Duy thức học yếu luận

Duy thức học yếu luận

Hải 16

Hỏi: Ðã nói về thức năng biến thứ nhất rồi. Vậy thức năng biến thứ hai sự hiện hữu của nó ra sao?

Bài Tụng Duy Thức Ðáp:

Thức Năng Biến Thứ Hai

Tên Gọi Là Mạt Na

Từ A Lại Da… Ái A Lại Da

Tính Tướng Háo Suy Lường

Bốn Phiền Não Thường Chung

Là Ngã Si Ngã Kiến

Cùng Ngã Mạn Ngã Ái

Xúc, Tác Ý… Tương Ưng

Hữu Phú Vô Ký Tánh

Khắng Khít A Lại Da

A La Hớn, Diệt Ðịnh

Ðấng Xuất Thế Không Còn

Giải Thích Thuật Ngữ:

Mạt na: Trung Hoa dịch là ý căn, dựa trên tính “tư lương”, tính “chấp ngã” để rồi sinh ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Mạt na là cơ sở làm chỗ nương tựa để ý thức phát sinh phân biệt. Vì vậy, có tên “ý căn”. Mạt na theo thứ tự có tên “đệ thất thức”, tức là món năng biến thứ hai vậy.

Suy lường: Dịch chữ tư lương. Tính suy lường của “tư lương” khác với tính toán nghĩ ngợi của “tư duy” phân biệt. Suy lường của “tư lương” như sóng ngầm. Tính toán phân biệt của “tư duy” như sóng lượn ồ ạt lao xao trên mặt biển.

Si kiến mạn ái: Thức Mạt na do ngã, vì ngã và cho ngã mà hiện hữu. Ngoài ngã ra, Mạt na không có tích sự nào khác. Vì vậy, Mạt na bản chất vốn nhiễm ô rồi.

Hữu phú vô ký: “Hữu phú” nói lên tính nhiễm ô bản chất của thức Mạt na.

A la hớn: Dịch vô sinh, sát tặc, ứng cúng. Ðấy là quả vị của người đoạn trừ hết Kiến Tư hoặc trong nhân, là người xuất ly tam giới.

Diệt định: Nói đủ: Diệt Tận Ðịnh, người tu thiền định, diệt được sự phân biệt của tiền thức và ý niệm chấp ngã không còn.

Xuất thế đạo: Từ A La Hớn trở lên, cứu cánh là quả Vô Thượng Bồ Ðề.

Yếu Luận

Mạt na thức lả năng biến thứ hai trong ba món năng biến và là thức thứ bảy trong tám thức tâm vương. Mạt na, Phạn âm, Trung Hoa dịch ý căn. Nó là chỗ nương tựa, cơ sở của ý thức thứ sáu, phát triển tư duy phân biệt. Vì vậy, tính, tướng, bản chất của Mạt na là “Tư lương”. Mạt na không có tính độc lập, tự sinh, tự khởi. Sự sinh khởi Mạt na hoản toàn hệ thuộc A lại da. Mạt na là “ngã ái chấp tàng” trong ba nghĩa tàng. Mạt na chấp lấy Kiến phần A lại da, bảo thủ tính chấp của mình khư khư theo “ức thuyết”, không chuẩn đích, không căn cứ và hoàn toàn không chân lý. Kiến phần cũng như Tướng phần của A lại da đều là pháp hiện tượng duyên sinh: vũ trụ sơn hà, sum la vạn tượng… tất cả đều “vô ngã”. Thế cho nên, ngã của Mạt na chấp chỉ là “ngã si”, “ngã kiến”, “ngã mạn”, “ngã ái”, không chân lý, không chút thực tiễn nào. Mạt na chấp ngã là sự vin chấp nội tại của A lại da: Ngã ái chấp tàng của A lại da vin chấp Kiến phần của A lại da để rồi “ức thuyết” thành “bản ngã” bởi chính mình. Vì vậy, bài tụng Duy thức:

“Từ A lại da… ái A lại da”

Nên biết, tám thức tâm vương đều giống nhau. Thức nào cũng có bốn phần. Ðó là: Kiến phần, Tướng phần, Tự chứng phần và Chứng tự chứng phần. Bốn phần này, ta mượn một tỷ dụ để có khái niệm: 1. Xem hoa; 2. Cành hoa; 3. Nhận định hoa; 4. Ðánh giá, giá trị hoa. Mỗi một thức khi phát khởi đều phải diễn biến theo một quá trình: Chủ thể nhận thức, đối tượng nhận thức, nhận thức đối tượng và đánh giá đối tượng ấy. Ta cũng có thể mượn tỷ dụ thứ hai: 1. Người viết đơn kiện; 2. Người bị kiện; 3. Quan toà xử lý kiện; 4. Viện kiểm soát tối cao (cơ sở luật pháp). Bốn phần liên hợp lại, tác dụng hỗ tương nhau để hoàn thành kết quả của một “Thức”, khi thức đó sinh khởi.

Mạt na thức bản chất vốn nhiễm ô, tánh hữu phú vô ký nói lên sự nhiễm ô chấp ngã, là nguyên nhân sinh ra mọi thứ phiền não, mọi nỗi thống khổ cho con người trên cõi đời. Mạt na thức, tánh hữu phú vô ký điều này nói lên rằng mạt na thức nhiễm ô từ bản chất. Bốn phiền não thường chung cùng sinh khởi thì hiện tượng cũng chẳng trong sạch được.

Mạt na thức cũng như bát thức tâm vương đương nhiên đều có tương ứng với nhóm tâm sở biến hành: xúc, tác ý v.v… Ngoài ra còn một số…

Mạt na thức “tùy sở sinh sở hệ” có nghĩa là Mạt na khắng khít gắn bó chặt với A lại da. Không có A lại da, không tìm đâu cho có Mạt na được. Cũng như không có thủ tướng, không sao có “vệ sĩ” thủ tướng trên cõi đời.

Có ba hạng người do công phu tu chứng mà loại bỏ Mạt na thức. Một là người tu chứng đến quả A la hớn. Hai là người tu chứng Ðịnh Diệt Tận. Ba là Phật Thế Tôn.

“Ngã” cộng với “ngã sở hữu” là tiêu chuẩn, là thước, để đo, để đánh giá: tiến trình học đạo, hành đạo và chứng đạo của người đệ tử Phật, chân chính và không chân chính vậy.