Luận Thành Duy Thức

Luận Thành Duy Thức

Hải 14

1. BẢN CHẤT CỦA THỨC THỨ TÁM

Có bốn loại pháp: thiện, bất thiện, vô ký hữu phú, vô ký vô phú. Thức a-lại-da thuộc về pháp gì?
Thức này chỉ có tính vô ký hữu phú, vì tự tính là dị thục.[1] Nếu dị thục mà thiện hay nhiễm ô thì không thể có sự lưu chuyển và hoàn diệt.[2] Vả lại, thức này là sở y cho thiện và nhiễm ô. Nếu nó là thiện hay nhiễm ô thì không thể là sở y cho cả hai, vì chúng trái nghịch nhau. Mặt khác, thức này có tự tính là cái được huân tập; nếu nó thiện hoặc nhiễm, như mùi cực thơm hay cực thối, không thể tiếp nhận sự huân tập. Nếu không có sự huân tập,[3] không thể thành lập nhân quả nhiễm, tịnh.

Vậy, thức này duy chỉ là vô ký vô phú.

Phú[4] chỉ cho pháp ô nhiễm, vì nó ngăn che Thánh đạo.[5] Lại nữa, nó che kín tâm khiến trở thành bất tịnh.

Thức này không mang tính ô nhiễm nên là vô phú.[6]

Ký[7] là tính có thể xác định rõ kết quả là khả ái hay không khả ái của thiện và bất thiện, và tự thể đặc sắc của chúng. Thức này không mang tính chất thiện hay ác nên nó là vô ký.

2. BẢN CHẤT TẤM SỞ TƯƠNG ƯNG

Tụng nói, “Xúc v.v. cũng vậy”: cũng như thức a-lại-da chỉ mang tính chất vô phú vô ký, xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, cũng vậy.

a. Vì các pháp tương ưng đương nhiên là đồng tính chất với nó.[8]

b. Năm tâm sở, xúc v.v., như a-lại-da, (1) cũng đều là dị thục; (2) sở duyên và hành tướng cũng đều không thể biết được; (3) cùng duyên đến ba loại cảnh, (4) cùng tương ưng với năm pháp,[9] (5) cũng vô phú vô ký. Do đó nói, “Xúc v.v. cũng vậy.”

c. Hoặc giải thích,[10] xúc v.v., cũng như a-lại-da, cũng đều là dị thục và nhất thiết chủng. Chi tiết cho đến vô phú vô ký[11] cũng được diễn dịch như vậy, vì không có sự tách biệt.

d. Giải thích đó phi lý.[12] Vì sao? (1) Xúc v.v. y chỉ thức nên không tự tại.[13] Như tham v.v., tín v.v., không thể tiếp nhận huân tập, làm sao đồng với thức duy trì chủng tử? (2) Vả lại, nếu xúc v.v. mà cũng có thể tiếp nhận huân tập, một hữu tình hẳn có đến sáu tự thể của chủng tử. Thế thì, khi quả xuất hiện, nó được sản sinh từ chủng tử nào? Hợp lý mà nói, không thể cho rằng nó xuất hiện (cùng lúc) từ sáu chủng tử. Vì chưa hề thấy từ nhiều hạt giống mà nảy sinh một mầm.[14] Nếu nói, quả được sản sinh từ một hạt giống duy nhất, như vậy năm hạt giống kia là vô dụng. Cũng không thể nói chúng lần lượt sản sinh quả, vì sự huận tập của chúng đồng thời và thế lực của chúng bằng nhau. Lại nữa, cũng không thể nói sáu quả đồng loạt được sản sinh. Đâu có thể nói rằng nơi một hữu tình trong khoảng một sát na cả sáu thức, mắt v.v., đồng thời sinh khởi.

Ai nói, xúc v.v. cũng có thể tiếp nhận huân tập, duy trì các chủng tử?[15]

Nếu không như thế, làm sao xúc v.v., cũng như thức, là nhất thiết chủng?[16]

Đáp:[17] Năm pháp, xúc v.v. có hình thái tương tợ chủng tử nên được gọi là chủng tử.[18] Vì xúc v.v. tương đẳng với thức về sở duyên. Vì xúc vô sắc cũng có sở duyên.[19] Vì nhất định phải có sở duyên trực tiếp.[20] Hình thái tương tợ chủng tử này không trở thành nhân duyên để sản sinh các hiện thức. Cũng như trên xúc v.v., các tương tợ căn như mắt v.v. không phải là sở y của thức. Cũng như cái tương tợ lửa không có tác dụng đốt cháy.

