(Bài tụng luận về Quy củ của tám thức)
Quy củ là hai thứ dụng cụ để người ta vẽ ra hình tròn (compa) và góc vuông (êke) của đồ vật dụng. Nghĩa rộng của nó là chuẩn đích, mẫu mực, trong phạm vi khuôn khổ nào đó.
Bát thức Quy Củ nêu ra một số chuẩn mực, phạm vi hoạt động của bát thức tâm vương, gọi là: Bát thức quy củ. Văn thể cấu tạo hình thức “bài tụng” cho nên gọi: Bát thức quy củ tụng.
Nói về đệ bát thức có ba bài tụng, mười hai câu. Ðệ thất thức, đệ lục thức và tiền ngũ thức cũng vậy. Mỗi thức đều giống nhau, chỉ lưu ý năm thức trước (tiền ngũ thức), tính chất hoạt động giống nhau, cho nên tiền ngũ thức mà cũng chỉ có ba bài tụng, mười hai câu. Trước hết, nghiên cứu về Ðệ bát thức.
Ðệ Bát Thức Tụng
Tánh Duy Vô Phú Hữu Biến Hành
Giới Ðịa Tùy Tha Nghiệp Lực Sinh
Nhị Thừa Bất Liễu Nhân Mê Chấp
Do Thử Năng Hưng Luận Chủ Tranh
Ý nghĩa rằng: Ðệ bát thức tính của nó vô phú vô ký. Nó tương ứng với năm món tâm sở biến hành, vì tâm sở biến hành cũng cùng tính vô phú vô ký.
Thọ sinh ở tam giới hay ở cửu địa, đệ bát thức không có khả năng tạo nghiệp nhân để thọ lấy quả mà nó hoàn toàn do “tha nghiệp lực” dẫn dắt, thúc đẩy nó thọ sinh. Tha nghiệp lực chỉ cho năng lực tạo nghiệp của đệ lục ý thức. Trong tám thức tâm vương, ý thức là “một chàng lanh lợi, đáng kinh nghi”…
Hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) không biết có đệ bát thức, họ chỉ biết có sáu thức. Trình độ hiểu biết của họ ngang với những nhà Tâm lý học, chủ trương: ngoài năm giác quan biểu hiện dễ biết, còn một giác quan khó nhận, gọi là “tiềm thức”, tức đệ lục ý thức.
Do vậy, Duy thức học, luận chủ phải tranh luận, chứng minh rằng: ngoài sáu giác quan, con người còn phải có “đệ thất”, “đệ bát thức” nữa, mới đủ yếu tố cho sự sống còn; chẳng hạn lúc ngủ không chiêm bao…., khi người nhập định “diệt tận”, nhập định vô tưởng và lúc bị chết ngất… Duy trì sinh mạng khi con người không còn ý thức ấy, rõ ràng là công lao của đệ thất và đệ bát thức A lại da.
Hạo Hạo Tam Tàng Bất Khả Cùng
Uyên Thâm Thất Lãng Cảnh Vi Phong
Thọ Huân Trì Chủng Căn Thân Khí
Khứ Hậu Lai Tiên Tác Chủ Ông
Ý nghĩa rằng: Ðệ bát A lại da thức có ba nghĩaTàng: Năng tàng, Sở tàng và Ngã ái chấp tàng, thẩm sâu, mênh mông, diệu vợi. Suy tư nghĩ ngợi giản đơn của những bộ óc đơn giản, không sao hiểu thấu triệt được.
Ðệ bát thức ví như cái duềnh, cái vực vừa lớn vừa sâu. Bảy thức trước nương nơi đệ bát thức mà sinh tồn, hiện hữu thi thố tác dụng của mình, giống như sóng mòi do lực gió, gió thổi sóng lao xao. Sóng xao, gió thổi, sóng xao… không rời ngoài cái vực kia mà có.
Ðệ bát thức là cơ sở, là kho tàng tiếp thu và huân tập chủng tử vạn pháp. Từ chủng tử duyên khởi mà hiện hành động vật căn thân hữu tình, khoáng vật, thực vật thế giới vô tình. Tất cả đều nằm gọn trong đệ bát A lại da.
Ðệ bát thức A lại da nhìn về mặt sinh diệt: Sinh thì A lại da sinh trước, khi diệt A lại da diệt sau cùng. A lại da là ông chủ đối với tiền thất thức bên hữu tình. A lại da cũng là ông chủ đối với vạn pháp sinh sinh hóa hóa vô tình vậy.
Bất Ðộng Ðịa Tiền Tài Xả Tàng
Kim Cang Ðạo Hậu Dị Thục Không
Ðại Viên Vô Cãu Ðồng Thời Phát
Phổ Chiếu Thập Phương Sát Trần Trung
Ý nghĩa rằng: A lại da (tàng thức) Bồ tát tu hành đến đệ bát Bất động địa, không còn gọi A lại da nữa. Bởi lẽ, A lại da là cái kho chứa đựng chủng tử hỗn hợp, tốt có mà xấu cũng nhiều. Bồ tát tu tập đến đệ bát địa “Bất động” rồi thì chủng tử tạp nhiễm phiền não đã được thanh lọc hết. Vả lại, nói về quá trình “Bất động”, hàng Bồ tát đã bước vào “đệ tam A tăng kỳ kiếp” cho nên cái thức “hỗn hợp” ấy, xả bỏ là lý đương nhiên để thay vào đó cái tên: Dị thục thức.
Ðến khi chứng địa vị “Ðẳng Giác” tên “Dị thục thức” cũng không còn lý do tồn tại, bởi vì vấn đề nhân quả đến đây không còn cần thiết nữa.
Sau địa vị Ðẳng Giác, đệ bát thức được cái tên: Vô cấu thức và chuyển Vô cấu thức thành Trí đại viên cảnh, tức là thứ trí tròn trịa vô song, trí lớn lao không bờ mé, trong sáng như một thứ kính tuyệt trần.
… Và Ðại viên cảnh trí ấy soi sáng khắp hằng hà sa số, bất khả thuyết, bất khả thuyết A tăng kỳ thế giới trong mười phương.