
Tuy nhiên, đã bao nhiêu thế kỷ nay chư Tôn đức tại Việt Nam vẫn thường quen niệm và hướng dẫn Phật tử chuyên trì niệm “Nam mô A-di-đà Phật” được phiên âm ra từ Phạn ngữ AMITABHA.
Về phương diện ngôn từ tuy có sai khác, nhưng về mặt ý nghĩa vẫn bao hàm đầy đủ công hạnh vi diệu tột cùng của Phật A-di-đà, đó là: Vô Lượng Quang, Vô lượng Thọ và Vô Lượng Công Đức.
Thế nên, dưới sự dạy dỗ, hướng dẫn và gương vãng sinh của chư Tổ sư tu theo Tịnh độ tại Việt Nam, quý Phật tử nên tiếp tục hành trì và niệm rõ ràng sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” với tâm nguyện thành kính thiết tha thì kết quả tu tập sẽ hoàn toàn viên mãn. Vì sao? Vì đã có rất nhiều chư vị Hòa thượng uy đức vãng sinh từ câu Phật hiệu này như: HT. Thích Tâm Thanh, HT. Thích Thiền Tâm… (có thể tham khảo sách Hoa sen vẫn nở cùng tác giả). Ngoài ra còn rất nhiều Phật tử hiện tướng vãng sinh ra đi an lành cũng nhờ niệm “Nam mô A-di-đà Phật”.
2. Lúc sống không biết tu, không niệm Phật, khi gần lâm chung chỉ cần niệm 10 niệm có vãng sinh không?
Nếu nói như vậy tất cả mọi người đều đã vãng sinh, đã không còn cảnh khổ đau nơi cõi trần gian tạm bợ này nữa rồi.
Trên thực thế nếu căn cứ vào lời nguyện thứ 18 của Phật A-di-đà mà hiểu như vậy thì thật là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng.
Ở đây chúng ta nên hiểu rằng 10 niệm lúc lâm chung ví như giọt nước làm tràn ly nước, chứ không hề có tính chất quyết định vãng sinh về cõi Tịnh độ. Vì sao? Vì kinh A-di-đà, đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn dạy: “Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi đó. Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A-di-đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn.Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A-di-đà cùng hàng Thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.”
Cho nên biết, pháp môn niệm Phật tuy dễ tu chứng nhưng nếu không có sự tinh tấn hành trì, cộng thêm với ba tư lương tín, nguyện, hạnh và làm các việc phước đức hồi hướng về cõi Cực Lạc, thì lúc lâm chung rất khó mong vãng sinh.
Trường hợp lúc còn sống làm các điều như trên nhưng khi lâm chung do nghiệp chướng sâu dày bị não hại bởi bệnh tật khiến câu niệm Phật không thể nào khởi lên được. Do đó, cần sự có mặt của bậc thiện tri thức khai thị, giúp chủng tử niệm Phật sẵn có trong người bệnh hiện lên và niệm liên tục từ 1 đến 10 niệm không tạp loạn là được vãng sinh. Đây là điều chắc chắn.
Chúng ta phần đông bị cuốn hút trong tiền tài, danh vọng, quyền lực, mỗi ngày một câu niệm Phật hoặc một chữ Phật cũng không nhớ, vậy làm sao niệm được 10 niệm lúc lâm chung? Vả lại, lúc lâm chung thân xác rã tan, khổ đau tột cùng, tâm thần mờ mịt, không phương hướng, một câu niệm Phật để cho thân tâm an lạc còn không phát khởi nổi huống chi là 10 câu niệm Phật, thật là chuyện hoang đường!
Thế nên sự tu tập cần phải được huân tập trong mỗi phút giây, trong từng hơi thở vì cái chết không hẹn ai bao giờ.Đừng để thời gian trôi qua, đến lúc hấp hối trên giường bệnh mới vội vàng niệm Phật thì đã quá muộn rồi.
