Luận Thành Duy Thức

Luận Thành Duy Thức

Hải 14

1. Ý NGHĨA DUYÊN KHỞI

Thức a-lại-da đoạn diệt hay thường tồn? Nó không phải đoạn diệt, cũng không phải thường tồn. Vì nó hằng chuyển.[2]

Hằng, vì kể từ vô thủy nó thuần nhất[3] liên tục tiếp nối thường hằng không gián đoạn. Vì nó là căn bản để thiết lập[4] (ba) giới hệ, (sáu) thú hướng, (bốn) sinh loại. Và vì tính chất của nó bền vững,[5] duy trì chủng tử không để cho tiêu thất.

Chuyển, thức này, kể từ vô thuỷ, sinh diệt trong từng sát na, liên tục biến dị; vì nhân diệt thì quả sinh, nó không thường trực nhất tính; và vì nó có thể được các chuyển thức huân tập thành chủng tử.

Hằng, loại bỏ tính gián đoạn. Chuyển, biểu hiện tính không thường, giống như dòng lũ. Pháp nhĩ của nhân quả là vậy. Như nước trong dòng thác lũ, không phải đoạn cũng không phải thường, liên tục tiếp nối chìm nổi. Thức này cũng vậy, từ vô thuỷ, sinh diệt tiếp nối nhau, không phải thường cũng không phải đoạn; hữu tình chìm nổi trong đó không thể thoát ly.

Và cũng như dòng thác lũ tuy bị gió kích động khiến nổi sóng nhưng vẫn trôi chảy không gián đoạn. Thức này cũng vậy, mặc dù theo các duyên mà khởi lên các thức con mắt v.v. nhưng vẫn hằng tiếp nối.

Cũng như dòng lũ, mà trong con nước của nó bên dưới là cá, bên trên là cỏ các thứ, mọi vật tùy theo dòng trôi chảy không dứt. Thức này cũng vậy, cùng với tập khí nội tại và xúc các thứ ngoại tại hằng tiếp nối nhau vận chuyển.[6]

Những thí dụ cụ thể này nêu rõ ý nghĩa theo đó thức này do nhân quả vô thủy không phải đoạn cũng không phải thường. Nghĩa là, tính thể của thức này là sự xuất sinh của quả và sự tàn diệt của nhân trong từng sát na kể từ thời vô thủy. Quả sinh, cho nên nó không phải đoạn; nhân diệt, cho nên nó không phải thường. Phi đoạn phi thường là lý duyên khởi. Do đó, tụng nói, thức này hằng chuyển như dòng chảy.

2. PHÊ BÌNH CÁC BỘ

a. Hữu bộ và Chính lượng bộ

Hữu bộ: Quá khứ, vị lai, vốn đã không phải thực hữu, do đó có thể cho là không phải thường, chứ sao lại có thể không phải đoạn? Gián đoạn, làm sao phù hợp với chính lý duyên khởi?[7]

Duy thức: Quá khứ, vị lai nếu là thực hữu, nên có thể nói là không phải đoạn; nhưng làm sao nói là không phải thường? Thường cũng không phù hợp với chính lý duyên khởi.[8]

Hữu bộ: Đâu phải chỉ chỉ trích sai lầm của người khác là chứng minh được quan điểm của mình.
Duy thức: Nếu không phá tà, khó có thể hiển chính. Trạng thái đi trước là nhân vừa tàn diệt thì tiếp theo sau là quả tức thì sản sinh. Như hai đầu của đòn cân; đầu lên và đầu xuống cùng thời. Sự tiếp nối liên tục của nhân và quả cũng vậy, như dòng chảy. Sao lại phải giả thiết có quá khứ, vị lai mới chứng minh được là không gián đoạn?

Hữu bộ: Nhân trong trạng thái hiện đang tồn tại, quả theo sau thì chưa sinh,[9] vậy, nhân là nhân của cái gì? Khi quả hiện đang tồn tại thì nhân đi trước đã diệt, vậy quả là quả của cái gì? Nhân quả đã không, cái gì vượt ngoài đoạn thường?

Duy thức: Nếu, khi nhân tồn tại (trong nó) đã tồn tại quả sẽ sinh; quả đã có sẵn thì cần gì đến nhân đi trước? Ý nghĩa nhân đã không tồn tại, ý nghĩa quả há lại có? Không nhân, không quả, há có chuyện vượt ngoài đoạn, thường?

Hữu bộ: Ý nghĩa nhân quả được thiết lập y trên tác dụng (chứ không y trên tự thể) của pháp;[10] do đó, điều được chất vấn không quan hệ gì đến tông nghĩa của chúng tôi.

Duy thức: Thể vốn dĩ đã tồn tại, thì dụng cũng phải vậy.[11] Vì những gì là nhân duyên cần hội đủ[12] cũng vốn dĩ đã tồn tại. Do lẽ này mà nhân quả trong quan điểm của ngài không xác định có ý nghĩa gì. Vậy, ngài nên tin nơi chính lý duyên khởi của Đại thừa. Chính lý ấy sâu xa, vi diệu, vượt ngoài ngôn ngữ. Những gì nói về nhân quả chỉ là giả thi thiết. Quan sát thấy pháp hiện tại có khả năng dẫn sinh tác dụng về sau, theo đó giả lập quả đương lai, đối chiếu với cái hiện tại được nói là nhân. Khi quán sát thấy pháp hiện tại có sự đáp ứng với dấu hiệu đi trước, theo đó giả lập cái đã từng hiện hữu là nhân, đối chiếu với cái được nói là quả hiện tại. Giả, nghĩa là hiện thức xuất hiện tương tợ tướng của cái ấy. Lý thú nhân quả như vậy rất hiển nhiên, vượt ngoài hai cực đoan, khế hợp trung đạo. Những bậc có trí nên thuận theo đó mà tu học.
b. Các bộ phái khác.

