Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm – Kinh Lịch Sử Đức Phật

Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm – Kinh Lịch Sử Đức Phật

Trương Văn Chiến 72

KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM

Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Địa-bà-ha-la, người xứ Trung Thiên trúc

Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN VII

Phẩm 16: VUA TẦN-BÀ-SA-LA KHUYEÊ BỒ-TÁT NHẬN LỢI DƯỠNG THẾ GIAN

        Lúc bấy giờ, Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

        -Xa-nặc trở về vương cung, đã theo đúng lời dặn dò của Bồ-tát an ủi vua cha Du-đầu-đàn, di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề, chánh phi Da-du-đà-la cùng các vị trong tộc họ Thích, khiến cho tất cả giảm bớt lo buồn sầu não hiểu rõ rằng Thái tử chỉ muôn đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh nên đã cạo bỏ râu tóc, đưa áo Kiêu-xa-da đổi cho người thợ săn, lấy chiếc ca-sa làm pháp phục thanh tịnh.

        Lúc ấy Bồ-tát đi dần đến chỗ tu khổ hạnh cửa vị nữ tu sĩ Bà-la-môn tên Bỉ Lưu, được vị này mời thọ trai vào hôm sau. Thọ trai xong, Bồ-tát đi dần đến chỗ vị nữ tu Bà-la-môn tên Ba-đầu-ma, cũng được vị này mời đến thọ trai vào hôm sau. Thọ trai xong Bồ-tát đi đến chỗ các vị ẩn sĩ Phạm chí tên Lợi-bà-đà, vị này cũng mới Bồ-tát vào hôm sau đến thọ trai. Rồi Bồ-tát đi đến chỗ tu của hai vị ẩn sĩ tên Quang Minh và Điều Phục, hai vị này cũng mời Bồ-tát hôm sau đến thọ trai…

        Này các Tỳ-kheo, bấy giờ Bồ-tát lần lượt đi đến thành Tỳ-xá-ly, gần bên thành này có một vị Tiên tên A-la-la cùng tu với ba trăm người đệ tử, thường giảng dạy các đệ tử tu pháp môn định Vô sở hữu xứ. Lúc ấy vị Tiên A-la-la từ xa trông thấy Bồ-tát đến, trong lòng nghĩ thật là điều ít có bèn nói với các đệ tử:

        -Các con hãy xem Bậc Thượng nhân tối thắng kia.

        Các đệ tử thưa với thầy:

        -Chúng con thấy vị ấy dung mạo đoan nghiêm, không rõ là trước kia ở đâu nay lại đến đây.

        Các vị Tỳ-kheo, lúc đó Ta đã hỏi tiên A-la-la:

        -Pháp tu chứng của ông có thể nói ra cho người khác nghe được chăng? Tôi nay muốn làm kẻ tu hành, mong ông giảng giải cho tôi.

        Tiên nhân đáp:

        -Này ông Cù-đàm, pháp tu chứng của ta rất vi diệu sâu xa. Nếu ông muốn học, ta sẽ giảng giải để ông tu tập đạt kết quả. Nếu có kẻ thiện nam nào thanh tịnh, tin tưởng thọ lãnh giáo pháp của ta đều thành tựu được phép định vi diệu Vô sở hữu.

        Này các Tỳ-kheo, Ta nghe vị ấy nói như thế liền suy nghĩ: “Ta nay tự mình có đủ tinh tấn, niệm định để vui vẻ mong đạt tín, tuệ, chỉ ở một nơi siêng năng tu tập tâm không buông thả, chắc chắn sẽ chứng được pháp của vị Tiên đó”. Thế rồi ta tinh tấn tu tập tâm không hề biết chán nản mệt mỏi. Trải qua thời gian ngắn thì chứng đạt pháp định kia, sau đó ta đến chỗ vị ấy hỏi:

        -Thưa Đại tiên, pháp tu chứng của ngài chỉ có mỗi pháp định ấy hay còn pháp nào khác?

        Vị Tiên đáp:

        -Này ông Cù-đàm, ta chỉ đạt được mỗi pháp ấy mà thôi chứ không còn có pháp nào nữa.

        Bồ-tát thưa:

        -Pháp tu ấy hiện tôi cũng chứng đạt được.

