Duy thức học yếu luận

Duy thức học yếu luận

Hải 15

Hỏi: Ðức Thế Tôn đã đề cập ba tự tính rồi. Cớ gì Thế Tôn lại dạy: tất cả pháp đều không tự tính?

Bài Tụng Duy Thức Ðáp:

Chỉ Vì Ba Tự Tính

Chỉ Ra Ba Vô Tính

Mật Ý Của Phật Nói

Tất Cả Pháp Vô Tính

Một Hiện Tướng, Vô Tính

Hai Tính Tự Nhiên, Vô Tính

Ba Tính Viễn Ly, Biến Kế

Và Tính Chấp Ngã, Vô Tính

Ðấy Thắng Nghĩa Các Pháp

Ðấy Chính Là Chân Như

Vì Nó Hằng Như Như

Ðấy Thực Tính Duy Thức

Giải Thích Thuật Ngữ:

* Hiện tướng vô tính: Biến kế sở chấp, vô tính.

* Tự nhiên vô tính: Y tha khởi, vô tính.

* Tính viễn ly biến kế: Viên thành thật, vô tính.

* Thắng nghĩa: Nghĩa rốt ráo cũng gọi là liễu nghĩa.

* Chân như: Chân lý bất di bất dịch của vũ trụ khách quan.

Yếu Luận

Như ta đã biết, Ðức Thế Tôn đề cập Tam tự tính kỳ thực không có cái “tự tính” nào của Ðức Thế Tôn nói ra. Ba “tự tính” ấy chỉ là kết quả của sự hiểu biết sai lầm, ý thức chấp ngã, trước vạn pháp vốn dĩ vô ngã. Ðức Thế Tôn không nói có Tam tự tính như vậy.

“Tất cả pháp không tự tính”. Ðấy mới là then chốt, lập trường, là tôn chỉ của toàn bộ giáo lý Phật.

Hiện tượng vạn pháp “vô tính” vì thực tướng của vạn pháp là “vô tướng”.

Tự nhiên tính “vô tính” vì trên cõi đời không có cái gì “tự nhiên” mà có. Y tha khởi tính tự nó nói lên rằng nó “không phải tự nhiên” rồi!

Viên thành thực tính “vô tính”, viên thành thực, chỉ là kết quả của sự “viễn ly”. Viễn ly tính “biến kế”, viễn ly tính chấp ngã mà có được tên ấy.

– Tất cả pháp không “tự tính” là giáo nghĩa thù thắng.

– Tất cả pháp không “tự tính” là chân như của vạn pháp.

– Tất cả pháp không “tự tính” là tính thường như củavạn pháp.

– Tất cả pháp không “tự tính”, hiểu như thế là thể nhập “thực tính Duy thức” rồi vậy.