Biện minh này phi lý.[21] Sở duyên của xúc v.v. có hình thái tương tợ chủng tử, tiếp theo sau[22] chấp thọ và xứ mới có thể được diễn dịch từ đó. Do đó, từ nhất thiết chủng được đề cập trước đó nhất định phải chỉ cho ý nghĩa tiếp nhận huân tập và duy trì chủng tử.[23] Nếu không vậy, bản tụng phạm lỗi trùng lặp.[24]

Vả lại, tụng văn nói “cũng vậy” vì không có sự giản biệt nên hàm ngụ sự diễn dịch; giải thích như vậy không vững. Không thể nói xúc v.v. cũng là liễu biệt (nhận thức). Cũng không thể nói xúc v.v. tương ưng với xúc v.v.

Do vậy, nên biết, từ “cũng vậy”[25] có nghĩa là tùy theo chỗ thích hợp, chứ không có nghĩa là tất cả.

[1] Sthiramati: rāgadveṣānuśayitvāc ca/ anivṛtāvyakṛtaṃ ca tat, “do vì tham sân tiềm phục (tùy miên) nên nó là vô phú vô ký.”

[2] Nhiếp luận bản (Huyền Trang) 1 (T31n1594, tr. 137c14): “Vì nguyên nhân gì pháp thiện và bất thiện có thể cảm ứng dị thục? Quả dị thục ấy là vô phú vô ý. Do quả dị thục có tính vô phú vô ký nên nó không kháng cự lại thiện và bất thiện. Nếu quả dị thục có tính thiện hay bất thiện, không thể có sự lưu chuyển và hoàn diệt.” Thuật ký: nếu là bản chất thiện, nó luôn luôn sinh thiện nên không thể có sự lưu chuyển sinh tử. Nếu là bản chất ác, nó hằng sinh ác, nên không thể có sự hoàn diệt.

[3] Thuật ký: trả lời nạn vấn giả thiết của Hữu bộ: không có sự huân tập thì sai làm gì?

[4] Skt. nivṛta, bị bao trùm, bị ngăn che.

[5] Tì-bà-sa 161 (tr. 815c13): “Vì nó chướng ngại Thánh đạo và chướng ngại gia hành của Thánh đạo nên nói là hữu phú.”

[6] Sthiramati: manobhūmikair āgantukair upakleśair anāvṛtatvād anivṛtaṃ, “do vì không bị trùm kín bởi khách trần phiền não ý địa nên nó là vô phú.”

[7] Hán: ký, tức ký biệt 記別. Skt. vyākṛta, (cái) được xác định. Athiramati: vipākaṃ prati kuśalākuśalatvenāvyākaraṇād avyākṛtam, “do không có sự xác định là thiện hay bất thiện đối với dị thục, nên nói là vô ký.”

[8] Thuật ký: có 4 giải thích; đây là giải thích thứ nhất.

[9] Thuật ký: bản thức (a-lại-da) cùng tương ưng với năm pháp; xúc v.v., năm tâm sở này cũng vậy. Mặc dù xúc không tự nó tương ưng với xúc, nhưng năm pháp này cũng tùy theo sự thích hợp mà phỏng theo bản thức. Hành tướng của bản thức là liễu biệt; thích ứng theo đó, xúc v.v. cũng có hành tướng là liễu biệt. Các chi tiết khác cũng được diễn dịch như vậy.

[10] Giải thích của Nan-đà và nhiều luận sư khác.

[11] Năm điểm như đoạn b trên.

[12] Thuyết thứ tư đẫn đầu bởi Hộ Pháp, phê bình thuyết thứ ba.

[13] Thuật ký: Thế Thân, Nhiếp luận 4, cái có thể tiếp nhận huân tập phải là cái tự tại. Không tìm thấy đoạn văn tương đương.

[14] Thuật ký: dẫn Thành nghiệp luận, nhiều duyên sản sinh tự thể của một quả, nhưng không hề có trường hợp nhiều nhân sản sinh một quả.

[15] Phản vấn của Nan-đà.

[16] Phê bình của Hộ Pháp.

[17] Giải thích của Nan-đà.

[18] Thuật ký: bản thức biến thái thành chủng tử để sản sinh quả nên được gọi là chủng tử chân thật.

[19] Thuật ký: sinh vô sắc giới không có đối tượng là sắc do đó duyên chủng tử làm đối tượng.

[20] Thân sở duyên. Phải có tướng phần riêng biệt của nó như là thân sở duyên.

[21] Phê bình của Hộ Pháp.

[22] Hán: hậu 後; tức tiếp theo sau nhất thiết chủng. Thế Thân lập ba phương diện của thức thứ tám: a-lại-da, dị thục, nhất thiết chủng. Ở đây hậu chỉ phương diện thứ tư là (xúc) tương tợ chủng tử.

[23] Thuật ký: chứ không phải chỉ cho việc duyên chủng tử (lấy chủng tử làm đối tượng), tương tợ chủng tử.

[24] Trùng ngôn 重言. Thuật ký: đoạn trên, tụng đã nói đến chấp thọ và xứ là duyên chủng tử. Ở đây cũng nói duyên tử tức văn phạm lỗi trùng lặp.

[25] Hán: diệc như thị 亦如是. Skt. tathā.