        Vị Tiên bảo:

        -Ta và ông cùng chứng được pháp định ấy, vậy thì ông hãy ở lại đây cùng ta truyền dạy cho các đệ tử.

        Này các Tỳ-kheo, thấy Ta chấp thuận, vị Tiên ấy hết lòng quý trọng, luôn cúng dường Ta các món quý giá nhất, chúng môn đồ ấy thường xem ta là bạn tốt của họ. Nhưng rồi sau đó ta suy nghĩ: “Pháp tu của vị Tiên A-la-la chẳng thể dứt được khổ đau. Phải có pháp tu gì để lìa mọi nguyên nhân của đau khổ”.

        Do đó Ta đã rời thành Tỳ-xá-ly đi dần tới đại thành Vương xá của nước Ma-già-đà, vào núi Linh thứu, chọn được một nơi an trụ một mình, thường được vô lượng trăm ngàn chư Thiên các cõi hộ trì.Sáng sớm Ta mặc Ca-sa, bưng bình bát từ cửa Ôn tuyền đi vào thành Vương xá lần lượt khất thực, bước đi khoan thai, các căn đều toát lên vẻ an nhiên tĩnh lặng, luôn nhìn về phía trước, tâm không tán loạn. Dân chúng trong thành Vương xá trông thấy Bồ-tát, tất cả đều hoan hỷ cho là điều ít có liền hỏi với nhau:

        Vị này là ai, là Sơn thần, là Phạm vương hay Đế Thích, hay là các vị Tứ Thiên vương?

        Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đọc bài kệ sau:

        Bồ-tát thân thanh tịnh

        Vô lượng ánh hào quang

        Oai nghi đều đầy đủ

        Tâm thanh tịnh nhu hòa

        Trụ ở núi Linh thứu

        Đúng theo phép xuất gia

        Vào sáng sớm mỗi ngày

        Đắp y và mang bát 

        Để điều phục thân tâm

        Vào kinh thành khất thực

        Thân như sắc vàng tụ

        Tướng tốt tuyệt trang nghiêm 

        Nam nữ hai bên đường

        Đều dừng lại nhìn ngắm

        Đông đảo dân trong thành

        Thấy Bậc Thắng Nhân đến

        Đều sinh tâm hy hữu

        Cùng chen nhau chiêm ngưỡng

        Người này thật kỳ lạ 

        Từ đâu nay đến đây

        Có từng đoàn thể nữ 

        Cùng lên lầu gác đẹp

        Qua bao tầng cửa sổ

        Dõi mắt nhìn đăm đăm

        Phổ xá đông nghịt người

        Chợ bán đều vắng không

        Mọi công việc đều bỏ

        Đến ngắm, hầu Bồ-tát

        Có người đến kính báo

        Vua Tần-bà-sa-la

        Hiện có bậc Phạm thiên

        Vào kinh thành khất thực

        Lại có người cho rằng

         Đó là trời Đế Thích

        Trời Dạ-ma, Đâu-suất

        Hay Hóa lạc, Tha hóa

        Tứ Thiên vương, Nhật nguyệt

        Hoặc là chư La-hầu

        Bỉ-lưu-chất-đa-la

        Tạm rời khỏi chư Thiên

        Lại có kề tâu vua

        Là Thần núi Linh thứu

        Đại vương nên biết rằng

        Ngài đang được lợi lớn

        Vua nghe các lời tâu

        Lòng tràn ngập vui mừng

        Liền bước lên lầu cao

        Xa ngắm thân Bồ-tát

        Tướng tốt rất trang nghiêm

        Khác nào vàng ròng tụ

        Vua liền sai tả hữu

        Dâng Bồ-tát phẩm trai

        Lệnh tìm nơi người trụ

        Theo sau để xem xét

        Sứ giả theo Bồ-tát

        Thấy về ngọn Thứu phong

        Liền trở lại tâu vua

        Thuật lại mọi sự việc

        Vua nghe rõ đuôi đầu

        Tâm hy hữu tăng lớn.

        Trời vừa ló vầng hồng

        Xa giá cùng đến thăm

        Xa trông nơi núi cao

        Tướng ngời sáng thanh tịnh

        Uy dung cực nghiêm đẹp    

        Bất động như Tu-di

        Liền để lại tùy tùng

        Riêng vua lần bước đến

        Đảnh lễ chân Bồ-tát

        Cùng bao lời vấn an

        Rồi thưa với Bồ-tát

        Đại sĩ từ đâu lại

        Quê hương ở chốn nào

        Cha mẹ là những ai

        Là vị Bà-la-môn

        Hay thuộc Sát-đế-lợi

        Hoặc là chư Tiên Thánh

        Xin Nhân giả tỏ bày.

