Duy thức học yếu luận

Duy thức học yếu luận

Hải 14

Ðệ Lục Thức Tụng

Tam Tánh Tam Lương Thông Tam Cảnh

Tam Giới Luân Thời Dị Khả Tri

Tương Ưng Tâm Sở Ngũ Thập Nhất

Thiện Ác Lâm Thời Biệt Phối Chi.

Ý nghĩa rằng: Với đệ lục thức, nói về cảnh có ba: Tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh. Nói về lượng có ba: Hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng. Nói về tánh có ba: thiện, ác và vô ký. Ðệ lục ý thức có đủ hết những điều đó. Do vậy, tầm hoạt động của đệ lục ý thức có đủ hết những điều đó. Do vậy, tầm hoạt động của đệ lục ý thức lanh lợi, nhạy bén và ưu việt hết mọi mặt so với bát thức tâm vương.

Ý niệm tư duy của ý thức, dùng chánh niệm quan sát phân tích, người ta rất dễ biết cái quả của nó sẽ đưa đảy vào cõi nào trong ba cõi: Dục, sắc và vô sắc.

Ý thức tương ứng toàn bộ tâm sở hữu pháp 51 món.

Hoàn cảnh môi trường thiện đến thì ý thức duyên theo cảnh thiện. Ngược lại nó có thể là ác, thậm chí là cực ác, nếu có môi trường có cơ hội phù hợp theo chiều hướng đó.

Tánh Giới Thọ Tam Hằng Chuyển Dịch

Căn Tùy Tín Ðẳng Tổng Tương Liên

Ðộng Thân Phát Ngữ Ðộc Vi Tói

Dẫn Mãn Năng Chiêu Nghiệp Lực Khiên

Ý nghĩa rằng: Ðối với ba tánh: Thiện, ác, vô ký, với ba giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới, với ba thọ: lạc thọ, khổ thọ và xả thọ ý thức tiếp nhận thay đổi liên tục theo hoản cảnh mà không cần phải có điều kiện hay lý do…

…. Và đệ lục ý thức sinh hoạt gắn liền với căn bản phiền não, chi mạt phiền não, thiện, bất định tâm sở v.v… 51 món.

Hành động thiện hay ác của con người biểu lộ qua thân, lời nói lành hay dữ thổ lộ ra miệng đều do ý thức chủ động, đóng vai trò chánh. Ðương nhiên có sự tham gia đóng góp gián tiếp của nhãn, nhỉ v.v…

Ðệ lục ý thức có khả năng tạo nghiệp nhân, tam giới, lục đạo và có khả năng hoàn chỉnh nghiệp nhân ấy, dẫn dắt hữu tình luân chuyển trong tam giới lục đạo…

Phát Khởi Sơ Tâm Hoan Hỉ Ðịa

Câu Sanh Do Tự Hiện Triền Miên

Viễn Hành Ðịa Hậu Thuần Vô Lậu

Quán Sát Viên Minh Chiếu Ðại Thiên

Ý nghĩa rằng: Hoạt động của đệ lục ý thức thường gắn liền với hai thứ phiền não là: “câu sanh”, và “phân biệt”. Vì vậy, Bồ tát tu tập hết A tăng kỳ kiếp thứ nhất, chỉ trừ bỏ “phân biệt phiền não” mà thôi. Nên nhớ: Phân biệt phiền não tức Kiến hoặc.

Ở đây cho ta thấy: Sơ tâm Hoan hỉ địa, tức là địa vị kiến đạo mà “câu sanh phiền não” hãy còn “ngủ im” chờ cơ hội ngóc đầu quấy rối. Vượt qua địa vị viễn hành, bước sang A tăng kỳ kiếp thứ ba “Tư hoặc” tức “câu sanh phiền não” mới hoàn toàn vắng bóng. Bấy giờ Bồ tát không còn bị giặc kiến tư hoặc khuấy rầy, mà thọ dụng sự an lành thanh thoát vô lậu.

… Từ đây, đệ lục ý thức chuyển đổi thành trí diệu quán sát, sáng soi viên mãn khắp thế giới ba ngàn.