Các bộ phái khác[13] nói, mặc dù quá khứ và vị lại không tồn tại, nhưng vẫn có ý nghĩa hằng tương tục của nhân quả.[14] Theo đó, pháp hiện tại tuy cực kỳ nhanh chóng, nhưng vẫn có hai thời sinh và diệt trước và sau. Khi sinh, nó đáp ứng nhân. Khi diệt, nó dẫn sinh quả. Thời tuy có hai, nhưng thể chỉ là một.[15] Ngay khi nhân đi trước vừa diệt, quả theo sau lập tức sinh. Thể và tướng tuy sai khác nhưng thảy đều cùng tồn tại. Nhân quả như vậy không phải là giả thi thiết, tuy vậy, vẫn vượt ngoài đoạn, thường. Ý nghĩa này cũng không thể bị chất vấn như trên. Vậy, bậc có trí há bỏ đây mà tin theo chỗ khác?

Duy thức: Giải thích ấy chỉ là hư ngôn, hoàn toàn không có ý nghĩa chân thật. Làm sao có thể thừa nhận trong một niệm tồn tại cả hai thời?[16] Sinh và diệt mâu thuẫn nhau, há cũng đồng hiện tại? Diệt nếu ở hiện tại, sinh tất thuộc vị lai. Cái hữu được nói là sinh; cái đó tất thuộc hiện tại. Cái vô được nói là diệt; nó há không phải là quá khứ? Nếu diệt không phải là vô, thì sinh cũng không phải là hữu. Sinh là cái hiện tại đang tồn tại. Diệt tất phải là cái hiện tại không tồn tại. Vả lại, cả hai mâu thuẫn nhau, làm sao thể của chúng đồng nhất? Như khổ và lạc, không thể tìm thấy có sự kiện (đồng nhất) như vậy. Nếu sinh diệt là một, thời tất không có hai. Nếu sinh diệt dị biệt, làm sao nói thể của chúng đồng? Do đó, nói rằng sinh và diệt cùng tồn tại đồng thời trong hiện tại, đồng y một thể tính; điều ấy không được chứng minh hợp lý.

c. Kinh bộ

Sự tương tục của nhân quả theo các nhà Kinh bộ cũng không được chứng minh hợp lý. Vì bộ phái này không thừa nhận có thức A-lại-da vốn là cái duy trì các chủng tử. Do vậy, nên tin tưởng những điều mà Đại thừa nói về sự tương tục của nhân quả là chính lý duyên khởi.

[1] Giải thích câu tụng “hằng chuyển như bộc lưu 恒轉如暴流.” Skt. tac ca vartate srotasaughavat. Sthiramati: tatra sroto hetuphalayor nairantaryeṇa pravṛttiḥ/ udakasamūhasya pūrvāparabhāgāvicche-dena pravāha ogha ity ucyate/ sự vận hành liên tục của nhân và quả gọi là dòng chảy tợ tuôn chảy của khối nước liên tục từ trước đến sau được gọi là là thác lũ.

[2] Cf. Sthiramati: nairantarryeṇa pravṛttiḥ, vận hành không dứt, không gián đoạn.

[3] Hán: nhất loại 一類, duy nhất một loại tính, bản chất vô ký không thay đổi.

[4] Hán: thi thiết bản 施設本; Skt. prajñapti-mūla.

[5] Hán: tính kiên 性堅; Thuật ký: điều kiện thứ nhất trong 4 điều kiện để được huân tập (kiên trụ).
[6] Sthiramati: “Cũng như dòng nước cuốn trôi theo nó những cỏ, cây, phân bò các thứ; thức a-lại-da, cũng vậy, mang theo nó xúc, tác ý v.v. cùng với tập khí của các nghiệp phước, phi phước và bất động.”

[7] Nạn vấn của Hữu bộ. Cần phải thừa nhận tính thực hữu như Hữu bộ (tam thế thực hữu) mới có thể giải thích tính chất không gián đoạn.

[8] Phản vấn của Duy thức.

[9] Ý nghĩa nạn vấn của Hữu bộ: nếu quá vị vô thể, quả vị lai chưa sinh thức vô thể. Cái vô thể thì không có tác dụng.

[10] Cf. Câu-xá 20 (tr. 104c26), quan điểm của Thế Hữu: ý nghĩa tam thế y trên vị thế của tác dụng (kāritra). Pháp chưa có tác dụng được nói là vị lai, khi có tác dụng, được nói là hiện tại.
[11] Lập trường Duy thức: thể dụng vốn đồng nhất chứ không thể dị biệt.

[12] Hữu bộ: thể tuy hằng hữu nhưng phải hội đủ duyên thì dụng mới sinh.

[13] Chủ yếu là Thượng tọa bộ. Cũng kể luôn Thăng Quân, theo đó sắc và tâm đủ có đủ ba tướng sinh, trụ, dị. Tướng sai biệt nhưng thể đồng nhất. Diệt chỉ cho cái đã diệt. Cf. Diễn bí, tr. 874c12.

[14] Chủ trương quả trước nhân sau để tránh lỗi đoạn diệt.

[15] Thượng tọa bộ: tâm và tâm sở sinh diệt diễn ra 2 thời trong một sát na hiện tại. Thời hai nhưng thể là một. Diệt là cái sắp diệt. Diễn bí, tr. 874c15.

[16] Hai thời, chỉ hai trạng thái sinh và diệt. Sát na là chu kỳ thời gian cực ngắn diễn thành hai đoạn trước và sau, tức hai pha sinh và diệt.