        Bồ-tát đáp lời vua

        Cha là vua Du-đàn

        Xứ ở ven núi Tuyết

        Kinh thành Ca-tỳ-la

        Dân chúng đều an lạc

        Vì cầu đạo Vô thượng

        Nên nay mới xuất gia.

        Vua lại cúi đầu thưa

        Nhân giả hãy còn trẻ

        Dung mạo thật tươi đẹp

        Nên sống hưởng dục lạc

        Sao lại chọn hành khất?

        Tôi sẽ chia nước này

        Tôi Ngài cùng trị quốc

        Nay may mắn được gặp

        Lòng tràn ngập niềm vui

        Nguyện được làm bạn thân

        Cùng chung nơi ngôi báu

        Sao vui sống một mình

        Nơi núi rừng hoang vắng?

        Bồ-tát lúc bấy giờ

        Ngôn từ thật dịu dàng

        Từ tốn đáp lời vua

        Tôi nay chẳng luyến tiếc

        Vinh lợi chốn thế gian

        Vì muốn đạt tịch diệt

        Nên xuất gia rời thế

        Huống chi đến nơi này

        Lại còn sinh ham muốn

        Ví như Ta-kiệt long

        Biển khơi là cung điện

        Há chịu vũng chân trâu

        Mà sinh lòng yêu đắm

        Đại vương cần nên biết

        Năm dục lỗi dẫy đầy

        Khiến cho đọa địa ngục

        Súc sinh hay ngạ quỷ

        Bậc trí nên lìa xa

        Dứt bỏ như nhổ bọt

        Dục như quả đã chín

        Ắt rụng chẳng đợi lâu

        Lại như mây trên không

        Tan biến trong chốc lát

        Như làn gió thổi nhanh

        Chẳng lúc nào ngừng nghỉ

        Kẻ đắm say năm dục

        Mất niềm vui giải thoát

        Bậc Đại sĩ trí tuệ

        Ai cầu nhân thống khổ

        Người nếu chưa hưởng dục

        Lửa tham hừng hực luôn

        Nếu đã trải qua rồi

        Lại chuyển tăng không chán

        Yêu thương rồi ly biệt

        Càng thêm bao khổ sầu.

        Cõi trời vui vi diệu

        Quả thù thắng cõi người

        Giả sử người thế gian

        Thọ hưởng được cả hai

        Tâm vẫn chưa biết đủ

        Được rồi lại mong thêm

        Ví như kẻ đói khát

        Lại uống nhầm nước mặn

        Năm dục cũng như trên

        Mong cầu chẳng dừng nghi

        Thường ở trong tử sinh

        Luân xoay vòng không thoát

        Nếu là Bậc Tuệ trí

        Phải nhiếp phục các căn

        Chứng Vô lậu quả

        Thánh Đó chính là trí túc

        Vua nay nên quán thân

        Vô thường không bền chắc

         Chín lỗ luôn chảy tuôn

        Các cơ quan thọ khổ

        Tôi tuy thọ ngũ dục

        Nhưng chẳng hề tham đắm

        Chỉ cầu vui tịch diệt

        Ví thế nên xuất gia

        Tần-bà-sa-la nói

        Lành thay Bậc Đạo Sư

        Xin thờ Ngài làm thầy

        Ngài là bậc con vua

        Đã dứt bỏ năm dục

        Tôi nay khuyên tục lợi

        Thật đắc tội vô biên

        Mong vì lòng từ bi

        Xót thương xá tội lỗi

        Chứng đắc Bậc Giác Ngộ

        Ở nơi cảnh giới này

        Xin chớ quên thân tôi

        Tôi sắp được đại lợi.

        Liền từ tòa khởi tâm

        Đảnh lễ chân Bồ-tát

        Nhiễu quanh trăm ngàn lần

        Rồi trở lại hoàng cung

        Bồ-tát tâm điều phục

        Làm chỗ tựa cho đời

        Tùy duyên mà đi ở

        Sẽ đến sông Ni-liên.