3. Có nên quy y Phật A-di-đà và Thánh chúng cõi Cực Lạc không?
Lại có người bảo rằng đã quy y Tam bảo rồi thì cần gì quy y Phật A-di-đà và Thánh chúng cõi Cực Lạc. Điều này hoàn toàn đúng!
Là người Phật tử phải cần quy y Tam bảo, vì Tam bảo chính là nơi nương tựa vững chắc nhất, là nền tảng của mọi thiện đức, là cổng vào ngôi nhà Như Lai, dự phần pháp lạc của Như Lai. Nhưng đối với người tu Tịnh độ cầu vãng sinh Cực Lạc ngoài quy y Tam bảo ra cần nên quy y Phật và Thánh chúng cõi Tịnh độ.Vì sao?Vì đối tượng quy hướng của người niệm Phật chính là cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà.
Nếu quy y Tam bảo được xem như lý tưởng của sự tu tập thì quy y Phật và Thánh chúng cõi Tịnh độ được ví như hành động thiết thực cụ thể hóa lý tưởng tu tập đó.
Lại nữa, quy y Tam bảo được xem như người Thầy bổn sư thế độ, còn quy Phật và Thánh chúng cõi Tịnh độ như là Thầy y chỉ sư trên con đường giải thoát. Một hành giả tu tập cần có rất nhiều thầy y chỉ nhưng chỉ có duy nhất một vị bổn sư.Cả hai vị thầy này tuy cách tôn xưng có khác nhưng mục tiêu cứu cánh vẫn là hướng dẫn đệ tử đi đúng chánh pháp, giải thoát luân hồi.
4. Ban trợ niệm nên quy y Tam bảo hay Nhị bảo?
Vấn đề này đang xảy ra tại một số ban trợ niệm ở nước ngoài. Hiện tượng không quy y Tăng bảo mà chỉ quy y Phật bảo và Pháp bảo đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tuyệt vời trong giáo lý của Phật nói chung và Pháp môn tu Tịnh độ nói riêng. Hiện tượng này đang manh nha xuất hiện tại Việt nam khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.
Hơn 2500 năm Phật giáo ra đời cũng chính là khoảng thời gian Tam bảo tồn tại trên thế gian. Nếu Tam bảo không còn nguyên vẹn nữa, đó là dấu hiệu hoại diệt của Phật pháp, và những ai đã, đang và sẽ không quy y Tam bảo mới thật sự là mầm mống làm suy đồi chánh Pháp.
Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận rõ sự ra đời của Tam bảo.Phật bảo tại thế gian chính là đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.Pháp bảo đầu tiên tại thế gian là bài pháp Tứ Diệu Đế lần đầu tiên được giảng tại vườn Lộc Uyển.Tăng bảo đầu tiên tại thế gian chính là năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như, tuần tự chứng đắc Thánh quả khi nghe giáo lý 4 sự thật “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”.Kể từ đó Tam bảo hình thành, xây dựng nên ngôi nhà Phật giáo trường tồn đến hôm nay.
Ví như một chiếc kiềng ba chân vững chãi, nếu thiếu một chân thì không còn giá trị. Tam bảo cũng thế!
Hơn nữa, một Phật tử thuần thành, chân chính cần phải hiểu rõ hơn ai hết về giá trị bất biến của Tam bảo.Không một ai được gọi là Phật tử nếu không quy y đầy đủ Tam bảo, càng không có một giáo lý nào được gọi là của đạo Phật chân chính mà không chấp nhận sự tồn tại của Tam bảo.
Vì vậy, ban trợ niệm hay nói cụ thể là một người nào không quy y Tam bảo mà quy y Nhị bảo (Phật bảo và Pháp bảo) thì ban trợ niệm cũng như người đó hoàn toàn không phải tu theo lời Phật càng không phải là người Phật tử đúng nghĩa.
5. Nên niệm sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” hay niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”?
Niệm sáu hay bốn chữ cũng đều là niệm Phật. Tuy nhiên, cách niệm sáu chữ được chư Tổ sư hướng dẫn và phổ biến rộng rãi trong số đông hành giả tu niệm Phật nói riêng và trong tín ngưỡng Phật giáo dân gian nói chung. Vì sao? Vì niệm đầy đủ sáu chữ có những lợi ích sau:
Một, thể hiện sự quy kính tột bậc đối với chư Phật, cụ thể là Đức Phật A-di-đà. Vì “Nam mô” có nghĩa là quy y, kính ngưỡng, đảnh lễ.v.v…
Hai, tăng trưởng niềm tin tuyệt đối vào giáo pháp của Phật, đặc biệt là pháp môn Tịnh độ.Vì sao?Vì câu niệm Phật bao hàm toàn bộ nền giáo lý vi diệu của ba đời chư Phật.Theo nghĩa rộng gồm đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật “Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ”, nói gọn tóm thâu vào Tam vô lậu học “Giới, Định, Tuệ”.Trên phương diện thực hànhtrọn vẹn cả ba pháp môn Thiền (vì câu niệm Phật chính là công án), Mật (câu niệm Phật chính là mật chú chân ngôn chí diệu chí linh), Tịnh (đây là hồng danh đức giáo chủ cõi Tịnh độ, là chánh nhân vãng sinh Cực Lạc).
Ba, khơi dậy ánh quang minh của tự tâm, khiến chúng sinh thể nhập được cảnh giới Cực Lạc ngay hiện đời, hợp nhất thân tứ đại giả hợp với Pháp thân vô cấu của chư Phật một cách viên mãn. Vì sao?Vì danh hiệu Phật có năng lực tẩy trừ những tội chướng, cấu uế mà chúng sinh đã tích tụ trong vô lượng kiếp. Năng lực ấy với đầy đủ sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” sẽ đưa chúng sinh đến gần Phật quả vì có thể diệt trừ vô minh, soi sáng dòng tâm thức, làm hiển lộ bản tâm thanh tịnh vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh.
Đành rằng niệm bốn hay sáu chữ cũng đều do chư Tổ Tịnh độ phương tiện tùy nghi mà hiển bày giúp chúng sinh thuận duyên hơn trên bước đường tu tập. Thế nhưng, nếu niệm danh hiệu Phật với bốn chữ sẽ không mang đến đầy đủ công năng như trên.Vì sao?Vì khi niệm như vậy, tâm chúng sinh rất khó phát khởi sự quy kính tột bậc và niềm tin sâu sắc vào giáo pháp. Lại nữa, niệm như vậy lâu ngày, hồng danh Phật sẽ trở thành một câu chào xã giao hay một cử chỉ phản xạ tự nhiên mà không hề đặt trọn tâm thành trong lúc khởi niệm, chẳng khác nào một đứa trẻ con quen miệng hát lên bài hát thường ngày nó ưa thích.
Lòng tôn kính phải được đi kèm với ngôn ngữ và hành động xuất phát từ tâm ý chân thành.Cũng vậy, chúng ta tỏ lòng tri ân đức Phật, muốn quy hướng về cảnh giới của Ngài thì không thể nào niệm (gọi) danh hiệu Ngài một cách sáo rỗng, thiếu tôn kính. Đây là điều mà người thế gian còn không được phép huống chi người niệm Phật, cầu sinh Cực Lạc tức là đang đi trên con đường giác ngộ thành Phật.
Thiết nghĩ cần nên hiểu và thành kính niệm danh hiệu Phật với đầy đủ sáu chữ trang nghiêm. Được như vậy, chủng tử niệm Phật sẽ luôn hiện hữu dù trong lúc ốm đau, tật bệnh hoặc ngay trong giờ phút lâm chung. Với công đức thù thắng đó chắc chắn sẽ được vãng sinh, thành tựu Phật quả viênmãn vì lợi ích cho tất cả hữu tình.